Người Mẹ Tốt Hơn Là Người Thầy Tốt

CHƯƠNG 21: BỐN CHỮ QUÝ HƠN VÀNG



Gần như chúng ta có thể nhìn thấy bốn chữ này ở tất cả những người đáng được tôn kính, cũng có thể cảm nhận được những khiếm khuyết về mặt này ở những người khiếm khuyết về nhân cách. Có thể cho con trẻ thứ gì quan trọng hơn là cho con bốn chữ này đây.
Nếu bảo tôi nói ra niềm hy vọng mà tôi gửi gắm ở con gái trong tương lai, tôi mong sau này con có một công việc tốt, được làm nghề mà mình thích; mong con có được mối quan hệ tốt với mọi người, có mấy người bạn tri âm tri kỷ thân thiết với nhau suốt cuộc đời; mong con có được một tình yêu đẹp, có cuộc sống gia đình êm ấm hạnh phúc… Niềm hy vọng của tôi chắc chắn cũng giống như những người mẹ khác, có người mẹ nào không suy nghĩ như vậy!
Những niềm mong mỏi này, không phải dựa vào sự may mắn, không thể do Thượng Đế ban tặng, mà phải dựa vào chính bản thân mình.
Những năm qua, được chứng kiến rất nhiều người và cuộc đời của họ, càng ngày càng cảm thấy câu nói “tính cách quyết định vận mệnh” gần như là chân lý. Chính vì vậy, khi tôi thiết tha kỳ vọng con được hạnh phúc suốt đời, thì càng quan tâm đến sự phát triển lành mạnh về tâm lý của con.
Yếu tố để giúp tâm lý lành mạnh có rất nhiều, nó giống như một vườn hoa, bên trong trồng đầy các cây hoa đẹp như tự tin, thân thiện, thành thật, thấu hiểu – mảnh đất bén rễ của chúng là bốn chữ, không có bốn chữ này, rất nhiều thứ trong vườn hoa không thể sinh trưởng. Chính vì thế tôi nghĩ, nếu bảo tôi phải treo một câu châm ngôn cho gian phòng khách cuộc đời của con gái, để định hướng và phù hộ cho con trong suốt cuộc đời, thì bốn chữ mà tôi muốn viết chính là: Thực sự cầu thị(1).
___________________
(1) Thực sự cầu thị: Dựa vào tình hình thực tế, không thổi phồng, không thu nhỏ, nhìn nhận và xử lý vấn đề một cách đúng đắn, đúng bản chất (ND).
Bốn chữ này giản dị biết bao, thường khiến người ta lãng quên, nhưng lại không thể tách rời trong suốt cuộc đời. Gần như chúng ta có thể nhìn thấy bốn chữ này ở tất cả những người đáng được tôn kính, cũng có thể cảm nhận được những khiếm khuyết về mặt này ở những người khiếm khuyết về nhân cách. Có thể cho con trẻ thứ gì quan trọng hơn bốn chữ này đây – điểm này không hề huyễn hoặc – nếu cuộc đời thiếu bốn chữ này, sẽ giống như sự sống thiếu không khí, chính vì vậy, nó thực sự quý hơn vàng.
Điều chúng ta rất dễ dàng làm được, là nói cho con trẻ biết phải “thực sự cầu thị”; sai lầm mà chúng ta cũng dễ dàng mắc phải, là không thực sự cầu thị trong hành động. Sai lầm này thường vô tình bộc lộ ra, có lẽ nó không đại diện cho phẩm chất nhân cách căn bản của chúng ta, nhưng nó gây ảnh hưởng xấu cho con trẻ, khiến chúng đi về phía đối lập với thực sự cầu thị mà không hề hay biết.
Ví dụ có bậc phụ huynh nói trước mặt con rằng “những kẻ có tiền không có người nào là người tốt cả”, sau đó lại phàn nàn rằng tiền nhà mình quá ít, sau đó lại quy nguyên nhân của việc không kiếm được tiền là do ảnh hưởng của xã hội hoặc người khác. Cứ vòng vèo như vậy, con trẻ sẽ không biết đâu mà lần. Lại còn có bậc phụ huynh, yêu cầu con trẻ làm việc phải chín chắn, nhưng bản thân mình lại thích huênh hoang, phô trương. Những người bố người mẹ như vậy, kể cả suốt ngày đặt câu “thực sự cầu thị” ở bên miệng, con cũng khó mà lĩnh hội được nội hàm của bốn chữ này, khó mà biến chúng thành tư tưởng của mình.
