NHÂN CHỨNG CÂM

CHƯƠNG 25: SUY NGHĨ TRONG CHIẾC GHẾ BÀNH



Vừa rảo bước theo sau Poirot, tôi vừa nghĩ rằng bây giờ thì không còn điều gì nghi ngờ nữa. Tiểu thư Arundell đã bị đầu độc và Theresa biết rõ điều đó. Phải chăng cô là kẻ giết người? Cô sợ cho mình hay cho kẻ nào khác? Kẻ nào khác này phải chăng là viên thầy thuốc trẻ tuổi, rất điềm tĩnh và thái độ kiêu kỳ? Bà Arundell phải chăng đã chết vì một căn bệnh có thật được truyền theo cách nhân tạo?
Đến đây, mọi điều có vẻ đã được xác minh. Tham vọng của Donaldson, niềm tin chắc của anh ta rằng Theresa sẽ được hưởng gia tài khi bà cô chết, cùng với việc anh ta đến ăn bữa tối hôm xảy ra tai nạn. Còn gì dễ hơn bỏ ngỏ một cửa sổ của tầng dưới để có thể quay lại lúc nửa đêm để buộc sợi dây giết người ở cao trên cầu thang. Phải, nhưng làm sao anh ta có thể đóng được cái đinh?
Anh ta có thể đã giao việc này cho Theresa, vợ chưa cưới và đồng phạm của anh ta. Cả hai cùng thông đồng hành động thì công việc có vẻ rất đơn giản. Trong trường hợp này chắc hẳn là Theresa đã căng sợi dây. Vụ ám sát thứ nhất, vụ đã thất bại, là tác phẩm của cô ta. Vụ ám sát thứ hai, vụ đã thành côníỊ, là kiệt tác, khoa học hơn, của Donaldson.
Ờ… mọi cái đều phù hợp!
Nhưng có những khó khăn nảy sinh. Tại sao Theresa đã để sổng chuyện truyền bệnh gan cho một con người? Cô không biết sự thật hay sao? Những ý nghĩ của tôi dần dần rối mù lên.
– Ta đi đâu bây giờ? – Tôi hỏi Poirot.
– Chúng ta quay về nhà tôi đi. Có thể ta sẽ gặp bà Tanios ở đấy.
Lúc này các suy đoán của tôi lại lạc sang con đường khác. Chị Tanios! A! Đây là một bí ẩn khác! Nếu Donaldson và Theresa đã là thủ phạm, thì trong chuyện này, chị Tanios và anh chồng đáng yêu của chị ta ngộ xảy ra điều gì thì sao? Người đàn bà này muốn phó thác cho Poirot điều bí mật gì đây và tại sao Tanios lại cố sức ngăn cản vợ nói ra?
– Poirot, – Tôi nói – tôi không hiểu gì nữa cả. Này không phải tất cả đều là kẻ giết người phải không?
– Một tập đoàn sát thủ à? Một gia đình những kẻ giết người hợp tác với nhau ư? Không, lần này không. Tôi phân biệt rõ ràng công việc của một cái đầu duy nhất, một kẻ giết người duy nhất!
– Theo anh, Poirot chắc là Theresa hay là Donaldson đã phạm tội này chứ không phải cả hai người phải không? Chắc anh ta đã yêu cầu cô ấy đóng cái đinh với một cái cớ nào đó?
– Này bạn thân mến ơi, khi bà Lawson kể cho tôi nghe câu chuyện của bà, tôi nghĩ tới ba giả thuyết: thứ nhất bà Lawson nói sự thật; thứ hai bà Lawson đã bịa ra câu chuyện ấy vì những lý do cá nhân; thứ ba, bà Lawson với thực tâm đã nhận dạng người trên cầu thang nhất là theo cái ghim cài. Mà, như tôi đã nhấn mạnh một cái ghim cài không thuộc bộ phận chủ yếu của con người.
– Phải, nhưng Theresa cam đoan rằng cái ghim này đã không rời cô lúc nào.
