NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

II. CỔ SỬ VỀ CỐNG RÃNH



Hãy tưởng tượng Pari được lật lên như một cái nắp thì hệ thống cống ngầm, từ trên nhìn xuống, sẽ hiện ra ở hai bên bờ sông như một cành cây lớn ghép vào con sông. Ở hữu ngạn, đường cống cái là thân cành, những cống con là những chi nhánh và các ngõ là những que, chạc.

Hình ảnh đó chỉ là đại khái và mới đúng nửa chừng bởi vì góc vuông là góc thông dụng trong loại chi nhánh dưới đất đó lại hiếm có trong thực vật.

Muốn hình dung cái bình diện hình học lạ lùng đó một cách gần gũi hơn thì nên giả thiết mình được nhìn trên một nền đen tối một loại cổ tự đông phương kỳ quặc, rối rắm, mà các chữ cái gắn vào nhau lộn xộn và như tình cờ, khi thì ở hai đầu.

Hầm rác và cống ngầm có vai trò quan trọng ở thời trung cổ, ở Hậu kỳ Đế quốc và ở cái Đông phương cổ xưa ấy. Ôn dịch sinh ra từ đó, bạo chúa chết ở đó. Công chúng kinh sợ những khu vực thối tha, những ổ chết khổng lồ đó. Hố dòi bọ ở Bênarexơ làm cho người ta choáng váng không kém hầm sư tử ở Babylon. Sách thần học Do Thái nói vua Têgla Phalada viện cái hầm rác Ninivơ để nguyền rủa. Giăng dơ Leđơ cho cái mặt trăng giả của mình hiện lên từ cống Munxtơ và kẻ đồng đạo của ông ở phương Đông là Môkana – nhà tiên tri xứ Korátxan – thì lấy cái mặt trời giả của mình từ giếng phân Kếchsép.

Lịch sử loài người phản chiếu trong lịch sử hố rác. Những thềm phơi xác tội nhân tử hình kể lịch sử La Mã. Cống Pari đã từng là một thực tế ghê gớm. Nó từng là hầm chôn, cũng đã là hố nấp. Tội ác, trí thông minh, sự phản kháng xã hội, tự do tín ngưỡng, tư tưởng, trộm cướp, nghĩa là tất những gì mà luật pháp loài người săn bắt hay đã săn bắt, đều trốn vào hố đó; bọn giặc vồ thế kỷ mười bốn, bọn ăn cắp đêm thế kỷ mười lăm, tín đồ đạo cải cách thế kỷ mười sáu, bọn đồng bóng thế kỷ mười bảy, thợ đốt lò thế kỷ mười tám đều có nấp ở đó. Một trăm năm trước, lưỡi dao găm ban đêm từ đó vung lên, thằng ăn cắp lâm nguy lánh mình xuống đó; rừng có hang, Pari có

cống. Phường ăn mày nòi coi cống là một phân khu của Khu Phép màu[405] và buổi tối, hung hãn và ngạo ngễ, họ rút xuống lối thoát Môbuyê như về một buồng ngủ.

Những ai ban ngày hoạt động ở ngõ cụt Móc-hầu-bao hay ở phố Cắt-cổ thì tự nhiên dùng cái cầu một nhịp ở Đường xanh hay khu đứng gió Huyarơpoa làm chỗ trọ ban đêm. Do đó, vô khối kỷ niệm còn lưu truyền lại. Đủ mọi thứ ma hiện lên ở những hành lang dài vắng vẻ ấy. Thối mục và uế khí khắp cả. Đây đó một lỗ thông hơi mà Vilông ở bên trong nói chuyện với Rabơle[406] ở bên ngoài.

Thời xưa, cống ngầm của Pari là nơi hò hẹn của tất cả những khô kiệt và những thí nghiệm. Ở đó khoa kinh tế học nhìn thấy cặn bã.

Cống ngầm là lương tâm của thành phố! Tất cả đều hội tụ ở đấy, đối diện ở đấy. Trong cảnh xám xịt ấy, có bóng tối, nhưng không còn bí mật. Mỗi sự vật mang hình thể thực của nó, hay ít nhất là hình thể hoàn bị. Đống rác rưởi có cái ưu điểm là không nói dối, nhưng người ta thấy bìa, thấy chỉ buộc, thấy bên trong lẫn bên ngoài và nó được tô bồi một lớp bùn trung thực. Cái mũi giả của Xcapanh ở cạnh nó. Tất cả những dơ bẩn của văn minh khi đã hết tác dụng, đều rơi vào cái hố ngay thật đó: cái mới kết thúc cuộc trượt dốc xã hội rộng lớn; những chất dơ bẩn ấy tụt xuống hố, nhưng phơi trải ra trong đó. Cảnh hỗn độn, ấy là một cuộc xưng tội. Ở đây không có cái dáng bên ngoài giả dối, không có vỏ bọc thanh cao: rác rưởi cởi áo trong, hiện ra hoàn toàn trần trụi; ảo tưởng, ảo hình tan biến, chỉ còn trơ cái thực tại với bộ mặt thảm hại của cảnh kết cục. Cuộc đời thực và sự hủy diệt phơi trần.

