Người Mẹ Tốt Hơn Là Người Thầy Tốt

CHƯƠNG 24: PHẠT CON, KHÔNG CHO CON LÀM BÀI TẬP



Trong quá trình giáo dục con trẻ, sở dĩ người lớn thường xuyên áp dụng những phương pháp không thích hợp, khiến “giáo dục” biến thành một hành vi mang tính phá hoại, là do hai nguyên nhân căn bản nhất: Một là không tin tưởng con trẻ, hai là quá tin tưởng vào chính mình.
Trong cuốn Harvard Family Instruction có một câu chuyện như sau: Có ba thanh niên trẻ tuổi nhàn rỗi, những lúc không có việc gì làm thường lấy việc đá thùng rác trong khu dân cư làm trò tiêu khiển, người dân sống ở đây không chịu được sự ồn ào, khuyên nhủ nhiều lần đều không ăn thua, mọi người càng nói họ càng đá hăng. Sau đó, có một cụ già chuyển đến đây ở, cụ liền nghĩ ra một cách không cho họ đá thùng rác nữa. Một hôm, khi họ lại bắt đầu đá, cụ già liền đến bên họ nói, tôi thích nghe tiếng các anh đá thùng rác, nếu ngày nào các anh cũng làm như thế này thì mỗi ngày tôi trả công các anh một USD. Mấy thanh niên trẻ rất phấn khởi, và thế là họ càng hăng hái đá. Mấy ngày trôi qua, cụ già nói với họ rằng, dạo này kinh tế của tôi khá khó khăn, không thể trả các anh nhiều như trước nữa, mỗi ngày chỉ có thể trả năm mươi cent thôi. Ba thanh niên trẻ không hài lòng lắm, đá không còn hết mình như trước nữa. Lại vài ngày nữa trôi qua, cụ già lại nói với họ rằng, gần đây tôi không nhận được sec tiền dưỡng lão, mỗi ngày chỉ có thể trả các anh mười cent thôi, mong các anh hãy thông cảm. “Mười cent? Ông tưởng rằng vì mười cent này mà chúng tôi lại để lãng phí thời gian của mình hay sao!”. Một thanh niên cao giọng nói, hai người kia cũng nói: “Ít quá, chúng tôi không làm nữa!”. Và thế là họ liền hậm hực bỏ đi, không chịu đá thùng rác nữa.
Cụ già thực sự là một cao thủ, so với những lời khuyên răn trực tiếp của người khác, công tác thuyết phục của cụ không để lại dấu vết gì, nhưng lại thu được kết quả rõ rệt. Phân tích phương pháp của cụ có thể nhận thấy, trước hết cụ già thông qua việc “cho”, biến “niềm say mê” của mấy thanh niên trẻ thành một “trách nhiệm”, đây là bước đầu tiên, mục tiêu là giảm bớt “niềm say mê”. Bất kỳ sự việc nào, khi bên trong nó bao hàm các nhân tố như trao đổi, bị giám sát, trách nhiệm, tính thú vị của nó sẽ bị giảm đi rất nhiều. Sau đó, thông qua việc giảm bớt số tiền chi trả, cụ già đã kích thích tâm lý phản nghịch của họ đối với việc đá thùng rác, đây là bước thứ hai. Cuối cùng, cụ già lại tiếp tục trả thấp đi, đồng thời đưa ra mức giá mười cent khiến họ không thể chấp nhận, khiến họ nảy sinh tâm lý bài xích việc đá thùng rác, nảy sinh tâm lý phản nghịch. Và thế là, một chuyện vốn khiến mấy thanh niên cảm thấy thú vị đã đứng sang phía đối lập với họ, khiến họ trở thành “người bị hại”. Lúc này bắt họ đi làm, chắc chắn sẽ rất khó.
