Nhà Khổ Hạnh và Gã Lang Thang
Chương 20 (Hết)
Mùa hạ lướt qua, những loài hoa trổ bông mùa hè cũng tàn rụi dần rồi mất hẳn. Ếch nhái im tiếng trong ao vũng. Cò hạc tung cánh bay xa, và Đan Thanh trở về.
Chàng về đến một buổi trưa, mưa bay lất phất, không vào tu viện, từ cổng lớn chàng bước thẳng vào xưởng mỹ nghệ. Chàng đi bộ, không mang theo ngựa.
Bảo Ân giựt mình khi thấy chàng bước vào. Dù nhận ra chàng ngay thoáng nhìn đầu tiên, cậu ta vẫn bàng hoàng khi chào đón chàng, người trở về dáng dấp hoàn toàn khác lạ: không phải là Đan Thanh thật, mà già đi nhiều tuổi, mặt mũi bơ phờ, đầy bụi và nhăn nhíu, với đôi má hóp bệnh hoạn, cặp mắt như đau đớn, nhưng chàng không lộ vẻ gì thống khổ, nụ cười vẫn nở trên môi, một nụ cười quen thuộc, già cỗi và kiên nhẫn. Chàng bước đi khó nhọc, hai chân lê lết, có vẻ như nhuốm bệnh và quá mệt mỏi.
Một Đan Thanh lột xác khác lạ đang nhìn cậu tập sự với đôi mắt dị thường. Chàng trở về trong âm thầm, như chưa hề rời xa nơi đây giây phút nào và bước vào xưởng như từ phòng bên cạnh. Chàng bắt tay Bảo Ân, không nói gì, không chào hỏi hoặc kể chuyện. Chàng chỉ nói: Tôi muốn ngủ,” dáng điệu thật mệt mỏi. Chàng gọi Bảo Ân đi chỗ khác và vào phòng riêng cạnh xưởng. Chàng cất mũ để nước mưa nhiễu xuống, cởi giày và đến gần giường. Bên trong là tượng Đức Mẹ phủ tấm vải che, chàng gật đầu nhưng không tháo vải che xuống để mừng đón. Chàng tiến đến khung cửa sổ, thấy Bảo Ân bứt rứt đứng chờ bên ngoài, chàng lên tiếng gọi: “Bảo Ân, cậu không cần nói với bất cứ ai là tôi đã về. Tôi mệt lắm. Hãy đợi đến mai!”
Rồi chàng nằm dài trên giường để nguyên quần áo. Một lúc lâu không ngủ được, chàng trổi dậy, lê bước đến tấm gương treo trên tường, chăm chú nhìn tên Đan Thanh thứ hai đang ngó lom lom mình, một Đan Thanh chán chường, mệt mỏi, già nua và tàn tạ, râu ria đã lấm tấm bạc. Đó là một người đàn ông cằn cỗi, dáng dấp xốc xếch đang đứng phía sau chàng, trong mặt phẳng tấm gương mờ đục thật dị kỳ và xa lạ. Con người không có vẻ gì thực sự đang có mặt, không quan hệ gì đến chàng. Con người đó kết hợp từ nhiều khuôn mặt khác nhau mà chàng đã từng quen biết, một nét của thầy Không Lộ, của nhà quý tộc lớn tuổi mà chàng đã giúp viết hồi ký, một nét của Thánh Jacques, một ông Thánh râu bạc trắng, già lom khom dưới chiếc mũ hành hương, luôn luôn vui vẻ và từ ái.
