Người Mẹ Tốt Hơn Là Người Thầy Tốt

CHƯƠNG 28: KHÔNG THI 100 ĐIỂM



Chính vì tôi vô cùng mong muốn con đạt được thành tích cao, nên tôi mới không đòi hỏi điểm số ở con.
Mục tiêu tầm thường chỉ có thể đem lại sự kích thích tầm thường cho trẻ, sẽ không tạo ra được động lực tốt. Ngay từ khi vào cấp một đã theo đuổi điểm số, sẽ khiến con trẻ hình thành nên động cơ học tập bất thường, tầm nhìn ngắn, chỉ mong nhanh chóng thành công, từ đó làm giảm hứng thú đối với việc học, ảnh hưởng đến thành tích thi cử.
Ở cổng trường tiểu học nọ, tôi nhìn thấy một cô bé hào hứng khoe với người mẹ đến đón “Môn toán con thi được 98 điểm!”. Mẹ cô bé liền hỏi ngay bạn nào được bao nhiêu điểm, nghe thấy người ta được 100 điểm, nét mặt tỏ ra không hài lòng “Người ta thi được 100 điểm, tại sao con không thi được?”. Vẻ hứng khởi trên mặt cô bé lập tức bay mất tiêu, trông rất ấm ức và chán nản.
Thành tích học tập của con tốt hay xấu, không phải nằm ở chỗ phụ huynh đặt ra cho trẻ bao nhiêu yêu cầu và hy vọng, mà nằm ở chỗ nên nói như thế nào. Ngôn ngữ không phải là không khí thở ra, nó sẽ không tiêu tan trong không trung một cách vô tăm tích. Chính vì thế không nên ăn nói bừa bãi trước mặt trẻ, không nên thích nói gì thì nói. Bất kỳ câu nói nào mà bố mẹ đã từng nói đều để lại dấu ấn sâu sắc trong trái tim trẻ, dấu ấn tốt tạo nên ảnh hưởng tốt, dấu ấn xấu chỉ có thể tạo ra ảnh hưởng xấu.
Tôi từng được gặp một vị phụ huynh của một em học sinh lớp hai ở nhà một người bạn, chị không nghiêm túc như người mẹ nói ở trên, tính tình có vẻ rất thoải mái. Bạn tôi và hai mẹ con chị chuyện trò với nhau, hỏi có phải con đã nghỉ hè rồi không, kỳ thi cuối kỳ điểm có cao không. Con chị rất tự hào, nói, ngữ văn 98 điểm, toán 99 điểm. Vừa nghe thấy thế chúng tôi liền xuýt xoa khen cháu học giỏi quá, người mẹ cũng rất vui, hào hứng lườm con một cái, trách yêu rằng: “Coi nó tự hào kìa, trong lớp có mấy bạn thi hai môn đều 100 điểm, khi nào thi được hai môn mỗi môn 100 điểm hãy ra oai!”. Thực ra trong lòng người mẹ là khá hài lòng, chị nói như vậy chủ yếu là vì khiêm tốn. Nghe mẹ nói vậy cậu con có phần không phục, làm mặt hề rồi chạy mất.
Dù là chân tình hay giả ý, trong vấn đề điểm số của con, rất nhiều bậc phụ huynh của các em học sinh tiểu học đều vô tình mắc phải sai lầm. Hai vị phụ huynh nói trên mặc dù lời nói và dụng ý không giống nhau, nhưng giá trị quan truyền tải trong lời nói lại là một – 100 điểm mới là tốt, mới khiến bố mẹ hài lòng. Vô hình trung bố mẹ đã biến học tập thành thứ vụ lợi, đưa con trẻ vào con đường lầm lạc. Đặc biệt là vị phụ huynh đầu tiên, chị không những khiến con trẻ có thái độ thích sĩ diện hão trong việc học, mà còn dạy con tính đố kỵ.
