Nhảy, nhảy, nhảy

Chương 15



Tôi ngã người vào ghế, đan chéo hai bàn tay trước mũi, và tự hỏi một câu quen thuộc: Làm gì bây giờ đây?

Vẫn là câu hỏi đó. Nhưng giờ đây rồi biết mình thực sự cần suy nghĩ mọi chuyện một cách điềm tĩnh, và tập trung, cần phải sắp xếp mọi việc theo đúng trật tự, cần phải sắp xếp chúng dựa vào những mối liên kết rắc rối kia.

Có gì đó hỗn loạn ở đây, chắc chắn là như vậy. Có gì đó không ổn. Kiki, Gotanda, và tôi đều bị kết nối với nhau trong một mớ bòng bong, nhưng tại sao? Tôi cần phải gỡ rối cho cả ba. Tôi phải khôi phục ý niệm về thực tại của mình. Nhưng cũng có thể những liên kết này không hề rối, có khi đây lại là một mối liên kết mới, hoàn toàn chẳng liên quan gì. Dù sao tôi vẫn phải gỡ rồi cái mớ dây dợ hỗn độn này. Có như vậy mới không làm dứt sợi nào.

Đây là một đầu mối. Tôi phải làm cái gì đó. Tôi không thể đứng yên. Tôi phải nhảy. Phải khởi động đôi chân sao cho nó luôn xoay chuyển.

Anh phải nhảy, Người Cừu đã nói thế.

Phải nhảy, văng vẳng trong tai tôi.

Đã đến lúc trở về Tokyo. Ở đây không còn việc gì cho tôi cả. Khách sạn Cá Heo đã hoàn thành sứ mệnh của nó. Khi quay lại Tokyo, tôi sẽ có vô vàn những nút thắt cần phải tháo gỡ.

Tôi khoác áo ấm lên rồi rời rạp hát. Chưa bao giờ tuyết rơi dày đến thế, gần như che khuất cả con đường. Cả thành phố lạnh toát như một xác chết, từng phần nhỏ của nó cũng xám ngoét như vậy.

Trở lại khách sạn, tôi gọi tới hãng hàng không All Nippon và đặt chuyến tới Tokyo vào tối đó.

“Với tình trạng tuyết rơi như hiện nay, rất có thể chuyến bay sẽ bị hoãn hoặc thậm chí bị hủy,” cô nhân viên quầy vé thông báo. Tôi chẳng quan tâm. Tôi đã quyết định trở lại Tokyo càng sớm càng tốt. Rồi tôi gói ghém đồ đạc và xuống thanh toán hóa đơn. Cô bạn đeo kính của tôi đang trực. Tôi yêu cầu được nói chuyện với cô tại bàn thuê xe ôtô.

“Có chuyện gấp, tôi phải quay lại Tokyo,” tôi giải thích.

“Rất cám ơn. Mong anh sẽ quay trở lại,” cô nói và nở nụ cười chuyên nghiệp. Liệu cô có cảm thấy bị tổn thương vì tôi không thể hiện mấy sự quan tâm tới cô?

“Tôi cũng định sẽ trở lại sớm,” tôi nói. “Khi tôi quay lại, chúng ta sẽ cùng đi ăn tối và nói chuyện tiếp. Còn rất nhiều điều tôi muốn nói với cô. Đầu tiên tôi phải giải quyết công việc ở Tokyo đã. Nhưng khi xong xuôi mọi việc, tôi sẽ quay lại. Tôi không biết sẽ mất bao nhiêu tháng, nhưng tôi sẽ quay lại. Có gì đó – tôi không biết phải diễn tả ra sao – rất đặc biệt ở nơi này. Do đó, tôi biết mình sớm muộn gì cũng sẽ trở lại đây.”

“Hừm,” cô nói với vẻ hoài nghi.

“Hừm,” tôi đáp lại với vẻ chắc chắn. “Chắc là những lời tôi nói có vẻ giả dối.”

“Cũng không hẳn,” cô đáp lại với vẻ mặt vô cảm. “Chẳng ai biết chắc điều gì sẽ xảy ra trong hàng tháng trời sắp tới.

