NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

III. BỐN VẺ



Buổi tối, lúc chàng cởi áo đi ngủ, tay chàng bỗng thò vào túi và đụng phải cái gói nhặt được ở dưới phố. Chàng đã quên bẵng đi, chàng nghĩ rằng mở ra thì có địa chỉ của các cô con gái kia, hay dù sao cũng biết người mất của mà đem trả.

Chàng mở phong bì.

Phong bì không dán, đựng bốn bức thư cũng không dán nốt.

Địa chỉ đều có đề cẩn thận.

Cả bốn bức thư đều bốc một mùi thuốc lá hạng bét.

Bức thứ nhất đề như sau:

Kính gửi Lệnh bà Đơ Gơruysơrê hầu tước phu nhân, Quảng trường đối diện Hạ nghị viện, số nhà…

Mariuytx nghĩ thầm cứ đọc may ra thấy cái gì rõ ràng hơn; vả lại bức thư để ngỏ, có lẽ đọc cũng chẳng hại gì.

Bức thư viết như sau:

“Kính thưa hầu tước phu nhân,

Xưa nay, đức khoan dung, đức tin Chúa vẫn là mối liên hệ mật thiết[221] giữa mọi người trong xã hội. Vì Chúa, xin Bà lớn hãy rủ lòng thương tới một kẻ vì lòng chân thực và vì lòng chung thành với dòng chính thống thiêng liêng mà phải từ bỏ đất Tây Ban Nha, phải hy sinh cả xương máu, của cải để bảo vệ lấy chính nghĩa; kẻ ấy ngày nay đang sống trong cảnh khốn cùng. Kẻ ấy mong rằng tấm lòng cao quý của Bà lớn sẽ giúp đỡ cho kẻ thuộc dòng máu binh sĩ vinh quang đầy thương tích này được sống

qua cơn hoạn nạn. Kẻ ấy tin tưởng ở lòng dân đạo của Bà lớn, ở sự quan tâm của Bà lớn tới một quốc gia gặp bước gian nan. Kẻ ấy tin rằng lời cầu khẩn ấy sẽ không phải là vô ích và ơn ấy sẽ ghi lòng tạc dạ.

Kẻ được hân hạnh dâng lên Bà lớn những lời chúc tụng kính mến nhất, thưa Bà lớn.

ĐÔNG ANVARE

Đại úy kỵ binh quân đội Tây Ban Nha: thuộc phái bảo hoàng,

Hiện tị nạn ở nước Pháp. Kẻ này vì Tổ quốc mà phải lưu vong, nay hết cả tiền bạc nên phải dừng lại ở đây”.

Dưới là chữ ký, không ghi địa chỉ gì hết. Mariuytx hy vọng tìm thấy địa chỉ ở bức thư thứ hai, bức thư này viết như sau:

Kính gửi bà Đơ Môngvecne bá tước phu nhân; phố Cátxét, số nhà…

Mariuytx giở ra đọc:

“Kính thưa bá tước phu nhân,

Kẻ viết là thư này là mẹ sáu đứa trẻ, đứa bé nhất mới được tám tháng. Từ khi sinh cháu bé, thiếp ốm nặng, chồng thiếp bỏ đi từ năm tháng nay, hiện mẹ con thiếp sống trong cảnh cùng cực, không nơi nương tựa.

Thiếp hy vọng ở lòng dân đạo của bá tước phu nhân và xin kính chào phu nhân.

Người đàn bà Badida”.

Mariuytx giở đến bức thứ ba, cũng như hai bức thư trên, bức thư này là một lời kêu xin; bức thư viết như sau:

“Kính gửi ông Pabuốcgiô, cử tri, đại thương gia buôn mũ, phố Xanh Đơni, góc phố Phe.

Chúng tôi xin mạng phép gửi ngài bức thư này để mong ngài giúp đỡ và thương lấy một nhà văn sĩ vừa gửi đến Hý viện nước Pháp một bản kịch. Đề tài là một đề tài lịch sử, chuyện xảy ra ở Ôvecnhơ, dưới thời đế chế. Văn chương, tôi thiết nghĩ, cũng tự nhiên, gọn gàng và có đôi chút giá chị. Có cả bốn đoạn ca xen trong vở kịch. Vở của tôi có đủ tình tiết hài hước, nghiêm trang, đột ngột, theo từng cá tính nhân vật. Một hương vị lãng mạn bàng bạc toàn tác phẩm. Động tác diễn biến bí mật với những tình tiết ly kỳ và kết thúc bằng những kịch cảnh nảy lửa.

Mục đích chính của tôi là làm thỏa mãng dục vọng hiện sôi nổi trong lòng của thời đại chúng ta, tức là vấn đề Thời chang, cái chong chóng kỳ lạ luôn luôn đổi chiều, mỗi lần có gió mới thổi lên.

