Nhà Tài Phiệt Cuối Cùng

CHƯƠNG 1



Mặc dầu không xuất hiện trên màn bạc, nhưng tôi đã sống giữa thế giới điện ảnh ngay từ lúc lên năm. Sau nay tôi được nghe kể lại rằng Rudolph Valentino đã có mặt trong bữa tiệc kỷ niệm sinh nhật năm tuổi của tôi. Tôi nhắc đến chi tiết này để cho thấy rằng ngay từ những ngày chưa có trí khôn, tôi đã được quan sát những hoạt động của thế giới này.
Vào lúc mười tám tuổi, tôi có viết một cuốn hồi ký với nhan đề “Ái nữ nhà sản xuất”, nhưng ở vào tuổi này người ta đâu có thiết tha gì lắm tới việc viết hồi ký, bất quá thì cũng như viết một bài đăng trên báo. Ba tôi ở trong kỹ nghệ điện ảnh cũng giống như người khác làm kỹ nghệ bông vải hoặc kỹ nghệ thép, và tôi không lấy gì làm ngạc nhiên, thắc mắc. Vào lúc sa sút nhất, tôi đã cam phận sống ở Hollywood như thể một bóng ma an phận chốn nhà hoang. Tôi biết có thể quý vị sẽ nghĩ khác, nhưng quả thực đối với tôi, không có gì làm cho tôi kinh hãi cả.
Nói thì dễ, nhưng làm cho mọi người hiểu được điều đó mới thực khó. Hồi còn sống ở Bennington, tôi thấy có những giáo sư làm ra vẻ lãnh đạm đối với Hollywood và các sản phẩm của điện ảnh. Họ ghét Hollywood cay đắng, làm như điện ảnh là một mối đe dọa đối với đời sống của họ. Trước đó, hồi còn học trong trường dòng, một ma-xơ người nhỏ bé, xinh xắn có bảo tôi kiếm cho xơ một bản chuyện phim để xơ dạy trong lớp học về môn viết chuyện phim, cũng giống như khi dạy về môn tiểu luận hay chuyện ngắn vậy. Tôi đã đưa cho ma-xơ một chuyện, và tôi chắc rằng xơ phải đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác trong khi đọc, nhưng không hề thấy xơ dạy cho lớp học. Sau đó ma-xơ đã trả lại tôi bản chuyện phim với một vẻ vừa ngạc nhiên vừa không có thiện cảm, và cũng không có một lời bình phẩm nào. Tôi tin rằng đó cũng là điều sẽ xảy ra trong câu chuyện này.
Quý vị có thể biết tường tận về Hollywood như tôi, hoặc giả coi đó là chuyện đáng bỏ qua vì không hiểu nổi. Cũng có khi hiểu được chút ít, nhưng chỉ lờ mờ, thấp thoáng. Không có tới quá năm người có thể quán triệt toàn thể kỹ nghệ điện ảnh. Và đối với một người đàn bà, thì có lẽ điều họ có thể làm được với tất cả sức lực, là cố gắng hiểu nổi được một trong năm nhân vật đó trong khi tìm hiểu về kỹ nghệ điện ảnh.
Tôi biết đến những nhân vật trong thế giới này từ một chuyến phi cơ trên đường từ đại học trở về nhà trong dịp hè. Hồi đó, sau cái chết của chị Eleanor, tôi thường đi một mình trên các chuyến bay buồn nản này. Một mình cô đọc trên chuyến phi cơ từ miền Tây về miền Đông, tôi thường đăm chiêu với những ý nghĩ về chị Eleanor lởn vởn trong đầu. Những chuyến bay xuyên tiểu bang như vậy thường rất chật vật vì thời tiết xấu, ít nhất là cho tới khi rời khỏi phi trương nhỏ bé trơ trọi ở Tennessee mới thoát nạn.
Thời tiết xấu khiến cho phi cơ dằn mạnh đến nỗi có nhiều người không muốn tiếp tục cuộc hành trình nữa. Trong số những người muốn bỏ ngang chuyến bay đó, có ba người ngồi ngay phía trước tôi, mà qua câu chuyện họ trao đổi với nhau, tôi chắc chắn họ là những nhân vật ở Hollywood. Trước hết là một người Do Thái đứng tuổi, thỉnh thoảng chen vào câu chuyện với một vẻ bồn chồn. Người ông ta trông có vẻ như một chiếc lò xo chỉ muốn bung khỏi ghế ngồi. Người thứ hai mập có nước da hơi xanh, vẻ mặt bình thản, trông hơi quen quen, hình như tôi đã có gặp ở đâu rồi. Có lẽ lúc đó tôi còn nhỏ lắm nên bây giờ tôi không cảm thấy buồn khi ông ta không nhận được tôi.
Cô chiêu đãi viên trên phi cơ người to lớn, duyên dáng, với cặp mắt đen, hình như đang được mấy người đàn ông này để ý tới. Cô ta hỏi thăm tôi:
– Chị có cần uống một viên át-pê-rin không?
Cô ta vịn vào thành ghế đi lên đi xuống một cách nhanh nhẹn trong máy bay, giữa lúc những cơn lốc tháng Sáu đang dằn vặt mạnh con tàu.
– Không.
– Em bận quá nên không còn thì giờ để ý đến chị.
Cô ta ngồi xuống cạnh tôi và cột dây an toàn vòng qua cả hai.
– Chị dùng kẹo cao su không?
Câu nói của cô ta khiến tôi nhớ tới miếng kẹo cao su đang ngậm trong miệng đã có tới cả tiếng đồng hồ. Tôi nhả miếng kẹo vào miếng giấy báo, gói lại cẩn thận rồi bỏ vào hộp đựng tàn thuốc tự động. Cô chiêu đãi viên nói với giọng bằng lòng:
– Em rất cảm ơn những người trước khi bỏ kẹo cao su vào đây mà còn biết gói lại cẩn thận.
Rồi chúng tôi ngồi im lặng một lát trong ánh sáng lờ mờ của phi cơ. Không khí trở nên mơ hồ, tôi có cảm tưởng như đang sống trong thời gian một buổi chiều tà trước khi ăn cơm tối. Có lẽ ngay cả cô chiêu đãi viên, cô ta cũng đang phải nghĩ lại xem tại sao mình lại ngồi ở đây.
Chúng tôi nói về một nữ minh tinh tôi có quen biết. Cách đây hai năm, cô chiêu đãi viện kể, cô ta có gặp nàng trên một chuyến bay. Người nữ minh tinh nhìn ra ngoài qua cửa sổ trong một tư thế đặc biệt khiến cho cô chiêu đãi viên có cảm tưởng nàng sắp nhảy khỏi phi cơ. Nàng cho cô chiêu đãi viên biết nàng đang sống trong lo sợ và tuyệt vọng. Nàng không ngán cảnh nghèo đói, nhưng lại sợ cách mạng.