Khi lần đầu tiên đeo ba lô đi học, trẻ thật hào hứng biết bao. Nhưng chẳng bao lâu, rất nhiều em bắt đầu cảm thấy khổ sở. Bài tập như núi đè lên người các em, điểm số như sông chặn đường tiến của các em. Đặc biệt khi nhìn thấy các bạn khác thi được điểm cao, còn thành tích của mình lại không lý tưởng, hoặc kể cả thành tích không tồi, nhưng vẫn không đạt tới độ kỳ vọng của bố mẹ, trẻ sẽ cảm thấy rất chán nản và mất tự tin.
Song song với đó, rất nhiều bậc phụ huynh lần đầu tiên đưa con vào trường tiểu học, trong thời điểm then chốt này, họ không học tập qua sách vở hoặc người khác để biết với vai trò là phụ huynh nên giúp đỡ trẻ như thế nào để trẻ có thể thích ứng tốt hơn với cuộc sống mới, hình thành nên sự tự tin và thói quen tốt trong học tập; mà chờ đợi một cách bị động kết quả, xem con em mình “học giỏi” hay “học kém”. Cũng có bậc phụ huynh tưởng mình là đúng chỉ đạo lung tung con trẻ, yêu cầu con trẻ phải đạt 100 điểm, tưởng rằng đó gọi là giáo dục con. Biểu hiện chung của các bậc phụ huynh này chỉ đơn thuần là đòi điểm số ở con trẻ.
Tôi đã từng gặp một cô giáo tiểu học, con trai cô rất thông minh, thấy trường tiểu học mà mình đang dạy không chất lượng lắm, cô liền gửi con vào học tại một trường tiểu học bán trú tốt nhất trong thành phố. Trường tiểu học đó nổi tiếng vì thành tích học tập cao. Từ năm lớp một, tuần nào con trẻ cũng có bài kiểm tra. Người mẹ này cuối tuần đến trường đón con, bao giờ đầu tiên cũng hỏi điểm số, hỏi ngữ văn được bao nhiêu điểm, toán được bao nhiêu, trong lớp có bao nhiêu bạn đạt 100 điểm. Mặc dù con trai chị học cũng rất khá, nhưng trong bài kiểm tra luôn sai một số chỗ, không ít thì nhiều, không lần nào được 100 điểm cả. Chị cũng biết cần phải khích lệ con, luôn an ủi rằng “Không sao, 90 điểm cũng là giỏi rồi, cố gắng lần sau được 100 điểm”. Trong một bài kiểm tra trước bài thi giữa kỳ, cuối cùng cậu con trai đã đạt được 100 điểm môn toán, cậu bé vô cùng phấn khởi. Chị đón con về nhà, liền bảo con gọi điện ngay cho bà ngoại và bà nội, báo cáo tình hình cháu được 100 điểm. Mọi người trong nhà bà ngoại và bà nội đều không ngớt lời khen cậu bé, thành tích này đã đem lại niềm vui và niềm hạnh phúc lớn cho cả nhà, hứa nếu kỳ thi giữa kỳ đạt được 100 điểm nữa thì sẽ thưởng cho cái nọ cái kia. Đến ngày thi giữa kỳ, chị dặn đi dặn lại cậu con trai phải làm bài cẩn thận, nhớ soát lại bài cho kỹ, đừng để xảy ra sai sót, cố gắng đạt 100 điểm. Sau khi thi xong chị đến đón con, cậu bé chưa đầy bảy tuổi này vừa nhìn thấy mẹ liền bật khóc, nói với mẹ rằng mình không được 100 điểm. Người mẹ mặc dù rất thất vọng, nhưng không phê bình con, chỉ lại một lần nữa khích lệ con lần sau cố gắng đạt 100 điểm.
Người mẹ này cảm thấy mình là mẫu phụ huynh luôn biết cách khích lệ con trẻ, cho rằng giọt nước mắt do không đạt được 100 điểm của cậu con trai là biểu hiện của chí tiến thủ, chị cho rằng sự khích lệ của mình đối với con rất có hiệu quả. Chính vì thế khi kể với tôi chuyện này, chị tỏ ra rất tự tin. Nhưng tôi lại rất lo ngại.
