NHÂN CHỨNG CÂM

CHƯƠNG 21: DƯỢC SĨ… Y TÁ… BÁC SĨ…



Chế phẩm diệt cỏ dại này đã đánh thức các thị hiếu điều tra nghiệp dư của tôi. Đối với tôi đó là khám phá đầu tiên thật sự đáng chú ý. Hứng thú rõ rệt của Charles đối với hợp chất có nguồn gốc thạch tín này, và nỗi kinh ngạc của người làm vườn khi thấy hộp thuốc gần như trống rỗng; tất cả dường như chỉ ra rằng chúng tôi đang đi đúng đường. Như thường lệ, mỗi khi tôi tỏ vẻ bị thu hút bởi một ý kiến mới, thì Poirot vẫn có thái độ dè dặt.
– Nếu kẻ nào đó đã đánh cắp thuốc độc này thì không có gì chứng tỏ rằng đó là Charles. – Anh nhận xét.
– Anh ta đã nói với người làm vườn về thứ thuốc này tỉ mỉ đến thế cơ mà!
– Một điều dại dột thật sự nếu anh ta nghĩ tới dùng nó.
Poirot lại nói sau một phút:
– Nếu người ta bảo anh kể tên ngay tức khắc một chất độc, thì chất nào anh nghĩ đến đầu tiên, Hastings?
– Thạch tín, dĩ nhiên là thạch tín.
– Anh có để ý tới phút do dự của Charles trước khi nói từ Strychnine không?
– Anh cho…
– Rằng anh ta sắp nói “đến chất thạch tín trong món canh”, nhưng anh ta đã ngừng lại.
– A! Tại sao?
– Tại sao? – Poirot lặp lại – Chính xác là để tìm lời đáp cho cái tại sao này mà tôi đã phải đi vào trong vườn để tìm kiếm một chất độc nào đó để diệt cỏ dại.
– Và anh đã tìm thấy chất độc!
– Và tôi đã tìm ra lời đáp!
– Trường hợp của anh chàng Charles trở lên xấu đi – Tôi nói – Trong cuộc nói chuyện dài giữa anh và Ellen về bệnh tật của tiểu thư Arundell, anh đã tô đậm một vài triệu chứng có thể so sánh với các triệu chứng ngộ độc bởi thạch tín phải không?
Poirot xoa mũi.
– Thật khó nói! Đau bụng… buồn nôn…
– Đúng thế đấy!
– Chà! Anh kết luận quá sớm đấy, anh bạn!
– Có thể còn chất độc nào khác nữa?
– Này anh bạn, những triệu chứng ấy cũng là những triệu chứng của một bệnh gan và bà già ấy có lẽ đã chết do một cái chết tự nhiên.
– Ô kìa Poirot! – Tôi kêu lên – Đây không thể là một cái chết tự nhiên được! Chắc chắn phải có vụ giết người!
– Người ta bảo, quả đúng là anh và tôi đang trao đổi những cách nhìn của mình đấy!
Đột nhiên anh bước vào một hiệu thuốc. Sau một hồi lâu trình bày về các cơn đau nội tạng của mình, Poirot mua một hộp các viên nén để giúp tiêu hóa dễ dàng. Anh sắp rời cửa hàng thì anh chú ý đến một gói trình bày khá nghệ thuật những viên nang của bác sĩ Loughbarrow bổ gan. Dược sĩ, một ông lớn tuổi tính khí ba hoa, tiến đến nói với Poirot:
– Thưa ông, đây là một loại thuốc tuyệt vời. Ông sẽ thấy nó giúp ích cho ông đấy.
– Tiểu thư Arundell đã dùng nó, tôi nhớ rồi tiểu thư Emily Arundell.
– Có đấy, thưa ông. Tiểu thư Arundell của biệt thự Littlegreen là khách hàng của tôi đấy. Một lão bà già rất thanh lịch thuộc trường phái cổ kính.
– Bà ấy có dùng nhiều loại thuốc biệt dược không?
– Không nhiều lắm, thưa ông. Không bằng mấy quý bà mà tôi có thể kể tên. Chẳng hạn bà tùy nữ của tiểu thư, bà Lawson, người được thừa kế toàn bộ gia tài của tiểu thư.
Poirot đồng ý:
– Bà ấy dùng thứ này, thứ kia, và thứ này nữa. Những viên tròn, viên nén, viên nhện, thuốc nước thuốc cho hệ tuần hoàn. Bà ta thích ở giữa đống chai lọ – Ông ta cười nói thêm – Tôi rất mong có những khách hàng như bà này.
