Người Ở Đâu Về

I.



TRƯỚC hết, đó là một khuôn mặt lớn, vàng vọt và bi đát, lướt qua trước mặt họ. Đó là bộ mặt của ông tướng. Ông tướng có vẻ mệt nhọc. Ông ta vội vàng mang ra trước mặt một ngàn người này cái đầu ông với quầng mắt thâm, tròng mắt vàng vì sốt rét, cái miệng nhẽo, cặp môi mỏng của những người đang hồi đen đủi. Khởi đầu từ gốc tay phải của đám quân tập họp đầy bụi bậm, ông ta lần lượt nhìn họ từng người, thẳng vào mắt họ, một cách buồn rầu; ông ta đổi hướng uể oải, không có vẻ gì hăng hái, và tất cả bọn họ đều ngầm chú ý tới một điểm: trên ngực ông thì đủ cả các huy chương, chẳng thiếu chiếc nào, lấp lánh ánh vàng, ánh bạc, nhưng nơi cổ ông không đeo gì cả, không có huy chương gì cả. Và tuy rằng họ đã biết là một tấm bội tinh ở nơi cổ một ông tướng chẳng có quan trọng mấy nỗi, họ cũng thấy hơi khó chịu là ông ta không có. Cái cổ nhà tướng vàng vọt và thiếu huy chương ấy làm họ liên tưởng tới những trận đánh thua, những cuộc rút lui không nổi, những lời nói nặng nề và chua chát mà các sĩ quan cao cấp trao đổi với nhau, những cuộc điện đàm bóng gió, những vụ thay đổi chỉ huy. Cái cổ ấy khiến họ liên tưởng tới một ông già mắt nhìn mệt mỏi và tuyệt vọng, lúc chiều tối, cởi áo khoác ra, ngồi ghé xuống giường với đôi cẳng gầy guộc và thân hình kiệt quệ vì cơn sốt, để uống một chút rượu mạnh. Bọn họ gồm có ba nghìn ba trăm ba mươi ba người để họ tới thanh tra; họ cùng có một cảm giác kì quặc lẫn lộn buồn, thương, lo, giận: giận khi nghĩ đến cuộc chiến tranh này đã kéo dài quá lâu, quá lâu đến nỗi cái cổ một ông tướng mà dám để trần không đeo huy chương thường lệ.

Ông tướng giơ tay lên chào chạm cái mũ bạc màu, nhưng tay cũng khá cứng cáp. Đến góc trái của đám quân tập họp, ông ta hướng một cách mạnh mẽ hơn, tới giữa cạnh trống của hàng quân ông dừng lại, và đám sĩ quan đông đảo xúm lại quanh ông ta, thành hàng thưa nhưng đều đặn: nom ông thật là tội nghiệp vì cái cổ không bội tinh, trong khi có những người khác, cấp bực kém ông, mà bội tinh lấp lánh dưới ánh mặt trời.

Thoạt đầu, ông tướng ra vẻ như muốn nói gì, nhưng rồi lại chỉ đột ngột đưa tay lên chạm mũ, và đồng thời quay ngoắt lại, bất ngờ đến nỗi đám sĩ quan sau ông phải hoảng hốt tách ra để lấy lối cho ông đi. Tất cả bọn họ thấy con người mảnh khảnh ấy lên xe, các sĩ quan giơ tay chào một lần nữa, và một đám bụi trắng xóa tung bay cho họ biết là ông tướng đi xe về hướng tây, về phía mặt trời đã lặn xuống khá thấp, gần sát tới các mái nhà trắng phẳng.

Ông tướng đi về một nơi không có mặt trận.

