Tôi cho rằng việc tôi mơ thấy giấc mơ đêm hôm đó là không thể tránh khỏi.
Tôi nằm trên giường, buộc mình chìm vào giấc ngủ, nhưng trớ trêu thay, tâm trí tôi cứ loanh quanh mãi với những dòng nhật ký tôi đọc trong lâu đài trước khi chúng bị xóa đi nhường chỗ cho những dòng tiếp theo. Rất may là tôi đã đọc quá nhiều lần trước khi các dòng chữ biến mất và mục tiếp theo xuất hiện nên tôi gần như đã thuộc nằm lòng. Mọi điều tôi đọc đều trở thành hiện thực trong ngày hôm đó. Tôi tự hỏi liệu ngày mai có diễn ra như những lời tiên đoán siêu nhiên đó không, liệu mọi việc có bị vạch trần như trò đùa độc ác của ai đó không, hay liệu xơ Ignatius có nói đúng không, và liệu những dòng qua quýt vào đêm muộn của một kẻ mộng du có tự lộ rõ bản chất chúng đơn thuần chỉ là những lời lảm nhảm vô dụng không.
Tôi từng nghe về những điều người ta làm khi đang ngủ. Giật đùng đùng như động kinh, thực hiện những hành vi tình dục kỳ cục, giặt giũ hay thậm chí giết người, còn gọi là mộng du sát nhân. Có vài vụ án đình đám trong đó người ta phạm tội giết người rồi đổ lỗi cho mộng du. Hai trong số đó được tha bổng và bị buộc phải ngủ một mình sau cánh cửa khóa kín. Tôi không biết đó có phải là điều tôi thu được từ một trong những bộ phim phóng sự Mae từng xem không hay đó là một tập phim của Perry Mason có tựa “Vụ án về cháu gái của kẻ mộng du”. Dù sao thì nếu tất cả những điều đó có thể xảy ra, tôi cho rằng tôi hoàn toàn có thể viết nhật ký trong khi ngủ, và trong khi viết, tôi đã dự đoán trước tương lai.
Tôi tin vào lời bào chữa về mộng du sát nhân hơn.
Biết được giấc mơ sắp tới, à, theo tiên đoán của Tamara Ngày Mai, đầu óc tôi quay vòng vòng cố tìm cách thay đổi giấc mơ, nghĩ cách ngăn không cho ba trở thành thầy giáo tiếng Anh của tôi và giữ ông lại bên cạnh để chúng tôi có thể thực sự nói chuyện với nhau. Tôi cố nhớ một mật hiệu mà chỉ mình ba mới hiểu tôi đang nói gì và bằng cách nào đó gọi ông từ cõi chết để kết nối với tôi. Bị ám ảnh trầm trọng, tôi không thể không mơ chính xác những điều mình đã viết, việc mặt ba tôi biến thành mặt giáo viên tiếng Anh, rồi trường tôi chuyển sang Mỹ mà tôi chẳng nói được tiếng bên ấy, rồi chúng tôi sống trên một con thuyền. Điểm khác biệt duy nhất là tôi cứ bị đám học trò yêu cầu đứng lên hát, vài người trong đó là diễn viên bộ phim High School Musical, và khi tôi cố mở miệng, chẳng âm thanh nào phát ra vì bệnh viêm thanh quản. Chẳng ai tin tôi cả vì trước đó tôi từng nói dối như vậy.
Một điểm khác biệt nữa còn đáng ngại hơn là chiếc thuyền tôi đang sống, có hình dáng từa tựa như chiếc thuyền gỗ của Noah, chất đầy nhóc người như hàng triệu con ong trong tổ. Khói cứ tuồn vào hành lang nhưng chẳng ai ngoại trừ tôi để ý tới, và họ cứ tiếp tục ăn uống, ngồi trong phòng tiệc dài và không ngừng tọng thức ăn vào miệng, giống như phim Harry Potter vậy, trong khi khói đã tràn ngập các phòng. Tôi là người duy nhất nhìn thấy khói nhưng chẳng ai nghe tôi vì bệnh viêm thanh quản làm tôi chẳng thốt được tiếng nào. Tôi nhớ đến câu chuyện chú bé chăn cừu và con chó sói.
Bạn có thể cho rằng quyển nhật ký đã nói đúng, hay một đầu óc hoài nghi hơn sẽ nghĩ rằng vì tôi bị ám ảnh bởi những chi tiết về giấc mơ đã được viết ra, tôi không thể không tự ép mình mơ giấc mơ đó. Nhưng đúng như dự báo, tôi tỉnh dậy với tiếng Rosaleen làm rơi nồi xuống sàn kèm theo một tiếng thét.
Tôi gạt chân qua một bên và nhảy xuống sàn, quỳ gối. Đêm qua, tôi đã giấu quyển nhật ký dưới tấm ván lát sàn theo đúng lời tiên tri của mình. Nếu Tamara Ngày Mai cảm thấy thế là quan trọng thì tôi sẽ nghe theo lời khuyên của cô ta. Ai biết vì sao cô ta – hay là tôi – phải cố công như vậy để giấu giếm nhưng suy nghĩ đồng bóng ngốc nghếch chứ. Có lẽ Rosaleen đi rình mò cô ta, hay là tôi, không viết ra. Mấy đêm vừa qua, tôi dùng cái ghế gỗ chặn cửa phòng ngủ lại. Nó sẽ không cản trở được Rosaleen nhưng ít nhất cũng báo động cho tôi về sự có mặt của mợ. Theo như tôi biết, sau đêm đầu tiên, mợ không hề đứng nhìn tôi ngủ nữa. Chỉ là theo như tôi biết thôi.
Tôi đang ngồi trên sàn bên cánh cửa phòng ngủ, đọc lại những dòng nhật ký tối qua thì nghe tiếng chân bước lên cầu thang. Tôi nhìn ra ngoài qua lỗ khóa, thấy Rosaleen đang dẫn mẹ đi lên cầu thang. Tôi gần như đã nhảy bật dậy mà nhảy múa ca hát thì Rosaleen gõ cửa phòng tôi sau khi đã đóng cửa phòng mẹ lại. Tôi đứng bật dậy.
“Chào buổi sáng, Tamara, mọi chuyện ổn chứ?”
“À, vâng, cảm ơn mợ, Rosaleen. Có gì ở dưới lầu vậy?”
“Không, không có gì. Ta làm rớt cái nồi thôi,”
Tay nắm cửa bắt đầu xoay.
“Hừm, khoan nào! Cháu đang ở trần!” tôi chuồi người xuống đẩy cửa đóng lại.
“Ồ, được rồi…” Những câu chuyện về thân thể, nhất là những cơ thể trần truồng, thường khiến mợ bối rối. “Bữa sáng sẽ sẵn sàng trong vòng mười phút nữa.”
“Được ạ,” tôi khẽ đáp, tự hỏi vì cái quái gì mà mợ lại nói dối chứ. Chuyện mẹ chịu xuống lầu là một sự kiện lớn. Đối với những gia đình bình thường thì chẳng có gì đáng nói, nhưng với gia đình tôi thì khác.