– Tiểu thư Arundell có dùng thường xuyên các viên nhện của bác sĩ Loughbarrow không?
– Tôi biết rằng bà ấy đã dùng thuốc ấy ít nhất trong ba tháng trước khi bà mất.
– Một người bà con của bà, bác sĩ Tanios một hôm đến đề nghị ông pha chế một lọ thuốc nước mà công thức do ông ta cung cấp có đúng không ạ?
– Vâng có đấy. Tôi nhớ rồi. Công thức của ông rất hay và hoàn toàn mới. Đó là một chế phẩm rất công hiệu. Tất nhiên, bác sĩ Tanios là một thầy thuốc giỏi.
– Vợ ông ấy có đến chỗ ông không?
– Tôi không nhớ nữa. À, có. Bà đã đến để mua một loại thuốc ngủ, thuốc Chloral, nếu tôi không lầm. Đơn ghi một liều gấp đôi liều thường. Bán các thứ thuốc ngủ này gây lắm rắc rối cho chúng tôi. Các thầy thuốc thường kê các liều nhỏ.
– Đơn thuốc ấy của ai?
– Của chồng bà, tôi cho là thế. Ồ, tất cả phải theo luật lệ mà. Chúng ta phải luôn luôn hết sức chú ý.
Poirot quyết định mua một gói các viên nang của bác sĩ Loughbarrow, thuốc bổ gan.
– Loại nào, thưa ông? – Dược sĩ hỏi – Chúng tôi có ba loại: 25, 50 và 100.
– Loại to tất nhiên hiệu quả nhất, nhưng…
– Hãy lấy loại 50, thưa ông. Tiểu thư Arundell vẫn dùng loại ấy. Tám silinh và sáu xu.
Chúng tôi rời hiệu thuốc.
– Như vậy, bà Tanios đã mua thuốc ngủ – Tôi kêu lên khi chúng tôi trở lại đường phố – Một liều Chloral mạnh có thể giết chết một người nào đó, có phải không?
– Với điều kiện thuận lợi tối đa.
– Anh có nghĩ rằng bà Tanios…
Tôi nhớ đến những lời của bà Lawson: “Bà ta có thể sẽ giết chết một người nào đó nếu chồng bà ra lệnh”.
Poirot lắc đầu.
– Chloral là một loại thuốc ngủ. Người ta dùng nó làm thuốc gây ngủ và làm thuốc làm dịu. Nhưng người ta cũng quen với thuốc ngủ.
– Ông có tin là bà Tanios quen với thuốc ngủ không?
Poirot bối rối đáp:
– Tôi không tin. Dù sao cũng kỳ lạ. Tôi có một cách giải thích, nhưng không, phải chấp nhận…
Anh ngừng giữa chừng và xem đồng hồ.
– Đi! Chúng ta thử đến gặp cô y tá Carruthers người đã săn sóc tiểu thư Arundell trong những ngày cuối cùng xem, đi nào!
Carruthers là một phụ nữ đứng tuổi có vẻ rất biết điều. Lần này Poirot nhận một vai khác: anh đi kiếm một nữ y tá giỏi cho bà mẹ già.
– Tôi sẽ nói chuyện hết sức thẳng thắn với bà – Anh nói – Mẹ tôi rất khó tính. Chúng tôi đã có ở nhà những người trông người ốm tốt, các cô gái rất thành thạo, nhưng lỗi duy nhất của họ, theo tâm trí mẹ tôi là tuổi trẻ của họ. Bà ghét những người trẻ tuổi, chống toàn bộ phép vệ sinh hiện đại, ghét các cửa sổ mở. Quả là khó khăn hết sức.
Anh thở dài coi bộ ngao ngán.
– Tôi hiểu – Bà Carruthers nói đầy thiện cảm – Trong trường hợp này phải tỏ ra hết sức tế nhị. Chống lại người ốm phỏng ích gì. Tốt hơn là nhường nhịn họ. Khi họ nhận thấy ta không còn áp đật ý muốn của ta cho họ, thì họ sẽ tỏ ra ít cáu bẳn ngay thôi.
– A, bà Carruthers, – Poirot kêu lên – theo tôi nghĩ, bà có thể sẽ là nữ y tá lý tưởng cho mẹ tôi đấy. Bà hiểu rõ các bà già. Bà đã săn sóc bà Arundell, người ta bảo tôi thế. Bà ấy có lẽ không dễ dãi lắm.
