Người Mẹ Tốt Hơn Là Người Thầy Tốt

CHƯƠNG 39: NGỦ KHÔNG SỢ ỒN ÀO, HỌC KHÔNG SỢ ỒN ÀO



Căn phòng vô khuẩn không thể tạo ra những con người mạnh mẽ, cường tráng, cách làm muốn loại bỏ tất cả các âm thanh bình thường xung quanh để giúp đỡ cho việc học của con cũng sẽ không khả thi. Một đứa trẻ bị ảnh hưởng trong môi trường bình thường, trong môi trường yên tĩnh cũng sẽ bị ảnh hưởng, yếu tố ảnh hưởng đến trẻ không phải là âm thanh đó, mà là thói quen tìm kiếm âm thanh của trẻ.
Mấy năm qua tôi thường xuyên đến thăm họ hàng, bạn bè hoặc đồng nghiệp mới sinh em bé, phát hiện thấy không ít người chăm lo rất cẩn thận cho giấc ngủ của em bé. Nói chuyện giọng thầm thì, rút điện thoại ra, sợ có tiếng động gì đó làm con trẻ thức giấc. Sự quan tâm săn sóc của bố mẹ là điều có thể lý giải, nhưng làm như vậy là sai lầm, có thể sẽ gây rắc rối cho giấc ngủ sau này của trẻ.
Tôi rất may mắn khi được đọc một cuốn sách có tên là Bách khoa toàn thư nuôi con mới, cuốn sách này rất hay, do một bác sĩ nhi khoa, nhà tâm lý học trẻ em nổi tiếng của Mỹ viết. Lúc đó tôi cũng đã mua mấy cuốn sách về nuôi dạy con do người Trung Quốc viết, sau khi đọc xong, mới thấy cuốn sách “nhập khẩu” này luôn theo đuổi cái gọi là “tự nhiên”, nhưng lại khoa học khách quan, rất phù hợp với khẩu vị của tôi. Ví dụ trong vấn đề giấc ngủ của em bé, lúc đó tôi thấy mấy cuốn sách do người Trung Quốc viết đều nói rằng, sau khi em bé chào đời, cần cố gắng tạo cho bé một môi trường yên tĩnh, để bé có giấc ngủ ngon. Trong khi cuốn sách này lại viết như sau:
“Trong nhà có một vài tiếng động thường không ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ. Bố mẹ đi lại trong phòng không cần phải rón ra rón rén, nói chuyện không cần phải thì thầm, nếu không trẻ sẽ quen với môi trường yên tĩnh, đột nhiên nghe thấy một tiếng động gì đó sẽ rất dễ giật mình, tỉnh giấc. Cho dù là trẻ sơ sinh hay trẻ nhỏ, chỉ cần bình thường đã quen với một số tiếng động và tiếng nói chuyện trong nhà, kể cả có tiếng cười nói của khách đến thăm, hoặc radio, ti vi vẫn đang bật, thậm chí có người bước vào phòng ngủ của trẻ, trẻ vẫn có thể ngủ rất ngon lành”(1).
_______________
(1) Benjamin Spock, Bách khoa toàn thư nuôi con mới, Trác Hồng Bưu dịch, NXB Trung Quốc ngày nay, năm 1989, tr.177.
Một đoạn văn ngắn khiến tôi học hỏi được rất nhiều điều.
Đoạn văn này nhắc nhở tôi rằng, giấc ngủ của con trẻ hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi các hoạt động bình thường của người lớn, một môi trường có một vài tiếng động còn có lợi cho việc giúp trẻ hình thành nên thói quen tốt đi ngủ không sợ ồn ào. Chính vì thế sau khi Viên Viên chào đời, chúng tôi phải làm gì vẫn làm như bình thường, tiếng nói chuyện, volume của ti vi bình thường để thế nào vẫn giữ nguyên như thế. Và dường như em bé sơ sinh trên giường này cũng tỏ ra không hề sợ tiếng động. Những biểu hiện của Viên Viên trong bức ảnh chụp cô bé đầy tháng càng để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi.
