Người Tình Sputnik

CHƯƠNG 1



Mùa xuân năm hai mươi hai tuổi, Sumire yêu lần đầu tiên trong đời. Một tình yêu mãnh liệt, một cơn lốc xoáy thực sự quét qua các bình nguyên – san phẳng tất cả những gì nó gặp trên đường, tung mọi thứ lên trời, xé chúng ra từng mảnh, nghiền nát thành từng miếng. Cơn lốc không hề giảm cường độ khi băng qua đại dương, biến Ăngko Vat thành đống hoang tàn, thiêu cháy rừng già Ấn Độ với hổ báo và muôn loài, rồi biến thành cơn bão cát sa mạc vùng vịnh Ba Tư, chôn vùi cả một thành phố pháo đài kỳ lạ dưới biển cát. Tóm lại, đó là một tình yêu thực sự vĩ đại. Người Sumire đem lòng si mê hóa ra lớn hơn cô mười bảy tuổi. Đã có gia đình. Và, tôi phải nói thêm, là phụ nữ. Đây là nơi tất cả bắt đầu, và là nơi tất cả kết thúc. Gần như tất cả.
Hồi ấy, Sumire – tiếng Nhật nghĩa là “Hoa violet” – đang phấn đấu thành nhà văn. Dù cuộc sống có thể mang đến cho cô bao nhiêu lựa chọn đi nữa thì nó vẫn là hoặc thành nhà tiểu thuyết hoặc không gì cả. Quyết tâm của cô vững như bàn thạch. Không gì có thể xen vào giữa cô và lòng trung thành đối với văn chương của cô.
Sau khi tốt nghiệp trung học tại trường công lập tỉnh Kanagawa, cô thi vào ban khoa học xã hội của một trường tư thục nhỏ thoải mái ở Tokyo. Cô nhận thấy ngôi trường này hoàn toàn lạc lõng, một nơi dửng dưng, chán nản, và cô căm ghét nó – thấy đám bạn sinh viên (tôi e trong đó có cả mình) toàn một lũ hạng hai, đần độn vô phương cứu chữa. Cho nên không có gì ngạc nhiên là ngay trước khi bước sang năm cuối, cô tỉnh ngộ và bỏ học. Cô kết luận có ở lại thì cũng chỉ lãng phí thời gian. Tôi nghĩ đi là đúng, nhưng nếu tôi được phép suy rộng theo cái lối suy nghĩ tầm thường thì phỏng trong cái thế giới còn-lâu-mới-hoàn-hảo này có gì là không vô nghĩa? Cứ loại bỏ mọi điều vô nghĩa ra khỏi cuốc sống không hoàn hảo đi, và thậm chí nó sẽ mất luôn cả sự không hoàn hảo của mình.
Sumire là người lãng mạn đến vô phương cứu chữa, tính tình có phần bảo thủ – mù tịt về sự đời nên không biết cách xử sự cho đúng đắn. Hễ đã nói chuyện là cô nói liên hồi, nhưng nếu cô ở cùng ai đó mình không thích – nói cách khác là hầu hết mọi người trên đời – thì hiếm khi cô mở miệng. Cô hút thuốc rất nhiều và bạn có thể tin chắc là lần nào đi tàu cô cũng làm mất vé. Đôi khi cô mải mê suy nghĩ đến nỗi quên cả ăn, và cô gầy như đứa trẻ mồ côi thời chiến trong một bộ phim cũ của Ý – giống như một cây sào có mắt. Tôi rất muốn đưa cho bạn xem một tấm ảnh của cô nhưng lại không có cái nào. Cô ghét chụp ảnh – không muốn để lại cho hậu thế Chân dung một nữ nghệ sĩ thời trẻ. Nếu có một tấm ảnh chụp Sumire hồi ấy thì tôi biết nó sẽ là tư liệu giá trị cho thấy một số người có thể trở nên đặc biệt như thế nào.
Tôi đã kể lộn xộn rồi. Người phụ nữ Sumire yêu tên là Miu. Ít ra đây cũng là tên mọi người gọi chị. Tôi không biết tên thật của chị, điều này sẽ gây ra những rắc rối về sau, nhưng tôi lại nói trước mất rồi. Miu là người gốc Hàn Quốc nhưng chị không nói được một từ tiếng Hàn nào cho đến khi quyết định học nó ở giữa độ tuổi hai mươi. Chị sinh ra và lớn lên ở Nhật Bản rồi đi học nhạc ở Pháp, cho nên chị thông thạo tiếng Pháp và tiếng Anh cũng như tiếng Nhật. Chị luôn ăn mặc đẹp, tinh tế, đeo trang sức đắt tiền nhưng giản dị, và lái chiếc Jaguar mười hai xilanh màu xanh nước biển.