– Thực ra, tôi thấy bà ta không khó tính quá đâu. Tất nhiên bà có tính độc đoán nhưng tôi đã không ở lâu ở Littlegreen. Bà chết sau bốn ngày.
– À hôm qua, tôi nói chuyện với cháu gái bà ấy, cô Theresa Arundell. Tội nghiệp cô bé, cô ta làm tôi đau lòng. (Anh cúi ngả người về đằng trước và bằng giọng tâm tình nói thêm). Giữa chúng tôi, di chúc của bà cô cô ta đã gây ra cho cô một nỗi thất vọng khủng khiếp.
– Điều đó tự hiểu thôi – Bà y tá nói – Người ta đồn đại khắp vùng.
– Tôi không hiểu sao tiểu thư Arundell lại tước bỏ quyền thừa kế của cả gia đình mình.
– Tôi cũng thấy vậy. Lẽ dĩ nhiên người ta bảo có điều gì đó ám muội ở trong đó.
– Bà có cho là chuyện này có thể như vậy không? Bà Lawson luôn luôn khẳng định là bà không biết gì cả.
– Thế mà tôi đã nghe thấy bà này nói: “Vâng, nhưng nó đang ở nhà ông công chứng”, về điều này tiểu thư Arundell bẻ lại: “Ta chắc chắn là nó nằm ở bên dưới, trong ngăn kéo”. Bà Lawson lại khẳng định lần nữa: “Không, bà đã gửi nó cho ngài Purvis rồi: bà không nhớ được điều ấy ư?”. Đến lúc đó thì bà bệnh nhân của tôi lại phát lên những cơn buồn nôn và bà Lawson bỏ ra ngoài trong lúc tôi săn sóc bà Arundell. Tôi vẫn luôn tự hỏi mình không biết đó có phải là bản di chúc không.
– Rất có thể đúng.
Bà y tá lại nói:
– Như vậy thì, tôi có cảm giác rằng tiểu thư Arundell lo lắng lắm, và muốn thay đổi bản di chúc của mình. Nhưng sau đó, người đàn bà tội nghiệp ấy quá ốm yếu đến nỗi bà ta không còn khả năng nghĩ về điều đó được nữa.
– Bà Lawson có giúp đỡ bà một chút nào săn sóc bà chủ của bà ấy không?
– Ôi Chúa ôi! Không bao giờ. Bà ấy không bằng lòng làm việc ấy đâu. Bà ta làm bộ làm tịch và chỉ làm cho người ốm bực mình thôi.
– Vậy thì chỉ có một mình bà đã săn sóc bà già ấy thôi ư?
– Người hầu gái… tên bà ta là gì nhỉ! Ellen đã giúp tôi. Đó là một phụ nữ trung hậu, rất tận tụy. Với hai người chúng tôi, chúng tôi đã làm việc rất tốt. Thực ra, bác sĩ Grainger định gửi cho tôi một người trông bệnh nhân ban đêm, nhưng bà Arundell đã chết đêm trước, trước khi cô y tá này đến.
– Bà Lawson có giúp vào việc chuẩn bị bữa ăn cho bệnh nhân không?
– Không, bà ta không làm tí gì cả. Toàn bộ công việc mà bà Lawson có thể làm là khóc vờ và làm khó dễ cho người khác.
Bà y tá nói về bà tùy nữ với một thái độ gay gắt.
– Theo ý kiến bà, thì bà Lawson có quyến luyến gắn bó với tiểu thư Arundell không?
– Bà ta có vẻ rất buồn vì cái chết của bà chủ và tỏ ra đau buồn nhiều hơn so với những người trong gia đình, nếu ông muốn biết ý kiến tôi.
– Vô lý, – Poirot lắc đầu nói, vẻ suy tư – tiểu thư Arundell hiểu rõ điều bà ta làm khi bà sửa đổi di chúc của mình cơ mà?
– Đó là một phụ nữ rất thông minh – Bà y tá nói – Không có gì che giấu nổi bà. Bà biết tất cả những gì xảy ra trong nhà.
– Bà có hay nói về quả bóng của con Bob không?
– Thật kỳ lạ thấy ông nói tới điều ấy đấy! Quả thật bà ấy nói đến luôn, khi thì bà mê sảng bà nói đến con chó của bà, về quả bóng và về chuyện bà ngã ở cầu thang.
