Người tình

Chương 9



Người anh kế tôi chết trong vòng ba ngày, vì bệnh sưng phổi. Trái tim của anh đầu hàng. Vào lúc ấy tôi đã rời xa mẹ tôi. Trong thời kỳ Nhật chiếm đóng. Mọi chuyện đều đi đến chỗ kết thúc trong ngày hôm ấy. Tôi không bao giờ hỏi bà những câu hỏi về tuổi nhỏ của chúng tôi, về chính bà nữa. Ðối với tôi, bà đã chết với cái chết của người anh kế tôi. Người anh lớn tôi cũng chết như vậy. Tôi không bao giờ vượt qua nỗi ghê tởm mà họ gợi lên trong tôi lúc ấy. Họ không còn chút ý nghĩa nào đối với tôi nữa. Tôi không cần biết gì về họ nữa kể từ ngày ấy. Thậm chí tôi không bao giờ biết bà đã thu xếp như thế nào để trả hết nợ cho bọn sét-ti, bọn Ấn cho vay nặng lãi. Một ngày nọ, họ không còn đến nhà nữa. Bây giờ tôi còn có thể nhìn thấy họ. Họ ngồi trong căn phòng tiếp khách nhỏ ở Sa Ðéc, quấn vải trắng, họ ngồi đó không nói một lời, hàng tháng, hàng năm. Người ta có thể nghe thấy tiếng mẹ tôi khóc lóc và mắng chửi họ, bà ở trong phòng và không ra ngoài, bà hét vọng ra ngoài bảo họ hãy để cho bà yên, họ câm, bình thản, mỉm cười, không nhúc nhích. Rồi một ngày nọ, họ đi khỏi. Bây giờ họ đều đã chết, mẹ tôi và hai anh tôi. Ðối với ký ức điều đó cũng quá trễ. Bây giờ tôi không còn yêu thương họ nữa. Tôi không nhớ là tôi đã có bao giờ yêu thương họ hay không. Tôi đã rời bỏ họ. Trong đầu tôi, tôi không còn có mùi da thịt của bà nữa, cũng không còn có màu mắt của bà trong mắt tôi nữa. Tôi không thể nhớ được tiếng nói bà, ngoại trừ một đôi khi nó trở nên nhỏ nhẹ vì sự mệt mỏi buổi chiều hôm. Tiếng cười của bà tôi không thể nghệ thấy nữa – không cả tiếng cười lẫn tiếng khóc của bà. Ðiều đó đã qua mất rồi, tôi không nhớ nữa. Ðó là lý do tại sao bây giờ tôi có thể viết về bà một cách dễ dàng, dài dòng như thế, đầy đủ như thế. Bà trở thành chỉ là một điều gì đó để người ta viết về mà không gặp khó khăn, bản viết thảo vội vàng.

Chắc là bà đã ở lại Sài Gòn từ 1932 cho đến 1949. Vào tháng mười hai năm 1942 người anh kế của tôi chết. Bà không thể đi đâu được nữa. Bà ở lại đó – để cho gần nấm mộ, bà nói. Rồi sau cùng bà trở về Pháp. Con trai tôi được hai tuổi khi chúng tôi gặp lại nhau. Quá muộn màng cho chúng tôi để mà đoàn tụ. Chúng tôi biết điều đó ngay trong cái liếc nhìn đầu tiên. Không còn gì nữa để mà đoàn tụ. Ngoại trừ người anh cả, còn thì mọi chuyện còn lại đã xong hết rồi. Bà đã đi về để sống, và chết, trong hạt Loir-et-Cher, trong tòa lâu đài giả kiểu Louis XIV. Bà đã sống ở đó với chị Ðô. Bà vẫn còn sợ sệt vào ban đêm. Bà mua một khẩu súng. Chị Ðô luôn canh chừng nơi những căn gác trên tầng chót. Bà cũng mua cho người con trai lớn của bà một chỗ gần Amboise. Có rừng cây. Anh chặt cây xuống. Rồi đi thua bạc hết trong một sòng baccara ở Paris. Khu rừng biến mất chỉ trong vòng một đêm. Cái thời điểm mà ký ức của tôi bất chợt chùng xuống và có lẽ anh tôi đã làm cho tôi rơi lệ là sau khi chuyện thua mất hết tiền bán gỗ xảy ra. Tôi biết người ta đã tìm thấy anh nằm trong xe hơi ở Montparnasse, bên ngoài La Coupole, và biết rằng anh ta muốn chết. Những chuyện sau đó, tôi đã quên đi. Ðiều mà mẹ tôi đã làm, với tòa lâu đài đó của bà, thì thật không thể tưởng tượng nổi, tất cả vẫn vì đứa con trai lớn, đứa con đã năm mươi tuổi đầu mà không thể nào kiếm được chút tiền nào. Bà mua một vài cái lò ấp trứng dùng điện và đặt chúng trong phòng khách lớn. Bất thình lình bà có sáu trăm gà con, bốn mươi mét vuông gà con cả thảy. Nhưng bà đã nhầm lẫn thế nào đó với những tia sáng hồng ngoại, và không một con gà nào có thể ăn uống gì được, cả sáu trăm gà con đều có mỏ không khớp nhau hoặc không khép lại được, tất cả đều đói mà chết và bà đành bỏ luôn. Tôi đã đến tòa lâu đài vào lúc gà đang nở, cả một cuộc ăn mừng linh đình. Rồi sau đó mùi gà chết và mùi thức ăn của chúng lợm giọng đến nỗi tôi không thể ăn uống gì được trong lâu đài của mẹ tôi mà không nôn mửa.

