Người Mẹ Tốt Hơn Là Người Thầy Tốt

CHƯƠNG 32: CHỈ LẬP “SỔ GHI CÔNG”, KHÔNG LẬP “SỔ GHI TỘI”



Lập “sổ ghi công” là một phương pháp tương đối tốt, chúng tôi chưa bao giờ dùng tiền để thưởng cho Viên Viên, phần thưởng của bố mẹ chính là những bông hoa đỏ trong cuốn sổ này, nó không thể dùng tiền để tính toán giá trị, nhưng lại vô cùng quý giá, hỗ trợ cho chúng tôi bồi dưỡng rất nhiều phẩm chất tốt ở con trẻ.
Kể từ khi Viên Viên bốn tuổi, tôi mua cho cô bé một cuốn sổ nhỏ, chuyên ghi lại những việc tốt mà cô bé đã làm. Cuốn sổ không lớn lắm, mỗi trang chỉ ghi một chuyện, những việc được ghi rất đơn giản, về cơ bản chỉ có mấy chữ, ví dụ “thu dọn đồ chơi”, “vứt rác”, “tự kể chuyện”, “tối một mình vào bếp bật đèn lấy tăm”, “học được cách xem đồng hồ”…, mỗi trang đều dùng bút đỏ vẽ một bông hoa xinh xắn – đây chính là phần thưởng dành cho cô bé. Chúng tôi gọi cuốn sổ này là “sổ ghi công”. Tôi phát hiện ra mỗi lần “ghi công” cho Viên Viên, cô bé đều rất phấn khởi. Cách một thời gian lại đi đếm xem mình đã có được bao nhiêu bông hoa.
Phương pháp này rất có ích cho quá trình trưởng thành của trẻ. Một là trẻ được biểu dương, cảm thấy rất vinh dự; hai là những việc được ghi trong sổ có tác dụng nhắc nhở bé, giúp bé từ sau không quên làm những việc tốt này; ba là tất cả những chữ ghi trên cuốn sổ nhỏ này, Viên Viên đều nhớ được, cô bé thường xuyên đọc lại những thành tích của mình khi đếm số bông hoa, cũng biết thêm được không ít mặt chữ.
Đến khi Viên Viên vào cấp một, cô giáo trong trường thường xuyên thưởng hoa đỏ, tức là đóng một cái dấu in hình bông hoa đỏ lên tờ giấy nhỏ, tích đủ mười bông hoa đỏ là có thể đổi được một “mặt cười”. Phía cuối lớp có một bảng khen thưởng, dưới tên của ai có dán nhiều “mặt cười” nhất thì chứng tỏ người đó thực hiện tốt nhất. Trong cả thời gian học cấp một, Viên Viên luôn có tên trong bảng vàng, và tổng số “mặt cười” đứng vị trí số một, số hai của hớp. Trong lòng chắc chắn chúng tôi rất mừng, nhưng không bao giờ chúng tôi đi rêu rao về chuyện này, chỉ tỏ ra đây là điều bình thường, không có gì đáng nói. Làm như vậy là vì sợ cô bé sẽ cảm thấy mình hơn các bạn, sợ cô bé sẽ quá chú trọng vào vấn đề kiếm “mặt cười”, từ đó mất đi sự tự nhiên và hài hòa trong hành động.
Song song với đó, “sổ ghi công” trong nhà vẫn được bổ sung thêm một số nội dung, nhưng không có lần nào ghi cô bé đạt điểm cao. Chúng tôi luôn cho rằng giai đoạn tiểu học quan trọng nhất là bảo vệ niềm hứng thú đối với việc học tập của con trẻ. Nếu quá quan tâm đến vấn đề điểm số, so sánh chuyện xếp hạng, thực ra đều là phá vỡ niềm hứng thú đối với việc học của trẻ. Khi con trẻ được người lớn định hướng sang quan tâm đến điểm số, xếp hạng, trẻ sẽ không còn hứng thú đối với việc học nữa. Phía nhà trường đã quá chú trọng vào vấn đề thành tích, nếu phụ huynh lại tiếp tục hùa vào, không những không thúc đẩy cho việc học của trẻ trong tương lai, mà còn gây phản tác dụng.