Thế rồi, cứ từng đoàn ba trăm ba mươi ba người một, xếp hàng ba, họ đi về phía kia của thành phố, về phía nam, qua các quán cà phê cửa hàng vừa đỏm dáng, vừa lem luốc, qua các rạp chiếu bóng, các nhà thờ, qua các khu đông đúc, ở đó gà chó nằm ườn trên ngưỡng cửa, ở đó có những người đàn bà vừa đẹp, vừa bẩn, đứng tì khuỷu tay nơi cửa sổ phô bày bộ ngực trắng bong, và ở đó từ những quán cơm nhỏ, dơ dáy, đưa ra tiếng hát đều đều của những chàng say, nghe khó chịu lạ. Có những chuyến xe điện chạy nhanh như gió, kêu điếc con ráy. Sau hết họ tới một khu yên tĩnh với những ngôi biệt thự có vườn xanh rờn lá bao quanh; có những chiếc xe nhà binh đỗ trước cổng đá xây. Họ vượt qua một chiếc cổng đỗ và họ xếp hàng thành từng đội hình vuông ba cạnh nhỏ hơn mỗi cạnh một trăm mười một người, trong một khu vườn được giữ gìn rất cẩn thận.

Họ xếp đặt quân trang ở cuối khu vườn, chụm súng, và khi họ đã đứng nghiêm người rã rời, bụng đói, miệng khát, giận dữ và chán nản vì cuộc chiến tranh thổ tả này khi họ đã đứng nghiêm rồi, thì một bộ mặt nhỏ nhắn và tuấn tú đi qua trước mắt họ: đó là gương mặt của ông đại tá, một người trắng xanh, mắt nghiêm, môi mím và mũi dài. Tất nhiên là cái cổ dưới khuôn mặt ấy có đeo một chiếc bội tinh, nhưng chiếc bội tinh ấy cũng không làm cho họ vui lòng. Ông đại tá ngoắt theo góc thẳng, bước đi vững vàng và từ tốn, không bỏ sót một cặp mắt đội viên nào. Đến lúc để chấm dứt ông ta đổi hướng đến cạnh trống và thấy trước mặt ông một hàng sĩ quan, thì họ đều biết là ông ta sẽ nói vài lời, và họ đều tự nhủ là họ đang thèm uống một chút gi, thèm ăn, thèm uống hoặc thèm ngủ, hoặc thèm một điếu thuốc. Bằng một giọng nói to và rõ ràng ông ta nói:

– Các chiến hữu, tôi xin chào các chiến hữu. Tôi cũng không có nhiều điều phải nói, trừ có điều là chúng ta phải đánh đuổi lũ rợ, xua chúng về rừng. Các chiến hữu hiểu chưa?

Tiếng nói ngừng lại một lát, quãng nghỉ thật nặng nề, gần như chết người. Họ đều thấy rằng mặt trời đã đỏ hết, một màu đỏ sậm, và cái ánh thê lương ấy thu cả vào chiếc bội tinh lủng lẳng ở cổ ông đại tá, nó rút lại còn có ánh lấp lánh của bốn cánh. Và chính lúc đó họ mới nhận thấy chiếc có trang trí lá sồi, mà họ gọi là “hoa lá cành”. Ra ông đại tá có “hoa lá cành” ở cổ. Ông ta gằn giọng:

– Các anh đã hiểu chưa?

Vài người lính đáp bằng một giọng ồ ồ, uể oải thiếu cảm tình.

– Dạ hiểu, thưa đại tá.

Tiếng đại tá lại nói, nhưng nó the thé như thể vút lên trời, như một con chim sơn xa nổi giận tìm mồi, muốn bay lên hái lấy một vì sao.

– Tôi hỏi các anh có hiểu không? Một vài người khác trả lời:

– Dạ hiểu, thưa đại tá.

Nhưng họ không có nhiều, và những người lên tiếng trả lời ấy nhọc mệt, khản cổ và thờ ơ, mà giọng nói của ông đại tá này không có cái gì có thể làm họ đỡ khát, đỡ đói và đỡ thèm thuốc lá.

Giận dữ, ông đại tá lấy roi chỉ huy quất vào không khí: họ thoảng nghe có tiếng: “thật là lũ ngợm”, rồi ông đại tá bỏ đi, với bước đi nhanh nhẹn và bực bội, theo sau là viên sĩ quan tuỳ tùng, một trung úy trẻ, cao mà gầy, cao quá và trẻ quá khiến họ không khỏi mủi lòng.

