Người Ru Ngủ

CHƯƠNG 20



Mọi người đều muốn trò chuyện với Simon Berish.
Có gì đó nơi anh thôi thúc người ta mở lòng, thổ lộ những tâm tư sâu kín và riêng tư nhất. Chuyện này không phải là một phát hiện mới mẻ. Khi nhìn lại, anh nhận ra đó là một năng khiếu anh đã có từ lâu. Như khi cô giáo của Simon thú nhận với anh mình đang quan hệ tình cảm với thầy hiệu phó. Không nói thẳng ra, nhưng bóng gió như thế. “Simon này, hôm nọ thầy Jordan đã đọc bài tập làm văn của em khi thầy ở nhà cô. Thầy bảo em viết văn không tồi chút nào”.
Một hôm Wendy, nữ sinh xinh xắn nhất trường, tiết lộ với Simon rằng cô đã hôn một người bạn học. “Tuyệt con cú mèo”, cô bạn đã bình luận như thế và sáng chế ra hẳn một chữ mới để diễn đạt ý của mình. Nhưng sao lại đi nói chuyện đó với thằng học sinh thảm hại nhất trường kia chứ?
Xa hơn nữa, nhiều năm trước vụ Wendy và cô giáo, bố Simon cũng từng làm chuyện tương tự: “Nếu một ngày không nghe thấy tiếng xe bố chạy lên lối vào nhà, con đừng giận bố, hãy chăm sóc mẹ nghe con”. Đó chẳng phải là điều hay ho nhất để nói với một cậu bé tám tuổi. Không phải bố anh nói như thế để con trai có ý thức trách nhiệm, chẳng qua ông ta muốn trút bỏ một gánh nặng mà thôi.
Những kỉ niệm đó ùa về một lượt, lấp đầy tâm trí Simon. Chúng không buồn, cũng không khó chịu. Chỉ là, sau chừng ấy thời gian, anh không biết phải làm thế nào với chúng.
-… Julius xỉn tới mức vào lộn chuồng, và thay vì một con bò cái, cậu ta đụng đầu con bò đực nặng cả tấn.
Fontaine cười khanh khách khi kể xong câu chuyện, và Berish cười theo, mặc dù anh bỏ lỡ hơn một nửa diễn biến. Những câu chuyện vụng về của anh chàng nông dân đã kéo dài suốt nửa tiếng vừa qua. Anh ta đang thư giãn, đó là một dấu hiệu tốt.
– Anh thu hoạch được bao nhiêu yến mạch? – Berish hỏi.
– Hai xi lô đầy mỗi vụ. Cũng không tệ, có thể nói như thế.
– Quả thực, tôi không tin nổi đấy. Còn năm nay mọi việc thế nào? Tôi nghe nói anh có chút lo lắng với lượng mưa.
– Khi tình hình xấu đi, chúng tôi thắt lưng buộc bụng một chút, tăng tỉ lệ đất bỏ không và năm tiếp theo tôi trồng bắp để gỡ lại.
– Tôi tưởng đó là một chu trình liên tục và không cần phải để cho đất nghỉ.
Berish moi móc những gì còn nhớ được từ bài học nông nghiệp ở trường trung học, nhưng anh đã dùng hết các lá bài. Anh không thể để tuột mất sự liên hệ với Fontaine, anh cảm thấy họ đã nhích lại gần hơn rất nhiều trong một tiếng đồng hồ vừa qua. Cần phải đổi chủ đề, nhưng không được quá đột ngột.
– Tôi cá là phân nửa những gì anh thu hoạch được dùng để đóng thuế.
– Phải, bọn khốn ấy luôn thò tay vào túi tôi.
Thuế là chủ đề trò chuyện tuyệt vời, và luôn phát huy hiệu quả. Nó tạo ra sự đồng tình, đúng thứ mà Simon cần. Anh bồi thêm cú nữa:
– Có hai người khiến tôi toát mồ hôi hột khi bị họ gọi: cố vấn tài chính và vợ cũ của tôi.
