Người Tình Sputnik

Chương 15 Part 1



Chiều Chủ nhật, điện thoại kêu. Chủ nhật thứ hai sau khi năm học mới bắt đầu vào tháng Chín. Tôi đang chuẩn bị bữa trưa muộn và phải tắt bếp gas rồi mới trả lời. Tiếng chuông gần như khẩn cấp – ít nhất cũng có vẻ như vậy. Tôi tin chắc là Miu gọi để báo tin về nơi ở của Sumire. Tuy nhiên, không phải Miu gọi mà là bạn gái tôi.
“Xảy ra chuyện rồi,” chị nói ngay, không chào hỏi như thường lệ. “Anh đến đây ngay bây giờ được không?”
Chuyện có vẻ đáng sợ. Có phải chồng chị đã biết về quan hệ của chúng tôi? Tôi hít một hơi thở sâu. Nếu mọi người phát hiện ra tôi ngủ với mẹ của một học sinh thì chắc chắn tôi sẽ gặp rắc rối to. Tình huống xấu nhất là tôi sẽ mất việc. Tuy nhiên, tôi đã sẵn sàng chấp nhận chuyện đó. Tôi đã biết về các rủi ro rồi.
“Chị đang ở đâu?” Tôi hỏi.
“Ở siêu thị,” chị nói.

o O o

Tôi bắt chuyến tàu đến Tachikawa, xuống nhà ga cạnh siêu thị lúc 2h30. Buổi chiều vẫn nóng như thiêu, mùa hè lại quay trở lại, nhưng tôi mặc áo sơ mi trắng, quần xám nhạt và đeo cà vạt theo yêu cầu của chị. “Anh mặc thế trông ra dáng thầy giáo hơn,” chị nói, “và anh sẽ gây ấn tượng tốt hơn. Đôi khi nhìn anh cứ như một cậu học sinh,” chị nói thêm.
Ở cửa ra vào của siêu thị, tôi hỏi một trợ lý trẻ đang đẩy xe hàng đường đến văn phòng an ninh. Anh ta cho tôi biết nó nằm ở bên kia đường, trên tầng ba nhà phụ, một ngôi nhà nhỏ ba tầng xấu xí đến thang máy cũng không có. Những vết nứt chạy dọc bức tường bê tong dường như đang nói, này, đừng có lo lắng về chúng tôi, dù sao đi nữa thì người ta cũng sắp kéo sập nơi này rồi. Tôi lao lên dãy cầu thang chật hẹp, cũ nát, tìm được cánh cửa đề chữ AN NINH và gõ nhẹ mấy tiếng. Một giọng đàn ông trầm đáp lại. Tôi mở cửa, nhìn thấy bạn gái mình và đứa con trai của chị đang ngồi trước bàn làm việc đối diện với một nhân viên an ninh trung niên mặc đồng phục. Chỉ có ba người bọn họ.
Căn phòng kích thước vừa phải, không quá lớn, không quá nhỏ. Dọc cửa sổ kê ba chiếc bàn, một chiếc tủ sắt dựa lưng vào bức tường đối diện. Trên tường có bảng phân công nhiệm vụ và trên giá sắt đặt ba chiếc mũ của nhân viên an ninh. Phía sau cánh cửa kính mờ ở cuối phòng hình như có một phòng nữa, có lẽ là nơi nghỉ ngơi cho nhân viên. Căn phòng chúng tôi đang có mặt hầu như hoàn toàn không trang trí. Không hoa, không tranh, thậm chí đến lịch cũng không. Chỉ có một chiếc đồng hồ tròn to treo trên tường. Một căn phòng hoàn toàn trống trải, giống như một góc thế giới cổ xưa nào đó đã bị thời gian quên lãng. Thêm vào đó, nơi này toát ra một thứ mùi kỳ lạ – mùi của khói thuốc lá, tài liệu lưu cữu và mồ hôi trộn lẫn vào nhau qua bao nhiêu năm.
