Người Mẹ Tốt Hơn Là Người Thầy Tốt

CHƯƠNG 29: THI TỐT KHÔNG KHEN THƯỞNG



Coi phần thưởng là mồi dụ của việc học, là một hành vi hối lộ mà người lớn yêu cầu trẻ dùng thành tích để báo đáp mình. Nó sẽ khiến trẻ không còn có trái tim chân thành đối với việc học, mà lại tập trung chú ý vào vấn đề làm thế nào để lấy được phần thưởng, làm thế nào để lấy lòng bố mẹ. Điều này khiến cho trái tim con trẻ luôn lơ lửng trong không trung, suy hơn tính thiệt, nông nổi, trong học tập rất khó đạt tới trạng thái chuyên tâm, thiết thực.
Chúng tôi rất chú ý khích lệ Viên Viên về mọi mặt, nhưng chỉ là sự khích lệ về mặt tinh thần, gần như không bao giờ khích lệ về vật chất. Trong học tập lại càng thực thi chính sách “không khen thưởng”.
Trong một bài viết khác có tên Chỉ lập sổ ghi công, không lập sổ ghi tội, tôi đã nêu ra rằng, sự khích lệ của chúng tôi đối với Viên Viên là thường xuyên ghi lại những việc đáng biểu dương của cô bé vào một cuốn sổ nhỏ, vẽ một đóa hoa đỏ xinh xắn. Kể cả cách “vẽ cá gỗ giúp no bụng” này, cũng không được áp dụng để khích lệ trong việc học tập, trong cuốn sổ tôi không tặng cho Viên Viên đóa hoa đỏ nào khi cô bé đạt được thành tích cao trong thi cử.
Áp dụng chính sách “thi tốt không khen thưởng”, đương nhiên cũng có chính sách đi kèm là “thi kém không phê bình”. Có nghĩa là, trong gia đình tôi, việc cô bé thi tốt hay không tốt đều là điều bình thường, không phải vì cô bé làm bài thi tốt mà chúng tôi tỏ ra hào hứng phấn khởi, thi không tốt liền bực mình thất vọng, lại càng không có các biện pháp thưởng phạt có liên quan.
Không phải trong lòng chúng tôi thật sự không quan tâm đến thành tích học tập của con, là người làm bố làm mẹ, chúng tôi cũng vô cùng mong muốn con có được thành tích học tập tốt, nhưng nguyện vọng này luôn được giấu kín trong lòng, chuyển hóa thành việc suy nghĩ và xử lý từng chi tiết nhỏ trong cuộc sống hàng ngày, chứ không phải thường xuyên bộc lộ nó qua lời nói và nét mặt.
Có thể các bậc phụ huynh lo ngại nếu không nhắc nhở hoặc kích thích trong việc học tập, con trẻ sẽ không chịu khó học hành, sự lo lắng này là thừa.
Đối với cuộc sống xã hội hiện nay, tầm quan trọng của thi cử đã bị tuyên truyền đến nước không còn gì để nói. Từ khi bước vào lớp một, con trẻ đã biết rằng thành tích học tập tốt vô cùng quan trọng. Bố mẹ không cần phải nói gì, con trẻ cũng sẽ cố gắng hết sức để đạt được một thành tích cao. Kể cả bố mẹ không khích lệ, bản thân thành tích cao cũng sẽ đem lại cho trẻ niềm vui to lớn, cũng đủ để tạo nên tác dụng khích lệ.
Thái độ “thờ ơ” của bố mẹ trong vấn đề thành tích chính là tạo thế cân bằng trước hiện tượng xã hội, nhà trường tuyên truyền quá nhiều về thành tích học tập, kéo con trẻ về với việc học thực sự, tránh để chúng có áp lực trong học tập hoặc biến thành con người nông nổi.
Theo cảm nhận của chúng tôi, phụ huynh không tuyên truyền việc thi cử, không nhấn mạnh điểm số, sẽ khiến tâm lý con trẻ khá thoải mái trong chuyện thi cử, khiến chúng không bị phân tán sự chú ý, không có áp lực trong học tập, không những không ảnh hưởng đến thành tích của trẻ, xét về lâu dài sẽ thúc đẩy trẻ tiến bộ hơn trong học tập.