– Và cô đã hoàn toàn có lý; một chi tiết nhỏ rất có ý nghĩa đã lọt khỏi tai mắt tôi.
– Điều đó có lẽ không thể có, Poirot! – Tôi tuyên bố bằng một giọng trịnh trọng.
– Nhưng người ta có những phút suy yếu phải không?
– Tuổi tác có phần trách nhiệm!
– Tuổi tác không có liên quan gì đến việc ấy. – Poirot lạnh lùng đáp lại.
– Cái chi tiết có ý nghĩa ấy là cái gì? – Tôi hỏi khi chúng tôi tiến gần đến nhà bạn tôi.
– Tôi sẽ chỉ nó cho anh.
Chúng tôi về đến nhà. George ra mở cửa cho chúng tôi. Anh ta lắc đầu đáp lại cái nhìn dò hỏi của Poirot.
– Không thưa ông, bà Tanios không đến bà cũng không gọi điện thoại.
Poaro vào phòng khách. Trong một lúc lâu, anh vừa nghĩ vừa đi bước dài trong gian phòng. Rồi anh gọi điện đến khách sạn Durham.
– Vâng… A! Bác sĩ Tanios? Hercule Poirot đây. Bà nhà đã về chưa? Bà chưa về… Trời ơi! Ông bảo bà đã mang hành lý đi… Cả bọn trẻ… Ông hoàn toàn không biết bà đi đâu ư?… Vâng, đúng thế… Tôi sẵn sàng giúp ông… Ta phải hành động thận trọng… Không, chắc chắn không… Vâng đúng thế… Chắc chắn… ý muốn của ông sẽ được tôn trọng.
Vẻ tư duy, anh treo ống nghe lên.
– Ông ấy không biết vợ đi đâu – Anh nói – Tôi cho là ông ấy nói thật. Tôi không thể lầm khi nghe giọng lo âu của ông ta. Ông không muốn tôi kéo cảnh sát vào công việc của mình, điều đó cũng dễ hiểu. Hơn nữa ông từ chối sự giúp đỡ của tôi. Chỗ ấy, tôi hiểu quá ít… Ông muốn người ta phảt hiện ra bà ấy, nhưng không muốn tôi tìm kiếm bà. Ông tin có thể tự mình gỡ rối cho mình. Ông nghĩ rằng bà ấy sẽ không bỏ đi lâu được vì chỉ có rất ít tiền trong người. Hơn nữa lũ trẻ sẽ gây khó khăn cho bà trong khi trốn chạy. Phải, tôi tin rằng ông ta sẽ bắt lại được bà ấy không lâu nữa đâu. Nhưng, Hastings này, điều quan trọng là ta phải thành công trước ông ta.
– Anh có thật sự tin là vợ ông ta bị điên không? – Tôi hỏi.
– Chắc chắn bà ta có một trạng thái bị kích thích bệnh lý.
– Có cần thiết phải cho vào nội trú tại bệnh viện không?
– Không, chắc chắn không!
– Tôi thừa nhận như thế, Poirot ạ, tôi không thấy rõ ràng lắm trong công việc này.
– Hãy lượng thứ cho sự thẳng thắn của tôi, Hastings nhé! Có điều là anh chẳng hiểu một tí gì cả!
– Đã xảy ra biết bao chuyện ngoài lề!
– Tất nhiên. Đặc điểm của một bộ óc có phương pháp là biết tách sự việc chính với những chuyện ngoài lề ấy như anh đã gọi chúng như thế.
– Này Poirot, hãy nói cho tôi biết tại sao anh nghĩ là có tám kẻ khả nghi chứ không phải bảy?
Poirot đáp:
– Tôi nghĩ tới điều đó từ khi Theresa Arundell cho chúng ta biết rằng bác sĩ Donaldson đến ăn tối ở Littlegreen tối 14 tháng Tư.
– Tôi không nắm chắc lắm. Nếu bác sĩ Donaldson có âm mưu giết chết tiểu thư Arundell bằng một phương tiện khoa học, như truyền bệnh bằng một huyết thanh, tôi không biết tại sao anh đã lần lữa mãi với phương pháp vụng về chăng dây trên cầu thang như thế?
