Nhảy, nhảy, nhảy

Chương 07 phần 2



“Nhưng ông ấy không cười hay gì đó. Thay vì thế, ông lại tỏ ra cực kỳ nghiêm túc. Rồi ông nói: ‘Cô không được kể chuyện này cho bất cứ ai.’ Ông ấy nói rất dịu dàng. ‘Có chuyện gì đó không ổn, nhưng chúng ta không nên làm các nhân viên khác hoảng sợ, vì vậy hãy giữ kín chuyện này.’ Phải nói thêm với anh rằng người quản lý này không phải mẫu người nói năng nhẹ nhàng. Ông ấy luôn sẵn sàng nổi xung bất cứ lúc nào. Vì vậy lúc đó tôi thoáng nghĩ – có lẽ tôi không phải là người đầu tiên gặp phải chuyện này.”

Rồi cô ngồi im.

“Và cô chưa từng nghe ai đó nói gì về những chuyện như thế phải không? Trải nghiệm quái dị, những chuyện lạ kỳ hay bất kỳ thứ gì huyền bí? Thế còn những tin đồn?”

Cô trầm ngâm suy nghĩ rồi lắc đầu. “Không, không có, theo tôi thì không. Nhưng thực sự có gì đó rất lạ ở nơi này. Cách người quản lý phản ứng khi tôi kể cho ông ta chuyện gì đã xảy ra và cả những câu chuyện rầm rì trong suốt một thời gian dài. Tôi không thể giải thích rõ hơn, nhưng đúng là có gì đó không ổn. Khách sạn này hoàn toàn không giống như khách sạn trước đây tôi đã làm việc. Tất nhiên, đó không phải là một khách sạn lớn thế này, nên mọi chuyện cũng có hơi khác, nhưng ở đây thì quá khác biệt. Khách sạn đó có những câu chuyện ma của riêng nó – có lẽ là khách sạn nào cũng có một câu chuyện như vậy cả – nhưng nhân viên chúng tôi chỉ thấy buồn cười thôi. Còn ở đây, hoàn toàn không như vậy. Chẳng ai cười cả. Vì vậy nó càng đáng sợ hơn. Giả dụ nếu như người quản lý coi nó như trò đùa, hoặc thậm chí ông ta quát vào mặt tôi thì chắc đã không lạ đến thế. Nếu thế chắc tôi đã nghĩ có lẽ chỉ có chút trục trặc hoặc gì đó tương tự thôi.”

Cô nheo mắt nhìn chiếc cốc đang cầm trên tay.

“Sau đó cô có trở lại tầng mười sáu không?” tôi hỏi.

“Nhiều lần rồi,” cô điềm đạm trả lời. “Trên ấy vẫn thuộc phạm vi phục vụ của tôi, vì vậy dù muốn hay không, tôi cũng phải lên đó khi cần thiết. Nhưng tôi chỉ lên vào ban ngày thôi. Tôi không bao giờ lên đó lúc đêm khuya cả, dẫu có chuyện gì cũng vậy. Tôi không bao giờ muốn trải qua chuyện đó một lần nào nữa. Đó là lý do tại sao tôi không làm ca đêm. Thậm chí tôi còn nói thẳng với sếp như vậy.”

“Và cô chưa từng kể chuyện này với ai ư?”

Cô nhanh chóng lắc đầu. “Tôi đã nói rồi, đây là lần đầu tiên. Dù gì thì cũng chẳng ai tin tôi đâu. Tôi kể chuyện này với anh vì tôi nghĩ có thể anh có manh mối nào về chuyện đã xảy ra trên tầng mười sáu.”

“Tôi ư?”

Cô lơ đãng nhìn tôi. “À thì, thứ nhất, anh biết về khách sạn Cá Heo cũ và muốn biết chuyện gì đã xảy ra với nó. Tôi không thể kìm được hy vọng rằng anh biết gì đó về những việc tôi đã trải qua.”