Về cơ bản là chúng tôi hài lòng với thành tích học tập của Viên Viên, mỗi lần đến cuối kỳ, giở bảng điểm của cô bé ra, chúng tôi luôn rất phấn khởi. Nghỉ hè, có thể chúng tôi sẽ đưa cô bé đi mua một bộ quần áo rất đẹp, nhưng chỉ là vì bộ quần áo này đẹp, đồng thời lúc này cũng nên mua cho cô bé một bộ, chắc chắn chúng tôi sẽ không gắn thành tích thi cử của cô bé với bộ quần áo này.
Bản thân điểm thi chính là phần thưởng, khi gập bảng điểm lại, một câu nói “rất tốt” và vẻ phấn khởi trong ánh mắt của bố mẹ đã đủ để khích lệ con trẻ tiếp tục cố gắng rồi.
Một người mẹ nói với tôi rằng, chị đã dùng rất nhiều biện pháp để khích lệ con chị. Con thi tốt đưa con đến khu vui chơi giải trí, mua quần áo thể thao hàng hiệu, ăn đồ ăn Tây, thậm chí còn hứa nếu thi đạt được một mức nào đó sẽ đưa đi du lịch nước ngoài. Nhưng mỗi biện pháp chỉ có thể áp dụng một, hai lần, sau đó không còn tác dụng nữa, chính vì thế việc học của con chị không có gì khởi sắc.
Dường như người mẹ này đã áp dụng rất nhiều biện pháp, nhưng phân tích các biện pháp của chị, thực ra chỉ có một loại, đó chính là sự khích lệ bằng vật chất, điểm khác biệt chỉ là phần thưởng không giống nhau.
Mức độ yêu thích phần thưởng của con người được quyết định bởi sự thiếu thốn và nhu cầu của anh ta trên phương diện này. Lối tư duy phổ biến ở các bậc phụ huynh – những người sinh ra trong những năm tháng nghèo nàn về vật chất là khích lệ về vật chất, đây là quan niệm được để lại từ thời thiếu thốn vật chất.
Đối với con trẻ sống ở thời hiện đại, về vật chất không có gì là quá thiếu thốn, chính vì thế sự khích lệ bằng vật chất không thể kích thích được lòng nhiệt tình trong chúng. Kể cả có tạo ra được một số động lực, nhưng cũng chỉ là mang tính giai đoạn, duy trì không được lâu, trong khi học tập lại cần có một thái độ bền bỉ, lâu dài.
Khích lệ bằng vật chất không thể giải quyết triệt để vấn đề, mà lại gây ra không ít tác dụng phụ.
Trước hết, nó làm thay đổi mục đích học tập của trẻ.
Một đứa trẻ nếu chỉ vì một đôi giày trượt patin mới chịu học, thì em đó sẽ bắt đầu trở nên vụ lợi trong việc học tập. Trong thời gian ngắn có thể sẽ đạt được thành tích cao, nhưng khi đã có được đôi giày này, em sẽ trở nên lơ là trong việc học. Sự khen thưởng tầm thường chỉ có thể đem lại động cơ tầm thường, nó khiến con trẻ không thể chuyên tâm trong bản thân việc học, coi phần thưởng là mục đích, nhưng lại coi học tập là một thủ đoạn, đã đánh mất mục tiêu thực sự.
Thứ hai, nó làm hư hại tinh thần học tập thực sự cầu thị của trẻ.
Học tập cần nhất là niềm say mê tìm tòi, khám phá nguồn tri thức và thái độ học tập thiết thực, đây là động lực căn bản và phương pháp căn bản để duy trì thành tích tốt. Coi phần thưởng là mồi dụ của việc học, là một hành vi hối lộ mà người lớn yêu cầu trẻ dùng thành tích để báo đáp mình. Nó sẽ khiến trẻ không còn có trái tim chân thành đối với việc học, mà lại tập trung chú ý vào vấn đề làm thế nào để lấy được phần thưởng, làm thế nào để lấy lòng bố mẹ. Điều này khiến cho trái tim con trẻ luôn lơ lửng trong không trung, suy hơn tính thiệt, nông nổi, trong học tập rất khó đạt tới trạng thái chuyên tâm, thiết thực. Thứ ba, nó khiến trẻ nảy sinh tư tưởng đối lập với việc học.