“Cũng không tới hàng tháng đâu. Chúng ta sẽ gặp lại nhau. Tôi thực sự cảm thấy rằng chúng ta cùng chia sẻ một điều đặc biệt nào đó,” tôi nói hết mực chân thành. “Cô có cảm nhận như thế không?”

Cô gõ gõ chiếc bút lên mặt quầy thay cho câu trả lời. “Có phải anh đang định nói với tôi rằng anh sẽ lên chuyến bay tới?”

“À, phải, tôi định thế. Nếu họ cất cánh được, thì là như vậy. Nhưng với kiểu thời tiết này, sợ rằng chúng tôi không cất cánh được.”

“Vâng, nếu anh đi trong chuyến bay tới, tôi muốn nhờ một chuyện.”

“Được thôi.”

“Có một cô bé mười ba tuổi phải quay trở lại Tokyo. Mẹ cô bé có việc đột xuất nên phải đi ngay, còn cô bé vẫn đang bị bỏ lại trong khách sạn. Tôi biết đây là một đòi hỏi quá đáng, nhưng liệu anh có thể cho cô bé đi cùng tới Tokyo được không? Cô bé có rất nhiều đồ đạc, và tôi không muốn để cô bé một mình lên máy bay.”

“Tôi không hiểu chuyện này lắm,” tôi nói. “Cô không thấy thật kỳ quặc sao khi một người mẹ bỏ đi và để con mình ở lại?”

Cô bạn tôi nhún vai. “Tôi cũng thấy thế, nhưng bà ấy là người kỳ quặc. Bà ấy là một nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia nổi tiếng, và bà ấy khá lập dị. Một ý tưởng nảy ra trong đầu, thế là bà ấy biến mất. Hoàn toàn quên mất đứa nhỏ. Rồi sau đó, chúng tôi nhận được điện thoại từ bà ta, nói rằng có con gái đang ở đâu đó quanh khách sạn, và liệu chúng tôi có thể đưa cô bé lên một chuyến bay trở về Tokyo không. Thế đấy.”

“Sao bà ta không tự đến mà đón con bé?”

“Điều đó thì tôi không biết. Ngoài ra, bà ấy đang làm việc tại Kathmandu, và nói sẽ bận suốt trong tuần tới nữa. Bà ấy rất nổi tiếng, và là khách quen của khách sạn, tôi là ai mà từ chối bà ấy chứ? Bà ấy dặn tôi chỉ cần đưa cô con gái ra sân bay, phần còn lại cô bé sẽ tự lo liệu được. Cũng có thể, nhưng dù sao, cô bé cũng chỉ là một đứa trẻ, lỡ có chuyện gì xảy ra, chúng tôi sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.”

“Được thôi,” tôi nói. Rồi một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu tôi. “Liệu đó có phải là đứa con gái tóc dài, mặc áo len có hình ban nhạc rock n roll và đeo Walkman không?”

“Hoàn toàn chính xác. Sao anh biết?”

“Cái gia đình đó thật lạ.”

Cô bạn tôi hành động ngay lập tức. Cô gọi tới hãng hàng không ANA, đổi vé cho con bé sang chuyến bay của tôi. Cô thông báo cho con bé biết rằng có một người – người quen của cô – sẽ đưa nó về Tokyo, vì vậy cần phải sắp xếp đồ đạc ngay lập tức. Cô gọi nhân viên khuân vác lên phòng giúp con bé chuyển đồ. Cô gọi cho cả phòng dịch vụ xe limousine của khách sạn. Tôi không kìm được liền bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình.

“Tôi đã nói là tôi thích công việc của mình. Tôi hợp với nó mà.”

“Nhưng nếu ai đó khen ngợi cô, thì cô còn hợp hơn nữa.”

Cô gõ bút lên bàn. “Đó là chuyện khác. Tôi không muốn bị biến thành trò cười.”

“Tôi không định nói thế. Tin tôi đi,” tôi nói. “Chỉ là tôi đang cố nói cho vui thôi. Thật sự không cố ý cợt nhả gì cả, thật đấy. Tôi chỉ đùa vui một chút vì muốn được thoải mái thôi.”