Chính vì thế trong thời gian Viên Viên học cấp một, những nội dung được ghi trong cuốn sổ vẫn chỉ là những chuyện nhỏ nhặt, ví dụ “giúp mẹ rửa bát, rửa rất sạch”, “chơi đàn nhị hay”, “học được cách thái khoai tây”… Đến cuối kỳ, cũng ghi lại cô bé đạt được những giải gì trong học kỳ này, đây chủ yếu là để lưu giữ con số. Ngoài ra còn ghi lại một số bài “thơ” do cô bé viết, rất ngây ngô.
Năm mười tuổi Viên Viên vào lớp bảy, nội trú ở trường, cuối tuần về nhà một lần, lúc đầu không quen, nhớ nhà đến phát khóc. Tuần thứ hai về nhà cô bé nói tuần này không khóc, tôi vội ghi lại “tuần thứ hai ở trường không khóc nữa”. Trong thời gian này, “thành tích” về cơ bản đều là những cái có liên quan đến cuộc sống ở trường của cô bé: “gấp chăn gọn gàng, được cô giáo khen”, “tự mình giặt quần áo, giặt sạch”… Đây là một số sự tiến bộ bên ngoài trong quá trình trưởng thành của cô bé, đồng thời cũng ghi lại sự trưởng thành và tiến bộ bên trong của con. Một lần tôi và Viên Viên xảy ra tranh cãi, trong quá trình tranh luận chúng tôi đều tỏ ra không vui. Nhưng cô bé không bảo vệ quan điểm của mình một cách quá khích, mà biết vừa tranh luận vừa suy nghĩ, đến khi nhận thức được mẹ nói có lý liền ngừng tranh luận, sau đó cùng mẹ sắp xếp lại tư duy. Đây là sự chín chắn của cô bé, cũng là một vẻ đẹp. Chính vì thế tôi cũng ghi lại chuyện này vào cuốn sổ, đồng thời thưởng cho một bông hoa đỏ. Điều này khiến Viên Viên hiểu thêm được rằng, tranh luận là để làm rõ đúng sai, chứ không phải phản bác, hạ gục đối phương.
Rồi cô bé bước vào tuổi dậy thì, con trẻ ngày càng có chính kiến, cá tính hơn và nhanh chóng trở nên chín chắn, phần thưởng vẽ hoa đỏ giờ đã quá con nít. Điều chủ yếu nhất là các phương diện như cá tính, suy nghĩ, học tập… Viên Viên đều thể hiện trạng thái rất ổn định, chúng tôi chú trọng hơn đến việc chuyện trò, tâm sự với con. Chính vì thế sau khi Viên Viên lên lớp tám, cuốn sổ gần như không ghi thêm gì nữa mà dừng lại rất tự nhiên. Hiện giờ Viên Viên đã vào đại học, “sổ ghi công” đã trở thành một món “đồ quý” của gia đình tôi, trở thành minh chứng cho quá trình trưởng thành hạnh phúc của cô bé. Chúng tôi có cảm giác rằng, lập “sổ ghi công” là một cách tương đối tốt, chúng tôi chưa bao giờ dùng tiền để thưởng cho Viên Viên, phần thưởng của bố mẹ chính là những bông hoa đỏ trong cuốn sổ này, nó không thể dùng tiền để tính toán giá trị, nhưng lại vô cùng quý giá, hỗ trợ cho chúng tôi bồi dưỡng rất nhiều phẩm chất tốt ở con trẻ.
Trẻ em cũng như người lớn, đều thích được khẳng định, được khích lệ. Trong môi trường khẳng định và khích lệ, chúng mới dễ tự tin hơn, dễ tiến bộ hơn. Sai lầm của rất nhiều bậc phụ huynh là ở chỗ luôn thích dùng vật chất để thưởng cho con trẻ, điều này chứng tỏ họ không hiểu con trẻ – đối với những đứa trẻ ngày nay không phải trải qua sự thiếu thốn về mặt vật chất, tác dụng khích lệ không lớn, có thể sẽ đem lại sự thỏa mãn nhất thời, nhưng cũng sẽ kéo dài không lâu; chỉ có niềm vui về tinh thần và sự thỏa mãn rằng mình đã thành công, mới có thể đem lại niềm hạnh phúc và động lực thực sự.