Viên trưởng phòng an ninh là một người đàn ông mập mạp, tuổi ngoài năm mươi. Ông ta có đôi cánh tay lực lưỡng, cái đầu lớn phủ mái tóc muối tiêu thô dày được xịt thứ nước dưỡng tóc rẻ tiền, loại tốt nhất ông ta có thể mua với mức lương thấp của nhân viên an ninh. Cái gạt tàn trước mặt ông ta đầy ứ đầu mẩu thuốc lá Seven Star. Khi tôi bước vào phòng, ông ta gỡ chiếc kính gọng đen ra, lấy một mảnh vải lau lau rồi lại đeo vào. Có lẽ đấy là cách ông ta chào hỏi người mới đến. Khi bỏ kính ra, mắt ông ta lạnh như đá trên mặt trăng. Khi ông ta đeo kính trở lại thì sự lạnh lẽo không còn, thay vào đó là cái nhìn chằm chằm đầy vẻ dọa nạt.\ Nhưng có kính hay không thì cái nhìn của ông ta cũng không giúp cho người đối diện thấy thoải mái.
Căn phòng nóng nực ngột ngạt; cửa sổ mở rộng nhưng không có chút gió nào lọt vào. Chỉ có tiếng ồn ào từ đường phố bên ngoài. Một chiếc xe tải to phanh kít lại vì đèn đỏ, tiếng phanh gợi tôi nhớ tới tiếng saxophone teno của Ben Webster những năm gần đây. Mọi người trong phòng đều đẫm mồ hôi. Tôi tiến lại bàn, tự giới thiệu, và đưa cho nhân viên an ninh danh thiếp của mình. Ông ta cầm lấy không nói một lời, mím môi, chăm chăm nhìn nó một lúc, rồi đặt lên trên bàn và ngước nhìn tôi.
“Anh còn khá trẻ để làm thầy giáo đấy, đúng không,” ông ta nói. “Anh dạy học được bao lâu rồi?”
Tôi giả vờ suy nghĩ một chút rồi đáp, “Ba năm.”
“Hừm,” ông ta nói. Và không nói bất kỳ điều gì khác. Nhưng sự im lặng đã nói một cách rất hùng hồn. Ông ta cầm tấm danh thiếp lên, đọc tên tôi lần nữa như thể đang kiểm tra lại điều gì đó.
“Tôi là Nakamura, phụ trách văn phòng an ninh ở đây,” ông ta tự giới thiệu. Ông ta không đưa danh thiếp của mình. “Cứ tự nhiên kéo lấy ghế nhé. Xin lỗi vì nóng quá. Điều hòa nhiệt độ bị hỏng, và Chủ nhật thì sẽ chẳng có ai đến sửa cả. Họ không đủ tử tế đến mức mang cho tôi một cây quạt, nên tôi đành ngồi chịu đựng vậy. Anh cứ cởi áo ngoài ra nếu muốn. Chúng ta có thể phải ở đây một lúc, và chỉ nhìn anh cũng làm tôi phát ngốt rồi.”
Tôi làm theo lời ông ta, kéo một chiếc ghế lại và cởi áo khoác ra. Chiếc áo sơ mi đẫm mồ hôi dính chặt vào da.
“Anh biết đấy, lúc nào tôi cũng ganh tị với cánh giáo viên.” Nhân viên an ninh lên tiếng. Một nụ cười thoáng qua hiện trên khóe môi, tuy nhiên đôi mắt với ánh nhìn như của loài động vật ăn thịt ngoài biển cả vẫn dò xét tận nơi sâu kín con người tôi để tìm kiếm một động thái mơ hồ nhất. Lời lẽ ông ta khá lịch sự nhưng chỉ bề ngoài thôi. Từ giáo viên nghe như xúc phạm.
“Các anh có hơn một tháng hè nghỉ ngơi, chẳng phải làm đêm hay ngày Chủ nhật, lại luôn được mọi người quà cáp. Đời thế mới là đời. Đôi khi tôi ước chi mình học hành chăm chỉ hơn và chính mình cũng trở thành thầy giáo. Số phận nhảy vào can thiệp và tôi ở đây – một nhân viên an ninh siêu thị. Tôi biết, mình không đủ thông minh. Nhưng tôi đã bảo các con tôi lớn lên phải thành giáo viên. Tôi không quan tâm bất kỳ ai khác nói gì, giáo viên dễ dàng có được tất cả những gì họ cần.”