Câu chuyện này bề ngoài nhìn sẽ thấy không có gì liên quan đến việc làm bài tập, nhưng tư tưởng giáo dục bao hàm bên trong nó lại có thể vận dụng vào việc quản lý bài tập của con trẻ. Đó chính là giáo viên và phụ huynh cần điều động sự nhiệt tình của con trẻ đối với việc làm bài tập, sử dụng một cách thích hợp tư duy theo chiều ngược, cần kích thích sự nhiệt tình của trẻ đối với việc làm bài tập, không nên kích thích sự chán ghét của trẻ đối với công việc này.
Nhưng trong thực tế, rất nhiều giáo viên và phụ huynh đã sử dụng sai phương pháp. Cách làm điển hình nhất ngu xuẩn nhất chính là lấy việc “làm bài tập” là thủ đoạn để trừng phạt, đối phó với một lỗi nào đó của học sinh. Câu nói cửa miệng của rất nhiều phụ huynh hoặc giáo viên là “Nếu con không chịu nghe lời sẽ phạt con phải làm bài tập”.
Tôi nghe một vị phụ huynh kể con trai chị vì quên mang vở bài tập tiếng Anh, bị cô giáo phạt viết một trăm lần câu “Em quên mang vở bài tập tiếng Anh là không đúng”. Giáo viên làm như vậy đã hoàn toàn không phải vì giáo dục, mà chỉ là lạm dụng quyền lực dưới tâm lý báo thù. Trẻ rơi vào thế yếu, em không biết làm thế nào, chỉ có thể viết câu này một trăm lần. Có thể tưởng tượng, điều này sẽ khiến trẻ cảm thấy chán ghét biết bao, trong lòng em, môn tiếng Anh có thể mãi mãi sẽ trở thành một môn học đáng ghét.
Tôi còn từng gặp một giáo viên, đối với những học sinh trong lớp không chịu nghe lời, cô giáo này không đánh cũng không chửi, mà chỉ là giờ giải lao không cho chơi, gọi lên văn phòng bắt làm bài tập. Tật xấu của trẻ đã được trừng trị, nhưng những học sinh bị cô xử lý bằng cách đó, gần như không bao giờ thích học nữa.
Một trường tiểu học nọ ở Bắc Kinh, yêu cầu trong vở bài tập của học sinh không được phép có một chữ viết sai, nếu xuất hiện một chữ viết sai, không những chữ này phải viết một trăm lần, mà nội dung của cả trang vở cũng phải viết lại một lần. Cách làm này đã khiến học sinh vô cùng thấp thỏm khi làm bài tập, chỉ sợ viết sai một chữ, chúng đã quên mất việc tại sao phải làm bài tập từ lâu, chúng chỉ làm bài tập để “không mắc lỗi”. Con trẻ vừa mới bước vào con đường học tập, đã bắt đầu để mất phương hướng.
Lại còn có một ví dụ thảm thương hơn. Ngày 25 tháng 4 năm 2007, một học sinh lớp bảy tại một trường cấp hai nọ ở thành phố Tăng Thành – Quảng Đông, vì nói chuyện trong giờ thi tiếng Anh, bị cô giáo phạt viết từ mới, từ bài một đến bài mười bốn, mỗi từ phạt chép mười lần. Tối hôm đó em học sinh này đã tự tử.
Rất nhiều phụ huynh và giáo viên, một mặt yêu cầu con trẻ say mê học tập, một mặt lại lấy “học tập” làm thủ đoạn bạo lực để trừng phạt trẻ. Khi “bài tập” biến thành một dụng cụ tra tấn, làm sao nó không trở nên đáng sợ trong mắt con trẻ, trẻ còn có thể có thiện cảm với nó nữa không?
