Nhà Khổ Hạnh và Gã Lang Thang

Chương 17 (Phần 2)



-Thật đúng. Giờ đây tôi hiểu là anh nhận xét về con người như thế nào. Vì con người ác độc và đời sống thế gian này ô ưược, điên đảo, và anh chấp nhận như thế. Nhưng qua tư tưởng của anh và trong sách vở, công lý và hoàn thiện vẫn có. Điều này có thể chứng nghiệm là có thực nhưng lại không bao giờ xảy đến.

Bạn thân mến! Anh đã nuôi dưỡng một lý tưởng căm hận các nhà thần học của chúng ta. Nhưng anh vẫn chưa thể trở thành một nhà tư duy. Tư tưởng của anh rất lộn xộn và sai lạc. Tại sao anh lại nghĩ rằng chúng tôi không sử dụng đến công lý? Điều mà chúng tôi thực hiện hàng ngày, hàng giờ. Như tôi chẳng hạn, tôi là tu viện trưởng, cai quản một tu viện và đời sống trong đó cũng bất toàn và tội lỗi như ngoài đời. Nhưng chúng tôi vẫn gắng giữ nguyên ý niệm về công lý để chuộc tội tổ tông; chính trong nhận thức về mức độ bất toàn của đời sống và nỗ lực tu sửa những tật xấu mà chúng tôi tự đặt mình truyền thông với Chúa.

-Được rồi, Huyền Minh. Tôi không chê trách anh, cũng không nghĩ rằng anh chưa làm tròn trách nhiệm của một tu viện trưởng. Nhưng tôi đang nghĩ đến Hương Vân, đến những người Do Thái chết thiêu, đến những mồ chôn tập thể họ đã chết hàng loạt, đến những đường phố, xóm nhà chất đầy xác chết hôi thối, đến cướp bóc ghê rợn, đến những đứa trẻ gầy gò bị bỏ rơi, những con chó chết gục ngay trên dây xích. Và khi tôi nghĩ đến tất cả những chuyện ấy, thấy những hình ảnh ấy trước mắt, tim tôi quặn thắt, hình như mẹ chúng ta sinh ra ta vào một thế giới tuyệt vọng, bạo tàn và ma quỷ; thà rằng Chúa đừng tạo dựng thế gian khủng khiếp này và đấng Cứu Thế đừng chịu đóng đinh lên thập tự giá cứu chuộc nhân loại.

Huyền Minh nhìn bạn thân thiết, khen ngợi, giọng trầm ấm:

– Anh rất có lý. Hãy nói hết, nói thật hết. Nhưng có một điều anh đã lầm lẫn: anh cho là điều anh vừa nói là tư tưởng, nhưng thật ra chỉ là cảm thọ. Những cảm thọ của một tâm thức ưu tư vì cuộc đời thống khổ và anh nên nhớ còn có những cảm thọ khác xung đột với những thương đau, chán chường trên. Khi anh sung sướng ngồi trên lưng ngựa, phi ngang qua phong cảnh ngoạn mục, hoặc khi anh liều lĩnh ban đêm lẻn vào trong lâu đài để ân ái với cô nhân tình viên Bá tước, lúc đó đối với anh, thế giới mang một sắc thái hoàn toàn khác hẳn, anh không còn thấy có nhà nào mắc bệnh dịch và những người Do Thái cháy thiêu cũng không thể ngăn anh thỏa mãn dục vọng của mình. Có phải vậy không?

– Thật đúng như vậy. Bởi vì khủng khiếp và chết chóc bao trùm thế giới này, nên tôi phải để lòng mình tìm một an ủi xoa dịu, tôi phải hái vội những đóa hoa hé nụ giữa lòng địa ngục. Tôi đi tìm hạnh phúc và trong một giờ tôi đã tạm quên đi hãi hùng. Nhưng điều ấy không có nghĩa là hãi hùng không còn hiện hữu nữa.

Anh đã có một phương thức sống rất hay. Vậy là anh tự thấy bị chết chóc khủng khiếp bao vây trong thế giới này, và anh tìm cách trốn thoát trong dục lạc. Nhưng dục lạc không thể kéo dài lâu bền và nó sẽ bỏ anh lại giữa vũng sa mạc âu sầu.

-Vâng, anh nói đúng.

-Hầu hết mọi người đều cảm thấy như thế nhưng rất ít người cảm thấy một cách sắc bén và mãnh liệt như anh. Một số ít người khác ý thức cần phải tỉnh giác trong những cảm thọ này. Nhưng anh hãy cho tôi biết: ngoài tâm trạng bấp bênh giữa dục lạc và thống khổ, ngoài cơn đu đưa giữa khát sống và sợ chết, anh đã thử tìm một đường hướng nào khác chưa?