Sai lầm của chị là đặt mục tiêu học tập vào việc đạt điểm tối đa, nhưng lại không quan tâm đến lực học, thái độ, phương pháp, niềm hứng thú và khả năng nắm bắt kiến thức của con trẻ. Hành vi của chị nhìn thì tưởng là khích lệ con trẻ cố gắng học tập, nhưng thực chất lại muốn để người lớn thỏa mãn. Và tình trạng “thích điểm tối đa” của chị và mọi người trong nhà đã định hướng sai cho trẻ trong động cơ học tập, và mọi lời hứa của họ sau khi con cháu họ đạt điểm tối đa, nhìn thì tưởng là sáng suốt, nhưng thực chất lại thô bạo, không có tác dụng khích lệ, đồng thời gây sức ép rất lớn cho trẻ.
Điểm tối đa là thành tích cao nhất, thông thường hầu hết học sinh rất khó đạt được. Lòng yêu thích 100 điểm của bố mẹ chỉ không ngừng khiến trẻ cảm thấy hẫng hụt và xấu hổ – có thể thỉnh thoảng trẻ sẽ đạt điểm cao và có được niềm vui tạm thời, nhưng trong hầu hết thời gian, nội tâm của chúng lại thực sự bất an và đau khổ, vì chúng không biết lần thi tiếp theo sẽ như thế nào, có làm cho bố mẹ hài lòng hay không, trong lòng chúng không dám chắc chắn, thấp thỏm bất an, một lòng nghĩ đến điểm số, lạc mất mục tiêu học tập thật sự.
Mấy hôm trước tôi có gặp lại một người bạn cũ trong một buổi họp mặt, cậu con trai của anh đang học lớp tám, thành tích học tập rất bình thường, vì thế anh tỏ ra khá buồn. Hôm đó chúng tôi đang ăn cơm, anh nhận được một tin nhắn của cậu con trai, nói môn toán thi được 97 điểm. Xem ra cậu bé rất phấn khởi, không đợi được đến lúc bố về nhà mà nóng lòng muốn báo tin vui ngay, đồng thời còn hỏi anh có vui không. Người bạn này của tôi đương nhiên là rất vui, lập tức khoe ngay với mọi người, nói con trai anh đã hai năm nay điểm toán chưa vượt được ngưỡng 90 điểm. Anh lập tức trả lời tin nhắn cho con, lúc gấp máy điện thoại lại, anh có phần đắc ý nói rằng, tôi trả lời cậu con là “Bố rất mừng, nhưng nếu con được 100 điểm bố sẽ mừng hơn nữa”. Anh còn đang say sưa với cảm giác tuyệt vời rằng mình rất biết khích lệ con trai. Tôi không hề khách khí mà nói thẳng với anh rằng, anh trả lời như vậy đúng là điên rồi, như thế không những phá vỡ niềm vui trước mắt của con trẻ, mà sự tự tin cậu bé vừa mới có được, cũng đã bị câu nói này của anh phá vỡ.
Ví như phụ huynh yêu cầu điều gì, con trẻ sẽ thực hiện được điều đó, thì mọi trẻ em trên thế gian này đều có thành tích học tập vượt trội, thói quen tốt, đa tài đa nghệ, phẩm chất xuất chúng – như thế thì việc làm bố làm mẹ sẽ là một chuyện nhẹ nhàng dễ chịu biết bao. Nhưng Thượng đế dường như rất bất công, hiện tượng “điểm số càng mong càng thấp” mặc dù rất tàn khốc nhưng thực sự tồn tại. Một số bậc phụ huynh phải bỏ ra rất nhiều tâm huyết trong việc học hành của con nhưng con trẻ lại học kém, nhiều thói xấu; một số bậc phụ huynh thực hiện rất nhẹ nhàng, con họ lại vừa tự giác trong học tập vừa có thành tích tốt. Điều này khiến rất nhiều bậc phụ huynh thất vọng về con, than thở mình “số khổ”. Thực ra những vị phụ huynh “số khổ” này hoàn toàn có thể thay đổi “số phận”của mình, đó chính là thay đổi quan niệm điểm số không đúng đắn.
