Người Mẹ Tốt Hơn Là Người Thầy Tốt

CHƯƠNG 34: HÃY LÀM NHỮNG NGƯỜI BỐ NGƯỜI MẸ BIẾT “NGHE LỜI”



Cho dù các bậc phụ huynh yêu thương con mình đến đâu, nếu thường xuyên đặt ra yêu cầu “phải biết nghe lời” với trẻ, đồng thời luôn yêu cầu trẻ phải phục tùng mình, thì thực chất anh ta chính là người của chủ nghĩa quyền uy. Những người như thế gần như không bao giờ nghi ngờ về tính chính xác và tính không thể phủ định đối với yêu cầu mà họ đặt ra cho con trẻ, trong tiềm thức của anh ta chưa bao giờ bình đẳng thật sự với con. Nhưng trong mắt con trẻ, họ chỉ là những bậc phụ huynh “không chịu nghe lời”.
Yêu cầu con trẻ phải biết “nghe lời” là chuyện hết sức bình thường trong cuộc sống của chúng ta. Nghe lời hay không, ngoan hay không, đã trở thành một tiêu chuẩn rất đơn giản để người ta đánh giá một đứa trẻ. Nhưng trong gia đình tôi, có lẽ là do tôi và ông xã luôn có ý thức, chính vì thế chúng tôi rất ít khi sử dụng từ “nghe lời” với Viên Viên; ngược lại, chúng tôi lại muốn làm người bố người mẹ biết “nghe lời” hơn.
Khi Viên Viên khoảng hai tuổi, một lần tôi và một người bà con đưa cô bé đến quảng trường Thiên An Môn chơi. Trên đường đến bến xe bus phải đi qua một cây cầu bộ hành. Viên Viên không đi trên bậc thang, mà lại đòi đi trên bệ xi măng ở hai bên lan can cố định chỉ rộng khoảng mười centimet, cô bé luôn thích đi những con đường “độc đạo” như vậy. Người bà con nói, chúng ta đừng đi cái này, đi lên bậc thang có được không, mau còn lên xe bus. Viên Viên không nghe. Tôi nói với người bà con rằng, kệ con bé, bé thích đi như vậy cứ kệ bé.
Đôi bàn tay nhỏ của Viên Viên nắm vào lan can, chầm chậm lê bước lên trên, tôi đứng bên cạnh trông cô bé, đề phòng trượt ngã.
Lúc này, lại có một cậu bé lớn hơn Viên Viên một chút đi đến, thấy Viên Viên đi như vậy, liền đòi sang đường trượt bên cạnh men theo lan can để đi, mẹ cậu bé nói “Đi cẩn thận, nghe lời nào!”. Rồi kéo cậu bé đi.
Phải mất rất nhiều công sức Viên Viên mới leo được lên trên cầu, cô bé rất phấn khởi, vẫn muốn men theo lan can đi từ đầu cầu bên này sang đầu cầu bên kia. Người bà con nói, Viên Viên ngoan nào, mình cũng nghe lời như bạn nhỏ vừa rồi nhé, không đi đường này nữa, được không. Nghĩ đến thái độ của người bà con, tôi cũng nói với Viên Viên rằng: “Xuống đây đi con, mình đi nhanh lên một chút được không, đi như thế chậm lắm”. Viên Viên không chịu, lại bám vào lan can, lê từng bước một. Nhìn thấy cô bé rất hào hứng, tôi cũng không quản nữa.
Cuối cùng đã qua hết mặt cầu, đến lúc đi xuống, Viên Viên vẫn hiếu kỳ muốn thử cảm giác men theo lan can đi xuống. Đi được nửa đường cô bé hình như không thấy mới lạ nữa, cũng cảm thấy thực sự không tiện, mới chịu xuống.
Đi qua cây cầu này đáng lẽ chỉ mất một phút bây giờ phải mất khoảng mười phút. Tôi có thể cảm nhận được sự sốt ruột của người bà con. Cô ấy cười nói với tôi rằng, chị thật là một người mẹ tốt, con không chịu nghe lời như vậy mà chị vẫn có đủ kiên nhẫn, em thấy chị luôn nghe lời con, con bé đòi làm gì chị đều để bé làm như vậy.