Chính vì thế, nếu mong con thực sự có được bốn chữ này, bố mẹ nhất thiết phải chú ý đến hành vi của mình, suy nghĩ xem lời nói và hành động của mình có thật sự thực sự cầu thị hay không. Giáo dục bằng hành động quan trọng hơn giáo dục bằng lời nói, trong vấn đề này đặc biệt càng như vậy.
Trong vấn đề giáo dục Viên Viên, tôi và ông xã không nhất thiết thường xuyên nhắc đến bốn chữ “thực sự cầu thị” với con, nhưng luôn cố gắng làm theo bốn chữ này. Trước hết là lấy mình ra làm gương, cố gắng làm việc theo bốn chữ này. Thứ hai là trong vấn đề giáo dục con luôn cố gắng tuân thủ bốn chữ này.
Chúng tôi không bao giờ yêu cầu con thành tích học tập phải đạt bao nhiêu, không bao giờ so bì thứ hạng với người khác, là muốn con thực sự cầu thị trong học tập; chúng tôi tuyệt đối không ép buộc con làm bất kỳ việc gì mà con không muốn làm, là vì chúng tôi muốn suy nghĩ một cách thực sự cầu thị cảm nhận tâm lý của con trẻ, không muốn để con phải phục tùng bề ngoài; chúng tôi đặc biệt sẵn lòng tiếp nhận ý kiến của người khác, bao gồm ý kiến của con, cả nhà thường ngồi cùng nhau để “họp gia đình”, điều này giúp con học được cách dùng con mắt thực sự cầu thị để nhìn nhận về khuyết điểm của mình và người khác, đối mặt một cách khách quan, tích cực cải thiện… Việc giáo dục thực sự cầu thị được thể hiện trong mọi chi tiết của cuộc sống, có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Khi học kỳ I của năm lớp một chuẩn bị kết thúc, lớp Viên Viên bình chọn “Học sinh Ba tốt”, bỏ phiếu không ghi tên, mỗi người được chọn ba bạn. Về đến nhà Viên Viên nói với tôi rằng, cô bé giành được nhiều phiếu nhất, cả lớp bốn mươi lăm người, cô bé được bốn mươi ba phiếu, hai phiếu bị thiếu là do hai bạn trai không bỏ phiếu cho. Tôi hỏi tại sao lại biết ai không bỏ phiếu cho con, Viên Viên nói sau khi tan học hai bạn trai đó đã nói với cô bé.
Mặc dù tôi thấy vui vì Viên Viên giành được số phiếu cao, nhưng tự nhiên trong đầu lại nảy ra một suy nghĩ: Xem ra Viên Viên bỏ cho mình một phiếu, như thế có phù hợp không? Hai cậu bé đó không bỏ phiếu cho cô, có phải là do có thành kiến gì với cô bé không? Nhưng tôi đã nhanh chóng ý thức được sự thô tục của mình.
Tại sao con trẻ không thể bình thản bỏ cho mình một phiếu? Cậu bạn trai không bỏ phiếu cho Viên Viên tức là có thành kiến với cô bé ư? Chúng mới chỉ là những đứa trẻ sáu, bảy tuổi, trái tim trong sáng như vậy, trong đầu làm gì có những suy nghĩ thô tục như tôi. Khi kể với tôi những điều này, giọng Viên Viên tự nhiên vui vẻ, nói đến hai cậu bạn đó như nói đến những người bạn đã bỏ phiếu cho cô, không có gì khác. Tôi thấy may mắn vì mình không nói ra, nếu không, chỉ cần nói ra hai câu kinh ngạc, là đủ để khiến con trẻ luống cuống không biết phải làm như thế nào, trái tim của cô bé sẽ bị vấy bẩn. Tôi chỉ thơm lên má con, nói với cô bé bằng giọng đầy khen ngợi rằng, xem ra con gái của mẹ làm rất tốt đó nhỉ.