Bà chết trên tay chị Ðô và anh ta, người mà bà gọi là đứa con nhỏ của bà, trong căn phòng ngủ lớn ở tầng một, nơi mà trong những lúc sương giá lạnh buốt, bà thường để bày cừu vào ngủ, năm hoặc sáu con chung quanh giường bà, suốt mấy mùa đông, những mùa đông cuối cùng của bà.

Chính ở nơi đấy, trong ngôi nhà sau cùng đó, ngôi nhà vùng sông Loire, khi cuối cùng bà đã từ bỏ việc tới lui xuôi ngược không ngừng nghỉ của bà, mà lần đầu tiên tôi nhìn thấy rõ ràng sự điên loạn. Tôi nhìn thấy mẹ tôi điên loạn rõ ràng. Tôi nhìn thấy rằng chị Ðô và anh tôi đã luôn luôn ở gần bên sự điên loạn đó. Còn tôi, không, trước đây không bao giờ tôi nhìn thấy sự điên loạn đó. Không bao giờ tôi nhìn thấy mẹ tôi trong trạng thái mất trí cả. Tình trạng mà bà đã bị. Từ lúc mới sinh ra. Trong dòng máu. Sự điên loạn không làm bà đau ốm gì cả, bởi vì đối với bà nó giống như sức khỏe, được củng cố hai bên bởi chị Ðô và đứa con trai cả. Không một ai khác trừ họ nhận biết điều đó. Bà luôn luôn có nhiều bạn, bà giữ những người bạn đó trong suốt nhiều năm và vẫn luôn luôn kết giao thêm với bạn bè mới, thường là rất trẻ, giữa những viên chức đến từ nội địa, hoặc sau đó giữa những người ở Ðà Nẵng, nơi có nhiều người đã nghỉ hưu từ những thuộc địa của Pháp. Bà luôn luôn có người chung quanh, trọn đời bà, nhờ những gì mà họ gọi là sự thông minh sống động của bà, sự vui vẻ của bà, cùng tính đĩnh đạc vô song và không hề mỏi mệt của bà.