Tôi rất hiểu ý cô ấy, lúc đó cô ấy còn chưa có con, không biết mỗi đứa trẻ đều “không biết nghe lời”. Tôi đành phải thầm xin lỗi cô ấy. Giữa lợi ích của người lớn và lợi ích của con trẻ, trước tiên tôi sẽ lựa chọn lợi ích của trẻ, cho dù lúc đó người mà tôi dẫn đi không phải là con gái tôi, là con gái của cô ấy, tôi cũng sẵn lòng cùng trẻ chậm rãi đi qua cầu – chúng ta đưa trẻ đi chơi, tại sao cứ nhất thiết phải coi việc đến quảng trường Thiên An Môn mới là có ý nghĩa, coi việc qua cầu là vô nghĩa, con trẻ chơi ở đâu chẳng là chơi. Có lẽ trong mắt Viên Viên, cầu bộ hành còn thú vị hơn nhiều so với quảng trường Thiên An Môn.
Trong mắt người khác, việc tôi và bố Viên Viên làm người bố người mẹ biết nghe lời có lúc hơi thái quá. Tết năm Viên Viên mười hai tuổi, chúng tôi từ Bắc Kinh về Nội Mông Cổ ăn Tết. Kế hoạch ban đầu là mùng tám đi, ăn sáng xong xuôi, chúng tôi xách túi lớn túi bé chuẩn bị lên đường, Viên Viên lề mề mặc quần áo, tỏ ra không muốn đi, nói ở nhà ông bà nội bao nhiêu ngày, ở nhà bà ngoại mới được hai ngày, chưa được chơi thỏa thích với hai người chị đã phải đi. Nhìn thấy vẻ lưu luyến giữa cô bé với hai người chị, cả ba như muốn khóc. Chúng tôi nghĩ về muộn một hôm cũng không có gì đáng ngại, chỉ có điều tôi và ông xã về đến Bắc Kinh không có thời gian nghỉ ngơi, ngày hôm sau đã phải đi làm ngay. Thế là chúng tôi quyết định không đi ngày hôm đó nữa, cởi bớt quần áo ra, đồ đạc đã chuyển lên xe lại bê xuống. Ba đứa trẻ mừng rỡ nhảy tâng tâng. Bà ngoại Viên Viên sợ chúng tôi làm như thế quay về sẽ rất mệt, thấy chúng tôi quá nuông chiều con. Nhưng sự “nuông chiều” của chúng tôi không phải để Viên Viên biến thành một người coi mình là trên hết, mà hoàn toàn ngược lại, cô bé rất hiểu người khác, tất cả những người đã từng gặp Viên Viên đều nói cô bé vừa hiểu biết vừa chín chắn. Thực sự cô bé phát triển toàn diện hơn bố mẹ. Chúng tôi thực sự rất tôn trọng suy nghĩ của con, đặc biệt là khi cô bé lớn dần lên, ngày càng trở nên hiểu biết, có vấn đề gì không biết cách giải quyết, chúng tôi lại bàn bạc với con, nghe ý kiến của con, trước mặt con biến thành những vị phụ huynh “biết nghe lời” thực sự.
Là phụ huynh, đương nhiên không phải chúng tôi chuyện gì cũng đều “nghe lời”, trong quá trình trưởng thành của Viên Viên cũng có rất nhiều xung đột với cô bé. Nhưng hiện giờ nghĩ lại, dường như tất cả mọi xung đột đều phản ánh lên vấn đề của phụ huynh, hay có nghĩa là đều bao hàm sự không thấu hiểu hoặc phương thức giải quyết vấn đề không thích đáng của phụ huynh đối với con trẻ.
Năm Viên Viên bốn tuổi, tôi và người bạn Tiểu Vu đưa Viên Viên và cô con gái của Tiểu Vu là Huyên Huyên đến công viên núi Long Hổ chơi. Chúng tôi leo núi trên con đường đất nhỏ, hai cô bé chạy đằng trước, cả hai đều mặc quần áo sạch đẹp, gọn gàng. Tôi và Tiểu Vu đi sau, vừa nói chuyện vừa để mắt đến con.
