Nhà Khổ Hạnh và Gã Lang Thang

Chương 16 (Phần 2)



Đan Thanh chẳng chú ý gì đến tu sĩ hoặc lính gác. Chàng không trông thấy gì nhưng bó đuốc vẫn cháy bập bùng bao phủ gương mặt chàng. Chàng chói mắt nhắm lại. Và phía sau ánh sáng, trong bóng mờ đầy kinh hãi, chàng đã thấy một cái gì khác, một cái gì không hình dạng, to lớn, ma quái: là vực thẳm, là tận cùng, là cõi chết. Chàng đứng đây, đôi mắt đăm đăm, chẳng nghe, chẳng thấy. Một trong hai vị linh mục thì thầm hỏi chuyện tên lính gác. Khi ông ta biết đó là một kẻ trộm bị xử tử hình, ông ta hỏi xem có ai rửa tội chưa. “Không,” bọn lính nói, “hắn vừa bị bắt quả tang.”

– Vậy sáng mai tôi sẽ đến với hắn, vị linh mục nói. Trước phiên lễ đầu tôi sẽ làm phép bí tích cho hắn và nghe hắn xưng tội. Các anh phải thề với tôi là trước lúc ấy không được mang hắn đi hành quyết. Tôi sẽ nói với Bá tước ngay tối nay. Dù là một tên trộm, hắn vẫn được quyền xưng tội và được lãnh phép thánh như mọi tín đồ Thiên Chúa khác.

Bọn lính không dám cưỡng lệnh. Họ biết oai quyền của vị linh mục. Ông ta thuộc phái đoàn tòa thánh, và đã nhiều lần dự tiệc với Bá tước. Vả lại tại sao tước đoạt quyền xưng tội của một kẻ đói rách lêu lổng?

Hai vị linh mục bước đi. Đan Thanh đăm đăm nhìn theo. Cuối cùng tên tớ mang chìa khóa đến và mở cửa. Kẻ tội phạm được dẫn tuốt vô trong xà lim, sau vài bước hắn đã hụt chân ngã xuống. Trong hầm có hai chiếc ghế đẩu ba chân được đặt chung quanh chiếc bàn, đó là một căn phòng phía trước hầm chứa rượu. Họ đẩy một cái ghế về phía Đan Thanh và bảo chàng ngồi xuống.

– Ngày mai có linh mục đến làm lễ xưng tội cho anh, một tên lính nói. Rồi họ đi ra, cẩn thận khóa cánh cửa nặng nề.

– Để lại cho tôi ngọn đuốc đi, anh bạn, Đan Thanh van xin.

– Không được bồ ơi! Anh sẽ dùng nó để làm bậy. Hay nhất là hãy tập quen với bóng tối, bó đuốc đâu có sáng lâu, chỉ trong vòng một giờ. Chúc anh ngủ ngon.

Bây giờ chỉ có chàng một mình trong bóng tối. Chàng ngồi trên chiếc ghế đẩu và gục đầu lên bàn. Thật khổ phải ngồi kiểu này; dây trói quanh cổ tay làm chàng đau; nhưng chỉ sau này cảm giác ấy mới thấm nhập vào ý thức chàng. Ban đầu chàng chỉ buồn, dù đầu chàng đang ở trên bàn hay bị chém đi, chàng phải nhận chịu điều không thể tránh, phải nhận chịu chết.

Chàng đã vĩnh viễn ngồi trên đoạn đường này, cong người xuống một cách khốn khổ, cố gắng hứng chịu những gì đã đặt để cho mình, sống và thở với số mệnh. Trời đã tối, đêm đã khuya và phút cuối của đêm nay cũng là phút cuối đời chàng. Đó là những điều chàng phải ý thức. Ngày mai chàng sẽ không còn sống nữa. Chàng sẽ bị treo cổ, một miếng mồi cho lũ chim đậu lên và mổ nát. Chàng sẽ như thầy Không Lộ, như Lan nằm trong căn chòi cháy thiêu, như tất cả những người chàng đã thấy chồng chất trên những cỗ xe tang. Không dễ gì chịu đựng và phó mặc. Tuyệt đối không thể nào không chịu như vậy. Còn quá nhiều thứ chàng chưa thể rời bỏ, chưa nói lời từ biệt. Giờ khắc của đêm nay vừa đừng để cho chàng làm công việc ấy.