Xét cho cùng, ít nhất có thể nhìn thấy ba vấn đề của những người lớn này: Một là trong giáo dục con trẻ không hiểu tâm lý của trẻ, không xem xét đến vấn đề hành động của mình có đi vào lòng con trẻ hay không, chỉ thỏa mãn với sự khuất phục bề ngoài, tạm thời của trẻ; hai là không thích học, trong tiềm thức coi học tập là một việc khổ sai, mỗi khi tức giận cần tìm “dụng cụ tra tấn” liền nghĩ đến việc làm bài tập; ba là ý thức quyền uy trở nên hung hăng trước con trẻ – những người không có đủ sức chống lại, cái ác trong nhân tính vô tình bộc lộ ra.
Bài tập mang tính chất trừng phạt, tất cả đều nói là vì con trẻ, thực ra động lực và nguyên nhân đầu tiên của nó chỉ là do người lớn muốn trút bực, nó không liên quan gì đến giáo dục. Nó hủy hoại chứ không giúp ích gì cho việc học tập của trẻ. Xét về bản chất, nó chỉ là một thủ đoạn bạo lực của giáo viên hoặc phụ huynh áp dụng đối với học sinh.
Bản tính con trẻ không phản cảm với việc làm bài tập, sở dĩ sau này một số trẻ biến thành người không thích làm bài tập là do trong quá trình đi học, đặc biệt là giai đoạn tiểu học, hứng thú làm bài bập đã bị một số việc phá hỏng. Bị phạt làm bài tập, chính là một chiêu có hiệu quả nhất để phá hỏng khẩu vị. Ví dụ, “Mãn Hán toàn tịch”(1) ai cũng thích ăn, nhưng nếu chúng ta đối xử với một người bằng cách ngày ngày bắt anh ta ăn Mãn Hán toàn tịch, đồng thời quy định anh ta mỗi bữa buộc phải ăn bao nhiêu, ăn thiếu một miếng thì sẽ bị phạt bằng cách bắt ăn thêm một trăm miếng nữa – làm như thế một thời gian thử xem, người này sau này khi nhìn thấy thức ăn không nôn mới là lạ.
_________________
(1) Mãn Hán Toàn Tịch, hay Tiệc triều đình Hán Thanh, là một trong những bữa tiệc lớn nhất được ghi chép ở Mãn Châu và lịch sử Trung Hoa. Bữa tiệc này bao gồm một trăm lẻ tám món độc đáo từ nhà Thanh và văn hóa người Hán. Bữa tiệc này đã được tổ chức trọn ba ngày với sáu bữa tiệc. Nghệ thuật ẩm thực và kỹ thuật nấu nướng được thể hiện bởi các đầu bếp đến từ khắp nơi ở Trung Hoa (ND).
John Dewey nói: “Mọi nhu cầu và dục vọng đều bao hàm sự thiếu thốn”. Chúng ta hãy ghi nhớ câu nói này và suy nghĩ một cách nghiêm túc.
Ngược lại có thể suy đoán ra rằng, muốn để một người nào đó thích và trân trọng cái gì, thì không nên cho họ quá nhiều, để họ quá thỏa mãn trong phương diện này, càng không thể lấy đó làm điều kiện trao đổi hoặc thủ đoạn trừng phạt, bắt anh ta phải chấp nhận, mà phải tước đoạt một cách thích đáng, sau khi thấy thiếu thốn và không được thỏa mãn, anh ta mới biết trân trọng. Đồng thời điều quan trọng nhất là để anh ta cảm thấy vui vẻ, cảm thấy mình đã đạt được thành tích, biết tự tôn trọng mình trong quá trình làm việc – cái này dù là trong học tập hay các việc khác, đều có thể áp dụng.
