Nhật Ký Của Ngày Mai

CHƯƠNG 17 – MA ÁM



Tôi thôi không vặn hỏi xơ Ignatius nữa, khuôn mặt bà đã trở nên xám ngoét, không còn chút sắc hồng nào.
“Xơ ngồi xuống đi nào, ngồi xuống cái ghế này đi xơ. Xơ không sao đâu, chỉ là hôm nay trời nóng quá thôi.” Tôi cố giữ bình tĩnh trong lúc giúp bà ngồi xuống cái ghế đẩu bằng gỗ. Tôi dịch cái ghế vào sát thân cây hơn để bà được che mát. “Hãy ngồi nghỉ tạm ở đây một phút, rồi chúng ta sẽ quay trở vào trong nhà.”
Bà không trả lời, chỉ để mặc tôi dìu bà đi, một tau tôi ôm lấy quanh hông xơ, tay kia nắm lấy tay bà. Sau khi bà đã ngồi xuống, tôi vén mấy lọn tóc lòa xòa khỏi mặt bà. Xơ không có vẻ đang sốt.
Tôi nghe ai đó đang gọi tên mình từ đằng xa, và nhìn thấy Weseley chạy lại. Tôi cuống cuồng vẫy tay để báo cho anh ta biết tôi có thể nhìn thấy anh ta. Khi chạy tới chỗ tôi, anh chàng hết cả hơi và phải cúi gập người xuống, hai tay chống lên đầu gối để thở lấy hơi.
“Con chào xơ,” cuối cùng anh ta lên tiếng, dành cho người nữ tu một cái vẫy chào thật ngớ ngẩn, cho dù anh chàng đang ở ngay bên cạnh bà. “Tamara,” anh ta quay sang tôi, cảnh giác, “tôi nghe được hết rồi.”
“Nghe gì cơ?” tôi sốt ruột hỏi, trong lúc anh ta thở hổn hển.
“Rosaleen.” Phì phò. “Ở trong bếp.” Phì phò. “Với ba tôi.” Phì phò. “Cô nói đúng. Về tất cả. Về đường và muối và,” phì phò, “chuyện bà ấy về nhà sớm. Làm thế nào cô biết được?”
“Tôi đã nói với anh rồi,” tôi liếc nhanh mắt sang xơ Ignatius, nhưng bà đang nhìn chằm chằm vào khoảng không xa xăm như thể sắp xỉu bất cứ lúc nào. “Chúng được viết trong nhật ký.”
Anh ta lắc đầu với vẻ không tin, vậy là tôi nổi cáu. “Nghe này, tôi chẳng quan tâm nếu anh ta không tin tôi, hãy chỉ nói cho tôi biết những gì…”
“Tôi tin cô, Tamara, chỉ là tôi không tin chuyện đó. Cô hiểu chứ?”
“Phải, tôi hiểu. Tôi cũng thế.”
“Okay, tôi chuồn khỏi chỗ Arthur lúc mười giờ sáng nay. Tôi và ông ấy chia nhau ra để tôi đến thăm chút cho mấy cây óc chó và trồng ở phía Nam khu đất, chúng tôi đang gặp rắc rối với mấy cây óc chó bị bệnh tàn rụi,” anh ta nhìn sang xơ Ignatius. “Vậy là chúng tôi cố giữ cho nồng độ pH của đất trên 6,0 rồi cắt hết những cành nhiễm bệnh…”
“Weseley, im đi,” tôi cắt ngang.
“Phải rồi, xin lỗi. Tôi không thể ngững nghĩ tới những gì cô nói, vậy là tôi tới chỗ ngôi nhà bên cổng và nấp bên ngoài cửa sổ phòng bếp mở ra vườn sau. Tôi nghe thấy hết. Rosaleen,” anh ta nói thẳng vào chuyện trước khi tôi có cơ hội giục anh ta tiếp tục. “Đầu tiên bà ấy bắt đầu nói về mẹ mình, nói rằng sức khỏe của bà lão đã suy giảm. Bà lão mắc chứng đa xơ cứng. Bà ấy hỏi ông vài câu hỏi về mẹ mình, xin ông vài lời khuyên, đại loại thế. Tôi nghĩ bà ấy chỉ đang tìm cách kìm chân ba tôi.”
Tôi liên tục gật đầu, những lời kể này hoàn toàn khớp với câu chuyện của xơ Ignatius, và ít nhất tôi biết Rosaleen đã không nói dối tôi về mẹ của mợ.