Tôi chợt ngỡ ngàng nhận ra tầm quan trọng của từng dòng ghi trong nhật ký, tôi chợt nghĩ mỗi dòng là dấu bánh mì vụn mà tôi từng muốn rải dọc đường từ nhà cũ của tôi đến nơi này. Mỗi từ là một đầu mối, một sự ám chỉ, về chuyện gì đó đang xảy ra ngay dưới mũi tôi. Khi tôi viết rằng tôi thức dậy vì nghe thấy tiếng Rosaleen làm rơi nồi và thét lên, lẽ ra tôi phải hiểu được ẩn ý đằng sau, lẽ ra tôi phải nhận thấy rằng mợ chẳng bao giờ sơ ý như thế, rằng hẳn phải có chuyện gì đó xảy ra khiến mợ làm rơi nồi. Vì sao mợ lại nói dối về chuyện mẹ xuống lầu? Để bảo vệ tôi? Để bảo vệ chính mợ?
Tôi ngồi xuống sàn, dựa lưng vào cửa đọc lại những dòng nhật ký vừa phát hiện tối qua.
Chủ nhật, ngày 4 tháng 7
Lẽ ra mình không nên kể cho Weseley về ba. Mình ghét cách anh ta nhìn mình, đầy vẻ thương hại. Nếu anh ta không thích mình, anh ta sẽ không thích mình. Một người ba tự tử chẳng làm mình tốt đẹp hơn – mặc dù trong trường hợp này thì điều đó đúng, nhưng làm thế nào mà anh ta biết được chứ. Có lẽ mình viết thế này có vẻ đạo đức giả, nhưng mình không muốn ấn tượng của mọi người về mình thay đổi chỉ vì điều ba đã làm. Mình cứ tưởng mình muốn điều ngược lại, tận dụng lòng thương hại, bạn biết đấy. Mình sẽ được mọi người chú ý, mình có thể thành người mà mình luôn mơ ước.
Mình cứ nghĩ mình sẽ thích lắm. Trừ tháng đầu tiên, ngay sau cái chết của ba – mình phát hiện ra thi thể của ông, và nhận được những câu hỏi, những tách trà nóng và những cái vỗ lưng đầy thông cảm của mọi người trong khi mình kể lại chuyện và khóc nấc lên – và đương nhiên nhận được rất nhiều cử chỉ ân cần khi lưu lại tổ chim của Barbara, nơi Lulu được dặn dò phải chăm sóc cho mình và mẹ từng li từng tí với món chủ yếu là sô cô la nóng bỏ thêm kẹo dẻo được bưng tới hàng giờ. Nhưng mình chẳng nhận được sự chú ý đặc biệt nào từ Arthur và Rosaleen cả, trừ phi sự đãi ngộ này vốn có thể coi là sự quan tâm đặc biệt và tháng tới mình sẽ trở thành cô bé lọ lem.
Mình từng không chịu đựng nổi con bé Susie, đứa học sinh mới trong lớp, nhưng rồi mình phát hiện ra anh trai nó chơi bóng bầu dục cho đội Leinster, thế là lập tức mình ngồi kế nó trong mọi tiết toán và suốt một tháng trời cuối tuần nào cũng đến nhà nó chơi, cho đến khi anh nó bị đuổi khỏi đội sau khi bị bắt giữ vì nhảy choi choi và giẫm nát xe của ai đó do uống quá nhiều vodka trộn với nước tăng lực Red Bull. Mấy tờ báo lá cải xâu xé anh ta và anh ta bị mất tài trợ từ công ty sản xuất kính áp tròng. Suốt cả tuần liền chẳng ai muốn dính dáng gì tới anh ta. Và rồi mình cũng rời đi.
Tôi không thể tin rằng tôi đã viết những dòng này. Thật ớn lạnh.
Dù sao thì Weseley đã hoàn toàn thay đổi khi mình kể là ba tự tử. Lẽ ra mình nên nói lý do gì đó khác, chẳng hạn như chết trong chiến tranh, hay là, mình cũng không biêt nữa, bất kỳ kiểu chết nào thông thường hơn. Có quá kỳ cục không nếu mình nói, “À này, về chuyện tự tử ấy. em chỉ đùa thôi. Thực ra thì ba chết vì một cơn đau tim. Hahaha.”
Không. Có lẽ là không.
Weseley là ai thế nhỉ? Tôi nhìn lên ngày. Lại là ngày mai. Vậy là từ giờ đến tối mai, mình sẽ gặp một anh chàng tên Weseley. Hoàn toàn không thể, anh ta sẽ leo qua bức tường pháo đài Rosaleen để chào tôi ư?
Sau giấc mơ kỳ cục khủng khiếp đêm qua, mình tỉnh dậy, cảm thấy còn mệt hơn lúc chưa ngủ. Sau một đêm thức trắng, giờ mình chỉ muốn nằm dài trên giường suốt buổi sáng, suốt cả ngày. Chuyện đó sẽ không xảy ra. Cái đồng hồ biết nói gõ gõ lên cửa phòng mình rồi bước vào.
“Tamara, giờ là chín rưỡi, chúng ta sẽ đi lễ lúc mười giờ rồi ra chợ một chút.”
Phải một lúc sau mình mới hiểu mợ đang nói gì. “Ồ không, Rosaleen, cháu mệt quá, cháu cũng không phải là người đi lễ đều đặn, cho nên…”
“Vậy cũng được, cháu ngủ tiếp đi.” Mợ vừa nói vừa liếc nhanh khắp phòng như để kiểm tra xem tối qua mình có bôi đầy phân lên tường không. “Cháu cứ ở lại và để ý mẹ nhé. Không cần làm phiền mẹ, mẹ cháu đang ngủ, nhưng cháu ở nhà phòng trường hợp mẹ cần cháu, được chứ?”
Hoan hô.
Mình nghe thấy tiếng xe rời đi, tưởng tượng mợ mặt váy áo có ghim cài và đội mũ đính hoa, dẫu mình biết mợ chẳng bao giờ mặc kiểu thế. Mình tưởng tượng Arthur đội chiếc mũ nhỏ xíu trên đỉnh đầu, lái chiếc Cadillac và cả thế giới khoác màu nâu đen trong khi họ đi lễ Misa Chủ Nhật. Mình thật mừng vì họ cho mình ở nhà, mình đã không nghĩ đến chuyện mợ không muốn bị nhìn thấy đi chung với mình trong lễ Misa hay ở chợ, cho đến khi cảm giác bị xúc phạm tràn đến sau đó dù chỉ là trong chốc lát. Mình lại thiu thiu một chốc rồi tỉnh dậy chẳng biết bao lâu sau đó vì tiếng còi xe. Mình lờ đi và cố ngủ tiếp nhưng tiếng còi xe rú lên to hơn và dài hơn. Rồi lập lại lần nữa. Mình loạng choạng bò ra khỏi giường, mở cửa sổ và sẵn sàng một tràng mắng chửi, nhưng thay vào đó, mình lại phá lên cười khi thấy xơ Ignatius chen chúc trong một chiếc Fiat Cinquecento màu vàng với ba bà xơ khác. Xơ ngồi ở ghế sau, cửa sổ hạ xuống và nửa người xơ nhoài ra cứ như xơ sắp bị bắn phọt lên trời vậy.
“Romeo chàng hỡi,” mình mở cửa sổ rộng ra.
“Con trông như vừa bị kéo ngược qua hàng rào[4] vậy?”
[4] Thành ngữ trong tiếng Anh, ý nói đầu bù tóc rối.
“Có lẽ thế.”
“À, mong là con vui. Con không đi lễ à?”
Một xơ khác gọi xơ và cố kéo xơ vào lại xe.