Hai cô bé đi trước đột nhiên bò ra đất. Tôi và Tiểu Vu nhìn thấy, vội gọi con đứng dậy. Hai đứa trẻ không chịu nghe, vẫn cứ bò như vậy, chúng tôi liền chạy đến, kéo chúng dậy, phủi đất cho chúng, phê bình chúng làm bẩn quần áo. Cả hai cô bé đều tỏ ra không vui. Chuyện này cũng giống như bao chuyện nhỏ khác trong cuộc sống, chẳng mấy chốc mà tôi đã lãng quên. Mãi cho đến sau này, khi Viên Viên học lớp bốn, lớp năm, có một lần cô bé phê bình tôi không hiểu cô bé, đột nhiên lại nhắc đến chuyện này.
Viên Viên nói lần đó hình như là lần đầu tiên cô bé leo núi, lúc đó cô bé và Huyên Huyên đi đằng trước, tự nhiên lại cảm thấy hiếu kỳ, đây rõ ràng là đang đi lên núi mà, tại sao gọi là “leo núi”. Chúng cảm thấy từ “leo”(1) này rất thú vị, để mình được “leo núi” thực sự, chúng quyết định dùng tứ chi để bò. Kết quả là chúng vừa mới bắt đầu “bò”, chúng tôi liền gọi chúng đứng dậy, khiến cả hai đều cụt hứng.
_________________
(1) Từ “leo” (爬) trong tiếng Trung còn có nghĩa khác là “bò” (ND).
Nghe Viên Viên nói vậy, tôi mới nhớ ra hình như đúng là có chuyện như vậy. Tôi vừa thương con vừa hối hận, hỏi: Tại sao lúc đó con không nói ra suy nghĩ của mình, nếu mẹ biết các con nghĩ như vậy, chắc chắn sẽ không ngăn cản các con, suy nghĩ của các con rất đáng yêu. Viên Viên nói hồi đó bọn con còn bé, trong lòng nghĩ như thế, nhưng không thể diễn đạt ra bằng lời ngay được. Nếu như mẹ từ từ hỏi con tại sao lại làm như vậy, có thể chúng con sẽ nói ra được. Tiếp đó Viên Viên lại phê bình, người lớn thường xuyên không chịu động não, chỉ thích chỉ huy trẻ con, lại còn luôn miệng trách trẻ con không chịu nghe lời.
Lời phê bình của Viên Viên khiến tôi tâm phục khẩu phục, đúng vậy, tại sao leo núi lại không thể “bò”, “bò” là một chuyện thú vị biết bao. Quần áo bẩn có thể giặt, nếu bị rách cũng không có gì nghiêm trọng. Vì một lý do rất nhỏ là sợ làm bẩn quần áo, mà phá hoại một cuộc thí nghiệm đầy niềm vui như thế của trẻ, thật đúng là sai lầm.
Có bao nhiêu điều sai lầm như thế, tôi cũng ngại nhớ lại. Giá như thời gian có thể quay trở lại, chắc chắn tôi sẽ làm tốt hơn, sẽ không đối xử với con một cách độc đoán như vậy nữa.
Sự phát triển của ý thức và khả năng diễn đạt của con trẻ thường không đồng bộ, rất nhiều thứ đã nghĩ đến nhưng lại không nói được ra, hoặc là những điều nói ra có một khoảng cách rất lớn so với ý định ban đầu của chúng. Phương thức biểu đạt mà chúng sử dụng nhiều nhất là nghe lời hay không nghe lời, phục tùng hoặc chống đối, cười hoặc khóc. Người lớn không nên đơn giản cho rằng cứ nghe lời, phục tùng hay cười là tốt, không nghe lời, chống đối hoặc khóc là không tốt, không nên không phân biệt trắng đen phải trái mà bắt con trẻ phải “nghe lời”. Nhất thiết phải thông qua các cách biểu đạt của chúng, phát hiện ra nguyện vọng của trẻ. Và còn phải nghĩ cách để giúp chúng dùng ngôn ngữ để trình bày suy nghĩ của mình.
Tôi nhớ đến một câu chuyện khi Viên Viên ba tuổi rưỡi.
Hồi đó bố bé đang công tác ở địa phương khác, mấy tháng mới về một lần. Cô bé rất nhớ bố, thường xuyên hỏi bao giờ bố về, tại sao bố của bạn Triết hàng xóm lại không đi công tác xa.