Nàng tâm sự với cô chiêu đãi viên:
– Tôi biết điều tôi và má tôi phải làm. Chúng tôi sẽ trở về Yellowstone sống một thời gian để cho mọi chuyện qua đi. Sau đó chúng tôi sẽ trở lại. Họ không giết nghệ sĩ, phải không cô?
Câu chuyện cô ta kể tôi nghe thấy vui tai. Tôi liên tưởng đến câu chuyện cổ tích “gia đình nhà gấu Tory” và tưởng tượng ra cái cảnh hai mẹ con nàng sẽ được những chú gấu Tory đi kiếm sữa, kiếm mật về nuôi, rồi đêm đêm chúng khoanh chân, giấu vuốt nhọn làm gối đầu cho mẹ con nàng ngủ. Để đáp lễ, tôi kể cho cô chiêu đãi viên nghe câu chuyện của một ông luật sư và một ông giám đốc trong thời kỳ nổi loạn đó, đã bàn với cha tôi trong một đêm. Nếu quân cách mạng chiếm được Hoa Thịnh Đốn thì họ sẽ sắp sẵn thuyền giấu trên sông Sacramento, chèo đi lánh mặt độ vài tháng, rồi lại quay trở về “bởi vì sau cách mạng thế nào người ta cũng cần đến luật gia để bạch hóa tình trạng pháp lý của chế độ mới”.
Ông giám đốc thì bàn sẽ sắp sẵn đồ nghề để chuồn, gồm một bộ quần áo rách rưới và một đôi giày cũ. Những đồ này không biết ông có sẵn hay sẽ đi lương ở đâu. Ông sẽ trà trộn vào đám đông chạy loạn. Tôi còn nhớ câu nói lúc đó của Ba tôi:
– Nhưng họ sẽ xem bàn tay anh, và biết ngay anh chưa hề mó tay làm việc lao động bao giờ. Họ sẽ hỏi thẻ nghiệp đoàn.
Và tôi nhớ, nghe xong câu nói đó, vẻ mặt ông ta xìu hẳn lại, trộng vừa buồn cười vừa đáng thương hại.
Cô chiêu đãi viên hỏi tôi:
– Brady, Ba chị là tài tử phải không? Hình như tôi có nghe tên ông.
Vừa nghe đến tên Brady, cả hai người đàn ông ngồi ở hàng ghế đối diện đều ngẩng đầu nhìn tôi, cái nhìn của dân Hollywood như thể ném vào mặt người khác. Rồi người trẻ hơn có nước da xanh, bụng bự, mở khóa dây an toàn, đứng lên cạnh ghế chúng tôi:
– Hình như cô là Cecilia Brady? Có lẽ tôi không lầm, còn tôi: Wylie White.
Giọng nói của hắn có vẻ khẩn trương, nghe như câu hỏi của một điều tra viên, làm như tôi vừa lấy của hắn vật gì không bằng. Lời giới thiệu của hắn thừa, vì hắn vừa nói dứt câu thì một người đàn ông khác từ phía sau la lớn:
– Wylie, coi chừng té.
Vừa nói, người này vừa rời ghế chạy tới vịn vai hắn để lần đi lên phía phòng phi công. Wylie trố mắt nhìn, và có tiếng cô chiêu đãi viên từ phía sau nói vói lên:
– Không được nói chuyện trong phòng lái.
Tôi cảm thấy vui vui trước những hành động ngang bướng và biểu lộ uy quyền của dân Hollywood.
Một chiêu đãi viên khác lên tiếng:
– Xin quý vị nói nhỏ một chút; có nhiều hành khách đang ngủ.
Đi sau người đàn ông vừa chạy lên phía phòng lái là một người khác cũng chạy theo bén gót, người này hình như gốc Do Thái. Người đi trước giơ tay vẫy vẫy lại phía sau làm như từ biệt ai.
Tôi hỏi cô chiêu đãi viên:
– Ông ta có phải phi công phụ không chị?
– Không, đó là ông Smith, ông ta có phòng riêng trên phi cơ.
Nói xong, cô ta đứng lên, để lại một mình tôi với Wylie:
– Để tôi xem coi mình có phải hạ cánh xuống Nashville để tránh bão không?
Wylie White trợn mắt:
– Sao lại hạ cánh?
– Bão đang tiến về phía Mississippi Valley.
– Chúng tôi phải ở lại đây cả đêm nay à?
– Nếu bão tiếp tục thổi.
Để phụ họa với câu nói của cô chiêu đãi viên, phi cơ chao mạnh đẩy cô ta chúi về phía phòng lái. Người đàn ông Do Thái thì té ngồi xuống chiếc ghế gần đó. Sau một phút im lặng nghe ngóng tình hình, mọi người trở lại bình thường. Wylie giới thiệu:
– Cô Brady, anh Schwartz.
Người đàn ông vừa được giới thiệu cúi mọp đầu:
– Dạ, thưa chính tôi, có Chúa làm chứng!
Tôi nghĩ có lẽ trong suốt đời hẳn, hắn chỉ nên nhờ Chúa làm chứng cho một lần là đủ, chớ không nên đưa Chúa ra bừa bãi như vậy. Tiếp xúc với người đàn ông này, ta có cảm tưởng hắn ta đang thủ sẵn những lời nói để hoặc khiêu khích, hoặc ca hót mình. Nếu ta hỏi thẳng hắn: “Anh làm sao vậy?” thì hắn sẽ lí nhí qua hàng răng mọc không đều và cặp môi dày. Hắn không thể nói cho ta biết về nguyên nhân tạo ra thái độ của hắn.
Bề ngoài Schwartz không có vẻ gì khác thường. Chiếc mũi hơi lớn thuộc giống người Ba Tư, cặp lông mày cong không có gì lạ, cũng như chiếc mũi đỏ thuộc giống người Ái Nhĩ Lan của ba tôi vậy.
Wylie lại kêu lên:
– Chà! Nashville, như vậy có nghĩa là đêm nay chúng ta phải ngủ ở khách sạn và chưa về được tới nhà. À, nhưng… Nashville là quê hương, bản xứ của tôi mà.
– Vậy thì chắc ông phải mừng lắm khi thấy lại quê hương.
– Không.. Tôi đã ra đi tự lúc mười lăm tuổi và hy vọng không bao giờ trở về lại nữa.
Nhưng lần này thì hắn sẽ trở lại, bởi vì phi cơ đang hạ thấp lần lần. Tôi ghé sát mắt vào cửa sổ phi cơ, lấy tay che hai bên má, nhìn xuống dưới: quang cảnh thành phố hiện ra ở phía trái. Hàng chữ màu xanh “Xin cột chặt dây an toàn, không hút thuốc” đã được bật lên tự lúc phi cơ đi vào vùng có bão.