Bạn gái tôi mặc chiếc áo ngắn tay màu xanh giản dị. Tóc chị búi gọn gàng trên đỉnh đầu và chị đeo đôi hoa tai nhỏ. Đôi dép trắng cao gót, túi xách trắng, và trong lòng là chiếc khăn mùi xoa nhỏ màu kem. Đây là lần đầu tiên chúng tôi gặp lại nhau sau khi tôi từ Hy Lạp về.
Chị đưa cặp mắt sưng húp vì khóc hêt nhìn tôi lại nhìn ông bảo vệ. Rõ ràng chị đang vô cùng căng thẳng.
Chúng tôi trao đổi với nhau một ánh mắt vội vã, rôi tôi quay sang con chị. Tên nó là Shin’ichi Nimura, nhưng bọn bạn học đặt cho nó biệt danh Cà rốt. Với khuôn mặt dài, gầy gò và mớ tóc quăn bù xù, nó thật hợp với biệt danh đó. Tôi cũng thường gọi nó như vậy. Nó là đứa tre lặng lẽ, chỉ khi cần mới mở miệng. Nó học không tồi, ít khi quên làm bài tập và không đùn đẩy chuyện trực nhật lớp. Không bao giờ dính vào rắc rối. Nhưng nó thiếu tính chủ động, không bao giờ giơ tay phát biểu trong lớp. Bạn học của Cà rốt không ghét nó, nhưng nó cũng không được xếp vào loại được yêu mến. Mẹ nó không thích thế lắm, nhưng đứng từ quan điểm của mình thì tôi thấy nó là đứa ngoan.
“Chắc anh đã nghe mẹ thằng bé cho biết chuyện gì xảy ra,” nhân viên an ninh nói.
“Vâng, tôi biết,” tôi trả lời. “Nó bị bắt khi ăn cắp ở siêu thị.”
“Đúng vậy,” ông ta nói và lấy một hộp các tông ở dưới chân đặt lên bàn. Ông ta đẩy nó về phía tôi. Trong hộp có mấy cái dập ghim nhỏ còn nguyên vỏ. Tôi cầm lên một cái xem xét. Mảnh giấy đề giá 850 yên.
“Tám cái dập ghim. Đấy là tất cả?” Tôi hỏi.
“Phải. Tất cả đấy.”
Tôi bỏ cái dập ghim trở lại hộp. “Như vậy tổng số tiền chỗ này là 6800 yên.”
“Chính xác. 6800 yên. Chắc anh đang nghĩ, ‘Ồ, được thôi, nó đã ăn cắp. Đó là phạm tội, chắc chắn, nhưng chỉ tám cái dập ghim thì có gì mà làm căng thế? Nó chỉ là học sinh thôi mà.’ Tôi nói có đúng không?”
Tôi không đáp.
“Nghĩ thế cũng chẳng sao. Vì đó là sự thực. Còn có nhiều tội tệ hại hơn là việc lấy cắp tám cái dập ghim. Trước khi làm nhân viên an ninh, tôi đã từng là cảnh sát, vì thế tôi biết mình đang nói chuyện gì chứ.”
Khi nói, ông ta nhìn thẳng vào mắt tôi. Tôi chịu đựng cái nhìn đó, cẩn thận không tỏ vẻ thách thức.
“Nếu đây là lần phạm tội đầu tiên của cậu ta thì cửa hàng chúng tôi cũng chẳng gây chuyện om sòm làm gì. Việc kinh doanh của chúng tôi là phải làm hài lòng khách hàng, và chúng tôi không muốn quá bận tâm đến một việc nhỏ nhặt như thế. Bình thường tôi sẽ dẫn đứa bé đến phòng này, răn đe cảnh cáo một chút. Vụ nào nghiêm trọng thì chúng tôi liên lạc với gia đình đề nghị họ trừng phạt con cái. Chúng tôi không báo cho nhà trường. Đó là chính sách của cửa hàng chúng tôi, giải quyết êm đẹp các vụ trẻ con ăn cắp.
