Nhà Khổ Hạnh và Gã Lang Thang

Chương 10 (Phần 2)



– Ước muốn ấy là gì?

– Tôi muốn làm người tập sự và học việc bên cạnh thầy.

– Cậu không phải là người độc nhất muốn điều đó. Nhưng tôi không thích kẻ tập sự, tôi đã có hai người thợ bạn. Vậy chớ cậu ở đâu đến và song thân là ai?

– Tôi không có cha mẹ, cũng chẳng từ đâu đến. Tôi là học trò trong một tu viện, tôi đã học hai thứ tiếng Hy Lạp và La Tinh, sau đó tôi trốn đi và từ mấy năm nay tôi lang thang mãi cho đến hôm nay.

– Sao cậu có ý nghĩ là cậu trở thành một nhà điêu khắc? Cậu đã thử làm lần nào chưa? Cậu biết vẽ chứ?

– Tôi đã vẽ rất nhiều, nhưng không còn bức nào cả, và điều đã khiến tôi khao khát học về nghệ thuật này, tôi có thể thưa rõ cùng thầy. Tôi đã thường nghiền ngẫm nhiều ý nghĩ, tôi thường thấy nhiều khuôn mặt và nhiều dáng vóc, và tôi đã nghĩ về chúng, có nhiều khuôn mặt luôn luôn ám ảnh tôi, không hở một phút giây. Tôi đã giật mình nhận ra rằng trong một con người, ta có thể bắt gặp lại một hình dáng, đường nét nào, bất cứ nơi đâu luôn luôn có một sự tương xứng giữa cái trán với chiếc đầu gối và đôi vai, với chiếc hông, và tất cả đều đồng thể với bản chất thâm sâu, với tâm hồn con người có đầu gối, vầng trán và đôi vai như thế. Và còn một điều nữa khiến tôi chú ý, một điều tôi đã khám phá trong đêm nọ khi tôi phải giúp cạnh một người đàn bà đang lâm bồn, điều ấy là cơn đau cùng cực và khoái lạc tuyệt vời của nhục thể, cả hai đều có những nét diễn tả như nhau.

Ông thầy nhìn đăm đăm vào chàng trai lạ mặt.

– Cậu biết rõ điều cậu vừa nói chứ?

– Thưa thầy vâng, đúng như thế, chính điều ấy đã làm tôi sung sướng và kinh ngạc khi thấy nó được biểu hiện nơi tượng Đức Mẹ của thầy và cũng vì thế mà tôi phải đến đây. Có một vẻ gì thật đau đớn trên khuôn mặt yêu kiều ấy, đồng thời tất cả đớn đau ấy đều như lột xác để biến thành hạnh phúc tinh thuần và thành nụ cười. Khi nhận thấy điều trên, một ngọn lửa như bừng lên trong tôi, tất cả những ý nghĩ, tất cả những giấc mơ tôi đã mang theo từ mấy năm qua, tất cả đều được xác nhận, chúng không còn là những điều hư hoặc nữa. Tức thì tôi hiểu ngay mình phải làm gì và phải đi đâu. Thưa thầy, tôi xin thầy với tất cả tấm lòng, hãy cho tôi được tập việc cạnh thầy.

Không Lộ vẫn chú ý nghe nhưng không tỏ vẻ niềm nở hơn.

Này cậu bé, điều cậu bàn về nghệ thuật rất hay, tôi đã ngạc nhiên về điều ấy. Tôi cũng kinh ngạc khi thấy cậu còn trẻ, thật quá trẻ mà đã chứng nghiệm được bí ẩn thâm sâu của sự khoái lạc cùng đau khổ. Tôi sẽ rất vui mừng được tiếp chuyện cùng cậu về những vấn đề ấy vào một buổi tối nào đó bên ly rượu ngọt. Nhưng cậu thấy đó, thích thú trò chuyện cùng nhau với làm việc bên nhau năm này qua tháng nọ là hai chuyện khác hẳn. Khi cậu ở trong xưởng nơi mọi người đang làm việc, sự tán gẫu sẽ không có ; điều đáng kể ở đây, không phải là ý nghĩa mỗi người có trong đầu để diễn tả ra, mà là điều mỗi người có thể sáng tạo bằng đôi tay mình, chỉ độc nhất có điều đó. Cậu có vẻ tha thiết thật sự, vì vậy tôi không muốn mời cậu ra cửa ngay, ta hãy xem cậu có khả năng làm ra một việc gì không. Cậu đã tập nặn đất hay sáp gì chưa?