– Vừa rồi anh có nghe họ nói gì không? – Tự hàng ghế bên kia, Schwartz hỏi vọng sang.
– Họ nói gì vậy? – Wylie hỏi lại.
– Họ vừa gọi lão ta là Smith. Không biết lão ta nhận cái tên Smith đó từ hồi nào vậy?
– Có quyền, ăn nhằm gì.
Schwartz nói nhanh:
– À, không sao, nhưng tôi nghe tiếng “Ông Smith” thấy nó buồn cười gì đâu, Smith!
Những phi trường ở tỉnh lẻ là những bộ mặt độc đáo chơ vơ, buồn tẻ với những dãy nhà kho xây bằng gạch đỏ trên đường vào thành phố. Hành khách không ai xuống những phi trường trơ trọi này làm gì, ngoại trừ dân địa phương đi đâu trở về. Những phi trường này gợi lại cho ta hình ảnh của những ốc đảo từng được dùng làm nơi tạm ngừng chân của đoàn khách thương trong cuộc hành trình. Quang cảnh những hành khách thấp thoáng đi vào phi trường lúc nửa đêm là một hình ảnh đặc biệt lôi cuốn sự chú ý của một số người. Những người già chăm chú nhìn ngắm đều có vẻ ngạc nhiên, thích thú. Trong những chuyến bay xuyên lục địa, hành khách phần nhiều là giới giàu có ở miền duyên hải, họ đã từ miền Trung Mỹ ra đi lập nghiêp. Một vài người trong số du khách muốn hưởng cảm giác phiêu lưu, mạo hiểm, họ ăn bận giả làm tài tử. Tôi cũng ở trong số đó, vì tôi thường ước ao được mọi người chú ý tới mình thật nhiều. Đôi khi gặp phải người quen, họ thường nhìn sự ăn bận đội lốt của mình bằng một cái nhìn mỉa mai. Họ biết thừa mình đâu phải là tài tử mẹ ma gì.
Vừa đặt chân xuống phi trường, tôi và Wylie tự nhiên trở thành đôi bạn kể từ lúc anh ta giơ tay đỡ tôi từ trên phi cơ bước xuống đất. Sau đó anh ta bám riết tôi, và tôi cũng không thấy có gì phiền hà. Trong khi đi vào nhà ga phi cảng, tôi đã thấy rõ ràng rằng nếu phi cơ phải neo lại ở đây là kể như hai đứa chúng tôi cũng dính nhau luôn. Tuy nhiên cảm giác của tôi không còn bồng bột như lần tôi bị một thằng bồ cho rơi. Lần đó nhìn thằng bồ ngồi chơi dương cầm với con nhỏ Reina trong trang trại ở New England gần Bennington, ít ra tôi cũng đau đớn cảm thấy hắn hết còn muốn tôi. Guy Lombardo say sưa trong cung đàn với bản Top Hat và Cheek to Cheek (Nón Cao, Má kề Má). Con nhỏ nắn phím cho hắn qua những âm thanh du dương. Tay nàng lướt nhanh, những phím đàn chìm xuống như lá thu rơi. Rồi tay hai đứa dính nhau khi nó chỉ cho hắn một nốt nhạc. Tim tôi đau điếng, vì là kẻ vừa mới học nghề yêu đương.
Lúc vào nhà ga phi cảng có cả Schwartz đi theo, nhưng ông ta hình như đang mơ mơ màng màng. Trong khi chúng tôi hỏi thăm tin tức trước quầy nhân viên phi cảng, Schwartz luôn luôn nhìn cánh cửa thông ra phi đạo, như thể ông ta đang lo sợ máy bay sẽ cất cánh bất tử và bỏ rơi ông ta lại. Tôi vào phòng rửa mặt. Trong thời gian đó, không biết chuyện gì đã xảy ra giữa hai người. Khi trở ra tôi thấy Schwartz và White đứng gần nhau. White đang nói và mặt Schwartz xám lại như người vừa bị đụng xe. Ông ta hết nhìn cánh cửa thông ra phi đạo. Tôi nghe được câu cuối cùng của White:
– Tôi đã nói với anh là cứ im lặng, tôi sẽ lo cho anh.
– À… ấy là tôi nói vậy…
Ông ta ngưng bặt khi tôi lại gần, và hỏi hai người có nghe tin tức gì mới không. Lúc đó là hai rưỡi sáng. Wylie trả lời:
– Họ cho biết bất cứ trường hợp nào, chung ta cũng chỉ có thể cất cánh trở lại sau ba tiếng nữa. Một số hành khách đã về khách sạn, nhưng tôi có ý kiến là tụi mình đi Hermitage xem nhà của Tổng thống Andrew Jackson.
– Tối thế này xem gì được? – Schwartz hỏi.
– Tối khỉ gi, chỉ hai tiếng nữa là Trời bắt đầu sáng rồi.
– Hai người đi đi, có lẽ tôi ở lại.
– Cũng được. Anh đi xe buýt về khách sạn chờ đi. Ông ta ở đó. Như thế càng hay.
Giọng Wylie có vẻ đanh lại trong những tiếng cuối cùng.
Schwartz nói nhanh:
– Thôi, tôi đi với anh luôn.
Chúng tôi leo lên taxi đi trong đêm tối. Schwartz có thái độ nhanh nhẹn, khuyến khích. Hắn nâng đầu gối tôi để vào trong xe và nói:
– Tôi phải kèm cô như kèm con gái tôi hồi xưa. Nó cũng xinh lắm, lúc đó tiền bạc tôi khá hơn bây giờ nhiều. Có thể nói là ném qua cửa sổ không tiếc.
Nghe hắn nói tôi có cảm tưởng là bây giờ vì thiếu tiền, hắn đã đem con gái cầm cố đâu đó rồi. Wylie an ủi:
– Rồi anh sẽ có con khác, sẽ lấy lại tiền. Phải ráng chờ một khúc quanh của định mệnh, anh sẽ giàu có không thua gì Ba cô Brady hiện nay. Phải vậy không cô Brady?
Tôi chưa kịp nói gì thì Schwartz hỏi:
– Hermitage ở mãi tận đâu? Coi chừng lỡ máy bay thì phiền lắm.
– Thôi đi cha! Muốn chắc ăn sao không bắt một em chiêu đãi viên đem đi theo luôn. Cậu có vẻ chịu cô chiêu đãi viên lắm, trông em cũng khá lắm đấy chứ?