“Ba tôi thực sự làm tôi phát bực, tôi chỉ muốn gào lên với ông ấy, bảo ông ấy lên lầu. nhưng đúng lúc ba tôi nói ông sẽ lên khám cho mẹ cô, Rosaleen bắt đầu nói về bà ấy. Ba tôi rất muốn lên lầu gặp mẹ cô, nhưng Rosaleen rất kiên quyết. Bà ấy nói…”
Anh ta ngừng lại.
“Thôi nào, Weseley, nói cho tôi biết đi.”
“Hãy hứa cô sẽ bình tĩnh khi tôi nói cho cô biết, cho tới khi chúng ta tìm ra được gì đó.”
“Okay, okay,” tôi thúc giục anh ta.
“Okay,” và lúc này anh ta nói chậm hơn, vừa nói vừa quan sát tôi. “Bà ấy nói chuyện này đã từng xảy ra trước đây. Rằng mẹ cô có xu hướng trầm cảm va thường xuyên rơi vào trạng thái như bây giờ, những lúc như thế mẹ cô thu mình lại và tách khỏi mọi người…”
“Thật vớ vẩn!”
“Tamara, nghe đã. Bà ấy nói ba mẹ cô đã giấu cô chuyện đó suốt đời, vì thế dứt khoát không nên để cô biết điều đó. Bà ấy nói mẹ cô đang dùng thuốc chống trầm cảm, và điều tốt nhất có thể làm là để mẹ cô một mình trong phòng cho đến khi cơn trầm cảm trôi qua. Bà ấy nói đó là những gì người ta luôn làm.”
“Vớ vẩn!” tôi lại cắt ngang. “Đó là nói dối! Một lời nói dối thối tha! Truớc đây mẹ tôi chưa bao giờ thế này, mẹ tôi, mẹ tôi – hừm, mợ ấy là đồ dối trá thối tha! Làm sao mợ ấy dám nói ba không bao giờ nói với tôi. Tôi phải biết chứ. Tôi ở cùng nhà với ba mẹ tôi mỗi ngày, mẹ tôi chưa bao giờ như thế. Chưa bao giờ!”
Tôi đi đi lại lại, tôi gào thét, máu trong người tôi đang sôi lên. Tôi cảm thấy phẫn nộ đến mức muốn túm lấy bầu trời mà xé toạc ra. Tôi cảm thấy hoàn toàn mất kiểm soát, như thể chẳng còn gì tôi có thể làm để giúp mọi thứ ổn thỏa trở lại. Tôi tự hỏi mình. Liệu có phải làm sao đó tôi đã sơ ý không nhận ra cách cư xử của mẹ? Liệu có phải mẹ đã từng thế này trước đây mà tôi không nhớ? Chẳng lẽ tôi là một đứa con gái tệ hại đến mức dễ dàng bị gạt ra như thế? Tôi nghĩ về những cuối tuần vắng nhà – liệu có phải ba mẹ đã đi tới nơi nào khác? Tôi chợt nghĩ về những nụ cười nhợt nhạt mẹ dành cho ba, về sự thật là bà chẳng bao giờ nhiệt tình đến thái quá như các bà mẹ khác, chẳng bao giờ thổ lộ ra điều gì. Không, những chuyện đó chẳng có ý nghĩa gì cả. Chỉ đơn giản là mẹ tôi không phải là người giàu cảm xúc, bà chẳng bao giờ kêu khóc, bà không đa cảm, song điều đó không có nghĩa bà bị trầm cảm. Không, không, không, làm sao Rosaleen lại dám nói rằng ba tôi đã nói dối khi ông không thể làm điều gì để bảo vệ bản thân nữa. Tất cả đều sai bét. Tất cả đều sai bét hết.
Weseley cố giữ lấy tôi và giúp tôi bình tĩnh lại, song tôi vẫn gào thét, hay ít nhất đó là những gì tôi nhớ được. Rồi sau đó, tôi nhớ xơ Ignatius cuối cùng cũng tỉnh, đứng lên và bước về phía tôi với đôi tay rộng mở và khuôn mặt dịu dàng, buồn bã đó, nhưng già hơn, già hơn rất nhiều so với chỉ vài phút trước, khuôn mặt giờ đây buồn bã và đầy thương cảm đến mức tôi hầu như không dám nhìn bà.