Chàng phải nói lời từ giã nàng Ái Liên kiều diễm. Mãi mãi chàng sẽ không bao giờ nhìn lại vóc dáng cao lớn, mái tóc vàng óng ánh, đôi mắt xanh lạnh mát, luồng điện trong ánh mắt kiêu kỳ, lông măng vàng mịn trên làn da thơm ngọt. Giã từ đôi mắt xanh, bờ môi tình tứ mà chàng đã ước mong được hôn lên thật nhiều lần. Ôi, chỉ mới buổi mai hôm nay trên ngọn đồi, trong ánh nắng cuối thu, chàng đã nhớ đến nàng! Và chàng cũng phải giã biệt cả đồi vắng, ánh dương, bầu trời lơ lững những áng mây trắng, mây xanh, cây cỏ và rừng hoang, năm tháng lang thang, giờ khắc thoảng đưa và bốn mùa thay đổi. Có lẽ cho đến bây giờ Mai vẫn ngồi đấy, Mai đáng thương với đôi mắt trữ tình và dáng di khập khiễng, luôn luôn ngồi và chờ đợi, ngủ thiếp đi trong nhà bếp, rồi lại thức giấc, nhưng không khi nào Đan Thanh có thể quay về được nữa.

Ôi! Những giấy và bút, tất cả những gương mặt mà chàng muốn tạo dựng. Hết, hết cả rồi! Và cả niềm hy vọng gặp lại Huyền Minh, nhìn lại tượng Thánh Gioan yêu dấu, tất cả đều chấm dứt.

Rồi chàng còn phải giã từ tay và mắt chàng, đói và khát, những đêm ân ái, lúc đàn hát, khi ngủ vùi, đi dạo, giã từ tất cả. Ngày mai, một cánh chim sẽ bay ngang trời không những Đan Thanh sẽ không còn trông thấy nữa, một cô gái sẽ hát lên từ khung cửa sổ nhưng chàng sẽ không còn nghe nữa, dòng sông sẽ uốn quanh và đàn cá vẫn lội lặng lẽ trong bóng tối, gió vẫn thổi cuốn đi những chiếc lá vàng úa rụng trên mặt đất, mặt trời vẫn chiếu và biết bao tinh tú lấp lánh trên không, đám thanh niên vẫn còn nhảy nhót, cụm hoa tuyết đầu tiên đang trải dài trên đỉnh núi xa xăm – tất cả đều tiếp tục sinh sống, cây xanh vẫn rọi bóng, người ta vẫn vui hoặc buồn hiện rõ trong ánh mắt sống động, chó vẫn sủa, bò vẫn rống trong chuồng làng quê, tất cả đều có mặt trừ Đan Thanh.

Chàng nhớ lại hương thơm sáng sớm trên bãi đất hoang, mùi rượu nho dịu ngọt, trái hồ đào đặc ruột, ký ức chàng xoay quanh cảnh trí tươi sáng của thế giới muôn màu trong một cõi lòng tan nát. Tất cả cuộc đời chàng hỗn tạp một cách kỳ ảo, một lần nữa, cảm quan chàng lại bừng sáng và sầu khổ trào tuôn. Chàng muốn khóc, khóc để những giọt nước mắt chảy dài. Chàng nức nở và chìm sâu vào triều sóng tuyệt vọng. Những giọt lệ dâng trào làm chàng quỵ ngã, chàng tự buông trôi vào cơn đau cùng cực. Ôi thung lũng và rừng cây, những dòng suối hai bên bờ cây du mọc xanh rờn, hỡi các cô gái, hỡi những đêm chan hòa ánh trăng trên các nhịp cầu, hỡi thế giới rực rỡ hình ảnh mỹ miều. Tại sao tôi phải rời bỏ các người? Chàng than khóc, nằm dài trên bàn như một đứa trẻ thảm sầu. Từ nỗi lòng thống khổ, một hình bóng, một oán trách khẩn cầu hiện đến: “Mẹ, mẹ ơi!”

Và khi chàng gọi lên tiếng nói thần diệu, một hình ảnh đáp lại từ tận cùng ký ức chàng, hình ảnh mẹ chàng. Không phải gương mặt do chàng tư duy, hoặc hiện ra trong những cơn mơ nghệ thuật. Đó là hình ảnh người mẹ của riêng chàng, thật đẹp và sinh động chàng chưa từng trông thấy kể từ khi rời khỏi tu viện. Chàng đã gởi về mẹ lời cầu nguyện, chàng đã than thở với mẹ nỗi thống khổ không chịu nổi vì bị bắt buộc chết, chàng đã tự buông trôi hướng về mẹ, dâng tặng mẹ cả rừng xanh mặt trời, mắt chàng, tay chàng, chàng xin đặt cả cuộc đời chàng trong vòng tay mẹ âu yếm.

