NHỮNG CHIẾC ĐỒNG HỒ TREO TƯỜNG

CHƯƠNG 9



Trước khi lên xe, hai người đi dọc theo phố Wilbraham Crescent, ngoặt bên phải hai lần để ra khu vực phía sau.
Thanh tra Hardcastle nói:
– Ta đến nhà họ cũng chỉ để chào vậy thôi.
– Chưa biết chừng, – Colin nói.
– Số nhà 61 chung sân vườn với nhà phu nhân Hemmings, nhưng lại có một góc liền với số nhà 19 của bà Pebmarsh.  Đấy là lý do ta có thể viện ra để chào chủ nhà bên ấy một câu. Tôi đã kiểm tra sổ đăng ký cư trú rồi. Lão thầu khoán Bland không thuê người giúp việc nào là người nước ngoài.
– Vậy là giả thuyết của mình tan thành mây khói. – Colin chán nản nói.
Đến trước cổng nhà, Colin nhìn vào vườn bên trong, nhận xét:
– Cậu nhìn xem, đúng là một hoa viên tuyệt vời!
Mà đúng thế. Quả là một khu vườn kiểu mẫu của ngoại thành. Những khóm phong lữ thảo lớn, viền xung quanh bằng hoa tím. Trong vườn đủ các loại cây cảnh xanh tươi, với những giống hoa rực rỡ, trái ngược hẳn với khu vườn phía sau của phu nhân Hemmings, hoang tàn, toàn loài cây dại.
Trong lúc thanh tra Hardcastle bấm chuông. Colin nói khẽ:
– Liệu giờ này lão ta có nhà không?
– Mình đã gọi điện báo trước cho lão rồi, yêu cầu lão ở nhà để chúng mình đến gặp.
Viên thanh tra vừa nói xong thì thấy một bóng người đi về phía cổng. Đó là một người đàn ông tầm thước, đầu hói, cặp mắt nhỏ mầu xanh lam, niềm nở:
– Thanh tra Hardcastle? Xin mời ông vào.
Chủ nhân dẫn khách vào một phòng khách hết sức sang trọng, bầy biện toàn những thứ đắt tiền.
– Mời hai ông ngồi. – Bland vẫn niềm nở. – Mời hai ông dùng thuốc? – ông ta chìa ra hộp sơn mài đựng thuốc lá.
– Cảm ơn, chúng tôi không hút, – Hardcastle nói.
– A, phải rồi, đang giờ công vụ, tôi hiểu. Hai ông đến có việc gì đấy? Tôi đoán vụ bên số nhà 19, phải không? Quả là một gốc vườn của nhà bên ấy dính với vườn của nhà tôi, nhưng chỉ trên tầng hai mới nhìn sang được bên ấy, còn dưới này chẳng nhìn thấy gì. Chuyện lạ đấy, phải không, thưa hai ông? Đấy là tôi đọc thấy trên báo.
– Xin ông nhìn thử cái này. – Hardcastle lại lôi trong túi ra tấm ảnh nạn nhân. – Thưa ông Bland, ông vui lòng cho biết ông đã nhìn thấy người này ở đâu bao giờ chưa?
Bland đỡ tấm ảnh, xem một lát rồi đáp:
– Chưa bao giờ. Mà tôi lại là chuyên gia về tướng mặt kia đấy, cho nên nếu đã gặp ai một lần, không bao giờ tôi quên.
– Người này có bao giờ đến nhà ông, mời ông mua bảo hiểm, hoặc mua thứ gì khác, máy giặt chẳng hạn, không? Chắc là không?
– Đúng thế. Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy người này.
– Liệu có thể ông ta đến đây lúc ông đi vắng, chỉ có bà nhà tiếp? Mà thậm chí ông ở nhà thì người ra mở cửa rất có thể là bà nhà, và bà đã khước từ, không tiếp ông ta.
