NHÂN CHỨNG CÂM

CHƯƠNG 12: POIROT THẢO LUẬN VỀ VỤ ÁN



Ơn trời phù hộ, Poirot – Tôi kêu lên tỏ vẻ biết ơn anh đã giải thoát cho chúng ta khỏi những khoanh cà rốt sống! – Đàn bà gì mà kinh khủng thế!
– Đối với chúng ta thì, một đĩa bít tết to với khoai tây rán và một chai bố rượu vang! Tôi không biết các bà ấy định cho chúng ta uống gì nhỉ?
– Nước lã là cái chắc – Tôi trả lời vừa rùng mình – Hoặc là nước táo không dính một chút cồn! Tôi cược rằng trong cái nhà ấy không có chút tiện nghi hiện đại gì cả!
– Mấy bà sống cuộc sống eo hẹp ấy có gì sung sướng không nhỉ? – Poirot nói giọng suy tư – Không phải bao giờ cũng là sự nghèo khổ mặc dầu ở đây họ đồng ý với nhau để che giấu nỗi túng thiếu của họ.
– Nào anh ra lệnh gì cho lái xe đây? – Tôi hỏi Poirot khi xe ra đến đường lớn của Market Basing – Tôi phải đưa anh về ngả nào đây? Hay là anh muốn quay lại quán trọ để hỏi chuyện một lần nữa anh hầu bàn hen rụt cổ ấy?
– Hastings, tôi báo anh biết rằng chúng ta rời khỏi Market Basing thôi…
– Tuyệt!
– Nhưng ta sẽ quay lại đó.
– Vẫn theo vết tên giết người không gặp may ấy ư?
– Hoàn toàn đúng.
– Anh đã khám phá ra điều gì thú vị trong mớ lộn xộn, những điều xuẩn ngốc mà chúng ta vừa mới nghe được thế?
– Vài điểm đáng để chúng ta chú ý – Poirot tuyên bố – Những con người có cá tính khác nhau trong tấn bi kịch của chúng ta bắt đầu được xác định. Anh không thấy rằng nó giống như một câu chuyện cổ tích à? Một con hầu hèn mọn, trước kia bị khinh rẻ, bỗng trở nên giàu có và bây giờ nó đóng vai một nàng tiên hào phóng, độ lượng.
– Tôi nghĩ rằng những ân huệ của bà ta có lẽ chọc tức những người được coi như những kẻ thừa kế theo luật định.
Chúng tôi im lặng trong vài phút. Chúng tôi đã qua Market Basing và gặp lại đường đi Luân Đôn. Tôi huýt sáo tự thưởng thức điệu “Anh yêu, anh đã có một ngày thỏa mãn”.
– Anh đã vui chơi thỏa mãn rồi phải không Poirot? – Cuối cùng tôi tôi hỏi bạn tôi.
– Anh hiểu được gì về vui chơi nào, Hastings?
– Thực tế, anh đã có được một ngày nghỉ thú vị!
– Vậy, anh cho tôi là không nghiêm túc à?
– Ồ, có chứ! Anh cũng rất nghiêm túc, nhưng tôi có cảm giác là anh bận tâm đến vụ này vì sự thỏa mãn trí tuệ của bản thân anh. Tôi muốn nói rằng vụ này thuần túy là một thủ đoạn đầu cơ.
– Hoàn toàn ngược lại!
– Tôi diễn đạt sai. Nếu chỉ là giúp đỡ bà Arundell bảo vệ bà chống lại vụ tấn công mới nào đó, vậy thì đã “nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì” rồi. Nhưng vì bà ấy đã chết rồi, tại sao phải chịu khó quá nhiều như thế?
– Nếu nghe anh nói thì chẳng bao giờ phải điều tra sau vụ giết người nữa!
– Việc đó hoàn toàn khác. Ở đó có một nạn nhân!
– Tôi nắm được ý anh rồi. Anh muốn phân biệt giữa nạn nhân của một vụ giết người với một người chết vì bệnh phải không? Giả sử bà Arundell có một cái chết đột ngột và bất đắc kỳ tử chẳng lẽ anh vẫn thờ ơ trước những cố gắng của tôi để phát hiện ra sự thật hay sao?
– Tất nhiên, không.
– Nhưng, này, có kẻ đã thử giết bà ấy đấy!
– Vâng, nhưng việc ám sát không thành. Đấy sự khác nhau là ở đấy.
– Vì vậy anh không thích thú việc phát hiện ra kẻ đã muốn loại trừ bà ta phải không?
– Có chứ sao lại không!
– Chúng ta phải tìm kẻ phạm tội trong một phạm vi khá hẹp – Poirot thì thào – Sợi dây…
– Sợi dây ấy được phát hiện đơn giản bằng sự có mặt một chiếc đinh đóng vào chân tường. Cái đinh ấy có lẽ đã ở đó nhiều năm rồi.
