Nhà Khổ Hạnh và Gã Lang Thang

Chương 03 (Phần 2)



-Không phạm một lời thề thành văn – Đan Thanh cảm xúc kêu lên – nhưng có một lời hứa không được viết ra, điều thiêng liêng nhất em từng ấp ủ. Anh không thấy sao, những gì có giá trị cho nhiều người khác thì đối với em không có giá trị gì? Anh, chính anh cũng chưa thụ giới, anh chưa tuyên thệ, thế mà anh vẫn không bao giờ tự cho phép động đến một người đàn bà. Hay là em đã lầm? Không phải anh như thế hay sao? Không phải anh là người như em tưởng hay sao? Ngay cả anh nữa, anh lại không tuyên đọc từ lâu trong thâm tâm lời thề mà anh chưa thốt ra trước những bề trên hay sao? Và anh lại không tự cho rằng mình bị ràng buộc mãi mãi với lời thề ấy sao? Anh không giống như em sao?

-Không, Đan Thanh ạ, tôi không giống em, như em tưởng. Dĩ nhiên, tôi cũng giữ một lời thề mà tôi chưa tuyên đọc; em có lý về điểm đó. Nhưng tuyệt nhiên không hề giống em. Hôm nay tôi sẽ nói cho em nghe một lời mà về sau em sẽ nghĩ tới. Đây: “Tình bạn của chúng ta không có mục đích, không có ý nghĩa nào khác hơn là để chứng tỏ cho em thấy em tuyệt đối khác hẳn tôi như thế nào.”

Đan Thanh kinh ngạc. Huyền Minh đã nói với một giọng chắc nịch. Cậu im lặng. Nhưng tại sao bạn lại nói thế? Tại sao lời thề không thốt ra của Huyền Minh lại thiêng liêng hơn của cậu? Huyền Minh chỉ xem cậu là một đứa trẻ và tuyệt đối không xem cậu ra gì sao? Những rối ren và buồn bã về tình bạn lạ lùng ấy lại nổi lên.

Huyền Minh chú ý đặc biệt đến bản chất. của cái bí mật nơi Đan Thanh. Chính là Eva, người Mẹ. Làm sao có thể rằng ở một thiếu niên đĩnh ngộ như thế, lành mạnh, rạng rỡ như thế, những nhu cầu dục tính lại động chạm ngay lúc chúng vừa bừng dậy, với một khắc nghịch phũ phàng như kia? Chắc phải có một quỷ sứ tác quái, một kẻ thù bí mật, đã thành công phân tán một con người diễm tuyệt làm cậu phải tự chống lại mình và cậu đối nghịch với những bản năng tối yếu. Được, ta phải tìm ra tên quỷ sứ ấy, dùng bùa bắt nó, làm cho nó xuất hiện; khi ấy ta có thể thắng nó.

Trong lúc đó bạn bè của Đan Thanh, dần dần lẩn tránh cậu, bỏ rơi cậu, hay đúng hơn, cảm thấy bị cậu ruồng bỏ và có thể nói phản bội. Việc cậu liên kết với Huyền Minh không làm ai hài lòng. Những người ác ý bất mãn về điều ấy và cho mối liên hệ ấy thật trái tự nhiên nhất là những người mê say một trong hai chàng. Nhưng ngay cả những người thấy rõ rằng ở đây tuyệt đối không thể có chuyện đê hèn, chính những người ấy cũng phải lắc đầu. Không một ai vui mừng trước sự hòa hiệp giữa hai người trai trẻ ấy. Khi gần nhau họ dường như, với vẻ kiêu ngạo quý tộc, tách biệt cả đoàn thể học đường. Đấy không phải là tình bằng hữu tốt đẹp, đấy là điều quái gở trong một tu viện, đấy không hợp tinh thần Kitô giáo.