Tôi nói cho một số bậc phụ huynh nghe về phương pháp này, có người thậm chí nói: Đó là do con chị từ nhỏ đã có những biểu hiện tốt. Con tôi ngày nào cũng khiến tôi đau hết cả đầu, làm gì có việc tốt nào đáng để ghi lại.
Cách suy nghĩ này thật là sai lầm.
Thực ra ưu điểm của mỗi đứa trẻ đều nhiều như nhau, đặc điểm của chúng thường chính là ưu điểm của chúng. Những ưu điểm này là những hạt giống ẩn giấu trong lòng con trẻ, cần phải được vun tưới một cách thích đáng trong thời điểm thích hợp mới có thể nảy mầm, bén rễ, đơm hoa, kết trái. Một điều đáng tiếc là không ít phụ huynh chỉ giỏi phát hiện khuyết điểm của trẻ, trong khi lại rất thờ ơ với ưu điểm của chúng, suốt ngày chỉ phê bình và ra lệnh cho trẻ. Hạt giống vốn có thể phát triển trong lòng con trẻ, luôn bị băng giá, sương gió vùi dập, không thể lớn lên, mãi cho đến khi héo khô hoặc chết đi – đây chính là lý do tại sao rất nhiều đứa trẻ đến cuối cùng thật sự lại khuyết điểm đầy mình, rất khó tìm ra ưu điểm.
Có câu danh ngôn nói rằng, thế gian không thiếu cái đẹp, chỉ thiếu đôi mắt phát hiện ra cái đẹp. Cho dù bố mẹ không có thời gian ghi chép lại cụ thể, nhưng ít nhất trong lòng cũng phải lập một cuốn “sổ ghi công” như vậy. Trong lòng có cuốn sổ như thế, ánh mắt và lời nói của bạn sẽ bộc lộ ra, con trẻ sẽ hoàn toàn cảm nhận được. “Thành tích” mà bạn ghi cho trẻ càng nhiều, bạn sẽ đem lại càng nhiều niềm vui và sự tự tin cho trẻ, điều này sẽ khiến trẻ ngày càng trở nên tốt hơn.
Có bậc phụ huynh trong vấn đề ưu khuyết điểm của con, cái nào tốt sẽ biểu dương, mặt nào xấu cũng sẽ kịp thời chỉ ra. Xét về lý không có gì là sai, nhưng nếu phương pháp thao tác không đúng, cũng có thể sẽ xuất hiện một số vấn đề.
Dưới đây là một ví dụ mà tôi gặp, khá điển hình.
Chuyện này cần phải bắt đầu từ Viên Viên. Hồi cô bé học cấp hai, một lần tôi kể cho cô bé nghe chuyện của chúng tôi hồi nhỏ, nhắc đến quê của tôi, mọi người khi chế giễu những người tưởng rằng mình đạt được thành tựu ghê gớm lắm sẽ nói, “ghi một thành tích vào đáy bô cho anh”. Viên Viên cảm thấy câu nói này rất hay, tưởng tượng ra hình ảnh đó rất thú vị, chúng tôi liền bàn nhau đã không còn dùng “sổ ghi công” nữa, từ nay ghi hết công lao lên đáy bô. Tôi tìm một tờ giấy, Viên Viên vẽ hình một cái bô rất to lên trên, lại viết thêm ba chữ “sổ ghi công”; tôi viết lên đó mấy “việc tốt” mà gần đây cô bé làm. Chuyện này chỉ là một trò đùa của chúng tôi chứ không phải là để khích lệ. Bởi Viên Viên không thiếu những lời khen, cô bé cũng đã khá chín chắn rồi. Chính vì thế, tôi cũng không “ghi công” nhiều cho cô bé lên “chiếc bô” này, sau đó lại ghi thêm hai chuyện nữa, tổng cộng cũng chỉ có năm, sáu việc, sau đó lười nên cũng không ghi nữa.
Tờ giấy này dán trên tường một thời gian rất dài, bị một người bạn thân của tôi nhìn thấy, lúc đó chị đang rầu rĩ vì vấn đề quản lý cô con gái. Tiện thể tôi liền kể cho chị nghe mặt tốt của việc lập sổ ghi công. Chị cảm thấy phương pháp này rất mới lạ, rất tốt, nói cũng sẽ về nhà kiếm một tờ giấy dán lên tường, khích lệ cô con gái mười tuổi của chị. Sau đó một hôm tôi đến nhà chị, thấy quả nhiên chị đã làm, nhưng trong khâu thao tác lại có một số vấn đề.