Cả hai cùng cười. Thật ra Simon Berish chưa bao giờ kết hôn. Anh dùng lời nói dối này để cài một chữ cấm kỵ vào mẩu đối thoại.
Vợ.
Đã 4 giờ sáng rồi và họ vẫn còn chưa nói đến chuyện cô vợ cũ Fontaine, mặc dù đó là nguyên nhân thực sự khiến họ ngồi đây, khiến Simon Berish phải vượt qua quãng đường bảy mươi cây số. Anh tự nhủ ai nhìn thấy hai người lúc này chắc sẽ nhầm với hai ông bạn gặp nhau trong quán nhậu và tán gẫu để giết thời gian bên cốc bia. Khác biệt nằm ở chỗ họ không ngồi trong quán.
Họ đang ngồi trong buồng thẩm vấn, tại một đồn cảnh sát nhỏ giữa miền thôn quê. Một nơi chật chội và hôi mùi thuốc lá.
Các đồn cảnh sát là nơi công cộng cuối cùng cho phép hút thuốc. Berish đã cho phép Fontaine mang theo thuốc rê và giấy quấn. Các đồng nghiệp của anh xem thuốc lá như một phần thưởng. Theo đúng luật, họ không thể cấm các đối tượng thẩm vấn đi vệ sinh, cũng như phải cung cấp thức ăn, nước uống nếu người ta yêu cầu. Tuy nhiên, họ trì hoãn việc cho phép các đối tượng được xả hơi, họ mang ra những chai nước nóng, bất chấp nguy cơ bị tố cáo ép cung. Ngược lại, thuốc lá không nằm trong danh sách các quyền, nên nếu đối tượng thẩm vấn là người hút thuốc thì việc thiếu nó có thể là một phương tiện gây áp lực hiệu quả. Berish không tin vào điều đó. Anh cũng không tin vào những lời dọa dẫm, hoặc chiến thuật “cớm tốt/cớm xấu”. Có lẽ vì anh không bao giờ cần đến những thứ đó, hoặc vì anh biết được những lời khai thu được trong trạng thái căng thẳng là không đáng tin cậy. Một số cảnh sát bằng lòng với chúng. Nhưng Berish tin rằng chỉ có một sự thú nhận duy nhất, thu được tại một nơi duy nhất, vào một thời điểm duy nhất, và một số tội ác không thể được thú nhận từng phần.
Đặc biệt là những vụ giết người dự mưu.
Tất cả những cái sau đó – các lời khai với công tố viên, hoặc những lời nhắc lại trước bồi thẩm đoàn tại toà – đều bị bóp méo do nhu cầu phải thương lượng với lương tâm về tội ác đã gây ra của thủ phạm. Bởi lẽ, khó khăn thật sự không nằm ở việc đối diện với sự phán xét của người khác, mà là sống hết ngày này đến đêm nọ với suy nghĩ mình không giống với hình ảnh mà người ta đã hình dung.
Do vậy, để tự giải toả trước lương tâm của bản thân, chỉ có một khoảng khắc kỳ diệu duy nhất.
Khoảng khắc đó của Fontaine đã ở rất gần, Berish cảm thấy như vậy. Anh hiểu điều đó khi ghi nhận phản ứng của anh chàng nông dân với chữ “vợ”.
– Mấy bà vợ ấy mà, mệt đầu lắm đấy. – Berish bình luận với giọng đùa cợt.
Nhưng anh đã vừa mở cửa cho bóng ma của Bernadette Fontaine lặng lẽ vào ngồi giữa họ.
Đây là lần thứ tư người chồng bị triệu tập để hỏi về cô vợ đã biến mất không có tin tức gì suốt gần một tháng qua. Chưa thể nói là mất tích, càng khó kết luận là bị giết, vì còn thiếu các yếu tố khiến cán cân ngả sang phía này hoặc phía kia.
Theo luật mà nói, thuật ngữ chính xác dành cho cô ta là “không tìm thấy”.