Khi Viên Viên vào lớp một, một lần làm bài tập không cẩn thận, chữ viết nghiêng ngả, rất xấu. Vô tình bố cô bé liếc sang, thật sự bất ngờ khi con gái lại làm như vậy, phê bình cô bé chỉ biết làm qua loa cho qua chuyện và yêu cầu cô bé viết lại. Viên Viên không chịu, tỏ ra rất bướng bỉnh. Ông xã bực quá, liền xé một cách thô bạo trang giấy Viên Viên đã viết được mấy dòng, yêu cầu con phải viết lại. Viên Viên khóc òa lên, vừa khóc vừa bắt đầu viết lại, vì cô bé biết bài tập không làm không được. Một lát sau, bố Viên Viên lại ngó sang xem, phát hiện thấy chữ viết còn tệ hơn những chữ trước, dường như cố tình chống lại anh. Anh lại phê bình con, Viên Viên càng tỏ ra chống đối. Bố Viên Viên vô cùng tức giận, lại xé trang này đi, yêu cầu con gái phải viết cho nghiêm túc, nếu không sẽ không được. Viên Viên lại khóc, bỏ bút xuống, giận dỗi nói con không viết nữa. Ông xã thấy đã muộn, có phần sốt ruột, liền giảng giải lý lẽ cho con nghe, nói muộn thế này rồi, ngày mai còn phải đi học, chỉ cần con viết cho cẩn thận, viết một lần là đẹp, thì đã không phải mất nhiều thời gian như thế. Viên Viên không thèm để ý đến những lời giảng giải của bố, vẫn không chịu viết.
Tôi phát hiện thấy bố cô bé đã mắc một sai lầm, là làm một việc hoàn toàn trái ngược. Tôi vội bước đến, kéo ông xã đang mặt mày hầm hầm ra, cầm trang giấy bị xé lên xem, bình tĩnh nói với Viên Viên: “Con viết như thế này thực sự là không đúng, con thử nhìn xem chữ viết ra cái gì thế này”. Thấy tôi cũng nói như vậy, Viên Viên càng tỏ ra không phục, càng tỏ thái độ “Con không viết đấy”. Thấy cô bé như vậy, tôi vẫn bình thản nói:
“Nếu con cho rằng làm bài tập là một chuyện không tốt thì bắt đầu từ hôm nay, con sẽ không phải làm bài tập nữa”.
Tôi đưa tay thu vở bài tập của cô bé lại, lúc này Viên Viên có phần ngơ ngác, miệng há hốc nhìn tôi. Tôi cầm vở bài tập của cô bé lên, gấp lại, nói: “Học tập là một việc tốt, xem ra con không thích học nữa. Chính vì thế…”. Tôi cuộn tròn cuốn vở bài tập trong tay, giọng quả quyết: “Mẹ sẽ tước quyền làm bài tập của con, từ nay không cho phép con làm bài tập nữa!”.
Thấy tôi nói rất nghiêm túc, Viên Viên cuống lên, cố gắng giằng lại cuốn vở bài tập. Chắc chắn trong lúc này cô bé nghĩ đến việc nếu như không làm xong bài tập, ngày mai đến trường sẽ bị cô giáo phê bình. Cô bé cuống đến mức túm chặt cánh tay tôi, kiễng châng lên, hòng giằng vở bài tập lại, miệng nói “Trả cho con, trả cho con”. Tôi giơ vở bài tập lên cao, không cho cô bé với tới. Tôi nói: “Con viết chữ xấu như vậy, không nghiêm túc chút nào, mẹ sẽ tước quyền làm bài tập của con, đừng viết nữa”. Viên Viên cuống lên như sắp khóc, cô bé vừa cố gắng giằng lại vở bài tập, vừa nói “Con sẽ viết cẩn thận, mẹ đưa cho con!”.
Nghe thấy cô bé nói như vậy, thái độ của tôi cũng đã dịu lại, bảo cô bé trước hết chưa được giằng vở lại, mà phải ngồi xuống để nói chuyện.
Tôi hỏi: “Vừa nãy bố bảo con viết cho cẩn thận, con không chịu, hai lần đều viết xấu như vậy. Mẹ hỏi con, có phải con cảm thấy tập trung làm tốt bài tập là điều không tốt, viết xấu mới là điều tốt đúng không?”. Câu trả lời của Viên Viên là không phải, nói viết đẹp mới tốt.