Chàng đọc kỹ khuôn mặt trong tấm gương và thích thú khám phá con người xa lạ bên trong. Chàng gật đầu chào hắn, tỏ dấu hiểu biết hắn: vâng chính là chàng, đúng là nét mặt mà chàng đã tưởng tượng về mình. Một ông già cực kỳ chán chường, trở về từ một chuyến du hành, một con người tầm thường. Chàng yêu thích con người này, có một nét gì trên khuôn mặt mà tên Đan Thanh đẹp trai ngày trước không có. Trong tất cả sự mỏi mệt và tan rã ấy, ẩn hiện dấu hiệu của hài lòng và cuối cùng là một cái gì giải thoát. Chàng khẽ mỉm cười với chính mình và thấy rõ con người mình đang kết nối với hình bóng trong gương. Một người bạn tốt mà chàng đã dẫn về sau một chuyến đi. Không những chàng đã đánh mất con ngựa, chiếc bao da và những nén vàng, mà nhiều món khác đã vuột thoát khỏi tầm tay: tuổi trẻ, sức khỏe, lòng tự tín, màu rám hồng trên đôi má và tia sáng dũng mãnh trong ánh mắt. Người bạn già yếu trong tấm gương được chàng yêu quý hơn tên Đan Thanh thuở trước. Tuy già lão yếu ớt, thật tội nghiệp nhưng an bình và hài hòa. Chàng mỉm cười, hạ thấp làn mi đã bắt đầu nhăn, lên giường và chìm vào giấc ngủ.
Hôm sau, đang ngồi cong lưng trên bàn vẽ thì Huyền Minh đến thăm. “Tôi nghe là anh đã về, cám ơn Chúa tôi rất mừng. Vì anh không đến gặp tôi, nên tôi đến thăm. Tôi có làm rộn anh không?”
Huyền Minh đến gần bạn. Đan Thanh đứng dậy bắt tay chàng. Dù Bảo Ân đã báo chàng biết trước, chàng vẫn không tránh khỏi sửng sốt thấy bạn thảm não như vậy. Đan Thanh cười thân ái với chàng:
– Vâng, tôi đã trở về. Chào mừng anh, Huyền Minh. Chúng ta đã không gặp nhau một thời gian. Tha lỗi cho tôi vì không đến anh.
Huyền Minh nhìn thẳng vào ánh mắt Đan Thanh. Chàng không những chỉ thấy bạn mình kiệt sức, tàn tạ và đáng xót thương, mà còn thấy những điều khác, vẻ an nhiên lạnh lùng cam chịu, gần như siêu thoát của một ông già hiền từ. Qua kinh nghiệm đọc được tâm hồn trên nét mặt, Huyền Minh đã thấy một Đan Thanh biến chất khác lạ, không dừng trụ nơi đây, tâm hồn đã bay xa khỏi thực tại, phiêu lạc vào mộng mơ hoặc đã đến một khung cửa mở về cõi giới nào khác.
– Anh bị bệnh chăng? Huyền Minh lo lắng hỏi bạn.
– Vâng, tôi đang ốm. Tôi nhuốm bệnh ngay khi khởi hành được vài ngày. Xin anh hiểu cho tôi là tôi không muốn trở lại một khi đã ra đi. Anh sẽ cười nhạo tôi nếu tôi trở về quá sớm và cởi mất đôi giày đi xa của tôi. Không, tôi không muốn như vậy. Tôi lại tiếp tục đi loanh quanh. Tôi cảm thấy hổ thẹn vì chuyến đi hụt này. Tôi đã đặt quá nhiều hứa hẹn. Vâng tôi cảm thấy xấu hổ. Chắc chắn anh hiểu điều ấy, anh vốn là người thông minh. Xin lỗi anh, có phải anh hỏi đến việc ấy? Thật là một tai ương. Tôi cố quên đi những gì chúng ta đã nói với nhau. Nhứt là về mẹ tôi, anh đã nói đúng. Tôi rất đau đớn, quá nhiều, nhưng…
Lời thì thào của Đan Thanh tắt dần bằng một nụ cười.
-Chúng tôi sẽ chạy chữa cho anh lành mạnh. Đan Thanh, chúng tôi sẽ lo cho anh. ước gì anh quay về ngay khi mới ngã bệnh! Thực sự không có gì để anh phái hổ thẹn với chúng tôi. Phải chi anh trở về ngay.