Xe chạy một lúc khá lâu, trời sáng sủa hơn đôi chút khi ra tới vùng quê. Hai bên đường trơ trụi, thỉnh thoảng một thân cây chơ vơ mọc bên đường. Sau khi quanh gắt, một vùng trồng cây chợt hiện ra. Mặc dầu trong đêm tối, chúng tôi vẫn có cảm tưởng lá ở đây xanh hơn những lá ô liu màu xám ở California. Ở đâu đó, chúng tôi gặp một bác da đen đánh ba chú bò đi trước. Những con bò rống lên khi bị bác ta đánh dẹp sang một bên đường. Đó là những con bò thực với xương, với thịt đang tỏa ra hơi nóng. Bác da đen lần lần hiện rõ trong bóng tối với cặp mắt to màu nâu. Bác nhìn sát vào xe chúng tôi. Wylie ném cho bác một đồng hai mươi lăm xu. Bác ta nói “Cám ơn, cám ơn” và ngừng lại. Những con bò lại rống lên giữa đêm tối khi xe chúng tôi chạy qua. Tôi liên tưởng đến những con cừu mà tôi đã thấy lần đầu tiên, hàng trăm con, ở phim trường Laemmle. Thình lình xe hơi chúng tôi lái đâm vào giữa đàn cừu đó. Chúng dồn nhau chạy dạt ra. Chúng không lấy gì làm sung sướng khi được đưa lên màn ảnh, nhưng người đàn ông trên xe la lớn:
– Sướng không!
– Anh muốn được sướng như chúng sao, Dick?
– Khoái lắm chứ!
Và người đàn ông tên Dick đó tiếp tục đứng trên xe nhìn đàn cừu xô đẩy, chạy dồn vào nhau như một lượn sóng màu xám nhấp nhô. Tôi không còn nhớ cảnh này ở trong cuốn phim nào.
Chúng tôi đã ngồi trên xe một tiếng đồng hồ. Xe chạy qua giòng suối, qua một con cầu sắt cũ kỹ lót ván. Tiếng gà gáy vang đây đó, bóng dáng những đàn gia súc chuyển động mỗi khi xe chạy ngang một trang trại. Wylie lên tiếng:
– Tôi đã nói trời mau sáng lắm mà, thấy chưa? Quê tôi gần đây, căn nhà cũ bây giờ vẫn còn. Hồi đó gia đình có bốn người làm, ông cụ, bà cụ và hai cô em gái. Tôi đã bỏ nhà đi lập nghiệp ở Memphis và rốt cuộc là bây giờ đi tới chỗ kẹt không lối thoát.
Anh quàng một tay qua vai tôi nói tiếp:
– Cecilia, bằng lòng lấy anh không? Nếu cưới được em thì anh sẽ có dịp xí phần trong gia tài nhà họ Brady.
Anh ta nới lỏng tay để tôi có thể ngả đầu vào vai ảnh.
– Bây giờ cô đang làm gì? Cecilia, học?
– Em đang học ở Bennington. Ở Đại học.
– Ồ, ghê quá! Thế mà mãi bây giờ tôi mới biết. Hồi xưa tôi mới chỉ được học tới trung học. Nhưng tại sao tôi có đọc trong một tờ báo họ lại nói rằng đại học chỉ học đại, nghĩa là làm sao nhỉ? Tại sao thiên hạ cứ đồn rằng con gái mà học đến đại học thì… Nhưng thôi, đó là thành kiến xấu, dù sao thì kiến thức cũng là một sức mạnh.
– Đừng vội. Chúng ta sẽ còn gặp nhau nhiều ở Hollywood.
Anh ta có vẻ cụt hứng, nhưng vẫn nói tiếp.
– Ở đâu thì tính theo đó chứ cần gì. Bộ ở đây mình không có quyền biểu lộ cuộc sống riêng tư sao?
– Chính anh vừa xâm phạm vào cuộc sống riêng tư của người khác và làm phiền người ta. Thôi, chúng ta nên trở về là vừa.
Wylie chỉ Schwartz:
– Đâu được, phải để cho hắn ngủ thêm một chút. Suốt mấy tuần nay, đây có lẽ là lần đầu hắn chợp mắt được. Này, Cecilia, trước đây tôi có lăng nhăng với vợ của một nhà sản xuất ở Hollywood, chỉ trong một thời gian rất ngắn và sau đo bà ta đã bảo tôi bằng một giọng quả quyết: “Anh không được cạy răng nói cho ai hay chuyện này, bằng không tôi sẽ có cách làm cho anh không ngóc đầu lên được và tống cổ anh khỏi Hollywood. Bởi vì chồng tôi là người quan trọng hơn anh nhiều”.
Sau câu nói đó tôi thấy có cảm tình trở lại với Wylie, di trên một con đường nhỏ, giữa hai hàng cây và ngừng lại trước nhà lớn màu xám của Andrew Jackson. Người tài xế chỉ chỏ ngôi nhà giải thích, nhưng Wylie đã ra dấu chận anh ta lại và chỉ vào Schwartz. Chúng tôi rón rén xuống khỏi xe, người tài xế nói nhỏ:
– Ông bà có thể vào xem trong nhà được.
Tôi và Wylie đi tới ngồi tựa lưng vào một cây cột vĩ đại trước thềm tam cấp. Tôi hỏi:
– Schwartz là người thế nào? Ông ta là ai vậy?
– Quên hắn đi là vừa. Trước hắn làm người cầm đầu một tổ hợp nào đó, hình như là First National, Paramount hay Liên hiệp Nghệ sĩ gì đó. Bây giờ hắn xuống dốc, và bị văng. Nhưng thế nào hắn cũng trở lại. Người ta chỉ có thể bỏ điện ảnh khi nào bắt đầu làm bạn với ma túy hay nghiện rượu.
– Hình như anh không thích Hollywood.
– Thích lắm chứ sao không. Nhưng thôi, ngồi trước thềm nhà Andrew Jackson trong buổi bình minh này chúng ta nên nói chuyện gì khác thơ mộng hơn.
Tôi vẫn theo đuổi ý tưởng cũ và nói:
– Tôi thích Hollyood.
– Cũng được. Đó là một thành phố với những hoa thơm, cỏ lạ, nhưng bên dưới che giấu đầy mìn, bẫy. Đó là nơi thi thố tài năng của những kẻ khôn ngoan, lanh lợi. Trước đây, sau khi rời Savannah, Georgia, tôi tới đó. Ngày đầu tiên, tôi được mời dự một dạ tiệc ngoài trời. Người chủ nhà bắt tay tôi rồi bỏ đi mất tiêu. Quang cảnh xung quanh thật là lịch sự, đẹp đẽ: hồ tắm, cỏ xanh, đồ ăn, thức uống la liệt. Nhưng không một ai nói gì với tôi. Tôi cố bắt chuyện với nhiều người, nhưng không ai thèm trả lời. Tình trạng đó kéo dài trong suốt một giờ, rồi hai giờ. Sau cùng, tôi rời chỗ ngồi và ra khỏi dạ hội như một người điên. Tôi không còn nhận ra mình mãi cho tới lúc trở về tới khách sạn và nhận được một bức thơ do người thơ ký khách sạn giao lại, bên trên phong bì có đề rõ tên tôi.