Hồi đó nhà tôi vẫn chưa có máy ảnh, khi Viên Viên đầy tháng, tôi nhờ một thợ chụp ảnh đến chụp cho con. Thợ chụp ảnh đến rồi nhưng cô nàng vẫn đang ngủ. Vì sau đó anh thợ chụp ảnh vẫn còn phải đi chụp ảnh cho một nhà khác nên không chịu đợi, chúng tôi quyết định sẽ gọi con dậy.
Đầu tiên tôi sờ lên má bé, gọi bé bằng giọng như bình thường, kết quả không có phản ứng gì.
Và thế là tôi lật chăn ra, vừa nắn chân nắn tay cho bé vừa nói chuyện với bé bằng giọng to hơn, bé vẫn làm ngơ.
Ông xã đứng bên cạnh nói, bế lên chắc là sẽ tỉnh đấy. Tôi liền bế lên, vỗ vào mông và lưng bé, vỗ bên nọ vỗ bên kia, đầu bé tựa vào ngực tôi ngủ càng ngon hơn.
Mọi người vừa thấy lạ vừa buồn cười, ngay cả anh thợ chụp ảnh cũng nói lạ thật, sao gọi mà không chịu tỉnh nhỉ. Sau đó chúng tôi lại lấy tay cù vào cổ bé, đầu và cổ bé chỉ hơi nhúc nhích một chút, lại còn mỉm cười, nhịp thở vẫn đều đặn, vẫn tiếp tục giấc mơ đẹp của mình.
Cuối cùng, bà ngoại liền đưa ra tuyệt chiêu, lấy một chiếc khăn mặt rửa mặt cho bé, chiếc khăn mát lau trên làn da non nớt, nhưng cô nàng chỉ hơi chun mũi một cái, sau đó vẫn bình thản say sưa giấc nồng.
Vần đi vần lại nửa tiếng đồng hồ mà vẫn không gọi được cô bé, không còn cách nào khác, chúng tôi đành phải để thợ chụp ảnh đến nhà khác chụp trước, quay về sẽ chụp cho chúng tôi. Nhưng anh thợ vừa đi chưa đầy mười phút, Viên Viên tỉnh giấc, đầu tiên cô bé hơi vặn người, mở mắt ra, sau đó ngoác miệng ra khóc, đòi ti. Chúng tôi vừa tức vừa buồn cười – quá đáng thật.
Chuyện này khiến chúng tôi phát hiện ra rằng, con trẻ đâu phải “không sợ ồn ào”, mà là “thực sự không sợ ồn ào”. Bởi vì bình thường người ta không cần thiết phải gọi một em bé sơ sinh đang ngủ say dậy, chính vì thế hiện tượng này cũng không dễ bị phát hiện. Từ đó trở đi, chúng tôi càng không lo ngại có tiếng động gì đó có thể làm ảnh hưởng đến con, và thực sự cô bé cũng có thể ngủ say trong bất cứ âm thanh nào.
Trên thực tế, sau khi lớn lên một chút Viên Viên rất dễ dàng bị đánh thức. Từ khi hơn một tuổi, mấy lần chúng tôi phải đi tàu lúc nửa đêm, chỉ cần chúng tôi khẽ gọi một tiếng, cô bé liền tỉnh dậy ngay, không khóc lóc gì, rất ngoan. Nhưng bình thường, cô bé luôn ngủ rất sâu giấc, chỉ cần âm thanh đó không phải gọi cô bé, thì sẽ không làm cô bé tỉnh giấc được. Dường như tai cô bé có một chức năng đặc biệt, có thể lọc hết những âm thanh không có liên quan.
Khi Viên Viên khoảng hai tuổi, một buổi tối tôi và ông xã lớn tiếng tranh luận với nhau một chuyện nào đó trước khi đi ngủ, lúc đó Viên Viên ở cùng phòng với chúng tôi, đã ngủ say rồi. Lúc đầu chúng tôi vẫn lo làm tỉnh cô bé, nhưng phát hiện thấy cô bé ngủ rất say, không hề có dấu hiệu gì cho thấy bị làm phiền, thế là giọng chúng tôi mỗi lúc một to hơn, cãi nhau một trận thoải mái. Bố mẹ lớn tiếng với nhau như vậy, thế mà từ đầu đến cuối, Viên Viên vẫn ngủ ngon lành như đang được nghe hát ru.