Vừng dương vẫn ở đó, ngay trên các nóc nhà, giống như một quả cầu sắt đỏ rực lăn trên các mái bằng nhợt nhạt; nền trời bốc cháy đã ngả sang một màu xám hơi nhạt và hàng cây buông thõng đám lá còm cõi. Họ tiếp tục đi, bây giờ thẳng về phía tây, qua các khu ngoại ô, qua các ngôi nhà nhỏ, trên các mặt vỉa hè rộng, qua các sạp trè chai gần một khu nhà bẩn, giống như những trại lính và hoàn toàn kệch cỡm so với cảnh chung quanh, gần những kho đồ phế thải, lan qua những mảnh vườn dưa chín ủng, và có những trái cà chua chín nẫu lắt lẻo nên những thân cây bụi bặm, những thân cây cao một cách kì dị, cũng kì dị như ruộng ngô đầy bắp lớn, ở đó một đàn chim đen sì đến mổ ăn; đàn chim lười lĩnh bay đi khi đoàn người nhọc mệt bước lần tới, bay thành đám, lượn lờ một lát rồi lại đậu xuống mổ ngô.

Bây giờ, họ chỉ còn có một trăm lẻ năm người, một trung đội nhọc mệt, đầy bụi bặm, chân phỏng, mặt vã mồ hôi, với một viên trung uý dẫn đầu, một trung uý mang nỗi chán chường ghi trên mặt. Ngay khi viên trung úy này nhận chức chỉ huy, họ đã biết rằng ông ta thuộc loại nào rồi. Ông ta chỉ nhìn họ một lượt, thế là đủ. Mặc dù đói, mặc dù khát, nhất là khát, họ cũng đọc thấy trong ánh mắt ông ta ý nghĩ này: “Thối! Thối thật! Nhưng chúng ta không thể làm sao được”. Và với một vẻ thờ ở rõ rệt, bất chấp mọi cách chỉ huy thông thường, ông ta nói: “Đi!”.

Thế rồi họ dừng lại ở gần một ngôi trường học bẩn thỉu, chung quanh có cây mọc mà lá úa quá nửa rồi. Có những vũng nước đen, hôi thối trên đó ruồi nhặng vo ve bu kín; các vũng nước hình như nằm lắng đó hàng bao tháng rồi, giữa một vỉa hè hư nát và cầu tiểu vẽ phấn lằng nhằng, từ đó bốc lên một mùi khai khủng khiếp.

– Đứng lại!

Viên trung úy nói vậy, rồi đi vào trong một tòa nhà với dáng đi uể oải mà tao nhã của một người tràn đầy chán nản.

Người ta không bắt họ xếp thành đội hình vuông nữa, và viên đại úy thị sát họ cũng không thèm cất tay lên mũ để chào nữa. Ông ta cũng không đeo dây lưng, ông đang nhấm nhấm một cọng rơm, và bộ mặt to béo của ông cũng có vẻ hiền lành. Ông ta chỉ gật đầu, “hừ” một tiếng, tự giới thiệu, rồi nói: “Thưa các bạn, chúng ta không còn thì giờ nữa. Tôi sẽ phái thượng sĩ đến đây, anh ta sẽ phân phối các bạn vào các đại đội”. Nhưng gương mặt lành mạnh của ông đại úy đã không làm cho họ quên không chú ý tới các chiến xa nằm kia, đã trang bị sẵn sàng, tới các quân cụ để xung phong sẵn sàng trên các thành cửa sổ đầy bùn đất: những gói xanh xanh, gọn ghẽ, với dây lưng, với đủ các thứ cần dùng như túi dết, bao đạn, xẻng đào đất và mặt nạ phòng hơi độc.

Khi họ tiếp tục hành quân, chỉ còn có hai mươi tư người; họ lại băng qua ruộng ngô, đến dãy nhà rẻ tiền, xéo qua về hướng đông và tới một đám nhà xây trong khu rừng thưa, giống như một cư xá nghệ sĩ: những căn nhà vuông vắn, một tầng, có mái bằng và cửa sổ lớn lắp kính.