“Không ạ,” mình phá lên cười. “Con có được mời đâu.”
“Nhà của Chúa lòng lành thì lúc nào cũng mở rộng cả, con hãy nhớ lấy. Hẹn gặp con vào thứ Tư nhé!”
Xơ gập người chui vào xe và lập tức chiếc xe lăn bánh, không thèm giảm tốc độ hay ra hiệu khi cua góc. Mình nhìn thấy một cánh tay giơ lên khi họ rời đi.
Mình nghe thấy, “Cảm ơn vì quyển sáchhhhhhh!” khi họ bay quanh khúc cua.
Mình lim dim vài giờ nữa, tận hưởng không gian yên tĩnh và tự do lười biếng mà không bị làm phiền bởi tiếng nồi niêu loảng xoảng dưới bếp hay tiếng máy hút bụi va vào cửa phòng ngủ khi nó hút bụi trên tấm thảm chùi chân. Trong khoảnh khắc tỉnh táo, mình ngẫm nghĩ về những điều Rosaleen nói tối qua. Về việc gọi mẹ là kẻ nói đối. Họ có cãi vã không? Arthur và mẹ có cãi vã không? Khi chúng mình đến đây, mẹ vui vẻ chào cậu lắm mà. Mình cần tìm thời gian ở riêng với Arthur để trò chuyện nghiêm túc với cậu ấy.
Mình sang thăm mẹ, đã mười một giờ mà mẹ vẫn ngủ say sưa, đúng là bất thường, nhưng ngón tay đặt dưới mũi mẹ cho mình thấy mẹ vẫn còn sống và có vài chỗ khuyết trên khay đồ ăn sáng mà Rosaleen đã để cạnh giường ngủ cho mẹ. Mình lấy một ít trái cây trong bếp, lang thang quanh nhà, xem xét linh tinh, ngắm nghía mấy bức ảnh treo rải rác trong phòng khách. Arthur với một con cá khổng lồ, Rosaleen vận đồ màu tùng lam và giữ chặt chiếc nón, cười rạng rỡ trong một ngày đầy gió. Rồi Rosaleen cùng với Arthur, lúc nào cũng bên nhau nhưng chẳng hề chạm vào nhau, chẳng khác gì hai đứa trẻ con bị ép đứng cạnh để chụp ảnh cho ngày lễ ban thánh thể, tay áp sát vào đùi hay bắt chéo đằng trước, trông vô cùng ngây thơ.
Mình ngồi trong phòng khách đọc tiếp cuốn sách Fiona tặng. Đúng một giờ, xe của Arthur và Rosalên quay về, và cảm giác nặng nề trĩu xuống trong mình. Khoảng không tự do của mình đã mất, lại phải ở trong phòng với người khác, những trò chơi lại bắt đầu, bí ẩn lại tiếp tục, rồi mình chợt giật mình. Mình đang nghĩ cái quái gì thế này?
Lẽ ra mình phải đi lục lọi. Mình phải đột nhập vào nhà kho để xem thực ra nó rộng đến thế nào. Mình cho rằng Rosaleen đã nói dối. Mình nên gọi bác sĩ khám cho mẹ. Mình nên xem xét bên kia đường, hay ít nhất là nhòm vào vườn sau. Có rất nhiều việc lẽ ra mình phải làm, nhưng mình cứ ngồi ì trong nhà mà ủ ê. Sẽ phải cả tuần nữa mình mới có cơ hội tương tự.
Đúng là một ngày phí phạm.
Lưu ý cho bản thân: sau này đừng có làm một con ngốc nữa và hãy để cửa sổ mở.
Mai mình sẽ viết tiếp.
Tôi đặt quyển nhật ký xuống sàn và lấp tấm ván lại. Tôi lấy chiếc khăn sạch trong tủ cùng với chai dầu gội đầu loại xịn gần cạn nhưng chẳng thể mua thêm vì không tìm được chỗ mua, và lần đầu tiên trong đời tôi, vì quá mắc. Tôi đang định tắm thì nhớ ra có đoạn nhật ký nhắc đến chuyện xơ Ignatius ghé thăm vào sáng hôm nay. Đó sẽ là một cơ hội hoàn hảo để kiểm tra những gì được viết trong nhật ký. Tôi cứ để nước vòi hoa sen chảy và đứng đợi ở chiếu nghỉ.
Tiếng chuông cửa vang lên, chỉ đơn giản thế thôi cũng làm tôi ớn xương sống.
Rosaleen mở cửa, và thậm chí khi mợ còn chưa mở miệng, tôi đã có thể nhận ra từ bầu không khí rằng xơ Ignatius đang đứng bên ngoài.
“Xơ, chào buổi sáng.”
Tôi nhòm ra từ góc khuất nên chỉ thấy lưng và phía sau Rosaleen. Chiếc váy mợ mặc hôm nay được hãng rau quả Fyffes tài trợ. Họa tiết nải chuối trang trí tùm lum trên váy. Phần còn lại của mợ cứ như bị ép tòi ra ngoài chỗ cửa mở he hé, cứ như mợ chẳng muốn xơ Ignatius nhìn vào trong vậy. Và nếu trời không bắt đầu đổ mưa vào đúng lúc ấy, tôi không cho rằng xơ có thể tới gần tôi quá chỗ hiên nhà đâu. Lúc ấy cả hai đều đang đứng trong hành lang và xơ Ignatius nhìn quanh. Ánh mắt chúng tôi chạm nhau, tôi mỉm cười và rồi lại náu mình vào trong.
“Mời vào, mời vào trong bếp,” Rosaleen nói với giọng gấp gáp cứ như trần hành lang sắp sụp xuống vậy.
“Không, ta đứng đây được rồi, ta không ở lại lâu đâu,” xơ Ignatius đứng yên một chỗ. “Ta chỉ muốn ghé qua xem con thế nào. Ta chẳng nhìn thấy hay nghe nói gì về con suốt mấy tuần qua.”
“À vâng, ồ, con xin lỗi. Arthur bận tối tăm với cái hồ, và con thì… loay hoay với việc nội trợ ở đây. Xơ vào phòng bếp nhé, xơ,” mợ hạ thấp giọng cứ như một đứa trẻ sơ sinh đang ngủ.
Mợ đang giấu một người mẹ và một đứa con, Rosaleen, hay thú nhận ngay đi.
Tôi chợt nghe tiếng ghế kéo lê trên sàn vang lên từ phòng ngủ của mẹ.
Xơ Ignatius ngẩng đầu lên, “Gì thế?”
“Không có gì đâu. Con cho là giờ xơ đã chuẩn bị sẵn sàng cho mùa mật rồi nhỉ. Vào bếp nào, đi thôi, đi thôi!”
Mợ cố kéo tay xơ Ignatius và dẫn xơ rời khỏi hành lang.
“Ta sẽ lấy mật vào thứ Tư nếu thời tiết cho phép.”
“Xin Chúa rủ lòng thương cho thời tiết được như vậy.” Rosaleen vuốt đuôi.
“Con muốn ta đem sang bao nhiêu lọ?”
Có gì đó rơi trong phòng mẹ.