Những sự đồn đãi, những lời buộc tội, những lời vu khống đến tai tu viện trưởng Từ Vân. Người đã thấy những tình bạn như thế giữa những thanh niên, trong hơn 40 năm qua ở tu viện. Việc ấy cũng thuộc vào nếp sống của tu viện, việc ấy đôi khi tô điểm cho tu viện, đôi khi là một mối nguy. Người định không xen vào, để ý nhưng không can thiệp. Một tình bạn nhiệt thành và độc đáo như thế là một điều hiếm, dĩ nhiên không phải không nguy. Nhưng vì không nghi ngờ sự trong sạch của chàng, người vẫn để mọi sự tiếp tục. Nếu Huyền Minh không ở trong một hoàn cảnh ngoại lệ giữa học trò và giáo sư, thì vị tu viện trưởng đã không ngần ngại tách riêng hai chàng ra bằng cách đặt giữa họ hình phạt cấm túc. Thật không tốt cho Đan Thanh khi phải tách biệt với đồng bạn và chỉ có một người bạn lớn tuổi hơn, một giáo sư. Nhưng ta có thể nào ngăn cản Huyền Minh trong việc chọn lựa của chàng và chấm dứt nhiệm vụ dạy dỗ của chàng – con người xuất chúng, con người có thiên tư – mà mọi thầy giáo đều xem như ngang hàng hay hơn? Nếu chàng không xứng với nhiệm vụ, nếu tình bạn làm chàng thiên vị hay chễnh mãng, thì tu viện trưởng đã rút chức vụ chàng. Nhưng không có gì đáng phiền trách về chàng, chỉ có những lời đồn đãi, những mối nghi vì ganh tị.

Vả chăng tu viện trưởng không phải không biết đến năng khiếu phi thường của Huyền Minh, sự hiểu biết sâu xa của chàng về những con người. Có lẽ chàng đã suy ra vài điểm gì trong đó. Ngài không quá chú trọng đến năng khiếu ấy, có những năng khiếu khác Ngài thích hơn nơi Huyền Minh. Nhưng người không nghi ngờ rằng chàng đã phát giác ở cậu học trò Đan Thanh một nhân cách độc đáo. Nơi Đan Thanh Ngài không chú ý gì khác ngoài vẻ diễm lệ không ai chối cãi của tư chất cậu – hơn là nhiệt tình phát quá sớm và lại hơi có vẻ “cụ non” của cậu. Với nhiệt tình ấy, cậu dường như ngay từ bây giờ – khi cậu chỉ là một cậu học trò, một người khách của tu viện – đã tự coi như một phần tử của tu viện và gần như một trong những sư huynh ấy. Vị tu viện trưởng không nghĩ mình có gì phải sợ rằng Huyền Minh tán thành và hơn nữa thúc đẩy khuyến khích cái nhiệt tình đáng cảm kích nhưng thiếu trưởng thành ấy. Đúng hơn điều đáng lo ngại cho Đan Thanh, là bạn cậu có thể truyền cho cậu một ít tự phụ tri thức và cái kiêu ngạo về tài uyên bác của mình. Nhưng chính đối với Cậu học trò kia, mối nguy hiểm – ông nghĩ – không lớn lắm; ta có thể đánh liều chuyện ấy. Mỗi khi người tu viện trưởng nghĩ rằng thật đơn giản, thuận tiện, khỏe khoắn biết bao cho một người điều khiển khi cai quản những người thường hơn là những kẻ thiên tư xuất chúng, người không khỏi ngăn một tiếng thở dài và mỉm cười. Nhưng người không muốn để cho mối ngờ vực kia thắng mình, người không muốn tỏ ra bội phản với Chúa đã phó thác cho người hai thiên tài hiếm hoi kia.