Hôm sau, sau khi làm xong bài tập đột nhiên Viên Viên như sực nhớ ra điều gì, hỏi tôi, “Mẹ bảo mình có tự bỏ phiếu cho mình được không ạ?”. Tôi trả lời bằng giọng rất khẳng định, được chứ, chỉ cần cảm thấy mình có đủ những điều kiện của “Học sinh Ba tốt”, là có thể bỏ phiếu cho mình, không phải con đã làm như vậy đó sao? Viên Viên kể với tôi bằng giọng thắc mắc, hôm nay một bạn nam cùng bàn nói với con rằng, bình chọn “Học sinh Ba tốt” chỉ có thể chọn người khác, không được chọn mình, chọn mình tức là không khiêm tốn.
Tôi đoán có lẽ là do tối hôm qua cậu bé này được một người lớn nào đó “dạy dỗ”. Nhưng tôi không nói ra những suy nghĩ của mình, chỉ cười và nói với con gái, bạn ấy hiểu sai rồi, con đi nói với bạn ấy rằng, nếu cảm thấy điều kiện của mình không đủ thì không bỏ phiếu cho mình, nếu cảm thấy đủ và mong muốn mình được làm “Học sinh Ba tốt” thì có thể bỏ phiếu cho mình. Nếu như trong lòng muốn làm “Học sinh Ba tốt”, đồng thời cảm thấy mình có đủ điều kiện để làm “Học sinh Ba tốt”, nhưng lại cố tình không bỏ phiếu cho mình thì đó mới là không đúng. Cái này không có gì liên quan đến với khiêm tốn hay kiêu căng cả.
Từ đó trở đi mỗi lần bình chọn “Học sinh Ba tốt”, Viên Viên đều bỏ một phiếu cho mình, bởi thành tích học tập của cô bé luôn đứng tốp đầu, làm cán bộ lớp, cô bé rất tự tin vào mình.
Nhưng dần dần Viên Viên cũng phát hiện ra một số cách suy nghĩ và cách làm tế nhị của các bạn trong vấn đề này. Mọi người ngày càng coi trọng vấn đề ai bỏ phiếu cho ai, đồng thời không ai muốn thừa nhận mình bỏ phiếu cho mình. Dần dần Viên Viên cũng cảm nhận được tại sao người khác lại làm như vậy, nhưng khi có bạn nào hỏi cô bé đã bỏ phiếu cho ai, cô bé không bao giờ giấu diếm, thành khẩn nói rằng cũng bỏ cho mình một phiếu. Khi nói ra như vậy, cô bé cũng cảm thấy có phần hơi ngại, liền về nhà nói ra những suy nghĩ của mình cho tôi nghe.
Tôi nói với con gái rằng, làm thế nào thì nói như thế, chân thực là tốt nhất, đẹp nhất. Con bỏ phiếu cho ai, ai bỏ phiếu cho con, chỉ cần con cảm thấy việc làm này là đúng, không có gì là xấu hổ cả, giả vờ giả vịt mới là không đúng, không nên ngại.
Những câu nói này của mẹ khiến Viên Viên cảm thấy yên tâm hơn, trong chuyện này cô bé luôn làm thế nào thì nói như thế.
Khi lên lớp bảy, lớp Viên Viên cũng tiến hành bỏ phiếu bình bầu “Học sinh Ba tốt”, cũng giống như mọi lần cô bé đã bỏ cho mình một phiếu. Về đến ký túc xá có bạn liền hỏi, Viên Viên thẳng thắn thừa nhận rằng đã bầu cho mình một phiếu. Nhưng lần đó Viên Viên không được bình chọn là “Học sinh Ba tốt”, bởi điểm môn thể dục không đạt được mức “tốt” mà hoạt động bình bầu “Học sinh Ba tốt” yêu cầu, cô bé đã mất tư cách tham gia bình chọn. Sở dĩ Viên Viên bỏ cho mình một phiếu, là do trước đó chúng tôi đã nói chuyện một lần về chuyện này, cô bé hy vọng luôn giữ được danh hiệu “Học sinh Ba tốt”, sợ rằng sau khi lên cấp hai điểm thể dục của mình kém, sẽ ảnh hưởng đến kết quả bình chọn. Tôi ai ủi con gái rằng, chắc nhà trường sẽ xem xét trường hợp của con thôi, con mới có mười tuổi, nhỏ hơn hai, ba tuổi so với các bạn khác, người khác đã bước vào tuổi dậy thì rồi, phát triển rồi, con vẫn ở trong độ tuổi của học sinh tiểu học, chắc là nhà trường sẽ nới lỏng yêu cầu đối với môn thể dục.