Tôi lại hỏi, “Có phải làm bài tập rất mệt, viết không cẩn thận sẽ rất thoải mái không?”. Cô bé lắc đầu nói không phải. Tôi nghĩ một lát, nói một cách thực sự cầu thị với con rằng: “Viết cẩn thận và viết không cẩn thận có thể có một chút khác biệt, viết cẩn thận phải tập trung hơn, mất nhiều công sức hơn, có đúng không?”. Cô bé nói đúng, lúc này tâm trạng đã thoải mái hơn.
Tiếp đó tôi lại hỏi: “Con cảm thấy làm bài tập thật cẩn thận, gọn gàng trong lòng sẽ thấy vui hơn hay là viết bừa bãi cẩu thả trong lòng sẽ thấy vui hơn?”. Viên Viên nói viết cẩn thận, gọn gàng trong lòng sẽ thấy vui hơn.
Tôi liền cố tình khích tướng cô bé. “Nhưng viết gọn gàng không thoải mái như viết cẩu thả. Con xem, viết cẩu thả chỉ cần cầm bút lên gạch vài đường trên vở là được, viết cẩn thận thì phải hết sức chăm chú, từng nét từng chữ từng hàng đều phải nắn nót. Mẹ thấy viết cẩu thả sẽ thoải mái hơn”. Viên Viên nghĩ một lát nói: “Không đúng, thoải mái như nhau! Bởi vì, bởi vì…”.
Cô bé muốn diễn đạt điều gì đó, nhưng không biết phải dùng lời như thế nào. Tôi liền hỏi cô bé: “Có phải con muốn nói, viết đẹp viết xấu, đều phải dùng sức như nhau. Ví dụ một chữ có năm nét, viết xấu viết đẹp đều là năm nét, không ít hơn cũng không nhiều hơn, có phải như vậy không?”. Tôi đã nói thay cho con những điều con muốn nói, Viên Viên tỏ ra rất mừng, ánh mắt sáng ngời nói vâng, thái độ tỏ ra vô cùng thoải mái.
Tôi bế cô bé lên đùi nói: “Như thế có nghĩa là, viết đẹp viết xấu đều mất sức gần như nhau, viết đẹp trong lòng sẽ thấy vui hơn, có đúng không?”. Viên Viên nói đúng. Cuộc nói chuyện của chúng tôi đến đây đã rất vui vẻ.
Đến đây, qua cuộc nói chuyện, tôi đã giúp Viên Viên chủ động diễn đạt ra suy nghĩ “bài tập cần phải làm cẩn thận”. Sau khi đã đạt được mục đích này, cái còn lại chỉ là củng cố lại suy nghĩ cho cô bé, đồng thời cho cô bé một nấc thang để xuống.
Tôi nhìn hai trang giấy bị ông xã xé ra nói: “Hôm nay bố cũng không đúng, bố không nên xé vở bài tập. Hôm nay Viên Viên làm bài tập không cẩn thận, đúng lúc có thể thử nghiệm, biết làm bài tập cẩn thận và làm bài tập cẩu thả phải mất sức như nhau, nhưng viết cẩn thận trong lòng sẽ thấy vui hơn. Nếu không thử nghiệm như vậy thì làm sao biết được, con bảo có đúng thế không?”. Viên Viên gật đầu, tự mình cũng cảm thấy có lý, hùng hổ nhìn bố một cái. Ông xã tôi vội xin lỗi con gái, nói mình không nên làm như vậy.
Tôi lại nói: “Chắc chắn từ ngày mai con gái sẽ viết bài cẩn thận, sẽ không làm cẩu thả nữa đâu, khiến mình không vui, có đúng không con?”. Viên Viên gật đầu một cách khẳng định nói vâng.