Có một số em bé, khi ngủ chúng dường như thực sự sợ tiếng ồn, tình huống này, ngoài những em bé đặc biệt nhạy cảm, thông thường là do thói quen xấu rèn trong thời gian sau khi sinh vài tháng. Còn có một số em bé trong ba tháng đầu thường dễ bị đau bụng, điều này cũng sẽ khiến chúng đột ngột tỉnh giấc và khóc thét lên, và người lớn thường lầm tưởng là chúng bị đánh thức. Cho dù là tình huống nào, bố mẹ cũng không nên để chúng có thói quen sợ tiếng động trong lúc ngủ, nên nghĩ cách để trẻ dần dần thích nghi với tiếng ồn của cuộc sống, học được cách đi ngủ không sợ tiếng ồn.
Một vấn đề sinh lý đơn giản nếu được giải quyết trong sự ngộ nhận, cuối cùng có thể sẽ biến thành một vấn đề tâm lý.
Tôi nghe một cô bạn đang học nghiên cứu sinh nói, phòng ký túc xá của cô có một người bạn, ngủ rất sợ tiếng ồn. Trong phòng có bốn người, mặc dù ba người kia rất giữ ý, nhưng người bạn này luôn phàn nàn rằng những tiếng động mà ba cô bạn cùng phòng gây ra khiến cô không thể ngủ ngon; khi ba người kia đều không ở trong phòng, cô lại kêu ca rằng tiếng nói chuyện của mọi người ngoài hành lang làm ảnh hưởng đến cô; đến lúc nửa đêm hành lang không còn người nữa, cô cũng vẫn không ngủ ngon được, bởi ngoài cửa sổ vẫn thỉnh thoảng có tiếng động gì đó. Vấn đề ngủ của cô dường như chỉ đến khi làm Robinson mới giải quyết được.
Có thể tưởng tượng được rằng cô bạn này đã gây ra rất nhiều rắc rối cho bạn bè cùng phòng, và người khổ sở nhất chính là cô. Nghe nói mẹ của cô bạn này cũng rất sợ tiếng ồn khi ngủ, từ nhỏ đã rất giữ gìn cho con gái trong vấn đề này. Nhưng sự giữ gìn này không đem lại điều tốt cho con, mà là đem lại những rắc rối có thể bám theo cô suốt cuộc đời.
Giống như trong môi trường ngủ thường có yêu cầu phải “yên tĩnh”, mọi người cũng quen với việc phải yên tĩnh trong môi trường học. Nhưng cũng như việc những tạp âm phù hợp có lợi cho việc rèn rũa thói quen ngủ tốt, những tiếng động phù hợp cũng có thể bồi dưỡng cho trẻ khả năng chống chọi với sự ồn ào trong học tập. Chính vì thế trong vấn đề học tập của trẻ, cũng không nên coi trọng quá mức sự yên tĩnh, để tránh thái quá bất cập.
Hiện nay có một khuynh hướng khá phiền hà là, trong nhà trường hoặc gia đình, chúng ta luôn cố gắng tạo ra môi trường học “yên tĩnh”, ngoài việc lớp học lấy “yên tĩnh” làm tiêu chuẩn thẩm mỹ, coi ồn ào là hiện tượng xấu, thậm chí ngay cả giờ sinh hoạt của học sinh tiểu học cũng yêu cầu học sinh không được lên tiếng. Trong vấn đề này thường làm hơi quá đà.
Tôi thấy tại một trường tiểu học nọ ở Bắc Kinh, thời gian hoạt động trước khi tan học là thời gian “tự quản”, thời gian này vốn là thời gian để học sinh tự do hoạt động, nhưng thực tế nó lại biến thành giờ tự học. Mỗi lớp đều có một giáo viên quản học sinh, nếu có em nào nói chuyện, liền bị giáo viên phê bình một hồi. Có lớp kỷ luật không tốt, giáo viên phải liên tục quát nạt hoặc gõ bàn để duy trì “trật tự” – thực ra hiện tượng nhà trường yêu cầu phải giữ yên lặng từ sáng đến tối rất phổ biến, từ khi tôi học cấp một đã như vậy, hiện giờ dường như còn nghiêm ngặt hơn.