Đan Thanh bật cười:
– Vâng, bây giờ tôi đã hiểu. Tôi không dám trở về sợ làm trò cười. Bây giờ thì tôi đã về, tôi cảm thấy an lành.
– Anh có đau lắm không?
– Đau? Có chứ. Tôi đau nhiều. Nhưng trong nỗi đau này vẫn có điều hay, nhờ vậy mà tôi biết nghĩ đúng. Bây giờ tôi không xấu hổ nữa dù đứng trước mặt anh. Ngày mà anh đến cứu tôi trong tù, tôi đã cắn răng thật chặt vì quá hổ thẹn. Nhưng bây giờ thì không thế nữa.
Huyền Minh đặt bàn tay mình lên cánh tay Đan Thanh, và ngay lúc ấy Đan Thanh ngưng nói, nhắm nghiền đôi mắt, thoáng cười và ngủ trong an bình. Tu viện trưởng bối rối đi tìm viên y sĩ, cha An Tôn, để điều trị người bệnh. Khi họ trở lại, Đan Thanh đã trổi dậy và đang ngủ gục trước bàn vẽ. Họ mang Đan Thanh vào giường và viên y sĩ ở lại khám bệnh.
Bệnh Đan Thanh quá nặng, chàng được mang vào bệnh xá để Bảo Ân ở đấy trông nom.
Không ai biết được câu chuyện về cuộc hành trình vừa qua. Đan Thanh có kể vài chi tiết, còn điều khác chỉ là phỏng đoán. Chàng nằm vùi, đôi khi lên cơn sốt và nói mê, những lúc chàng tỉnh táo, người ta gọi Huyền Minh đến gặp chàng vì biết rằng những lời cuối cùng của người bệnh rất quan trọng đối với Huyền Minh.
Huyền Minh đã hiểu được phần nào qua lời tường thuật và xưng tội của Đan Thanh. Những phần khác do Bảo ̉n kể: lại “Cơn đau nổi lên lúc nào à? Ngay từ đầu. Tôi đang phi ngựa trong rừng, bị ngã trong lòng con suối nhỏ và nằm đấy suốt đêm trong dòng nước lạnh lẽo, xương sườn bị gãy và tôi thấy đau tức trong lồng ngực. Tuy cách nơi đây không xa, nhưng tôi không muốn quay về. Vì như thế quá trẻ con. Tôi biết nhưng không muốn làm trò cười. Rồi tôi tiếp tục lên đường, đến khi không phi ngựa được nữa vì quá đau, tôi bán con ngựa và vô nằm bệnh viện một thời gian khá lâu.
– Tôi sẽ ở lại đây, Huyền Minh. Tôi sẽ không cưỡi ngựa nữa. Không còn lang thang nữa, không vui đùa khiêu vũ, cả đàn bà cũng không. Nếu không tôi sẽ còn đi xa lâu năm hơn nữa. Nhưng tôi biết rằng không còn niềm vui nào ngoài kia nữa. Và tôi nghĩ rằng trước khi từ giã cõi đời, tôi muốn vẽ thêm, nặn thêm một số tượng. Dù sao chăng nữa cũng mang lại một niềm vui khuây khỏa.
Huyền Minh nói với chàng:
– Tôi rất mừng thấy anh trở lại. Tôi mong nhớ anh vô hạn. Tôi nghĩ đến anh mỗi ngày và rất lo sợ anh sẽ không bao giờ muốn quay trở về.
Đan Thanh gật đầu:
– Vâng sự mất mát này cũng không lớn lắm.
Huyền Minh từ từ cúi xuống, lòng bừng cháy vì đau đớn và yêu thương, và bây giờ, lần đầu tiên từ nhiều năm kết bạn với Đan Thanh, chàng vuốt tóc và hôn lên trán bạn. Ngạc nhiên, và khi đã hiểu, Đan Thanh vô vàn cảm động.