Chúng tôi quay về khách sạn, vừa ăn xong, đang ngồi ở phòng khách thì có một tiếng nói ở ngoài vọng vào, tôi nghe thấy ai đó nói tên của Poirot.
– Ông ta đâu? Ông ấy ở đây à? Tôi có thể nói với ông ấy ở đâu đây?
Cửa đột ngột mở ra và bác sĩ Grainger, mặt đỏ gay, lông mày nhíu lại đi vào phòng khách. Ông dừng lại để đóng cửa lại rồi tiến về phía chúng tôi với một dáng điệu cương quyết.
– A! Ông đây rồi! Nào thưa ông Hercule Poirot. Điều gì khiến ông đến nhà tôi kể cho tôi cả đống những điều bịa đặt dối trá thế?
Bằng giọng nói ngọt như mía lùi, Poirot dõng dạc nói:
– Thưa bác sĩ kính mến, xin ông cho phép tôi được giải trình với ông…
– Cho phép ông? Cho phép ông? Đúng hơn tôi sẽ buộc ông. Ông là một thám tử, và ông đến để khéo dò la người ta! Ông vào nhà tôi lấy cớ là viết về cuộc đời của tướng Arundell và tôi đã khá ngu ngốc để cho mình dính dáng vào các câu chuyện của ông.
– Ai đã nói lộ cho ông căn cước của tôi thế?
– Ai à? Bà Peabody. Bà đã lột mặt nạ ông ra đấy!
– Bà Peabody… – Poirot suy tư lặp lại – Tôi tưởng…
Bị chọc tức bác sĩ Grainger ngắt lời anh.
– Bây giờ, thưa ông, tôi đợi ông giải thích đây.
– Tất nhiên là thế. Chuyện rất đơn giản. Âm mưu giết người!
– Sao? Ông nói gì?
Rất bình tĩnh, Poirot tiếp tục:
– Tiểu thư Arundell đã bị ngã, phải không ạ? Một cú ngã ở cầu thang nhà bà một ít ngày trước khi bà chết?
– Phải. Thì sao? Bà đã trượt trên quả bóng của con chó.
Poirot lắc đầu.
– Không, thưa bác sĩ. Không phải như thế. Một sợi dây được căng ở bậc cao của cầu thang để làm cho bà ngã.
Viên thầy thuốc mở to đôi mắt kinh ngạc.
– Tại sao bà ấy không kể cho tôi? – Ông ta hỏi – Bà ta không hé ra một lời với tôi.
– Điều ấy có thể khá dễ hiểu, nếu như chính một thành viên của gia đình bà đã đặt sợi dây ấy.
– Chà, chà! Tôi hiểu (Grainger nhìn chòng chọc vào mặt Poirot, rồi ngồi vào một chiếc ghế bành) Và làm thế nào mà ông đã bị lôi kéo vào vụ này?
– Tiểu thư Arundell đã viết cho tôi, yêu cầu tôi làm rõ điều bí mật lớn nhất! Tiếc thay lá thư đã chậm một thời gian quá dài.
Poirot nói cho người thầy thuốc biết tất cả các chi tiết và việc phát giác chiếc đinh đóng vào ván chân tường.
Mặt nghiêm trang vị thầy thuốc lắng nghe hết tất cả; nỗi giận dữ của ông dịu đi.
– Địa vị của tôi khá tế nhị – Poirot hoàn tất câu chuyện – Tôi thay người quá cố mà hành động nhưng tôi không tin mình tháo gỡ được phần nào điều bí mật ấy.
Lông mày nhíu lại, bác sĩ Grainger hỏi.
– Ông không có ý kiến nào về người đã căng dây ở bậc cao của cầu thang à?
– Tôi không có bằng chứng nhưng tôi nghi cho một người nào đó.
– Một câu chuyện táng tận lương tâm! – Bác sĩ Grainger nói, nét mặt sa sầm.
– Vâng. Ông đã hiểu phải không ạ. Trước hết tôi không biết liệu có sự tái phạm không đây.
– Điều ấy thế nào?
– Đối với mọi người thì tiểu thư Arundell đã chết trong một cái chết tự nhiên, nhưng có tin chắc như thế không? Một lần người ta đã có âm mưu sát hại bà ta; thì ai dám bảo đảm với tôi rằng người ta không định giết chết bà lần thứ hai? Và rằng người ta đã không đạt được điều ấy?
Grainger lắc đầu có vẻ suy nghĩ.