Tôi không biết ai đã chụp bức ảnh với niềm thất vọng đó. Bức ảnh trong sân nhà ờ Hà Nội. Có lẽ là cha tôi, một lần cuối cùng. Vài tháng sau ông được đưa trở về Pháp vì sức khỏe. Trước đó ông vừa đến Nam Vang vì một công việc mới. Ông chỉ ở đó vài tuần lễ. Không đầy một năm sau ông chết. Mẹ tôi đã không trở lại Pháp với ông, bà vẫn ở lại chỗ cũ, kẹt cứng ở đó. Ở Nam Vang. Trong ngôi nhà khang trang nhìn xuống dòng sông Cửu Long, đã có thời là cung điện của vua Cam Bốt, ngay giữa những khu vực kinh hoàng, rộng nhiều mẫu ấy, nơi mà mẹ tôi rất sợ hãi. Ban đêm bà cũng làm cho chúng tôi sợ nữa. Cả bốn mẹ con chúng tôi ngủ chung một giường. Bà nói bà sợ bóng tối. Chính trong ngôi nhà đó mà bà nghe tin cha tôi chết. Bà biết điều đó trước khi bức điện tín đến nơi, từ đêm hôm trước, vì một dấu hiệu mà chỉ có một mình bà trông thấy và có thể hiểu được, vì một tiếng chim gọi giữa đêm, run sợ và lạc lõng trong phòng làm việc nơi hướng bắc cung điện, trong phòng làm việc của cha tôi. Cũng chính ở nơi đó, vài ngày sau cái chết của chồng, mẹ tôi đã gặp tận mặt cha của bà. Bà bật đèn lên. Ông ở đó, đứng bên cạnh chiếc bàn trong gian đại sảnh hình bát giác. Ðang nhìn bà. Tôi còn nhớ tiếng thét, tiếng gọi đó. Bà đánh thức chúng tôi dậy, kể cho chúng tôi nghe những gì đã xảy ra, cái cách ông đã ăn mặc như thế nào, trong bộ đồ dành để mặc ngày Chủ Nhật màu xám đẹp nhất của ông, cái cách ông đứng như thế nào, cách ông đã nhìn bà như thế nào, nhìn thẳng vào bà. Bà nói, mẹ không sợ. Bà đã chạy đến cái hình bóng tan biến đó. Cả hai người đã chết vào cái ngày và vào cái giờ của con chim hoặc hình bóng. Do đó, không thể nghi ngờ được, sự thán phục của chúng tôi đối với những hiểu biết của mẹ tôi, về mọi thứ, bao gồm tất cả những gì có liên hệ đến cái chết.

Người đàn ông thanh lịch bước ra khỏi chiếc limousine đen và đang hút một điếu thuốc lá Ăng-lê. Ông nhìn cô gái đội chiếc mũ dạ đàn ông và mang đôi giày vàng. Ông chậm rãi tiến đến bên cô gái. Rõ ràng là ông bị khích động. Thoạt tiên, ông không mỉm cười. Trước hết, ông mời cô hút thuốc. Tay ông run run. Ðó là sự khác biệt về chủng tộc, ô không phải là người da trắng, ông phải vượt thắng điều đó, đó là lý do tại sao ông run rẩy. Cô nói cô không hút thuốc, cũng không cám ơn. Cô không nói gì thêm nữa, không nói là, Hãy để cho tôi yên. Nhờ đó ông ta ít sợ sệt hơn. Ông nói với cô chắc là ông đang nằm mơ. Cô không trả lời. Không có gì để mà trả lời cả, cô phải nói gì? Cô đợi. Vì thế ông ta hỏi, Thế gốc gác cô ở đâu vậy? Cô nói cô là con gái bà hiệu trưởng trường nữ trung học ở Sa Ðéc. Ông ta suy nghĩ một chốc rồi nói ông ta có nghe nói về người phụ nữ đó, mẹ của cô, về sự không may xảy ra cho khu đất mà người ta nói là bà đã mua bên Cam Bốt, có đúng thế không? Vâng, đúng vậy.

Ông ta lại nói, thật là lạ lùng biết bao khi gặp cô trên chiếc phà này. Buổi sáng còn quá sớm và một cô gái xinh đẹp như thế, cô không nhận thấy điếu đó sao, thật là cả một sự ngạc nhiên, một cô gái da trắng trên một chiếc xe đò bản xứ.

Ông ta nói chiếc mũ rất hợp với cô, hợp với cô một cách thật hoàn hảo, rằng nó rất là… độc đáo… một chiếc mũ đàn ông, và tại sao không chứ? Cô quá xinh đẹp nên cô có thể làm bất cứ điếu gì cô ưa thích.

Cô nhìn ông ta. Hỏi ông ta là ai. Ông ta nói ông ta vừa từ Paris trở về, ông ta là sinh viên ở đó, ông ta cũng sống ở Sa-Đéc, cũng trên con sông này, chỗ ngôi nhà lớn với các sân thượng rộng có lan can bằng sứ xanh. Cô hỏi ông ta người gì. Ông ta nói ông ta là người Tàu, gia đình ông ta gốc ở Hoa Bắc, tỉnh Phúc Kiến. Cô có vui lòng cho phép tôi đưa cô đến nơi cô muốn đi ở Sài Gòn không? Cô nói cô bằng lòng. Ông ta bảo người tài xế lấy hành lý của cô gái khỏi xe đò và đặt vào chiếc xe hơi màu đen.