Có những chiếc ghế mây ở trong vườn, và khi họ dừng bước và quay lại, họ thấy rằng mặt trời đã khuất sau các căn nhà. Ánh đỏ vô biên tràn khắp vòm trời với một màu đỏ tươi quá, khiến người ta phải nghĩ tới màu máu loang lổ, đằng sau họ, về phía đông, đã là bóng ẩm của hoàng hôn.

Trước mặt các ngôi nhà nhỏ, binh lính ngồi bệt xuống đất trong bóng tối, các chùm súng dựng lên khắp nơi, có chừng một tá. Họ nhận thấy mọi người đã khóa dây nịt đạn, mũ sắt của họ, ngoắc vào các cây súng trường, phản chiếu ánh đỏ nhạt.

Viên trung úy, từ trong một ngôi nhà đó đi ra, cũng không buồn kiểm điểm họ nữa. Ông ta dừng lại ngay trước bọn họ, ngay chỗ giữa. Họ thấy rằng ông ta chỉ có mỗi một huy chương, một chiếc huy chương nhỏ, đen sì, đúng ra cũng chẳng ra một huy chương, một cái mề đay nhỏ xíu, một miếng tôn mỏng đen dát thành, chứng tỏ rằng ông ta đã đổ máu vì tổ quốc. Viên trung úy có một gương mặt nhọc mệt và buồn rầu, và khi ông ta nhìn họ, thì mắt ông ta để vào huy chương của họ trước đã, rồi mới nhìn đến mặt họ.

Ông ta nói: “Được”, và một lát sau, nhìn vào đồng hồ rồi mới nói: “Các anh mệt rồi, tôi biết, nhưng tôi không thể làm sao được. Chúng ta phải khởi hành trong mười lăm phút nữa”.

Rồi, nhìn người trung sĩ ở bên cạnh ông ta, ông nói tiếp: “Không cần phải lấy tên, bảo thu hết sổ tùy thân, và cho họ hành quân tác chiến. Phân phối mau mau để họ có thì giờ uống nước”. Ông ta lại nói lớn với hăm tư binh sĩ: “Lấy nước đầy bi đông vào!”

Viên trung sĩ, đứng bên cạnh ông ta, ra vẻ vừa bực tức vừa vênh váo. Hắn có nhiều huy chương hơn viên trung úy gấp bốn lần. Gật đầu, hắn quát to: “Nào, đưa sổ ra!”

Hắn đặt chổng sổ lên trên một cái bàn khập khiễng, bắt đầu lựa và, trong khi đếm và phân chia ra, họ đều cùng có một ý nghĩ: đoạn hành trình vừa qua thật là mệt, chán buồn mửa, nhưng chưa có gì là nghiêm trọng. Tất cả, ông tướng, ông đại tá, đại úy và cả trung úy, họ đều ở xa và không đòi hỏi ở họ được gì cả. Chính những người này, đang ở trước mặt họ đây, mới là chủ họ: viên trung sĩ lêu đêu, hễ chào là giơ tay lên mũ và dập gót giầy đúng kiểu động tác cơ bản cách đây bốn năm, hoặc viên thượng sĩ thô bỉ kia, có khi chụp mình từ phía sau, quẳng mẩu thuốc và sửa lại dây lưng, đấy là những người làm chủ họ cho đến lúc hoặc họ bị bắt làm tù binh, hoặc họ ngã xuống ở đâu đó, bị thương hoặc bị chết.

Trong số một ngàn người, chỉ còn có một người đang đứng trước mặt viên trung sĩ, nhìn quanh, hoang mang vì chẳng còn ai cả, chẳng còn ai ở bên cạnh, ở đằng sau, ở đằng trước. Khi anh ta gặp lại người trung sĩ, anh ta nhớ ra là anh ta khát, khát lắm và với mười lăm phút gia cho, đã mất đứt tám phút.

Viên trung sĩ cầm cuốn sổ tùy thân trên bàn, mở ra xem, và ngửng lên nhìn anh, hỏi:

– Anh tên là Fanhan, hả?