Đan Thanh nghĩ ngay đến một giấc chiêm bao đã mơ từ lâu: chàng đang nặn những hình tượng nhỏ bằng đất sét, bỗng tự nhiên tất cả đều dựng đứng, biến ra thật to lớn. Nhưng chàng không nói đến những điều đó mà chỉ trả lời rằng chưa hề thử những công việc ấy.

– Thôi được, cậu thử vẽ một cái đi. Bàn nơi kia, có sẵn giấy và than đó, cậu hãy ngồi và vẽ đi. Cứ thong thả. Cậu có thể ngồi đến trưa, đến chiều cũng được. Có thể tôi sẽ thấy cậu khá về gì. Thôi, bây giờ nói đã khá nhiều, tôi phải làm việc của tôi, cậu vẽ đi.

Đan Thanh ngồi vào bàn nơi Không Lộ đã chỉ định. Chàng không hấp tấp bắt tay vào việc ngay; chàng ngồi yên chờ đợi như một chú học sinh nhút nhát, tò mò và yêu thích, nhìn theo ông thầy đang quay lưng về phía mình và tiếp tục đẽo gọt một khuôn hình nhỏ bằng thạch cao. Chàng ngắm người đàn ông nghiêm khắc, tóc đã lốm đốm bạc, đôi tay thành thạo cứng rắn nhưng thanh nhã và đầy hứng thú, có sức mạnh tạo ra những ma lực lôi cuốn. Người thầy điêu khắc không giống như con người chàng tưởng tượng, ông ta già hơn, khiêm cung hơn, nhưng kém hẳn vẻ tươi vui và thiện cảm, hình như không một chút nào sung sướng. Đôi mắt ông sắc bén không thể tả bây giờ đang chiếu xuống tác phẩm của ông, tia nhìn kia không còn đè nặng lên người chàng nữa. Chàng có thể tưởng tượng cả con người ông rõ ràng. Chàng tự nhủ, con người này rất có thể là một nhà thông thái, một người đi tìm chân lý trong yên lặng và nghiêm khắc đang để hết mình vào một tác phẩm đã được số đông người trước khởi công, và một ngày kia ông ta sẽ truyền lại cho những người khác, một công việc đòi hỏi lao tâm khổ trí, có khi không bao giờ hoàn tất. Những thế hệ đều phải tận tụy gắng công. ít ra đó là điều mà chàng đã đọc được trên những đường nét của ông thầy bằng nhiều kiên nhẫn, nhiều khả năng và suy tưởng, nhiều khiêm tốn và ý thức về sự bất lực trong mọi tác phẩm nghệ thuật loài người nhưng đồng thời còn có niềm tin vào sứ mệnh mình, tất cả đều in dấu trên những đường nét đó. Đôi tay của nhà điêu khắc tuyệt vời lại nói lên một ngôn ngữ khác. Những ngón tay nặn thạch cao như đôi tay ve vuốt người yêu đã buông thả toàn thân nóng bỏng, những ngón tay run rẩy với những cảm giác yêu đương, với sự dịu dàng không phân biệt, những ngón tay vừa nhiệt tình vừa kính cẩn, chúng có vẻ nắm vững chắc chắn một kinh nghiệm thâm sâu xưa cũ như mặt đất. Đan Thanh thích chí chiêm ngưỡng đôi tay giáng phúc ấy. Nếu không có sự tương phản giữa khối óc và đôi tay làm tê liệt nó thì đấy hẳn là một hình ảnh chàng ưa thích phác họa.