– Ôi Hastings, trên thực tế, anh đã thách thức thô bạo lòng kiên trì của tôi rồi đấy! Một trong các phương pháp theo anh rất khoa học và cần thiết những kiến thức hoàn toàn đặt biệt, phải không?
– Phải.
– Trong khi phương pháp khác là rất tầm thường?
– Đúng thế.
– Thế thì, Hastings ơi, hãy tựa lưng vào lưng ghế bành, hãy nhắm mắt lại và suy nghĩ đi!
– Theo ý tôi, – Tôi nói sau một lúc – người đã căng bẫy ở cầu thang không thể là người giàn dựng vụ giết người theo phương pháp khoa học.
– Lập luận đúng, anh bạn.
Được thể tôi nói tiếp:
– Đây là lời giải lôgic duy nhất là: hai vụ ám sát đã được dựng lên bởi hai kẻ khác nhau. Như vậy chúng ta có hai vụ giết người do hai người khác nhau can phạm.
– Sự trùng hợp hai vụ này đối với anh hình như không quá mạnh phải không anh bạn?
– Chính anh đã bảo đảm rằng hầu như không luôn luôn có một sự trùng hợp trong một vụ án mạng đó sao?
– Vâng tôi phải thừa nhận điều đó, anh Hastings ạ.
– Thế là chúng ta thống nhất rồi đấy!
– Nhưng ai là tội phạm của anh?
– Donaldson và Theresa Arundell. Một viên thầy thuốc là thủ phạm vụ án mạng thứ hai đã thành công. Mặt khác chúng ta biết rằng Theresa Arundell là thủ phạm âm mưu giết người thứ nhất. Có thể hai người ấy đã hành động riêng rẽ.
– Hastings thân mến ơi, anh lạm dụng câu này: chúng ta biết. Anh có thể biết, chứ tôi thì, tôi không biết Theresa Arundell là thủ phạm.
– Thế nhưng… câu chuyện của bà Lawson.
– Bà Lawson kể câu chuyên của bà Lawson. Không có gì thêm nữa. Này Hastings chẳng phải tôi đã báo cho anh biết rằng, có gì đó tôi thấy không chính xác trong câu chuyện kể của bà Lawson phải không?
– Quả là tôi có nhớ. Nhưng anh chưa đi tới chỗ phát hiện điều không chính xác ấy nằm ở đâu?
– Bây giờ điều ấy có đây rồi! Đợi một lát, tôi sẽ chỉ cho anh thấy cái mà tôi đáng lẽ phải biết ngay lập tức nếu như tôi không quá ngốc nghếch.
Anh đi đến bàn làm việc, mở một ngăn kéo lấy ra một bìa cứng. Anh bắt đầu cất bìa bằng một cái kéo vừa ra hiệu cho tôi đừng nhìn vào cái anh làm.
– Kiên nhẫn chờ đã, Hastings. Một lát nữa, chúng ta sẽ tiến hành một thí nghiệm nho nhỏ.
Sau khoảng một hoặc hai phút, Poirot mừng rỡ reo lên. Anh cất kéo, vứt những mảnh bìa vụn vào sọt giấy rồi đi đến chỗ tôi.
– Đừng nhìn tôi, Hastings. Tiếp tục quay mặt đi trong khi tôi đính cái gì đó vào lai tay áo vét tông của anh.
Tôi vui đùa. Poirot thỏa mãn với sản phẩm của mình, kéo tôi đứng lên và dắt tôi vào một phòng bên cạnh, phòng ngủ của anh.
– Bây giờ, Hastings, hãy nhìn vào gương. Có phải anh đang đeo một chiếc ghim cài đúng mốt thời trang có cái chữ cái đầu tên anh… Tất nhiên, cái ghim này không phải bằng thép, bằng vàng hay bạch kim mà đơn giản chỉ bằng các-tông thường!