Kể từ khi lên lớp hai, Viên Viên bắt đầu có thói quen tự học vào buổi chiều, không phải cô giáo lúc nào cũng ở trong lớp, hầu hết thời gian là do cán bộ lớp duy trì trật tự. Hồi đó Viên Viên là lớp trưởng, cô giáo yêu cầu cô bé giữ tốt kỷ luật cho giờ tự học. Con trẻ đã bị quản một ngày, lúc này mới được cô giáo thả lỏng, làm sao chịu nghe lời lớp trưởng, giờ tự học lúc nào cũng như chợ vỡ. Viên Viên quản bạn này, bạn kia lại bắt đầu nói chuyện, đặc biệt là khi cô bé vừa cúi đầu xuống làm bài tập, lớp học lại như được tháo khoán, cô bé lại phải đứng dậy duy trì trật tự. Tiếng ồn ào trong lớp thường nuốt chửng tiếng của cô bé, Viên Viên lại phải hò hét, mới giữ yên lặng được một lát.
Cách làm này thực sự không phù hợp với bản tính của Viên Viên, trong khi cô giáo lại luôn yêu cầu cô bé phải có trách nhiệm đối với vấn đề “kỷ luật” trong giờ tự học, điều này khiến cô bé rất khó xử. Một thời gian sau, không ngờ cô bé lại viết “đơn xin từ chức”, xin được thôi làm lớp trưởng, muốn làm quản ca. Tôi hỏi tại sao, Viên Viên nói làm quản ca không cần phải quản người khác trong giờ tự học. Sự việc ép con trẻ đến mức không muốn làm “quan” nữa!
Trường tiểu học là môi trường hoạt động của trẻ em, bản tính của con trẻ là hoạt bát, hiếu động. Ồn ào thì có sao, lẽ nào nó có thể ảnh hưởng đến việc học của ai ư? Không ít những người công tác trong ngành giáo dục đều hình thành nên “sở thích thích yên tĩnh”, thậm chí sở thích này đã đến mức làm tổn thương con trẻ.
Tôi nghe một người bạn nói, trường tiểu học mà con chị học muốn phấn đấu trở thành “trường văn minh”, để thực hiện mục tiêu này, trường đã phát động phong trào thi đua tạo “hành lang không có tiếng ồn”. Tức là sau khi hết tiết học không cho phép học sinh gây ồn ào ở hành lang. Hàng ngày nhà trường cử các cán bộ lớp nhỏ tuổi tuần tra ở hành lang, tóm gọn kẻ gây chuyện. Các cán bộ lớp nhỏ tuổi không nắm rõ tiêu chuẩn, thường xuyên là bạn nhỏ nào không để ý nói hơi to liền bị ghi lại, sau đó sẽ trừ điểm thi đua của lớp. Kết quả là vì muốn tránh để lớp bị trừ điểm, sau khi hết tiết học, các cô giáo chủ nhiệm nhốt học sinh trong lớp, không cho học sinh ra ngoài hành lang, ai muốn đi vệ sinh trước hết phải xếp hàng trong lớp, người này đi xong quay về, người khác mới được đi. Nghe nói hàng lang của trường này thực sự rất yên tĩnh, kinh nghiệm còn được phổ biến sang các trường khác…
Những đứa trẻ lớn lên trong “hành lang không tiếng ồn”, nhưng điều mà chúng cảm nhận được, thực chất là sự dã man của giáo dục nhà trường, hoạt động xây dựng “trường văn minh” như thế này, sẽ khiến trong lòng con trẻ phát triển thành một nền “văn minh” như thế nào?
Giáo dục cần bồi dưỡng cho học sinh làm việc theo thói quen, không nên theo đuổi sự chỉnh tề bề ngoài và hùa theo một sở thích tiêu cực nào đó. Trong môi trường học tập, vừa không cần thiết phải cố tình tạo ra sự ồn ào, cũng không nên quá đòi hỏi phải yên tĩnh, tự nhiên mới là tốt nhất. Nếu môi trường học tập phù hợp với bản tính của con trẻ, trẻ sẽ hình thành được một cách tự nhiên khả năng chống lại sự “quấy rối” trong học tập, trong vấn đề này chúng có sức sinh trưởng phi thường. “Học không sợ ồn ào” và “ngủ không sợ ồn ào” chính là một vấn đề, có thể có lối giải quyết giống nhau.
