Người Mẹ Tốt Hơn Là Người Thầy Tốt

LỜI GIỚI THIỆU



Cảnh giới tuyệt diệu của giáo dục – Tận tâm nhưng không để dấu vết
Chu Húc Đông
Tôi quen biết Doãn Kiến Lợi khi cô ấy đến Đại học Sư phạm Bắc Kinh học thạc sĩ, khi đó Học viện Giáo dục trực thuộc Đại học Bắc Kinh vừa mới phân thầy hướng dẫn cho những thạc sĩ giáo dục bọn họ. Cô ấy đã lựa chọn giáo dục giáo viên(1) làm phương hướng nghiên cứu của mình, mà một trong những phương hướng nghiên cứu của tôi vừa hay cũng là lĩnh vực giáo dục giáo viên này, chúng tôi đã quen biết nhau như thế.
___________________
(1) Giáo dục giáo viên: tức bồi dưỡng và huấn luyện giáo viên.
Tác phẩm đầu tiên của Doãn Kiến Lợi mà tôi đọc chính là thơ của cô ấy. Lần đầu gặp mặt, cô ấy đã tặng một tập thơ của mình cho tôi. Thơ của cô ấy rất hay, đọc xong tôi cảm nhận được cô ấy là một người rất tinh tế, viết lách tốt, nhưng cũng khiến cho tôi hơi lo lắng. Một “nhà thơ” có thể tĩnh tâm để nghiên cứu một vấn đề, và dùng ngôn ngữ học thuật hoàn toàn khác với ngôn ngữ văn học để hoàn thành luận văn của mình không? Thực tế đã chứng minh sự lo lắng của tôi là thừa thãi, cô ấy không chỉ là một người tràn đầy thi cảm mà còn là một nghiên cứu sinh hết sức thực tế. Luận văn của cô ấy rất công phu, viết cũng rất quy phạm, thể thiện được quan điểm riêng của mình. Đồng thời, trong thời gian viết luận văn, một chuyên đề khác của cô ấy còn đạt giải nhì trong cuộc thi về học thuật lần đầu tiên dành cho nghiên cứu sinh của Học viện Giáo dục thuộc Đại học Sư phạm Bắc Kinh. Những điều này đã khiến tôi thêm tin tưởng vào năng lực nghiên cứu học thuật của cô ấy.
Sau khi Doãn Kiến Lợi lấy được học vị thạc sĩ từ trường Đại học Sư phạm Bắc Kinh, bắt đầu bận rộn công tác; nhưng hàng năm vào dịp ngày Nhà giáo cô ấy luôn liên lạc với tôi. Điều khiến tôi bất ngờ là trước ngày Nhà giáo năm nay, cô ấy đã mang tới bản thảo cuốn sách mới của mình. Hai mươi mấy vạn chữ, dường như tôi đã đọc liền một mạch.
Trước đây tôi cũng đã đọc rất nhiều sách vở thịnh hành trong xã hội có liên quan đến phương diện giáo dục, nhưng cũng chỉ tiếp xúc với mấy quyển, những thứ khẩu hiệu, vô thức tập thể(1) thực sự không hợp với gout của tôi. Nhưng tôi lại đọc liền một mạch cuốn sách này của Doãn Kiến Lợi. Không phải vì chúng tôi có quan hệ thầy trò mà chủ yếu vì sách của cô ấy viết rất dễ hiểu nhưng vô cùng chuyên nghiệp; sự sâu sắc về tư duy và sự đơn giản và điêu luyện trong thao tác của cô ấy đối với một số vấn đề về giáo dục trẻ em đã khiến tôi có cảm giác bừng ngộ. Ví dụ như phương diện trẻ em đọc sách, xây dựng văn hóa gia đình…
__________
(1) Vô thức tập thể là khái niệm tâm lý học do nhà tâm lý học người Thụy Sĩ Carl Gustav Jung đưa ra.