“Tamara, giờ con cần phải nghe ta nói…” bà đang nói nhưng tôi không muốn nghe. Tôi vùng vẫy và oằn người thoát khỏi họ. Rồi sau đó tôi nhớ mình đã chạy, chạy thật nhanh trong tiếng họ hét gọi tên tôi văng vẳng ở phía sau. Tôi vấp ngã vài lần, cảm thấy Weseley đang ở đằng sau tôi, níu lấy tôi. Tôi gào thét và tiếp tục chạy, mỗi lúc một nhanh hơn, nghĩ rằng anh ta đang bám sát gót mình. Tôi không biết khi nào anh ta ngừng chạy, khi nào anh ta quyết định để tôi đi, nhưng tôi vẫn tiếp tục chạy bất chấp cơn đau nhói trong lồng ngực và cảm giác khó thở. Những giọt nước mắt nóng hổi trào ra từ khóe mắt tôi và trôi ngược ra sau hai bên tai, tốc độ của tôi không cho chúng cơ hội rơi xuống. Tôi chạy ra khỏi vạt rừng, lao thẳng ra giữa đường, rồi tiếng gầm của một động cơ, tiếng lốp xe ken két trên mặt đường và một hồi còi dài vang lên bên tai tôi và tôi đứng đờ ra như hóa đá. Tôi hoàn toàn bất động, chờ đợi bị tông phải, chờ đợi cản trước của chiếc xe thúc mạnh vào mạng sườn, chờ đợi mình bay lên đập thẳng vào kiếng chắn gió, song chuyện đó không xảy ra. Thay vì thế, tôi cảm thấy hơi nóng phả ra từ lưới tản nhiệt cạnh chân mình, thật gần, quá gần, và phần tối tăm trong bóng đen của tôi cảm thấy như thế vẫn chưa đủ gần. Rồi cửa xe bật mở, và tiếng quát tháo vang lên. Một người đàn ông. Hai tay tôi bịt chặt lấy tai, tôi khóc ròng, không còn hơi sức đâu để thở, và tôi có thể nghe thấy tên mình bị réo lên liên hồi. Giận dữ, gây gổ, chỉ trích. Như thể đây là lỗi của tôi.
Cuối cùng, những lời nói dịu lại, rồi những cánh tay ôm choàng lấy tôi, lắc nhẹ người tôi, tiếng ầm ĩ tắt lịm, và tôi nhận ra mình đang ở trong vòng tay Marcus, chiếc xe thư viện lưu động đang ở cạnh chúng tôi, còn tôi đang úp mặt vào chiếc áo sơ mi của anh khóc nấc lên từng chập.
Cuối cùng tôi ngước lên nhìn anh. Nét mặt anh có vẻ quan tâm, e ngại.
“Vậy giờ chúng ta sẽ đi đâu? Paris? Hay Australia?” anh dịu dàng mỉm cười hỏi.
“Không,” tôi nức nở. “Em muốn về nhà. Em chỉ muốn về nhà thôi.”
Tôi ngồi im lặng trên xe trong suốt quãng đường tới Killiney. Marcus cố tìm cách hỏi chuyện, nhưng sau một hồi đành bỏ cuộc. Cuối cùng tôi cũng nín khóc, cơ thể tôi không còn run bần bật nữa mà chỉ còn khẽ run rẩy, tôi cảm thấy thật yếu ớt sau cơn chấn động, cảm thấy mệt mỏi vì tất cả. Cuối cùng tôi đưa cái khăn giấy dính đầy nước mũi lên lau lần cuối và hít một hơi thật sâu rồi thở ra.
“Có vẻ ổn hơn rồi đấy,” Marcus nói, đưa mắt nhìn tôi trong khi chúng tôi dừng trước đèn đỏ. “Nào, giờ em sẽ kể cho anh nghe chứ?”
Tôi hắng giọng và mỉm cười với anh. “Xin chào Marcus. Em muốn xỉn cho quên trời đất.”
“Em biết không, đấy chính xác là điều anh đang nghĩ đấy,” anh mỉm cười tinh quái và lái xe tới đậu bên cửa hàng bán rượu ngay khi đèn chuyển xanh. “Em có sở thích giống anh đấy,” anh nói trước khi đóng cửa xe và chạy vào trong cửa hàng.