Xin hãy nhìn xem trường tiểu học này đã làm như thế nào.
Học sinh trong ngôi trường này tự do như vậy, hàng ngày muốn học giờ học nào đều là do học sinh tự quyết định. Ngôi trường này không bao giờ lấy nguyên tắc “không gây ồn ào cho người khác” để ngăn cấm học sinh làm những việc mà mình muốn làm, chính vì thế trong thư viện của trường, có người đọc sách, có người hát ca, có người đọc diễn cảm, có người vẽ tranh. Trong mắt người bình thường, ở đây vô cùng ồn ào, nhưng thực tế con trẻ lại không làm ảnh hưởng đến nhau, người nào làm việc đấy, tự tìm niềm vui cho mình. Nhà trường làm như vậy, mục đích là để bồi dưỡng khả năng chống lại sự “quấy rối” trong học tập, mục đích là để cho học sinh học được cách “cho dù xung quanh ồn ào như thế nào, đều có thể lập tức tập trung tinh thần!”(1).
__________________
(1) Kuroyanagi Tetsuko, Tottochan – cô bé bên cửa sổ, Triệu Ngọc Kiểu dịch, Công ty xuất bản Hải Nam, tháng 1-2003, tr.167 (Bản dịch tiếng Việt, Tottochan – cô bé bên cửa sổ, Iwasaki Chihiro minh họa, Trương Thùy Lan dịch, Nhã Nam, NXB Văn học, tháng 4-2011, 360 trang).
Ngôi trường này khiến học sinh cảm thấy vui vẻ, mỗi đứa trẻ sau khi tan học đều không muốn ra về, sáng hôm sau lại muốn đến trường thật sớm. Học sinh mà ngôi trường này tuyển đều rất bình thường, thậm chí có một số học sinh bị tàn tật hoặc bị các trường khác khai trừ, nhưng sau khi được hưởng chương trình giáo dục tiểu học ở đây, học sinh của trường gần như tất cả đều nên người – đây chính là ngôi trường rất có tiếng mà cuốn Tottochan – cô bé bên cửa sổ miêu tả – trường Tomoe, nó tồn tại ở Nhật Bản từ hơn bảy mươi năm về trước, người sáng lập là nhà giáo dục Nhật Bản Sosaku Kobayashi, ngày nay, tư tưởng giáo dục của ông được coi là vô cùng tiên tiến, đáng được phổ biến.
Trong gia đình, đương nhiên phụ huynh nên cố gắng tạo cho trẻ một môi trường học tập không ồn ào, nhưng trong vấn đề này chỉ cần bình thường là được, không nên quá nghiêm ngặt; nếu bố mẹ quá lưu tâm trong vấn đề này, thậm chí tỏ ra lo lắng, không những không đạt được hiệu quả tốt, mà còn có tác động xấu.
Tôi đã từng gặp một người hàng xóm, nhà chị nằm ở tầng dưới nhà tôi. Khi Viên Viên đang học cấp hai, con gái chị chuẩn bị thi đại học. Lúc đó Viên Viên chuẩn bị thi lấy chứng chỉ môn đàn nhị, do nội trú trong trường, chỉ cuối tuần về nhà mới luyện được đàn. Kết quả, chỉ cần tiếng đàn nhị của Viên Viên vang lên, tầng dưới liền gõ đường ống lò sưởi. Lúc đầu chúng tôi không nghĩ rằng âm thanh đó là nhằm vào chúng tôi, bởi tòa nhà đó mặc dù cách âm không tốt lắm, nhưng nhà nào có tiếng động gì, chỉ láng máng nghe thấy mà thôi, âm lượng đó không thể ảnh hưởng đến mình được. Sau đó lại mấy lần tiếp diễn như vậy, chúng tôi mới biết âm thanh đó là để ngăn không cho Viên Viên luyện đàn. Sau đó tôi có gặp một số người hàng xóm khác trong thang máy, qua lời chuyện trò của mọi người mới biết người mẹ này phàn nàn rằng tiếng động ở các nhà khác làm ảnh hưởng đến việc học của con gái chị, chính vì thế thường xuyên gõ đường ống lò sưởi, thậm chí còn “lên thăm nhà” một số người. Trong lòng mọi người có thể cũng cảm thấy chị làm hơi quá, nhưng vẫn ủng hộ việc thi đại học của con trẻ, đều tự giác giảm bớt các âm thanh trong nhà.