Xơ Ignatius dừng bước. Rosaleen vội kéo xơ theo và nói huyên thuyên. Những câu chuyện lặt vặt chán phèo. Thế này thế kia thế nọ. Người này chết. Người kia bệnh. Mavis ở dưới thị trấn bị xe hơi tông khi ra ngoài mua áo tặng sinh nhật lần thứ ba mươi của John, cháu trai bà ta. Bà ta chết. Bà ta đã mua được áo và mọi chuyện là như vậy đấy. Thật đáng buồn vì anh trai bà ta vừa chết năm ngoái vì ung thư ruột, giờ gia đình đó chẳng còn ai. Ba bà ta sống một mình và phải chuyển vào nhà dưỡng lão. Mấy tuần rồi ông ta phát bệnh. Thị giác suy giảm trầm trọng, chẳng phải ông ta từng là một tay phóng phi tiêu cừ khôi sao. Và bữa tiệc sinh nhật ba mươi tuổi đó buồn làm sao vì ai cũng tiếc thương Mavis. Bla bla bla về những chuyện nhảm nhí. Chẳng nhắc đến mẹ và tôi một chút nào. Lại một con voi trong phòng.
Sau khi xơ Ignatius rời đi, Roasaleen tì trán vào cánh cửa một thoáng và thở dài. Rồi mợ đứng thẳng và xoay người nhìn lên ban công. Tôi vội lẩn đi. Khi tôi thò đầu khỏi chỗ nấp, tôi thấy cửa phòng Rosaleen khép hờ. Một bóng người thoáng qua.
Tôi không thể chịu được việc phải ngồi trong phòng ăn sáng với Rosleen và Arthur. Tôi thà ở bất kì đâu chứ không ở trong cái bếp bốc mùi chiên xào bắt ói. Nhưng đương nhiên tôi biết mình sẽ làm gì tiếp theo.
“Mẹ, ra ngoài với con đi,” tôi cầm tay mẹ và dịu dàng kéo bà.
Mẹ ngồi yên như tảng đá.
“Mẹ, đi mà. Ra ngoài hít thở không khí trong lành nào. Chúng ta sẽ đi dạo quanh rừng và hồ nước, chúng ta có thể ngắm nhìn đàn thiên nga. Con dám cá là mẹ chưa bao giờ đi bộ qua những khu đất này trước đây đâu. Đi mà. Có một tòa lâu đài mỹ lệ và vô số những lối đi đẹp đẽ. Thậm chí còn có cả một khu vườn có tường bao nữa.”
Lúc ấy, mẹ nhìn thẳng vào tôi, tôi có thể thấy tròng mắt mẹ dãn ra khi mẹ nhìn tôi. Mẹ nói, “Khu vườn bí mật,” rồi mỉm cười.
“Đúng vậy đó mẹ. Mẹ đã đến đó rồi à?”
“Hoa hồng.”
“Đúng rồi, có rất nhiều hoa hồng.”
“Hừm, đẹp.” mẹ khẽ nói, rồi cứ như đột nhiên mẹ chuyển đến từ miền Bắc nước Anh vậy, bà nhả ra vài từ, “Đẹp hơn hoa hồng.” Mẹ vừa nói vừa đưa mắt nhìn ra ngoài cửa sổ, rồi mẹ nhìn tôi và lướt ngón trỏ lên trên những nét khuôn mặt tôi. “Đẹp hơn hoa hồng.”
Tôi mỉm cười. “Cảm ơn mẹ.”
“Mẹ đã từng đi dạo ở quanh đây rồi, phải không?” Tôi ùa vào bếp, tràn đầy hứng khởi, khiến Rosaleen giật bắn mình. Mợ đặt ngón tay lên môi. Arthur đang nói chuyên điện thoại. Chiếc điện thoại cũ xì gắn dính vào tường.
“Rosaleen,” tôi thì thào. “Mẹ nói chuyện.”
Mợ dừng tay nhào bột và quay sang tôi. “Cô ấy nói gì?”
“Mẹ nói rằng khu vườn có tường bao là một khu vườn bí mật, và cháu xinh đẹp như một đóa hồng,” mặt tôi sáng rỡ lên. “Đẹp hơn, thực ra mẹ nói thế.”
Mặt Rosaleen cứng lại. “Hay đấy.”
“Hay ư? Hay cái chó má gì?” Tôi phát khùng lên.
Rosaleen và Arthur đồng loạt suỵt tôi.
“Đúng rồi. Tamara đấy” Arthur nói.
“Ai ở đầu dây bên kia vậy?”
“Barbara,” Rosaleen nói, mái tóc đen kẹp gọn phía sau của mợ có mấy sợi lòa xòa bung ra đằng trước, mồ hôi bắt đầu tuôn ra khi mợ dồn hết sức để cán bột.
“Cháu nói chuyện với cô ấy được không cậu?” tôi hỏi.
Arthur gật đầu. “Được. Được rồi. Chúng ta sẽ lo xong thôi. Ừ. Được. Thật vậy. Được rồi. Chào.”
Cậu cúp máy.
“Cháu nói là cháu muốn nói chuyện với cô ấy mà.”
“Ồ à, cô ta nói là phải đi.”
“Cô ấy bận ngủ với tên nhóc bảo trì hồ bơi chứ gì. Bận rộn, bận rộn quá đi.” Tôi xiên xỏ. tôi không biết ý tưởng đó đến từ đâu. “Vậy cô ấy gọi có chuyện gì vậy?”
Arthur nhìn sang Rosaleen.
“À, thật không may là họ phải bán cái nhà đang chứa đồ của cháu, nên họ không thể giữ chúng giúp cháu được nữa.”
“Ôi, ở đây không có chỗ,” Rosaleen đáp ngay, quay lại bàn bếp và rắc bột lên khay.
À, tôi đã quen với câu trả lời này.
“Còn ga ra thì sao?” tôi hỏi, bắt đầu hiểu ra những gì ghi trong nhật ký.
“Không có chỗ.”
“Chúng ta sẽ tìm ra chỗ.” Arthur nói vẻ thoải mái.
“Không tìm ra đâu vì chẳng có chỗ nào,” Rosaleen cầm viên bột kế tiếp lên, ném lên bàn bếp và bắt đầu dùng tay vò, nhồi, đấm vào nó, làm thành một hình dáng nào đó.
“Ga ra còn chỗ mà,” Arthur nói.
Rosaleen hơi khựng một chút nhưng không quay lại. “Không có.”
Tôi hết nhìn Rosalên lại quay sang Arthur, bắt đầu cảm thấy có chút tò mò trước sự bất đồng ý kiến công khai lần đầu tiên này.
“Vì sao, trong đó có gì?” tôi hỏi.
Rosaleen tiếp tục cán bột.
“Chúng ta phải làm sao cho có chỗ thôi, Rosaleen ạ,” Arthur nói vẻ quả quyết, và khi Rosaleen định cắt ngang thì Arthur lên giọng, “Chẳng còn nơi nào khác để chứa đồ cả.”
Đó là quyết định cuối cùng.
Lúc ấy tôi chợt có cảm giác đáng sợ rằng cuộc đối thoại về việc mẹ con tôi chuyển đến sống chung chắc cũng diễn ra không khác gì mấy.
Họ không phản đối gì khi tôi đem tấm chăn ra ngoài vườn cùng một đĩa trái cây và ngồi dưới bóng cây. Cơn mưa rào khiến cỏ ẩm ướt nhưng tôi không định dời đi chỗ khác. Không khí trong lành, mặt trời đang cố sức ló đầu ra lần nữa. Từ chỗ ngồi trên cỏ, tôi có thể nhìn thấy mẹ đang ngồi bên cửa sổ nhìn ra ngoài. Tôi dụ dỗ mẹ cùng ra, vì nó tốt cho đầu óc của tôi cũng như của mẹ. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên, mẹ không chịu ra với tôi.