Nghiên cứu của tâm lý học cho thấy, trong học tập, động cơ thành công quá lớn hoặc quá nhỏ đều không tốt, một là bất lợi cho việc học tập; hai là bất lợi cho việc duy trì. Mục tiêu tầm thường chỉ có thể đem lại sự kích thích tầm thường cho trẻ, sẽ không thể tạo ra động lực tốt. Ngay từ khi vào cấp một đã theo đuổi điểm số, sẽ khiến con trẻ hình thành nên động cơ học tập bất thường, tầm nhìn ngắn, chỉ mong nhanh chóng thành công, từ đó làm giảm hứng thú đối với việc học, ảnh hưởng đến thành tích thi cử. Giống như một vận động viên nhảy cao, nếu trong quá trình huấn luyện hoặc trên sân thi đấu, anh ta không tập trung chú ý vào các vấn đề như chạy lấy đà như thế nào, bật cao như thế nào, vượt xà như thế nào, mà luôn nghĩ về các vấn đề như khán giả nhìn nhận, đánh giá anh ta như thế nào, sau khi nhảy qua anh ta sẽ nhận được phần thưởng gì, không nhảy qua được sẽ mất mặt ra sao. Những suy nghĩ này sẽ khiến anh ta vô cùng lo lắng, vậy thì trên sân thi đấu anh ta sẽ không thể đạt được thành tích cao.
Thực ra “điểm số” và “thành tích” không hoàn toàn ngang bằng nhau, điểm số có thể phản ánh thành tích, nhưng điểm số không đồng nghĩa với thành tích. Nếu ngay từ khi con đi học bố mẹ chỉ tập trung để ý mỗi lần thi con được bao nhiêu điểm, mà không bồi dưỡng niềm hứng thú của trẻ đối với việc học tập, vậy thì “thành tích xuất sắc” chắc chắn chỉ là một cầu vồng hư ảo nhất thời, khiến những bậc phụ huynh không có tầm nhìn xa, không chín chắn cuối cùng sẽ thất vọng. Điều này đã giải thích vì sao rất nhiều phụ huynh thắc mắc: Con tôi hồi cấp một học rất giỏi, thường xuyên được trên 90 điểm hoặc 100 điểm, tại sao lên cấp hai lại không thích học cũng không cách biết học nữa? Xuất hiện hiện tượng này, đương nhiên sẽ có rất nhiều nguyên nhân, nhưng ở đây chắc chắn có rất nhiều em vì từ nhỏ đã hình thành nên động cơ học tập không tốt, kết quả một là làm hỏng khẩu vị học hành, hai là sự trói buộc của động cơ đã làm hạn chế tầm nhìn và khả năng của các em, khiến không gian phát triển của các em càng ngày càng hẹp.
Phụ huynh cần định hướng cho trẻ đối mặt với bản thân tri thức chứ không phải là điểm số tối đa, tiềm lực của con trẻ trong học tập mới dần dần được bùng phát. Gần như không có đứa trẻ nào càng thất bại lại càng vươn lên, chúng rất cần có những trải nghiệm thành công. Trải nghiệm thành công không phải là số điểm cao thỉnh thoảng đạt được, mà là niềm vui sau khi giải quyết được vấn đề thông qua sự nỗ lực của chính mình.
Nhà triết học Erich Fromm cho rằng, một đặc trưng tâm lý nổi bật nhất trong cuộc sống hiện đại là rất nhiều thủ đoạn và hoạt động được áp dụng để thực hiện mục đích đã ngày càng tước đoạt vị trí của mục đích, và bản thân mục đích lại biến thành sự tồn tại mơ hồ, không chân thực… Chúng ta đã sa lầy vào mạng lưới thủ đoạn, thường xuyên quên đi mục đích của chúng ta(1).
_________________
(1) Erich Fromm, Người vì mình, Tôn Y Y dịch, Tam Liên thư điếm, tháng 11-1988, tr.180.