Bất kỳ một kỳ thi nào cũng đều có điểm số, không ai có thể dám chắc chắn mỗi lần thi đều đạt được thành tích cao. Nếu một đứa trẻ từ lâu đã thích có được một đôi giày trượt patin, phụ huynh nói nếu thi được vào top mười của lớp sẽ mua cho cậu. Kết quả là cậu bé đứng thứ mười hai, phụ huynh liền nói đợi đến kỳ thi sau lọt được vào top mười sẽ mua. Phụ huynh cho rằng làm như thế có thể khuyến khích con trẻ tiếp tục cố gắng. Con trẻ vì đã có giao kèo trước với bố mẹ, cũng đồng ý đợi lần thi sau cố gắng lọt vào top mười người đứng đầu, nhưng trong lòng cậu sẽ cảm thấy lo lắng về kỳ thi sau. Lần sau cậu lọt vào được top mười, sẽ có cảm giác vui vẻ tạm thời, nhưng chẳng bao lâu nữa, chắc chắn phụ huynh lại đưa ra điều kiện mới trong đợt thi tiếp theo. Mỗi kỳ thi đều là một cái ngưỡng cao, đòi hỏi trẻ phải vượt qua, nếu thực hiện không được như mong muốn, trẻ sẽ thấy mình thất bại. Dần dần, trẻ sẽ phản cảm với việc học, căm ghét thi cử. Việc sử dụng những biện pháp khích lệ con trẻ trong học tập, nhất thiết phải xem xét mối quan hệ nội tại giữa phương thức và học tập, không nên để hai yếu tố này xung đột với nhau. Cùng là chuyện mua đôi giày trượt patin, nếu thay bằng cách làm khác, hiệu quả sẽ tốt hơn nhiều.
Nếu trước khi trẻ thi, phụ huynh biết trẻ muốn có một đôi giày trượt patin, đồng thời chuẩn bị mua cho trẻ, tốt nhất trước khi thi không nên nói gì cả, cũng không đặt ra bất cứ yêu cầu gì về xếp hạng. Khi trẻ mang về số điểm đứng thứ mười hai, bố mẹ nói với trẻ bằng giọng tán thưởng rằng: Không tồi, sắp lọt vào top mười rồi. Sau đó chuyển sang chủ đề khác, hỏi trẻ có phải muốn mua một đôi giày trượt patin không, đúng dịp nghỉ hè có thời gian chơi.
Như thế sẽ biến “thế yếu” xếp thứ mười hai thành một thế mạnh (sắp lọt vào top mười), sau đó lại mua ngay đôi giày trượt patin mà trẻ đang mong đợi – hai chuyện điểm thi và mua giày trượt patin không hề xung đột với nhau, trẻ sẽ tạo được phản xạ có điều kiện tốt giữa hai sự việc này, khi nghĩ đến “học” sẽ có một trải nghiệm tinh thần vui vẻ.
Cho dù trong lòng bố mẹ nghĩ gì, cảm giác mà bạn đem lại cho trẻ nhất thiết phải khiến trẻ cảm thấy đơn giản, vui vẻ. Mua giày trượt patin cho trẻ, không phải là vì cậu lọt vào được top mười, mà là vì cậu thích trượt patin; cho cậu một trăm tệ, không phải vì môn toán cậu được một trăm điểm, mà chỉ là do cậu muốn mua album mới của Châu Kiệt Luân – không nên từ chối mọi yêu cầu, cũng không nên tùy ý khen thưởng, đặc biệt không nên kèm theo bất kỳ điều kiện gì có liên quan đến việc học trước những nhu cầu bình thường của con trẻ.
Ngoài ra còn có một tình huống phải chú ý. Tôi đã từng gặp một vị phụ huynh, chị không dùng những thứ bằng vật chất để khen thưởng con, mà dùng “thời gian” để khen thưởng. Cậu con trai mười hai tuổi của chị rất thích lên mạng Internet, chị thì muốn con chăm chỉ học tập, sau đó chị nghĩ ra một cách, quy định mỗi kỳ thi, chỉ cần có một môn đạt tám mươi lăm điểm trở lên, sẽ thưởng cho hai giờ đồng hồ lên mạng Internet.
Nhìn bề ngoài biện pháp này rất có lý, vừa có thể khiến trẻ nỗ lực học hành, lại vừa đáp ứng được nhu cầu lên mạng của trẻ. Phương pháp của chị trong thời gian đầu dường như cũng có hiệu quả, con chị có mấy môn thi được trên tám mươi lăm điểm, chị liền thưởng cho con “thời gian” như đã hẹn. Cậu bé rất phấn khởi. Nhưng thời gian trôi qua, cậu bé ngày càng không có nhiều môn “trên tám mươi lăm điểm” như chị tưởng tượng, mà lại càng ngày càng ít, trong khi niềm say mê lên mạng lại không giảm đi chút nào. Vì chuyện này mà hai mẹ con xung đột với nhau nhiều lần. Cuối cùng phương án khen thưởng này đã thất bại hoàn toàn.