Tôi nhìn cô bé bằng ánh mắt khen ngợi và tin tưởng nói: “Nếu như thế thì mẹ sẽ trả lại vở cho con. Xem ra mẹ cũng trách nhầm Viên Viên rồi”. Cuốn vở bài tập tưởng đã mất, giờ lại được nhận lại, Viên Viên hoàn toàn không còn tỏ ra chống đối và phản cảm trước việc làm bài tập nữa, cô bé mở vở ra, tỏ vẻ nâng niu.
Lúc này nghĩ đến việc con trẻ dễ tái phạm lỗi cũ, tôi liền tiêm thêm một mũi tiêm phòng cho con, cố gắng để con có tâm trạng tốt khi đối mặt với bài tập, khi xuất hiện tình trạng trên có thể tự mình điều chỉnh về mặt tâm lý. Tôi liền nói: “Nếu hôm nào con không muốn làm bài tập cẩn thận thì cũng có thể làm thật ẩu, thử thí nghiệm một lần nữa, xem giữa làm cẩn thận và làm ẩu có gì khác nhau, cảm nhận xem cái nào sẽ tốt hơn”. Viên Viên nói, “Không cần thử nữa đâu ạ, làm cẩn thận sẽ tốt hơn”, tôi có thể nhận ra là cô bé nói thật lòng.
Tôi không nói gì thêm nữa, thơm lên má con rồi đi ra. Đợi sau khi con đã lên giường đi ngủ, chúng tôi mới len lén lấy vở bài tập ra xem, quả nhiên là viết rất ngay ngắn. Từ đó trở đi, Viên Viên luôn làm bài tập cẩn thận, không phải để chúng tôi lo lắng nữa. Tôi nghe thấy rất nhiều vị phụ huynh phàn nàn rằng con trẻ không chịu nghiêm túc làm bài tập, liền trao đổi cách làm “phạt con không cho con làm bài tập” với họ. Trong đó một số vị phụ huynh vừa nghe xong liền lắc đầu, nói: Con tôi, nếu như bố mẹ phạt không cho nó làm bài tập, có mà nó mừng chết đi được, làm gì có chuyện giằng lại vở, nó không hề sợ hôm sau bị cô giáo phê bình.
Đúng là cũng có những đứa trẻ như thế, nhưng hành vi này đã không còn đại diện cho bản tính của con trẻ, chỉ là một hậu quả khi bản tính bị bóp méo nhiều lần. Điều mà nó phản ánh không phải là vấn đề một sớm một chiều, mà là “căn bệnh” trên người đứa trẻ đã bước vào giai đoạn khá nghiêm trọng. Nguyên nhân gây ra “căn bệnh” này, phần lớn là lúc đầu khi con trẻ đối mặt với vấn đề không làm bài tập, gặp phải những bậc phụ huynh hoặc cô giáo giải quyết vấn đề như bố Viên Viên. Mặc dù cách làm cụ thể có thể khác nhau, nhưng tính chất thô bạo là như nhau, tức bắt con trẻ đi làm bài tập bằng hình thức phạt. Thời gian lâu dần, vừa khiến con trẻ mất hứng thú với bài tập, vừa làm tổn thương đến lòng tự trọng của trẻ, khiến chúng trở nên chán học và lì lợm.
Trong quá trình giáo dục con trẻ sở dĩ người lớn thường xuyên áp dụng những phương pháp không thích hợp, khiến “giáo dục” biến thành một hành vi mang tính phá hoại, là do hai nguyên nhân căn bản nhất: Một là không tin tưởng con trẻ, hai là quá tin tưởng vào chính mình. Tức trước hết không tin rằng bản năng của con trẻ là tự trọng và có chí tiến thủ, lo ngại rằng nếu không quản giáo kịp thời, con trẻ sẽ theo đà trượt xuống dốc; thứ hai là cho rằng những lời nói của mình đối với con trẻ đều là những lời vàng ngọc, có thể giúp con trẻ trở nên tốt hơn.