Tôi còn nhắc đến chuyện trong buổi họp phụ huynh của lớp, cô giáo chủ nhiệm lớp cô bé đã biểu dương bốn bạn học sinh sáng nào cũng kiên trì tập thể dục, trong đó có cả Viên Viên, cho rằng với những biểu hiện của cô bé, bình chọn “Học sinh Ba tốt” chắc không có vấn đề gì.
Nhưng nhà trường không xem xét đến trường hợp đặc biệt của Viên Viên. Chính vì thế sang năm sau lại bình chọn “Học sinh Ba tốt”, Viên Viên không bỏ phiếu cho mình nữa, mà bỏ hết cho người khác, bởi điểm thể dục của cô bé vẫn không đạt được mức “tốt”.
Nhưng lần này về đến ký túc xá Viên Viên nói không bỏ phiếu cho mình, lại có bạn cho rằng cô bé cũng khôn hơn rồi, biết giấu diếm rồi. Về đến nhà Viên Viên kể cho tôi nghe chuyện này, cảm thấy tại sao người khác lại hiểu như vậy, quá phức tạp hóa vấn đề. Tôi cảm thấy trong vấn đề này Viên Viên đã hình thành được sự nhận thức tương đối ổn định. Một thời gian sau đó không lâu, trong lớp lại bỏ phiếu lựa chọn cán bộ lớp. Viên Viên bỏ phiếu cho một người bạn mà bình thường cô bé không quý lắm, cô nói vì bạn đó năng lực công tác rất tốt, thích hợp đảm nhiệm chức vụ đó. Trong mắt học sinh cấp hai, được làm cán bộ lớp là một niềm vinh dự, chính vì thế một lá phiếu trong tay mỗi học sinh được bỏ cho ai thường bị chi phối bởi sự quý và không quý mến ai, khi bỏ phiếu các em thường quan tâm đến việc bình thường mình có quan hệ tốt với ai. Viên Viên biết đứng trên góc độ đánh giá năng lực công tác để quyết định bỏ phiếu cho ai, tinh thần thực sự cầu thị này rất đáng quý.
Phong cách làm việc chín chắn của một đứa trẻ trong cuộc sống tương lai được quyết định trong quá trình trưởng thành, trẻ được ảnh hưởng bởi bốn chữ thực sự cầu thị ở mức độ nào, được quyết định bởi phương thức tư duy của trẻ sau khi trưởng thành tiếp cận thế nào với bốn chữ này.
Mặt đối lập chủ yếu của thực sự cầu thị không phải là giả dối, mà là nông nổi – nông cạn, xốc nổi, và sự quá khích, ghen tị ẩn dưới những điều này – nhìn thì tưởng là vấn đề nhỏ, được bộc lộ một cách vô tình, nhưng lại có sức phá hoại lớn.
Hiện nay mỗi gia đình chỉ có một đứa con, niềm mong mỏi con được thành đạt đã khiến không ít bố mẹ coi trọng thể diện, nông nổi, thường xuyên xuất hiện những hành vi quá khích. Sống trong một cuộc sống không thiết thực con trẻ vô cùng đau khổ, dễ dàng vấp phải thất bại; nhưng bố mẹ lại không biết mình đã làm gì với con.
Tôi đã tiếp xúc với không ít các bậc phụ huynh, thường xuyên giúp đỡ một số ông bố bà mẹ giải quyết một số vấn đề trong quá trình giáo dục con, nhưng cũng không ngừng than thở về sự tế nhị và khó giải quyết trong một số vấn đề. Càng ngày tôi càng phát hiện ra rằng, rất nhiều phương pháp giáo dục không đúng cách của các bậc phụ huynh là do những khiếm khuyết trong kiến thức giáo dục của họ, là do sự hão huyền, nông nổi.
Dưới đây là một ví dụ rất tiêu biểu tôi vừa mới gặp.