Con gái tôi Viên Viên khi học cấp một, nhà trường không đánh giá kết quả học tập bằng cách cho điểm mà chỉ ghi “giỏi”, “khá”, “đạt”, “không đạt”, 85 điểm trở lên là giỏi. Thành tích học tập của cô bé luôn không tồi, đều được “giỏi”, nhưng theo những gì mà tôi nhớ, gần như trong mỗi bài kiểm tra đều có sai sót, cũng có nghĩa là về cơ bản cô bé không đạt 100 điểm. Tôi không muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của thi cử, nên không hỏi trực tiếp về các bài kiểm tra, bài thi lớn nhỏ của cô bé, mà chỉ âm thầm theo dõi việc học của con, thường xuyên nói chuyện với con về những việc ở trường, cũng hay liên lạc với các cô giáo để trao đổi.
Cô giáo thường xuyên yêu cầu phụ huynh ký tên những bài thi đã chấm điểm, tôi và ông xã tuyệt đối không tỏ ra phấn khởi hoặc thất vọng vì con được điểm cao hay thấp. Làm bài rất tốt, con trẻ vui, chúng tôi cũng bày tỏ niềm vui như bình thường; làm không tốt, có thể con trẻ sẽ hơi buồn, chúng tôi liền nói với con rằng: “Làm bài không tốt, có thể phát hiện ra chỗ nào mình nắm chưa chắc, nếu như đề bài mà cô giáo ra đều là những cái mà con đã biết, mặc dù được điểm cao nhưng lại không thể phát hiện ra vấn đề của mình, như thế không phải sẽ rất đáng tiếc hay sao”. Nói như thế có thể khiến con bình tâm trở lại, tập trung vào việc học.
Đồng thời tôi cũng chú ý khích lệ con trẻ, vì dù sao cô bé mới chỉ là một đứa trẻ, cần phải có cảm giác mình đã thành công. Ví dụ, một đề toán, cô bé được 85 điểm, sau khi xem lại bài, cô bé làm thêm được một câu 9 điểm nữa và chữa lại, nhưng vẫn còn một câu 6 điểm chữa chưa đúng, tôi sẽ vui vẻ đánh dấu đúng lên câu cô bé vừa chữa lại đó, sau đó dùng bút chì viết con số “94” điểm lên bên cạnh số điểm ban đầu, nói với cô bé rằng thành tích hiện tại đã biến thành 94 điểm, chứ không phải là 85 điểm nữa. Câu 6 điểm đó có thể cô bé sẽ chữa lại ngay, cũng có thể phải suy nghĩ thêm hoặc hôm sau hỏi lại cô giáo hoặc nhờ bố mẹ giảng lại. Tóm lại bất luận đến bao giờ chữa đúng, tôi sẽ xóa 94 điểm đó đi, viết vào 100 điểm. Mặc dù bài kiểm tra đã bị cô giáo thu lại, tôi cũng sẽ cho con gái 100 điểm bằng miệng, nói với cô bé rằng “Hôm qua vẫn còn một câu con chưa biết làm, được 94 điểm, hôm nay biết làm hết rồi, số điểm con đạt là 100 điểm!”.
Bất kỳ bài thi nào, chỉ cần chữa lại, điểm số chắc chắn sẽ cao hơn ban đầu. Như thế, con trẻ sẽ phát hiện ra sự tương quan của quá trình và kết quả. Viên Viên nhận thức được rằng, chỉ cần giải quyết được một câu làm sai, sẽ đạt được thành tích cao hơn; nếu tiếp tục phát hiện ra những chỗ sai khác, thành tích cuối cùng của mỗi bài thi đều sẽ là 100 điểm. Điều này không những giúp trẻ nhận thức được rằng cần phải nghiêm túc, cẩn thận từng li từng tí trong học tập, điều quan trọng nhất là qua đó cô bé sẽ biết, quyền chủ động đạt hay không đạt 100 điểm nằm trong tay mình, chứ không như cậu bé òa khóc nức nở bên trên, chỉ mong chờ đạt 100 điểm với tâm trạng thấp thỏm.
Những bậc phụ huynh không nghiêm túc suy nghĩ trong vấn đề giáo dục con trẻ, không tận tâm thấu hiểu con trẻ, chỉ ép con trong vấn để điểm số, cuối cùng phần lớn sẽ là những người thất bại.