Đáng ra lúc đó tôi nên kể với anh. Một lần nữa. Tuổi của tôi. Tôi đã có thể gạt bớt đi được bao nhiêu chuyện đau tim. Vẫn còn một tuần nữa mới đến sinh nhật lần thứ mười bảy của tôi, và có lẽ với anh như thế vẫn còn quá trẻ, tôi chẳng chắc nổi mình đang nghĩ gì, hay liệu tôi có thể thực sự suy nghĩ được hay không. Tôi cảm thấy đờ đẫn, và muốn mình đờ đẫn hơn nữa. Tôi không muốn cảm nhận, tôi không muốn phải nghĩ ngợi. Cuộc sống của tôi đã tuột ra khỏi tầm kiểm soát tới mức tôi muốn mất nốt cả sự kiểm soát chính bản thân mình. Ít nhất cũng là trong một lúc.
Chúng tôi chỉ còn cách Killiney một giờ đi đường. Một giờ chẳng là gì cả, nhưng với tôi đó là cả một thế giới ngoài tầm tay với. Tôi đã bị lôi tuột ra khỏi ngôi nhà của tôi, nơi thuộc về, tôi cảm thấy như thể cùng với nó, cả danh tính của tôi cũng đã bị tước đoạt. Tôi không nghĩ một số người biết chuyện bị đẩy ra khỏi nhà có nghĩa là gì. Chắc rồi, bạn có thể thấy nhớ nhà, hay bạn có thể chuyển đi và thấy nhớ nhung một nơi nào đó. Nhưng chúng tôi đã bị ép phải rời đi. Một ngân hàng nào đó, một nơi chẳng liên quan gì tới sự ấm áp, tới ký ức hay gia đình, đã truy đuổi ba tôi, giày vò ông tới mức khiến ông tự kết liễu đời mình, rồi sau khi đã làm thế, bọn họ lấy đi ngôi nhà chứa đựng mọi ký ức của chúng tôi, tước mất của chúng tôi cảm nhận về nơi chốn, về cội rễ của gia đình. Và trong khi chúng tôi bị tống ra đường, bị buộc phải sống với những người họ hàng mà mình hầu như chẳng hề quen biết, ngôi nhà ấy chỉ im lìm ngồi đó, to lớn và trống rỗng, với một tấm biển Bán Nhà đóng đinh lên tường rào như hai ngón tay được giơ lên với chúng tôi, trong khi chúng tôi buộc phải ngồi bên ngoài quan sát nó như những kẻ xa lạ, không thể quay trở về.
“Em vẫn còn chìa khóa ngôi nhà này chứ?” Marcus hỏi trong khi chúng tôi phóng xe theo những con đường lộng gió chạy qua khu vực.
Tôi gật đầu. Thêm một lời nói dối nữa.
“Này, chậm lại đi, Tamara,” anh nhìn tôi dốc ngược lon bia thứ ba lên. “Chừa lại cho anh một ít,” anh bật cười.
Tôi uống cạn và ợ lên thật to.
“Sexy đấy,” anh phá lên cười, luôn giữ một mắt để ý con đường.
Nếu bạn hỏi tôi lúc này, tôi sẽ thành thực nói rằng đó là khoảnh khắc đầu tiên tôi quyết định một cách có ý thức về điều mình muốn làm. Tất nhiên tôi có thể trách anh vì đã nhét ý tưởng đó vào đầu tôi, nhưng thực sự nó là của tôi. Có lẽ tôi đã biết từ khoảnh khắc tôi lao ra đường và anh choàng hai cánh tay ôm lấy tôi, rằng cuối cùng chúng tôi sẽ trở về ngôi nhà này và tôi sẽ cùng anh lăn lộn dưới sàn trong phòng ngủ của tôi. Có thể tôi đã quyết định như thế từ ngày đầu tiên tôi gặp anh. Có thể tôi đã lên kế hoạch cho mọi thứ. Có thể tôi đã làm chủ ở mức độ tốt hơn tôi nghĩ. Hoặc có thể lon bia thứ ba đã gây thảm họa cho tôi trong trạng thái cảm xúc khi đó. Tôi chỉ chỗ các địa điểm cho Marcus trong khi chúng tôi lái xe, kể cho anh nghe những câu chuyện, nói cho anh biết tên những người sống tại đó. Tôi không chờ anh đáp lại, vì việc anh có trả lời hay không cũng chẳng thực sự quan trọng. Tôi nói ra những chuyện đó là vì tôi. Giọng tôi nghe như vọng tới từ nơi nào đó khác. Tôi không còn cảm thấy là chính mình nữa. Tôi cũng chẳng thực sự bận tâm xem mình là ai nữa. Tôi đã từ bỏ việc vờ là nhân vật tôi cố gắng vào vai, như Zoey và Laura. Như tất cả những người khác quanh chúng ta, cứ như thể làm thế chúng ta sẽ xoay xở với cuộc sống của mình tốt hơn vậy. Nhưng cách đó không thành công. Nó đã không thành công với Laura, cũng chẳng khá hơn với Zoey, và chắc chắn chẳng hề hiệu quả với tôi.