Sau một giờ ngồi nhìn ông thầy làm việc, không bận tâm đến những điều khác, chăm chú dò xét người đàn ông; một hình ảnh khác từ đáy lòng bắt đầu hiện ra, trở nên rõ rệt trong chàng, bóng dáng của người chàng quen biết hơn tất cả, người chàng yêu mến và thán phục; và hình ảnh này không một rạn nứt, không một sự lỗi nhịp nào dù rằng nó cùng chứa nhiều nét rất khác biệt nhau, nhắc chàng nhớ đến những xung đột. Đó là hình ảnh của người bạn chàng, Huyền Minh. Mỗi lúc hình dáng mỗi cô đọng và Huyền Minh hiện ra như một toàn thể, quy luật thiết thân của người chàng yêu mến mỗi lúc một đậm nét trong trí chàng: chiếc đầu thanh nhã biểu lộ thông minh, chiếc miệng xinh đẹp, cao quý bởi phụng sự, tri thức và tuân phục kỷ luật, đôi mắt thoáng vẻ sầu tư, hai vai mảnh dẻ, chiếc cổ dài và đôi tay thanh tú dịu dàng biểu lộ một nỗ lực thấng vượt ra ngoài vật chất. Đã lâu kể từ khi chàng rời tu viện Thánh n, chưa bao giờ chàng thấy bạn rõ ràng như vậy, chưa bao giờ chàng nắm vững bóng hình bạn sống trong chàng mãnh liệt đến thế.

Như trong mơ, như có một cái gì khẩn thiết buộc chàng phải ngoan ngoãn vâng theo, Đan Thanh bắt đầu vẽ. Với lòng trìu mến kính cẩn, những ngón tay chàng phác họa những nét đại cương hình ảnh đang ngự trị trong tim chàng. Chàng đã quên tất cả, quên luôn nơi chàng ngồi. Chàng chẳng biết ánh sáng đang từ từ di chuyển trong căn phòng; chàng chẳng thấy ông thầy thinh thoảng liếc mắt vào tác phẩm của chàng. Đan Thanh hoàn thành công việc như một nghi thức thiêng liêng buộc chàng phải làm công việc mà trái tim chàng đã ra lệnh, đó là bức chân dung Huyền Minh, để giữ mãi trong lòng chàng bóng hình thân yêu sống động trong hồn chàng ngày hôm đó. Chàng có cảm tưởng làm công việc ấy là để trả một món nợ, để bày tỏ một tấm lòng tri ân.

Không Lộ lại gần chàng và bảo:

– Trưa rồi, tôi phải đi ăn, cậu có thể dùng bữa với chúng tôi. Cho tôi xem một chút nào, xem cậu đã vẽ được gì rồi?

Nhà điêu khắc đứng sau lưng chàng, khẽ đẩy chàng ra để nhìn vào tấm giấy lớn, đôi tay khéo léo cầm lấy bức họa một cách thận trọng. Đan Thanh đã tỉnh cơn mơ mộng và ngước nhìn thầy bằng cặp mắt lo âu, chờ đợi. Giữ bức họa trong hai tay, ông ta đứng ngắm hai con mắt xanh nghiêm khắc và long lanh sáng. Một lát sau ông hỏi:

– Cậu vẽ ai đây?

– Đó là một người bạn của tôi, một tu sĩ trẻ, một nhà thông thái.

– Được rồi, cậu hãy rửa tay, bồn nước ngoài sân kìa. Sau đó ta sẽ đi ăn. Những ông thợ bạn của tôi không ở đây, họ làm việc ở ngoài.

Đan Thanh ngoan ngoãn đi ra, chàng rửa tay và ước ao được biết ý kiến của thầy. Khi chàng trở lại phòng, ông ta đã đi đâu mất. Chàng nghe tiếng ông khua động ở phòng bên; khi ông trở ra, ông cũng đã rửa tay xong, chiếc áo làm việc đã thay vào bộ đồ dạ rất đẹp khiến ông có vẻ đường bệ, oai phong. Ông đi trước, cả hai leo lên cầu thang có tay vịn bằng gỗ hồ đào tạc tượng đầu thiên thần, họ qua gian phòng ngoài chứa những pho tượng cổ điển lẫn tân thời, rồi bước vào một căn phòng rất đẹp; sân, vách và trần nhà đều lót gỗ tốt, chiếc bàn ăn được đặt trong phòng cạnh cửa sổ. Một cô gái chạy ra: cô gái chàng đã nhìn thấy hôm trước.