– Đan Thanh, tu viện trưởng thì thầm bên tai chàng, tha thứ cho tôi vì đã không nói với em sớm hơn. Đáng lý tôi phải nói ngay vào ngày tôi đến thăm em trong ngục thất, hoặc khi tôi trông thấy những pho tượng đầu tiên của em, hoặc bao lần trước đây. Hôm nay tôi phải nói với em là tôi yêu thương em biết bao, em đã mang ý nghĩa đến cho đời tôi, cuộc sống tôi phong phú là nhờ em. Có thể đối với em không là gì hết. Con người của em là để yêu thương, điều này không phải mới lạ đối với em, vì bao nhiêu đàn bà đã yêu thương và chiều chuộng em. Với tôi thì khác. Đời tôi khô cằn thương yêu, tôi thiếu vắng hương sắc tuyệt vời nhất của cuộc đời. Tu viện trưởng Từ n của chúng ta đã một lần nói tôi là kẻ ngạo mạn, có lẽ cha nói đúng. Tôi không bất công đối với mọi người. Tôi cố gắng vô tư và kiên nhẫn đối với tất cả, nhưng chưa bao giờ tôi biết yêu thương. Trong hai học giả của tu viện, tôi chỉ chọn người thông thái nhất, chưa bao giò tôi yêu thương người yếu kém vì chính sự yếu kém của người ấy. Và nếu tôi biết yêu thương là nhờ em. Tôi đã biết yêu thương em, chỉ yêu thương riêng em giữa muôn người. Em không thể tưởng tượng được hết ý nghĩa ấy như thế nào. Đó là mạch nước trong sa mạc, là cây cỏ trổ hoa giữa vùng đá sỏi hoang sơ. Tôi phải tạ ơn riêng em, người đã làm trái tim tôi không khô chết, và đó là giới xứ duy nhất trong tôi còn hé mở để đón rước Thánh n.
Đan Thanh mỉm cười sung sướng, có hơi thẹn thùng. Trong giâv phút tỉnh táo chàng nói, giọng êm dịu trầm tĩnh:
– Khi anh cứu tôi khỏi chết treo, và ngày mà chúng ta cùng phi ngựa trở về tôi đã hỏi anh về con ngựa Mây Mây và anh đã trả lời thật rõ ràng. Tôi hiểu là anh đã chú trọng đến Mây Mây bé nhỏ của tôi dù vốn dĩ anh là một người ít quan tâm đến loài vật. Tôi hiểu là anh đã vì tôi và tôi lấy làm sung sướng. Bây giờ tôi càng thấy rõ đó là một sự thật và thật tình anh đã yêu thương tôi. Lúc nào tôi cũng yêu thương anh, Huyền Minh. Nửa phần đời tôi trôi qua chỉ để chiếm bằng được trái tim anh. Tôi vẫn biết là anh đã yêu mến tôi nhưng chưa bao giờ tôi dám mong chờ một ngày nào đó anh sẽ nói ra, vì anh là người rất kiêu mạn. Anh ban cho tôi tình yêu vào giờ khắc này, giờ khắc mà tôi không còn gì để lưu giữ lại, phiêu lãng và tự do, cả thế gian và đàn bà đều đã lìa bỏ tôi. Tôi xin nhận và cảm tạ.
Pho tượng Đức Mẹ- Liên Đài vẫn đứng yên trong phòng và nhìn họ.
– Em có thường nghĩ đến cái chết không? Huyền Minh hỏi.