– Vâng, thưa trung sĩ.

– Anh là kiến trúc sư và biết vẽ hả?

– Vâng, thưa trung sĩ.

– Trung đội chỉ huy đại đội có thể được việc cho ta đây, thưa Trung úy.

Viên trung úy đáp: “Được”, vừa nói vừa nhìn về phía thành phố, và Fanhan cũng đưa mắt theo về hướng đó đã thấy một cảnh nó thu hút hết tâm trí anh: ở phía sau, đằng kia, mặt trời đã xuống cuối đường phố, sát mặt đất, giữa khoảng hai ngôi nhà, nom kì cục như một quả táo, sáng bóng giẹp lép và méo mó; mặt trời đã đậu xuống đó một cách dớ dẫn, giống như một quả táo càng ngày càng dẹp xuống, mất dần hào quang và gần như đấm vào trong bóng tối của nó. Viên trung úy nhắc lại:

– Được!

Và Fanhan không biết ý nghĩ đến mặt trời khi nói thế, hay đó chỉ là một tiếng quen miệng nói ra mà thôi. Fanhan nghĩ bụng rằng anh đã ra đi được bốn năm, đã bốn năm rồi. Tám bưu thiếp mà anh ta nhận được hồi đó nói rằng anh sẽ bị gọi tái ngũ trong vài tuần, thế rồi đột nhiên chiến tranh bùng nổ. Viên trung sĩ bảo Fanhan:

– Anh đi uống nước đi.

Fanhan chạy lại chỗ lúc nãy mọi người đã chạy tới và anh ta tìm ra nước uống ngay: một cái vòi nước sắt rỉ như người ta thường thấy trong các vườn hoa, một thứ vòi dài tồi tàn dựng giữa đám thông gầy. Dòng nước chảy ra vừa bằng nửa ngón tay út, nhưng tệ hại hơn nữa là bọn họ hàng chục người xô đẩy, chửi bới nhau mà thò gà mèn lấy nước.

Nhìn thấy nước Fanhan suýt phát cuồng; trong óc anh ta chỉ còn có một tiếng, một tư tưởng, một ý nghĩa: nước. Anh ta giật cái gà mèn ở trông túi dết của anh ra, giơ khuỷu tay hích để chen vào và bỗng nhiên thấy mình khỏe vô cùng. Anh ấn cái gà mèn vào giữa các gà mèn kia, ở giữa đám miệng gà mèn luôn luôn chuyển động kia, và không còn biết cái nào của anh ta nữa; anh ta nhìn theo cánh tay, thấy rằng cái gà mèn tráng men sẫm là của anh, đẩy nó vào một cái mạnh và có một cảm giác làm anh ta run lên: cái gà mèn nó nặng trĩu dần. Anh ta tự hỏi không hiểu được uống hay cảm thấy nước vào nặng gà mèn, đằng nào hơn. Anh ta vụt rút nó ra vì cánh tay anh đã chồn và đang rung rung, trong khi đằng sau lưng anh có tiếng kêu: “Tập họp! Tiến lên, tiến!”. Anh ta ngồi xuống, kẹp cái gà mèn giữa hai đầu gối mà anh không còn đủ sức nâng lên nữa, rồi cúi mình như một con chó trước cái âu, anh ta đã dùng những ngón tay run rẩy của anh để đẩy nó nghiêng đi mà uống. Nước chạm vào môi anh, và khi làn môi trên của anh đã thực sự ướt rồi, và anh bắt đầu hớp nước vào, lúc đó anh thấy trước mắt anh một hàng chữ đủ màu nhảy múa lung tung: NƯỚC, NƯỚC, NƯỚC, một hàng chữ tưởng tượng, nhưng rõ rệt lạ lùng. NƯỚC! Hai cánh tay anh lại khỏe lại, anh đã có thể nhấc cái gà mèn lên mà uống.