“Không, tôi e là không,” tôi nói sau một thoáng suy nghĩ. “Tôi không phải là chuyên gia về khách sạn. Khách sạn Cá Heo cũ nhỏ và không nổi tiếng lắm. Đó chỉ là một khách sạn bình thường thôi.”

Tất nhiên là tôi chưa bao giờ nghĩ khách sạn Cá Heo cũ chỉ là một khách sạn bình thường, nhưng tôi không muốn chọc vào cái tổ ong rối rắm này nữa.

“Nhưng chiều nay, khi tôi hỏi anh về khách sạn Cá Heo, anh nói đó là cả một câu chuyện dài. Anh nói vậy là có ý gì?”

“Đó là chuyện riêng của tôi thôi,” tôi nói. “Nếu kể chuyện đó ra thì phức tạp lắm. Dù sao chăng nữa, tôi không nghĩ là nó liên quan gì đến chuyện cô vừa kể.”

Cô có vẻ thất vọng. Khẽ cắn môi, cô nhìn chăm chú xuống bàn tay.

“Xin lỗi, tôi không thể giúp gì được hơn,” tôi nói, “đặc biệt là sau tất cả những rắc rối cô gặp phải khi kể cho tôi chuyện này.”

“Ồ, anh đừng lo, đó không phải lỗi của anh. Tôi vẫn thấy vui vì nói được với anh về chuyện đó. Những chuyện kiểu thế này, cứ giữ ở trong lòng thì dần sẽ sinh bực bội.”

“Phải, hãy xả nó ra đi. Nếu cô không làm vậy, nó sẽ càng lớn dần trong đầu cô.” Tôi vòng tay tạo thành một quả bóng căng quá cỡ.

Cô lặng lẽ gật đầu trong khi nghịch ngợm chiếc nhẫn, tháo nó ra khỏi ngón tay rồi lại đeo vào.

“Nói cho tôi biết đi, anh có tin câu chuyện của tôi không? Về tầng mười sáu và về mọi thứ?” cô thì thầm, mắt không rời khỏi những ngón tay.

“Tất nhiên là tôi tin cô,” tôi trả lời.

“Thật không? Nhưng nó có vẻ thật quái đản, anh không nghĩ vậy à?”

“Có thể, nhưng những chuyện quái đản vẫn xảy ra mà. Tôi biết vậy mà. Đó là lý do tại sao tôi tin cô. Mọi chuyện đều có liên kết với nhau tại một điểm nào đó, tôi nghĩ vậy.”

Cô suy nghĩ trong giây lát. “Nghĩa là anh cũng từng trải qua một chuyện tương tự?”

“Phải. Ít nhất thì tôi nghĩ thế.”

“Có đáng sợ không?” cô hỏi.

“Không, nó không giống chuyện của cô,” tôi đáp. “Không, ý tôi là, mọi chuyện tương quan theo nhiều cách khác nhau. Với tôi…” Nhưng chẳng hiểu vì lý do gì, những lời nói mắc nghẹn trong cổ họng tôi. Như thể bị ai đó rút dây điện thoại ra vậy. Tôi nhấp một ngụm whiskey và cố gắng lần nữa. “Xin lỗi. Tôi không biết phải diễn đạt thế nào. Nhưng chắc chắn là tôi đã nhìn thấy những chuyện quái dị xảy ra với mình. Do đó tôi luôn sẵn sàng tin những điều cô nói. Tôi không nghĩ là cô đã bịa ra câu chuyện đó.”

Cô ngước mắt lên và mỉm cười. Một nụ cười thật đặc biệt, tôi nghĩ vậy, không phải nụ cười chuyên nghiệp xã giao thường thấy. Rồi cô thả lỏng người. “Tôi không biết tại sao,” cô nói, “nhưng nói chuyện với anh tôi cảm thấy dễ chịu hơn. Bình thường tôi khá nhút nhát. Tôi thấy rất khó khăn khi nói chuyện với người lạ, nhưng với anh thì khác.”

“Có thể chúng ta có điểm chung nào đó,” tôi cười.