Có một vị phụ huynh, anh rất thành đạt trong chuyện làm ăn, kiếm được không ít tiền, nhưng cậu con trai của anh luôn khiến anh đau đầu. Cậu bé này đã học lớp tám, không hề thích học. Hiện nay anh lo, ngay cả cấp ba cậu con cũng không thi vào được, chứ đừng nói gì đến những trường điểm. Trong một dịp nọ khi nghe tôi nhắc đến quan điểm “điểm số càng mong càng thấp”, anh liền tỏ ra không đồng tình, tôi thấy chị nói không đúng, con cái học giỏi hay không là do chính bản thân nó, tôi tận tâm với con biết bao, yêu cầu tôi đặt ra cho nó cũng không cao, không bao giờ yêu cầu nó phải đạt 100 điểm, nhưng nó cũng vẫn không học được.
Tình hình của vị phụ huynh này tôi nắm khá rõ, anh rất sành sỏi trong chuyện làm ăn, nhưng trong vấn đề giáo dục con lại rất ngờ nghệch. Khi con anh học lớp một, lớp hai, mỗi lần đến đợt thi giữa kỳ, cuối kỳ, anh đều mời giáo viên đến dạy thêm cho con, trước khi thi một tháng bắt đầu kèm con học. Anh nói với con rằng: “Bố không ngại việc bỏ tiền, chỉ cần con thi đạt điểm cao là được”.
Con trai anh khi còn đang học những năm dưới của trường tiểu học, thành tích vẫn còn đạt ở mức trung bình khá, để khuyến khích con đạt được thành tích cao hơn, anh luôn nói: “Trong lớp có vị phụ huynh nào dám bỏ ra nhiều tiền mời giáo viên dạy thêm như bố không, con phải lọt vào top mười bạn đứng đầu lớp chứ”. Nhưng con anh không những không lọt được vào top mười, mà bắt đầu tụt lùi. Ví dụ con anh đứng ở vị trí thứ hai mươi hai, anh liền cầm bảng điểm của con, nói những lời rất thấm thía: “Vì việc học hành của con mà bố đã phải bỏ ra nhiều tiền như vậy, kiểu gì thì con cũng phải lọt vào top hai mươi chứ”. Mấy năm sau, hiện giờ câu nói mà anh nói với con đã biến thành “Thôi thì con đủ điểm để lên lớp cũng được rồi!”. Vì việc học hành của con, ngoài chuyện mời giáo viên dạy thêm, anh còn thường xuyên tặng quà cho các cô giáo trước ngày thi, về đến nhà lại nói với con rằng: “Tiền bố kiếm được, đều biếu các cô hết rồi, con không học hành cho cẩn thận thì còn mặt mũi nào nhìn ai nữa?”.
Vị thương gia sành sỏi này tưởng rằng bí quyết thương mại của anh có thể ứng dụng vào mọi lúc mọi nơi, có tiền sẽ “mua tiên cũng được”. Trên thực tế so với mấy vị phụ huynh “coi trọng 100 điểm” phần trước, nhận thức của anh đối với việc học còn nông cạn hơn. Anh không ngừng đặt mục tiêu của việc học vào “thi cử”, khiến tầm nhìn của con ngắn ngủi; không ngừng dùng “xếp hạng” để đảo lộn động cơ học tập của con trẻ; không ngừng khiến con cảm thấy áy náy, xấu hổ; không ngừng dùng tiền để khinh miệt kiến thức, khiến con học được lối tư duy dung tục; một đứa trẻ có tầm nhìn ngắn, không có động cơ tốt, tư duy dung tục, thành tích học tập làm sao không càng ngày càng tụt lùi?