Có người kéo anh đứng dậy, đẩy anh, anh trông thấy cả đại đội với viên trung úy quát: “Tiến lên, tiến!” và rồi, súng vác lên vai, anh đứng vào hàng phía trước, ở chỗ mà viên trung sĩ đã ra hiệu cho anh đi tới.

Thế rồi họ tiến thẳng vào đêm tối. Fanhan di chuyển một cách miễn cưỡng. Anh ta sẵn sàng ngã lăn ra đó, những cứ phải đi. Chính cái thân xác anh làm đầu gối anh gập xuống, và một khi đầu gối đã gập xuống, đôi chân đau nhừ tự nó lê về phía trước, những đôi chân ấy phải vần theo một khối đau, một khối đau lớn hơn nó nhiều quá: nó không đủ sức mang nổi, và khi nó lê đôi chân ấy về phía trước, thì chính cái khối ấy gồm cặp mông, đôi vai, hai cánh tay và cái đầu, nó chuyển đi và bắt anh ta phải khụy gối, và một khi đôi đầu gối đã gập xuống rồi, đôi chân đau lại bắt đầu làm việc trở lại.

Ba tiếng đồng hồ sau, mệt rã rời, nằm xoài ra ở chỗ nào đó trong đám cỏ mỏng rừng thưa, anh ta đưa mắt nhìn theo một cái hình người xa dần, bò trong bóng xám. Cái hình đó đã mang lại cho anh hai mẩu giấy, một chút bơ thừa, một mẩu bánh mì, một thỏi kẹo chua chua, sáu điếu thuốc lá và nói với anh:

– Có biết khẩu hiệu không?

– Không.

– Chiến thắng. Khẩu hiệu là: Chiến thắng.

Và anh ta, anh ra đã khẽ nhắc lại: “Chiến thắng. Khẩu hiệu là chiến thắng”, và trên lưỡi anh, câu đó có hiệu lực như một chút nước ấm.

Anh bèn xé giấy bọc kẹo ra, đút một viên vào miệng và chút vị chua hoá học đã làm anh ứa nước miếng. Anh nuốt cho hết đợt nước miếng đầu tiên có vị chua chua ngòn ngọt ấy. Rồi đột nhiên, những quả đạn trọng pháo, trong hàng giờ trước đây vẫn nhởn nhơ ở một lằn xa hơn về phía trước, nay anh thấy nó đi qua trên đầu anh, dò dẫm, ầm ĩ rung chuyển, như những cái hòm đóng đanh không kĩ, rơi xuống đất uỳnh oàng. Loạt đạn thứ hai rớt xuống phía trước chỗ họ một chút: những đám bụi cát bay tung, in lên trời phía đông mờ nhạt như những cây nấm tan ngay ra nước. Anh ta nhận thấy rằng đằng sau họ trời tối mịt. Loạt đạn thứ ba, anh ta không nghe thấy: nó như thể giữa bọn họ, người ta dùng búa lò rèn đập vỡ gỗ ghép ầm ầm, gần gụi một cách nguy hiểm. Bùn và khói đạn là mặt đất; chỉ còn kịp úp xấp xuống, bám chặt lấy đất, chúi đầu vào chỗ trũng bên ụ, và anh ta nghe thấy lệnh truyền tới: “Chuẩn bị tiến, nấp theo từng chặng”. Thế rồi có một tiếng vèo vèo từ bên phải tới, một tiếng rít xuyên qua không khí, như tiếng lửa sì và đáng sợ của một ngòi lửa, rốt cuộc bùng cháy bên tay trái. Đúng lúc anh sắp sửa nai nịt để xung phong thì một tiếng nổ xé không khí ngay bên cạnh anh. Anh có cảm giác như có ai đập vào bàn tay anh và lắc mạnh cánh tay anh. Cả cánh tay trái của anh như nhúng vào một chỗ hơi nóng ẩm ướt và, cất mặt lên khỏi vũng bùn, anh ta gọi: “Tôi bị thương rồi!” Tiếng gọi ấy cũng không tới tai anh, chỉ nghe thấy một giọng nói khe khẽ: “Cứt chó!”

