Người Mẹ Tốt Hơn Là Người Thầy Tốt

PHẦN 3: GIÁO DỤC PHẨM CHẤT ĐẠO ĐỨC CẦN THIẾT CHO CẢ CUỘC ĐỜI – CHƯƠNG 17: EM BÉ TỪ ĐÂU ĐẾN?



Biến “giáo dục giới tính” thành “vẽ đường cho hươu chạy trong vấn đề giới tính”, còn tệ hơn rất nhiều so với việc không làm!
Thanh thiếu niên xuất hiện các vấn đề như có thai sớm, lạm dụng tình dục…, không phải là do chúng thiếu hiểu biết về kiến thức giới tính, mà là vì tinh thần trống rỗng, đạo đức tình cảm phát triển không tốt, thiếu khả năng tự yêu mình và yêu người.
“Em bé từ đâu đến”, đây gần như là vấn đề mà mỗi đứa trẻ đều phải hỏi, đồng thời khiến mỗi bậc phụ huynh đều cảm thấy khó trả lời. Rất nhiều người đều nói cần phải nói rõ cho trẻ, nhưng nói rõ như thế nào, lại không nêu cụ thể.
Tôi đã từng được đọc một bài viết, có một người mẹ đã trả lời như thế này: “Trong cơ thể của mẹ có một tế bào gọi là trứng, trong cơ thể bố có một tế bào gọi là tinh trùng, một ngày, hai tế bào này đã gặp nhau, trứng đã nhiệt tình mời tinh trùng đến nhà cô ấy chơi, thế là chúng liền cùng nhau đi vào bụng mẹ. Mẹ liền chuẩn bị cho chúng một cung điện rất đẹp gọi là tử cung, trong tử cung của mẹ, trứng và tinh trùng kết hợp thành một hợp tử, sau khi được các chất dinh dưỡng trong cơ thể mẹ nuôi dưỡng, hợp tử phát triển thành một em bé, đợi đến khi em bé chín tháng mười ngày, mẹ liền vào bệnh viện, các cô hộ sinh trong bệnh viện liền đón em bé ra, thế là con đã chào đời”. Câu trả lời này phức tạp quá! Đây không phải là đang trả lời câu hỏi của một đứa trẻ ba, bốn tuổi, mà là đang giảng bài cho chương trình phổ biến kiến thức.
Trong tác phẩm Emile của mình, Rousseau đã lấy một ví dụ: Một cậu bé hỏi mẹ mình em bé từ đâu đến, bà mẹ liền trả lời, “Là do mẹ rặn từ trong bụng ra, lúc rặn bụng đau kinh khủng, tưởng như mất mạng luôn”. Rousseau cho rằng câu trả lời này rất kinh điển, bởi nó nói cho trẻ biết kết quả sinh em bé chứ không phải là nguyên nhân. Đằng sau câu “em bé từ đâu đến” người mẹ lập tức cho thêm cụm từ “đau kinh khủng”, đây giống như một lớp mái che, ngăn chặn sự tò mò và trí tưởng tượng của trẻ. Chính vì thế nó vừa đem lại cho trẻ một câu trả lời khẳng định, đồng thời lại không khêu gợi sự tưởng tượng của trẻ. Rousseau cho rằng bài học vỡ lòng về giới tính nên cố gắng trì hoãn, tức là không cho chúng cơ hội, không để chúng nảy trí tò mò. Đương nhiên chắc chắn không thể vì trì hoãn mà nói lung tung với trẻ. Nếu bất đắc dĩ phải nói với trẻ, cũng phải trả lời bằng những câu nói ngắn gọn, không do dự, chứ không được tỏ ra ngượng ngùng, xấu hổ(1).
_________________
(1) Jean-Jacques Rousseau, Emile, Lý Bình Âu dịch, NXB Giáo dục Nhân dân, tái bản lần thứ nhất tháng 5-2001, tr.299 (Bản dịch tiếng Việt Jean-Jacques Rousseau, Emile hay là về giáo dục, Lê Hồng Sâm, Trần Quốc Dương dịch, Bùi Văn Nam Sơn giới thiệu, NXB Tri thức, xuất bản tháng 7-2008, 692 trang).