Một người quen của tôi gọi điện thoại cho tôi, nói con gái của người bà con của chị hiện giờ đang có một số vấn đề về tâm lý, hỏi tôi có thể tư vấn một chút về tâm lý cho cô bé đó không. Cô bé này đã hai mươi lăm tuổi, bố cô bé là một giáo viên dạy giỏi ở một trường phổ thông trung học rất nổi tiếng, ông thường chủ nhiệm lớp mười hai, những học sinh mà ông dạy phần lớn đều thi đỗ các trường đại học nổi tiếng như Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa…, trong giới giáo dục ông cũng là một người khá nổi tiếng. Mẹ của cô gái cũng là một giáo viên trung học. Lớn lên trong một gia đình như vậy, cô gái bị giáo dục rất nghiêm khắc, từ nhỏ học khá giỏi, cấp ba học tại trường mà bố cô bé đang dạy.
Theo lực học do nhà trường đánh giá, hồi đó cô bé có khả năng sẽ đỗ trường Đại học Thanh Hoa, nhưng cũng không chắc chắn lắm. Khi đăng ký nguyện vọng thi đại học, bố cô bé nói nếu như con không thi đỗ vào trường Đại học Thanh Hoa thì sau này bố sẽ không giữ được tiếng tăm trong công tác giảng dạy nữa, và thế là ông đã yêu cầu con gái đăng ký thi trường Đại học Thanh Hoa. Mẹ cô bé cũng khuyên con, nói nếu con thi đỗ trường Thanh Hoa, mẹ dạy học ở trường cũng thấy tự tin hơn.
Để cho con gái không có suy nghĩ khác, họ đề nghị con chỉ đăng ký một nguyện vọng, không đăng ký nguyện vọng hai. Kết quả cô bé thiếu tám điểm nên không đỗ(1), đành phải ôn thi lại. Một năm sau khi đăng ký nguyện vọng, cô bé có phần e dè, nguyện vọng một không dám đăng ký trường Đại học Thanh Hoa, muốn đăng ký một trường đại học khác cũng khá có tiếng. Nhưng bố mẹ cô bé cho rằng, với số điểm năm ngoái, cô bé đã có thể đỗ được vào trường đại học đó, đã ôn thi thêm một năm rồi, thì phải đăng ký Đại học Thanh Hoa mới giữ được thể diện, và thế là lại xúi con đăng ký trường Thanh Hoa. Lần này ngoài trường Đại học Thanh Hoa, may mà cô bé còn đăng ký nguyện vọng hai, kết quả vẫn bị thiếu mấy điểm, không đỗ được trường Thanh Hoa, mà đỗ nguyện vọng hai. Thực ra trường đại học nguyện vọng hai cũng không tồi, nhưng gia đình này lại luôn cho rằng không vào được trường Thanh Hoa thì vô cùng ấm ức, bố mẹ cô bé luôn cảm thấy bị mất mặt vì con gái đã ôn thêm một năm mới thi được vào một trường đại học bình thường, thở ngắn than dài, luôn tỏ ra không hài lòng, khiến con gái học bốn năm đại học trong sự buồn chán, thậm chí giữa chừng còn nghỉ học nửa năm.
___________________
(1) Năm 2010, điểm chuẩn của trường đại học Thanh Hoa dành cho nhóm ngành tự nhiên là 663 điểm, nhóm ngành xã hội 638 điểm (dành cho thí sinh khu vực Bắc Kinh) (ND).
Sau khi tốt nghiệp đại học cô bé lại đăng ký thi thạc sĩ vào trường Đại học Thanh Hoa, nhưng vẫn không đỗ, liền muốn đi du học nước ngoài. Đăng ký hai trường đại học nổi tiếng của nước ngoài, không hiểu sao đều không thành công. Lại một lần nữa bị hẫng hụt. Sau đó bố mẹ cô bé thông qua mối quan hệ giúp cô tìm được một công việc khá tốt, đáng lý ra phải cảm thấy mừng, nhưng điều khiến cô bé ấm ức là hai người bạn đồng nghiệp khác cùng vào làm việc với cô đều tốt nghiệp trường đại học nổi tiếng. Sau khi làm việc được một năm, một trong hai người đó được đề bạt một chức nhỏ, điều này khiến cô gái không chịu nổi, không xin nghỉ mà bỏ nhà ra đi nửa tháng, sau khi quay về không chịu đi làm nữa.
Hiện nay hàng ngày cô gái nhốt mình trong phòng, ngoài lên mạng Internet và ngủ, không làm việc gì khác. Trước sự khuyên nhủ hết lời của mọi người, cô gái đã đi gặp bác sĩ tâm lý để khám bệnh, bác sĩ nói cô mắc bệnh trầm cảm, nói chuyện một lúc với cô và kê đơn thuốc. Nhưng hơn một tháng trôi qua, không có tác dụng gì, hiện giờ cô gái không những nhốt mình cả ngày trong phòng, thậm chí ngay cả rèm cửa cũng không cho phép người khác kéo ra.