Cô mím môi thật nhẹ rồi nhìn thẳng vào mặt tôi. Cái nhìn của một người đứng trên đồi nhìn vùng đất trũng sau khi nước lũ đã rút. Rồi cô nói bằng một giọng như thể đang thở dài, như bị tắc mũi. “Nhân đây, tôi có thể xin anh một tấm danh thiếp được không? Tất nhiên, chỉ là nguyên tắc nghề nghiệp, bởi tôi đang giao phó một cô bé cho anh.”

“Chỉ là nguyên tắc nghề nghiệp,” tôi lẩm bẩm và đưa cô một tấm danh thiếp. Vì lý do nào cũng được, tôi có mang danh thiếp trong người. Vì lý do nào cũng được, ít nhất đã có cả tá người bảo tôi chúng cần thiết cho công việc thế nào. Có nhìn tấm danh thiếp của tôi như thế nó là một miếng giẻ rách ám bụi.

“Liệu tôi có thể biết tên cô là gì được không?” Tôi cố dò hỏi.

“Có lẽ để lần sau,” cô trả lời rồi lấy ngón tay giữa nâng gọng kính lên, “Nếu chúng ta gặp lại.”

“Tất nhiên chúng ta sẽ gặp lại,” tôi đáp.

Nhẹ nhàng và tĩnh lặng như vầng trăng non, mộc nụ cười thoáng qua gương mặt cô.

Mười phút sau, nhân viên khuân vác và con bé đã có mặt dưới sảnh. Anh nhân viên trực tầng đang xách hai chiếc vali Samsonite to đùng. Mỗi chiếc chắc phải đựng vừa được một con chó chăn cừu Đức trưởng thành đang đứng. Hơi quá nhiều để một đứa con gái mười ba tuổi tự kéo ra sân bay. Con bé mặc quần jeans bó sát và đi bốt, trên áo len có chữ TALKING HEADS. Bên ngoài là một chiếc áo choàng lông thú trông có vẻ đắt tiền. Một cảm nhận gần như trong suốt về con bé lại ùa đến như lần trước. Một vẻ đẹp quá mong manh và thật dễ gây xúc động. Một sự cân bằng quá mỏng manh để giữ mãi.

TALKING HEADS. Không tệ cho tên một ban nhạc. Nghe như do Kerouac(19) đặt.

19. Jack Kerouac (12/03/1922 – 21/10/1969) Nhà văn người Mỹ, nổi tiếng với cuốn Trên Đường.

Con bé nhìn tôi với vẻ thờ ơ. Nó không mỉm cười. Nhưng nó nhướng mày lên rồi quay ra với cô bạn lễ tân đeo kính của tôi.

“Đừng lo, chú ấy là người tốt,” bạn tôi nói.

“Chú không tệ như vẻ bề ngoài đâu,” tôi khẳng định.

Con bé lại nhìn tôi. Rồi nó gật đầu theo kiểu Ồ tốt thôi, cháu cũng đoán vậy.

“Thật mà, cháu sẽ ổn thôi,” bạn tôi tiếp tục. “Người già kể chuyện vui lắm…”

“Người già!” tôi há hốc miệng.

“Chú ấy nói chuyện hay lắm” cô nói, không hề để ý tới tôi, “chú ấy thực sự là một quý ông lịch thiệp với những cô gái như chúng ta. Hơn nữa, chú ấy còn là bạn cô. Vì vậy cháu sẽ ổn thôi.”

Họ đi về phía chiếc limousine đỗ ở lối vào khách sạn. Tôi im lặng đi theo sau, cảm giác như giá trị của mình chẳng còn gì cả.

Thời tiết thật kinh khủng. Đường ra sân bay phủ kín băng tuyết. Không khác gì Nam Cực.

“Tên cháu là gì?” tôi hỏi.

Con bé chằm chằm nhìn rồi khe khẽ lắc đầu. Để tôi yên. Rồi nó lặng lẽ nhìn xung quanh như thể đang tìm kiếm gì đó, nhưng đâu có gì để ngắm ngoại trừ cơn bão tuyết ngoài kia, “Yuki” con bé nói. Tuyết.

“Cháu nói lại được không?”

“Đấy là tên cháu!” con bé rít lên.

Rồi nó lấy chiếc Walkman ra và đắm chìm vào thế giới âm nhạc vi mô của mình. Trên đoạn đường còn lại tới sân bay, nó chẳng liếc nhìn tôi lấy một lần.