Vấn đề là, đây không phải lần đầu tiên thằng bé này ăn cắp. Chỉ riêng ở cửa hàng chúng tôi nó đã làm ba vụ rồi. Ba vụ! Anh có tưởng tượng được không? Điều tệ hại là trong hai vụ đầu nó không chịu cho chúng tôi biết tên hay trường nó học. Tôi là người xử lý việc này nên tôi nhớ rõ. Nó không hề hé răng, mặc cho chúng tôi ra sức căn vặn. Theo cách nói của cảnh sát, đó là thủ đoạn lì. Không hối hận, ăn năn, cứ trơ ra như đá. Lần này nếu nó vẫn không chịu cho biết tên thì tôi sẽ giải nó sang cảnh sát, nhưng thậm chí điều này cũng chẳng khiến nó có phản ứng gì. Chẳng thể làm gì khác, nên tôi đã ép nó phải đưa thẻ xe buýt ra, nhờ đó tôi mới biết được tên nó.”
Ông ta dừng lời, chờ cho tôi ngấm hết những điều vừa nói. Mắt ông ta vẫn chĩa vào tôi và tôi tiếp tục chịu đựng cái nhìn đó.
“Vấn đề khác là những thứ nó ăn cắp. Chẳng có gì khôn ngoan cả. Lần đầu nó lấy cắp mười lăm cái bút bi. Tổng số tiền là 9750 yên. Lần thứ hai tám cái compa, thành tiền là 8000 yên. Không cần phải nói cũng thấy, lần nào nó cũng lấy trộm một đống đồ cùng loại. Nó không dùng cho mình. Nó làm thế chỉ để tiêu khiển, hoặc định đem đến trường bán cho bạn bè.”
Tôi thử hình dung cảnh Cà rốt đem những cái dập ghim ăn cắp ra bán cho bạn bè trong giờ ăn trưa ở trường nhưng không thể hình dung nổi.
“Tôi không hiểu,” tôi nói. “Tại sao lại chỉ lấy cắp trong một cửa hàng thôi?” tôi nói. “Không phải nguy cơ bị tóm là rất cao sao, và hình phạt sẽ nặng hơn. Nếu muốn tránh bị tóm thì không phải theo lẽ thông thường anh sẽ thử ở các cửa hàng khác sao?”
“Đừng có hỏi tôi. Có lẽ nó cũng đã lấy cắp ở các cửa hàng khác. Hoặc cũng có thể tình cờ nó thích cửa hàng chúng tôi. Có thể nó không thích mặt nhân viên an ninh bình thường cho siêu thị, hơi đâu dính vào những chuyện rắc rối. Tiền người ta trả cho tôi không đủ để làm việc đó. Nếu anh thật sự muốn biết thì cứ tự mình hỏi nó đi. Tôi lôi nó về đây đã ba tiếng đồng hồ mà cấm thấy nó hó hé gì. Thật kỳ lạ. Cho nên tôi mới kéo anh đến đây. Tôi xin lỗi vì đã bắt anh đến vào ngày nghỉ…Nhưng ngay khi anh mới bước vào tôi đã băn khoăn một chuyện. Anh trông có vẻ rám nắng. Chuyện này chẳng liên quan gì đến công việc ở đây, nhưng có phải anh vừa đi nghỉ hè ở nơi nào đó đặc biệt?”
“Không, không có nơi đặc biệt nào cả.”
Tuy vậy, người nhân viên bảo vệ vẫn nhìn tôi soi mói, như thể tôi là một phần quan trọng trong câu đố này.
Tôi lại cầm cái dập ghim lên quan sát kỹ. Chỉ là một cái dập ghim nhỏ bình thường thuộc loại văn phòng phẩm rẻ tiền có thể thấy ở bất cứ ngôi nhà hay công sở nào. Một đồ văn phòng phẩm rẻ tiền. Nhân viên an ninh ngậm một điếu Seven Star, châm thuốc bằng chiếc bật lửa Bic rồi nghiêng sang một bên nhả khói mù mịt.
Tôi quay sang đứa bé nhẹ nhàng hỏi: “Sao lại là dập ghim?”