– Vâng, tôi có nghĩ và cả đến tương lai đời tôi. Hồi trẻ, còn là học trò của anh, tôi ước mong một cuộc sống tâm linh như anh. Anh đã chỉ cho tôi thấy là tôi không được ơn trên gọi như anh. Và tôi tự ném mình qua một cuộc sống trái ngược, lao vào thế giới của nhục cảm, nơi mà đàn bà mang lạc thú đến với tôi thật dễ dàng. Không phải tôi muốn miệt thị hoặc khinh bỉ dục lạc, tôi đã thường được sung sướng vô cùng. Và tôi đã có đầy đủ cơ hội thu nhặt một số kinh nghiệm về những gì mà cảm tính mang đến cho tâm hồn. Nghệ thuật nảy sinh từ đó. Nhưng, giờ đây cả hai ngọn lửa cảm giác và nghệ thuật đều tàn lụn trong tôi. Tôi không còn sung sướng ngất ngây với khoái lạc, ham muốn đã dập tắt dù có còn bóng hồng thấp thoáng theo sau. Cả mơ ước sáng tác nghệ thuật cũng đã hết sôi bỏng. Những bức tượng tôi tạc đã đủ, nhiều hoặc ít cũng không đáng chi. Đã đến lúc tôi chết. Tôi đã sẵn sàng và hiếu kỳ đợi chết.
– Tại sao lại hiếu kỳ? Huyền Minh hỏi.
– Vâng, có lẽ hơi ngu xuẩn. Nhưng thật sự tôi tò mò muốn biết. Không phải muốn biết thế giới bên kia, Huyền Minh. Tôi nghĩ đến thế giới ấy rất ít thú thật với anh tôi không tin. Sẽ không có thế giới bên kia. Cây khô nào đã trơ cằn thì sẽ chết mãi mãi, cánh chim kia đã chết lạnh thì không thể bay trở lại với cuộc sống và con người đã chết rồi cũng vậy. Sau khi ta nằm xuống vĩnh viễn, có lẽ người khác còn tiếp tục nghĩ đến ta nhưng chỉ trong thoáng nào đó thôi. Không, tôi hiếu kỳ muốn chết chỉ vì tôi tin hoặc mơ là tôi đang trên đường về với mẹ tôi. Tôi ước mong chết sẽ là hạnh phúc cao vời, cao vời như hạnh phúc trong tình yêu, tình yêu được thỏa mãn. Thay vì nghĩ đến thần chết với lưỡi hái, tôi không thể ngưng suy niệm về hình bóng mẹ tôi đến mang tôi đi, mẹ sẽ dẫn tôi đến cõi không, cõi chân chất.
Sau nhiều ngày Đan Thanh nằm im không nói năng, Huyền Minh lại đến thăm, chàng thấy Đan Thanh còn tỉnh táo và thích chuyện trò.
– Cha Tôn nói em phải chịu đau đớn lắm. Sao em lại trầm tĩnh vậy, Đan Thanh? Hình như em đã tìm được an bình?
– Có phải anh muốn nói an bình với Chúa? Không, tôi không tìm được an bình ấy. Tôi không muốn an bình trong tay Chúa. Chúa đã dựng một thế gian xấu xa mà chúng ta không nên ca tụng, và cho dù tôi có hoặc không ca tụng Ngài đi nữa, Ngài cũng bất cần. Ngài đã dựng một thế gian tội lỗi. Nhưng tôi đã tìm được an bình trong lồng ngực đau đớn này. Ngày xưa tôi không quen chịu đựng đau đớn, và đôi khi tôi lại nghĩ là thần chết sẽ đến dễ dàng, nhưng tôi đã lầm. Khi thần chết kề cận bên tôi trong đêm tù đày nơi ngục tối của Bá tước Huân Lịch, tôi thấy rõ là không dễ gì đối diện với tử thần. Tôi vẫn còn quá mạnh và quá dữ để được chết, họ cần phải giết tôi đến lần thứ hai tôi mới chết được. Nhưng bây giờ thì khác hẳn.
Đan Thanh mệt vì nói nhiều. Tiếng chàng yếu dần. Huyền Minh bảo chàng hãy yên nghỉ.