– Ly Phương, con dọn thêm bát đũa, cha có một người khách, đó là, à cha cũng chưa được biết tên.

Đan Thanh nói tên mình.

– À, cậu Đan Thanh, chúng ta ăn được chưa?

– Vâng, xin cha chờ một lát.

Cô gái tìm một cái đĩa rồi đi ra, sau đó trở vào với mụ đàn bà giúp việc mang theo các món ăn: thịt heo, đậu và bánh mì. Trong bữa ăn hai cha con nói chuyện này chuyện kia luôn miệng. Đan Thanh ngồi im lặng, chàng ăn không được nhiều và cảm thấy tù túng, khó chịu. Nhưng cô gái rất hợp nhãn chàng, dáng nàng đẹp khỏe mạnh, cao gần bằng cha, nhưng nàng giữ một thái độ nghiêm trang cách biệt như đàng sau một tấm gương, nàng không nhìn, không trao đổi một lời nào với người khách lạ.

Bữa ăn đã xong, ông thầy bảo:

– Tôi muốn nghỉ ngơi nửa giờ. Cậu hãy vào trong xưởng mà dạo chơi, sau đó chúng ta sẽ bàn vào chương trình của cậu.

Đan Thanh kiếu từ đi ra. Ông thầy đã xem bức vẽ của chàng cả tiếng đồng hồ mà chẳng nói gì về chuyện đó cả. Và bây giờ còn phải đợi nửa giờ nữa. Không làm sao hơn, chàng đành đợi vậy. Đan Thanh không vào xưởng, bây giờ chàng không muốn xem lại tác phẩm chàng. Chàng đi ra sân, ngồi trên thành giếng, nhìn dòng nước con con tuôn ra không ngừng từ chiếc máng xuống đến bệ đá sâu, dòng nước đổ tạo thành đợt sóng li ti, kéo theo những bọt không khí chìm sâu xuống rồi nổi lên như từng chuỗi ngọc trắng. Chàng nhìn thấy bóng hình in trong gương nước, chàng nghĩ tên Đan Thanh đó, tên đang nhìn chàng từ đáy nước sâu không còn là tên Đan Thanh của tu viện hay tên Đan Thanh của cô gái Liên Đài, cũng không là tên Đan Thanh của rừng thẳm. Chàng tự nhủ là mình, cũng như tất cả mọi người, sống trôi lăn, biến chuyển không ngừng để sau cùng vở tan trong khi hình ảnh do người nghệ sĩ sáng tạo vẫn không đổi dời, vẫn trường tồn mãi mãi.

Có phải chăng căn nguyên của mọi nghệ thuật và có lẽ ngay cả của mọi tư tưởng chính là sự sợ hãi đối với cái chết. Chúng ta sợ chết, chúng ta rùng mình trước cuộc đời dâu bể, ta buồn nhìn cánh hoa tàn úa, lá rụng mỗi năm; hiển nhiên trong lòng chúng ta cảm thấy mình cũng là sinh vật phù du, chẳng mấy chốc sẽ tàn tạ rã rời. Khi là nghệ sĩ, ta sáng tạo những hình dáng, hoặc là nhà tư tưởng ta tìm ra những định luật hay lập thành những ý nghĩ, chúng ta đều hành động như thế để cứu vãn một cái gì trong trò đùa ma quái ấy, để giữ lại một cái gì tương đối dài lâu hơn chúng ta. Người đàn bà mẫu pho tượng Đức Mẹ có lẽ nhan sắc đã tàn tạ, hoặc đã chết, ngay chính ông thầy không lâu ông cũng sẽ chết, những kẻ khác ở trong ngôi nhà này, ăn ở chiếc bàn kia, nhưng tác phẩm của ông vẫn còn đó, trong nhà nguyện lặng lẽ, nó sẽ còn rạng rỡ hàng trăm năm sau với nụ cười buồn trong tuổi thanh xuân bất diệt.

