Nhà Quản Lý Tức Thì

73. Làm việc với công đoàn



Công đoàn là phần quan trọng trong cơ cấu tổ chức lao động và việc làm của chúng ta. Công đoàn bảo vệ người lao động trước sự đối xử không công bằng hoặc thậm chí là sự bóc lột. Trong khi ảnh hưởng của các tổ chức công đoàn liên tục giảm trong nửa thế kỷ qua, một điều vẫn vô cùng quan trọng là bạn phải biết cách quan hệ với các nhân viên đã tham gia công đoàn cho hiệu quả, để tránh phải trả giá đắt cho những bất bình, các cuộc đình công hoặc biểu tình. Dưới đây là điều bạn có thể làm:

Chấp nhận sự kiện là nhân viên của bạn đã tham gia công đoàn. Những cơ hội rút lại là xa vời. Do vậy, hãy học cách quản trị mối quan hệ để mọi người liên quan đều được ích lợi.

Hãy đối xử với những người tham gia công đoàn như một phần của gia đình, không phải kẻ thù. Hãy nghĩ về họ như khách hàng. Người ta sẽ phản ứng tích cực đối với một môi trường làm việc cởi mở và xây dựng.

Đối xử với đại diện công đoàn như đồng nghiệp và cộng tác viên, để họ sẽ ít có khuynh hướng xem bạn như kẻ thù hơn. Mối quan hệ này cần được chăm chút thường xuyên – cần nhiều thời gian để xây dựng lòng tin tưởng.

Hãy sẵn sàng với những thăng trầm trong mối quan hệ với đại diện công đoàn. Tuy nhiên, nếu bạn coi đại diện công đoàn như một cộng tác viên thực sự của mình, thăng sẽ nhiều hơn trầm, và bạn sẽ có thể tính đến sự hợp tác của người ấy trong công việc hàng ngày tại khu vực của bạn.

Hãy hiểu sự khác nhau trong mục đích của công đoàn và mục đích của công ty bạn, nhưng hãy nhìn vào những mục đích chung và xây dựng trên những mục đích đó. Hãy chắc chắn là những sáng kiến mới có thể hữu ích cho tất cả mọi người và không vi phạm các thỏa thuận của tập thể. Nếu có, hãy làm việc cùng với các đại diện công đoàn để giải quyết vấn đề sao cho hai bên cùng có lợi.

Hãy xem lại kỹ lưỡng hợp đồng của bạn. Hãy xin tư vấn của chuyên gia về quan hệ lao động nếu bạn gặp điều khó hiểu.

Hãy tôn trọng hợp đồng của bạn: nó đã được thỏa thuận trong niềm tin tốt. Hãy học cách sống trong tinh thần và câu chữ của thỏa thuận.

Hãy cẩn thận khi phá vỡ nguyên tắc. Phá vỡ nguyên tắc tạo những tiền lệ mà công đoàn có thể tìm cách nhắc lại. Làm vậy chỉ khi có sự đồng ý từ phía công đoàn rằng điều đó chỉ là ngoại lệ, không phải nguyên tắc.

Hãy có phong cách lãnh đạo dựa trên sự công bằng, trung thực và nhất quán.

Nếu những lời kêu ca trong lĩnh vực của bạn nhiều bất thường, hãy đánh giá các lý do và tìm ra những giải pháp cho vấn đề.

Thường xuyên gặp gỡ với quản lý cơ sở để chia sẻ thông tin, chính thức hoặc không chính thức. Thái độ của bạn tại những cuộc gặp đó cần bày tỏ sự mong muốn cộng tác chân thành.

Báo cho quản lý cơ sở tất cả các vấn đề ảnh hưởng đến những người lao động có tham gia công đoàn. Càng cởi mở, bạn càng dễ hòa đồng hơn. Thường thì những người của công đoàn có hiểu biết về những sự thay đổi sắp đến tốt hơn các nhà quản lý.

Nếu tổ chức của bạn muốn có những sự thay đổi đáng kể trong hợp đồng tiếp theo, hãy làm việc với các đại diện công đoàn của bạn để chuẩn bị cho họ và các thành viên của họ những ý tưởng mới. Bạn có thể làm điều này bằng cách

Thường xuyên chia sẻ suy nghĩ của bạn để các ý tưởng của bạn sau này không trở thành bất ngờ.

– Đưa cho nhân viên của bạn những bài báo mô tả cách các tổ chức khác đã thành công trong những thay đổi tương tự.

Thăm các tổ chức đã từng tiến hành những sự thay đổi sâu sắc, để thấy nó tác động đến con người ra sao. Sau đó bạn có thể lập kế hoạch để tránh những sai lầm họ đã gặp phải.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.