Trên thực tế trí tò mò của trẻ em đối với vấn đề giới tính không lớn như người lớn tưởng, người lớn toàn toàn có thể tránh được sự ngại ngùng khi giải thích, dùng một cách nói khác để nói thẳng thắn vấn đề này ra.
Hồi ba, bốn tuổi, Viên Viên cũng hỏi tôi câu hỏi này, lúc đó tôi không ngần ngừ gì mà nói với cô bé rằng, do Quan Âm bồ tát đưa đến. Sau đó không lâu, một hôm cô bé đột nhiên hỏi tôi: “Con là do Quan Âm bồ tát mang đến ư?”. Tôi nói phải; cô bé lại hỏi: “Mẹ cũng thế à?”. Tôi nói đúng; cô bé ngần ngừ một lát rồi lại hỏi: “Bố con cũng thế ư?”. Tôi nói cũng thế. Cô bé tỏ ra rất ngạc nhiên, sau đó vẻ mặt ấm ức nói: “Thế tại sao ở đó con lại không gặp bố mẹ?”. Nói rồi ngân ngấn nước mắt.
Tôi rất ngạc nhiên, hiểu ý con gái muốn nói rằng chúng tôi đều đã từng ở chỗ Quan Âm bồ tát thì trước khi chào đời đã phải quen nhau từ lâu. Đến khi ba tuổi, trẻ bắt đầu có tình cảm sâu sắc với bố mẹ, không chỉ là quyến luyến, mà còn là sự chiếm hữu mạnh mẽ. Việc chúng tôi không liên quan đến nhau, không quen biết nhau ở chỗ Quan Âm bồ tát là điều khiến cô bé vô cùng hẫng hụt.
Tự nhiên tôi thấy hơi luống cuống, biết mình trả lời linh tinh với con như thế, sẽ khiến con bị rối loạn trong nhận thức. Tôi vội bế Viên Viên lên, lau nước mắt cho cô bé nói: Mẹ xin lỗi con gái, trước đây những điều mẹ nói với con đều là bịa thôi, mẹ thấy nói như thế sẽ thú vị, thực ra không phải là như vậy.
Viên Viên tròn xoe đôi mắt, chờ đợi một cách hiếu kỳ để tôi nói lên “sự thật” cho cô bé. Tôi nghĩ một lát rồi hỏi con gái “Có phải hay có người nói Viên Viên giống mẹ, cũng có người bảo con giống bố đúng không?”. Bé liền vâng. Tôi nói: “Sau khi làm đám cưới, bố và mẹ muốn có một em bé, liền lấy từ người bố một ít thứ”, tôi liền làm động tác nhúm một chút lên cánh tay cô bé – “sau đó lại lấy một ít thứ trên người mẹ”, nói rồi tôi lại làm động tác nhón một chút trên mặt mình – “sau đó đặt hai thứ này lại với nhau”, tôi dùng hai ngón tay làm động tác vân vê – “đặt vào bụng mẹ”, tôi dùng ngón tay cái phải ấn vào rốn – “Thế là Viên Viên dần dần lớn lên trong bụng mẹ”.
Ánh mắt Viên Viên lộ rõ vẻ kinh ngạc, tôi lập tức nói tiếp “Vì thế Viên Viên vừa giống bố lại vừa giống mẹ, con thử nói xem mình giống ai?”. Tôi đã chuyển sang chủ đề khác, được tôi nhắc, Viên Viên liền hào hứng suy nghĩ vấn đề xem mình giống ai, không hỏi thêm câu nào nữa.
Mấy ngày nữa trôi qua, cô bé vẫn nghĩ đến chuyện này, liền hỏi tôi, từ trong bụng mẹ con chui ra như thế nào? Tôi liền nói, “Đến bệnh viện mổ bụng lấy ra, lúc mổ vì có dùng thuốc gây mê nên không thấy đau”. Cho dù là đẻ mổ hay đẻ thường đều có thể dùng câu này để trả lời, con trẻ sẽ không hỏi trên bụng bạn có vết sẹo hay không.