Lần đầu tiên Sumire gặp Miu, cô đã nói về tiểu thuyết của Kerouac. Sumire thực sự say mê Kerouac. Cô luôn có Thần tượng Văn học trong Tháng và vào thời điểm đó lại tình cờ là nhà văn hết thời Kerouac. Cô thường mang theo trong túi áo khoác một cuốn Trên đường hay Người lữ hành đơn độc và hễ có cơ hội là lại giở ra xem. Hễ gặp đoạn nào thích là cô lại lấy bút chì đánh dấu và ghi nhớ như thể đó là Kinh Thánh vậy. Cô thích nhất đoạn nói về chuyện canh phòng cháy rừng trong cuốn Người lữ hành đơn độc. Kerouac đã trải qua ba tháng đơn độc trong túp lều trên đỉnh núi cao làm việc như một nhân viên phòng chống cháy rừng.
Sumire đặc biệt thích đoạn này:
Không người nào đi hết cuộc đời mà chưa một lần trải nghiệm tình cảnh cô độc dữ dội, thậm chí buồn chán, giữa chốn thâm sơn cùng cốc, chỉ dựa vào chính mình và nhờ đó biết được sức mạnh thực sự đang ẩn chứa trong con người mình.
“Cậu không thích sao?” Cô nói. “Hàng ngày cậu đứng trên đỉnh núi, đảo mắt 360 độ, kiểm tra xem có ảnh lửa nào không. Chỉ thế thôi. Cậu làm việc ban ngày. Thời gian còn lại cậu có thể đọc, viết, làm gì tùy thích. Đêm đêm những con gấu bẩn thỉu lởn vởn quanh lều của cậu. Sống thế mới là sống chứ! So với nó thì việc ngồi trong trường mà nghiên cứu văn chương cũng giống như cắn vào cái đầu dưa chuột đắng nghét vậy.”
“Đồng ý,” tôi nói, “nhưng rồi cũng đến ngày cậu phải xuống núi.” Như thường lệ, những ý kiến nhàm chán, thực tế của tôi chẳng khiến cô bối rối.
Sumire muốn được giống như một nhân vật trong tiểu thuyết của Kerouac – hoang dã, lạnh lung, phóng túng. Cô đứng nghiêng người, xọc tay vào túi áo khoác, mái tóc rối bù không chải, nhìn mông lung lên bầu trời qua chiếc kính đen gọng nhựa Dizzy Gillespie mà cô vẫn đeo dù mắt tinh như mắt cú. Cô luôn diện chiếc áo khoác vải chéo quá cỡ tậu được ở cửa hàng đồ cũ và đôi bốt thô. Tôi chắc nếu nuôi được rây thì cô cũng làm.
Thực ra Sumire không đẹp. Má hóp, miệng hơi rộng. Mũi hơi nhỏ và hếch. Cô có khuôn mặt biểu cảm và rất hài hước mặc dù cô ít khi cười to. Cô có dáng người thấp và ngay cả khi vui vẻ vẫn nói năng như thể sắp sửa xông vào đánh nhau. Tôi không bao giờ thấy cô dung son môi hay bút chì kẻ mắt, và tôi không chắc là cô biết áo lót cũng có các cỡ khác nhau. Tuy nhiên Sumire vẫn có điều gì đó thật đặc biệt, một điều gì đó khiến mọi người bị cuốn hút. Thật không dễ xác định rõ rang điều đặc biệt đó, nhưng khi nhìn thẳng vào mắt cô thì lúc nào bạn cũng có thể nhận ra nó, phản chiếu sâu thẳm bên trong.

o O o

Thôi thì nói gần nói xa chẳng qua nói thật. Tôi yêu Sumire. Tôi bị cô hớp hồn từ lần đầu tiên chúng tôi nói chuyện và ngay sau đó không còn đường lui nữa. Suốt một thời gian dài cô là mối bận tâm duy nhất của tôi. Tôi cố nói cho cô hay những gì tôi cảm thấy nhưng chẳng hiểu sao cảm xúc đi một đàng lời lẽ đi một nẻo. Có lẽ thế lại hay. Nếu tôi diễn tả được cho cô biết cảm xúc của mình thì chắc cô sẽ cười phá lên chế giễu tôi mất.