– Không. Nó vừa mới được sơn lại.
– Được! Dẫu thế người ta cũng có thể tìm thấy nhiều cách giải thích trong sự kiện này.
– Hãy cho tôi một cách xem nào!
Tôi không thể tìm thấy thí dụ nào có thể chấp nhận được ngay trong lúc đó. Lợi dụng lúc tôi bối rối; Poirot lại đề cập tới trình tự cách lập luận của mình.
– Vâng một phạm vi khá hẹp. Sợi dây này chỉ có thể được căng ngang cầu thang một khi mọi người đã đi ngủ. Vậy chúng ta chỉ có thể nghi ngờ một trong những người ở trong nhà. Thế có nghĩa là thủ phạm phải là một trong bảy người đã qua đêm ở tòa nhà Littlegreen gồm có: bác sĩ Tanios, bà Tanios, Theresa Arundell, Charles Arundell, cô Lawson, Ellen và chị nấu bếp.
– Anh có thể tách những người hầu ra.
– Họ cũng đã nhận phần thừa kế của họ, anh bạn ạ. Nên họ có thể có những động cơ khác: thù hằn, bực mình, trộm cắp, biết đâu đấy.
– Điều ấy tôi thấy ít có khả năng.
– Không được bỏ qua điều gì cả trong một vụ trọng án.
– Vậy thì, phải nói là tám người chứ không phải là bảy.
– Sao vậy?
– Phải kể cả bản thân bà Arundell nữa. Ai bảo với anh rằng không phải là bà ta là kẻ đã căng dây để làm ngã một người khác trong gia đình bà?
Poirot nhún vai.
– Anh nói một điều vô nghĩa lý rồi đấy anh bạn. Nếu bà Arundell đã căng bẫy thì bà ta đã có thể tránh để bản thân không mắc vào đó. Và hãy nhớ lại mà xem chính bà là người bị ngã trong cầu thang.
Tôi lúng túng.
Poirot nói tiếp vẻ suy tư:
– Các sự kiện cứ nối tiếp nhau với một lôgic khá rõ nét: vụ ngã, lá thứ gửi cho tôi, việc đến của công chứng viên. Nhưng vẫn còn một nghi vấn trong tâm trí tôi: bà Arundell đã hoãn gửi đi lá thư của mình chần chừ gửi nó ra bưu điện? Hay là bà tưởng rằng thư đã được gửi đi rồi?
– Không thể biết được.
– Phải, chúng ta chỉ có thể đặt ra các giả thuyết. Riêng tôi, tôi nghĩ rằng bà tin là bức thư ấy đã được gửi đi. Bà cũng có thể ngạc nhiên vì không nhận được thư trả lời.
Những suy nghĩ của tôi lại đi sang hướng khác.
– Poirot, anh có nghi ngờ các thông điệp đồng bóng ấy đã tác động đến các ý nguyện cuối cùng của bà Arundell không?
Poirot lắc đầu ra vẻ nghi ngờ.
– Điều đó không phù hợp với ý kiến của tôi về tính cách của bà Arundell.
– Các cô đồng Tripp nói rằng bà Lawson đã hoàn toàn sửng sốt khi đọc tờ di chúc. – Tôi nói với giọng suy tư.
– Ít ra đó là điều bà ta đã khẳng định với họ. – Poirot đồng ý.
– Nhưng anh có tin như thế không?
– Bạn ơi, anh biết bản chất đa nghi của tôi rồi. Tôi không tin cái gì người ta nói với tôi cả, nếu tôi không thể kiểm tra được nó, hoặc tự mình khẳng định điều đó.
– A! Anh bạn, – Tôi nói với anh giọng trìu mến – anh có một bản tính tuyệt vời: tốt và tự tin.
– Anh ấy nói, chị ấy nói, họ nói… Điều đó có nghĩa gì? Chà! Chẳng có nghĩa gì cả. Đó có thể là sự thật hoặc lời nói dối. Còn tôi, tôi buộc mình vào các sự kiện.
– Vậy những sự kiện gì?
– Bà Arundell ngã. Không ai phải tranh cãi điều đó. Cú ngã ấy không phải là tự nhiên, bà đã bị kẻ khác gây ra.
– Chúng ta đã có lời nói của Hercule Poirot làm bằng chứng cho điều đó.
– Không đâu. Chúng ta tìm thấy bằng chứng ấy trong cái đinh đóng phía trên cầu thang, trong lá thư của bà Arundell, trong sự vắng mặt của con chó đêm đó, trong những lời bà Arundell nói về một bức tranh trong một cái bình và về quả bóng của Bob. Đó chính là những sự kiện.
– Tiếp theo?
– Ta hãy đặt ra một câu hỏi quen thuộc: Ai có lợi trong cái chết của bà Arundell? Đáp: bà Lawson.