Doãn Kiến Lợi đã từng lập chí sẽ công tác trong trường tiểu học, cho rằng giáo dục tiểu học là quan trọng nhất. Cuối cùng vì rất nhiều nguyên nhân, nguyện vọng này đã không thành. Hiện tại, cô ấy dùng phương thức nghiên cứu và viết sách, hết sức truyền bá lý luận giáo dục. Cô ấy nói mục tiêu của mình chính là dùng tư tưởng giáo dục đúng đắn trực tiếp tác động tới các học sinh, nhưng không phải chỉ dừng lại ở sách vở hoặc bề mặt lý luận. Cho nên cô ấy viết cuốn sách này, lấy tư cách một phụ huynh và một nhà nghiên cứu để viết, dùng những hành vi đời thường để diễn giải những lý luận trừu tượng. Tôi cho rằng cuốn sách này chứa đựng những kinh nghiệm thực tiễn phong phú, lại mang tính giáo dục; vừa có chiều sâu tư duy vừa dễ đọc dễ hiểu. Có thể làm được những điều đó thực không dễ dàng gì, mà lại vô cùng đáng quý. Nó có thể cung cấp cho những vị phụ huynh con đường nuôi dạy con trẻ hiệu quả và thực dụng. Sau khi đọc xong cuốn sách này, dường như nó đã ảnh hưởng tới thái độ và phương pháp giáo dục của tôi đối với con trai mình.
Tôi đã sớm nghe nói rằng con gái của cô ấy rất xuất sắc, nhưng chỉ khi đọc tác phẩm này mới biết rằng sự xuất sắc của mỗi một đứa trẻ đều có ngọn nguồn. Từ cuốn sách có thể thấy được cô ấy đã hết lòng vì con gái như thế nào, và phương pháp giáo dục của cô ấy tự nhiên nhưng không để lại dấu vết ra sao – đây mới là giáo dục chân chính, là cảnh giới tuyệt diệu của giáo dục.
Một phụ bếp tận tâm sẽ có thể trở thành một đầu bếp cao cấp, một người mẹ tận tâm cũng có thể trở thành một nhà giáo dục nhi đồng. Có đứa trẻ nào là không cần những người cha người mẹ có tố chất giáo dục đây? Tình hình phổ biến trong xã hội bây giờ lại ngược lại, phụ huynh đối với con cái hết lòng nhưng không dùng đúng phương pháp, chủ yếu quản giáo là chính, chỗ nào cũng can thiệp hết sức trầm trọng, cái mà trẻ lĩnh hội được chỉ là sự cưỡng chế, chứ không phải là giáo dục. Nếu như cuốn sách này có thể khiến các phụ huynh và thầy cô nhận thấy, khi đối diện với trẻ “tận tâm” như thế nào, khi dạy dỗ trẻ “không để dấu vết” ra sao, vậy thì đã làm được một chuyện vô cùng hữu ích.
Ở đây phải nói rõ một điều rằng, cuốn sách của Doãn Kiến Lợi được đặt tên là “Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt” không hề có ý so sánh giữa người mẹ và người thầy. Trong trường học và trên giảng đường, người thầy là người dẫn đường, chỉ đạo cho con trẻ thậm chí còn là tấm gương và hình mẫu về hành vi, sự quan trọng của người thầy là lẽ đương nhiên, huống hồ tác giả vốn là một giáo viên dạy học đã lâu năm; tựa đề của cuốn sách chỉ là nói lên một đạo lý rất quan trọng nhưng thường xuyên bị xem nhẹ: Trong công cuộc giáo dục con trẻ, phụ huynh có một vai trò quan trọng, không thể thay thế. Là tác phẩm viết về giáo dục gia đình do một người mẹ am hiểu giáo dục, cuốn sách này thực sự đáng đọc.
(Tác giả của lời giới thiệu là giáo sư Đại học Sư phạm Bắc Kinh, thầy hướng dẫn của các nghiên cứu sinh)

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.