Cà rốt nãy giờ đang nhìn xuống sàn nhà, giờ lặng lẽ ngẩng mặt lên nhìn tôi. Nhưng nó không nói gì. Lần đầu tiên tôi để ý thấy vẻ mặt nó thay đổi hoàn toàn: vẻ thẫn thờ kỳ lạ, mắt nhìn vào vô định. Nó như đang nhìn vào khoảng không.
“Ai bắt em làm thế?”
Vẫn không có câu trả lời. Thật khó đoán biết được nó có hiểu tôi nói gì không. Tôi bỏ cuộc.
Hỏi đứa bé bất kỳ điều gì vào lúc này đều không có kết quả. Cửa ra vào của nó đã đóng, cửa chính đã khép.
“Vậy đấy, thưa thầy, bây giờ chúng ta phải làm gì đây?” Nhân viên an ninh hỏi tôi. “Việc của tôi là rảo quanh cửa hàng, kiểm tra máy theo dõi, tóm bọn trộm cắp và giải chúng về căn phòng này. Còn sau đó thế nào lại là chuyện hoàn toàn khác. Đặc biệt khó xử lý khi nó là trẻ con. Theo anh chúng ta phải làm gì đây? Tôi chắc anh thông thạo về vấn đề này hơn chúng tôi. Chúng ta có nên giao vụ này lại cho cảnh sát không? Làm thế chắc chắn sẽ dễ dàng hơn cho tôi. Dù sao đi nữa thì bơi đứng chỉ làm chúng ta phí thời gian thôi.”
Nói thực thì lúc này đầu óc tôi đang mải nghĩ chuyện khác. Cái phòng an ninh nhỏ bé buồn thảm của siêu thị này gợi tôi nhớ đến đồn cảnh sát trên hòn đảo Hy Lạp. Và ý nghĩ tức khắc hướng về Sumire. Về việc cô đã biến mất.
Tôi phải mất một lúc mới hiểu nhân viên an ninh đang cố nói gì với mình.
“Tôi sẽ báo cho bố nó biết.” mẹ Cà rốt nói bằng giọng đều đều. “Và đảm bảo cho con tôi biết một cách dứt khoát rằng ăn cắp hàng trong siêu thị là một tội lỗi. Tôi hứa nó sẽ không làm phiền ông lần nào nữa.”
“Thế nghĩa là chị không muốn đưa vụ này ra tòa. Chị đã nói thế hết lần này đến lần khác rồi,” nhân viên an ninh nói giọng mệt mỏi. Ông gảy tàn thuốc vào chiếc gạt tàn. Ông ta lại quay sang tôi nói: ” Nhưng với tôi thì ba lần phạm lỗi là đủ lắm rồi. Ai đó phải chấm dứt việc này chứ. Anh nghĩ sao về chuyện này?”
Tôi hít một hơi thở sâu, kéo tâm trí mình quay lại hiện thực. Quay lại với tám cái dập ghim và chiều Chủ nhật tháng Chín.
“Tôi chưa thể nói gì chừng nào chưa trò chuyện được với cậu ta,” tôi đáp. “Nó à một đứa bé thông minh, và từ trước đến nay chưa có gì sai phạm. Tôi không biết vì sao nó lại làm một chuyện khờ dại như vậy nhưng tôi sẽ dành thời gian tìm hiểu ngọn ngành. Tôi thực sự xin lỗi vì tất cả rắc rối nó đã gây ra.”
“Tôi thật không thể nào hiểu được,” nhân viên an ninh nói, đôi lông mày cau lại sau cặp kính râm. “Cậu bé này – Shin’ichi Nimura hả? Học sinh của anh đúng không? Anh gặp nó hàng ngày, đúng không?”
“Đúng vậy.”
“Nó học lớp bốn, thế nghĩa là nó đã ở trong lớp của anh một năm bốn tháng. Tôi nói đúng chứ?”
“Vâng, đúng vậy. Tôi dạy các trò này từ hồi lớp ba.”
“Lớp anh có bao nhiêu học sinh?”
“Ba mươi lăm.”
“Vậy thì anh có thể để mắt đến tất cả bọn chúng. Anh vừa bảo tôi anh chưa bao giờ thấy nó có biểu hiện sai phạm gì. Hoàn toàn không có biểu hiện gì?”
