Nhà giả kim

Chương 11 -12



11

Chàng trai cố đọc tiếp nhưng không tập trung nổi nữa. Cậu thấp thỏm và căng thẳng vì biết những gì ông già nói là đúng sự thật. Cậu lại xe kem mua một cây kem rồi cân nhắc xem có nên kể cho người bán kem những gì ông già vừa nói không. “Đôi khi nên để yên cho mọi sự tiếp diễn là khôn ngoan hơn”, cậu nghĩ và bình tâm lại. Nếu cậu nói ra thì biết đâu người bán kem sẽ băn khoan suốt vài ba ngày liền, rằng có nên tung hê hết tất cả không, mà anh ta lại đã quá quen với cái xe kem rồi. Cậu thấy đừng nên làm

người bán kem phải lo nghĩ nữa. Thế là cậu đi lang thang thơ thẩn trên đường phố, ra đến bến cảng. Ở đây có một ngôi nhà nhỏ với quầy bán vé đi châu Phi. Ai Cập ở bên châu Phi mà ! “Cậu cần gì ?” người đàn ông ngồi ở quầy hỏi. “Mai hẵng hay”, cậu đáp rồi vội vã đi ra. Chỉ cần bán đi một con cừu là đủ tiền qua eo biển thôi mà. Ý nghĩ này khiến cậu băn khoăn. “Lại một tay mơ mộng vẩn vơ”, gã ngồi quầy nói với đồng nghiệp trong lúc cậu đi ra. “Hắn cóc có tiền mua vé đâu.” Lúc đứng ở quầy vé, cậu chăn cừu nhớ tới lũ cừu của mình và chợt thấy cần phải về với chúng. Trong vòng hai năm cậu đã học được hết mọi việc của nghề chăn cừu; cậu xén lông được này, săn sóc các con có mang này, bảo vệ chúng trước chó sói này. Và cậu cũng biết rành mọi đồng cỏ vùng Andalusia. Cậu biết cả giá mua và bán của từng con một. Cậu chọn con đường vòng vo xa nhất để về chuồng của người bạn. Thành phố này cũng có ngôi thành cổ, thế là cậu quyết định leo hết bậc thang đá, lên chỗ cao nhất để ra ngồi nơi công sự. Có ai đó đã giải thích cho cậu rằng người Mauren đã qua eo biển này chiếm cứ gần hết Tây Ban Nha trong nhiều năm. Cậu căm ghét người Mauren, vì chính họ đã đưa người Zigeuner đến đây. Từ trên cao này cậu nhìn thấy gần hết thành phố, cả cái bãi chợ nơi cậu trò chuyện với ông già. “Cái giây phút đã xui khiến ta gặp gỡ lão già kia thật là đáng nguyền rủa”, cậu ngẫm nghĩ trong tuyệt vọng. Cậu chỉ muốn tìm mụ già giải mộng thôi. Thế mà cả mụ lẫn lão già đều chẳng cần biết cho rằng cậu là một gã chăn cừu. Hẳn họ là những người rất cô đơn, chẳng còn tin gì vào cuộc đời nữa nên không hiểu rằng người chăn cừu gắn bó với lũ vật của mình như thế nào. Cậu biết rõ đặc điểm của từng con một : con nào đi cà nhắc, con nào hai tháng nữa sẽ đẻ và con nào lười nhất hạng. Cậu cũng biết phải xén lông thế nào, phải mổ thịt chúng ra sao. Nếu cậu bỏ chúng mà đi thì chúng sẽ khốn khổ thôi. Một làn gió nhẹ thổi. Cậu biết loại gió này; người ta gọi nó là gió Levante (Levante : vùng đất trải từ đông Địa Trung Hải tới sông Euphrat, sông Nil và bờ biển vùng Tiểu Á), vì đám Mauren xưa đã từ phương Đông theo gió này mà tới đây. Trước khi đến Tarifa cậu không hề biết rằng châu Phi gần đến thế. Nhưng cũng là mối nguy lớn đấy, vì bất cứ lúc nào người Mauren cũng có thể lại tấn công sang được. Gió thổi mạnh hơn. “Mình kẹt giữa một bên là lũ cừu và một bên là cái kho tàng”, cậu nghĩ. Cậu phải chọn giữa một bên là những gì quen thuộc, gần gũi và một bên là cái cậu muốn sở hữu. Còn cô gái nữa chứ, nhưng cô không cần được cậu lo cho bằng bầy cừu vì cô không lệ thuộc vào cậu. Có thể cô không còn cả nhớ cậu là ai nữa. Cậu dám chắc rằng nếu hai ngày nữa cậu không xuất hiện ở đó thì cô cũng chẳng biết. Với cô thì một ngày như mọi ngày; và khi ngày nào cũng như ngày nấy thì con người cũng chẳng nhận biết được những việc hay ho xảy đến trong đời. “Mình đã giã từ cha mẹ và ngôi thành cổ của quê hương ra đi. Cha mẹ và ngôi thành cổ đã quen với chuyện ấy rồi, giống như mình cũng đã quen vậy. Thế thì lũ cừu cũng sẽ quen với sự vắng mặt của mình thôi”, cậu ngẫm nghĩ. Từ chỗ cao này cậu nhìn rất rõ bãi chợ. Người bán kem vẫn còn đó. Một đôi trai gái còn trẻ ngồi trao nhau nụ hôn dài trên cái ghế cậu và ông già đã ngồi. “Chà, người bán kem”, cậu buột miệng rồi không nói tiếp vì gió Levante thổi thốc vào mặt. Gió này tuy mang theo người Mauren thật, nhưng đưa đến cả mùi thơm của sa mạc và hương thơm của các phụ nữ đeo khăn che mặt (phụ nữ nhiều nước theo đạo Hồi thường đeo khăn che kín mặt, chỉ để hở hai mắt). Nó đem theo cả mùi mồ hôi và giấc mơ của những người đàn ông một ngày nào đó đã lên đường vào chốn vô định để tìm vàng, tìm sự phiêu lưu, tìm cả Kim Tự Tháp nữa. Cậu chợt ganh tị với ngọn gió tự do kia và thấy rằng mình cũng có thể được tự do không kém. Chẳng có gì ngăn cản được cậu, trừ chính cậu ra. Bầy cừu, cô con gái chủ tiệm vải, những cánh đồng cỏ vùng Andalusia chỉ là những chặng trên con đường đời của cậu thôi.