Chúng tôi dừng xe bên ngoài ngôi nhà. Tôi bảo Marcus đậu xe vào một con phố nhỏ gần đó, để từ ngoài đường lớn không thể nhìn thấy nó. Lôi dân cư xung quanh tới ngắm nghía những quyển sách là điều cuối cùng chúng tôi muốn. Ngôi nhà khuất khỏi tầm nhìn từ ngoài đường. Cánh cổng lớn màu đen, có lắp máy quay, gắn vào bức tường bao cao tới ba mươi mét đủ làm nản lòng bất cứ tay trộm nào. Ba đã dành rất nhiều thời gian và công sức cho cái cổng đó. Lên kế hoạch hết lần này tới lần khác, hỏi tôi và mẹ xem hai mẹ con tôi nghĩ gì, và rất đỗi tự hào dẫn tôi ra lối vào để hỏi ý kiến tôi, còn tôi chẳng bao giờ trả lời. Nói với ông là tôi cóc quan tâm. Tôi lúc nào cũng làm ba bị tổn thương.
Tôi nghĩ mình đã kể cho Marcus nghe chuyện này trong lúc chúng tôi bước bên nhau, nhưng tôi không rõ nữa.
“Em không có điều khiển mở cổng trong bộ chìa khóa,” tôi nghe mình nói. “Em sẽ phải trèo qua rồi mở cửa từ bên trong.”
Tôi có một hệ thống. Tôi đã làm chuyện này nhiều lần rồi. Mẹ và ba luôn tịch thu chìa khóa của tôi vào phần lớn các buổi tối sau giờ học để tôi không thể trốn đi được, song bất chấp chiều cao của nó, tôi đã an toàn trèo qua cổng nhiều lần. Tôi có thể nghe thấy Marcus cảnh báo tôi, bảo tôi nên đi đường nào, song tôi không nghe theo anh. Một cách tự động, tôi cứ thế leo lên cổng rồi hạ xuống đất an toàn ở phía bên kia. Tôi nghe thấy anh hoan hô trong lúc tôi bước dọc theo lối xe chạy dài dẫn tới ngôi nhà của chúng tôi. Anh có lẽ đã nghĩ mình tới đây cùng tôi, song tôi không hề ở gần anh.
Ngôi nhà của chúng tôi; kiếng, gạch, gỗ, lộng lẫy, sáng lòa, hiện đại, thoáng đãng. Nó giống như nhà mẫu trong một quyển catalogue. Gạch để ngụy trang những phần của ngôi nhà nằm trong vách đá mà nó được xây ăn vào trong, gỗ để hài hòa với những khoảng rừng cây bao quanh ngôi nhà, kiếng để đem đến cho chúng tôi tầm nhìn về phía mặt biển trải ra xa vô tận. Ba đã cố tạo nên nơi ở hoàn hảo nhất mà không ai trong chúng tôi có lúc nào đó lại muốn rời đi. Ông đã làm rất ổn. Tôi biết cửa trước bị khóa, vậy là như được lập trình, tôi đi vòng ra sau nhà.