Trong thời kỳ Sumire và tôi làm bạn với nhau, tôi đã có tình cảm với hai, ba cô gái khác. Không phải tôi không nhớ chính xác. Hai hay ba – điều đó phụ thuộc vào cách tính của bạn. Nếu thêm vào đâu những cô gái tôi qua đêm một vài lần thì danh sách còn dài hơn nữa. Dù sao đi nữa, khi làm tình với những cô gái đó, tôi lại nghĩ về Sumire. Hay ít nhất những ý nghĩ về cô cứ lởn vởn trong đầu tôi. Tôi hình dung mình đang ôm cô. Làm như vậy thì có phần đểu cáng, nhưng tôi không sao tự thoát ra được.
Để tôi trở lại chuyện Sumire và Miu gặp nhau.
Miu từng nghe nói đến Jack Kerouac và biết loáng thoáng ông ta là một nhà tiểu thuyết gì đấy. Nhưng nhà tiểu thuyết kiểu gì thì chị không nhớ ra được. “Kerouac à…hừm…Ông ta có phải một Sputnik không?”
Sumire không hiểu chị muốn nói gì. Dao và nĩa lơ lửng giữa không trung, cô suy nghĩ một lúc. “Sputnik à? Có phải chị muốn nói đến vệ tinh đầu tiên do Liên Xô phóng lên vào thập niên năm mươi? Jack Kerouac là một nhà tiểu thuyết Mỹ. Em đoán cả hai trùng nhau về thời gian…”
“Thế không phải hồi đó các nhà văn như Kerouac được gọi như vậy à?” Miu hỏi. Chị lấy ngón tay vẽ một vòng tròn trên mặt bàn như thể đang lục tìm trong chiếc bình đặc biệt đựng đầy ký ức.
“Sputnik…?”
“Tên một trào lưu văn học. Em biết đấy – cách họ phân loại các nhà văn theo các trường phái văn chương khác nhau. Như Shiga Naoya thuộc trường phái Bạch Dương[1].”
Cuối cùng Sumire đã hiểu ra. “Beatnik![2]”
Miu lấy khăn ăn chấm nhẹ vào khóe miệng “Beatnik – Sputnik. Chị không bao giờ nhớ nổi những kiểu thuật ngữ ấy. Giống như thời Trùng hưng Kenmun[3] hay Hiệp ước Rapallo. Lịch sử cổ đại.”
Một khoảng lắng lại giữa hai người, nhớ về dòng chảy thời gian.
Hiệp ước Rapallo ư?” Sumire hỏi.
Miu mỉm cười. Nụ cười thân tình, hoài cổ, như thể một thứ của cải cất giữ lâu đời đã được lôi ra khỏi đáy ngăn kéo. Mắt chị nheo lại hết sức đáng yêu. Chị vươn tay ra, dịu dàng lùa những ngón tay thon dài vào mái tóc rối bù của Sumire. Cử chỉ đó đột ngột nhưng tự nhiên đến nỗi Sumire chỉ còn biết cách mỉm cười đáp lại.
Kể từ ngày đó, (Theo chú thích bản tiếng Nga) gọi Miu một cách thân mật là Người tình Sputnik. Cô thích âm thanh của mấy tiếng đó. Nó khiến cô nhớ tới con chó Laika. Con tàu vệ tinh nhân tạo lao đi êm như ru xuyên qua bóng tối vũ trụ. Đôi mắt đen long lanh của chú chó dán vào ô cửa sổ nhỏ tí xíu. Trong sự hiu quạnh vô tận của không gian, Laika có thể nhìn thấy gì?
Cuộc trò chuyện có nhắc đến Sputnik này diễn ra trong tiệc cưới của chị họ Sumire tại một khách sạn sang trọng ở Akasaka. Sumire không gần gũi người bà con này lắm, thực tế là hai người chẳng hợp nhau chút nào. Cô cảm tháy như bị tra tấn khi phải tham dự các đám cưới như thế nhưng không thể tránh được đám này. Cô và Miu ngồi cùng bàn, ngay cạnh nhau. Miu không kể chi tiết nhưng hình như chị có dạy piano cho chị họ của Sumire – hay thứ gì đó đại loại thế – khi cô này chuẩn bị thi vào khoa nhạc. Mối quan hệ giữa hai người không kéo dài hay quá thân mật, nhưng Miu cảm thấy buộc phải tham dự.