12

Hôm sau, cậu chăn cừu dẫn theo sáu con cừu đến gặp ông già.

– Cháu ngạc nhiên lắm, – cậu nói , – vì bạn cháu chịu mua ngay số cừu kia. Anh ta bảo rằng đã từ lâu mơ ước được thành người chăn cừu và đây quả là dấu hiệu tốt cho anh ấy.

– Bao giờ cũng thế cả, – ông già đáp. – Cái đó gọi là nguyên lí thuận lợi (Guenstige Prinzip; Principle of favorability). Lần đầu tiên khi ta liều chơi đỏ đen thì thường là ta thắng. Thánh nhân đãi kẻ khù khờ mà. (Tạm dịch “Anfaengerglueck; beginner’’s luck” cho dễ hiểu).

– Nhưng tại sao mới được chứ ?

– Tại vì cuộc đời muốn rằng ta mãi đi theo con đường mình chọn.

Rồi ông xem xét lũ cừu, phát hiện một con bị què. Cậu cả quyết rằng thật chẳng đáng kể vì con cừu nọ thông minh nhất và cho nhiều lông nhất. “Thế kho tàng ở đâu hở ông ?” cậu hỏi. “Ở Kim Tự Tháp bên Ai Cập”. Cậu thót cả người. Bà già kia cũng nói y như thế mà chẳng đòi gì hết. “Để đến được đó thì cậu phải lần theo các dấu hiệu. Chúa vạch đường để người ngườit theo. Chỉ cần cậu biết nhận ra Người dùng dấu hiệu gì để vạch đường cho cậu”. Cậu chưa kịp nói gì thì có một con bướm bay lượn giữa cậu và ông già, làm cậu nhớ đến ông nội của cậu. Hồi cậu còn nhỏ ông nội cậu bảo rằng bướm mang lại điềm lành, tương tự như dế, cỏ ba lá bốn cánh và móng ngựa (Cỏ ba lá mà lại bốn cánh rất hiếm. Móng ngựa được dân nhiều nước châu Âu treo trong nhà hoặc gắn trên xe, coi đó là biểu tượng cho may mắn). “Đúng thế”, ông già nói vì đọc được cậu đang nghĩ gì. “Nó giống như ông nội cậu đã dạy cậu vậy. Chúng cũng là những dấu hiệu đấy.” Rồi ông mở áo khoác. Cậu nhìn mà thán phục và nhớ tới ánh rực rỡ đã thấy hôm qua : ông già đeo giáp che ngực bằng vàng ròng, gắn đầy đá quý đủ màu. Nhất định ông phải là vua thật rồi. Chắc ông khoác thêm áo ngoài là để tránh bị cướp thôi. “Cậu hãy cầm lấy”, ông già nói và rứt từ giữa áo giáp bằng vàng kia một viên đá trắng và một viên đen. “Hai viên đá này tên là Urim và Thummim. Viên đen nghĩa là có, viên trắng nghĩa là không. Nếu cậu không tự mình nhận ra được dấu hiệu thì hai viên đá này hữu ích cho cậu đấy. Phải luôn luôn đặt câu hỏi khách quan. Song tốt nhất là cậu tự quyết định lấy. Kho tàng nằm ở Kim Tự Tháp, cậu đã biết rồi. Nhưng nhờ có ta cậu mới quyết định, nên cậu phải trả sáu con cừu.” Cậu nhét hai viên đá vào bị. Trong tương lai cậu sẽ tự mình quyết định lấy mọi chuyện. “Đừng bao giờ quên rằng tất cả là một tổng thể. Cũng đừng quên ngôn ngữ của dấu hiệu. Nhất là đừng quên đi cho hết con đường mình tự chọn. Trước khi chia tay ta muốn kể cho cậu nghe một câu chuyện :