Cô không biết phản ứng ra sao với lời nhận xét ấy, rốt cuộc cô chẳng nói lời nào. Thay vào đó, cô thở dài rồi hỏi, “Anh muốn ăn gì không? Tự nhiên tôi thấy đói quá.”

Tôi mời cô đến đâu đó để ăn một bữa, nhưng cô nói ăn nhanh luôn ở đây cũng được.

Chúng tôi gọi một cái pizza. Và vừa ăn vừa tiếp tục nói chuyện. Về công việc tại khách sạn, về cuộc sống ở Sapporo. Về bản thân cô. Sau khi tốt nghiệp cấp ba, cô theo học tại một trường quản lý khách sạn trong hai năm, rồi làm việc tại một khách sạn ở Tokyo chừng hai năm, sau đó cô trả lời thông báo tuyển dụng của khách sạn Cá Heo mới. Năm nay cô hai mươi ba tuổi. Chuyển tới thành phố Sapporo là một việc tốt với cô; bố mẹ cô có một quán trọ gần Asahikawa, cách chỗ này khoảng trăm hai mươi cây số.

“Đó là một quán trọ khá nổi tiếng. Bố mẹ tôi mở từ khá lâu rồi,” cô nói.

“Sau khi nghỉ việc ở đây, cô sẽ tiếp quản việc kinh doanh của gia đình chứ?” tôi hỏi.

“Không nhất thiết,” cô trả lời rồi nâng lại gọng kính.” Tôi không nghĩ xa như thế. Tôi chỉ thích công việc ở khách sạn. Mọi người đến, nghỉ lại và ra đi, cứ thế. Ở giữa tất cả những điều đó, tôi có cảm giác thoải mái. Nó khiến tôi thấy dễ chịu. Dù sao thì đó là môi trường nơi tôi đã lớn lên mà.”

“Vậy đó là lý do,” tôi hỏi.

“Lý do gì cơ?”

“Tại sao khi đứng trước bàn lễ tân, cô trông giống như một nàng tiên khách sạn vậy.”

“Nàng tiên của khách sạn?” cô bật cười.” Anh nói hay thật! Giá mà tôi có thể được như vậy.”

“Tôi chắc là cô làm được, nếu đó là điều cô muốn,” tôi mỉm cười đáp.

Cô nghĩ về điều đó một lúc, rồi yêu cầu tôi kể chuyện của mình.

“Không thú vị lắm đâu,” tôi tỏ ý từ chối, nhưng cô vẫn muốn nghe. Vậy nên tôi đành kể vắn tắt đại khái vài câu: ba tư tuổi, đã ly dị, làm nghề viết lách tạp nham, lái một chiếc Subaru cũ. Không có gì đặc sắc.

Nhưng cô vẫn tò mò về công việc của tôi. Vì vậy, tôi kể cho cô nghe về những cuộc phỏng vấn của mình với các ngôi sao mới sắp nổi danh, về bài của tôi về những nhà hàng tại Hakodate.

“Nghe thú vị đấy chứ,” cô nói, tươi tỉnh hẳn lên.

“‘Thú vị’ không phải từ đúng. Bản thân viết lách không phải là việc gì to tát. Ý tôi là, tôi thích viết. Thậm chí viết còn khiến tôi thấy thư giãn nữa. Nhưng nội dung tôi viết ra thì hoàn toàn là con số không. Thực sự vô nghĩa.”

“Ý anh là sao?”

“Ý tôi là, ví dụ cô đi một vòng mười lăm nhà hàng trong một ngày, ăn mỗi món một miếng và để thừa tất cả chỗ còn lại. Cô thấy nó có ý nghĩa gì không?”

“Nhưng anh không thể ăn hết được tất cả phải không?”

“Tất nhiên là không. Nếu làm vậy chỉ trong vòng ba ngày, tôi sẽ chết bất đắc kỳ tử. Và mọi người sẽ nghĩ tôi là một thằng ngốc. Tôi sẽ chẳng được ai thương tiếc cả.”