Huyền Minh suy nghĩ nhiều về trường hợp của bạn. Từ lâu năng khiếu phi thường của chàng để dò xét và cảm nhận phẩm chất và khuynh hướng nơi kẻ khác đã cho chàng hiểu biết về Đan Thanh. Sự chói ngời sức sống tuôn phát từ nơi cậu con trai kia chỉ rõ điều ấy: cậu mang tất cả những dấu hiệu của một người có năng khiếu dồi dào trong giác quan và tâm hồn, có lẽ là dấu hiệu của một nghệ sĩ, tóm lại là của một người có năng lực tình cảm vô cùng phong phú. Số phận của cậu và đồng thời hạnh phúc của cậu, là bộc lộ hết nhiệt tình một cách vội vàng, và dâng hiến cả lòng mình. Thế thì tại sao con người đa cảm này, một người có thể cảm nhận một cách nồng nhiệt vẻ diễm kiều của một bông hoa, một buổi bình minh, một con ngựa, một thân chim vút cánh, một điệu nhạc và yêu tất cả những thứ ấy, tại sao một con người như thế lại khăng khăng muốn làm một người tri thức, một nhà khổ hạnh? Huyền Minh suy tư rất lâu về điều đó. Chàng biết rằng phụ thân của Đan Thanh cũng đã tán thành khuynh hướng ấy nơi người con. Nhưng ông có thể nào đã khơi dậy cái khuynh hướng ấy? Do bùa chú nào mà ông đã mê hoặc con để cậu tưởng đấy chính là thiên chức và bổn phận của cậu? Người cha ấy có thể là người thế nào? Mặc dù nhiều lần chàng đã lái cuộc đàm thoại về chuyện ông ta và Đan Thanh. Không ngại nói về ông, nhưng Huyền Minh vẫn không thể nào phát họa ông được, trong tư tưởng chàng không thể thấy rõ ông ta. Có phải là lạ lùng và khả nghi không? Mỗi khi Đan Thanh nói về một con cá hương mà cậu đã bắt hồi bé, khi cậu tả một con bướm, bắt chước tiếng hót một con chim, kể một chuyện gì về một người bạn, một con chó, một người hành khất, những lúc ấy những hình ảnh kia nổi bật lên, người ta thấy ngay chúng. Nhưng khi cậu nói về người cha, thì người ta không thấy được gì. Không, nếu người cha ấy quả đã có một bộ điệu quan trọng, đầy quyền năng trong đời Đan Thanh, thì cậu đã phác họa ông ta một cách khác, gợi nên những hình ảnh khác về ông ta. Huyền Minh không kính phục người cha ấy lắm, chàng không ưa ông ta, đôi khi chàng lại còn tự hỏi không biết ông ta có phải thật là cha của Đan Thanh chăng. Đấy chỉ là một thần tượng hão huyền. Nhưng sức mạnh, năng lực ông ta ở đâu? Làm sao ông đã có thể trút vào linh hồn người con những giấc mơ quá xa lạ với bản chất đích thực của cậu như thế?

Đan Thanh cũng miệt mài suy nghĩ. Mặc dù rất tin chắc ở tình yêu của bạn, cậu vẫn luôn luôn có một cảm thức khổ đau là đã không được bạn xét mình một cách đứng đắn, đã cứ bị đãi như một trẻ con. Và Huyền Minh có ý gì, khi luôn luôn làm cho cậu hiểu rằng cậu không giống như chàng?

Tuy nhiên những điều tư lự kia không lấp đầy chuỗi ngày của Đan Thanh. Cậu không có khả năng để suy tưởng lâu bền, cậu có việc khác để làm suốt ngày. Cậu thường chui vào nhà thầy thủ môn, người mà cậu rất thân thiết. Cậu không ngừng van xin hay lập mẹo để có dịp được leo lên cưỡi con ngựa Mây Mây một vài giờ và cậu lại rất thân với vài người làm trong tu viện, nhất là người coi máy xay; cậu thường cùng người nhà rình mò xem những con rái cá hoặc làm những chiếc bánh với một thứ bột mịn, mà Đan Thanh có thể nhắm mắt nhận ra ngay, chỉ cần ngửi mùi nó, giữa những thứ bột khác. Tuy cậu thường theo Huyền Minh, cậu vẫn còn nhiều thì giờ để dong ruổi theo những thói quen cũ và miệt mài theo những niềm vui cũ. Ngay những buổi lễ đối với cậu cũng thường mang đến nguồn vui. Cậu thích hợp xướng với những bạn học, đọc kinh trước một vị thánh mà cậu sùng bái, nghe giọng La Tinh tuyệt vời trong lễ mi- sa, cậu thích chiêm ngưỡng qua làn khói trầm hương quyện, ánh vàng lấp lánh của những vật thờ và trang hoàng thiêng liêng, cũng như nét mặt bình an khả kính của những vị thánh đứng trên các cây cột trụ, những tượng các vị thánh sứ với những con vật tượng trưng, thánh Jacques với chiếc bị và chiếc mũ của người hành hương.