“Đúng vậy.”
“Gượm đã – theo chỗ chúng tôi biết, trong vòng nửa năm cậu ta đã thực hiện ba vụ ăn cắp. Luôn luôn một mình. Chẳng ai bắt nó làm việc đó cả. Cũng không phải do sự thúc ép của hoàn cảnh. Nó cũng không làm vì tiền. Theo lời mẹ nó thì bao giờ trong túi nó cũng đầy tiền.
Như vậy nó ăn cắp chỉ để mà ăn cắp. Nói cách khác là thằng bé này có vấn đề. Và anh nói với tôi không hề có bất kỳ dấu hiệu nào sao?”
“Ở đây tôi đang nói với tư cách thầy giáo,” tôi đáp, nhưng đặc biệt với trẻ em, thói quen lấy cắp đồ trong cửa hàng không phải là hành động phạm tội mà chỉ là hệ quả của sự mất cân bằng về tình cảm khó phát hiện. Có thể nếu quan tâm hơn thì tôi đã để ý thấy một điều gì đó. Đây quả là lỗi của tôi. Nhưng với những đứa trẻ bị rối loạn về mặt tình cảm thì không phải lúc nào cũng có biểu hiện ra bên ngoài. Nếu ông tách riêng hành động này ra khỏi những thứ khác và trừng phạt đứa trẻ thì vẫn không giải quyết được vấn đề cơ bản. Trừ khi ông tìm ra nguyên nhân cơ bản và chữa trị tận gốc, nếu không thì vấn đề đó về sau sẽ lại nổi lên dưới một hình thức khác. Thường thì khi thực hiện việc ăn cắp bọn trẻ muốn gửi đi một thông điệp, vì vậy nếu không phải là cách hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề thì việc dành thời gian chuyện trò với chúng cũng là điều quan trọng.”
Nhân viên an ninh giụi điếu thuốc, hơi há miệng, nhìn tôi chằm chằm một hồi lâu như thể tôi là một con vật kỳ quái. Ngón tay ông ta đặt trên mặt bàn mập mạp khủng khiếp, giống như mười con vật lông lá màu đen. Càng nhìn chúng tôi càng thấy khó thở.
“Đấy là điều người ta dạy anh ở trường hả, có phải các anh gọi nó là kỹ năng sư phạm hay cái gì đại loại thế?”
“Không nhất thiết. Đó là kiến thức tâm lý học cơ bản. Ông có thể đọc thấy trong bất kỳ cuốn sách nào.”
“Có thể đọc thấy trong bất kỳ cuốn sách nào,” ông ta nhắc lại lời tôi bằng một giọng lờ phờ. Ông ta cầm chiếc khăn tay lên lau mồ hôi trên chiếc cổ dày.”
“Sự mất cân bằng về tình cảm khó phát hiện – cái đó có nghĩ là gì vậy? Hồi còn làm cảnh sát, suốt từ sáng đến tối, ngày nào tôi cũng tiếp xúc với những người mất cân bằng về tình cảm, đúng vậy. Nhưng chẳng có gì là khó phát hiện cả. Thế gian đầy những kẻ như thế. Vô thiên. Nếu tôi giành thời gian nghe mọi thông điệp mà họ gửi đi thì tôi có đến mười bộ óc cũng không đủ.”
Ông ta thở dài và đặt lại hộp dập ghim xuống dưới bàn.
“Phải, anh hoàn toàn đúng. Trẻ em là những tâm hồn trong sáng. Trừng phạt về mặt thể xác với chúng là không được. Mọi người đều bình đẳng. Không thể xét đoán con người bằng học vấn. Dành thời gian trò chuyện để tìm cách giải quyết vấn đề. Tôi không phản đối việc đó. Nhưng anh có nghĩ nhờ thế mà thế giới trở nên tốt hơn không? Không hề. Nó chỉ xấu đi thôi. Làm sao mọi người có thể bình đẳng với nhau được? Tôi chưa từng nghe thấy một điều như thế. Nghĩ mà xem – ngày nào ở cái nước Nhật này cũng có đến 110 triệu người chen chúc. Làm cho tất cả bọn họ bình đẳng. Họa có mà địa ngục.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.