“Vậy anh lựa chọn cách nào?” cô hỏi.

“Tôi không biết, với tôi, việc ấy giống như xúc dọn tuyết vậy. Ta làm vì phải có ai đó làm, chứ không phải vì nó thú vị.

“Xúc dọn tuyết ư?” cô trầm ngâm.

“Ừm, cô biết đấy, tuyết văn hóa,” tôi nói.

Chúng tôi uống khá nhiều. Tôi không nhớ là bao nhiêu, nhưng khi cô nhìn đồng hồ và nói mình phải đi làm vào sáng sớm thì đã hơn mười một giờ. Tôi thanh toán rồi cùng cô bước ra ngoài trong cơn mưa tuyết. Tôi đề nghị được đưa cô về bằng taxi, chỉ cách khoảng mười phút chạy xe. Tuyết không dày, nhưng đường đã đóng băng trơn tuột. Cô nắm chặt cánh tay tôi trên đoạn đường đi tới chỗ chờ taxi. Tôi nghĩ cô đã khá say.

“Bài báo đã vạch trần vụ xây dựng của khách sạn ấy,” tôi nói khi chúng tôi cẩn thận bước đi trên đường,” Cô còn nhớ tên tờ tạp chí đó chứ? Bài đăng vào khoảng thời gian nào vậy?

Cô trả lời ngay tức thì. “Tôi chắc là vào mùa thu năm ngoái. Tôi không đọc, nên thực tình không thể nói với anh nó viết cái gì được.”

Chúng tôi đứng chờ taxi khoảng năm phút trong màn hoa tuyết bay bay. Cô bám chặt lấy cánh tay tôi.

“Lâu lắm rồi tôi mới có cảm giác thư giãn thế này,” cô nói. Ý nghĩ ấy cũng hiện lên trong đầu tôi. Có lẽ chúng tôi thực sự có một điểm chung nào đó, hai chúng tôi.

Ngồi trong taxi, chúng tôi không nói chuyện gì đặc biệt, về tuyết và cái lạnh, thời gian làm việc của cô, mọi chuyện ở Tokyo. Vì thế khiến tôi băn khoăn không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Chỉ cần một bước nhỏ nữa là tôi có thể qua đêm với cô. Tôi cảm nhận được điều đó. Thực ra thì tôi không biết cô có muốn qua đêm với mình hay không. Nhưng tôi hiểu cô sẽ không ngần ngại ngủ với tôi. Tôi có thể đọc được điều ấy trong ánh mắt của cô, cách cô thở, kiểu mà cô nói chuyện và thậm chí từ cả những chuyển động của bàn tay cô. Và tất nhiên, tôi biết mình cũng không thấy ngại gì khi qua đêm với cô. Dường như chẳng có gì phức tạp cả. Đơn giản là tôi ghé qua, rồi ngủ lại. Giống như chính cô đã nói. Nhưng, bằng cách nào đó, ý chí của tôi đã thắng. Ý niệm về sự công bằng cứ phảng phất đâu đó trong đầu tôi. Cô trẻ hơn tôi mười tuổi, tâm trạng không được ổn định lắm, và cô đã uống nhiều đến mức không đi thẳng nổi. Chuyện này giống như đánh cược khi biết trước kết quả vậy. Không công bằng.

Nhưng công bằng trong quan hệ tình dục thì có ý nghĩa gì chứ? Nếu thứ ta muốn là sự công bằng, cuộc sống tình dục của ta sẽ chỉ thú vị như tảo mọc trong bể cá mà thôi.

Giọng của lẽ phải.

Cuộc đấu tranh nội tâm vẫn hết sức ác liệt khi chiếc xe taxi chở chúng tôi tới khu nhà bê tông cốt thép giản dị và rồi cô nhanh chóng quét bay mâu thuẫn trong tôi. “Tôi sống cùng em gái,” cô nói.