Bố của cô gái cũng thực sự suy sụp. Ông vốn luôn mạnh mẽ hiếu thắng, trong bất kỳ chuyện gì đều không chịu thua, những chuyện trắc trở mà con gái gặp trong mấy năm qua đã khiến ông vô cùng chán chường, ông cảm thấy mình thực sự thất bại, thực sự mất mặt với vai trò của một bậc phụ huynh.
Nghe xong câu chuyện này tôi cảm thấy vô cùng tiếc cho cô gái, nhưng tôi nói với người bạn rằng tôi không tư vấn được gì về mặt tâm lý, không phải không muốn giúp, mà là không giúp được.
Trong lời kể của chị bạn, đặc biệt là qua một số chi tiết, tôi đã nhìn thấy rất rõ tại sao cô gái lại đi đến ngày hôm nay. Mặc dù chuyện mà tôi nghe được là một câu chuyện tương đối riêng lẻ, nhưng gần như có thể khẳng định, bố mẹ cô gái có cách suy nghĩ vấn đề như thế trong chuyện con gái thi đại học, chắc chắn trong cuộc sống bình thường cũng có lối tư duy như vậy. Chính vì thế vấn đề của cô gái không phải là chuyện của một sớm một chiều, mà là một vấn đề đã được tích tụ lâu ngày, thi đại học chỉ là đẩy vấn đề sang chiều hướng xấu hơn.
Những người bố người mẹ coi trọng lòng sĩ diện đã làm mệt chính mình, và cũng làm khổ con.
Nếu thời gian có thể lùi lại, tôi sẽ sẵn lòng giúp đỡ, tôi sẽ nhanh chóng đi nói với bố mẹ cô gái rằng, trong giáo dục con trẻ, mọi vấn đề đều phải cố gắng xuất phát trên góc độ thực sự cầu thị, càng thực sự cầu thị, cuộc đời của con gái anh chị càng thuận lợi, cuộc sống của cô ấy mới có thể hạnh phúc hơn, mới có thể khiến anh chị tự hào hơn.
Rousseau nói “Đạo đức cao thượng nhất là tiêu cực, đồng thời cũng là khó đưa vào thực tiễn nhất, bởi đạo đức này không phải làm để cho người ta xem”(1). Từ việc đối xử với người khác, mở rộng câu nói này sang vấn đề đối xử với mình, có thể lý giải như thế này: Khi con người làm một việc gì đó nhằm vào mình, cũng buộc phải thực sự cầu thị, làm việc gì “không phải làm để cho người ta xem”, đấy chính là sự chân thực của con người đối với bản thân mình, cũng là sự đối xử tốt với mình – chỉ có điều có thể nó cũng “khó đưa vào thực tiễn như vậy”.
________________
(1) Jean-Jacques Rousseau, Emile, Lý Bình Âu dịch, NXB Giáo dục Nhân dân, tái bản lần thứ nhất tháng 5-2001, tr.113 (Bản dịch tiếng Việt Jean-Jacques Rousseau, Emile hay là về giáo dục Lê Hồng Sâm, Trần Quốc Dương dịch, Bùi Văn Nam Sơn giới thiệu, NXB Tri thức, xuất bản tháng 7 -2008, 692 trang).
Bố mẹ thường không dễ dàng phát hiện ra sự nông nổi của mình, đây cũng là nguyên nhân khiến lòng sĩ diện và sự nông nổi thường đi liền với nhau – nhỏ là thưởng phạt con trẻ lung tung, ăn nói bốc đồng, dùng lời nói để hạ thấp đối thủ; lớn là can thiệp chỉ đạo linh tinh khi con trẻ chọn ngành, chọn nghề, thậm chí chọn người yêu – ngày tháng trôi qua, tích tụ dần dần, vô hình trung đã làm đảo lộn giá trị quan của con trẻ, khiến đôi chân chúng không thể đặt xuống đất.
Không chín chắn là vết thương cứng trong cuộc đời, bóp méo phương thức tư duy của con người, khiến người ta không thể đối mặt một cách khách quan với người khác, cũng không thể đối mặt một cách chân thực với mình.