– Ồ có chứ. Dĩ nhiên phải có. Tôi đã hướng về nghệ thuật. Tôi đã kể với anh là ngoài những việc khác, tôi còn là một nghệ sĩ. Một hôm, sau khi tôi đã phiêu bạt khắp nơi, có lẽ trong ba năm, hầu như lang thang suốt ngày tháng, tôi đã trông thấy tượng Đức Mẹ bằng gỗ trong một tu viện. Một bức tượng trác tuyệt đã làm tôi xao xuyến đến tận cùng. Tôi hỏi tên nhà điêu khắc và tìm đến ông ta. Tôi đã gặp, ông ta là một bậc thầy danh tiếng, tôi tập sự và làm việc với ông ta được vài năm.

– Anh sẽ kể tôi nghe tỉ mỉ hơn, sau này. Bây giờ tôi muốn biết nghệ thuật có ý nghĩa với anh như thế nào, và đã mang đến cho anh được những gì?

Nghệ thuật khắc phục tính biến hoại của kiếp người. Trong trò chơi ngu xuẩn của cuộc đời quỷ quái này, tôi thấy một cái gì tồn tại: đó là sáng tác của nghệ thuật. Rồi một ngày nào đó, sáng tác nghệ thuật cũng sụp đổ nốt, chúng bị đốt cháy, nát vụn hoặc tan biến, sở dĩ chúng tồn tại là vì chúng lâu bền hơn đời sống của con người; chúng tạo thành một cảnh giới thầm lặng gồm những hình ảnh và di tích vượt ngoài thời khắc thoi đưa. Sáng tác nghệ thuật đã vỗ về tôi, tôi cảm thấy khoan khoái, gần như điều ấy đã tạo cho sự vật mong manh một tính chất trường cửu.

-Tôi rất thích, Đan Thanh. Tôi hy vọng anh sẽ tạc thêm nhiều pho tượng đẹp; tôi tin tưởng vào tài năng của anh. Tôi mong rằng anh sẽ là thượng khách của Thánh n một thời gian dài và cho phép tôi được dựng cho anh một xưởng điêu khắc, đã từ lâu Thánh n thiếu một nghệ sĩ. Nhưng tôi nghĩ rằng anh chưa diễn đạt hết tính chất tuyệt diệu của nghệ thuật. Tôi tin rằng nghệ thuật còn có sứ mạng cao cả hơn là dùng đá gỗ, màu sắc để cứu rỗi một sinh vật khỏi bị hoại diệt hoặc để duy trì kiếp sống lâu dài hơn. Tôi đã thấy nhiều công trình nghệ thuật, nhiều tượng các Thánh và Đức Mẹ; có một điều gì vượt cao hơn việc sao lại y khuôn một nhân dáng nào đó đã từng sống trên đời; không phải chỉ riêng có sự kiện người nghệ sĩ muốn duy trì những hình thể và màu sắc khỏi sự tàn phá của thời gian.

Đan Thanh hăng say nói lớn:

– Anh đã nói đúng. Tôi không ngờ anh biết về nghệ thuật tường tận như vậy! Hình ảnh căn để của một nghệ phẩm đẹp không phải là nét mặt hoặc dáng dấp của một con người đã thực sống, đó mới chỉ là nguồn cảm hứng để sáng tác. Hình ảnh căn để không phải là phần máu thịt mà là phần tâm linh. Đó là hình ảnh đã cư trú vĩnh viễn trong tâm hồn người nghệ sĩ. Tôi cũng vậy, Huyền Minh, những hình ảnh căn để ấy đang sống động trong tôi và tôi hy vọng một ngày gần đây sẽ biểu lộ để anh nhìn thấy.

-Hay lắm! Và hiện giờ, Đan Thanh yêu mến! Anh đã bước vào lãnh vực triết học mà anh không ngờ đến, và anh đã diễn đạt một trong những bí nhiệm nhiệm mầu của triết học.

-Anh đang chế nhạo tôi chăng?

-Ồ! Không. Anh đã nói về “hình ảnh căn để,” một hình ảnh tuy chỉ hiện hữu trong tâm ý sáng tạo nhưng có thể hiện thực cụ thể để người khác nhìn thấy được. Và trước khi trở thành hình ảnh ấy đã xuất hiện và tiềm ẩn từ lâu trong tâm hồn người nghệ sĩ. “Hình ảnh căn để” ấy, quả đúng như các triết gia đã gọi, đó là “ý niệm.”

-Huyền Minh! Thật tôi không ngờ.