Mọi chuyện xuất phát từ thói quen bỏ nhà đi hoang của Bernadette ngay khi một người đàn ông nào đó hứa hẹn kéo cô ta ra khỏi anh chồng khờ khạo hôi mùi phân. Thường thì đó là các tay lái xe đường dài, hoặc những gã đại lý thương mại. Nhận thấy cô ta thích được tán tỉnh, bọn họ bảo Bernadette quá xinh đẹp và thông minh so với cái xó xỉnh này. Cô ta luôn rơi vào bẫy và trèo lên xe của họ, nhưng chưa bao giờ đi quá nhà nghỉ ven đường gần nhất. Đôi tình nhân ở đó vài ngày, và khi đã chơi chán, gã đàn ông tát cho cô ta vài cái rồi trả về cho anh chàng kém cỏi mà cô ta đã lấy làm chồng. Fontaine đón vợ về mà chẳng hề thắc mắc gì. Có khi chính vì thế mà Bernadette càng coi khinh anh ta. Có lẽ cô ta thích thi thoảng bị ăn tát. Vậy nhưng ngược lại, tất cả những gì cô ta có trong đời là một gã bất tài vô dụng mà cô ta tin chắc chưa bao giờ yêu mình.
Bởi lẽ có yêu thì mới ghét được.
Người chồng cũng là cai tù của Bernadette. Anh ta trói buộc cô ta với niềm tin rằng cô ta sẽ chẳng bao giờ tìm được người tốt hơn. Ngày qua ngày, việc nhìn thấy anh ta nhắc cho Bernadette thêm nhớ, rằng mặc dù xinh xắn và thông minh hơn người, cô ta vẫn chẳng xứng với cái gì khá khẩm hơn anh ta.
Những lần bỏ nhà đi của Bernadette luôn chấm dứt sau chưa đầy một tuần, nhưng lần này nó lại kéo dài hơn bình thường.
Chẳng ai nghi ngờ gì, nếu như sau lần cô ta trốn đi với gã buôn phân bón, các nhân chứng không khẳng định đã nhìn thấy Bernadette quay về nông trại. Ấy vậy nhưng cô ta không còn đi chợ trong làng, cũng không đi lễ ngày Chủ nhật nữa. Tiếng đồn cho rằng Fontaine đã chán đóng vai anh chồng khờ khạo và giết quách mụ vợ cho xong chuyện.
Cảnh sát địa phương đã tin vào câu chuyện ngồi lê đôi mách đó, vì theo lời một cô bạn của Bernadette, người đã đến tận nhà để xem tại sao cô ta không nghe điện thoại và không ra ngoài, mọi đồ đạc của Bernadette vẫn nằm nguyên ở nhà. Khi một đội tuần tra đến hỏi, anh chồng khẳng định vợ mình đã bỏ đi trong đêm tối, trên người mặc đúng bộ đồ ngủ và chiếc áo choàng. Không mang theo giày lẫn tiền bạc.
Đương nhiên câu chuyện của anh ta chẳng thuyết phục được ai. Dẫu vậy, cảnh sát không có bằng chứng nào để buộc tội Fontaine.
Nếu anh ta thực sự giết vợ thì cách đơn giản nhất để giấu cái xác là chôn dưới ruộng.
Các cảnh sát đã dùng chó nghiệp vụ để lùng sục một phần khu đất, nhưng với quy mô của nông trại thì phải cần đến cả trăm người và nhiều tháng tìm kiếm.
Thế nên Fontaine đã được triệu tập đến đồn cảnh sát ba lần. Anh ta đã bị truy vấn trong nhiều giờ liền, các cảnh sát luân phiên nhau hỏi cung, nhưng vô hiệu. Anh ta vẫn một mực phủ nhận. Lần nào họ cũng phải thả anh ta về nhà. Đến lần thứ tư này, họ đã mời một chuyên gia từ trên thành phố xuống. Một người mà nghe nói rất thành thạo nghiệp vụ.
Mọi người đều muốn trò chuyện với Simon Berish.