Tuyết ư? Thật là một từ đẹp, rất thanh lịch. Có thể người ta nghĩ rằng ít nhất mỗi khi ăn kẹo cao su. Con bé cũng phải mời tôi. Không phải tôi thèm, nhưng chẳng nhẽ nó không biết lịch sự là gì? Như thế sẽ giúp tôi có cảm giác đang đi trên cùng một chiếc xe với nó. Tôi ngã người ra sau ghế, cảm thấy như mình đang già đi từng phút, tôi nhắm mắt lại.

Chỉ sau đó tôi mới biết rằng Yuki là tên thật của con bé.

Tôi nghĩ lại lúc mình trạc tuổi nó. Tôi đã từng sưu tập những bản nhạc pop. Những đĩa đơn, “Hit the Road, Jack” của Ray Charles, “Travelin Man” của Ricky Nelson, “All Alone Am I” của Brenda Lee. Tôi có đến cả trăm cái đĩa loại 45 vòng/phút. Tôi nghe hết ngày này sang ngày khác. Tôi thuộc lòng lời tất cả các bài hát. Những chữ trẻ con có thể nhớ được. Thường là những dòng vô nghĩa, ngớ ngẩn nhất. Những thứ như kiểu một nàng Trung Quốc xuống phố cũ Hồng Kông, đợi tôi trở về(20)…

20. Lời bài hát nguyên gốc: A China doll in old Hong Kong, waiting for my return…

Không giống Talking Heads cho lắm. Nhưng không sao, mọi thứ đều thay đổi theo thời gian.

Tôi sắp xếp cho Yuki ở phòng đợi, rồi đi mua vé cho cả hai. Chuyến bay chậm một giò, nhưng cô bán vé còn cảnh báo rằng có khả năng chuyến bay còn bị hoãn lâu hơn.

“Xin chú ý nghe thông báo.” cô nói. “Tại thời điểm này, tầm nhìn đang rất xấu.”’

“Cô nghĩ thời tiết sẽ khá hơn chứ?” tôi hỏi.

“Dự báo thời tiết nói vậy, nhưng có lẽ phải mất ít lâu,” cô ta nói dứt khoát. Có vẻ như cô ta đã nói câu này phải đến hai trăm lần. Đủ để khiến bất ai cũng phải phát ngấy.

Tôi quay lại chỗ Yuki cho con bé biết tin. Nó nhìn tôi chằm chằm kiểu ừm ừm, nhưng chẳng nói gì.

“Không biết khi nào chúng ta mới được lên máy bay, vì vậy đừng làm thủ tục vội. Sẽ là tai họa nếu phải cố gắng lấy lại hành lý.” tôi nói.

Một cái nhìn theo kiểu thế nào cũng được. Vẫn thế, không một lời.

“Chú nghĩ là chúng ta chẳng làm được gì ngoài chờ đợi. Dù đúng là không vui vẻ khi bị kẹt lại sân bay hàng giờ đồng hồ thế này.” Chẳng ai kết tội được tôi nếu tôi không duy trì cuộc đối thoại không có lời đáp thế này. “Cháu đã ăn gì chưa?”

Con bé gật đầu.

“Cháu có muốn tới một quán cà phê không? Chúng ta sẽ uống cái gì đó. Bất cứ thứ gì cháu muốn.”

Một cái nhìn kiểu cháu không biết. Dường như con bé có cả một kho những cảm xúc.

“Được, vậy đi thôi,” tôi nói và đứng lên, Rồi cả hai bước đi, kéo theo hai chiếc vali Samsonites của con bé.

Quán cà phê đông nghịt. Tất cả các chuyến bay khởi hành từ Sapporo đều bị hoãn, trông ai cũng lộ rõ vẻ nôn nóng. Chúng tôi đi xuyên qua cả một dòng người đang cáu bẩn. Tôi gọi sandwich và cà phê. Yuki gọi một sôcôla nóng.

“Cháu ở khách sạn bao lâu rồi?” Cũng phải có ai cố tỏ ra lịch sự chứ.

Sau một thoáng suy nghĩ, con bé trả lời: “Mười ngày.”