Có người bố người mẹ nào không mong con mình được 100 điểm, trong đó có cả bản thân tôi, cũng rất quan tâm đến thành tích của con. Chính vì tôi vô cùng mong muốn con đạt được thành tích tốt, nên tôi mới không đòi hỏi điểm số ở con. Bất kỳ hành vi nào chỉ đơn thuần coi trọng điểm số đều là nông cạn, đều mang tính phá hoại. Việc mà tôi cần làm là bồi dưỡng năng lượng trí tuệ cho con trẻ, đó chính là lòng hiếu kỳ đối với tri thức, tinh thần thích mày mò nghiên cứu, khả năng đưa ra vấn đề, niềm say mê tìm tòi lời giải, phương pháp học tập có hiệu quả, nghị lực bền bỉ dẻo dai… Những yếu tố này mới có thể giúp con nâng cao được thành tích học tập, mới là điều kiện mang tính quyết định giúp con chiến thắng trong các kỳ thi. Kỳ thi quan trọng nhất – thành tích tốt trong kỳ thi đại học, cũng chỉ có thể xuất hiện từ trong đó.
Bản tính của con trẻ là biết tự trọng, tự ái. “Ganh đua hiếu thắng” thực ra là một bản tính bẩm sinh. Sau khi vào học, kể cả bố mẹ không nói gì, bản thân con trẻ cũng tự mình ganh đua điểm số, tranh giành xếp hạng. Trước bài thi, mỗi đứa trẻ đều nỗ lực hết sức để thể hiện mình một cách tốt nhất, chắc chắn không có đứa trẻ nào biết rõ cách làm, nhưng lại cố tình làm sai, cố tình để mình không giành được thành tích cao.
Phụ huynh cần tạo dựng một niềm tin như thế này: Không đưa ra yêu cầu về điểm số hoặc xếp hạng, sẽ không ảnh hưởng đến thành tích học tập của trẻ – qua thái độ của bố mẹ, con trẻ biết được rằng, học tập không phải là vì điểm số, không phải là để so sánh với người khác, mà là để tự mình hiểu được. Trẻ không so bì tị nạnh về mặt điểm số, cuối cùng mới đạt được thành tích tốt.
Đây là một định luật kỳ lạ – muốn đạt “100 điểm” thì đừng yêu cầu con trẻ thi được 100 điểm – nghe giống như một nghịch lý, nhưng nó lại là thực sự.
Lưu ý đặc biệt
Phụ huynh cần định hướng cho trẻ đối mặt với bản thân tri thức chứ không phải là điểm tối đa, tiềm lực của con trẻ trong học tập mới dần dần được bùng phát. Gần như không có đứa trẻ nào càng thất bại lại càng vươn lên, chúng cần có những trải nghiệm thành công. Trải nghiệm thành công không phải là số điểm cao thỉnh thoảng đạt được, mà là niềm vui sau khi giải quyết được vấn đề bằng sự nỗ lực của chính mình.
Tôi không bao giờ tỏ ra phấn khởi hoặc thất vọng vì con được điểm cao hay thấp. Làm bài tốt, con trẻ vui, chúng tôi cũng bày tỏ niềm vui như bình thường; làm không tốt, có thể con trẻ sẽ hơi buồn, chúng tôi liền nói: “Làm bài không tốt, có thể phát hiện ra chỗ nào mình nắm chưa chắc, nếu như đề bài mà cô giáo ra đều là những cái mà con biết, mặc dù được điểm cao nhưng lại không thể phát hiện ra vấn đề của mình, như thế không phải sẽ rất đáng tiếc hay sao”. Nói như thế có thể giúp con bình tâm trở lại, tập trung vào việc học tập.
“Hôm qua con còn một câu chưa biết làm, được 94 điểm, hôm nay làm được rồi, biến thành 100 điểm!”.
Việc mà tôi cần làm là bồi dưỡng năng lượng trí tuệ cho con trẻ, đó chính là lòng hiếu kỳ đối với tri thức, tinh thần thích mày mò nghiên cứu, khả năng đưa ra vấn đề, niềm say mê tìm tòi lời giải, phương pháp học tập có hiệu quả, nghị lực bền bỉ dẻo dai… Những yếu tố này mới có thể giúp con nâng cao được thành tích học tập, mới là điều kiện mang tính quyết định giúp con chiến thắng trong các kỳ thi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.