Không còn ý nghĩ nào về chuyện cần hay là muốn nữa. Tôi thực sự cảm thấy nhẹ nhõm hơn một chút.

Nhưng khi ra khỏi xe, cô hỏi tôi liệu có đưa cô đến cửa nhà được không. Đại khái cũng chẳng có lý do gì, cô giải thích, nhưng thỉnh thoảng về khuya, có một người đàn ông lạ trong hành lang. Tôi dặn người lái xe đợi vài phút, rồi đi cùng cô, tay trong tay, dọc dãy hành lang lạnh giá. Chúng tôi lên hai lượt cầu thang, tới căn phòng đánh số 306 của cô. Cô mở ví lục tìm chìa khóa. Rồi cô ngượng nghịu mỉm cười, nói cảm ơn, bảo rằng hôm nay cô rất vui.

Như mọi khi, tôi bảo cô đừng khách sáo.

Cô mở khóa rồi nhét chìa khóa vào ví. Tiếng kéo khóa ví khô khốc vang tận xuổng cả hành lang. Rồi cô nhìn thẳng vào tôi. Tựa như đang nhìn vào một đề bài môn hình học. Cô đang do dự, không thể quyết định xem mình nên nói lời tạm biệt thế nào. Tôi có thể nhận ra điều đó.

Chống tay lên tường, tôi chờ cô đưa ra quyết định gì đó, nhưng dường như không có tiến triển.

“Chúc ngủ ngon,” tôi nói, “Cho tôi gửi lời hỏi thăm em gái cô.”

Cô mím chặt môi trong, khoảng bốn hay năm giây. “Chuyện sống cùng em gái,” cô gần như thầm thì, “Chuyện đó không phải là sự thực. Thực ra, tôi sống một mình.”

“Tôi biết,” tôi đáp.

Mặt cô dần ửng hồng. “Làm sao anh biết?”

“Không biết nói sao, tôi chỉ biết thôi,” tôi đáp.

“Anh thật là quá quắt, anh biết không?”

Khi tôi quay lại, người lái xe đang đọc một tờ báo thể thao. Anh ta có vẻ ngạc nhiên khi thấy tôi lên xe và bảo đưa tôi về khách sạn Cá Heo.

“Anh thật sự muốn quay lại chứ?” anh ta cười gượng gạo hỏi. “Theo lẽ thường, tôi đoán là anh sẽ trả tiền và bảo tôi đi. Thông thường đều là vậy.”

“Tôi cá là vậy.”

“Khi làm công việc này lâu như tôi, trực giác của anh sẽ gần như không bao giờ sai cả.”

“Khi làm một công việc lâu như vậy, chắc chắn anh sẽ đoán trượt vài lần. Quy luật trung bình mà.”

“Có lẽ vậy,” người lái xe trả lời, có vẻ hơi bối rối. “Nhưng dù gì thì vẫn rất lạ, anh bạn ạ.”

“Có thể,” tôi đáp, “cũng có thể như vậy.”

Trở về phòng, Tôi rửa mặt qua loa trước khi lên giường. Đó là lúc tôi bắt đầu thấy hối tiếc về những việc mình đã làm – hay đã không làm – nhưng rồi tôi nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Sự nuối tiếc của tôi thường không kéo dài quá lâu.

Việc đầu tiên tôi làm vào buổi sáng là gọi cho quầy lễ tân và gia hạn thời gian ở lại khách sạn thêm ba ngày nữa. Đang là mùa vắng khách nên họ rất vui vẻ đồng ý.

Tiếp đó tôi mua báo, tới một cửa hàng Dunkin’ Donuts gần đó ăn hai chiếc bánh xốp nướng cùng hai tách cà phê lớn. Bữa sáng trong khách sạn chỉ ăn một hôm là chán ngấy. Cửa tiệm Dunkin’ Donuts là cứu tinh. Giá rẻ và còn có thể xin thêm cà phê.