Dĩ nhiên trước đó tôi chưa hề dự một buổi dạ hội nào như thế, nhưng nghĩ lại buổi dạ hội vừa qua, tôi nhận thấy đó là một sự thực phải chấp nhận. Tốt hơn, nếu không quen thân thì đừng nên lui tới các tiệc tùng đó, vì ở đây luôn luôn có những lưỡi búa vô hình nhè bổ xuống đầu, cổ chúng ta.
– Anh cần vượt lên trên những thói thường tình đó. Khi người đối xử tàn tệ với mình, mình không đáng nhục, nhưng sự nhục nhã đó thực ra phải được trả lại cho người.
– Thực tôi không thể ngờ một thiếu nữ trẻ như cô lại có thể thốt ra những lời khôn ngoan già dặn như thế.
Phương Đông đã rực ánh hồng. Lúc này Wylie có thể nhìn rõ thân hình tôi, một thân hình dong dỏng với những đường cong cân đối. Nước da có thể hơi xanh, nhưng tinh thần tôi minh mẫn. Giờ đây tôi không còn nhớ được hình ảnh của mình trong buổi hừng đông hôm ấy. Ở vào tuổi đó, tôi mang theo mộng đẹp phiêu du, sẵn sàng tiếp tục cuộc hành trình trong nhiều giờ nữa.
Wylie nhìn tôi say đắm. Giữa lúc đó thì Schwartz hiện ra với những lời nói lí nhí làm tan đi một cảnh mộng đẹp. Ông ta vừa dụi mắt vừa nói:
– Làm được một giấc trong xe đã quá.
Wylie đứng lên:
– Anh tới đúng lúc quá. Nào chúng ta bắt đầu đi xem nhà ổ của vị Tổng thống thứ mười Mỹ quốc, người anh hùng đã đem chiến thẳng về cho tiểu bang New Orleans, đối thủ của Ngân hàng Quốc gia, sáng lập gia của hệ thống mua quan bán tước trong chánh đảng cầm quyền.
Schwartz nhìn tôi như muốn dò hỏi ý kiến:
– Hắẳn có vẻ là một văn sĩ. Hắn biết rất nhiều và đồng thời không biết gì hết.
Wylie có vẻ cụt hứng:
– Nghĩa là làm sao?
Theo nhận xét thoáng qua của tôi, tôi cũng thấy rằng Wylie có vẻ văn nhân lắm. Và tôi vốn yêu văn nhân. Nếu bạn có bất cứ điều gì thắc mắc, cứ việc tìm tới hỏi họ, họ không bao giờ hà tiện câu trả lời cho bạn. Văn nhân thường có lối sống khác đời, bởi vì họ liuôn luôn sống với bản chất thực sự của con người, không cần che đậy, giấu diếm. Cũng như những nghệ sĩ, họ chỉ biết cố gắng diễn xuất sao cho lột được hết những đặc điểm của vai trò được giao phó, mà chẳng buồn nhìn vào trong gương xem mình có vẻ gì kỳ cục, lố bịch hay không.
Schwartz nhìn tôi:
– Phải không cô? Bọn văn sĩ là vậy, tôi không biết tìm danh từ gì để diễn tả về họ cho đúng. Nhưng tôi biết chắc sự thực là như vậy.
Wylie bình tĩnh nhìn thẳng vào mặt Schwartz:
– Đồng ý, nhưng dù tôi có mơ mộng cũng còn thực tế hơn bạn. Ít ra tôi cũng còn có một căn phòng để ngồi mà suy tư, còn bạn lúc nào cũng chạy cờ lông công khắp miền California, vậy mà rồi rốt cuộc chẳng ăn cái gì. Bạn còn chê tôi nữa hay không.
Schwartz không nói gì. Bộ mặt ông ta như bị phân tán ra từng mảnh, không còn hình dạng lúc đầu. Một con chim ở đâu bay tới đậu trên ống khói lò sưởi tòa nhà. Schwartz nhìn đăm đăm vào cánh chim. Con chim chợt bay đi, Schwartz lên tiếng:
– Thôi, các bạn nên trở lại phi trường là vừa kẻo lại lỡ máy bay.
Trời vẫn chưa sáng hẳn. Tòa nhà trông như một chiếc hộp màu trắng khổng lồ trơ trọi giữa cảnh hoang phế đã hàng trăm năm.Chúng tôi trở lại chỗ đậu xe. Tôi và Wylie lên xe. Schwartz vẫn đứng ở ngoài và đóng cửa xe lại. Mãi tới lúc này chúng tôi mới chợt nhận ra ý định ở lại của ông ta.
– Có lẽ tôi sẽ không đi Hollywood. Tôi đã quyết định từ lúc thức dậy trên xe. Ông tài xế đưa các bạn về phi trường rồi ông ta có thể trở lại đây đón tôi.
– Anh quyết định trở về thật sao? Chỉ vì… – Wylie hỏi với vẻ đầy ngạc nhiên.
– Tôi là con người của quyết định. Tôi thích quyết định. Các bạn đừng ngạc nhiên.
Schwartz nở một nụ cười gượng gạo, nói tiếp trong lúc người tài xế cho xe chạy để chờ máy nóng:
– Nhờ anh đưa giúp thơ này cho ông Smith.
Schwartz lấy thơ trong túi ra trao cho Wylie. Người tài xế hỏi Schwartz:
– Chừng hai giờ sau tôi trở lại được không ông?
– Được lắm. Tôi sẽ đi xem phong cảnh quanh đây.
Trên đường trở về phi trường, đầu óc tôi cứ lẩn quẩn nghĩ về Schwartz. Tôi cố hình dung lại những nét mặt ông ta trong lúc mới vừa gặp trên phi cơ và trong khi ngắm phong cảnh vừa rồi. Tôi lại nghĩ tới Andrew Jackson. Giữa Schwartz và Jackson có gì khác nhau không? Một người đã yên nghỉ trong phần đất hương hỏa thiên hạ dành cho mình; còn một người thì từ trại tập trung Do Thái nào đó, lê gót phiêu du khắp nơi để rồi giờ này cũng sắp đi tìm một nơi an trí. Liệu trong lúc lang thang ngắm phong cảnh ở nhà Jackson, Schwartz có hiểu nổi nhân vật này hay không. Chắc Schwartz sẽ nghĩ rằng Jackson phải là một người vĩ đại, có công lắm nên mới được người đời nhớ tới thế này. Ở cả hai đầu cuộc đời, con người đều cần đến sự nuôi dưỡng: trong lòng mẹ, và tại nơi an trí. Rốt cuộc rồi con người cũng phải tìm một chỗ nào đó để nương náu khi thiên hạ không còn cần tới họ nữa, và thưởng cho họ một viên đạn vào đầu.