Lại một thời gian nữa trôi qua, cô bé lại hiếu kỳ hỏi tôi lấy cái gì trên người bố mẹ thì tạo ra được em bé, có phải là lấy một chút thịt hay không, có đau không. Tôi nói: “À, lấy một ít thịt, không đau, chỉ có điều phải đến khi lớn lên mới có cách lấy không đau, trẻ con không thể làm việc này. À, ăn cơm xong con muốn sang nhà Đình Đình chơi hay sang bạn Triết chơi không?”. Chủ đề câu chuyện lại được thay đổi một cách kín đáo.
Các vấn đề về giới tính là thiên tính, đến lúc cần hiểu tự nhiên sẽ hiểu, giống như biết đi là thiên tính của con người, chỉ cần có thời gian mọi việc sẽ đâu vào đấy. Rồi sẽ đến một ngày nào đó Viên Viên hiểu được rằng em bé từ đâu đến, nhưng đến lúc đó, cô bé sẽ hiểu tại sao người lớn phải nói như vậy; đồng thời, tôi cũng tin rằng, đến lúc đó, cô bé đã có được sự nhận thức đúng sai, hoàn toàn có thể tự giáo dục mình.
Quan niệm đúng đắn về giới tính không thể tồn tại một cách riêng lẻ, nó là một phần của giá trị quan, nhân sinh quan của một con người. Chỉ cần con trẻ có giá trị quan tốt và nhân sinh quan đúng đắn, chắc chắn chúng sẽ có quan niệm về giới tính lành mạnh. Hiện nay giáo dục giới tính có một xu hướng, đó là chỉ mong nói cho trẻ biết hết mọi kiến thức về sinh lý giới tính. Cho rằng giáo dục giới tính thà là nói cho trẻ biết hết mọi điều khi chúng còn đang nhỏ, chưa nảy sinh ham muốn tình dục, còn hơn là giấu giấu diếm diếm, khiến chúng không còn nghi ngờ về những điều này nữa, sau đó không còn tò mò nữa. Có nên như vậy hay không?
Năm 2007 trên mạng Internet nói, các trường tiểu học ở Đài Loan phát cho học sinh tài liệu giáo dục giới tính, trong đó không những trình bày sự khác biệt về sinh lý giữa con trai và con gái cũng như chú thích về cơ quan sinh dục, mà còn có tranh minh họa tư thế quan hệ tình dục của nam và nữ. Điều này đã vấp phải sự phản đối của rất nhiều bậc phụ huynh. Nguồn tin cho biết, có cả chuyên gia y học tham gia biên soạn tài liệu. Mặc dù những người biên soạn và những người phổ biến nói rằng làm như vậy là có lý riêng, nhưng họ không nói rõ phương án giáo trình này rốt cục được xây dựng trên cơ sở lý luận giáo dục nào, lý luận của nhà giáo dục học nào có thể chứng minh được tính đúng đắn cho hành động này của họ.
Theo tin của tờ Quảng Châu nhật báo ra tháng 9-2007, cuốn sách đầu tiên về giáo dục giới tính của Thâm Quyến bị các bậc phụ huynh tố cáo. Cuốn sách này do Sở giáo dục thành phố Thâm Quyến và Trung tâm sinh đẻ có kế hoạch Thâm Quyến liên kết biên soạn. Trong cuốn sách thích hợp cho học sinh tiểu học từ chín đến mười hai tuổi, họ đã bắt đầu dùng những ngôn từ đơn giản để trình bày những kiến thức về tránh thai, triệt sản. “Trong cuốn sách dành cho đối tượng học sinh cấp hai từ mười hai đến mười lăm tuổi bắt đầu đề cập đến các vấn đề như kinh nguyệt, thủ dâm, đồng thời trình bày kỹ lưỡng về các nội dung như phương pháp chẩn đoán mang thai, ba biện pháp tránh thai và nạo phá thai. Giáo trình này bắt đầu đề cập đến những vấn đề như đồng tính luyến ái, những trở ngại trong tâm lý tình dục, đồng thời còn nói đến vấn đề khiêu dâm trên Internet, tình yêu qua Internet…”.