Rosaleen loay hoay trong bếp, chuẩn bị đồ ăn cho mẹ ít hơn số lượng thức ăn mợ đem ra cho chuồng chim mỗi ngày. Arthur ngồi bên bàn lắng nghe radio mở hết cỡ, tay lật lật tờ báo. Tôi quan sát Rosaleen bưng khay rời khỏi bếp, và một phút sau đó, mợ xuất hiện trong phòng mẹ. Tôi quan sát mợ lăng xăng bày biện như thường lệ. Cửa sổ, bàn, khăn trải bàn, dao nĩa.
Sau khi Rosaleen đặt khay xuống bàn, mợ đứng thẳng dậy và quan sát mẹ. Tôi nhổm lên. Hành động của mợ, dù là gì đi nữa, cũng khá bất thường. Rồi miệng mợ mở ra và đóng lại, như thể mợ đã nói điều gì đó.
Mẹ nhìn mợ, nói gì đó, rồi quay mặt đi.
Tôi bất giác đứng bật dậy, dõi nhìn hai người họ.
Rồi tôi chạy vội vào trong, suýt nữa xô đổ Arthur, và chạy hồng hộc lên cầu thang. Tôi đẩy tung cửa phòng mẹ, nghe thấy một tiếng hét và tiếng đổ vỡ khi cửa va phải Rosaleen và cái khay của mợ. Mọi thứ rơi hết xuống sàn.
“Ôi trời,” Rosaleen vội khom xuống và hốt hoảng nhặt nhạnh mọi thứ. Váy của mợ bị kéo ngược đến đùi để lộ đôi chân trẻ trung đáng kinh ngạc. Mẹ xoay người lại trên ghế để nhìn, liếc sang tôi, mỉm cười rồi quay ra cửa sổ. Tôi cố giúp Rosaleen nhưng mợ không chịu, phẩy phẩy tôi ra và tăng tốc nhặt những thứ tôi định nhặt hết lần này đến lần khác. Tôi theo sát gót mợ xuống cầu thang như một chú chó con.
“Mẹ nói gì vậy mợ?” Tôi hạ giọng để mẹ không biết chúng tôi đang nói về bà.
Rosaleen vẫn còn choáng váng sau cú tấn công của tôi, mợ hơi run rẩy, mặt tái đi. Mợ loạng choạng cầm cái khay to đùng xuống lầu.
“Sao?” tôi hỏi, theo mợ vào bếp.
“Sao cái gì?”
“Gì mà ồn thế?” Arthur hỏi.
“Mẹ đã nói gì?” tôi hỏi.
Rosaleen hết nhìn Arthur rồi lại nhìn sang tôi, mắt mở to màu xanh lá non, đồng tử nhỏ xíu khiến mắt mợ thêm sáng rực.
“Khay bị đổ,” mợ trả lời Arthur rồi quay sang tôi, “Chẳng có gì cả.”
“Sao mợ lại nói dối?”
Nét mặt mợ thay đổi. Biến thành hết sức giận dữ, khiến tôi muốn rút lại lời nói của mình ngay lập tức. Chỉ là ảo tưởng của tôi thôi, tôi đã bịa chuyện, tôi muốn được chú ý tới, tôi chẳng biết nữa. Tôi hết sức bối rối.
“Cháu xin lỗi,” tôi lắp bắp. “Cháu không có ý bảo mợ nói dối. Chỉ là dường như mẹ có nói gì đó. Chỉ thế thôi.”
“Mẹ cháu nói cảm ơn. Ta đáp không có gì.”
Tôi vắt óc nhơ slại cử động môi của mẹ. “Mẹ nói xin lỗi,” tôi buột miệng.
Rosaleen đông cứng người lại. Arthur nhấc đầu khỏi tờ báo.
“Mẹ nói xin lỗi, phải không vậy?” tôi hỏi, hết nhìn người này rồi lại nhìn sang người kia. “Vì sao mẹ lại nói vậy?”
“Ta không biết,” mợ hạ giọng.
“Cậu phải biết chứ, Arthur,” tôi nhìn sang cậu. “Theo cậu thế là sao? Vì sao mẹ lại nói xin lỗi?”
“Ta cho rằng mẹ cháu nghĩ mình đem lại nhiều phiền phức,” Rosaleen nhảy vào nói thay cậu. “Nhưng không phải vậy, ta không phiền khi nấu ăn cho cô ấy. Chằng đáng gì cả.”
“Ồ.”
Arthur rõ ràng muốn bỏ đi ngay, và ngay khi cậu rời đi, ngày trở lại như nó vốn thế. Tôi muốn nhìn hết lượt qua ga ra khi Rosaleen không có mặt, nhưng tôi biết cách tốt nhất là giả vờ không muốn để Rosaleen đi. Như vậy thì mợ sẽ không bao giờ sinh lòng nghi ngờ.
“Cháu có thể giúp mợ bưng đồ sang nhà bên kia không?”
“Không,” mợ đáp cộc lốc, vẫn còn bực mình với tôi. “Ồ, không cần nhưng vẫn cảm ơn cháu rất nhiều về đề nghị giúp đỡ, Tamara ạ.” Tôi đảo mắt.
Mợ lấy ổ bánh mì nâu vừa nướng xong và bánh táo mới. Một chiếc đĩa sâu lòng đựng thứ gì đó và vài hộp bia đựng thức ăn. Đủ cho cả tuần.
“À, ai sống ở đó vậy?”
Không có câu trả lời.
“Thôi mà Rosaleen, chúa không biết kiếp trước chuyện gì đã xảy ra với mợ nhưng cháu không phải là mật thám Đức đâu. Cháu mười sáu tuổi, cháu muốn biết chỉ vì cháu chẳng có gì khác để làm. Có thể ở đó người cháu nói chuyện được, một người chưa gần xuống lỗ ấy.”
“Mẹ của ta,” cuối cùng mợ cũng đáp.
Tôi đợi câu tiếp theo của mợ. Mẹ ta dậy ta đừng có thóc mách. Mẹ ta dạy ta lúc nào cũng mặc váy tùng xòe. Mẹ ta dạy ta không bao giờ được tiết lộ công thức làm món bánh táo. Mẹ ta dạy ta không được tận hưởng tình dục. Nhưng chẳng có câu nào tiếp theo cả. Mẹ của mợ. Mẹ của mợ sống ở bên kia đường.
“Vì sao mợ chẳng bao giờ nhắc tới chuyện này?”
Mợ trông hơi bối rối. “Cháu biết mà.”
“Không. Bà kỳ cục lắm sao? Thỉnh thoảng ba mẹ cháu cũng làm cháu mất mặt lắm.”
“Không, bà ấy… bà ấy già rồi.”
“Người già dễ thương lắm. Cháu gặp bà được không?”
“Không, Tamara ạ. Ít nhất là chưa được,” mợ dịu giọng. “Sức khỏe của bà không tốt lắn, không đi lại được. Bà ấy không thoải mái với người lạ. Nó khiến bà ấy cảm thấy lo sợ.”
“Thì ra là vì vậy nên mợ mới phải chạy qua chạy lại hoài. Thật tội cho mợ, lúc nào cũng phải lo lắng cho người khác.”
Mợ có vẻ cảm động khi nghe tôi nói thế.