Những thắc mắc, những tư tưởng mông lung này dĩ nhiên không thể trả lời trong chốc lát. Chúng tôi trở lại phi trường, cho nhân viên hãng máy bay biết Schwartz bỏ dở chuyến bay. Bão đã thổi đi nơi khác và tan lần ở miền núi, phi cơ cất cánh trong vòng nửa giờ sau đó. Hành khách với bộ mặt buồn ngủ rã mắt lại bị đưa từ khách sạn ra phi trướng. Nhiều người còn cố nán lại ngồi ngủ vật vờ trên những chiếc băng bộc nệm trong nhà ga phi cảng. Tôi tưởng tượng lại quãng đường vất vả vừa qua. Một cô chiêu đãi viên mới xuất hiện thay cho cô cũ. Cô mới này người cũng cao lớn, mắt đen, xinh xắn, nhanh nhẹn giống hệt cô cũ. Chỉ có điều cô ta bận một bộ đồng phục kiểu khác, tay xách chiếc va-li nhỏ đi qua chỗ tôi và Wylie đang ngồi chờ. Tôi hỏi Wylie với giọng ngái ngủ:
– Anh đã đưa thơ cho ông Smith chưa?
– À.
– Smith là ai vậy? Có lẽ vì người này mà Schwartz bỏ ngang chuyến đi.
– Lỗi tại Schwartz.
– Tôi có thành kiến đối với những người ưa dùng sức mạnh. Ba tôi cũng thỉnh thoảng mắc phải tật ấy, và tôi thường khuyên ông nên để dành sức mà làm việc khác ở phim trường. Hiện thời ông ấy vẫn còn xử dụng lối đó để bắt tôi trở lại học ở Bennington. Ấy thế, mà sau mỗi lần như vậy tôi vẫn thường cám ơn ông.
Tôi chợt nghĩ lại câu mình vừa nói và phân vân không biết có nên nói nữa hay không. Wylie lên tiếng:
– Sẽ có chuyện sập trời nếu hai xe hủ lô Smith và Brady dùng sức mạnh húc nhau.
– Bộ giữa ông Smith và Ba tôi có sự đụng chạm sao?
– Chưa hẳn thế, có thể nói là không. Nhưng nếu xảy ra thì lợi hai sẽ nghiêng về đâu?
– Ba tôi phải chiếm phần thắng.
– Tôi sợ chưa chắc.
Tôi chợt nghĩ lúc này không phải là lúc giãi bày tình cảm gia đình. Người phi công đã tới ngồi ở bàn, cạnh nhân viên kiểm soát, và ông ta sẽ lắc đầu khi theo dõi cử chỉ của một hành khách, bỏ hai đồng mười xu vào chiếc máy hát dĩa tự động rồi ngồi vật vờ ở băng ghế chống lại giấc ngủ. Bản nhạc đầu tiên ông ta chọn là bản “Mất” tiếng hát vang lên khắp phòng. Tiếp theo sau là bản “Đi” cũng cùng một đề tài na ná giống nhau. Người phi công lại lắc đầu, rồi ông rời khỏi bàn đi tới chỗ hành khách:
– Ông già, sợ chuyến này chưa đi được đâu.
– Hả!..?
Người hành khách say rượu đứng lên, người ông ta trông thật bê bối, tuy vậy vẫn có những nết dễ thương. Tôi thấy buồn thay cho gã, dầu tôi không thích hai bản nhạc mà hắn vừa chọn.
– Về khách sạn ngủ nữa đi, tối nay sẽ còn một chuyến máy bay nữa.
– Nhất định phải cưỡi gii… ó.
– Lần này không được đâu, cha nội!
Thất vọng hiện rõ trên nét mặt, gã say ngồi phịch xuống ghế. Chiếc loa phóng thanh đặt trên máy hát lên tiếng yêu cầu hành khách ra phi cơ. Lên phi cơ tôi muốn chạy lại chỗ Stahr và ngả người vào lòng anh ta. Có những người đàn ông mà bất cứ người con gái nào trông thấy cũng muốn tới gần dù có được mời hay không. Hẳn nhiên tôi không được mời, nhưng anh ta thích tôi và tới ngồi đối điện với tôi cho tới lúc máy bay cất cánh.
– Chúng ta phải đòi lại tiền. – Stahr nói và mắt nhìn tôi như muốn thu lấy tất cả hình ảnh. Tôi tự nghĩ nếu yêu tôi thì ông ta sẽ có cái nhìn như thế nào. Cặp mắt đó trông thật tinh ranh, tế nhị và muốn chế ngự người khác. Điều đó không có gì đáng trách, bởi vì vai trò của ông ta là cầm đầu nhiều người đàn ông khác. Một điều chắc chắn là ông ta không giống bất cứ người nào trong số những người đàn ông đó. Ông ta biết lúc nào nên giữ yên lặng, lúc nào nên rút về hậu trường để nghe ngóng. Từ chỗ đang đứng (ông ta không cao lớn lắm, nhưng người ta vẫn có cảm tưởng như thế) Stahr quan sát một diễn biến xung quanh như người chăn trừu quan sát đàn trừu của mình bất kể ban ngày hay ban đêm. Ông ta sanh ra không phải để ngủ hay nghỉ ngơi, và ông ta cũng không muốn điều đó.
Chúng tôi ngồi im lặng vì không biết nói gì. Tôi biết Stahr từ ngày ông ta bắt đầu làm ăn chung với Ba tôi, hơn mười năm trước đây. Lúc đó tôi lên bảy và Stahr hai mươi hai. Wylie ngồi ở hàng ghế bên kia. Tôi phân vân không biết có nên giới thiệu họ không. Stahr xoay xoay chiếc nhẫn xung quanh ngón tay khiến tôi nhìn ông ta có vẻ trẻ hơn, nhưng không dám nói ra. Tôi không bao giờ dám nhìn xa ông ta, và cũng không bao giờ dám nhìn thẳng vào mặt, trừ khi nào có điều gì quan trọng phải nói. Tôi biết ông ta đã chinh phục cảm tình nhiều người bằng lối đó.
– Này Cecilia, chú tặng cháu cái nhẫn này.
– Cám ơn chú, nhưng cháu…
– Chú có cả tá mà, lo gì.
Stahr đưa chiếc nhẫn cho tôi, một chiếc nhẫn bằng vàng khối với chữ S đúc nổi.