Đây là bài học giáo dục giới tính hay bài học vẽ đường cho hươu chạy về giới tính? Hậu quả là để cho trẻ học được cách nhìn nhận vấn đề giới tính bằng sự thận trọng, lý trí, hay gợi trí tò mò trong chúng, khiến chúng trở nên manh động? Những kiến thức thông thường này, sẽ khiến chúng từ chối hay nghiêng về phía dụ dỗ?
Hiện nay có một hiện tượng lạ, người của giới y tế động một tí là xen vào công việc của giới giáo dục.
Bộ giáo dục yêu cầu mở môn học sức khoẻ tâm lý cho học sinh, nhà trường liền giao môn học này cho khoa tâm lý của bệnh viện; trẻ không nghe lời thích nghịch ngợm, phụ huynh liền đưa con đến bệnh viện để khám bệnh tăng động; cần tổ chức giáo dục giới tính, liền mời các chuyên gia y học sinh sản biên soạn giáo trình – sự hợp tác này có bình thường không, chức năng mà nó thực hiện rốt cục là giáo dục hay là phản giáo dục?
Chúng ta không phản đối sự hợp tác giữa giới y tế và giới giáo dục, nhưng giáo dục trẻ em có tính đặc thù riêng của nó, áp dụng một cách đơn giản logic của người lớn lên con trẻ, vận dụng tư duy và phương pháp của y tế lên giáo dục trẻ em là điều rất hoang đường. Đọc các tác phẩm của những nhà giáo dục vĩ đại như Rousseau,Vasyl Olexandrovych Sukhomlynsky, John Dewey, Makarenko, Đào Hành Tri…, chỉ cần lĩnh hội được tư tưởng của họ, là có thể biết họ phản đối những cách “giáo dục giới tính” như thế này.
Cho rằng “giáo dục giới tính” chính là “giảng giải về kiến thức sinh dục”, là một cách suy luận logic nông cạn. Biến “giáo dục giới tính” thành “vẽ đường cho hươu chạy trong vấn đề giới tính” còn tệ hơn rất nhiều so với việc không làm!
Thanh thiếu niên xuất hiện các vấn đề như có thai sớm, lạm dụng tình dục…, không phải là do chúng thiếu hiểu biết về kiến thức giới tính, mà là vì tinh thần trống rỗng, đạo đức tình cảm phát triển không tốt, thiếu khả năng tự yêu mình và yêu người.
Những đứa trẻ xảy ra vấn đề đó, chắc chắn không phải là do chúng có vốn kiến thức về giới tính ít hơn những đứa trẻ bình thường, mà hoàn toàn ngược lại, chúng nắm được nhiều kiến thức giới tính hơn thông qua nhiều con đường khác nhau, niềm hứng thú của chúng được gợi mở. Do chúng thiếu khả năng tự làm chủ lý trí của mình, thiếu tinh thần trách nhiệm với mình và người khác, buông thả mình và bất chấp mọi hậu quả. Giống như một đứa trẻ thường xuyên chép bài của bạn, chúng biết rất rõ rằng hành vi của mình là không tốt, nhưng chúng lại không chịu nỗ lực vì điều đó. Chúng thật bất hạnh khi ngay từ nhỏ được sống trong một môi trường giáo dục không tốt nào đó, lòng tự trọng của chúng đã bị mất đi từ lâu, khi đối mặt với mình, mặt càng ngày càng dày.
Tôi cho rằng trọng điểm của giáo dục giới tính nên là giáo dục thế giới quan và quan niệm tình yêu, đại thể có thể chia thành hai giai đoạn:
Trước khi con trẻ trưởng thành, nhiệm vụ của giáo dục là tạo dựng thế giới quan đúng đắn cho trẻ, bồi dưỡng ý thức tự tôn trọng mình tự yêu thương mình, rèn luyện phẩm chất tốt bụng, thấu hiểu, độ lượng, cần cù chịu khó, khiến trẻ trở thành một người phát triển lành mạnh về cả tâm lý lẫn sinh lý và phát triển hài hòa. Tất cả những điều này, đều là để chuẩn bị cho giai đoạn dựng vợ gả chồng sau này của con. Tương lai con trẻ trở thành một người như thế nào, trẻ sẽ đối xử với bạn khác giới bằng một thái độ như thế nào, về cơ bản đều được quyết định bởi hoạt động giáo dục trong giai đoạn này.