“Ta là tất cả những gì bà ấy có. Ta phải chăm sóc bà ấy thôi.”
“Mợ chắc là không cần cháu giúp chứ? Cháu sẽ không nói chuyện hay làm gì khác đâu.”
“Không, cảm ơn cháu, cảm ơn vì đã đề nghị giúp đỡ, Tamara ạ.”
“Vậy là bà chuyển tới ở gần đây để mợ tiện chăm sóc sao?”
“Không,” mợ múc gà và xốt cà vào trong một cái đĩa sâu lòng.
“Vậy mợ chuyển tới ở gần để chăm sóc bà sao?”
“Không luôn,” mợ bỏ hai túi gạo ăn liền vào một hộp nhựa khác. “Bà ấy vẫn sống ở đó mà.”
Tôi ngẫm nghĩ một thoáng trong lúc quan sát mợ.
“Khoan, vậy là mợ lớn lên ở ngôi nhà đó sao?”
“Ừ,” mợ đáp gọn, đặt mọi thứ lên khay. “Đó là ngôi nhà thuở bé ta sống.”
“Vậy là mợ không chuyển đi xa, phải không? Mợ và Arthur chuyển tới chỗ này sau khi cưới hả?”
“Ừ, Tamara, hỏi thế là đủ rồi. Cháu biết không, sự tò mò giết chết con mèo[5] đấy”, mợ thoáng mỉm cười trước khi rời phòng bếp.
[5] Thành ngữ trong tiếng Anh, ý nói sự tò mò có thể gây nguy hiểm cho bản thân.
“Sự buồn tẻ giết chết con mèo chết tiệt thì có,” tôi quát và cánh cửa đóng kín.
Tôi chạy vào phòng khách như mỗi sáng, nhìn mợ lật đật băng qua đường cứ như một con chuột hoang tưởng sắp bị chim ưng sà xuống cắp đi vậy.
Mợ làm rơi một chiếc khăn lau chén, tôi chờ mợ dừng lại nhặt nó lên. Nhưng mợ không làm vậy. Dường như mợ không để ý. Tôi nhanh chóng chạy ra ngoài, dọc theo lối đi ngoài vườn, lần chần trước cổng như một đứa bé ngoan trong lúc chờ mợ chạy ào ra.
Tôi mạnh dạn bước ra ngoài cổng. Rồi ngay sau đó, tôi bước về phía lối vào khu đất, mong cho mợ giờ đã nhận ra chiếc khăn lau chén bị rơi mất. Báo động đỏ! Có một chiếc bánh táo tỏa nhiệt ở đâu đó. Căn nhà trệt đá đó nhìn chán phèo phèo, hai cánh cửa sổ phủ lưới trắng như hai con mắt bị tăng nhãn áp được ngăn cách bởi cửa ra vào màu xanh nước mũi vậy. Cửa sổ có vẻ tối om dẫu không phải là thế, lắp kính nhuộm màu, chỉ cho ánh sáng bên ngoài lọt vào mà không hé lộ hình ảnh gì bên trong. Tôi nhặt chiếc khăn lau chén ca rô xanh rơi giữa đường, một con đường gần như luôn luôn – gần như luôn luôn, chết toi – vắng bóng xe chạy. Cổng vườn trước thấp đến mức tôi có thể bước qua được. Tôi nghĩ đó là cách hay nhất, chứ không thì tiếng cót két của cái cổng năm mươi năm gỉ sét sẽ làm tôi lộ mất. Tôi từ từ đi dọc lối đi, nhìn vào cửa sổ bên phải tòa nhà. Tôi dán mặt vào kính và cố nhìn qua lớp lưới kinh tởm. Sau tất cả những bí ẩn bị che giấu, tôi không biết nên hy vọng nhìn thấy cái gì nữa. Một bí mật khổng lồ, một giáo phái điên khùng, xác chết, hội hippy, đồ chơi tình dục quái đản cùng với một đống chìa khóa trong gạt tàn, tôi chẳng biết nữa, bất cứ thứ gì, bất cứ thứ gì ngoại trừ cái lò sưởi điện thay vì một đống lửa thật, bao quanh bởi gạch nâu xỉn và gờ lát gạch, thảm xanh lá và những chiếc ghế mỏi mệt với tay dựa bằng gỗ và đệm nhung xanh nhàu nhĩ. Một căn phòng buồn thảm, cứ như phòng đợi khám răng vậy, tôi cảm thấy có chút ân hận. Vậy là Rosaleen chẳng giấu giếm điều gì cả. À, không hẳn thế, mợ ấy muốn che giấu thảm họa nội thất khủng khiếp của thế kỷ.
Thay vì nhấn chuông cửa, tôi đi vòng sang bên hông nhà. Ngay khi tới góc cua, tôi có thể nhìn thấy họ có một khu vườn nhỏ và một ga ra rộng nằm ở cuối khu đất, y hệt như ga ra phía sau căn nhà gác cổng. Có gì đó ánh lên nơi cửa sổ nhà kho. Lúc đầu tôi nghĩ là ánh đèn camera, nhưng rồi tôi nhận ra cái thứ là-bất-kỳ-thứ-gì-đó làm lóa mắt tôi khiến tôi như bị mù trong thoáng chốc chỉ có thể giở trò đó khi có ánh mặt trời rọi vào. Khi tới gần cuối lối đi bên hông, tôi khao khát muốn nhìn xem có gì bên kia góc quanh, Rosaleen bước ra trước mặt tôi khiến tôi nhảy dựng lên, tiếng thét của tôi vang vọng trong lối đi hẹp. Rồi tôi phá lên cười.
Rosaleen lập tức suỵt suỵt tôi, vẻ bồn chồn lắm.
“Xin lỗi,” tôi mỉm cười. “Cháu hy vọng không làm bà ấy sợ. Mợ làm rơi cái này ngoài đường. Cháu chỉ định đến đưa nó cho mợ thôi. Ánh sáng khi nãy là gì vậy?”
“Ánh sáng nào cơ?” Mợ bước sang bên phải một chút, mắt tôi được bảo vệ nhưng tầm nhìn của tôi bị chặn lại.
“Cảm ơn,” tôi dụi mắt.
“Tốt nhất là cháu nên quay về nhà đi,” mợ thì thầm.
“Ồ, thôi nào, cháu không vào chào một tiếng thôi được sao? Mọi việc hơi quá úm ba la xì bùm đó. Mợ biết đấy, bí ẩn huyền hoặc.”
“Chẳng có bí ẩn nào cả, mẹ ta không thích gặp người lạ. Có lẽ chúng ta sẽ mời bà ấy sang ăn tối một hôm nào đó nếu bà đủ khỏe.”
“Tuyệt.” Một nhân vật trên năm mươi tuổi nữa cho danh sách người quen của tôi.
Tôi định thử thêm lần nữa khi thấy mợ đã hòa hoãn khá nhiều, nhưng tôi nghe thấy có tiếng xe ngoài đường, hy vọng đó là Marcus, tôi giơ tay chào Rosaleen, rồi quay người co giò chạy. Nếu không phải là anh ấy thì năm giây hy vọng cũng là điều thú vị xảy ra trong ngày. Nhưng hóa ra là anh ấy thật. Lúc tôi băng qua con đường thì anh ấy đã đứng ở hiên nhà, tay luồn vào tóc, ngắm nghía bóng mình trong cửa kính.