Rồi tôi lên một chiếc taxi và bảo người lái xe đưa tới thư viện lớn nhất ở Sapporo. Tôi kiếm mấy số cũ của tờ tạp chí mà bài viết về khách sạn Cá Heo có vẻ từng xuất hiện và tìm thấy nó trong số ra ngày 20 tháng Mười. Tôi sao lại rồi mang nó tới quán cà phê gần đó để đọc.

Đó là một bài báo khá khó hiểu. Tôi phải đọc vài lần mới nắm được chuyện gì đã xảy ra. Tay phóng viên đã cố hết sức để viết một câu chuyện dễ hiểu, nhưng dường như mọi nỗ lực của anh ta vẫn không hiệu quả trước một mớ thông tin hỗn tạp. Rất lằng nhằng thông tin. Phải ngồi xuống nghiền ngẫm thì mới nắm được mạch câu chuyện. Tiêu đề bài báo là: “Thị trường bất động sản ở Sapporo: Những bàn tay đen phía sau công tác quy hoạch thành phố.” Và in dọc ngay bên cạnh là một tấm ảnh nhìn từ trên cao của khách sạn Cá Heo lúc gần hoàn thành.

Đầu đuôi câu chuyện là thế này: Có vài công ty nào đó đã mua một khu đất lớn trong một khu vực của thành phố Sapporo. Trong hai năm, tên các chủ đất mới thay đổi liên tục, rất mập mờ và thật khác thường. Giá đất tăng cao mà chẳng có lý do gì rõ rệt. Chỉ với chừng đó thông tin, tay phóng viên viết bài này đã bắt đầu tiến hành điều tra. Kết quả là: Đất đã được bán cho rất nhiều công ty, phần lớn chỉ tồn tại trên giấy tờ. Những công ty đó đều đăng ký đầy đủ, họ đóng thuế, nhưng không hề có văn phòng và nhân viên. Những công ty ma này lại có quan hệ chặt chẽ với những công ty ma khác. Cho dù họ là ai thì trò tung hứng với quyền sở hữu đất này cũng thật cao tay. Một lô đất mua giá hai mươi triệu yên được bán, lại với giá sáu mười triệu yên, rồi tiếp sau đó được bán lại với giá hai trăm triệu yên. Nếu kiên trì lần theo dấu vết kẻ đứng sau mỗi công ty ma thông qua mê cung có vô số liên kết này, ta sẽ phát hiện ra rằng tất cả đều kết thúc tại một điểm: đó là công ty B Industries, một tay chơi có tiếng trong làng bất động sản. B Industries hiện là một công ty thật với trụ sở chính hoành tráng ngụ tại khu Akasaka ở Tokyo. Một điều khác mà không phải ai cũng biết, B Industries dường như có liên kết với A Enterprises, một tập đoàn khổng lồ bao gồm các công ty đường sắt, một chuỗi khách sạn, một công ty sản xuất phim, dịch vụ thực phẩm, cửa hàng bách hóa, các tờ tạp chí… tất cả mọi thứ, bao gồm cả tín dụng ngân hàng và công ty bảo hiểm. A Enterprises có quan hệ trực tiếp với giới chính trị, chính điều này đã thôi thúc tay phóng viên kia đi sâu điều tra vụ này. Nhờ đó anh ta đã phát hiện ra nhiều điều thú vị hơn nữa. Khu đất ở Sapporo mà B Indtrustries đã nhanh tay mua gọn nằm trong vùng quy hoạch tái phát triển của thành phố. Những kế hoạch xây dựng tuyến tàu điện ngầm cũng như di chuyển các cơ quan chính phủ rời khu vực đó đã được xúc tiến. Phần lớn chi phí cho các dự án cơ sở hạ tầng đều là của nhà nước. Dường như chính phủ và chính quyền cấp tỉnh, thành phố đã cùng nhau lập kế hoạch, thống nhất một chương trình quy hoạch toàn diện, cả phạm vi cũng như dự thảo ngân sách. Nhưng khi lật tấm “màn che” này lên, rõ ràng là mỗi mét vuông đất quy hoạch đã được mua một cách có hệ thống từ vài năm trước. Đã có ai đó tiết lộ thông tin cho A Enterprises, hơn nữa, những thông tin bị này bị rò rỉ từ trước khi kế hoạch tái phát triển được hoàn thành. Điều này cũng có nghĩa là, nói theo kiểu chính trị, những kế hoạch cuối cùng đều là “việc đã rồi” ngay từ ban đầu.