Viên Viên không thể luyện đàn vào buổi tối, mà chỉ được luyện vào chiều thứ bảy, tức là khi cô bé kia đến trường. Thời gian đó cũng không nghe thấy tiếng đàn piano của nhà hàng xóm nữa, chỉ thỉnh thoảng vẫn nghe thấy tiếng gõ đường ống lò sưởi, xem ra không thể dẹp hết được những âm thanh ảnh hưởng đến việc học của con gái chị. Lúc đó tôi thấy lo thay cho cô gái học lớp mười hai này, bố mẹ gõ đường ống lò sưởi, thực ra là không ngừng nhắc con rằng chỗ này có tiếng ồn, chỗ kia có tiếng động. Cả ngày dỏng tai lên tìm tiếng ồn, làm sao có thể tập trung vào việc học được?
Một điều đáng tiếc là cô bé đó không vào được đại học thật, kết quả mà tôi biết là cô bé lại phải ôn thi lại.
Đương nhiên cũng có thể là con trẻ không muốn học, tìm cớ nói người khác làm ảnh hưởng đến cô, trong tình huống này, bố mẹ càng không nên dung túng cho thói xấu của con.
Căn phòng vô khuẩn sẽ không thể tạo ra con người mạnh mẽ, cường tráng, cách làm muốn loại bỏ tất cả các âm thanh bình thường xung quanh để giúp đỡ cho việc học của con cũng không khả thi. Một đứa trẻ bị ảnh hưởng trong môi trường bình thường, trong môi trường yên tĩnh cũng sẽ bị ảnh hưởng, yếu tố ảnh hưởng đến trẻ không phải là âm thanh đó, mà là thói quen tìm kiếm âm thanh của trẻ.
Trong quá trình trưởng thành con trẻ sẽ gặp phải rất nhiều vấn đề, phụ huynh không thể tạo cho trẻ mọi điều kiện phát triển lý tưởng. Bồi dưỡng cho con trẻ khả năng thích nghi với môi trường, đồng nghĩa với việc tạo cho trẻ môi trường tốt, có thể mang theo bên người mọi lúc, mọi nơi.
Khi Viên Viên học cấp ba, bà ngoại đến nhà chúng tôi, bà luôn sợ tiếng ti vi sẽ ảnh hưởng đến việc học của cháu. Chúng tôi liền nói nhiều lần với bà rằng không sao cả, lúc nào bà thích xem bà cứ xem thoải mái.
Những điều chúng tôi nói là thật lòng, chỉ cần không bê ti vi vào phòng Viên Viên, đóng cửa phòng của cô bé lại, cô bé sẽ không bị bất kỳ chuyện gì làm phiền nữa. Chúng tôi luôn bồi dưỡng cho cô bé khả năng chống lại sự ồn ào một cách vô tình hay hữu ý, hồi cô bé học cấp một thậm chí còn xúi cô bé vừa xem ti vi vừa làm bài tập.
Hai tháng trước khi Viên Viên thi đại học, cách nhà tôi chưa đầy một trăm mét, người ta động thổ xây dựng một tòa nhà mới. Vì các loại xe ô tô tải trọng lớn ban ngày không được vào thành phố, tối đến mới được hoạt động. Chính vì vậy cứ đến mười một, mười hai giờ đêm, bên ngoài lại bắt đầu vang lên tiếng xe chạy, tiếng dỡ bỏ bê tông sắt thép, tiếng kêu gọi của công nhân trong quá trình thao tác, kéo dài đến tận ba, bốn giờ sáng. Cùng khu nhà với chúng tôi còn có hai thí sinh khác, phụ huynh của các em đã đến gặp chủ công trường, nhưng không có kết quả gì. Dường như thành phố Bắc Kinh có quy định, trong thời gian chuẩn bị thi đại học, công trường ở gần khu dân cư không được phép thi công vào ban đêm, nhưng công trường đó không nghỉ làm việc ngày nào. Đơn vị thi công chỉ không ngừng dán thông báo xin lỗi về sự bất tiện này ở khu dân cư, mong mọi người thông cảm.