Lúc đó ti vi đang chiếu một bộ phim truyền hình có tên Chỉ cần em sống hạnh phúc hơn anh. Kể về câu chuyện một người mẹ ở làng SOS tận tâm chăm sóc mấy em bé mồ côi, yêu một chàng trai nhưng không đến được với nhau. Viên Viên cũng xem bộ phim này với tôi tuy thỉnh thoảng cũng có lúc bỏ giữa chừng.
Tập phim hôm đó có nội dung như sau, các con không chịu nghe lời, mẹ bực quá bỏ nhà ra đi, mấy đứa trẻ không có ai chăm sóc, không được ăn cơm, lại nhớ mẹ, rất đáng thương. Dường như Viên Viên xem tập phim này rất chăm chú.
Sau khi xem xong, đã đến giờ đi ngủ, tôi bảo cô bé uống một chút nước trước rồi đi đánh răng. Cô bé vừa không cầm cốc nước, cũng không để ý đến lời tôi nói, mà hỏi liên mồm về các tình tiết trong phim, tôi đã nghe ra được ý là cô bé muốn biết tại sao người mẹ lại bỏ nhà ra đi, tại sao lại không cần các con của bà nữa, mẹ có còn quay về nữa không? Bị hỏi nhiều quá tôi cũng bực, nói đừng hỏi nữa, mau uống nước đi ngủ đi. Viên Viên miễn cưỡng cầm cốc nước, định nói gì xong lại thôi, rồi đột nhiên òa khóc.
Bình thường cô bé rất ít khóc, điều này khiến tôi vô cùng sửng sốt, tưởng rằng cô bé sốt ruột thay cho những em bé trong phim, liền vội nói, mẹ của các bạn ấy chắc chắn sẽ về, ngày mai chúng ta lại xem, chắc chắn sẽ về con ạ. Tiếng khóc của Viên Viên không nhỏ đi, xem ra điều mà cô bé nghĩ không phải là điều này.
Tôi tin chắc rằng không phải cô bé khóc vì lý do sức khỏe như đau bụng gì đó, bèn hỏi: Tại sao con gái mẹ lại khóc, con nói cho mẹ nghe được không? Tôi lau nước mắt cho cô bé, lại hỏi mấy lần nữa, cô bé mới vừa khóc vừa nói: “Thế bố của các bạn ấy đi đâu rồi ạ?”. Tôi bế cô bé lên, nói con gái đừng khóc nữa, có phải con nhớ bố rồi không, tháng sau bố sẽ về, ngày mai chúng ta sẽ gọi điện cho bố nhé. Cô bé vẫn vừa khóc vừa lắc đầu. Xem ra câu trả lời mà cô bé cần cũng vẫn không phải là câu này.
Tôi thấy rất lạ, thơm lên má cô bé, khuyến khích cô bé nói ra nguyên nhân. Có lẽ là cô bé muốn nói, cố gắng thôi không khóc nữa, nhưng lại không nói ra được, trông rất luống cuống.
Tôi liền thay đổi cách hỏi: Có phải con muốn mẹ làm một việc gì đó không, con nói ra đi, mẹ sẽ đi làm, có được không? Viên Viên gật đầu, rồi cô bé lại nghĩ một cách rất khó khăn, nói “Mẹ ơi chúng ta đổi sang ngôi nhà khác đi, ngôi nhà này không tốt”. Nói xong lại òa khóc.
Câu nói của cô bé khiến tôi không biết đâu mà lần, xem ra Viên Viên vừa ấm ức lại vừa hoảng hốt. Tôi hỏi cô bé tại sao phải đổi nhà khác, cô bé lại khóc nức nở nói, “Ngôi nhà này không tốt, con muốn đổi sang nhà khác”.
Tôi không biết trong lòng cô bé đang nghĩ cái gì, liền tìm một chiếc khăn lau mặt cho cô bé, dỗ cô bé nín khóc, để cô bé nói ra muốn đổi sang một ngôi nhà như thế nào. Viên Viên cố gắng ngừng khóc, xem ra rất muốn trả lời tôi, nhưng lại không nói ra được, ấp a ấp úng rất tội.
Tôi nghĩ một lát, hỏi: Có phải con không thích nhà của chúng ta không? Cô bé gật gật đầu. Điều này thực sự khiến tôi không tài nào hiểu nổi, tại sao đột nhiên cô bé lại không thích ngôi nhà của chúng tôi nữa, chắc chắn phải có nguyên nhân khác. Tôi lại lựa lời hỏi tiếp: “Có phải con không thích đồ dùng gì đó ở trong nhà mình không? Con không thích cái gì, nói cho mẹ biết được không?”.