Trái banh tennis ở vườn sau vẫn luôn còn đó, nằm ướt nhẹp và sũng sĩnh nước sau khi bay từ sân tennis gần đó của chúng tôi ra vườn nhưng tôi quá làm biếng nên chẳng đi nhặt về. Hôm ấy tôi đang chơi cùng ba. Mùa xuân đã tới, hồi ấy chúng tôi mới bắt đầu chơi lại ở sân ngoài trời, nhưng tôi chơi thật kinh khủng. Sau cả một mùa đông chẳng động gì đến vợt, tôi thành ra lúng túng, tôi đánh hụt banh hoài, liên tục đánh banh bay qua rào và gần mệt phờ vì những lần phải chạy ra vườn tìm banh. Ba đã rất kiên nhẫn, ông không la rầy, không nói gì hết. Thậm chí ba còn đi tìm banh dù lỗi không phải do ông. Thậm chí ông còn cố ý đánh lỗi mấy lần, và chuyện đó còn làm tôi nổi quạu hơn nữa. Tôi vẫn nhớ ba mặc cái quần soọc ngắn đánh tennis màu trắng, áo phông trắng có cổ, đôi vớ thể thao kéo lên quá cao làm tôi thấy mất mặt cho dù tôi là người duy nhất có thể nhìn thấy. Ba thân yêu của tôi…
Ở đằng sau vẫn còn những bức tượng trong vườn – một đôi vợ chồng già béo mũm tay cầm dụng cụ làm vườn, người đàn ông để hở khe mông – điều mà ông nội tôi, ba của ba tôi, vẫn hay nói tới trước khi ông mất. Ông gọi người phụ nữ là Mildred và người đàn ông là Tristan, chẳng vì lý do nào cụ thể nhưng những cái tên ấy đã khiến tôi bật cười từ khi còn nhỏ xíu, và Mildred cũng như Tristan đã trở thành một phần của gia đình. Dẫu vậy đó chỉ là khi ông nội gọi bọn họ như thế. Ba đã thử, nhưng không thành công. Mẹ rõ ràng đã không thu xếp cho chuyển hai bức tượng đi, vậy là Mildred và Tristan trở thành những cư dân duy nhất còn lại của ngôi nhà từng có lúc đầy ắp người. Gần chỗ dây phơi có một cái kẹp nhựa màu đỏ nằm lẫn trong cỏ, bị đánh rơi từ lần mẻ đồ giặt cuối cùng được mang ra phơi khô.
Tôi leo lên nóc che bể bơi, cái thang gỗ ọp ẹp dãi dầu mưa nắng vẫn còn nằm trên mái. Tôi cất nó trên này cho những cuộc đào thoát giữa đêm khuya của mình. Trong lần tân trang mới nhất cho ngôi nhà, bể bơi được phủ một tấm vải dầu màu xanh da trời, sáu cái giường xếp kê cạnh bể bơi của chúng tôi vẫn nằm chéo góc với cửa sổ cùng những tấm đệm hồng, chờ đợi tôi và cữ bơi buổi sáng của tôi. Một cái phao bơi đã xẹp lép nằm cạnh một trong những cái giường xếp để nằm phơi nắng. Tôi đã mang nó về từ Marbella. Cái phao có màu hồng bạc. Manuela, một cậu con trai tôi từng hôn năm ngoái đã đưa nó cho tôi, và tôi nhất quyết muốn mang nó về nhà. Và giờ nó nằm đây, chẳng còn ai dùng đến. Một cái hôn bị gạt bỏ.
Sau khi lên được trên nóc, tôi dùng thang leo xuống ban công phòng mình. Chẳng bao giờ có ai khóa cửa ban công phòng tôi, nó ở mãi trên cao, vượt xa ngoài tầm với của bất cứ tên trộm nào. Đầu tôi quay cuồng khi cuối cùng tôi cũng leo vào được ban công. Thời tiết lúc này đã dịu hơn vì chúng tôi đã ra gần bờ biển. Không khí biển mát lạnh, gió thổi mang đi cái nóng tháng Bảy và đem tới mùi tảo và muối biển. Tôi nhìn về phía bãi biển, thu vào tầm mắt cảnh vật, nhớ lại mười sáu mùa hè trôi qua bên ba mẹ, rồi những buổi tối bên bạn bè. Tôi không biết mình đã đứng đó bao lâu quan sát một gia đình tưởng tượng đang viết tên từng thành viên lên cát và một bé gái chôn ba mình trong cát, khi tôi chợt nhớ ra Marcus vẫn đang ở ngoài cổng. Tôi biết chắc ban công phòng mình không bị khóa – và đã không hề nhầm. Ngay sau khi tôi mở cửa, chuông báo động vang lên. Tôi vội chạy ngay vào trong, hy vọng người ta chưa đổi mật mã. Tất nhiên là chưa. Liệu có người chủ cũ đầu óc bình thường nào lại có lúc nào đó muốn đột nhập lại vào ngôi nhà cũ đã bị tịch thu chứ?
Sau thất bại trong lần thử thứ nhất do các ngón tay quá run rẩy, tôi nhớ lại những gì cần làm và chuông báo động cuối cùng cũng tắt. Tôi thở lấy hơi vài lần, đợi cho tới khi tiếng ngân ong ong trong tai mình tắt hẳn. Tôi bấm nút mở cổng, rồi đi xuống dưới nhà mở cửa trước ra. Trong lúc đợi Marcus đi vào, tôi lang thang quanh nhà. Tôi đưa ngón tay lướt trên các bề mặt, một số chỗ đã hơi bám bụi. Tôi nghe thấy Marcus sau lưng mình, giọng nói của anh vang vọng ngoài tiền sảnh. Tôi nghe thấy anh huýt sáo, có vẻ bị ấn tượng.