“Thế mẹ cháu rời khỏi đây lúc nào?”

Con bé nhìn tuyết rơi ngoài cửa sổ một thoáng, rồi nói: “Ba ngày trước.”

Tôi có cảm giác như chúng tôi đang trong giờ thực hành môn tiếng Anh dành cho người mới bắt đầu.

“Vậy trường cháu vẫn đang trong kỳ nghỉ à?”

Câu hỏi gợi đúng điểm. “Không, trường cháu không nghỉ đợt này. Đừng có làm phiền cháu.” Con bé phản ứng. Rồi nó lấy Walkman ra, cắm tai nghe vào.

Tôi uống hết cà phê và đọc báo. Phải chăng tất cả phụ nữ trên thế giới cứ phải gây khó dễ cho tôi? Đó chỉ là không may, hay có nguyên nhân cơ bản nào khác từ phía tôi?

Nếu được chọn, tôi quyết định rằng mình thích coi đó chỉ là không may, tôi gấp tờ báo lại rồi lôi ra cuốn Âm thanh và cuồng nộ. Faulkner, cả Philip K.Dick nữa. Khi ngập ngụa trong cảm giác mệt mỏi vô cớ, bạn luôn cảm thấy có gì đó liên quan đến những tác giả như thế. Đó là lý do khiến tôi luôn mang theo một quyển tiểu thuyết – dành cho những lúc như thế này.

Yuki vào phòng vệ sinh, quay lại, thay pin chiếc Walkman của nó. Ba mươi phút sau có thông báo: Chuyến bay tới Tokyo, sân bay Haneda, bị hoãn bốn tiếng nữa do tầm nhìn hiện vẫn còn đang rất xấu. Tuyệt, tuyệt thật. Vậy là lại phải tiếp tục ngồi chịu đựng ở đây.

Nhìn vào mặt sáng sủa đi nào, tôi cố làm mình vui lên. Hãy dùng sức mạnh của suy nghĩ tích cực. Cho bản thân năm phút suy nghĩ nên làm thế nào để biến một tình huống chán chường trở nên có ích và một ý nghĩ lóe lên trong đầu tôi. Có thể nó hiệu quả, cũng có thể không. Nhưng làm gì đó còn hơn là ngồi im và giết thời gian trong cái chốn ồn ào mù mù khói này.

Tôi dặn Yuki cứ ngồi đó trong lúc tôi quay lại sảnh. Tôi đi bộ tới một quầy cho thuê xe, người phụ nữ sau quầy giao dịch nhanh nhẹn làm thủ tục cho một chiếc Toyota Corolla Sprinter, có cả dàn stereo. Một chiếc xe buýt nhỏ chở tôi tới bãi đỗ xe, ở đó họ đưa tôi chìa khóa một chiếc xe bốn bánh màu trắng loại đi trên tuyết mới tinh. Tôi mất mười phút lái xe trở lại sân bay đón Yuki tại quán cà phê. “Chúng ta sẽ lái xe đi loanh quanh khoảng ba tiếng.”

“Giữa trời bão tuyết thế này ư? Xem cái gì mới được chứ? Với cả đi đâu bây giờ?”

“Không đâu cả. Lòng vòng thôi,” tôi trả lời. “Nhưng trên xe có dàn stereo, cháu có thể bật nhạc tùy thích to mấy cũng được. Như thế sẽ tốt cho tai của cháu hơn là nghe bằng cái Walkman đó.”

Lần này là một cái lắc đầu kiểu Chú đùa đấy à. Dù vậy, lúc tôi chuẩn bị đi thì con bé cũng đứng dậy.

Tôi để vali của con bé trong cốp xe, rồi lái xe về phía vùng tuyết phủ không bóng người. Yuki lấy từ trong túi ra một băng cassette, nhét vào ổ băng, giọng David Bowie vang lên. Sau đó là Phil Collins, Jefferson Starship, Thomas Dolby. Tom Tetty & the Heartbreakers, Hall & Oares, Thompson Twins, Iggy Pop, Bananarama. Toàn những thứ hợp với mốt cô bé đương tuổi thiếu niên.