Ngay khoảng khắc Miu chạm tay vào tóc cô, Sumire đã yêu, giống như cô đang băng qua một cánh đồng thì đùng! một tia sét giáng thẳng xuống đầu cô. Một điều gì đó giống như một mặc khải nghệ thuật. Do vậy, khi đó Sumire chẳng thấy có gì đáng quan tâm trong việc người cô yêu tình cờ lại là một phụ nữ.
Tôi không cho rằng Sumire từng có ai đó mà bạn sẽ gọi là tình nhân. Hồi trung học cô có vài cậu bạn, nhưng anh chàng thường cùng cô đi xme phim, đi bơi. Tôi không hình dung được bất kỳ mối quan hệ nào trong số đó đã trở nên sâu sắc. Sumire quá bận tâm đến việc trở thành nhà tiểu thuyết đến nỗi không thực sự yêu được người nào. Nếu trung học cô từng trải qua kinh nghiệm tình dục – hay cái gì gần như thế – thì tôi tin chắc nó bắt nguồn từ sự tò mò văn chương hơn là từ ham muốn tình dục hay tình yêu.
“Nói thật với cậu, tớ không hiểu về ham muốn tình dục,” một hôm cô bảo tôi, mặt ra vẻ nghiêm trang. Tôi nhớ chuyện xảy ra ngay trước khi cô bỏ học; cô đã uống hết năm cốc sinh tố chuối. “Cậu biết đấy – nó xảy ra như thế nào. Cậu thử giải thích xem?”
“Ham muốn tình dục không phải thứ cậu hiểu được,” tôi nói theo kiểu lấp lửng quen thuộc của mình. “Nó chỉ là có đấy thôi.”
Cô chăm chăm nhìn vào tôi một lúc như thể tôi là cỗ máy chạy bằng nguồn năng lượng trước tới nay chưa từng có. Cụt hứng, cô nhìn chằm chằm lên trần nhà và câu chuyện nhạt dần. Nói với hắn ta về chuyện ấy cũng chẳng ích lợi gì, chắc hẳn cô đã quyết định thế.
Sumire sinh ra ở tỉnh Chigasaki. Nhà cô gần bờ biển và cô lớn lên với âm thanh khô khốc của ngọn gió dày đặc cát thổi vào cửa sổ nhà mình. Bố cô mở một phòng khám nha khoa ở Yokohama. Ông đẹp trai có tiếng, cái mũi cân đối gợi nhớ đến Gregory Peck trong Spellbound. Sumire không thừa hưởng được cái mũi đẹp ấy, và theo lời cô thì cả cậu em trai cũng không. Cô thấy thật kỳ lạ là loại gen sinh ra cái mũi ấy đã biến đi đâu mất. Nếu quả thực nó đã bị chôn vùi vĩnh viễn dưới tận đáy vốn gen thì thế gian này là nơi còn đáng buồn hơn nữa. Cái mũi ấy tuyệt vời đến thế đấy.
Bố Sumire gần như là nhân vật huyền thoại đối với những phụ nữ có nhu cầu chăm sóc răng miệng ở Yokohama. Trong phòng khá lúc nào ông cũng đội mũ phẫu thuật và đeo cái khẩu trang to tướng, vì vậy thứ duy nhất bệnh nhân có thể nhìn thấy là cặp mắt và đôi tai. Tuy nhiên, rõ ràng ông cũng vô cùng hấp dẫn. Cái mũi đẹp và nam tính của ông nhô lên một cách khêu gợi dưới lớp khẩu trang khiến các bệnh nhân nữ của ông thẹn thùng. Ngay lập tức – không thèm để ý liệu số tiền dành cho chăm sóc răng miệng của họ có đủ trả chi phí khám chữa răng hay không – họ đã đem lòng yêu ông.