– Cô tùy nữ táng tận lương tâm! Mặt khác, những thành viên trong gia đình cũng nghĩ đến thừa kế gia tài. Nên lúc xảy ra tai nạn, họ, tất cả đều có lợi trong cái chết của bà Arundell.
– Tuyệt, Hastings! Chính vì thế mà mọi người đều đáng bị nghi ngờ tất. Đừng bỏ qua chi tiết này: bà Lawson tìm mọi cách để bà Arundell không biết sự vắng mặt của Bob trong đêm đó.
– Sự im lặng của bà ta làm anh ngạc nhiên à?
– Không đâu. Tôi chỉ đơn giản ghi nhận điều ấy thôi. Bà ta sợ làm bà chủ lo lắng. Đấy, tôi hy vọng đó là cách giải thích tốt nhất.
– Bà Peabody, – Tôi nhận xét – đã phát biểu ý kiến rằng mọi sự không được rõ ràng trong câu chuyện tờ di chúc này. Bà hiểu được cái gì ở đó nhỉ?
– Tất nhiên bà muốn cho chúng ta biết rằng bà nhận thấy có một vài điều nghi ngờ mà không dám nói rõ ra.
– Có thể loại trừ sự lạm dụng thế lực – Tôi nói thêm vẻ suy tư – Tất cả chỉ ra rằng bà Arundell có quá nhiều lương tri để tin vào những chuyện đồng bóng ngu xuẩn!
– Tại sao anh lại coi thuật thông linh như là điều ngu xuẩn, Hastings!
Tôi kinh ngạc nhìn anh.
– Poirot thân mến, những người đàn bà này tức cười một cách kinh khủng…
– Tôi đồng ý với anh về các cô đồng Tripp ấy. Nhưng việc họ theo một cách nhiệt tình khoa học Cơ đốc, chế độ ăn chay, thuyết thần trí và thuật thông linh không phải là tội lỗi của các học thuyết ấy. Những điều xuẩn ngốc mà một mụ đàn bà ngu ngốc kể chuyện về một viên đá quý khắc hình bọ hung mà một tên con buôn xảo trá đã bán cho mụ không làm mất đi chút nào sự tín nhiệm vào sự thông hiểu của các nhà Ai Cập học!
– Anh có tin thuyết thông linh không, Poirot?
– Theo ý riêng, tôi chưa nghiên cứu bất kỳ một trong các phép hiển linh nào của thuật thông linh cả, nhưng những nhà bác học lớn đã công nhận sự tồn tại của các hiện tượng thuộc loại tâm linh.
– Như vậy anh tin vào câu chuyện về một vầng hào quang bao quanh đầu bà Arundell à?
Poirot làm một cử chỉ mơ hồ bằng bàn tay.
– Tôi nói theo một cách chung để bác bỏ chủ nghĩa hoài nghi vô lý của anh. Tôi sẽ cố nghiên cứu kỹ lưỡng những sự kiện mà hai cô đồng Tripp đã nói cho tôi biết. Một con điên vẫn là một con điên dù nó có nói về thuyết thông linh, về chính trị, về tình yêu hay về đạo Phật.
– Nhưng anh đã chú ý lắng nghe những lời nói ba hoa của họ.
– Hôm nay nhiệm vụ của tôi là nghe để hiểu những gì người ta kể về bảy người đang nói đến, đặc biệt là năm người làm tôi lưu tâm đến. Chúng ta đã có một số thông tin về họ chẳng hạn như bà Lawson. Theo các cô đồng Tripp thì đây là một phụ nữ tận tâm, rộng lượng, vô tư; tóm lại một tính cách đẹp. Bà Peabody thì cho chúng ta biết rằng bà này cả tin, ngớ ngẩn, thiếu thông minh, mà cũng kém bạo dạn để phạm phải một hành vi tội lỗi. Nghe bác sĩ Grainger nói thì đây là một người bị áp bức, một tùy nữ hầu cận nhút nhát đáng thương. Người hầu bàn của quán trọ đã nói về bà ta bằng những câu khinh miệt và Ellen đã nói cho chúng ta rằng Bob con chó cũng coi thường bà ta! Như anh biết đấy, mỗi người phán xét bà ta dưới một góc độ khác nhau. Đối với những người khác, vấn đề cũng giống như thế. Không ai trong số họ đánh giá cao tính cách của Charles Arundell. Nhưng mỗi người nói về anh ta theo cách của mình. Bác sĩ Grainger khinh bỉ gọi anh ta là “một thằng ranh con vô lễ”. Bà Peabody bảo anh ta có thể giết chết bà nội vì mấy đồng xu nhưng rõ ràng là bà thích một tên lưu manh hơn một thằng hậu đậu. Cô đồng Tripp nghi anh ta không những là một tên tội phạm bạo hành mà còn khẳng định anh ta đang bị truy nã bởi cảnh sát nước ngoài. Tất cả các chi tiết này đều quan trọng và có ích. Chúng chỉ đạo chúng ta kiểm tra xác minh do chính mình làm.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.