Phân tích cách khen thưởng của người mẹ này, thực ra cũng giống như hình thức khen thưởng bằng vật chất nói ở phần trên, cái mà chị tạo ra là mối quan hệ đối lập. Con trẻ thiếu nhất là thời gian, vậy thì sẽ để trẻ dùng điểm số để trao đổi. Ở đây thời gian đã trở thành sự biến tướng của vật chất. Vấn đề là mối quan hệ này thường xuyên vì nguyên nhân “học tập” mà không được thực hiện, hoặc thực hiện không được như người ta mong muốn, con trẻ không có được quỹ thời gian dồi dào để chơi điện tử, trong lòng sẽ nảy sinh tư tưởng đối lập với “việc học”. Tư tưởng đối lập này khiến thành tích của trẻ càng không được như ý, thời gian mà trẻ được thưởng lại càng ít, sau đó học hành càng kém hơn – sự việc bước vào vòng tuần hoàn xấu.
Người mẹ này hỏi tôi nên làm như thế nào, tôi nói, bình thường mà nói trẻ chơi điện tử cũng là một nhu cầu cần thiết, nếu có thể cho trẻ chơi thì cố gắng cho trẻ chơi, không nên tùy tiện tước đoạt một sở thích của trẻ. Nếu quả thật là con trẻ chơi quá độ, ảnh hưởng đến việc học hành bình thường, bạn có thể để việc chơi điện tử đối lập với một đồ vật mà trẻ muốn có được, để việc chơi điện tử trở thành một “nhiệm vụ” buộc phải hoàn thành để trẻ có được đồ vật đó, có thể sẽ làm trẻ mất hứng thú đối với việc chơi điện tử.
Ví dụ, hiện giờ trẻ rất muốn mua một chiếc xe địa hình giá tám trăm tệ, bạn nói với trẻ, mỗi lần lên mạng, trẻ có thể kiếm được mười tệ, bao giờ kiếm được đủ tiền thì đi mua xe. Ở đây điều cần phải chú ý là, giọng bạn không nên tỏ ra căm ghét trò chơi điện tử, coi đây là sở thích bình thường của trẻ. Như thế lúc đầu mỗi ngày trẻ lên mạng một lần, mỗi lần lên bốn tiếng đồng hồ, dưới chính sách này, có thể sẽ biến thành mỗi ngày trẻ online bốn lần, mỗi lần một tiếng đồng hồ. Muốn kiếm được tám trăm tệ thì phải online tám mươi lần, đây không phải là điều một, hai ngày là có thể thực hiện được – tức là thiết kế trò chơi phải có độ khó nhất định, bất luận dùng cái gì để làm “phần thưởng”, cũng không nên để trẻ có thể dễ dàng đạt được – online tám mươi lần, kiểu gì cũng phải mất nửa tháng, hai mươi ngày. Trong quá trình này bạn còn không ngừng dùng xe địa hình để kích thích trẻ, để trẻ cảm thấy quá trình này khá dài, cảm thấy lên mạng đã biến thành một nhiệm vụ.
Đối với trẻ, một khi cảm thấy một việc nào đó là nhiệm vụ, trẻ sẽ đồng thời cảm thấy khổ sở khi phải hoàn thành. Làm như vậy, đến cuối cùng khi được mua xe địa hình, niềm say mê chơi điện tử đã bị giảm đi rất nhiều. Nếu qua một thời gian, trẻ lại tỏ ra hào hứng với việc chơi điện tử, bạn có thể dựa vào lối suy nghĩ này thiết kế ra “phần thưởng” tiếp theo. Chú ý trong cả quá trình không được để trẻ phát hiện ra ý đồ thật của bạn.