“Có một sợi tóc thò ra trên lỗ tai anh kìa,” tôi gọi với từ cửa.
Anh quay lại với nụ cười tươi rói. “Goodwin. Thật vui vì được gặp em.”
“Anh đến lấy sách à?”
Anh mỉm cười. “À ừ, đương nhiên rồi, lấy sách. Không thể dừng suy nghĩ về… quyển sách chết tiệt ấy.”
“Thực ra quyển sách ấy có vấn đề.”
“Em có gì không ổn sao?”
“Không, ý em là quyển sách, quyển sách thực sự ấy.”
“Em làm mất nó ư?”
“Không, em không làm mất…”
“Không tin nổi em. Em biết hình phạt cho tội làm mất sách thư viện là gì không?”
“Đi chơi suốt ngày với anh hả?”
“Không đâu, Goodwin. Có tội thì phải chịu phạt. Tôi tuyên bố tịch thu thẻ thư viện lưu động của em.”
“Khônggggg, làm gì cũng được trừ thẻ thư viện của em.”
“Đúng thế. Nào, trả nó cho tôi,” anh lại gần và bắt đầu đẩy đẩy vào người tôi. “Nó đâu rồi? Có ở đây không?” Tay anh ở khắp mọi nơi, trong túi quần jeans, lần xuống bụng.
“Em cương quyết không giao ra đâu,” tôi phá lên cười. “Thiệt đó Marcus, em không làm mất nó nhưng anh không thể lấy lại nó được.”
“Anh nghĩ em không hiểu quy định của Thư viện lưu động rồi. Em biết đấy, mượn sách, đọc nó hay nhảy nhót quanh nó thì tùy nếu nó làm em vui, nhưng rồi em phải trả nó cho anh chàng thủ thư đẹp trai.”
“Không, anh biết đấy, chuyện xảy ra là thế này, có người đập vỡ khóa và phát hiện nó không phải là sách, mà là một quyển nhật ký. Tất cả các trang giấy đèu hoàn toàn trắng tinh.”
Hoàn toàn trắng tinh. Chết toi.
“Và rồi có ai đó viết vào đó.”
“À… ai đó, phải là em không?”
“Thực ra là không, em không biết ai viết vào đó nữa.” Tôi mỉm cười nhưng tất nhiên tôi đang nghiêm túc. “Chỉ có vài trang đầu thôi. Em có thể xé chúng ra rồi trả quyển sách lại cho anh, nhưng…”
“Em có thể nói là em làm mất nó, nghe còn dễ tin hơn đấy.”
“Đợi ở đây nhé, một phút thôi.”
Tôi chạy vào nhà, leo lên cầu thang, nhấc tấm ván sàn và lấy quyển nhật ký ra. Tôi đem nó ra ngoài, ôm chặt trước ngực.
“Anh không được đọc nó, nhưng đây là bằng chứng em không làm mất nó. Em sẽ trả tiền hay bất cứ điều gì… nhưng em không thể trả nó lại cho anh được.”
Anh ấy nhận ra là tôi hoàn toàn nghiêm túc.
“Không, ổn mà. Một quyển sách thôi cũng chẳng ảnh hưởng gì. Anh đọc được không? Có gì liên quan đến anh không?”
Tôi phá lên cười và giữ nó ngoài tầm với của anh. Nhưng anh nhanh hơn tôi, cao hơn nhiều, anh chộp lấy nó. Tôi hốt hoảng. Anh mở trang đầu tiên ra, và tôi chờ sự thật đáng xấu hổ rằng ba tự sát bị lộ ra.
“Lẽ ra mình không nên kể cho Weseley về ba,” anh đọc. “Ai là Weseley vậy?” Anh nhìn tôi.
“Em chẳng biết nữa,” tôi cố giật khỏi tay anh, giờ thì nụ cười không còn nữa. “Trả lại đây, Marcus.”
Anh đưa nó cho tôi. “Xin lỗi, lẽ ra anh không nên đọc, nhưng viết ngày sai rồi. Mùng 4 là ngày mai mà.”
Tôi chỉ lắc đầu. Chí ít thì không phải chỉ mình tôi tưởng tượng ra. Quyển nhật ký này là hoàn toàn có thật.
“Anh xin lỗi vì đã đọc nó.”
“Không, thực sự là không có gì mà, em có viết nó đâu.”
“Chắc là một tay Kilsaney nào đó.”
Tôi rùng mình và đóng quyển sách lại. Tôi thiết tha muốn đọc kỹ lần nữa.
“À, nhân tiện nói luôn, em tìm được xơ Ignatius rồi đó!”
“Còn sống, anh hy vọng là thế.”
“Xơ sống ở đầu bên kia khu đất. Em sẽ chỉ đường cho anh…”
“Không, Goodwin ạ, anh không tin em đâu. Ngôi nhà gần nhất mà em chỉ anh tới là một tòa lâu đài đổ nát.”
“Em sẽ đích thân dẫn anh đi mà. Đi nào, chàng thủ thư, đi ra xe sách thôi nào!” Tôi chạy dọc lối đi rồi nhảy lên chiếc xe buýt.
Anh phá lên cười rồi đi theo tôi.
Chúng tôi đậu xe trước căn nhà và tôi bấm còi tin tin.
“Tamara, em đừng làm vậy. Đây là tu viện mà.”
“Thiệt tình, đây không phải là tu viện bình thường đâu.” Tôi lại bấm còi tiếp.
Một phụ nữ mặt chân váy đen, áo khoác đen, sơ mi trắng, cổ đeo thánh giá vàng, tóm lại là bộ đồ đạo trắng đen, ra mở cửa vẻ khá bực bội. Bà ấy nhìn già hơn xơ Ignatius. Tôi nhảy ra khỏi xe.
“Ồn ào gì vậy?”
“Chúng con tìm xơ Ignatius. Xơ ấy muốn mượn sách.”
“Đang giờ nguyện, không thể làm phiền xơ ấy.”
“Ồ. À, đợi một chút.” Tôi lục lọi thùng xe buýt một hồi. “Xơ có thể đưa cho xơ ấy quyển sách này, nói là Tamara gởi, được không? Đây là dịch vụ giao hàng đặc biệt, xơ ấy đặt quyển sách này tuần trước.”
“Ừ, đương nhiên rồi.” Bà xơ cầm quyển sách rồi đóng ngay cửa lại.
“Tamara,” anh nói giọng nghiêm khắc. “Em đưa sách gì cho xơ vậy?”
“Ngủ với chàng tỷ phú Thổ Nhĩ Kỳ. Một trong những tuyệt tác của Nhà xuất bản Mills và Boons.”
“Tamara! Em sẽ làm anh bị sa thải mất.”
“Làm như anh quan tâm lắm vậy? Chàng thủ thư, lái xe đi thôi! Đưa em rời khỏi chốn này.”
Chúng tôi lái xe tới thị trấn và dừng lại ở đó như mọi người thấy. Nhưng thực ra chúng tôi đã đi tới Morocco. Anh ấy thậm chí còn hôn tôi dưới bóng kim tự tháp Giza.
“Vậy mấy ngày nay cháu đã làm gì?” Rosaleen vui vẻ hỏi, múc ba nghìn calo vào đĩa của tôi. Quyển nhật ký đã nói đúng, món bánh khoai tây thịt băm.
Mợ tóm lấy tôi ngay khi tôi về tới nhà, tôi chỉ đủ thời gian để giấu quyển nhật ký lên lầu và chạy xuống. Mợ sẽ không thể phàn nàn chuyện tôi giao du với một nữ tu, phải không?