Chàng khóc thật nhiều rồi đi vào giấc ngủ; kiệt lực và giấc ngủ như người mẹ đã bế chàng vào vòng tay. Chàng ngủ vùi khoảng một đến hai giờ, thoát khỏi nỗi đau.

Chàng tỉnh dậy và thấy đau kinh khủng, cổ tay bị trói sưng lên nhức nhối, cơn đau xâu xé trên cổ và lưng. Chàng đau đớn khi đứng lên; chàng nhớ lại tất cả và biết rõ hiện đang ở đâu. Chung quanh chàng đều là bóng tối. Chàng không rõ đã ngủ được bao nhiêu lâu, còn được sống đến mấy giờ nữa. Có thể họ sẽ đến bất kỳ lúc nào để đưa chàng vào cõi chết. Rồi chàng nhớ lại người ta hứa cho một linh mục đến rửa tội. Chàng không nghĩ rằng các phép thánh sẽ tốt đẹp cho chàng. Chàng cũng không biết rằng ngay cả sự giải tội hoàn toàn có thể mang chàng lên thiên đàng chăng? Chàng không hiểu là nước thiên đàng có hay không, có đức Chúa Cha, có phán xét, có vĩnh cửu hay không. Đã từ lâu chàng đánh mất niềm tin.

Nhưng dù cho có vĩnh cửu hay không chàng cũng không mong ước, chàng không muốn gì cả, chỉ muốn sống một cuộc đời bấp bênh trần thế. Chàng ngồi dậy giận dữ, sờ soạng tìm đường đến bức tường trong bóng tối và bắt đầu suy nghĩ. Dù sao phải có một lối thoát chứ! Có thể vị linh mục là lối thoát. Chàng có thể thuyết phục để ông ta tin chàng vô tội, để ông ta bênh vực chàng nhân danh mục sư hoặc xin ân xá cho chàng hoặc giúp chàng trốn thoát? Chàng xoay quanh những ý tưởng ấy. Dù có hão huyền chàng vẫn không thể rời bỏ một khi ván cờ vừa bày ra. Ban đầu chàng phải cố thắng vị linh mục. Dù khó khăn cách mấy chàng sẽ cố mê hoặc vị linh mục, để ông ta chịu lao vào kế hoạch của chàng, thuyết phục ông ta, nịnh hót ông ta. Linh mục là lá bài tốt nhất trong tay chàng; những điều khác đều là chiêm bao. Ngoài ra còn sự bất ngờ và định mạng: kẻ treo cổ chàng có thể bị đau bụng, cọc treo có thể bị gãy đổ, cơ hội trốn thoát thình lình có thể xảy đến. Dù thế nào đi nữa Đan Thanh cũng không chịu chết một cách vô vọng và nhận chịu định mạng. Chàng phải kháng cự lại, phải chiến đấu, chàng phải đá chân tên gác, tấn công kẻ treo cổ, chàng phải đánh ngã chúng vì mạng sống của chàng trong giây phút cuối cùng này, cho đến giọt máu sau chót. Ôi, nếu chàng thuyết phục được vị linh mục mở trói cho chàng! Mục tiêu lớn lao kia sẽ thành tựu.

Trong khi ấy, chàng đã cố, dù còn đau buốt, dùng răng cắn đứt dây trói. Chàng gắng sức mãnh liệt và thành công, sau khoảng thời gian lâu kinh khủng, chàng đã làm sợi dây hơi lỏng ra. Chàng đứng trong bóng đêm nhà ngục thở hổn hển, cánh tay sưng vù và đôi tay nhức nhối. Khi chàng trở lại điều hòa, chàng lết dọc theo bờ tường, từng bước một, khám phá chỗ ướt nơi cạnh tường nhô ra. Rồi chàng nhớ lại những bước chân hụt ngã trong nhà ngục này. Chàng đã tìm ra. Chàng quỳ xuống và cố cứa sợi dây trói trên cạnh sắc của thềm đá. Thật là khó khăn. Quanh đi quẩn lại chỉ có cổ tay chàng, thay vì dây trói, đụng vào đá, đau tóe lửa và máu tuôn lênh láng. Nhưng chàng không chịu thua. Khi một tia sáng tinh sương chiếu rõ qua khe cửa, chàng đã thành công. Dây trói đã đứt, chàng có thể tháo ra, tay chàng đã được tự do. Nhưng sau đó chàng không thể cử động các ngón tay. Bàn tay chàng vẫn còn sưng húp và chết cứng, và cánh tay chàng tê dại cho đến đôi vai. Chàng phải tập cử động cho máu lưu thông trở lại. Bây giờ chàng đã có một mưu kế rất hay.