Viên Viên nghĩ một lát, rồi lại òa khóc, vừa khóc vừa nói “Không như trong ti vi, không thích ngôi nhà có chậu đỏ, mẹ ơi mình đổi sang nhà khác đi!”. Tôi hỏi cô bé thế nào là “ngôi nhà có chậu đỏ”, bé vừa khóc vừa nhìn xuống dưới, chỉ tay vào chiếc chậu nhựa màu đỏ đựng đồ chơi dưới đất.
Giờ thì tôi đã hiểu ra được nguyên nhân. Trong ti vi có một cô bé tên là Á Á, cũng chừng ba, bốn tuổi, đồ chơi của cô bé được đựng trong một chiếc chậu nhựa màu đỏ. Chậu đồ chơi của Á Á lại giống hệt với chậu đựng đồ chơi của Viên Viên. Chiếc chậu đựng đồ chơi màu đỏ đó nhiều lần xuất hiện trước ống kính, tôi còn chỉ cả cho Viên Viên xem, nói cô bé và Á Á đều có một chậu đồ chơi. Hôm nay cô bé xem phim thấy Á Á không có mẹ nữa, trông rất tội nghiệp, nhưng cô bé lại không hiểu được các tình tiết cụ thể trong bộ phim, có lẽ trái tim non nớt đã suy luận rằng – ngôi nhà có chậu màu đỏ đó, bố sẽ không ở nhà, mẹ sẽ bỏ nhà ra đi – chính vì thế cô bé vô cùng lo lắng.
Sau khi hỏi chuyện, gợi ý cho cô bé từ từ nói ra suy nghĩ của mình, quả nhiên đúng là nguyên nhân này.
Tôi liền dùng những lời cô bé có thể hiểu để an ủi cô bé, cuối cùng khiến cô bé tin rằng, mẹ sẽ mãi mãi không bao giờ bỏ nhà ra đi, sau này hàng ngày bố cũng sẽ sống cùng bé, những điều này không liên quan gì đến chiếc chậu đỏ.
Sau khi trút được gánh nặng, Viên Viên vui vẻ đi ngủ. Ngắm nhìn gương mặt thanh thản đang ngủ rất ngon của con gái, tôi cảm thấy hiểu được suy nghĩ của trẻ thật vô cùng quan trọng. Giả dụ người lớn cảm thấy trẻ nhỏ không biết gì, không chịu gạn hỏi xem trẻ muốn nói gì, dỗ dành hoặc mắng vài câu cho qua chuyện, nỗi thắc mắc trong lòng trẻ không được tháo gỡ, trẻ sẽ đau khổ và bất an trong bao lâu nữa.
Trong cuộc sống đúng là thường xuyên gặp phải một số đứa trẻ thực sự “không chịu nghe lời”.
Một hôm tôi và mấy người bạn đi ăn cơm, một chị bạn đưa cậu con trai bảy, tám tuổi đến. Thức ăn đã bê lên rồi, mọi người đang chuẩn bị cầm đũa, đột nhiên cậu bé đòi mẹ đưa ra ngoài mua một món đồ chơi gì đó, người mẹ nói muốn mua cũng phải đợi ăn cơm xong hãy đi. Cậu bé không chịu, đòi đi ngay, bám riết quấy rầy mẹ, khiến mọi người cũng không được thoải mái.
Cậu bé này xem ra đúng là “không chịu nghe lời” như người mẹ nói, dường như cậu không biết thấu hiểu và thông cảm với bất kỳ ai. Mọi người dùng mọi cách để khuyên cậu ăn cơm xong hãy đi, muốn trêu cho cậu vui, muốn cậu ăn ít cơm, nhưng cậu không chịu ăn miếng cơm nào, không chịu nghe theo lời khuyên của ai. Bà mẹ không động đến cậu con nữa, bảo mọi người cứ để mặc cậu.