Đến khi con trẻ đã trưởng thành, học cấp ba hoặc học đại học, bố mẹ có thể trực tiếp bàn luận vấn đề giới tính, tình yêu với trẻ. Bố mẹ không những cần định hướng cho trẻ quan niệm tình yêu lành mạnh về mặt ý thức, mà cũng cần cố gắng làm gương cho con thông qua cuộc sống giữa mình và người vợ hay người chồng của mình. Từ phía bố mẹ, con trẻ cảm nhận được mối quan hệ nam nữ tốt đẹp, mới có lòng tin vào mình khi sống với người khác giới, mới có thể tìm cho mình tình yêu với tâm lý lành mạnh, tìm được tình dục đẹp, tìm được hạnh phúc của cả cuộc đời.
Ở đây vẫn còn một số chi tiết, nhắc nhở bố mẹ cần phải chú ý trong vấn đề giáo dục giới tính giai đoạn sơ khai cho trẻ.
Nếu bạn nhìn thấy trẻ em trước tuổi đi học mà có những hành động mô phỏng quan hệ tình dục, nhất định bố mẹ không nên quá tỏ ra kinh ngạc, thất sắc, càng không nên chửi mắng con trẻ, cần phải bình tĩnh nhưng kiên quyết nói với trẻ rằng, bạn phản đối trò chơi này, đồng thời nhanh chóng dịch chuyển sự chú ý của con sang chuyện khác.
Con trẻ có hành động như vậy, có thể là do bố mẹ không cẩn thận để con trẻ nhìn thấy động tác của mình, vì thế người làm bố làm mẹ nhất thiết phải kiểm tra lại hành vi của mình, tuyệt đối không thể để con trẻ nhìn thấy bố mẹ sinh hoạt vợ chồng. Cũng có thể là do các bạn của con làm như vậy và con học theo, chính vì thế nếu khẳng định trong gia đình mình không có vấn đề gì, thì cần phải quan tâm đến tình hình của những bạn nhỏ mà con hay tiếp xúc, cần phải nhắc nhở một cách thiện chí với bố mẹ của các em đó.
Một người bạn của tôi đã kể cho tôi nghe một chuyện không thể tưởng tượng nổi. Cô bé hàng xóm bốn tuổi gần nhà chị đến nhà chơi với con trai chị, rồi dạy con trai chị nằm trên người cô bé, làm động tác mô phỏng, rồi bắt chước cả âm thanh. Chị bạn tôi tái mặt, vội tìm một cơ hội hỏi khéo người mẹ của cô bé. Người mẹ này nghe xong, lại trả lời rất thờ ơ rằng, à, có thể là do học từ băng đĩa. Hóa ra chị và chồng xem phim sex lại không tránh mặt con, con cũng đứng bên cạnh để xem. Họ cho rằng con còn nhỏ như vậy, không hiểu gì cả, xem cũng không sao!!!
Những người bố người mẹ như vậy thực sự là ngu xuẩn đến mức tột độ, trong mắt họ, con trẻ chỉ là một con vật nhỏ, họ không hề nghĩ rằng con trẻ là con người. Mọi sự từng trải thời thơ ấu đều có thể ăn sâu vào đầu óc chúng. Những cảnh quay dâm tục, cho dù là em bé mấy tháng tuổi cũng không nên để em nhìn thấy, huống hồ con của họ đã bốn tuổi, đã biết rất nhiều chuyện rồi. Sự tổn thương mà họ gây ra cho con là vô cùng to lớn, sẽ ảnh hưởng đến trẻ suốt cuộc đời.
Còn có gia đình do không có nhà tắm, mẹ liền đưa cậu con trai nhỏ đến nhà tắm công cộng, đây cũng là điều sai lầm. Cho dù con trẻ mấy tuổi, đều không nên đưa chúng đến nhà tắm dành cho người khác giới. Nếu người bố không đưa được con đi tắm, thà ở nhà lấy một chậu nước tắm cho con còn hơn là đưa con đến nhà tắm nữ.