Nếu chàng không thể thuyết phục vị linh mục giúp đỡ chàng, và nếu họ để một mình vị linh mục với chàng dù trong thời gian thật ngắn, chàng sẽ giết ông ta với chiếc ghế đẩu. Chàng không thể bóp cổ vì tay còn yếu. Trước tiên phải đập chết vị linh mục rồi chuồn nhanh dưới lớp áo của ông ta. Khi thiên hạ phát giác người chết, chàng đã chạy xa khỏi tòa lâu đài, rồi chạy, chạy mãi. Mai sẽ để cho chàng vào nhà và che giấu chàng. Mưu tính này phải thực hiện bằng được.

Chưa bao giờ trong đời chàng, Đan Thanh ngắm nhìn sáng sớm tinh mơ một cách chăm chú, thèm muốn và hãi sợ như vậy. Chàng rùng mình, đầu óc quá căng thẳng vì quyết định trên, chàng quan sát mảnh ánh sáng dưới cánh cửa từ từ tỏ dần. Chàng trở lại nơi bàn, ngồi co ro trên chiếc ghế đẩu, tay bó gối, như vậy dây trói tháo khỏi cổ tay sẽ không bị nhận ra ngay. Kể từ lúc tay chàng được tự do chàng không tin là chàng phải chết nữa. Chàng cả quyết là sẽ thoát khỏi dù cả thế giới có phải vở tan ra. Chàng đã quyết định là phải sống với bất cứ giá nào. Mũi chàng phập phồng vì khao khát tự do và sống còn. Nào ai biết được, có thể có người nào đó ở bên ngoài sẽ đến cứu chàng. Ái Liên tuy là một người đàn bà nhưng nàng đã yêu chàng; có thể nàng sẽ làm một điều gì giúp chàng. Có thể chị Bạch bồi phòng đang quanh quẩn bên ngoài, và còn gã giữ ngựa đáng tin cậy? Và nếu không ai xuất hiện và không dấu hiệu nào đến với chàng, cũng được, chàng sẽ thi hành kế hoạch của chàng. Nếu không thành công, chàng sẽ giết lính gác với chiếc ghế đẩu, hai hoặc ba tên; càng nhiều nếu chúng xông vào nhiều. Chắc chắn chàng được một thuận lợi: mắt chàng đã quen với bóng tối xà lim. Bây giờ chàng nhận ra bằng trực giác tất cả đường nét, vóc dáng trong bóng mờ, mà những người khác lại quáng mắt khi mới bước vào.

Chàng nóng nảy nằm co ro trên bàn, nghĩ thật chu đáo phải nói thế nào với vị linh mục để đạt được sự hỗ trợ của ông ta, vì đó là điểm then chốt để khởi sự. Cùng lúc chàng khao khát nhìn ánh sáng đơn sơ đang bừng tỏa từ khe hở. Hiện giờ chàng mong muốn đến độ tuyệt vọng giây phút mà chàng đã lo sợ từ nhiều giờ qua. Chàng phải đợi một cách khó nhọc; thần kinh căng thẳng khủng khiếp và khó chịu đựng nổi nếu kéo dài lâu hơn. sức mạnh, cẩn trọng, năng lực của chàng trong quyết định này đang giảm dần. Lính gác phải đến nhanh với vị linh mục khi đôi tay chàng đã sẵn sàng thì ý chí cương quyết tự cứu thoát vẫn còn mạnh mẽ.

Cuối cùng thế giới bên ngoài đều thức dậy, kẻ thù nghịch tiến đến gần. Những bước chân vang lên trên nền gạch trong sân, chìa khóa được đút vào lỗ và vặn mạnh, mỗi tiếng động nổ lên như sấm sét sau thời gian dài lặng chết.

Thật chậm cánh cửa mở một khe hở, bản lề kêu lên cọt kẹt. Linh mục bước vào một mình, không lính gác, mang một chiếc thánh giá cắm hai ngọn nến khác xa những gì tên từ tội đã tưởng tượng.

Diễn biến thật lạ lùng: linh mục bước vào, sau lưng ông một bàn tay vô hình kéo cửa đóng lại, ông ta mặc y phục của tu viện Thánh n, chiếc áo dòng nổi tiếng và quen thuộc mà cha tu viện trưởng Từ Vân, cha An, cha Lương đã từng mang trên người.

Cảnh tượng trên đâm thủng tim chàng, chàng phải nhìn ra xa. Có thể y phục ấy là một điềm tốt. Nhưng rồi cũng phải giết ông ta vì đó là lối thoát duy nhất. Chàng cắn chặt răng. Thật khổ tâm cho chàng phải giết một thầy dòng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.