-Anh đã hiểu biết về “ý niệm” và hình ảnh căn bản, tức là anh đang ở trong môi trường của tâm linh, trong thế giới của các triết gia và các nhà thần học, và anh đã chấp nhận rằng trong đời sống hỗn tạp, đấu tranh và đau khổ này, trong vũ khúc bất tận và vô nghĩa của tử thần, trên xác thân này đã hiện hữu một tâm thức sáng tạo. Anh có biết là tôi luôn luôn hướng chính tôi về tâm thức ấy và đánh thức nó dậy trong con người anh khi anh chỉ mới là một cậu bé. Nơi con người anh, tâm thức sáng tạo ấy không phải là của nhà tư duy mà là của người nghệ sĩ và chính tâm thức ấy sẽ mở cho anh con đường thoát khỏi sự hỗn độn ô nhiễm của thế giới giác quan; thoát khỏi cơn đu đưa không ngừng giữa nhục cảm và tuyệt vọng. A! Bạn thân yêu! Tôi vui mừng được nghe anh bộc lộ những điều trên. Tôi đã chờ đợi từ lâu, kể từ ngày anh rời xa thầy giáo Huyền Minh của anh, ra đi để can đảm sống trở về với chính mình. Bây giờ chúng ta lại có thể kết bạn với nhau.

Cuộc đời bắt đầu có ý nghĩa đối với Đan Thanh. Như từ đỉnh cao, chàng nhìn xuống dòng đời và phân biệt rõ rệt ba đoạn đời trọng đại: ban đầu chàng sống nương tựa vào Huyền Minh và buông phóng đi lang thang; rồi đến trở về với chính mình sống trong sự phản tỉnh; bây giờ chàng đang bắt đầu trưởng thành chín chắn và thu hái kết quả những đoạn đường đã trải qua.

Ảo giác trên mờ dần và chàng đã tìm được mối quan hệ thích nghi với Huyền Minh, một mối quan hệ đồng đẳng và hỗ tương. Chàng có thể là khách của một bề trên mà không cảm thấy xấu hổ vì chính anh ấy đã công nhận khả năng sáng tạo của chàng. Suốt cuộc hành trình, chàng nôn nóng muốn thố lộ với bạn con người thật của mình, hiển hiện cho bạn thấy thế giới nội tâm của mình qua những hình ảnh. Nhưng đôi khi chàng cũng e ngại.

-Huyền Minh – chàng báo trước với bạn – tôi sợ là anh đang mang vào tu viện một con người mà anh chưa hiểu rõ. Tôi không phải là một tu sĩ và cũng không muốn trở thành tu sĩ. Tôi biết rõ ba điều hoài bão của anh. Tôi chấp nhận một cách vui vẻ sự thiếu thốn, nhưng tôi chẳng thích sống thanh tịnh hoặc tuân phục, những đức tính ấy không thích hợp đối với tôi. Tôi đã rời bỏ tất cả những gì thuộc về kính tín, tôi đã không xưng tội, cầu nguyện hay rước mình Thánh Chúa từ mấy năm nay.

Huyền Minh im lặng một lúc rồi nói:

– Hình như anh đã bỏ đạo. Nhưng chúng tôi không lo sợ điều ấy. Anh không cần phải tự phụ lâu hơn nữa trên bao nhiêu tội lỗi của anh. Anh đã sống một đời tầm thường thế tục. Như một đứa con phá của, anh đã bất cần luật pháp và trật tự. Chắc chắn anh là một thầy tu xấu. Nhưng tôi không mời anh vào hàng giáo phẩm, tôi chỉ mời anh đến ở như một người khách và dựng cho anh xưởng điêu khắc trong tu viện của chúng tôi. Và còn điều này nữa: anh chớ quên rằng, suốt thuở niên thiếu, tôi là người đã thức tỉnh anh và đã để anh đi vào cuộc sống thế tục. Dù anh có trở nên như thế nào đi nữa, xấu hoặc tốt, tôi cũng như anh đều có trách nhiệm. Tôi muốn biết anh đã thành người như thế nào, anh sẽ thố lộ cho tôi thấy qua ngôn ngữ, trong lối sống và chính tác phẩm của anh. Và sau khi anh hoàn tất, nếu tôi nhận thấy là tu viện không phải chỗ của anh, tôi sẽ là người đầu tiên mời anh đi chỗ khác.

Đan Thanh rất cảm phục khi bạn hành xử quyền tu viện trưởng. Quả quyết và điềm tĩnh, pha lẫn một chút chế nhạo con người với cuộc sống phàm tục, Huyền Minh đã trưởng thành đúng ý nghĩa một con người thật sự. Quả vậy, đó là một con người của tâm linh và giáo đường, với đôi tay tinh tế và gương mặt thông thái nhưng đoan quyết và can đảm, một nhà lãnh đạo, một người biết nhạn chịu trách nhiệm. Con người Huyền Minh này không còn là cậu thanh niên thuở xưa yếu mềm, mà là vị Thánh Gioan tận tụy, chàng muốn tạc tượng con người Huyền Minh mới mẻ ấy, con người oai dũng và tài trí. Nhiều bức tượng đang chờ đợi chàng! Huyền Minh, tu viện trưởng Từ Vân, cha An, thầy Không Lộ, người đẹp Hương Vân, Ái Liên, và còn nữa, những bạn hữu và kẻ thù, còn sống hoặc đã chết. Không, chàng không muốn trở thành một thầy dòng trong hàng giáo phẩm, hoặc một tín đồ ngoan đạo hoặc là nhà học giả, chàng chỉ muốn tạc tượng, muốn làm tròn trách nhiệm sáng tác, vũ trụ của chàng phải là vũ trụ của tuổi trẻ ngày xưa ấy, là vũ trụ nghệ thuật hiện giờ.