Giọng nói văng vẳng, như ngăn cách với anh bằng nhiều lớp kính dày, rất gần mà lại xa xa. “Cứt chó!” Tiếng ấy yếu ớt, uy nghi, xa vẳng, phơn phớt. “Cứt chó! Đại úy Baoơ, nghe.” thế rồi, trong phút im lặng hoàn toàn, tiếng ấy lại nói: “Thưa đại tá, tôi nghe đây”. Ngừng một lát; im lặng tuyệt đối, trừ một tiếng sùng sục ở đằng xa, một tiếng veo véo, một tiếng ì ầm, như nước sôi tràn. Anh ta nhận thấy là mắt anh ta nhắm và anh ta mở mắt ra: anh ta nghe được tiếng viên đại úy rõ hơn, và thấy đầu ông ta hiện ra trong khung cửa sổ đen, bẩn, bộ mặt mệt mỏi, buồn thiu, râu ria lởm chởm; nheo cặp mắt, viên đại úy nhắc lại ba lần, cách quãng nhau rất ngắn: “Vâng, thưa đại tá… vâng , thưa đại tá… vâng, thưa đại tá.”

Rồi, ông ta đội mũ sắt vào, và cái đầu to tướng đen trũi và hiền lành của ông có vẻ thật tức cười khi ông nói với một người nào ở bên cạnh ông: “Hỏng, thủng tuyển cứt chó ba, bắn sẻ bốn, tôi lại phải ra mặt trận đây”. Một giọng nói khác cất lên trong ngôi nhà: “Lái xe máy dầu cho đại úy.”

Rồi anh ta nghe thấy tiếng nổ của chiếc xe, vểnh tai nghe tiếng nổ ròn lại gần và trông thấy chiếc xe máy dầu từ từ lượn qua góc, đi chậm lại để đứng dừng trước mắt anh, nổ phình phịch và đầy bụi bặm, trong khi đó người lái xe, với khuôn mặt nhọc mệt và thờ ơ, vẫn ngồi trên xe nổ máy mà gọi to: “Xe máy dầu sẵn rồi, thưa đại úy!” Viên đại úy lạch đạch bước ra, thong dong, miệng ngậm xì gà, đội mũ sắt, y như một cục nấm đen khổng lồ, ông ta uể oải trèo vào chiếc xe thùng bên hông, nói: “Đi”, và chiếc máy chồm lên, nổ phình phịch mà đi, vội vàng lật đật, tiến lại phía vùng tiếng ục ịch, mơ hồ, phía trước.

Fanhan tự hỏi không biết đã bao giờ anh ta cảm thấy sung sướng hơn bấy giờ không. Gần như là không đau: chỉ hơi ngượng cánh tay trái kia, nó ở gần anh được băng bó lớn tướng, cứng nhắc và dây máu, âm ẩm, như một vật lạ; ngoài cái đó ra, anh ta không thấy gì nữa và cũng lành lặn: anh ta có thể giơ từng chân một lên, ngọ nguậy ngón chân xoay tròng trong giầy ủng, cất đầu cao, nằm dài hút thuốc lá, nhìn mặt trời sáng đằng trước mặt ngón tay ở phía đông, cao độ một tấc trên đám bụi xam xám. Tiếng động nào cũng như xa xăm và êm nhẹ; anh cảm thấy như đầu anh được bọc một lớp bông dày, và chợt nghĩ ra rằng đã hai mươi bốn giờ qua anh ta chưa được ăn uống, trừ một viên kẹo có mùi hóa chất, và một chút nước âm ấm, có vị rỉ sắt và hơi cát.