Trước vấn đề này, một câu nói của triết gia Erich Fromm đáng để các bậc phụ huynh suy ngẫm hàng ngàn lần: “Mặt đối lập của giáo dục là thao túng, nó xuất phát từ sự thiếu lòng tin đối với quá trình phát triển tiềm năng của trẻ, cho rằng chỉ khi có sự chỉ đạo của người lớn, định hướng cho trẻ nên làm việc nào, không nên làm việc nào, con trẻ mới phát triển bình thường. Tuy nhiên sự thao túng này là sai lầm”(1).
Chính vì vậy trong quá trình quản lý trẻ, phụ huynh và giáo viên nhất thiết phải cẩn thận, không nên đứng trên mặt đối lập của giáo dục. Gặp mỗi chuyện cụ thể đều phải tự hỏi mình rằng: Mình đang giáo dục trẻ hay đang thao túng trẻ. Một đứa trẻ bị thao túng vô tình sẽ vắt óc nghĩ cách chống lại sự thao túng đó, nó sẽ dần dần tỏ ra thờ ơ trước lời dạy của người lớn, sa đọa, đồng trời mất đi lý trí và lòng tự trọng. Trong quá trình giáo dục trẻ em hiện nay, làm bài tập là sự việc thể hiện một cách tập trung nhất “giáo dục” hay là “thao túng”, trong chuyện này cần nhất là sự kiểm điểm lại mình của bố mẹ.
Erich Fromm còn nói rằng, “Vận dụng những phương pháp mang tính phá hoại cũng có kết quả của bản thân nó, tức trên thực tế đã làm thay đổi mục đích”(1). Trong bất kỳ chi tiết giáo dục cụ thể nào, phụ huynh nhất thiết phải xem xét vấn đề thống nhất giữa mục tiêu và phương pháp. Coi bài tập như một dụng cụ tra tấn hay phần thưởng để sử dụng, đây không phải là sự khác biệt nhỏ, ranh giới của nó, quyết định việc bạn đi về hướng mục đích, hay đi về hướng phản mục đích…
__________________
(1) Erich Fromm, Người vì mình, Tôn Y Y dịch, Tam Liên thư điếm, tháng 11-1988, tr.79.
(1) Erich Fromm, Người vì mình, Tôn Y Y dịch, Tam Liên thư điếm, tháng 11-1988, tr.181.
Lưu ý đặc biệt
Giáo viên và phụ huynh cần điều động sự nhiệt tình của con trẻ đối với việc làm bài tập, sử dụng một cách thích hợp tư duy theo chiều ngược, cần kích thích sự nhiệt tình của trẻ đối với việc làm bài tập, không nên kích thích sự chán ghét của trẻ đối với công việc này. Bài tập mang tính chất trừng phạt, tất cả đều nói là vì con trẻ, thực ra động lực và nguyên nhân đầu tiên của nó chỉ là người lớn đang trút bực, không liên quan gì đến giáo dục. Nó chỉ phá hoại, không giúp ích gì cho việc học tập của đứa trẻ. Xét về bản chất, nó chỉ là một thủ đoạn bạo lực của giáo viên hoặc phụ huynh áp dụng đối với học sinh.
Muốn để một người nào đó thích và trân trọng cái gì, thì không nên cho họ quá nhiều, để họ quá thỏa mãn trong phương diện này, càng không thể lấy đó làm điều kiện trao đổi hoặc thủ đoạn trừng phạt, bắt anh ta phải chấp nhận, mà phải tước đoạt một cách thích đáng, sau khi thấy thiếu thốn và không được thỏa mãn, anh ta mới biết trân trọng.
Mặt đối lập của giáo dục là thao túng, nó xuất phát từ sự thiếu lòng tin đối với quá trình phát triển tiềm năng của trẻ, cho rằng chỉ khi có sự chỉ đạo của người lớn, định hướng cho trẻ nên làm những việc nào, không nên làm những việc nào, con trẻ mới phát triển bình thường. Tuy nhiên sự thao túng này là sai lầm.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.