– Đúng là nhà tôi hay ra mở cửa mỗi khi nghe thấy chuông reo. Nhưng không hiểu ông có biết bà nhà tôi không được cứng cỏi không? Tôi rất không muốn bà ấy bị xúc động. Tôi không muốn bà nhà tôi xem, dù sao cũng là ảnh một người đã chết, đúng vậy không, thưa ông thanh tra?
– Đúng thế, – Thanh tra Hardcastle nói. – Nhưng tôi thấy tấm ảnh này có vẻ gì khủng khiếp đâu?
– Tôi công nhận. Chụp rất khéo, trông chỉ tưởng là người đang ngủ.
– Ai vừa nói đến tôi đấy à, ông Josaiah?
Cửa mở, một phụ nữ trung niên bước vào. Có vẻ bà ta nấp sau cánh cửa rình nghe câu chuyện diễn ra ngoài phòng khách.
– A! Nhà tôi đây rồi, – Bland nói. – Tôi tưởng bà chưa dậy.
Bà Bland nói rất khẽ:
– Vụ án mạng khủng khiếp quá! Chỉ nghe nói đến, tôi đã run bắn lên rồi.
Bà ta thở hổn hển rồi gieo mình xuống đi văng.
– Mình cho cả hai chân lên mà nằm nghỉ đi, – Bland nói.
Bà vợ ông ta làm theo lời chồng. Đó là một phụ nữ tóc vàng, da xanh lướt, kiểu người thiếu máu nặng. Nhìn bà ta, bỗng thanh tra Hardcastle có cảm giác hình như đã gặp bà ta ở đâu rồi, nhưng ông không thể nhớ ra đã gặp bà ta ở đâu. Cố lục trong ký ức mà vẫn không nhớ được ra bà ta giống ai.
Giọng rên rỉ, bà Bland nói tiếp:
– Thưa ông thanh tra, tôi không được khỏe lắm. Chính vì thế mà chồng tôi cố tránh cho tôi mọi xúc động mạnh. Tôi bị suy nhược thần kinh mà. Các ông vừa nói đến tấm ảnh một người chết… hình như thế. Ôi, khủng khiếp quá, lạy Chúa tôi! Không biết tôi có đủ can đảm để nhìn vào tấm ảnh ấy không đây?
“Bà ta thèm rõ rãi được xem ấy chứ”, thanh tra Hardcastle thầm nghĩ, rồi láu lỉnh khích thêm:
– Tôi nghĩ là bà không nên nhìn vào đó, thưa bà Bland. Tôi chỉ nghĩ muốn bà nhìn vào, để xem người trong ảnh có lần nào đến gõ cửa nhà bà không, có vậy thôi.
– Nếu vậy thì bổn phận của tôi là phải giúp nhà chức trách, cho dù tôi phải cố gắng đến mấy, – Bà ta nói và làm ra vẻ lấy hết dũng khí.
Bà ta chìa tay.
– Nhưng mình có nên cố gắng đến như vậy không, mình thân yêu? – Bland nói.
– Khi nhà chức trách đã yêu cầu thì ta không được quyền thoái thác.
Bà ta đỡ tấm ảnh, ngắm nghía hồi lâu rồi làm ra vẻ khinh bỉ – ít nhất thì đấy cũng là cảm giác của Hardcastle.
– Trông có vẻ… Đúng là trông không có vẻ một người chết, nhất là một người bị giết. Y bị giết cách nào vậy? Bóp cổ phải không?
– Bị đâm, – viên thanh tra nói.
Run rẩy, bà ta nhắm nghiền mắt.
– Bà đã bao giờ nhìn thấy người này chưa, thưa bà Bland?
– Chưa bao giờ, – bà ta đáp bằng giọng cố làm ra vẻ ghê tởm. – Chưa. Tôi tin là như thế. Phải chăng y là kẻ lang thang , mò đến các nhà?
– Theo tôi đoán, thì ông ta là nhân viên một Công ty Bảo hiểm, – Hardcastle dè dặt nói.
– Y là họ hàng của bà Pebmarsh ạ?
