Người truyền ký ức
Chiếm gần hết số trang tác phẩm là một thế giới quá yên ổn mà Jonas đang sống. Sự êm ả trong một không gian trung tính khiến người đọc khựng lại khi bước vào thế giới không màu sắc này - nơi mà mỗi buổi tối, các thành viên trong gia đình có buổi trình bày về cảm xúc, còn buổi sáng phải nói thành thực về những giấc mơ; nơi mỗi đứa trẻ từ những rung động đầu tiên đã bị dập tắt bởi những viên thuốc uống đều đặn đến cuối đời.
Cả cộng đồng của Jonas sống bằng những luật lệ kiểm soát hết sức chặt chẽ, hầu như ít khe hở cho một không gian riêng tư… Có quá nhiều điều tốt đẹp được thiết lập từ đây. Hầu như không có mâu thuẫn, không có nỗi đau, không có sự lo lắng đến nghẹt thở - nhờ luật chống khiếm nhã. Quá khứ của mỗi người bị khép chặt, tất cả những đứa trẻ đều là con nuôi. Tương lai của mỗi người được các bô lão theo dõi từ tấm bé để Hội đồng quyết định nghề nghiệp trong lễ Mười hai. Nếu ai đó đi chệch khỏi quỹ đạo này, họ sẽ bị “phóng thích”.
Tại lễ Mười hai ấy, Jonas nhận nhiệm vụ khiến cậu ngỡ ngàng: người tiếp nhận ký ức. Và vị trí đặc biệt này giúp cậu cởi trói dần khỏi những luật lệ sít sao của cộng đồng. Jonas không còn phải uống thuốc mỗi ngày, không còn bị điều khiển bởi các điều luật. Và cậu ngỡ ngàng đón nhận quyền hạn kinh khủng nhất: “được nói dối”.
Ký ức nỗi đau, nghèo đói, chiến tranh, màu sắc, tình yêu… thức tỉnh trong cậu bé cái nhìn đầy ngờ vực về cộng đồng. Bước ra từ xã hội đang vận hành yên ổn này, cậu bắt đầu ý thức, những trật tự hoàn hảo ấy cũng đồng thời có những khuyết thiếu. Nhất là khi cậu chứng kiến bố tự tay làm lễ “phóng thích” một đứa trẻ trong cặp song sinh, một hành động giết người được huấn luyện thuần thục đến mức người ta chỉ đơn giản cho rằng đó là một nhiệm vụ cần thiết.
Bật lên trong cuốn sách là cái nhìn trong trẻo của một con người với khát khao được sống bằng những xúc cảm, những lý lẽ của riêng mình. Dễ hiểu vì sao, người tiền nhiệm của Jonas đã tự nguyện xin được “phóng thích” sau khi tiếp nhận ký ức, và tới lượt Jonas không thể chịu đựng nổi cứ phải tiếp tục sống như thế…
Cuốn sách được viết từ năm 1993 này có một lý lẽ lay động về cuộc sống. Nó không như một bài giảng dạy đơn thuần rằng người ta cần thiết nên làm thế này, thế kia, mà khiến mọi người ý thức hơn về những gì mình đang có, về không gian mình đang sống, và về cả ước mơ được nhen nhóm trong đó.
Lois Lowry là một nhà văn Mỹ, bà đã nhận nhiều giải thưởng: giải Dorothy (Đánh số sao trời), huân chương California Young Reader (Mùa hè để chết, Mọi điều về Sam), giải Mark Twain (Mọi điều về Sam), huân chương Newbery (Đánh số sao trời, Người truyền ký ức)… Riêng cuốn Người truyền ký ức đến nay đã bán được 5,3 triệu bản ở Mỹ và được đưa vào danh sách đọc của nhiều trường trung học của Mỹ. Lois Lowry từng bày tỏ về cuốn sách thế này:
“Người đàn ông tôi đặt tên là Người truyền ký ức đã truyền lại cho cậu bé hiểu biết, lịch sử, ký ức, màu sắc, nỗi đau, tiếng cười, tình yêu và sự thực. Mỗi lần bạn trao một cuốn sách vào tay một đứa trẻ, bạn cũng đã làm điều đó.
Đó là một điều mạo hiểm.
Nhưng mỗi lần đứa trẻ mở một cuốn sách ra, nó đã đẩy cánh cổng ngăn cách mình và Nơi khác. Và điều này đưa đến lựa chọn. Đưa đến tự do.
Đó là những điều nguy hiểm một cách quý báu và tuyệt diệu”.