Tiếp theo là “Goin’ to a Go-Go” của Stones. “Chú biết bài này,” tôi khoe, “The Miracles đã hát bài này từ nhiều năm trước rồi. Smokey Robinson và The Miracles. Lâu lắm rồi, từ hồi chú còn mười lăm hay mười sáu cơ.”

“Ồ,” Yuki nói, không hề hứng thú.

Tiếp theo là Paul McCartney và rồi “Say Say Say” của Michael Jackson.

Hai chiếc cần gạt hoạt đồng hết công suất hòng gạt bay những bông tuyết. Rất ít xe cộ trên đường. Gần như hoàn toàn vắng bóng. Trong xe khá ấm, tôi lái loanh quanh, nhạc rock cũng khá dễ chịu. Thậm chí tôi cũng chẳng phàn nàn về Duran Duran(21). Tôi vừa hát vừa lái xe trên con đường thẳng tắp. Chúng tôi cứ như vậy được khoảng một tiếng rưỡi, rồi Yuki để ý thấy băng nhạc tôi mượn tại quầy thuê xe.

21. Ban nhạc rock của Anh khá nổi tiếng trong những năm 90.

“Cái gì vậy?” con bé hỏi.

“Mấy bài nhạc cũ rích ấy mà,” tôi trả lời.

“Chú bật đi.”

“Không đảm bảo là cháu thích nó đâu đấy.”

“Được mà. Chú cứ bật đi. Cháu nghe đi nghe lại một cái băng mười ngày nay rồi.”

Ngay sau khi tôi ấn nút PLAY, bài “Wonderful world” của Sam Cooke liền vang lên. Không biết nhiều về những điều trong quá khứ… Sam, bị giết khi tôi còn đang học lớp chín. Rồi tiếp theo là “Oh, Boy” của Buddy Holly, kể một gã khác đã chết. Tai nạn máy bay, “Beyond the Sea” của Bobby Darin. Cũng chết rồi. Elvis Presley “Chó săn”. Chết vì nghiện ngập. Tất cả đều đã chết. Tất cả, có lẽ trừ Chuck Berry và “Sweet Little Sixteen.” Còn tôi thì đang hát theo nhạc.

“Chú nhớ được lời bài hát đó à?” Yuki hỏi, có vẻ thật sự bị ấn tượng.

“Ai mà chẳng thế? Chú cũng từng rất mê rock như cháu ấy,” tôi trả lời. “Hồi xưa chú cứ dính lấy cái radio cả ngày không biết chán. Còn dành hết tiền tiết kiệm của mình để mua đĩa hát. Chú đã nghĩ rằng rock n roll là thứ tuyệt vời nhất mà loài người từng sáng tạo ra.”

“Còn bây giờ thì sao?”

“Thỉnh thoảng vẫn nghe. Chú thích vài bài. Nhưng chú không nghe chăm chú nữa và cũng không còn nhớ được tất cả lời bài hát. Với chú, chúng không còn cuốn hút giống như trước kia.”

“Tại sao?”

“Tại sao?”

“Vâng, tại sao? Kể cháu nghe đi.”

“Có lẽ là vì sau một thời gian dài, chú nhận ra thật khó để tìm được một bài hát thật sự hay – hoặc bất cứ cái gì đó thật sự đáng giá – những thứ ấy rất khó kiếm,” tôi nói. “Cũng như khi cháu nghe radio suốt cả tiếng đồng hồ, may ra chỉ có một bài ra hồn. Còn lại chỉ là rác rưỡi được sản xuất hàng loạt. Nhưng hồi đấy chú chẳng bao giờ nghĩ về điều đó cả, có cái để mà nghe đã là tốt lắm rồi. Không quan trọng là gì. Chú từng là trẻ con, đã từng yêu. Và khi là một đứa trẻ, cháu có thể dính chặt lấy bất cứ thứ gì, thậm chí ngớ ngẩn. Cháu hiểu điều chú nói chứ?”

“Phần nào.”

“Come Go with Me” của Del Vikings vang lên và tôi hát theo đoạn điệp khúc. “Cháu chán à?” tôi hỏi Yuki. “Cũng không đến nỗi.” con bé trả lời.

“Không chán chút nào,” tôi nói thêm vào.

“Giờ chú không còn trẻ nữa, chú có còn yêu không?” Yuki hỏi tôi.