Tôi đi vào bếp, nhìn thấy những bữa tối gia đình trên bàn ăn, những bữa sáng hối hả ở bàn ăn sáng, những bữa ăn đêm Giáng sinh ở bàn ăn tối ngay gần đó, những bữa tiệc ồn ào, những lễ sinh nhật, lễ mừng Năm Mới. Tôi nhớ lại những cuộc cãi cọ, giữa mẹ và ba, giữa tôi và ba. Tôi nhớ tới những buổi khiêu vũ. Nhảy cùng ba trong một buổi tiệc. Tôi nhớ những mẹo nhỏ trong các buổi tiệc của ba. Một câu chuyện dài tôi chẳng bao giờ thực sự hiểu nhưng vẫn thích nghe ba và quan sát điệu bộ của ông trong lúc kể. Ông sẽ trở nên thật sống động, sẽ rất thích được trở thành nhân vật trung tâm giữa những người ông tin tưởng. Hai gò má ông sẽ đỏ ửng vì rượu, đôi mắt xanh của ông sáng lên nhưng ba sẽ thuật lại thật hoàn hảo và tự tin từng từ một trong câu chuyện trong lúc chỉ nóng lòng muốn tới câu cuối cùng để được thấy mọi người đồng loạt phá lên cười. Tôi có thể nhìn thấy khu vực của mẹ, nơi bà ngự trị cùng các quý bà trong đêm tiệc, tất cả cùng túm tụm vào cạnh nhau, những phụ nữ sang trọng với những đôi giày đắt tiền, mắt cá chân thon thả, làn da rám nắng và mái tóc nhuộm highlight.
Quay mặt đi, tôi thấy ba đang lang thang bước đi qua các căn phòng, nháy mắt với tôi, trên tay cầm điếu xì gà trong lúc ông đi vào căn phòng duy nhất nơi mẹ cho phép ba hút thuốc. Tôi đi theo ba vào trong. Tôi quan sát ông bước vào và chào bạn bè mình, tất cả họ cùng reo lên phấn khích khi ba khui nắp chai brandy ngon nhất trong khi họ ngồi xuống nói chuyện hay chơi snooker. Tôi ngó quanh các bức tường và nhớ lại những bức ảnh. Những thành tựu của ba, những tấm bằng, các giải thưởng thể thao của ông, và cả những bức hình chụp gia đình. Tôi kia, đôi mắt ướt nhòe, trong ngày đầu tiên đến trường, tôi ngồi trên vai ông ở Disney World, mặc một cái áo phông in hình chuột Micky với mái tóc tết đuôi ngựa và nụ cười ngốc nghếch chẳng có cái răng cửa nào. Tôi đi sang phòng bên cạnh. Ba và các bạn ông đứng trên đỉnh một đường trượt tuyết ở Aspen. Một bức ảnh chụp ba chơi golf cùng Pagdraig Harrington tại một sự kiện từ thiện có các nhân vật nổi tiếng.
Tôi đi sang phòng xem ti vi và thấy ông ngồi trong chiếc ghế bành ưa thích của mình xem truyền hình, tôi thấy mẹ ngồi trong một góc khác, chân co lên, hai tay quàng quanh chân như thể che chở, cả ai người cùng đang cười vì một chương trình hài hước nào đó. Rồi ba nhìn về phía tôi và lại nháy mắt. Ông đứng dậy, và tôi đi theo ông. Chúng tôi cùng đi qua tiền sảnh, đi qua trước mặt Marcus đang dõi theo tôi, rồi ông bước qua cánh cửa phòng làm việc đóng kín. Ba biến mất. Tôi không thể vào trong đó.
Cuộc cãi cọ. Cuộc cãi cọ kinh khủng giữa hai chúng tôi. Tôi đã đóng sầm cánh cửa đó lại trước mặt ông và chạy lên lầu. Đáng ra tôi phải nói với ba tôi yêu ông. Đáng ra tôi phải xin lỗi và ôm lấy ông.
“Con không bao giờ muốn thấy mặt ba nữa. Con ghét ba!”