Tôi và bố Viên Viên cũng có phần sốt ruột, nhưng nghĩ đơn vị thi công cũng có cái khó của họ, cảm thấy đi tìm họ cũng chẳng giải quyết được gì. Điều mà chúng tôi làm ở nhà, là cố gắng tránh nhắc đến chuyện đó, chứ không phải là đi kêu ca, phàn nàn.
Trước mặt Viên Viên chúng tôi không nói một câu nào liên quan đến tiếng ồn của công trường. Quan sát biểu hiện của cô bé hàng ngày, đoán có lẽ cô bé không để ý gì đến vấn đề này, chúng tôi cũng giả vờ như không có chuyện gì, không hề tỏ ra sốt ruột trước tiếng ồn.
Giai đoạn đó Viên Viên ngủ cũng rất tốt, đây cũng có thể là do thói quen ngủ không sợ tiếng ồn mà cô bé rèn được từ khi còn nhỏ. Trước khi thi đại học Viên Viên nói tại sao mình lại không cảm thấy căng thẳng lắm. Sau khi kết thúc kỳ thi đại học, cô bé còn thắc mắc tại sao trôi qua nhanh thế nhỉ, cũng không mất ngủ ngày nào.
Mãi cho đến lúc này, chúng tôi mới dám hỏi cô bé có bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn của công trường hay không. Trước lời nhắc của chúng tôi Viên Viên mới phát hiện ra công trường đang thi công, cô bé nói thời gian qua có lúc cảm thấy bên ngoài rất ồn ào, nhưng cũng không có thời gian để ý, không phát hiện thấy nó lại ồn như vậy.
Bố mẹ nên tạo ảnh hưởng tích cực cho con, để trẻ học được cách sống hài hòa với môi trường xung quanh, chứ không phải cái gì cũng trách móc, cái gì cũng muốn cải tạo.
Đem theo suy nghĩ này để nhìn về “tiếng ồn”, chúng sẽ không còn là tiếng ồn – tiếng ti vi, tiếng cãi nhau vọng ra từ nhà hàng xóm, tiếng xe cộ chạy qua chạy lại, tiếng còi, tiếng máy móc trên công trường – chúng là những âm thanh của thành phố, chúng ta thực sự không cần thiết phải để những âm thanh này ảnh hưởng đến chúng ta.
Trong rất nhiều vấn đề nhỏ tương tự như vậy, đều có thể có một thái độ thản nhiên như thế này, từ đó vấn đề được giải quyết có thể là vấn đề lớn.
Nói “đi ngủ không sợ tiếng ồn” là một vấn đề sinh lý, không chính xác bằng nói, ở một mức độ nào đó nó cũng và vấn đề giáo dục.
Lưu ý đặc biệt
Giấc ngủ của con trẻ hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi các hoạt động bình thường của người lớn, một môi trường có một vài tiếng động còn có lợi cho việc giúp trẻ hình thành nên thói quen tốt đi ngủ không sợ ồn ào.
Bố mẹ không nên chiều thói quen đi ngủ sợ tiếng ồn của trẻ, nên nghĩ cách để trẻ dần dần thích nghi với tiếng ồn của cuộc sống, học được cách đi ngủ không sợ tiếng ồn.
Một vấn đề sinh lý đơn giản nếu được giải quyết trong sự ngộ nhận, cuối cùng có thể sẽ biến thành một vấn đề tâm lý.
Giáo dục cần bồi dưỡng cho học sinh làm việc theo thói quen, không nên theo đuổi sự chỉnh tề bề ngoài và hùa theo một sở thích tiêu cực nào đó. Trong môi trường học tập, vừa không cần thiết phải cố tình tạo sự ồn ào, cũng không nên quá đòi hỏi phải yên tĩnh, tự nhiên mới là tốt nhất.
Trong quá trình trưởng thành con trẻ sẽ gặp phải rất nhiều vấn đề, phụ huynh không thể tạo cho trẻ mọi điều kiện phát triển lý tưởng. Bồi dưỡng cho con trẻ khả năng thích nghi với môi trường, đồng nghĩa với việc tạo cho trẻ môi trường tốt có thể mang theo bên người mọi lúc, mọi nơi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.