Tờ giấy này được chia thành hai cột, một bên viết ưu điểm, một bên viết khuyết điểm. Đúng là chị cũng rất có dụng ý, vừa muốn để con biết ưu điểm của mình, đồng thời cũng muốn để con ghi nhớ những khuyết điểm của mình. Nhưng làm như thế này rõ ràng là không phù hợp.
Bởi vì lập “sổ ghi công” là để nhằm đạt tới tác dụng xúc tác, khiến con trẻ có được niềm vui và sự tự tin sau khi thỉnh thoảng có những biểu hiện tốt, khiến những hành vi thỉnh thoảng mới có này cuối cùng trở thành một hành vi ổn định của chúng. Cũng với cái lý như vậy, đem những khuyết điểm của trẻ viết ra bằng giấy trắng mực đen rồi dán lên tường, không ngừng nhắc nhở, cũng có thể khiến những hành vi này ổn định lại – vốn là những cái xấu muốn vứt bỏ, dưới sự kích thích này rất dễ khiến con trẻ tự ám thị với mình, tưởng rằng những thói quen xấu đó là hành vi tất yếu của mình. Kết quả cuối cùng là, ưu điểm sẽ củng cố thành ưu điểm thật sự; khuyết điểm cũng sẽ được củng cố, trở thành khuyết điểm không thể sửa được.
Giáo dục nằm trong các chi tiết, thật là sai một ly, đi một dặm.
Ý thức tự kiểm điểm và khả năng tự kiểm soát của trẻ em chưa được hình thành, chúng dễ bị chi phối bởi sự ám thị và niềm hứng thú. Người lớn tưởng rằng viết ra những khuyết điểm của trẻ, dán ở trước mặt, con sẽ thường xuyên tự nhắc nhở mình, uốn nắn những sai sót của mình. Suy nghĩ này thực sự không hiểu đặc điểm của con trẻ. Hơn nữa, tất cả các vị khách đến chơi nhà chị đều nhìn thấy tờ giấy này, bao nhiêu khuyết điểm ghi trên đó, cũng sẽ làm tổn thương đến lòng tự trọng của trẻ.
Chính vì thế tôi nhắc nhở người bạn này rằng, sao phải ghi những cái trẻ không muốn để lộ ra lên tường. Trên giấy chỉ ghi ưu điểm, không ghi khuyết điểm, chỉ ghi “công” không ghi “tội”, hiệu quả sẽ tốt hơn.
Chị hỏi tôi với vẻ lo lắng, con chị có rất nhiều tật xấu mà chị muốn con phải sửa, thế thì làm thế nào, lẽ nào viết ra như thế để nhắc nhở cô bé không tốt hay sao? Tôi nói, dĩ nhiên là có thể nhắc nhở, nhưng phải thay bằng một cách nói khác, biến hết mọi cái “tội” của trẻ thành “công” để nói, tức trước hết phụ huynh phải ý thức được rằng “chỉ lập sổ ghi công, không lập sổ ghi tội”.