– Tôi xin ông, thưa bác sĩ, ông đừng giận ông đã chứng thực rằng tiểu thư Arundell đã chết vì cái chết tự nhiên phải không? Hôm nay, tôi đã khám phá ra một vài dấu hiệu…
Poirot nhắc lại cuộc nói chuyện của anh với ông già Angus, nói về sự quan tâm của Charles tới thuốc độc để giết chết cỏ dại và nỗi ngạc nhiên của ông già làm vườn khi nhận thấy hộp thuốc độc gần như trống rỗng. Grainger lắng nghe anh chăm chú. Khi Poirot ngừng nói thì ông nói thì anh bằng một giọng bình tĩnh:
– Tôi hiểu ông muốn nói đến đâu rồi. Nhiều ca ngộ độc thạch tín đã được chuẩn đoán như những chứng viêm dạ dày ruột và giấy phép mai táng đã được cấp không ngờ vực khi cái chết không có kèm theo bất kỳ nghi ngờ nào. Ngộ độc thạch tín luôn luôn khó phát hiện bởi vì nó biểu hiện bằng những thể rất khác nhau: Cấp tính, thần kinh, hoặc mãn tính nó thường kèm theo nôn mửa và đau bụng. Đôi khi những triệu chứng này không có. Người ngộ độc có thể ngã đột ngột và chết ngay tức thì hoặc bị liệt. Tác động biến đổi từ người này đến người khác.
– Vậy thì, – Poirot đáp lại – trong trường hợp này ý kiến của ông thế nào?
Sau một lát suy nghĩ bác sĩ Grainger tuyên bố thong thả:
– Đã xem xét kỹ càng và không có bất kỳ thành kiến nào, tôi cho rằng không thể quy cái chết của tiểu thư Arundell cho một vụ đầu độc bằng thạch tín. Bà đã chết do một bệnh gan, tôi tin chắc như thế. Như ông đã biết tôi đã săn sóc cho bà từ nhiều năm và bà đã có nhiều cơn giống như cơn đã xác định cái chết của bà. Đó là ý kiến của tôi, thưa ông Poirot.
Công việc có lẽ phải dừng lại đó chí ít cũng là tạm thời. Gần như để cáo lỗi, Poirot chỉ hộp các viên nhện thuốc bổ gan mà anh đã mua ở hiệu thuốc.
– Bà Arundell đã dùng những viên thuốc này phải không ạ? Chắc hẳn chúng hoàn toàn vô hại?
– Tuyệt đối vô hại – Thầy thuốc đáp – Chất lô hội, chất podophylin là những chất hoàn toàn vô hại. Bà ấy thích dùng thuốc ấy. Tôi không phản đối.
Bác sĩ Grainger đứng dậy.
– Bác sĩ đã kê đơn cho bà dùng các thuốc khác nữa chứ? – Poirot hỏi.
– Phải, một viên tròn dùng sau bữa ăn. Không có gì là nguy hiểm cả – Ông ta nói thêm ánh mắt ranh mãnh – Bà ấy có thể uống cả hộp trong một lần cũng chẳng hại gì. Tôi không có thói quen đầu độc các khách hàng của tôi đâu, thưa ông Poirot.
Ông ta cười hiền lành bắt tay chúng tôi rồi đi ra…. Tôi ngồi phịch xuống ghế bành, giấu nhẹ đi một cái ngáp.
– Biệt dược của bác sĩ Loughbarrow và các viên tròn của bác sĩ Grainger phủ nhận việc đầu độc bằng thạch tín. Lần này anh có tin chắc nữa không, anh Poirot thân mến?
– Tôi bướng bỉnh như một con lừa đấy, Hastings! – Bạn tôi tuyên bố, vẻ suy tư.
– Như vậy bất chấp những lời chứng của dược sĩ, nữ y tá và bác sĩ, anh vẫn cho rằng có kẻ đã giết tiểu thư Arundell?
– Không những tôi tin như thế, mà tôi còn tin chắc chắn nữa.
– Có một cách chứng minh việc này – Tôi nói – Khai quật.
Poirot nghiêng đầu.
– Chúng ta sẽ làm việc này ngay ngày mai nhé? – Tôi nói bừa.
– Anh bạn thân mến ơi, hãy hành động thận trọng.
– Tại sao?
Anh ta hạ thấp giọng.
– Bởi vì tôi sợ một vụ án mạng thứ hai.
– Anh nói…
– Tôi sợ, Hastings… rất sợ. Coi chừng!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.