“Phần lớn thời gian cháu đến thăm xơ Ignatius.”
Mợ làm rơi cái muỗng vào bát, rồi vụng về khều ra bằng những ngón tay run rẩy.
“Xơ Ignatius!” mợ hỏi lại.
“Đúng vậy.”
“Nhưng cháu gặp xơ ấy khi nào?”
“Vài ngày trước. À, hôm nay mẹ mợ thế nào? Bà sẽ sang đây ăn tối vào một dịp nào đó chứ?”
“Mấy ngày trước, cháu có nói gì về chuyện gặp xơ Ignatius đâu.”
Tôi chỉ nhìn mợ. Phản ứng của mợ y hệt như điều tôi viết trong nhật ký. Tôi nên nói xin lỗi? Tôi nên tìm cách ngăn chặn chuyện này xảy ra? Tôi không biết phải làm gì, phải xử lý những thông tin được cung cấp như thế nào. Để làm quái gì cơ chứ?
Thay vào đó, tôi nói, “Cháu cũng chưa hề kể là cháu có kinh hôm thứ Ba, nhưng quả thật là cháu có kinh vào hôm đó.”
Arthur thở dài. Mặt Rosaleen đanh lại.
“Cháu nói là cháu gặp xơ Ignatius vài ngày trước? Cháu chắc chứ?”
“Đương nhiên là chắc rồi.”
“Có lẽ cháu chỉ mới gặp xơ ấy hôm nay thôi.”
“Không.”
“Và xơ ấy có biết cháu sống ở đâu không?”
“Vâng, đương nhiên rồi. Xơ biết cháu sống ở đây.”
“À ra thế,” mợ nói nhanh. “Nhưng… nhưng xơ vừa ghé qua sáng nay. Xơ chẳng nhắc gì đến cháu cả.”
“Thật ư? Xơ có nhắc gì về cháu không?”
Đôi khi giọng nói của ta có thể làm thay đổi mọi thứ, tôi biết rõ điều đó. Đôi khi trong các mẩu tin nhắn, người ta không nhận ra được giọng điệu của nhau, hay nhận ra thứ giọng điệu không tồn tại, rồi từ đó hiểu sai hoàn toàn các thông điệp vô tội. Tôi tranh cãi với Zoey không biết bao lâu về cách nó hiểu ý của tôi qua tin nhắn gồm năm từ. Nhưng câu nói này của tôi đi kèm giọng điệu riêng, một cách cố ý. Rosaleen đã nhận ra điều đó. Và vì thông mình, mợ biết ngay tôi đã nghe được cuộc nói chuyện của họ. Mợ biết rằng trong khi nói chuyện với xơ Ignatius, mợ vẫn nghe tiếng vòi sen, và mợ biết tôi đã nghe lén cuộc nói chuyện.
“Cháu quen với xơ thì có vấn đề gì không? Mợ nghĩ xơ ấy sẽ gây ảnh hưởng xấu đến cháu sao? Cháu sẽ gia nhập một giáo phái kỳ lạ nào đó và ngày ngày mặc đồ đen ư? Ồ không khoan đã, có lẽ cháu sẽ làm vậy đấy! Xơ là nữ tu mà!” Tôi phá lên cười và quay sang Arthur, cậu đang gườm gườm nhìn Rosaleen.
“Hai người nói chuyện gì vậy?”
Tôi phát hiện ra sự hốt hoảng của mợ.
“Nói chuyện gì thì có quan trọng gì chứ?”
“Ý mợ là cháu là một cô gái trẻ. Cháu sẽ nói chuyện gì với một nữ tu đây?” Mợ mỉm cười để che giấu cơn bấn loạn.
Khi ấy tôi định kể về tòa lâu đài, về vụ cháy và chuyện có người từng sinh sống trong đó cách đây không lâu như tôi nghĩ. Tôi đang định hỏi Rosaleen rằng ai đã chết và mọi người đi đâu thì nhớ đến điều ghi trong nhật ký: Mình ước mình đã không kể cho mợ nghe những gì mình biết được về tòa lâu đài. Có phải đây là điều tôi không nên đề cập tới? Rosaleen nhìn tôi chằm chằm trong suốt quãng thời gian dài tôi vắt óc tìm ra câu trả lời. Tôi ăn một muỗng đầy thịt băm để có thêm thời gian suy nghĩ.
“Mợ biết đấy… bọn cháu nói về đủ thứ chuyện…”
“Chuyện gì cơ?”
“Rosaleen,” Arthur lặng lẽ nói.
Đầu Rosaleen quay phắt lại nhìn sang Arthur cứ như một con nai nghe tiếng bóp cò từ xa.
“Bữa tối của em nguội bây giờ.” Arthur nhìn vào đĩa đồ ăn còn nguyên của Rosaleen.
“Ồ. Đúng rồi.” Mợ cầm nĩa lên, đâm vào miếng cà rốt nhưng không đưa lên miệng. “Nói tiếp đi, bé con. Cháu đang kể.”
“Rosaleen,” tôi thở dài.
“Để con bé ăn đi,” Arthur nhắc lại.
Tôi nhìn sang Arthur để cảm ơn nhưng cậu không ngẩng lên, chỉ luôn tay xúc thức ăn vào miệng. Một khoảng lặng đầy ngượng nghịu trong lúc chúng tôi ăn, tiếng nhai, nuốt và tiếng dao cọ vào đĩa choáng khắp phòng.
“Cháu xin phép đi vệ sinh một chút,” cuối cùng tôi lên tiếng, không chịu đựng nổi sự im lặng nữa.
Chỉ có điều tôi đứng lắng nghe ngoài cửa.
“Tất cả những chuyện này là sao?” Arthur gầm lên.
“Suỵt, hạ giọng nào.”
“Tôi không hạ giọng,” cậu rít lên đáp lại, nhưng đúng là cậu có hạ giọng.
“Sáng nay xơ Ignatius có ghé qua nhưng chẳng nói gì đến Tamara cả,” Rosaleen thì thào.
“Thì sao?”
“Xơ cư xử như thể chẳng biết gì về con bé cả. Nếu Tamara đã gặp xơ thì xơ đã phải kể gì rồi chứ. Xơ Ignatius không phải là loại người ưa giấu giấu giếm giếm. Vì sao xơ phải làm thế chứ?”
“Vậy ý em là sao? Rằng Tamara nói dối ư?”
Tôi há hốc miệng, định xông vào phòng, nhưng câu tiếp theo thốt ra từ môi Rosaleen, đầy cay đắng làm tôi dừng lại.
“Đương nhiên là nó nói dối rồi. Y chang như mẹ nó.”
Một khoảng lặng dài. Arthur không nói gì.
Đêm đó, thay vì khóc lóc, tôi tập trung vào quyển nhật ký, đọc lại những dòng viết về ngày mai vốn xuất hiện trong nhật ký vào sáng sớm. Nhưng lần này, tôi đã cố giữ được tỉnh táo, và vào đúng 12 giờ, những dòng chữ của ngày hôm trước biến mất như thể ánh mặt trời đã làm mục ta, thay vào đó, những dòng chữ nắn nót, những dòng chữ nắn nót của tôi, bắt đầu hiện ra từng nét một, hết chữ này đến chữ khác, nhanh đến mức tôi gần như không theo kịp.