Tôi vừa cười vừa ngắm hình dạng của mình trong gương. Poirot rất khéo tay. Chiếc vét tông của tôi được trang điểm một vật bắt chước y hệt chiếc ghim cài của Theresa Arundell, một vòng tròn quây quanh mấy chữ cái đầu tên tôi: A.H.
– Này, – Poirot nói – thế là anh bằng lòng rồi đấy! Anh có trên áo một cái ghim cài xinh đẹp với các chữ cái đầu tên anh.
– Một món trang sức tuyệt vời!
– Tất nhiên nó không có ánh kim, không phản xạ ánh sáng. Tuy nhiên anh có thừa nhận rằng cái ghim này nhìn từ xa thấy khá rõ ràng phải không?
– Tôi không nghi ngờ gì điều đó.
– Bây giờ, bạn thân mến ơi, xin anh vui lòng cởi chiếc vét tông của anh ra.
Hơi chút kinh ngạc, tôi lột khỏi mình chiếc áo vét tông. Bên cạnh tôi Poirot cũng làm như thế, và, hơi quay mình đi, anh cầm lấy chiếc áo của tôi và khoác lên mình.
– Bây giờ, anh nói với tôi, hay nhìn chiếc ghim, chiếc ghim có các chữ cái đầu tên anh. Có thấy nó hợp với tôi không?
Anh quay mình lại đột ngột về phía tôi. Tôi nhìn anh, thoạt tiên không hiểu gì cả. Rồi tôi hiểu được sự thật trong chốc lát.
– Ôi, sao mà tôi ngu xuẩn thế! Rõ ràng đây là H.A. mà không phải A.H.
Vẻ đắc thắng, Poirot lấy lại chiếc vét tông của mình và trả lại tôi cái áo của tôi.
– Bây giờ, anh đã hiểu cái mà theo tôi có vẻ không đúng trong câu chuyện kể của bà Lawson. Bà ta khẳng định là đã trông thấy rõ ràng các chữ cái đầu của Theresa trên cái ghim cài mà cô mang. Nhưng mà bà ấy đã nhìn thấy Theresa ở trong gương. Như vậy, nếu bà ấy đã nhìn thấy những chữ cái đầu, thì trật tự của chúng phải là đảo ngược.
– Phải, – Tôi bẻ lại – nhưng bà ta cũng có thể đã hiểu là các chữ ấy bị đảo ngược.
– Này anh bạn, có phải chính anh đã ngay lập tức nghĩ tới điều ấy? Chẳng phải là anh đã thét lên: “Poirot, anh làm sai rồi? Đây là H.A. mà không phải là A.H.?” Không đúng, phải không? Thế nhưng mà anh còn thông minh hơn bà Lawson rất nhiều. Đừng nói rằng, một người ngốc nghếch như bà ấy, đột ngột thức dậy giữa đêm và đang còn nửa vô thức đã hiểu được rằng A.T. thực sự là T.A. không, điều đó không phù hợp với trí lực của bà Lawson.
– Đối với bà ấy, đó chỉ có thể là Theresa mà thôi. – Tôi nói chậm rãi.
– Anh đã gần tìm ra đấy, anh bạn. Khi tôi bẻ lại bà ấy rằng bà ấy không thể nhìn thấy mặt của người ở cầu thang thì thái độ của bà ấy đã thế nào?
– Bà ấy nhớ đến cái ghim cài và để điều ấy lên trước mà không hiểu rằng điều đơn giản đã nhìn thấy vật ấy trong gương đã là phủ định toàn bộ câu chuyện của bà ta.
Giữa lúc đó chuông điện thoại réo lên. Poirot nhấc ống nghe và chỉ nói vào máy vài lời.
– Vâng… tất nhiên! Vâng, điều đó không có gì phiền tôi cả. Hai giờ chiều. Đồng ý.
Anh cất ống nghe và quay lại phía tôi, một nụ cười trên môi.
– Bác sĩ Donaldson muốn nói chuyện với tôi. Anh ta sẽ đến đây hai giờ chiều mai. Chúng ta sắp xong, anh bạn ơi, chúng ta sắp xong.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.