Ví dụ một đứa trẻ không chịu chăm chỉ luyện đàn, bố mẹ phải nhắc nhở mới chịu luyện, bạn không nên ghi “không tự giác luyện đàn”, mà phải nhìn thấy rằng ít nhất con trẻ ngày nào cũng luyện, liền ghi “kiên trì luyện đàn hàng ngày”; tiếp sau đó cô bé vẫn lười biếng, không muốn luyện đủ một tiếng đồng hồ, bạn không nên viết “không chơi đủ một tiếng đồng hồ”, mà ghi “mặc dù chỉ luyện được bốn mươi phút, nhưng chơi rất tiến bộ”; cô bé phát hiện ra rằng chơi bốn mươi phút bạn cũng có thể chấp nhận được, thời gian sau đó chỉ luyện bốn mươi phút. Và thế là trước hết bạn hãy tránh vấn đề thời gian, ghi “luyện đàn rất chuyên tâm, trình độ đang dần dần được nâng cao” – Cũng có nghĩa là, trong những mặt không tốt của con trẻ, luôn tìm ra được điểm đáng để biểu dương, luôn tạo sự ám thị và kích thích tốt cho trẻ. Cứ như thế, con trẻ sẽ dần dần cảm thấy mình cũng không tồi, thay đổi cách luyện cho đủ thời gian thành cách luyện cho đúng kỹ năng. Khi trẻ không còn chống đối lại bố mẹ, trong lòng thực sự muốn luyện tốt một bản nhạc, trẻ sẽ không để tâm đến việc chơi lâu một chút hay chơi ít một chút nữa; hơn nữa nếu chơi nửa tiếng đồng hồ mà chuyên tâm, nghiêm túc sẽ tốt hơn là chơi lấy lệ một tiếng đồng hồ. Người bạn của tôi vẫn còn đôi chút lo lắng, hỏi tôi, không nên vạch ra khuyết điểm của trẻ ư? Không chỉ ra thì trẻ sẽ không thể sửa được, tình hình sẽ càng ngày càng nghiêm trọng, như thế thì làm thế nào?
Tôi nói, một số bậc phụ huynh sở dĩ thường xuyên phê bình giáo dục con trẻ, chính là do có một suy nghĩ sai lầm ăn sâu vào máu rằng, nếu mình không nói, không thường xuyên nhắc nhở, con trẻ sẽ không biết sửa khuyết điểm, càng ngày càng sa đọa. Thực tế là, mỗi đứa trẻ đều có lòng tự trọng, chí tiến thủ là bản tính của trẻ, chỉ cần không bị bóp méo, chắc chắn sẽ phát triển bình thường. Đối với một khuyết điểm nào đó ở trẻ, có thể nhắc nhở một cách thích đáng, khi đã phát hiện ra khuyết điểm này lặp đi lặp lại nhiều lần, thì phải suy nghĩ đến việc áp dụng phương pháp khích lệ, lặng lẽ giúp trẻ khắc phục, chứ không nên phê bình một cách trực tiếp và nhiều lần, đừng nói những câu như “Mẹ đã nhắc con bao nhiêu lần rồi mà con không chịu sửa”. Phê bình lặp lại nhiều lần giống như cuốn “sổ ghi tội” dán trên tường, sẽ cố định khuyết điểm của trẻ. Khiến trẻ khó có thể dứt bỏ khuyết điểm đó.
Để cho người bạn thân này của tôi hiểu hơn, tôi lại đưa ra một số kiến nghị cho chị.
Ví dụ con buổi sáng ngủ dậy chuẩn bị đi học nhưng luôn lề mề chậm chạp, luôn phải có chị thúc giục mặc quần áo, ăn cơm, cầm cặp sách, phải để chị kéo chạy ra ngoài mới không bị muộn giờ. Vậy thì cho dù hàng ngày chị nói câu “Mau lên, đừng lề mề nữa” hàng nghìn lần, phê bình con trẻ hàng vạn lần, cũng không thể giải quyết vấn đề; lời nhắc nhở đều đặn hàng ngày của chị chỉ khiến con trẻ hình thành một cách ổn định thói xấu này. Nếu chị thay bằng một cách khác, có thể sẽ cải thiện được vấn đề một cách căn bản. Bạn có thể nói chuyện với trẻ một lần một cách nghiêm túc, thân thiện, bảo với trẻ rằng bắt đầu từ ngày mai, buổi sáng phải tự mình sắp xếp thời gian đi học. Sau đó từ ngày hôm sau, bạn sẽ không thúc giục nữa. Bạn chỉ hoàn thành những việc mà bạn cần phải làm, như chuẩn bị đồ ăn sáng, thu dọn tươm tất cho mình, chuẩn bị đưa con đi học. Còn về phần con, thời gian của con, con tự sắp xếp, bạn cứ bình thản đợi cô bé lề mề.