Tôi nghĩ nếu “phương pháp” này của tôi trước khi làm bị trẻ nghe thấy, có thể sẽ khiến trẻ nghĩ rằng là một gợi ý tồi. Nhưng trong tình huống trẻ không biết gì về nội tình, có lẽ trẻ sẽ vui vẻ chấp nhận phương pháp này – giảm bớt một cách không khổ sở cơn ghiền Internet, giảm thiểu mối xung đột với phụ huynh, quá trình trưởng thành của trẻ vì thế mà giảm đi một số tổn hại. Đối với hiện tại và tương lai của trẻ đều rất quan trọng. Đây có lẽ là lối tư duy để giải quyết vấn đề, đồng thời cũng là lối tư duy để ngăn ngừa vấn đề xuất hiện.
Cần phải nhắc nhở phụ huynh một điều nữa là những lời khen ngợi thuần túy cũng không nên nói quá.
Chỉ trong tình huống không tin vào khả năng của mình, trẻ mới cần có lời khen ngợi và sự khẳng định từ bên ngoài để củng cố sự tự tin cho mình. Bất luận trong chuyện gì, chỉ cần trẻ đã hình thành được năng lực tương đối xác định, thì không cần phải thường xuyên khen ngợi trẻ, nếu không trẻ sẽ cảm thấy gượng ép và không đáng trân trọng nữa, từ đó lại khiến trẻ nghi ngờ mình. Ví dụ lần đầu tiên Viên Viên khâu được bộ quần áo cho búp bê, tôi biểu dương con rất chân thành, khi cô bé đã khâu được đến bộ thứ tư, tôi không cần phải dùng những lời như “con khâu đẹp quá” để khen ngợi con nữa. Tôi nói “mũi khâu của con đã đều hơn rồi, đường chỉ khâu còn thẳng hơn bộ trước”. Lời khen như thế cô bé sẽ cảm thấy thật hơn, khiến cô bé tự hào hơn vì đã thành công.
Lời khen ngợi nói quá sự thật, thà rằng không nói còn hơn. Sự khen ngợi chân thành của bố mẹ đối với trẻ có thể thông qua nhiều con đường khác nhau để thể hiện, ngoài việc trực tiếp khen ngợi con, cũng có thể thông qua những chuyện nhỏ trong cuộc sống thường nhật để biểu đạt. Không làm trẻ cụt hứng và không khen trẻ quá lời, thực ra ý nghĩa gần như nhau, đều là phụ huynh không làm đảo lộn sự tự nhận thức của trẻ.
Trong quá trình phát triển các thói quen tốt ở trẻ, việc khen thưởng lung tung sẽ không tạo ra động lực giúp trẻ bay cao hơn, mà lại trở thành tảng đá buộc lên đôi cánh của trẻ. “Thi tốt không khen thưởng” chính là để tránh giúp một hỏng mười.
Lưu ý đặc biệt
Áp dụng chính sách “thi tốt không khen thưởng”, đương nhiên cũng có chính sách đi kèm là “thi kém không phê bình”. Có nghĩa là, trong gia đình tôi, việc cô bé thi tốt hay không tốt đều là điều bình thường, không phải vì cô bé làm bài thi tốt mà chúng tôi tỏ ra hào hứng phấn khởi, thi không tốt liền bực mình, thất vọng, lại càng không có các biện pháp thưởng phạt có liên quan.
Thái độ “thờ ơ” của bố mẹ trong vấn đề thành tích, chính là tạo thế cân bằng trước hiện tượng xã hội, nhà trường tuyên truyền quá nhiều về thành tích học tập, kéo con trẻ về với việc học thực sự, tránh để chúng có áp lực trong học tập hoặc biến thành con người nông nổi.
Sự khen thưởng tầm thường chỉ có thể đem lại động cơ tầm thường, nó khiến con trẻ không thể chuyên tâm vào bản thân việc học, coi phần thưởng là mục đích, nhưng lại coi học tập là một thủ đoạn, đã đánh mất mục tiêu thực sự.
Đối với trẻ, một khi cảm thấy một việc nào đó là nhiệm vụ, trẻ sẽ đồng thời cảm thấy khổ sở khi phải hoàn thành.
Chỉ trong tình huống không tin vào khả năng của mình, trẻ mới cần có lời khen ngợi và sự khẳng định từ bên ngoài để củng cố sự tự tin cho mình. Bất luận trong chuyện gì, chỉ cần trẻ đã hình thành được năng lực tương đối xác định, thì không cần phải thường xuyên khen ngợi trẻ, nếu không trẻ sẽ cảm thấy gượng ép và không đáng trân trọng nữa, từ đó lại khiến trẻ nghi ngờ mình.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.