Bàn tay Stahr mềm mại và có những ngón tay nhỏ nhắn dễ thương, trái ngược hẳn với thân hình đồ sộ. Với hàng mi cong và cặp mắt đen, trông Stahr có vẻ trí thức lắm, nhưng tôi biết đó là một người sinh ra để chiến đấu. Những ai rõ về quá khứ của ông ta, đều biết rằng hồi còn nhỏ ông đã từng cầm đầu một băng thiếu niên. Mặc dầu là một cậu bé mảnh khảnh, lúc nào Stahr cũng dẫn đầu cả bọn, và thỉnh thoảng quay lại để ra hiệu lệnh.
Stahr để chiếc nhẫn vào lòng bàn tay tôi, bắt tôi nắm tay lại rồi đứng lên gọi Wylie:
– Tụi mình vô trong này. Cecilia, chờ chú nghe cháu.
Tôi nghe tiếng Wylie hỏi:
– Ông đã đọc thơ của Schwartz chưa?
– Chưa.
Tôi thực là chậm hiểu, vì mãi tới lúc này tôi mới nhận ra ông Smith chính là Stahr.
Sau đó Wylie có nói cho tôi biết về bức thơ mà Schwartz đã viết bên trong xe taxi như sau:
Ông Stahr, ông là người tôi thán phục nhất nên khi ông dùng tôi thì tôi biết tôi đã hết thời. Tôi không muốn tiếp tục cuộc hành trình nữa và khuyên ông nên cẩn thận! Tôi biết có nhiều chuyện sắp xảy tới.
Một người bạn: Schwartz.
Stahr đọc lá thơ hai lần, tay mân mê cằm, rồi ông giơ tay phân trần:
– Hắn đã mất bình tĩnh và hết xài. Tôi rất tiếc không hợp tác với hắn được. Nhưng tôi không ưa những người tìm tới tôi và nói vì họ muốn cứu tôi.
– Có thể như thế lắm. – Wylie nói.
– Kỹ thuật đó xưa quá rồi.
– Tôi thì lại khác, tôi giống như đàn bà, muốn được nhiều người chầu chực xung quanh. Tôi cần ý kiến của họ.
Stahr nhún vai, biểu lộ thái độ khinh thường. Wylie tiếp tục chọc quê Stahr, anh ta là một trong những người được Stahr cho phép làm điều đó:
– Cỡ người Napoleon như anh cũng khoái được thiên hạ ca tụng lắm chứ.
– Tôi ghê tớm chuyện đó, mặc dầu những kẻ hót tôi còn hay hơn mấy đứa thường ca anh nhiều.
– Nếu thế anh còn mướn tôi làm chó gì?
– Cái đó là chuyện buôn bán, vì tôi muốn mua trữ để dành những gì chứa đựng trong đầu óc của anh. Tôi là một nhà buôn.
– Anh đếch phải nhà buôn. Tôi biết nhiều về các thương gia và tôi rất chịu câu nói của Francis Adams.
– Tên đó nói gì?
– Adams bảo chỉ có những người như Gould, Vanderbilt, Carnegie, Astor là những nhà buôn thực sự, và sau những người ấy ông ta không còn tìm thấy ai tương tự nữa. Chính vì thế mà tôi nói anh không phải là nhà buôn.
– Adams có thể là một tên chứa đầy bụng chữ nghĩa. Hắn tự coi là xếp sòng trong thiên hạ, nhưng tư tưởng của hẳn đã chắc gì là khuôn vàng thước ngọc.
– Đó là một bộ óc lớn.
– Người ta không phải chỉ sống với óc. Bọn nhà văn và tụi nghệ sĩ các anh lầm lẫn, chuyện nọ xọ với chuyện kia. Cần phải có người uốn nắn lại ý nghĩ các anh. Các anh ghét ai thì hạ người đó xuống tới đất đen, còn phục ai thì ca hát bô bô luôn miêng. Các anh quan trọng hóa cá nhân và quan trọng hóa chính mình. Còn tôi, tôi cũng mến người và thích được người mến tồi, nhưng tôi không cần phơi bày lộ liễu những tình cảm đó. Tôi để nguyên trái tim ở vị trí kín đáo bên trong người, đó là chỗ thích hợp mà Thượng Đế đã chọn cho nó.
Stahr chợt đổi qua chuyện khác, ông ta hỏi Wylie:
– Anh còn nhớ tôi đã nói gì với Schwartz lúc ở phi trường không nhỉ?
– Anh bảo hắn: “Dù anh bám tôi cách mấy tôi cũng nhất định nói không là không”.
Stahr im lặng. Wylie nói tiếp:
– Hắn bị sa lầy, nhưng thái độ của hắn khiến tôi buồn cười. Tụi này đưa cô con gái của Brady đi chơi một vòng.
Stahr nhận chuông gọi tiếp viên:
– Tôi muốn ngồi ở phòng lái, cạnh phi công một lúc được không cô?
– Thưa ông không được, hãng cấm.
– Vậy cô bảo anh ta chừng nào rảnh vào đây với tôi.
Suốt buổi trưa hôm đó Stahr ngồi với phi công trong phòng lái. Máy bay lướt qua vùng sa mạc hầu như vô tận. Bãi cát chạy dài ngút ngàn với đủ mọi màu sắc khác nhau. Xế chiều thì những đỉnh núi bắt đầu xuất hiện bên dưới, đó là rặng Frozen Saw. Chúng tôi biết đã gần về tới nhà.
Nhiều lúc tôi có ý nghĩ muốn được làm vợ Stahr, muốn làm cho Stahr phải yêu tôi. Ôi! Thực là chuyện ảo, liệu trên đời này Stahr có còn thiều thứ gì để cho tôi dùng làm mồi quyến rũ ông ta. Nhưng rồi tư tưởng của tôi xoay chuyển, tôi còn ít tuổi, tôi có những tự hào của một thiếu nữ trẻ. Sức mạnh của người đàn bà bắt nguồn từ những ý nghĩ thầm kín, chẳng hạn như “mình đâu có thua gì ai”. Riêng tôi, tôi nghĩ rằng tôi cũng chẳng kém gì nhan sắc của những thiếu nữ đẹp nhất từng tự ý tìm tới ngả vào lòng Stahr. Chút vốn liếng học vấn ở Đại học của tôi cũng có thể được coi là một lớp son phấn giá trị.