– Không, Đan Thanh nói, tôi cần nói với anh. Trước đây tôi hổ thẹn nên chưa dám nói. Chắc anh sẽ cười tôi. Ngày mà tôi lên yên ngựa ra đi không phải không duyên cớ. Tôi có nghe tin đồn Bá tước Huân Lịch qua lại vùng này với cô nhân tình Ái Liên. Vâng, có lẽ không quan trọng đối với anh, và đến hôm nay đối với tôi cũng vậy. Nhưng lúc ấy người tôi nóng bỏng, tôi không nghĩ gì khác ngoài Ái Liên. Nàng là người đàn bà đẹp nhất mà tôi đã biết và yêu. Tôi muốn gặp lại nàng, hưởng hạnh phúc với nàng một lần nữa. Tôi đi kiếm và sau một tuần tìm được nàng. Và chính giờ khắc ấy trong người tôi bỗng biến chuyển. Như tôi đã nói, tôi đã gặp nàng. Sắc đẹp nàng vẫn không suy giảm. Tôi đã tìm được nàng cũng như tìm đúng cơ hội đến với nàng, nói với nàng. Và chính khi ấy, Huyền Minh, nàng không còn ham muốn tôi nữa. Tôi đã quá già so với nàng, không còn đẹp trai, không còn đủ sức vui chơi, nàng không còn muốn bất cứ điều gì nơi tôi. Chuyến đi của tôi như vậy xem như chấm dứt. Nhưng tôi vẫn lên đường. Tôi không muốn quay về với anh để anh lại thây tôi chán nản và rồ dại. Và tôi lại đi, mất hết sức lực và tuổi trẻ, trở nên u mê nên bị vấp, lăn từ lưng con ngựa ngã xuống lòng suối. Xương sườn tôi bị gãy và tôi nằm trơ trọi cả đêm không ai cứu giúp. Chính lúc ấy, lần đầu tiên, tôi biết đau đớn thật sự. Khi té xuống, tôi có cảm giác một cái gì gẫy vụn trong lồng ngực, điều đó làm tôi thích thú, tôi vui sướng được nghe tiếng gãy vụn. Tôi nằm dài trong làn nước và biết rằng mình sắp gần đến cái chết, nhưng hoàn toàn khác hẳn lúc ở trong ngục viên Bá tước. Tôi không có gì kháng cự lại, chết không còn làm tôi hãi sợ. Tôi cảm thấy đau buốt dữ dội chưa từng có, và trong cơn đau, tôi đã mơ hoặc ảo ảnh đã hiện lên, tùy ý anh muốn gọi. Tôi nằm đó để cơn đau đốt cháy lồng ngực, tôi đã giãy giụa và kêu thét lên khi một tiếng cười mà từ sau ngày thơ ấu tôi không còn nghe nữa. Đó là tiếng của mẹ tôi, giọng một người đàn bà thật thâm trầm, ngây ngất vì yêu đương. Và tôi thấy mẹ tôi, mẹ đến với tôi, ẵm bồng tôi lên, mở bung lồng ngực, từng ngón tay mẹ len vào giữa các đốt xương và móc trái tim tôi. Khi tôi đã thấy và đã hiểu, tôi không còn đau đớn. Và bây giờ khi Cơn đau nổi dậy, tôi cũng không cảm thấy đau hoặc thù hận, chỉ có ngón tay của mẹ đang nắm kéo quả tim tôi. Mẹ đã khá vất vã. Đôi lúc mẹ bóp chặt và than phiền cả trong cơn ngây ngất. Thỉnh thoảng mẹ cười, êm ru nho nhỏ. Có khi mẹ không ở bên tôi, mẹ cao xa tận thiên đàng và tôi thấy gương mặt mẹ ẩn hiện giữa đám mây, mông lung và bát ngát như mây trời. Bóng mẹ lung linh trên ấy, mẹ cười u ẩn, nụ cười buồn của mẹ bay đến bên tôi và lôi quả tim tôi ra khỏi lồng ngực.