Đặc vụ Berish biết các đồng nghiệp của mình đã không làm tốt nhiệm vụ. Cái khó bắt người ta thú nhận không phải là việc giết người, mà là nơi giấu xác nạn nhân. Chính vì nguyên nhân đó mà trong bốn phần trăm các vụ giết người, thi thể nạn nhân không bao giờ được tìm thấy. Ngay cả nếu như Berish buộc Fontaine thừa nhận tội giết vợ, anh cũng sẽ không biết gì về chỗ giấu xác, anh chắc chắn như thế.
Đó là một hành vi thường gặp. Nó cho phép kẻ sát nhân chối bỏ suy nghĩ về điều hắn đã gây ra. Lời thú nhận trở thành đối tượng thoả hiệp: tôi thừa nhận với ông chính tôi là kẻ giết người, nếu ông cho phép tôi quên nạn nhân mãi mãi bằng việc để yên thi thể ở chỗ nó nằm.
Đương nhiên, một thoả hiệp như vậy không thể được chấp nhận dưới quan điểm pháp luật. Nhưng Berish biết đối với người hỏi cung, cần phải nuôi ý tưởng hoang đường đó của thủ phạm là đủ.
– Tôi đã kết hôn một lần, nhưng với tôi một lần đó là quá đủ. – Anh nói, tiếp tục vở diễn của mình. – Ba năm địa ngục, và may mắn là không có con cái. Cho dù hiện nay tôi buộc phải chu cấp cho mụ vợ và con chó Chihuahua của cô ta. Anh không tưởng tượng nổi con chó đáng nguyền rủa đó làm tôi tốn kém thế nào đâu. Nó lại còn ghét tôi nữa chứ.
– Tôi thì có hai con chó lai rất khỏe để giữ nhà.
Anh ta đổi chủ đề, điều này không tốt, Berish tự nhủ. Cần phải lôi anh ta trở lại.
– Từ nhiều năm nay, tôi nuôi một con Hovawart.
– Giống ấy như thế nào?
– Tên của nó có nghĩa là “người gác nông trại”. Đó là một con chó đẹp, lông dài, màu vàng.
Điều này thì Berish không nói dối. Anh đặt tên con chó là Hitch.
– Con chó của vợ tôi vô dụng chẳng khác nào ruồi muỗi. Thế nhưng bố tôi luôn nói: khi con cưới một người phụ nữ, con chịu trách nhiệm về cô ta và tất cả những gì cô ta yêu thương.
Điều này thì không đúng. Bố anh, con người khốn nạn ấy, đã chối bỏ mọi trách nhiệm bằng cách trút chúng lên vai thằng con tám tuổi. Nhưng lúc này anh cần một người cha mẫu mực, có thể làm tấm gương sống đáng ghi nhớ.
– Bố tôi đã dạy tôi phải lao động cần cù. – Fontaine nói, mặt thoáng sa sầm. – Chính nhờ ông mà tôi trở thành con người như ngày hôm nay. Tôi đã thừa kế nông trại cùng tất cả những hy sinh mà nó đòi hỏi. Đó không phải là một cuộc sống dễ dàng đâu, tin tôi đi.
Anh chàng nông dân chậm rãi lắc đầu, chìm đắm trong một sự buồn bã lạ lùng.
Anh ta đang khép lòng.
Berish cảm thấy ánh mắt của vong hồn Bernadette chiếu vào anh, trách anh đã để cho chồng mình đánh lạc hướng. Anh phải lôi anh ta lại, nếu không muốn để mất anh ta. Cơ hội duy nhất của anh là chơi một canh bạc, nhưng nếu anh thua thì mọi chuyện sẽ kết thúc. Nếu anh đoán đúng thì bố của Fontaine ít nhất cũng khốn nạn như bố anh, thế nên anh nói:
– Chúng ta trở thành người như thế nào không phải do lỗi của chúng ta. Nó tuỳ thuộc vào những người đã đi trước chúng ta trong cái cuộc đời khốn nạn này.