Họ đã phi ngựa vào cuối thu lạnh lẽo, và mờ sáng sớm, khi màn sương dày còn đan kín hàng cây trụi lá, họ đã phóng ngang vùng đất rộng lớn, một cánh đồng hoang bụi đỏ vắng ngắt, tiếp lẫn từng dãy đồi trùng điệp thân thuộc lạ lùng. Họ đến khu rừng cây du bên dòng suối nhỏ và tàu ngựa cũ hiện ra, cảnh trí đã làm Đan Thanh tê tái trong nỗi thống khổ pha lẫn sung sướng. Chàng đã nhận ra dãy đồi mà ngày nào chàng đã cưỡi ngựa với Liên Đài, cô con gái nhà quý tộc và truông đất hoang nơi chàng đã từng in gót dưới cơn mưa tuyết mỏng manh, một nỗi buồn sâu thẳm dâng lên trong tâm hồn kẻ lưu đày. Những cụm du nhô lên, cùng với nhà máy xay và tòa lâu đài. Chàng đã nhận ra khung cửa phòng làm việc nơi chàng đã sinh sống suốt thời hoa niên hoang đường, chữa lỗi tiếng La Tinh cho nhà quý tộc và nghe ông ta kể chuyện hành hương. Họ tiến sâu vào trong sân, đây là một chỗ nghỉ chân thông thường trong cuộc hành trình. Chàng yêu cầu tu viện trưởng không nói cho ai biết tên chàng để chàng ăn chung với đám gia nhân và tên nài ngựa. Mọi việc đều ổn thỏa. Nhà quý tộc già và cả Liên Đài đều qua đời. Vài người thợ săn già và tôi tớ vẫn còn ở đấy với chủ nhân tòa lâu đài bây giờ là Liên Kiều, một thiếu phụ kiêu sa, hách dịch đang sống bên ông chồng. Nàng vẫn đẹp tuyệt trần và có vẻ ác hiểm. Cả nàng và đám tôi tớ đều không nhận ra Đan Thanh. Sau bữa ăn, chàng phóng mắt ra ngoài vườn trong ánh sáng buổi chiều tàn mờ nhạt, nhìn qua hàng rào nơi các luống hoa đã úa màu vì sắp trở đông. Chàng đến cửa chuồng và nhìn bầy ngựa, rồi nằm ngủ trên ổ rơm với tên nài. Bao kỷ niệm đè nặng cõi lòng trong những lần thức giấc. Chàng đã để lại phía sau một khoảng đời buông phóng và vô ích, tuy phong phú với bao hình ảnh diễm kiều, nhưng đã vỡ vụn, giá trị ít ỏi, tình yêu khô đắng. Họ lại ra đi vào sáng sớm, chàng băn khoăn nhìn lên khung cửa sổ, không biết có Liên Kiều ở đấy không, cũng như ngày trước chàng đã thẫn thờ tìm kiếm Ái Liên bên khung cửa tòa lâu đài của Bá tước. Cả Ái Liên và Liên Kiều đều vắng bóng. Cả đời chàng đều như vậy và chỉ có vậy. Lúc nào cũng là giã biệt, trốn chạy, đi tìm quên lãng, để rồi lại thấy mình cô đơn với đôi tay trống rỗng và quả tim buốt giá. Suốt cả ngày, chàng ngồi trên yên ngựa, buồn áo não, không hé môi. Huyền Minh để yên chàng trầm tư.

Bây giờ họ đã gần đến đích, vài ngày sau họ đã đến. Tháp và mái tu viện đã hiện ra, họ chạy qua khu đất hoang đá sỏi mà, ôi! biết bao kỷ niệm của những ngày xa xưa, ngày chàng đã hái cỏ Saint- Jean cho cha An, nơi cô gái giang hồ Li Liên đã biến đổi cậu bé trong người chàng thành một gã đàn ông. Giờ đây họ chạy dưới cổng rào Thánh n và xuống yên nơi cây dẻ mang về từ nước Ý. Đan Thanh dịu dàng sờ vào thân cây và dừng lại để nhặt một mảnh vỏ cây từ đường nứt rơi ra trên mặt đất, mảnh vỏ màu nâu và khô héo.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.