“Tamara, quay lại!” Giọng nói của ba. Giọng nói đáng mến tôi muốn được nghe lại. Ba ơi. Con đây, con đã trở lại, làm ơn hãy ra khỏi phòng làm việc đi.
Rồi sáng hôm sau, tôi trông thấy ông, ba đẹp trai của tôi. Ba đẹp trai của tôi dưới sàn nhà. Không phải như cách tôi trông đợi ở ông. Tôi trông đợi ba sẽ sống mãi. Ông được trông đợi để mắt đến tôi mãi mãi. Ông được trông đợi sẽ thẩm vấn các cậu bạn trai của tôi và dẫn tôi đi giữa hai hàng ghế nhà thờ. Ông được trông đợi sẽ nhẹ nhàng thuyết phục mẹ khi tôi không được làm như ý, sẽ nháy mắt với tôi khi ông bắt gặp ánh mắt tôi. Ông được trông đợi sẽ nhìn tôi đầy tự hào trong cuộc đời còn lại của tôi. Rồi sau đó, khi ông về già, tôi được trông đợi sẽ bảo vệ ông, sẽ có mặt khi ông cần, sẽ báo đáp lại tất cả.
Đó là lỗi của tôi. Tất cả là lỗi của tôi. Tôi đã cố cứu ba nhưng thậm chí còn chẳng biết nên làm thế nào cho đúng. Giá như tôi học được cách làm. Giá như tôi chú ý ở trường học. Giá như tôi cố gắng trở thành một người biết quan tâm và tử tế hơn con bé ích kỷ tôi từng là, khi ấy rất có thể tôi đã trở nên hữu ích. Người ta nói tôi tìm thấy ba qúa muộn,à chẳng còn gì tôi có thể làm, nhưng bạn chẳng bao giờ biết được. Tôi là con gái ông, biết đâu điều đó đã có thể giúp được ít nhiều.
Căn phòng đó, căn phòng của ba, mang đậm mùi của ba. Mùi nước thơm sau khi cạo râu, mùi xì gà, mùi rượu vang hay brandy, mùi của sách và gỗ. Căn phòng ba đã kết liễu đời mình, với tấm thảm trải sàn bị ố vì tôi nôn rượu vang đỏ xuống vào tối hôm diễn ra tang lễ của ông. Tôi không thể vào trong đó.
Tôi nghe thấy tiếng lon va vào nhau và tiếng túi ni long sột soạt bèn quay lại. Marcus đang nhìn tôi.
“Nhà đẹp lắm.”
“Cảm ơn.”
“Em không sao chứ?”
Tôi gật đầu.
“Hẳn là lạ lẫm lắm khi quay lại đây.”
Tôi lại gật đầu.
“Hôm nay em ít nói quá.”
“Em không đưa anh đến đây để nói.”
Và anh nhìn tôi, tôi có thể thấy điều đó trên khuôn mặt anh, anh cũng muốn nó.
Nói với anh ấy đi. Nói đi.
“Vậy thì lại đây, để em chỉ cho anh thấy căn phòng tuyệt nhất trong ngôi nhà này,” tôi mỉm cười. Rồi nắm lấy tay anh và dẫn anh lên lầu.
Quay trở lại phòng ngủ của mình, tôi nằm xuống sàn phòng, lên tấm thảm nhung mềm mại màu kem, nơi từng là chỗ kê cái giường rộng thênh thang của tôi với đầu giường bọc da màu trắng. Đầu tôi quay cuồng vì chất cồn và tất cả những chuyện khác đã xảy ra. Tôi muốn quên đi mọi thứ đã xảy đến ngày hôm đó, xơ Ignatius, Weseley, Rosaleen, bác sĩ Gedad, người phụ nữ bí ấn trong ngôi nhà của mẹ Rosaleen. Tôi muốn quên đi cả mẹ mình khi tôi cố kéo thân hình yếu ớt đờ đẫn của bà ra khỏi giường. Tôi muốn quên đi Kilsaney và tất cả những ai sống trong đó. Tôi muốn quên đi việc chúng tôi đã rời khỏi ngôi nhà này, cũng như việc ba từng làm việc ông đã làm. Tôi muốn quay trở lại buổi tối tôi lẻn ra ngoài, rồi sau đó cãi cọ với ông. Tôi muốn mọi thứ thay đổi.
Và rồi mọi thứ thay đổi.
Mọi thứ.
Và nếu có lúc nào đó tôi cố dựng các quân domino đứng lên, tất cả chúng lại bắt đầu đổ xuống.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.