Một ngày nọ, một thương nhân gửi con trai của mình đến một nhà thông thái bậc nhất không ai bằng để nhờ ông dạy cho người con bí quyết đạt được hạnh phúc. Anh con trai đi ròng rã bốn mươi ngày xuyên qua sa mạc mới đến được tòa lâu đài nguy nga ngự trên núi cao. Nhà thông thái anh muốn tìm đang ở đó. Thay vì gặp một vị thánh thì anh lại vào một gian phòng đầy người sinh hoạt tất bật. Thương nhân hết đến rồi đi, người khác túm tụm ở các góc phòng bàn tán, một dàn nhạc chơi các ca khúc lảnh lót, lại có cả một bàn tiệc đầy sơn hào hải vị cùng đó. Nhà thông thái chuyện vãn với từng người một và anh ta phải chờ suốt hai tiếng mới đến lượt mình được tiếp. Nhà thông thái lắng nghe anh ta trình bày rồi đáp rằng hiện ông không rảnh để chỉ dạy anh bí quyết của hạnh phúc. Ông bảo anh hãy đi xem khắp lâu đài rồi hai tiếng sau trở lại. “Nhưng ta yêu cầu anh làm hộ một điều”, nhà thông thái nói rồi đưa cho anh một muỗng con có hai giọt dầu. “Trong lúc đi xem thì anh cầm theo muỗng này và nhớ giữ đừng làm sánh dầu nhé.” Anh ta lên lầu, xuống lầu mắt không rời cái muỗng. Sau hai giờ anh quay lại gặp nhà thông thái. “Sao”, ông hỏi, “anh đã thấy các tấm thảm Ba Tư quý giá trong phòng ăn của ta chưa ? Cả cái vườn tráng lệ mà người làm vườn đã phải khổ công mười năm xây dựng ? và những cuộn giấy da tuyệt hảo trong thư viện của ta nữa ?” Anh ta ngượng ngùng thú nhận rằng chẳng hề để mắt đến gì khác vì cứ phải chăm chăm ngó nhìn muỗng dầu đã được giao phó. “Thế thì anh hãy đi thêm lần nữa và ngắm cho kĩ những thứ tuyệt mĩ trong thế giới của ta”, nhà thông thái nói. “Không thể đặt tin tưởng vào một người khi mình không hề biết người ấy sống trong một ngôi nhà như thế nào.” Yên dạ hơn, anh ta lại cầm muỗng đi một vòng. Lần này anh chăm chú xem xét những vật quý treo trên tường và trên trần nhà. Anh ngắm khu vườn có núi vây quanh, với đủ thứ hoa thơm cỏ lạ và mỗi tác phẩm nghệ thuật hoàn mỹ đều được để đúng chỗ thích hợp. Trở lại gặp nhà thông thái anh kể chi tiết tất cả những gì đã nhìn thấy.

– Thế còn hai giọt dầu ta nhờ anh giữ đâu rồi ? – nhà thông thái hỏi. Nhìn cái muỗng, anh ta hốt hoảng thấy mình đã làm sánh mất rồi.

– Đây là điều duy nhất mà ta có thể khuyên anh, – nhà thông thái nhất thế gian nói. “Bí quyết của hạnh phúc là biết ngắm nhìn mọi thứ tuyệt mỹ trên thế gian này mà không hề quên hai giọt dầu trên muỗng.””

Cậu chăn cừu không nói gì cả. Cậu hiểu ý nghĩa câu chuyện ông vua vừa kể. Người chăn cừu thích đi, đi mãi nhưng không bao giờ bỏ quên bầy cừu của mình. Ông già thân mật nhìn cậu rồi xòe cả hai bàn tay làm vài động tác lạ lùng trên đầu cậu. Sau đó ông dẫn bầy cừu đi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.