Tới đây khách sạn Cá Heo được nhắc đến. Nó là mũi nhọn của vụ lũng đoạn thị trường bất động sản này. Trước hết, khách sạn Cá Heo chiếm khu đất tốt nhất. Do vậy, A Enterprises có thể thiết lập văn phòng trong công trình kiến trúc bằng kim loại và đá cẩm thạch mới này, coi nó như đại bản doanh địa phương. Nó vừa là đèn hiệu hướng dẫn vừa là tháp canh, một biểu tượng rõ ràng của sự thay đổi cũng như một trung tâm chỉ huy có thể định hướng lại dòng người trong khu vực. Mọi thứ đang được tiến hành theo những kế hoạch cực kỳ phức tạp.

Đó chính là chủ nghĩa tư bản bậc cao: người chơi bỏ ra khoản vốn đầu tư lớn nhất nhận được những thông tin giá trị nhất nhằm gặt hái được lợi nhuận cao nhất như mong muốn với hiệu suất đầu tư lớn nhất – và không ai buồn để mắt đến điều đó. Nó chỉ là một phần của việc đầu tư ngày nay. Ta đòi hỏi lợi nhuận nhiều nhất cho số vốn đã bỏ ra. Một người mua xe cũ sẽ đá vào lốp xe, kiểm tra dưới nắp xe, còn một tập đoàn bỏ ra một trăm tỉ yên vốn đầu tư sẽ rà soát từng điểm nhỏ nhất tại nơi mà họ rót vốn vào, đôi lúc còn làm một số chuyện mờ ám nữa. Công bằng không có chỗ đứng ở đây. Với nhiều tiền như thế trong tay, ai lại ngồi suy ngẫm về những thứ trừu tượng như thế chứ?

Đôi lúc, thậm chí họ làm rất mạnh tay.

Giả dụ có ai đó không muốn bán đất. Một cửa hàng giày lâu năm chẳng hạn. Đó là lúc những gã thô bạo không biết từ đâu đột nhiên xuất hiện. Các công ty lớn có những mối liên kết riêng, và dám cá rằng trong bè cánh của họ có mọi đối tượng, từ các chính khách, tiểu thuyết gia, các ngôi sao nhạc rock đến những tên yazuka chính hiệu. Vì vậy, họ chỉ cần ới đám trai tráng với thanh kiếm samurai của chúng là xong. Cảnh sát chẳng bao giờ thiết tha với các vụ như thế này, đặc biệt là khi những sắp xếp đều đã được quyết định từ bên trên. Thậm chí đó còn không phải là tham nhũng. Đó là cách cả hệ thống vận hành. Đó là đầu tư tư bản. Phải công nhận rằng, những chuyện như vậy không còn mới trong xã hội hiện đại này nữa rồi. Nhưng mọi thứ trong quá khứ chẳng là gì so với sự chính xác, quyền lực tuyệt đối và sự vững chắc của mạng lưới tư bản ngày nay. Chính những cỗ máy tính khổng lồ, với khả năng phi thường có thể quy nạp mọi sự vật và hiện tượng trên trái đất này vào mạng lưới tính toán của chúng, đã khiến tất cả những điều đó thành có thể. Chủ nghĩa tư bản bậc cao đã vượt qua chính nó. Không hề phóng đại, các giao dịch tài chính trên thực tế gần như đã trở thành hoạt động tôn giáo. Một chủ nghĩa thần bí mới. Người ta sùng bái tư bản, ngưỡng mộ tinh hoa của nó, quỳ gối trước những chiếc Porsche và giá đất ở Tokyo. Tôn thờ mọi thứ mà chiếc Porsche sáng loáng của họ biểu tượng. Đó là điều thần bí duy nhất còn tồn tại trên thế giới này.