Sau đó có một chú trêu muốn “chạm cốc” với cậu, tiện tay với lấy một lon Coca Cola đưa cho cậu, cậu bé đón lấy, xem ra cũng đã ưng bụng. Đang lúc con trẻ chuẩn bị mở lon Coca, mẹ cậu liền vội ngăn lại nói đừng uống Coca Cola, uống nước hạnh nhân đi. Cậu bé nói muốn uống Coca Cola, người mẹ liền giằng lấy lon Coca, đưa một lon nước hạnh nhân cho con, nói, uống cái này mới tốt. Cậu bé không chịu, hậm hực nói: Mẹ chẳng bao giờ cho con uống Coca Cola, ngày nào cũng bắt con uống sữa chua và nước hạnh nhân! Người mẹ nói: Đã nói với con bao nhiêu lần rồi, Coca Cola không bổ béo gì cả, uống cái đó làm gì!
Bên cạnh có người khuyên người mẹ, hay là hôm nay phá lệ một lần, cho con uống Coca Cola, uống ít thôi. Vẻ mặt người mẹ tỏ ra rất kiên quyết, nói không thể để con trẻ thích làm gì thì làm, tuyệt đối không được uống ngụm Coca Cola nào. Nói rồi bật lon nước hạnh nhân ra, rót một cốc đặt xuống trước mặt cậu con, nói: “Nghe lời mẹ nào, uống cái này đi!”. Cậu con lại hậm hực không chịu uống.
Tôi thầm than trong lòng, có một bà mẹ “không chịu nghe lời” như thế, có đứa con trai chịu nghe lời mới là lạ!
Bố mẹ là tấm gương đầu tiên đồng thời cũng là tấm gương quan trọng nhất của con trẻ. Nếu bất kỳ việc nào bố mẹ cũng muốn thuyết phục con trẻ làm theo suy nghĩ của mình, suốt ngày bắt con trẻ phải phục tùng mình, vô hình trung sẽ dạy cho con trẻ cũng dùng phương pháp giống như thế để đối xử với người khác. Con trẻ sẽ học được rất nhanh cách trói buộc bố mẹ, “không nghe lời” chính là sợi dây chão mà chúng thường dùng, tiêu cực nhưng có hiệu quả. Những sự việc như thế này tích tụ quá nhiều, sẽ hình thành nên tâm lý cực đoan, phát triển thành một bản tính quá khích.
Rất nhiều cách làm tưởng chừng rất quen thuộc trong giáo dục, phía sau thực ra có rất nhiều sai lầm mà người ta không nhìn thấy được. Nhiều năm nay người ta đã quen với việc yêu cầu con trẻ phải biết “nghe lời”, đây dường như là muốn tốt cho con, nhưng nếu phân tích sâu, có thể thấy đây là sự bất bình đẳng giữa người lớn và trẻ em. Không phải phụ huynh không muốn đối xử với con trẻ một cách bình đẳng, mà là không cảnh giác trước ý thức quyền uy của mình, không ý thức được rằng mình đã đóng vai trò của một nhân vật quyền uy trước mặt con trẻ.
Nhà triết học Erich Fromm phê phán kịch liệt luân lý học của chủ nghĩa quyền uy, cho rằng cái mà nó chủ trương chính là “phục tùng là cái thiện lớn nhất, không phục tùng là cái ác lớn nhất. Trong luân lý học của chủ nghĩa quyền uy, tội ác không thể tha thứ chính là đối kháng”(1).
___________________
(1) Erich Fromm, Người vì mình, Tôn Y Y dịch, Tam Liên thư điếm, tháng 11-1988, tr.32.
Cho dù các bậc phụ huynh yêu thương con mình đến đâu, nếu thường xuyên bắt trẻ phải “nghe lời”, đồng thời luôn yêu cầu trẻ phải phục tùng mình, thì thực chất anh ta chính là người của chủ nghĩa quyền uy. Những người như thế gần như không bao giờ nghi ngờ về tính chính xác và tính không thể phủ định đối với yêu cầu mà họ đặt ra cho con trẻ, trong tiềm thức của anh ta chưa bao giờ có sự bình đẳng thật sự với con. Nhưng trong mắt con trẻ, họ chỉ là những bậc phụ huynh “không chịu nghe lời”.
Về cơ bản có thể khẳng định rằng, tất cả những người luôn tưởng mình là đúng, tính cách quá khích, cực đoan, trong tuổi thơ của anh ta chắc chắn có một thời gian khá dài phải sống trong sự phục tùng ý chí của người khác, nguyện vọng cá nhân không ngừng bị đè nén. Đây là vết thương tâm lý mà môi trường thời ấu thơ để lại cho anh ta, suốt đời khó có thể chữa lành. Rất nhiều người đã áp dụng sự cực đoan, quá khích này lên thế hệ sau của mình, rồi lại để lại dấu vết cực đoan lên thế hệ sau nữa.