Tôi phải nghĩ về câu hỏi này. “Một câu hỏi khó,” cuối cùng tôi nói. “Cháu đã thích anh chàng nào chưa?”

“Chưa” con bé trả lời dứt khoát. “Nhưng chắc chắn ngoài kia có rất nhiều thằng đáng ghét.”

“Chú hiểu cháu muốn nói gì,” tôi nói.

“Cháu thà chỉ nghe nhạc còn hơn.”

“Chú hiểu cháu muốn nói gì.”

“Chú hiểu ư?” con bé ngạc nhiên.

“Thật mà, chú hiểu chứ,” tôi nói. “Có người nói đó là khuynh hướng thoát ly thực tế. Nhưng với chú thì thế lại hay. Chú sống cuộc sống riêng của mình, và cháu cũng vậy. Nếu biết rõ những điều mình muốn, cháu có thể sống theo bất cứ cách nào tùy thích. Chú mặc kệ những điều người ta nói. Họ có bị làm thức ăn cho bò sát chú cũng không quan tâm. Đó là cách nhìn nhận của chú khi ở tuổi cháu, và có lẽ lúc này đây chú cũng như thế. Điều đó liệu có đồng nghĩa với việc chú chậm phát triển? Hay suốt bao năm qua chú vẫn luôn đúng? Chú vẫn đang chờ đợi câu trả lời cho câu hỏi đó.”

“Sugar Sack” của Jimmy Gilmer. Tôi huýt sáo theo nhịp suốt cả đoạn điệp khúc. Một không gian rộng lớn toàn tuyết trắng xóa bao phủ cả lề trái con đường. Chỉ một túp lều nhỏ làm bằng gỗ. Vị cà phê Espresso tuyệt ngon… 1964.

“Chú có để ý,” Yuki nhận xét, “đã có ai nói rằng chú khác biệt chưa?”

“Hmm,” tôi ậm ừ đáp lại.

“Chú lấy vợ chưa?”

“Một lần rồi.”

“Nghĩa là giờ chú đang độc thân?”

“Đúng vậy.”

“Vì sao?”

“Cô ấy bỏ chú.”

“Chú nói thật đấy chứ?”

“Tất nhiên, chú đang nói thật mà. Cô ấy bỏ đi với một người đàn ông khác.”

“Ờ.”

“Phải, sự thật là như vậy,” tôi nói.

“Nhưng có lẽ cháu hiểu tại sao cô ấy rời bỏ chú.”

“Ý cháu là gì?”

Con bé nhún vai không nói gì. Tôi cũng chẳng gặng hỏi gì thêm.

“Chú ăn kẹo cao su không?” một lúc sau nó hỏi tôi.

“Không, cám ơn cháu.”

Giờ đây, cả hai chúng tôi đang cùng ngân nga theo đoạn điệp khúc cuối bài “Suffin’ USA” của Beach Boys. Chỉ là những đoạn ngớ ngẩn nhẹ nhàng. Bên trong – bên ngoài – Nước Mỹ. Có lẽ tôi còn chưa hoàn toàn bị bỏ rơi trong cái thế giới đáng sợ chật ních “người già”.

Tuyết bắt đầu lác đác dần. Chúng tôi trở lại sân bay, trả chìa khóa ở chỗ thuê xe, làm thủ tục và ba mươi phút sau đã có mặt tại cửa lên máy bay.

Cuối cùng, máy bay cũng cất cánh sau năm tiếng trì hoãn. Yuki ngủ gục ngay khi đó. Con bé ngủ bên cạnh tôi, trông thật xinh xắn. Một tác phẩm tuyệt đẹp, tinh tế và mong manh. Cô tiếp viên mang đồ uống đến, nhìn Yuki và nở nụ cười thân thiện với tôi. Tôi cũng phải cười đáp lại. Tôi gọi một ly gin tonic. Vừa uống vừa nghĩ về Kiki. Cảnh đó liên tục tái hiện trong tâm trí tôi. Kiki và Gotanda cùng ở trên giường, làm tình với nhau. Chiếc camera xoay xung quanh. Và nàng ở đó. “Chuyện này là gì vậy?” Nàng hỏi.

Phải, chuyện này là gì vậy?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.