Chủ nghĩa tư bản hiện đại. Dù thích hay không, nó cũng là xã hội mà chúng ta đang sống. Thậm chí chuẩn mực đúng sai cũng bị phân hóa và làm cho trở nên phức tạp. Trong cái tốt, có cái tốt hợp thời và cái tốt không hợp thời, cũng tương tự như vậy cho cái xấu. Trong cái tốt hợp thời, lại có loại trang trọng, có loại bình thường; có loại tân thời, có loai sành điệu, có loại đúng mốt, có loại trưởng giả học làm sang. Nhào trộn chúng nhiều lần thành một mớ bùng nhùng. Giống như mặc một chiếc áo len hiệu Missoni với quần mác Trussardi và giày hãng Pollini vậy, giờ đây ta có thể thưởng thức sự lai tạp giữa nhiều kiểu đạo đức khác nhau. Đó là cách thức của thế giới – triết học ngày càng trở nên giống với quản trị kinh doanh.

Mặc dù lúc đó tôi không nghĩ vậy nhưng mọi thứ đều đơn giản hơn nhiều vào năm 1969. Điều duy nhất phải làm để chứng tỏ cái tôi là ném đá vào đám cảnh sát chống bạo loạn. Nhưng trong thời buổi phức tạp hiện nay, ai sẽ là người ném đá? Ai sẽ dũng cảm xông lên giữa làn hơi cay? Thôi, thực tại là thế. Mọi thứ đều được che đậy, được liên kết trong mạng lưới tư bản khổng lồ ấy, và đằng sau mạng lưới đó còn có mạng lưới khác. Không ai thoát được. Ta ném đi một hòn đá và nó sẽ bật ngược trở lại ta ngay tức khắc.

Tay phóng viên đã tốn rất nhiều công sức lần theo dấu vết để lại trên giấy tờ. Dẫu vậy, bất chấp anh ta có lớn tiếng thế nào – hay có lẽ chính vì anh ta quá lớn tiếng – bài báo thiếu sức thuyết phục đến quái lạ. Một khẩu hiệu ảnh hưởng rộng khắp ư, không phải. Dường như anh chàng này không nhận thức được: Chẳng có gì trong chuyện này là đáng ngờ hết. Đó là việc hiển nhiên trong chuyện làm ăn. Rất thông thường, như thứ tự ngày tháng vậy, ai cũng biết. Những thứ vốn chẳng ai quan tâm. Nếu các nhà đại tư bản lấy được thông tin một cách bất hợp pháp và mua vét đất đai, hay là thao túng vài quyết định chính trị, rồi giải quyết vụ việc bằng cách thuê bọn yakuza đe dọa một hiệu giày nhỏ ở đây, có thể đập cho ông chủ khách sạn hạng bét nào một trận, thì sao nào? Đời là vậy. Những hạt cát thời gian vẫn đang trượt dưới chân ta. Nơi chúng ta đang đứng không còn là nơi chúng ta đã đứng nữa.

Tay phóng viên đã làm hết sức mình. Bài báo này đã được nghiên cứu rất nghiêm túc trước khi viết ra, chất chứa nỗi căm phẫn muốn bảo vệ lẽ phải và quan điểm lạc hậu vô vọng.

Tôi gấp tờ giấy lại, cất vào túi và uống một ly cà phê khác.

Tôi nghĩ về tay chủ khách sạn Cá Heo cũ. Ngài Bất Hạnh, từ khi sinh ra đã bị cái bóng của thất bại che phủ. Không có lý nào anh ta có thể làm nên chuyện trong cái thời đại này.

“Lạc hậu!” tôi nói lớn tiếng.

Cô bồi bàn nhìn tôi với vẻ khó chịu.

Tôi gọi một chiếc taxi về khách sạn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.