Anh đã đưa ra một khái niệm quan trọng: “lỗi lầm”. Nếu Fontaine là kẻ dễ tự ái, hoặc nếu anh ta cho rằng mình có người bố tốt nhất trên đời, anh ta sẽ phật ý, và cuộc “tán gẫu” kéo dài sáu tiếng đồng hồ sẽ tan tành mây khói. Trong trường hợp ngược lại, nếu Fontaine cảm thấy oán hận vì đã sống như một kẻ yếu kém, thì Berish vừa mở cho anh ta một cơ hội để trút mọi lỗi lầm lên người khác.
– Bố tôi rất nghiêm khắc. – Anh ta công nhận. – Tôi phải dậy từ năm giờ sáng để chăm sóc nông trại trước khi đến trường. Bố tôi đã quyết định như thế. Tôi mà cãi lời thì chỉ thiệt thân.
– Tôi cũng từng bị ăn bạt tai đấy.
– Còn tôi thì ăn dây lưng. Nhưng bố tôi làm đúng. Nhiều khi tôi chẳng chú tâm vào công việc, đầu óc tôi cứ để đâu đâu.
– Hồi còn bé, tôi thích xem truyện tranh khoa học viễn tưởng, tôi mơ đến các chuyến du hành ngoài không gian suốt ngày.
– Tôi thì chẳng biết mình đã nghĩ cái gì nữa. Tôi cố tập trung, nhưng chỉ được một lúc là tâm trí lại bỏ đi nơi khác, chẳng thể làm được gì. Tất cả các thầy cô giáo của tôi đều bảo là tôi chậm phát triển. Nhưng bố tôi không muốn nghe thanh minh này nọ, vì trong nghề làm nông chúng tôi không được quyền lơ đãng. Vậy nên mỗi khi tôi làm hỏng việc gì đó, bố cho tôi một bài học. Và tôi đã học.
– Tôi dám cá là sau đó anh không phạm lỗi nữa.
Fontaine ngừng lời một chút, rồi nói với một giọng gần như không thể nghe nổi.
– Có một rẻo đất ở cạnh cái đầm, chỗ đó năm nay sẽ chẳng có gì mọc được.
Trong một thoáng, Berish không tin nổi anh ta vừa nói ra câu đó. Anh không đáp mà để cho im lặng len vào giữa họ như một tấm màn. Nếu Fontaine thấy khó chịu, anh ta sẽ vén nó lên để cho anh thấy thứ mà nó đang che giấu – đoạn kết kinh khủng của câu chuyện.
– Là lỗi của tôi cả. – Anh ta nói tiếp. – Tôi đã dùng quá nhiều thuốc diệt cỏ ở đó.
Anh ta dùng chữ “lỗi”, và nói ở ngôi thứ nhất, trong cùng một câu.
– Anh dẫn tôi đi xem rẻo đất cạnh cái đầm nhé? Tôi rất muốn xem nó… – Berish bình thản đề nghị.
Fontaine gật đầu và nhìn Berish. Trên khuôn mặt anh ta phảng phất một nụ cười. Giữ câu chuyện này cho riêng mình là một việc thật khó khăn, nhưng khi rốt cuộc cũng được giải phóng, anh ta có thể khỏi giả vờ.
Đặc vụ Berish quay lại. Vong hồn của Bernadette đã biến mất.
Sau đó ít phút, một tốp xe cảnh sát nhanh chóng băng qua những cánh đồng. Trên đường đi, kẻ sát nhân tỏ ra rất bình thản. Hắn đáng được một chút thanh thản, Berish nghĩ bụng. Fontaine đã hoàn thành nhiệm vụ, hắn đã lo liệu xong cho vợ mình. Beradette sẽ được mai táng và có một phần mộ tử tế.
Mọi người đều muốn nói chuyện với Simon Berish.
Nhưng thật ra, sẽ chính xác hơn khi nói rằng, mọi người đều muốn thú nhận với Simon Berish những chuyện không thể thú nhận.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.