Mẹ Sumire mất vì bệnh tim bẩm sinh khi mới ba mươi mốt tuổi. Khi đó Sumire chưa đầy ba tuổi. Ký ức duy nhất của cô về mẹ là mùi da thịt mơ hồ của bà. Chỉ có hai tấm ảnh của bà được giữ lại – một tấm ảnh tạo dáng bà chụp trong lễ cưới của mình và một tấm chụp nhanh ngay khi Sumire vừa chào đời. Sumire thường hay lôi album ảnh ra và chăm chú nhìn hai bức đó. Mẹ của Sumire – nói một cách nhẹ nhàng – là người rất dễ bị quên lãng. Kiểu tóc ngắn, đơn điệu, những bộ quần áo khiến bạn phải tự hỏi không biết bà đang nghĩ gì nữa, và nụ cười gượng gạo. Nếu bà lùi lại một bước có khi tan ngay vào bức tường. Sumire quyết định khắc sâu khuôn mặt mẹ vào trí nhớ. Rồi một ngày nào đó cô có thể gặp bà trong mơ. Hai mẹ con nắm tay nhau, chuyện trò vui vẻ. Nhưng mọi việc không dễ dàng đến thế. Cô càng gắng sức nhớ lại khuôn mặt mẹ thì nó càng nhanh nhạt nhòa. Quên các giấc mơ đi – nếu Sumire có bước qua trước mặt mẹ mình trên phố, giữa thanh thiên bạch nhật, cô cũng chẳng thể nhận ra bà.
Bố Sumire ít khi nói về người vợ quá cố của ông. Ông không phải người hay nói, và trong mọi phương diện của cuộc sống ông không bao giờ hé miệng về các tình cảm của mình – cứ như thể đó là một loại bệnh nhiễm trùng qua đường miệng mà ông không muốn bị lây. Sumire không nhớ đã có lần nào hỏi bố về người mẹ đã mất. Trừ một lần, khi cô hãy còn rất bé, vì lý do nào đó cô đã hỏi bố:” Mẹ của con là người như thế nào?” Cô còn nhớ rất rõ cuộc trò chuyện này.
Bố cô nhìn đi chỗ khác và suy nghĩ một lúc trước khi trả lời. “Mẹ con có trí nhớ rất tốt,” ông nói. “Và bà ấy viết rất đẹp.”
Một cách kỳ lạ để mô tả một người nào đó. Sumire đang nóng lòng chờ đợi, trang giấy trắng tinh ở đầu cuốn sổ tay của cô đã mở ra để ghi lại những lời quý báu có thể trở thành nguồn mạch ấm áp và an ủi – một trụ cột, một cái trục góp phần chống đỡ cho cuộc đời bấp bênh của cô trên hành tinh thứ ba trong Hệ Mặt trời này. Lẽ ra bố cô nên nói một điều gì đó mà cô con gái nhỏ bé của ông có thể bám víu vào. Nhưng ông bố điển trai của Sumire đã không nói ra những lời đó, chính những lời cô cần nhất đó. Bố Sumire tục huyền khi cô lên sáu và hai năm sau cô có em trai. Mẹ kế của cô cũng không đẹp. Thêm vào đó, bà không có trí nhớ tốt, và chữ viết thì không đẹp chút nào. Tuy nhiên bà là người tử tế và thẳng thắn. Đây là một điều may mắn cho Sumire bé bỏng, đứa con ghẻ mới toanh của bà. Không, may mắn không phải là từ chính xác. Xét cho cùng, bố cô đã chọn người phụ nữ đó. Ông có thể không phải người cha lý tưởng nhưng khi phải chọn vợ ông biết mình phải làm gì.
Tình thương của người mẹ kế dành cho cô không bao giờ chao đảo trong suốt thời thanh niên khó khắn kéo dài của cô, khi Sumire tuyên bố bỏ học và viết tiểu thuyết thì người mẹ kế – dù bà có ý kiến riêng của mình về vấn đề này – đã tôn trọng ý muốn của Sumire. Bà luôn tỏ ra hài lòng khi thấy Sumire thích đọc sách và thường cổ vũ những hoạt động theo đuổi văn chương của cô.
Cuối cùng mẹ kế của cô đã thuyết phục được bố cô, và hai người quyết định trước khi Sumire bước sang tuổi hai mươi tám, họ sẽ cấp cho cô một số vốn nhỏ. Nếu cô không thể kiếm sống bắng nghề viết lách thì cô phải tự lo lấy. Nếu người mẹ kế không lên tiếng bênh vực thì chắc Sumire đã bị ném ra ngoài – không xu dính túi, không có các kỹ năng xã hội cần thiết – vào trong một thực tế khắc nghiệt, hoang dã. Xét cho cùng Trái đất không hoàn thành quãng đường nặng nề vất vả vòng quanh mặt trời của nó chỉ để cho con người có thể có được khoảng thời gian tốt đẹp và chút vui thú.