Ngày đầu tiên con trẻ không quen, có thể để muộn một tiếng đồng hồ, trên đường lo phát khóc, nổi cáu với bạn, trách bạn không nhắc nhở mình. Lúc này, bạn liền biểu dương con rằng: “Mẹ phát hiện ra con là một cô bé ngoan, có chí tiến thủ, không muốn đi học muộn. Hôm nay là ngày đầu tiên con tự mình sắp xếp thời gian, vẫn chưa quen lắm; từ lần sau chắc chắn sẽ sắp xếp ổn thỏa hơn”. Chú ý, khi nói câu này, bạn phải tỏ rõ thành ý, không nên nói trái với lòng mình. Chỉ cần phụ huynh kiên trì, nhẫn nại, trong quá trình này không nổi cáu, không chỉ trích, không làm thay, kiên trì để trẻ tự quản lý mình, thường xuyên “ghi công” cho con trẻ; khi con trẻ lại lặp lại lỗi cũ, bạn vẫn có thể tìm ra được điểm tích cực trong những biểu hiện tiêu cực của trẻ, chân thành biểu dương trẻ. Như thế, ý thức quản lý tự giác của trẻ nhất định sẽ hình thành, thói xấu lề mề nhất định sẽ sửa được.
Cho dù bằng hình thức thật hay ở trong lòng mình, bố mẹ cũng đều nên lập cho con một cuốn sổ nhỏ. Chỉ lập “sổ ghi công”, không lập “sổ ghi tội”. Trân trọng cảm giác tự hào vì đạt được thành tích của trẻ, tránh ghi lại những điều mang tính trừng phạt. Con trẻ không sai, chỉ là chưa chín chắn; và không chín chắn sẽ đồng nghĩa với việc có không gian và khả năng phát triển. Bố mẹ nên tán thưởng sự không chín chắn của con trẻ một cách thực sự tự đáy lòng, nhìn thấy cái đẹp trong cái không chín chắn. Như thế bạn mới dễ dàng mở ra “sổ ghi công”, chứ không phải vừa nhìn thấy lỗi lầm của trẻ, liền tự động mở ra “sổ ghi tội”.
Mỗi khi bạn chuẩn bị áp dụng biện pháp gì để giáo dục con trẻ, bạn đều phải suy nghĩ một chút về biện pháp mà bạn áp dụng: Cái bạn muốn nhấn mạnh rốt cục là cái gì, phương pháp mà bạn áp dụng là điều mà trẻ thích hay phản cảm, ảnh hưởng của nó tới trẻ là tích cực hay tiêu cực, mang tính khích lệ hay làm nhụt chí, là trước mắt hay lâu dài, là cao thượng hay dung tục? Không suy nghĩ những điều này, chỉ dựa vào tâm trạng và thói quen để làm việc, không những không đạt được mục đích, mà có thể còn phá hoại mục đích một cách căn bản.
Lưu ý đặc biệt
Đối với những đứa trẻ ngày nay không phải trải qua sự thiếu thốn về mặt vật chất, tác dụng khích lệ không lớn, có thể sẽ đem lại sự thỏa mãn nhất thời, nhưng cũng sẽ kéo dài không lâu; chỉ có niềm vui về tinh thần và sự thỏa mãn khi mình đã thành công, mới có thể đem lại niềm hạnh phúc và động lực thực sự.
Cho dù bố mẹ không có thời gian ghi chép lại cụ thể, nhưng ít nhất trong lòng cũng phải lập một cuốn “sổ ghi công” như vậy. Trong lòng có cuốn sổ như thế, ánh mắt và lời nói của bạn sẽ bộc lộ ra, con trẻ sẽ hoàn toàn cảm nhận được. “Thành tích” mà bạn ghi cho trẻ càng nhiều, bạn sẽ đem lại càng nhiều niềm vui và sự tự tin cho trẻ, điều này sẽ khiến trẻ ngày càng trở nên tốt hơn.
Một số bậc phụ huynh sở dĩ thường xuyên phê bình giáo dục con trẻ, chính là do có một suy nghĩ sai lầm ăn sâu vào máu rằng, nếu mình không nói, không thường xuyên nhắc nhở, con trẻ sẽ không biết sửa khuyết điểm, càng ngày càng sa đọa. Thực tế là, mỗi đứa trẻ đều có lòng tự trọng, chí tiến thủ là bản tính của trẻ, chỉ cần không bị bóp méo, chắc chắn sẽ phát triển bình thường.
Phê bình lặp lại nhiều lần giống như cuốn “sổ ghi tội” dán trên tường, sẽ cố định khuyết điểm của trẻ, khiến trẻ khó có thể dứt bỏ khuyết điểm đó.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.