Khi thấy người ta nhấc anh ta lên và không đi thì anh ta lại nhắm mắt lại, nhưng vẫn còn nhìn thấy. Cảnh đó không mới mẻ gì với anh ta, anh cũng không biết đã sống qua nó lúc nào: người ta mang anh qua những làn hơi thoát từ một cái xe nổ máy ra, đưa anh vào một nơi sặc sụa mùi dầu xăng, cái cáng kêu ken két vào rãnh thép, rồi có tiếng máy giần giật, tiếng nổ phía ngoài xa dần, xa dần mãi từng tí một, cũng như tối hôm trước nó lại gần dần dần từng tí một, chỉ còn vài trái đạn trọng pháo rơi vào ngoại ô, đều đặn, êm đềm. Anh ta vừa cảm thấy mình sắp ngủ thiếp đi, vừa tự nhủ: “Tốt, chuyến này nó qua mau, mau lắm.” Chỉ hơi khát, đau chân, và hơi sợ một chút thôi.

Chiếc xe dừng lại đột ngột khiến anh ta sực tỉnh, cửa xe mở bung ra, cái cáng lại ken két trong rãnh thép, và người ta đưa anh ta vào một căn phòng lớn mát mẻ, trắng toát, yên tĩnh hoàn toàn; dãi cáng sắp thành hàng làm người ta nghĩ tới những chiếc ghế dài trên một boong tàu chật hẹp. Anh ta trông thấy trước mặt anh một cái đầu tóc rậm và đen, bất động, rồi một cái đầu hói cựa quậy mạnh và ngay đằng trước, trên cáng thứ nhất, một cái đầu trắng băng bó dầy cộp, một cái đầu kinh khủng, nhỏ quá. Từ cái đám vải băng đó phát ra một giọng nói gọn gàng oang oang, rõ ràng, trỏ thẳng lên trần nhà, vừa hoảng hốt, vừa láo xược, đó là tiếng của viên đại tá hét to: “Sâm banh đâu!”

– Nước đái thì có. Đái ra mà uống. Cái đầu hói thủng thẳng đáp lại. Ở đằng sau, người ta cố nín cười. Cái giọng kia la hét điên cuồng:
– Sâm banh! Sâm banh ngâm đã nhé!

Cái đầu hói lại bình tĩnh nói:

– Im cái mồm. Im cái mồm đi chứ.

Giọng nói lại đòi nữa, nhưng lần nay có vẻ van vỉ khóc mếu:

– Sâm banh! Tôi muốn uống sâm banh.

Và cái đầu trắng hạ xuống thẳng ngang; từ đám vải băng dầy thò ra một cái mũi nhọn, và giọng nói lại cao bổng hơn:

– Một em… một em bé… Cái đầu hói đáp lại:
– Ngủ một mình thôi.

Cuối cùng, người ta mang cái đầu băng trắng ấy đi, biến mất sang tấm cửa và gian phòng trở nên im lặng.

Trong bầu khí yên lặng này, họ chỉ còn nghe thấy có tiếng đạn trọng pháo rơi từng quả một, nổ trong các khu phố xa xôi bằng những tiếng nổ âm nhẹ, tựa như tiếng phong cầm sởn sơ dạo lên bên lề cuộc chiến. Và khi người ta đã mang trở lại cái đầu trắng của viên đại tá, bây giờ bị bắt nằm im và nghiêng về một bên rồi, và khi đã bỏ lò cái đầu hói rồi, thì có tiếng xe hơi lại gần: một tiếng máy rên nhẹ, nhanh và gần như đe dọa, mỗi lúc một gần lại hơn và sẵn sàng xông vào tòa nhà trắng lạnh lẽo. Thế rồi, đột nhiên tiếng động tắt hẳn, người ta nghe thấy bên ngoài có tiếng ai nói gì đó, và khi họ ngoảnh lại, giật mình mất cả mệt nhọc và buồn ngủ, thì họ thấy ông tướng đi qua trước dãy cáng, lẳng lặng đặt lên trên bụng mọi người nằm cáng những bao thuốc lá. Cái im lặng càng lúc càng nặng nề theo bước chân con người nhỏ bé ấy tới gần từ phía sau. Và, đột nhiên, Fanhan trông thấy mặt ông tướng sát tận nơi bộ mặt vàng, lớn, buồn rầu, lông mày bạc, thoáng chút bụi đen ở vành môi mỏng. Trên khuôn mặt ấy, người ta thấy rằng trận đánh vừa qua cũng lại thua.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.