Nhưng bây giờ tôi biết mình đã lầm. Đối với những người đàn ông bản lãnh như cỡ Stahr, đàn bà không thể dùng chút học vấn để lòe họ được. Tuy vốn liếng học thức không bao nhiêu, và chỉ thu thập từ mấy lớp học chuyên nghiêp buổi tối, nhưng trong nhiều năm lăn lộn, Stahr đã để ý nghe ngóng và thu nhận nhiều hiểu biết trong những lãnh vực rất ít người theo kịp được ông ta. Nhưng trong cơn mê loạn, tôi nghĩ rằng cứ áp dạng chiến thuật mắt kề mắt, vai liền vai, và một ngày kia con tim của Stahr dù cứng rắn đến đâu cũng phải mềm sau những năm dài hoạt động. Tôi đã thảo ra nhiều kế hoạch, giăng nhiều cạm bẫy – mà bất cứ người đàn bà nào cũng có thể nghĩ ra – nhưng kết quả rốt cuộc như các bạn sẽ thấy cũng vẫn chỉ là con số không. Có khi tôi nghĩ rằng giá như Stahr nghèo và ít tuổi hơn một chút, thì có lẽ sự chinh phục của tôi đã thành công. Nhưng sự thực là trên đời này Stahr không còn thiếu thứ gì để tôi có thể tặng cho anh ta. Những sáng kiến của tôi đôi khi bắt nguồn từ những cuốn phim đã coi, tôi còn nhớ như phim “Đường 42” chẳng hạn. Thành thử có thể nói chính những cuốn phim mà Stahr đã sản xuất lại là những gì đã ảnh hưởng tới con người tôi nhiều hơn cả.
Chiến đấu trong lãnh vực tình cảm, thực khó ai có thể giúp được mình. Nhưng trong trường hớp này tôi nghĩ Ba tôi có thể giúp, cô tiếp viên có thể giúp. Chẳng hạn cô ta có thể đi lên phòng lái, ghé vào tai Stahr nói nhỏ: “Thiều nữ ngồi với ông hồi nãy có cặp mắt đa tình ghê gớm, người ta có thể thấy ái tình hiển hiện trong cặp mắt nàng”.
Người phi công cũng có thể giúp vào một câu như:
– Stahr, anh không biết thưởng thức sắc đẹp hay sao mà không xuống dưới kia ngồi với người đẹp cho rồi.
Wylie có thể giúp vào, qua những lời trao đổi, thay vì đứng nhìn tôi bâng khuâng như thế kia. Câu chuyện trao đổi có thể như sau:
– Ngồi xuống đi anh, sao? Có tin gì không? Chúng ta tới đâu rồi?
– Còn phải bay lâu.
– Ồ, vậy thì ngồi lại đây nói chuyện cho mau tới. Chuyện phim anh đang viết là chuyện gì vậy?
– Viết về đời sống hướng đạo, chuyện một hướng đạo sinh.
– Chắc là ý kiến của Stahr?
– Không biết chắc là ý kiến của ai, nhưng ông ta bảo tôi viết. Ngoài tôi ra, ông ta còn giao cho hàng chục người khác cùng viết về đề tài này. Đó là một lối làm việc Stahr mới nghĩ ra. Sao? Hai người dính nhau rồi à?
– Chưa, nhưng tụi này đã biết nhau từ lâu.
– Thất vọng hả? Được, để tôi giúp cho. Nhưng ngược lại, cô phải hứa sẽ dùng ảnh hưởng để đưa tôi vào một trong những cái ghế giám đốc.
Tôi nhắm mắt ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Khi tỉnh lại tôi thấy cô tiếp viên đang đứng bên cạnh và kéo chiếc mền mỏng đắp cho tôi. Nhìn qua cửa sổ xuống bên dưới chỉ thấy toàn một màu xanh. Trời bắt đầu tối. Cô tiếp viên nhìn tôi mỉm cười:
– Cái ông Smith hay Stahr gì đó thật là vui tính. Hình như tôi có nghe thấy tên ông ta ở đâu rồi thì phải, nhưng không thể nào nhớ ra.
– Trong phim.
– Ồ, phải rồi. Ông ta đang hỏi phi công về cách điều khiển phi cơ. Hình như ông ta thích máy bay lắm.
– Đúng.
– Một phi công nói với tôi anh ta cam đoan có thể chỉ cho ông bay một mình được chỉ trong vòng mười phút. Ông ta thực là người nhanh trí khôn.
– Rồi sao?
– Có một phi công hỏi ông ta thích nghe điện ảnh không và Stahr trả lời: “Thích chứ, làm điện ảnh tha hồ mà sờ soạn, giống như người ta sờ đậu phụng trong túi vậy”.
Nói xong cô tiếp viên cười khơ khớ có vẻ khoái lắm. Tự nhiên tôi cảm thấy muốn tát vào cái miệng đang cười toe toét của cô ta một cái. Đột nhiên cô ta ngừng cười và nói giọng nghiêm trang:
– Chết cha, tôi phải đi coi lại công việc.
Cô tiếp viên đi rồi, tôi đoán chừng chắc là tài đầu láo của Siahr đủ làm cho bọn phi công khoái tỷ lắm. Cô tiếp viên chỉ nghe lóm được vài câu mà cũng còn sung sướng đến thế.
Mấy năm sau, trong một chuyến máy bay tôi lại gặp đúng người phi công này, và anh ta kể lại hôm đó Stahr đã nói:
– Anh hãy nhìn khu rừng dưới kia, nếu bây giờ cần làm một đường xe lửa chạy ngang qua, nhưng khi nghiên cứu bản đồ ta thấy có sáu bảy lối đường sắt có thể đi qua, anh phải chọn lối nào bây giờ? Dĩ nhiên anh phải chọn đại một lối và bắt tay vào làm xem sao. Những đường vẽ trên bản đồ không thể xác thực bằng những gì mắt ta thấy tận nơi trong lúc làm việc. Chuyện đời cũng vậy, cứ bắt tay vào việc rồi sẽ tìm được câu trả lời đúng.
Người phi công nói với tôi đó là một lời khuyên rất giá trị. Trước khi hành động người ta phải bay lên cao, lên thật cao để nhìn cho rõ sự vật bên dưới một cách bao quát rồi sau đó hạ cánh xuống mà giải quyết vấn đề.
Động cơ máy bay đã tắt, ngũ quan tôi tự điều chỉnh để thích hợp với mặt đất, trong khi phi cơ hạ cánh. Dãy đèn sáng của căn cứ hải quân Long Beach hiện ra ở phía trước và mé bên trái. Santa Monica ở bên mặt. Trăng California đã nhô lên, màu vàng cam vĩ đại trên mặt Thái Bình Dương. Tôi thấy rạo rực trong cái cảm giác của kẻ đi xa trở về. Nhưng tôi biết cảm giác của mình dù mạnh tới đâu cũng không thể bằng Stahr. Tôi nghĩ đến quang cảnh của phim trường Laemmle, nơi Stahr đã hạ cánh để bắt tay vào hành động sau một chuyến bay lên thật cao, quan sát tình hình, nhận xét dáng đi và hướng đi của mỗì người. Trong công việc lâu dài, Stahr phải nhìn rõ những hy vọng cũng như sự chán nản của mỗi người để lượng định mọi phản ứng. Và ông đã hạ cánh, đã chọn lựa hành động, quyết hành động cho tới cùng. Cũng giống như lúc này phi cơ đang từ từ hạ cánh trên phi trường Glendale trong màn đêm ấm áp.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.