– Không. Bà Pebmarsh nói hoàn toàn không biết người này.
– Lạ đấy, – Bà Bland nói.
– Bà quen biết bà Pebmarsh?
– Chỉ biết với tính chất hàng xóm thôi. Bà ấy hay hỏi ý kiến ông chồng tôi về cách chăm sóc cây cối trong khu vườn.
– Trưa hôm qua hai ông bà có ở nhà chứ? Và nếu vậy, tôi đoán ông và bà có nghe thấy tiếng động lạ bên số nhà 19?
– Buổi trưa ạ? Vào giờ xảy ra vụ án mạng? – Bland hỏi.
– Đúng ra là từ một đến ba giờ, đấy là quãng thời gian chúng tôi quan tâm.
Bland lắc mái đầu hói:
– Lúc đó tôi ở trong nhà, nên không nhìn thấy gì bên ngoài. Tôi và bà nhà tôi ngồi ăn trong phòng ăn, cửa sổ lại trông ra phố, cho nên không biết những gì xảy ra trong vườn.
– Hai ông bà dùng bữa trưa lúc mấy giờ?
– Khoảng một giờ,hôm nào muộn thì là một rưỡi.
– Sau đó hai ông bà không ra ngoài nữa?
– Bao giờ ăn xong, nhà tôi cũng phải nằm nghỉ. Cả tôi cũng vậy, nếu không vướng chuyện gì đặc biệt, tôi thường làm một giấc ngắn. Tôi ra khỏi nhà lúc hai giờ bốn mươi nhăm, hình như thế. Nhưng rất tiếc là tôi không ra vườn trong thời gian đó.
Thanh tra Hardcastle thở dài:
– Không sao. Chúng tôi buộc phải hỏi mọi người những câu như thế thôi.
– Tôi hiểu. Rất tiếc là chúng tôi không giúp gì cho ông thanh tra được.
Thanh tra Hardcastle ngắm gian phòng:
– Đẹp quá! Rõ ràng hai ông bà không tiếc tiền mua sắm.
Bland cười vui vẻ.
– Tính chúng tôi thích những thứ đẹp. Bà nhà tôi rất có khiếu thẩm mỹ. Năm ngoái chúng tôi lại có được một may mắn lớn. Ông em bà ngoại của vợ tôi, đã không có liên lạc với nhau hai chục năm rồi, vậy mà trước khi qua đời lại cho vợ tôi hưởng thừa kế. Đúng là phúc lớn từ trên trời rơi xuống. Chúng tôi gần như đổi đời. Hiện nay chúng tôi thừa thãi tiền, và chúng tôi định năm nay còn đi một chuyến du lịch đường biển, sang tham quan đất Hy Lạp và một số vùng đất lý thú khác. Tôi tin là sẽ hết sức thú vị, và bổ ích nữa. Trước đây tôi chưa có điều kiện, mặc dù rất thèm đi. Thậm chí có lần tôi đã tính bán ngôi nhà này để lấy tiền sang sinh sống bên Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha hoặc Quần đảo Antilles, như nhiều người khác. Tại những quốc gia đó không phải nộp thuế thu nhập và trăm thứ vớ vẩn khác. Nhưng bà vợ tôi không chịu.
– Không phải tôi không muốn đi du lịch, – Bà Bland trình bày. – Nhưng tôi không thể tưởng tượng tôi có thể sống ở đâu khác ngoài nước Anh. Tại đây tôi có bè bạn, có bà chị, và mọi người đều biết chúng tôi. Sang nước khác, chúng tôi hoàn toàn là người xa lạ và đơn độc. Nhất là tôi đã quen chữa bệnh một ông bác sĩ ở đây rồi. Một bác sĩ khác không thể làm tôi tin cậy như ông này.
– Thôi được, chuyện ấy vợ chồng sẽ bàn sau.
Trong lúc tiễn thanh tra Hardcastle và Colin ra cổng, ông ta lại một lần nữa tỏ ý tiếc là đã không giúp ích gì được cho hai người.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.