Rồi Đan Thanh tiếp tục nói về mẹ, người mẹ của chàng. Vào ngày cuối cùng, chàng thều thào:
– Anh có nhớ không? Tôi hoàn toàn quên mất bóng mẹ cho đến ngày mà anh gợi lại và mẹ tôi đã hiện đến. Ngày đó tôi đau đớn kinh khủng, như có bầy thú đến xâu xé ruột gan. Chúng ta hãy còn trẻ, còn là những cậu bé khôi ngô. Nhưng kể từ lúc ấy mẹ đã kêu gọi tôi và tôi phải đi theo mẹ ở khắp nơi, mẹ là Lan cô gái giang hồ, mẹ là pho tượng diễm tuyệt của thầy Không Lộ, mẹ là nguồn sống, là tình yêu, là ngây ngất. Mẹ còn là kinh hoàng, đói khát, là bùa lực của bản năng. Bây giờ mẹ là tử thần, ngón tay mẹ đã ăn sâu vào lồng ngực.
– Đừng nói nhiều, bạn yêu dấu – Huyền Minh nói – hãy đợi đến mai!
Đan Thanh lại cười và nhìn sâu vào ánh mắt Huyền Minh, một nụ cười khi thì trông già nua yếu ớt, lúc lại đầy tuệ giác và từ bi – nụ cười chàng đã mang về sau chuyến lãng du.
Đan Thanh thì thào:
– Bạn thân mến, tôi không thể đợi đến ngày mai. Tôi phải từ biệt bạn bây giờ, và trước khi vĩnh biệt, tôi phải nói Với bạn tất cả mọi sự. Hãy lắng nghe tôi một lát. Tôi muốn nói về mẹ tôi, về những ngón tay mẹ đang bóp siết tim tôi. Nhiều năm qua ước mơ tha thiết nhất và giấc mộng thầm kín nhất của tôi là tạc một pho tượng của Mẹ. Mẹ là hình ảnh thiêng liêng nhất tôi hằng ấp ủ trong tim. Mẹ là ảo vọng huyền bí của tình yêu. Tôi không thể nào chịu đựng nổi, dù trong chốc lát, khi nghĩ tôi sẽ chết trước khi tạc tượng mẹ, cuộc đời tôi như vậy sẽ thật là vô ích. Nhưng bây giờ mọi việc đảo lộn một cách lạ lùng. Không phải tay con nặn và tạo hình mẹ mà chính tay mẹ nặn và tạo hình con. Mẹ đang bấu chặt ngón tay quanh tim con, và rứt tung ra, người con trống rỗng dần, mẹ lôi cuốn con về cõi chết và cùng chết theo con là mộng ước ngày nào, pho tượng tuyệt tác, người Mẹ- Đại Thể- Eva. Con vẫn còn trông thấy pho tượng, và nếu đôi tay con còn sinh lực, con có thể tạo được. Nhưng mẹ không muốn, mẹ không muốn con hiển lộ bí ẩn của mẹ. Mẹ chỉ muốn con chết. Con vui lòng đi vào cõi chết. Mẹ đã mang cái chết đến với con thật dễ dàng.
Huyền Minh lắng nghe những lời của Đan Thanh, rung động đến tận cùng. Chàng phải cúi sát vào đôi môi của bạn. Có những lời chàng nghe không rõ, có những lời chàng nghe được nhưng ý nghĩa đã chìm khuất.
Bây giờ người bệnh mở mắt và nhìn thật lâu vào gương mặt bạn. Ánh mắt Đan Thanh nói lên lời vĩnh biệt. Bỗng Đan Thanh khẽ lắc đầu, môi chàng mấp máy:
– Nếu một mai anh qua đời, Huyền Minh, làm sao anh chết được khi không có mẹ bên anh? Không có mẹ, ta sẽ không biết yêu. Không có mẹ ta sẽ không biết chết.
Chàng lại nói sau đó những lời khó hiểu. Trong hai ngày cuối cùng, Huyền Minh đã ngồi bên giường bạn ngày lẫn đêm theo dõi mạch sống từ từ tuôn mất. Những lời nói sau cùng của Đan Thanh như ngọn lửa đã thắp sáng tâm tư chàng.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.