Người Tàu, ông ta thuộc nhóm nhỏ những tay tư bản gốc Tàu, những người làm chủ tất cả những khu nhà đất của đám dân lao động ở thuộc địa. Ông ta đang qua sông để đi về Sài Gòn ngày hôm đó.

Cô bước vào chiếc xe hơi màu đen. Cánh cửa đóng lại. Một cảm giác nguy hiểm vừa đột ngột cảm nhận được xâm chiếm lấy cô, một nỗi mỏi mệt, ánh nắng trên sông như thoáng nhòa đi. Khắp nơi cũng chợt có một trạng thái âm âm lãng tai rất nhẹ, hoặc đầy sương mù.

Sẽ không bao giờ tôi di chuyển bằng xe đò bản xứ nữa. Từ lúc ấy trở đi tôi sẽ có một chiếc limousine đưa tôi đến trường và từ trường trở về ký túc xá. Tôi sẽ ăn tại những nơi thanh lịch nhất trong thành phố. Và tôi sẽ luôn luôn hối tiếc cho mọi điều mình làm, cho mọi thứ tôi thâu đạt được, cho mọi thứ tôi bị mất đi, tốt hoặc xấu chuyến xe đò, bác tài xe đò mà tôi thường cười đùa, những bà già nhai trầu ở những hàng ghế sau, bọn trẻ con ngồi trên giá để hành lý, gia đình ở Sa Ðéc, sự khủng khiếp của cái gia đình ở Sa Ðéc, sự lặng lẽ đầy truyền cảm của nó.

Chàng trò chuyện. Nói chàng nhớ Paris, những cô gái tuyệt vời ở đó, đời sống phóng đãng, những cuộc rượu say mèm, ôi chao, ở La Coupole, ở La Rotonde, riêng anh anh thích La Rotonde hơn, những hộp đêm, đời sống “huy hoàng” mà chàng đã trải qua suốt hai năm. Nàng lắng nghe, để ý đến những gì có liên hệ đến sự giàu có của chàng, đến những sự biểu lộ chẳng hạn như chàng có đến bao nhiêu triệu đồng. Chàng tiếp tục nói. Mẹ của chàng đã chết, chàng là con một. Chàng chỉ còn có một người cha, người đang nắm giữ tiền bạc. Nhưng em có biết thế nào không, suốt mười năm qua ông ta chỉ ngồi nhìn sông, dính chặt vào bàn đèn thuốc phiện, ông ta quản lý tài sản từ chiếc giường sắt nhỏ của mình. Nàng nói nàng hiểu.

Ông ta sẽ không để con trai mình đi lấy một con điếm nhỏ da trắng ở Sa Ðéc.

Hình ảnh đó đã khởi đầu từ lâu trước khi chàng tiến đến cô nhỏ da trắng bên lan can chuyến phà, nó khởi đầu từ khi chàng bước ra khỏi chiếc xe màu đen, khi chàng bắt đầu tiến lại gần nàng, và khi nàng biết, biết rằng chàng run sợ.

Ngay từ giây phút đầu nàng biết mang máng, biết rằng chàng đã bị nàng khuất phục. Và do đó biết rằng những người khác bên cạnh chàng có thể cũng bị nàng khuất phục nếu cơ hội xảy đến. Nàng cũng biết về những điều khác nữa, biết rằng bây giờ có lẽ đã đến lúc, nàng không còn có thể trốn tránh một vài bổn phận đối với chính nàng nữa. Và biết rằng mẹ nàng sẽ không hề biết gì hết về chuyện này, và các anh của nàng cũng vậy. Bấy giờ nàng cũng đã biết điều đó. Ngay từ lúc nàng bước vào chiếc xe hơi màu đen là nàng đã biết: nàng đã bị loại trừ ra khỏi gia đình lần đầu tiên và mãi mãi. Từ bây giờ trở đi họ sẽ không còn biết gì đến nàng nữa. Cho dù nàng có bị tách rời khỏi họ, bị mang đi, bị thương tổn, hư hỏng, họ cũng sẽ không bao giờ biết đến nữa. Cả mẹ lẫn các anh nàng đều sẽ không biết đến nữa. Từ đây họ chỉ còn biết đến số phận của họ. Ý nghĩ đó đã đủ làm cho người ta bật khóc, ngay trong chiếc xe limousine đen này.

Bây giờ cô bé sẽ chỉ phải tính chuyện với người đàn ông này, người đầu tiên, người duy nhất đã tự giới thiệu mình trên phà.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.