Sumire gặp Người tình Sputnik của cô hơn hai năm sau khi cô bỏ học. Cô sống trong căn hộ một phòng ở Kichijoji được cô sắp xếp với tối thiểu đồ đạc và tối đa sách báo. Cô ngủ đến tận trưa, và buổi chiều đi dạo quanh công viên Inogashira, với tất cả sự hăm hở của một người hành hương đang trên đường xuyên qua các ngọn đồi thiêng. Những hôm trời nắng cô ngồi trên ghế đá công viên, gặm bánh mỳ, hút hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác và đọc sách. Những ngày mưa hay trời lạnh, cô chui vào một quán cà phê kiểu cũ có nhạc cổ điển mở to hết cỡ, thả lút mình vào chiếc ghế bành sờn cũ và đọc sách, vẻ mặt nghiêm trang khi nghe các bản giao hường của Schubert hay các bản cantat của Bach. Chiều muộn cô uống bia rồi mua một ít đồ ăn sẵn ở siêu thị cho bữa tối.
Đến 11h đêm cô ngồi vào bàn làm việc. Bao giờ trên bàn cũng có sẵn một bình cà phê nóng, một tách uống cà phê ( quà tôi tặng cô nhân dịp sinh nhật, trên tách có vẽ hình Snafkin), gói thuốc lá Marlboro và chiếc gạt tàn thủy tinh. Tất nhiên là cô có một chiếc máy xử lý văn bản. Mỗi phím là một ký tự.
Không gian lặng ngắt như tờ. Tâm trí cô sáng rõ như bầu trời đêm đông, chòm sao Đại Hùng và Bắc Đẩu ở nguyên chỗ, sáng lấp lánh. Cô có bao điều phải viết ra, bao chuyện để kể lại. Chỉ cần cô khơi được dòng chảy là những ý tưởng sôi sục trong đầu sẽ tuôn trào như dung nham rồi động lại thành một dòng chảy ổn định gồm những tác phẩm thế gian chưa bao giờ được thấy. Thiên hạ sẽ mở to mắt kinh ngạc trước sự khởi đầu bất ngờ của Nhà văn trẻ tài năng hiếm có đầy hứa hẹn này. Một tấm ảnh của cô, đang mỉm cười bình thản, sẽ xuất hiện trên trang văn nghệ của các báo và cánh biên tập viên sẽ thi nhau đập cửa nhà cô.
Nhưng chuyện không bao giờ diễn ra theo cách ấy. Sumire đã viết vài tác phẩm có đoạn mở đầu. Và vài tác phẩm có đoạn kết thúc. Nhưng chưa bao giờ viết tác phầm nào có cả mở đầu và kết thúc.

o O o

Không phải cô bế tắc với việc viết – hoàn toàn không phải. Cô viết không ngừng, viết tất cả mọi thứ xuất hiện trong đầu. Vấn đề là cô viết quá nhiều. Bạn sẽ cho rằng cô chỉ việc cắt gọn những đoạn thừa là ổn, nhưng mọi chuyện không đơn giản thế. Trên bức tranh lớn đó cô không bao giờ quyết định được cái gì cần thiết, cái gì không. Hôm sau khi đọc lại những gì đã viết cô thấy dòng nào cũng có vẻ tuyệt đối quan trọng. Hoặc nếu không thì cô lại xóa tất cả.
Đôi khi, trong nỗi thất vọng, cô xé hết bản thảo tống vào sọt rác. Nếu là vào một đêm đông và trong phòng có lò sưởi thì chắc chắn cảnh tượng sẽ khá ấm áp – hãy nhớ lại cảnh trong phim La Bohème – nhưng cản hộ của Sumire không chỉ thiếu lò sưởi mà thậm chí còn chẳng có điện thoại nữa. Chưa nói gì đến một tấm gương cho tử tế.
Những dịp cuối tuần, Sumire vẫn đến căn hộ của tôi, ôm đầy các bản nháp tiểu thuyết – những bản thảo may mắn thoát khỏi cuộc tàn sát. Tuy nhiên, chúng vẫn chồng thành đống. Sumire chỉ đưa bản thảo của cô cho một người duy nhất trên thế giới này xem. Tôi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.