Đương nhiên, làm một phụ huynh biết “nghe lời” chắc chắn không phải là bảo sao nghe vậy, không thể phá vỡ ranh giới đạo đức. Đối với những hành vi ra lệnh, yêu cầu bất lịch sự, những điều kiện trao đổi quá giới hạn, những lời nói thô lỗ không lễ phép, một câu cũng không thể nghe. Nếu không chính là dung túng. “Biết nghe lời” và dung túng là hai vấn đề hoàn toàn trái ngược nhau. Thực chất của “biết nghe lời” là nên hiểu con như thế nào, đối xử bình đẳng với con ra sao; dung túng chỉ là nuông chiều. Biết “nghe lời” sẽ đào tạo ra được những công dân có khí chất dân chủ; dung túng chỉ có thể cho ra lò những bạo quân ngạo mạn.
Rousseau nói: “Khi con trẻ hoạt động, đừng dạy trẻ phải phục tùng người khác như thế nào; đồng thời, khi bạn làm việc cho trẻ, cũng đừng để trẻ học được cách bắt ép người khác. Hãy để cho trẻ cảm nhận được sự tự do của mình trong hành động của trẻ và hành động của bạn”(1). Dùng cách nói của bài viết này để trình bày, chính là phụ huynh và con trẻ đều không nên khống chế đối phương, cần phải làm một người “biết nghe lời”. Và phụ huynh với vai trò là người chiếm thế mạnh và thế chủ động, là người khai sáng ra cục diện – muốn có một đứa con biết nghe lời, nhất thiết phải ghi nhớ rằng: Trước mặt con trẻ trước hết hãy làm một vị phụ huynh “biết nghe lời”.
___________________
(1) Jean-Jacques Rousseau, Emile, Lý Bình Âu dịch, NXB Giáo dục nhân dân, tái bản lần thứ nhất tháng 5-2001, tr.80 (Bản dịch tiếng Việt Jean-Jacques Rousseau, Emile hay là về giáo dục Lê Hồng Sâm, Trần Quốc Dương dịch, Bùi Văn Nam Sơn giới thiệu, NXB Tri thức, xuất bản tháng 7 -2008, 692 trang).
Lưu ý đặc biệt
Vốn là chúng ta đưa trẻ đi chơi, tại sao cứ nhất thiết phải coi việc đến quảng trường Thiên An Môn là có ý nghĩa, coi việc qua cầu là vô nghĩa, con trẻ chơi ở đâu chẳng là chơi. Có lẽ trong mắt Viên Viên, cầu bộ hành còn thú vị hơn nhiều so với quảng trường Thiên An Môn.
Quần áo bẩn có thể giặt, nếu bị rách cũng không có gì nghiêm trọng. Vì một lý do rất nhỏ là sợ làm bẩn quần áo, mà phá hoại một cuộc thí nghiệm đầy niềm vui như thế của trẻ, thật đúng là sai lầm.
Hiểu được suy nghĩ của trẻ thật vô cùng quan trọng. Giả dụ người lớn cảm thấy trẻ nhỏ không biết gì, không chịu gạn hỏi xem trẻ muốn nói gì, dỗ dành hoặc mắng vài câu cho qua chuyện, nỗi thắc mắc trong lòng trẻ không được tháo gỡ, trẻ sẽ đau khổ và bất an trong bao lâu nữa.
Nếu bất kỳ việc nào bố mẹ cũng muốn thuyết phục con trẻ làm theo suy nghĩ của mình, suốt ngày bắt con trẻ phải phục tùng mình, vô hình trung sẽ dạy cho con trẻ cũng dùng phương pháp giống như thế để đối xử với người khác. Con trẻ sẽ học được rất nhanh cách trói buộc bố mẹ, “không nghe lời” chính là sợi dây chão mà chúng thường dùng, tiêu cực nhưng có hiệu quả. Những sự việc như thế này tích tụ quá nhiều, sẽ hình thành nên tâm lý cực đoan, phát triển thành một bản tính quá khích.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.