Ở nhà, chỉ cần con trẻ tự tắm được, tốt nhất bố mẹ nên để con tự tắm một mình. Đến một độ tuổi nào đó, con trẻ không thích để bố mẹ nhìn thấy cơ thể trần truồng của mình, trẻ cũng không thích nhìn thấy cơ thể trần như nhộng của bố mẹ, đặc biệt là cơ thể của người khác giới.
Đến khi trẻ bước vào giai đoạn dậy thì, tức mười ba, mười bốn tuổi, bố mẹ không nên ngủ cùng giường với người con khác giới với mình. Có tài liệu nói rằng, nếu con trai thường xuyên ngủ cùng giường với mẹ, sau khi kết hôn anh ta có thể gặp những trở ngại về sinh lý. Con gái ngủ cùng giường với bố trong thời gian dài, cũng không có lợi cho sự phát triển tâm lý.
Nhưng bố mẹ có thể thể hiện sự thân mật một cách thích đáng trước mặt con trẻ. Như trước khi đi làm buổi sáng dành cho nhau nụ hôn tạm biệt, sau một thời gian xa nhau, gặp lại có thể ôm nhau. Như thế có thể để cho trẻ nhìn thấy bố mẹ rất yêu thương nhau, cảm nhận được niềm hạnh phúc của cuộc sống gia đình. Khi làm những động tác này bố mẹ cần phải tỏ ra thản nhiên, trong lòng không nên nghĩ rằng đó là những hành động xấu xa. Con trẻ nhìn thấy được tình yêu từ phía bố mẹ, học được cách biểu đạt tình cảm một cách bình thường.
Đương nhiên, lúc này đừng quên rằng, cần phải đồng thời tặng cho con trẻ một nụ hôn và một vòng tay âu yếm.
Lưu ý đặc biệt
Rousseau cho rằng bài học vỡ lòng về giới tính nên cố gắng trì hoãn, tức là không cho chúng cơ hội, không để chúng nảy trí tò mò. Đương nhiên chắc chắn không thể vì trì hoãn mà nói lung tung với trẻ. Nếu bất đắc dĩ phải nói với trẻ, cũng phải trả lời bằng những câu nói ngắn gọn, không do dự, chứ không được tỏ ra ngượng ngùng, xấu hổ.
Trí tò mò của trẻ em đối với vấn đề giới tính không lớn như người lớn tưởng, người lớn hoàn toàn có thể tránh được sự ngại ngùng khi giải thích, dùng một cách nói khác để nói thẳng thắn vấn đề này ra.
Các vấn đề về giới tính là thiên tính, đến lúc cần hiểu tự nhiên sẽ hiểu, giống như biết đi là thiên tính của con người, chỉ cần có thời gian mọi việc sẽ đâu vào đấy.
Những đứa trẻ xảy ra vấn đề đó, chắc chắn không phải là do chúng có vốn kiến thức về giới tính ít hơn những đứa trẻ bình thường, mà hoàn toàn ngược lại, chúng nắm được nhiều kiến thức giới tính hơn thông qua nhiều con đường khác nhau, niềm hứng thú của chúng được gợi mở. Do chúng thiếu khả năng tự làm chủ lý trí của mình, thiếu tinh thần trách nhiệm với mình và người khác, buông thả mình và bất chấp mọi hậu quả.
Quan niệm đúng đắn về giới tính không thể tồn tại một cách riêng lẻ, nó là một phần của giá trị quan, nhân sinh quan của một con người. Chỉ cần con trẻ có giá trị quan tốt và nhân sinh quan đúng đắn, chắc chắn chúng sẽ có quan niệm về giới tính lành mạnh. Trọng điểm của giáo dục giới tính nên là giáo dục thế giới quan và quan niệm tình yêu. Bố mẹ không những cần định hướng cho trẻ quan niệm tình yêu lành mạnh về mặt ý thức, mà cũng cần cố gắng làm gương cho con thông qua cuộc sống giữa mình và người vợ hay người chồng của mình. Từ phía bố mẹ, con trẻ cảm nhận được mối quan hệ nam nữ tốt đẹp, mới có lòng tin vào mình khi sống với người khác giới, mới có thể tìm cho mình tình yêu với tâm lý lành mạnh, tìm được tình dục đẹp, tìm được hạnh phúc của cả cuộc đời.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.