Người không có tinh thần thực sự cầu thị, kể cả anh ta rất sắc sảo, tầm nhìn cũng thường hạn hẹp; kể cả anh ta rất cố gắng, nhưng cũng thường thiếu sức bật về sau; kể cả anh ta rất tự cao tự đại, nhưng nền tảng cũng không vững chắc; kể cả anh ta muốn yêu, nhưng cũng sẽ không biết trân trọng. Anh ta vừa thiếu sự điềm đạm và bình tĩnh, không thể làm được một người bình thường nhưng hạnh phúc; cũng thiếu cá tính và sức sáng tạo, rất khó trở thành người xuất sắc.
Bồi dưỡng tinh thần thực sự cầu thị ở trẻ, ngoài việc bố mẹ phải lấy bản thân mình làm gương, chú ý tạo ảnh hưởng trong lời nói và việc làm, tôi cho rằng đọc sách cũng có tác dụng rất tốt. Đặc biệt là truyện ký của một số nhân vật nổi tiếng, có ảnh hưởng rất lớn đến trẻ em.
Những nhân vật kiệt xuất đó, dù là nhà khoa học, nhà nghệ thuật, hay chính trị gia, doanh nhân, lòng yêu sự nghiệp, ý chí kiên định của họ, dũng khí mang tính sáng tạo, có nhận thức sâu, tất cả đều bộc lộ lối tư duy thực sự cầu thị, tất cả đều chứa đầy tinh thần thực sự cầu thị. Thành quả của họ, tất cả đều bén rễ trên mảnh đất thực sự cầu thị vững chãi này. Đọc truyện ký của những nhân vật vĩ đại, chính là giao lưu tư tưởng với một số con người xuất sắc, tư tưởng xuất sắc, chính là hình thành nên những cái chân thiện mỹ của mình.
Thực sự cầu thị là một chủ đề rất lớn, không bao giờ có thể nói hết; đồng thời thực sự cầu thị lại là một việc vô cùng đơn giản, không cần bất kỳ kỹ xảo nào mà vẫn có thể thực hiện ở mọi nơi mọi lúc. Bốn chữ này không màu mè, nhưng lại đem lại cho con người ta sự bảo vệ tốt nhất; vô cùng bình dị, nhưng lại đem lại màu sắc rực rỡ cho con người. Tôi muốn nói một lần nữa rằng, cho con bốn chữ này, thực sự còn quý hơn cả cho con vàng nén!
Lưu ý đặc biệt
Mặt đối lập chủ yếu của thực sự cầu thị không phải là giả dối, mà là nông nổi – nông cạn, xốc nổi, và sự quá khích, ghen tị ẩn dưới những điều này.
Rất nhiều phương pháp giáo dục không đúng cách của các bậc phụ huynh là do những khiếm khuyết trong kiến thức giáo dục của họ, là do sự hão huyền và nông nổi.
Bố mẹ thường không dễ dàng phát hiện ra sự nông nổi của mình, đây cũng là nguyên nhân khiến lòng sĩ diện và sự nông nổi thường đi liền với nhau – nhỏ là thưởng phạt con trẻ lung tung, ăn nói bốc đồng, dùng lời nói để hạ thấp đối thủ; lớn là can thiệp chỉ đạo linh tinh khi con trẻ chọn ngành, chọn nghề, thậm chí chọn người yêu – ngày tháng trôi qua, tích tụ dần dần, vô hình trung đã làm đảo lộn giá trị quan của con trẻ, khiến đôi chân chúng không thể đặt xuống đất.
Không chín chắn là vết thương cứng trong cuộc đời, bóp méo phương thức tư duy của con người, khiến người ta không thể đối mặt một cách khách quan với người khác, cũng không thể đối mặt một cách chân thực với mình.
Bồi dưỡng tinh thần thực sự cầu thị ở trẻ, ngoài việc bố mẹ phải lấy bản thân mình làm gương, chú ý tạo ảnh hưởng trong lời nói và việc làm, đọc sách cũng có tác dụng rất tốt. Đọc truyện ký của những nhân vật vĩ đại, chính là giao lưu tư tưởng với một số người xuất sắc, tư tưởng xuất sắc, chính là hình thành nên những cái chân thiện mỹ của mình.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.