đây, một đít chai thú nhận tính nát rượu, một quai giỏ kể lại cảnh đi ở; ở đây cái lõi táo đã từng có những đề xướng kia nọ về văn học trở lại là cái lõi táo: ở đây cái mặt vua trên đồng xu đôi gỉ xanh có một cách thực thà, bãi đờm của Cayphơ gặp gỡ chỗ nôn mửa của Phanxtắp, đồng tiền vàng ở sòng bạc ra chạm cái đanh mắc đoạn dây treo cổ, cái bào thai tím ngắt được bọc trong chiếc áo lấp lánh đã nhảy múa ở nhạc kịch viện đêm thứ ba béo vừa qua, cái áo quan tòa đã xử án khối người, lăn lóc bên cạnh một vật thối tha là cái váy của một gái điếm; cảnh này đã vượt tính hữu ái mà đi

vào chung chạ thần tình. Cái gì dồi phấn tô son giờ đây nhem nhuốc loang lổ. Cái khăn mỏng cuối cùng đã vứt bỏ. Một cống ngầm là một gã trâng tráo. Cái gì nó cũng nói ra hết.

Sự thành thật của rác rưởi dễ ưa và làm cho tâm hồn ta yên tĩnh. Khi suốt ngày trên mặt đất đã phải chịu đựng cái vẻ trịnh trọng kiêu kỳ của những lý do quốc gia, những cam kết, những viễn kiến chính trị, những công bằng xã hội, những trung thực nghiệp vụ, những khắc khổ của địa vị, những mặt quan tòa tuyệt đối liêm chính, thì chúng ta thấy nhẹ người khi được đi vào cống ngầm và thấy thứ bùn nhơ thích đáng của những cái ấy.

Chúng tôi cũng học ở đấy được nhiều. Chúng tôi vừa nói lịch sử đi qua cống ngầm. Những đêm Xanh Bactêlêmy rỉ rả từng giọt qua kẽ đá. Những vụ ám sát công cộng nổi tiếng, những cuộc tàn sát chính trị và tôn giáo đi qua cái hầm ngầm của văn minh đó và đẩy xác chết vào đó. Trước con mắt của người nghĩ ngợi, tất cả những tay sát nhân lịch sử đều có mặt ở đây, trong ánh nhờ nhờ gớm ghiếc, chân quỳ, mình mang chiếc tạp dề cắt trong vải liệm, tay đang lau chùi máu nạn nhân của chúng đổ xuống. Luy XI ở đấy với Tơrixtăng, Phrăngxoa I với Đuypra, Sáclơ IX với mẹ mình, Risơliơ với Luy XIII; có Luyoa, có Lơtenliê, có Hêbe và Maia. Bọn họ đang cạo đá mong xóa nhòa dấu vết những hành động của họ. Dưới các vòm cuốn ấy, người ta nghe thấy tiếng chổi của những bóng ma kia. Người ta hít thở xú khí nặng nề của các tai họa xã hội. Người ta nhìn thấy trong các xó tối những gợn hồng lấp lánh. Những bàn tay đẫm máu đã rửa trong ngòi nước ghê gớm chảy ở đây.

Người quan sát xã hội phải vào những vùng tối này. Các vùng đó là bộ phận của Viện khảo cứu của họ. Triết học là kính hiển vi của tư duy. Tất cả đều muốn trốn tránh nó, nhưng không gì thoát được. Quanh co là vô ích. Quanh co thì phơi bày khía cạnh nào của con người? Khía cạnh xấu hổ. Con mắt chính trực của triết học theo dõi cái ác và không cho nó lẩn vào hư vô. Nó nhận ra tất, trong cảnh xóa nhòa của những sự vật hủy diệt, và trong cảnh thu nhỏ dần của những sự vật tan biến. Nó khôi phục hồng bào trên áo rách và người đàn bà trên mụn vải. Nó dựa trên hố xí mà tái tạo thành

phố, trên bùn lầy mà tái tạo phong tục. Nhìn mảnh vỡ, nó kết luận là lọ cổ hay cái vò. Từ một dấu móng tay trên giấy da bào, nó nhận ra sự khác biệt giữa phái Do Thái Giuyđăngatxơ và phái Do Thái Ghéttô. Trong những gì tồn lưu, nó tìm ra cái gì đã tồn tại, cái thiện, cái ác, cái giả, cái chân, dấu máu trong lâu đài, vết mực nơi hang hốc, giọt mỡ bò ở thanh lâu, những thử thách trải qua, những cám dỗ đã đến, những bãi nôn mửa qua say sưa chè chén, nếp nhăn của tính cách khi tụt xuống, dấu vết của bán mình ở những người vì thô bỉ mà sa đọa, và trên tấm áo của những phu khuân vác La Mã, dấu thích khuỷu tay rủ rê của hoàng hậu Métxalin.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.