Cậu cảm thấy lôi cuốn bởi những hình tượng bằng đá và gỗ ấy. Cậu thích tưởng tượng những dây liên hệ huyền bí giữa những thánh tượng kia, và con người của cậu thấy ở đấy những bậc cha đỡ đầu, những bậc che chở, hướng dẫn đời cậu, những đấng bất tử và toàn trí. Đồng thời cậu thấy một mối gần gũi thầm lặng và say sưa giữa những linh hồn mơn mởn của cậu với những chiếc cột trụ kia, những chót đỉnh của các cửa sổ và cổng chính, những vật trang hoàng các bàn thờ, những thánh giá và tràng hoa hình bán diện yêu kiều, những lá và hoa sinh trưởng điên rồ, thoát ra từ khe đá những cột trụ và uốn mình một cách đầy ám thị và cảm động. Cuộc sống bên cạnh thế giới thảo mộc và động vật này, sự hiện diện câm lặng của những nhân vật kia, những súc vật và cây cối bằng đá và gỗ kia, điều ấy đối với cậu có vẻ cao quý và huyền bí – một cách sâu xa, cậu thường dùng thì giờ lúc rảnh rỗi để vẽ lại những hình tượng ấy, những đầu súc vật, những khóm hoa và đôi khi cậu cũng thử vẽ những đóa hoa thật, những con ngựa thật, những mặt người thật.

Cậu cũng yêu thích tiếng hát trong giáo đường, nhất là những bài thánh ca xưng tụng Đức Mẹ đồng trinh. Cậu thích tiết điệu tuôn chảy không thay đổi vững vàng của những bài hát ấy, những lời cầu xin và chúc tụng trở lại không ngừng. Chàng có thể theo dõi ý nghĩ của chúng trong một chút trầm tư nồng nhiệt, cũng như quên đi ý nghĩa để chỉ yêu thích nhạc điệu trang trọng của những câu thơ và đón nhận vào lòng cậu, để nó tràn ngập những âm thanh sâu dài, những âm thanh dồn dập vỡ tan và giọng lặp đi lặp lại đầy kính tín. Tự trong tâm khảm cậu không ưa gì học vấn hay văn pháp, hay lý luận, mặc dù những thứ ấy đối với cậu cũng có vẻ đẹp riêng của chúng nhưng cậu ưa thích hơn thế giới đầy hình sắc và âm thanh của lễ thức.

Và luôn luôn có những lúc cậu biết phá tan sự cô lập bao phủ lấy cậu giữa những đồng bạn. Cuối cùng cậu thấy nhọc lòng và buồn chán vì bị xa lánh, bị vây quanh bởi sự lạnh nhạt. Luôn luôn cậu tìm cách làm cho một người bạn cùng bàn phải cười lớn, một bạn gần giường vốn im lặng phải chuyện trò. Cậu chịu khó trong một giờ, tiêu thêm tiền để tỏ ra khả ái và chẳng bao lâu kéo được về mình những đôi mắt, khuôn mặt, trái tim của vài người bạn. Có hai lần, vì những nỗ lực làm thân ấy, cậu phải gợi lại hoàn toàn ngoài ý muốn việc “đi vào làng” khi ấy cậu bắt đầu sợ hãi và rùng mình bỏ đi. Không, cậu sẽ không “vào làng” nữa. Cậu đã quên được cô bé tóc bím, đã có thể không bao giờ nghĩ đến cô nữa, hay ít nhất, hầu như không bao giờ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.