Chàng nghe tiếng ông thầy bước xuống thang và đi nhanh về phía xưởng. Không Lộ đi qua đi lại, thỉnh thoảng nhìn vào bức họa của chàng, sau cùng ông ta dừng lại bên cánh cửa sổ và ngập ngừng nói với giọng khô khan:

– Ở đây kẻ học nghề thường mất ít ra là bốn năm và phụ huynh phải trả thù lao cho thầy.

Khi ông ta ngừng nói Đan Thanh tưởng nhà điêu khắc sợ chàng không có tiền trả. Chàng vội lấy con dao trong túi, nhanh tay cắt đường chỉ khâu trong áo để rút đồng tiền vàng đưa ra. Không Lộ ngạc nhiên nhìn chàng và bật lên cười khi chàng đưa đồng tiền cho ông.

– À, ra cậu hiểu như thế? Không phải đâu. Cậu hãy giữ nó và nghe đây. Tôi đã nói đó là thông lệ trong phường thợ của chúng tôi. Nhưng tôi không phải như những thầy khác, và cậu cũng chẳng phải như nhúng đứa bé tập sự kia. Cậu phải biết, một thằng bé học nghề từ mười ba mười bốn cùng lắm là mười lăm, suốt một nửa thời gian học nghề, nó chỉ được dọn dẹp và chạy vặt. Nhưng với cậu, cậu đã lớn quá, với số tuổi của cậu, cậu có thể đã là thợ bạn hoặc thầy từ lâu. Một người học nghề râu ria như cậu thật tôi chưa từng thấy. Ngoài ra, tôi không muốn có ai tập sự trong nhà tôi cả. Cậu không có vẻ là một kẻ chịu để người ta sai vặt. Đan Thanh đã sốt ruột đến cùng cực, mỗi lời nói quanh co của ông thầy như mỗi đòn tra tấn, ông ta có vẻ dạy đời quá đáng, chàng kêu lên:

– Nếu thầy không muốn dạy nghề cho tôi sao thầy lại nói với tôi những lời như thế?

Không bối rối, ông ta vẫn giữ nguyên giọng như trước.

– Tôi đã suy nghĩ một tiếng đồng hồ về lời thỉnh cầu của cậu, giờ đây cậu cũng nên kiên nhẫn mà nghe tôi nói. Tôi đã nhìn bức họa của cậu, có nhiều nét sai, nhưng tuy vậy cũng rất đẹp, nếu không tôi đã cho cậu ít tiền rồi mời cậu ra cửa và quên cậu đi. Tôi không muốn nói nhiều đến công việc của cậu. Tôi chỉ muốn giúp cậu trở nên một người nghệ sĩ. Có lẽ đó chính là thiên tính của cậu. Nhưng cậu không thể làm một kẻ học nghề được nữa và hễ ai chưa từng làm kẻ tập sự và hoàn tất bổn phận của họ trong bấy nhiêu, kẻ đó không thể là thợ bạn hay thầy trong phường được. Cậu nên biết trước điều ấy. Nhưng cậu cố thử xem sao. Nếu cậu có thể ở lại đây, trong thành phố này một thời gian, cậu có thể đến nhà tôi học một vài điều. Chuyện đó không có gì bắt buộc, không có gì ký kết cả; cậu có thể bỏ đi tùy thích. Cậu có thể làm gãy vài con dao khắc, làm hỏng vài miếng gỗ và khi cậu thấy mình không phải là một nghệ sĩ điêu khắc, cậu sẽ xoay sang việc khác. Cậu có bằng lòng như thế không?

Đan Thanh đã lắng nghe, hổ thẹn và cảm động, chàng  nói:

– Tôi xin cám ơn thầy với tất cả tấm lòng. Tôi sống không nhà không cửa và tôi có thể xoay sở sống ở thành thị cũng như trong rừng. Tôi hiểu rằng thầy không muốn nhận lấy lo âu và trách nhiệm về tôi như một kẻ tập việc. Thật vô cùng may mắn cho tôi được học với thầy, tôi rất cám ơn thầy đã vui lòng cho tôi học.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.