Mặc dù những cái hay đẹp ấy, tôi vẫn ngại rằng sự ghen tị, lòng ích kỷ của các nhà văn đã sẵn có đặc quyền lại rìm các tác phẩm của tôi, bởi vì tôi hiểu rằng người ta dành cho những kẻ mới vào nghề đủ mọi điều cay đắng.

Thưa ngài, tôi biết ngài là một vị Mạnh thường quân sáng suốt của giới văn học nên đánh bạo cho con gái tôi đến để giãi bày với ngài tình cảnh khốn khó của tôi, hiện mùa đông này trong nhà củi không, bánh cũng không. Tôi xin ngài cái vinh dự được tặng ngài vở kịch trên, cũng như những vở sau này, chính là vì tôi muốn có hân hạnh được ngài bảo chợ, được nêu tên ngài trên sách của tôi. Nếu ngài ra tay cưu mang tôi lúc này, tôi sẽ viết một bài thơ để tạ ơn ngài. Bài thơ này, tôi cố gắng viết cho thật hoàn hảo để kịp đưa hầu ngài xem, rồi in lên đầu vở kịch và ngâm trên sân khấu.

Kính gửi ông bà lời chào kính trọng

GIĂNG PHƠLÔ, nhà văn.

T.B. Dù chỉ là bốn mươi xu thôi.

Tôi xin lỗi ngài đã phải cho con gái tôi đến hầu ngài, đáng lẽ tôi thân đến mới phải, nhưng quần áo tồi tàn quá, tôi không thể ra đường được…”

Mariuytx mở bức thứ tư. Địa chỉ đề như sau: “Kính gửi cụ có lòng từ thiện ở nhà thờ

Xanh Giắc đuy Hôpa”. Chỉ có mấy dòng sau đây:

“Thưa cụ có lòng từ thiện,

Nếu cụ quá bộ đến nhà chúng tôi, cụ sẽ thấy một cảnh hoạn nạn khốn cùng, chúng tôi sẽ trình cụ đủ giấy tờ chứng thực tình cảnh của chúng tôi.

Thấy những giấy tờ ấy, tấm lòng nhân hậu của cụ sẽ dung động một nỗi cảm thương hào hiệp. Xưa nay các bậc hiền triết thường vẫn cảm súc mãnh liệt.

Cụ vốn giàu lòng chắc ẩn, xin cụ cũng hiểu cho rằng con người ta có túng thiếu đến cùng cực và khổ tâm lắm mới xin giấy nhà nước chứng thực cho tình cảnh của mình, để mong được giúp đỡ chút nào, làm như thể là mình không được tự do đau khổ, tự do chết đói.

Số mệnh đối với một số người thì quá tàn nhẫn, đối với những người khác lại quá dễ dãi, luôn luôn phù trợ.

Chúng tôi chờ mong cụ đến đằng nhà chúng tôi hoặc được ít tiền giúp đỡ. Xin kính chào cụ, một bậc chượng phu đại lượng.

Người đội ơn cụ: P.PHABĂNGTU, nghệ sĩ sân khấu”.

Đọc bốn bức thư xong, Mariuytx vẫn không hiểu gì thêm.

Trước hết, những người ký tên đều không đề địa chỉ.

Sau là hình như bốn bức thư do bốn người viết khác nhau: nhà quý tộc Anverét, bà Balida, thi sĩ Giăngphơlô và nghệ sĩ Phabăngtu, nhưng có cái lạ là cũng một thứ chữ.

Chắc chắn là một người viết, không thể khác được. Vả cứ xem cùng một thứ giấy xấu, ngả vàng, cùng một mùi thuốc lá và dù người viết có cố gắng thay đổi giọng văn, nhưng cũng những lỗi chính tả giống nhau, cứ đàng hoàng lặp lại trong bức thư của

nhà văn Giăngphơlô cũng như của viên đại úy Tây Ban Nha, thì lời ức đoán trên càng có phần đúng.

Cố sức mà đoán cái việc bí mật nhỏ nhặt này cũng chẳng ích lợi gì. Nếu không phải là vật tìm thấy thì hẳn là một trò đùa nhạo. Mariuytx buồn quá chẳng thấy thú vị gì với cái trò chơi hú họa ấy; chàng tưởng như vỉa hè ngoài phố bày đặt ra cái trò ấy để giễu cợt chàng. Chàng lúng túng với bốn bức thư như đang cười cợt chàng.

Chẳng có gì tỏ rằng những bức thư kia là của hai cô con gái gặp ở phố. Dù sao, những bức thư ấy cũng chỉ là những tờ giấy lộn, chẳng có chút giá trị gì.

Mariuytx để cả vào phong bì, vứt vào một xó rồi đi nằm.

Khoảng bảy giờ sáng hôm sau, chàng vừa dậy, ăn sáng xong, định thử làm việc thì có tiếng gõ cửa nhè nhẹ.

Nhà chẳng có gì nên chìa khóa bao giờ cũng móc ở ổ khóa. Họa hoằn một vài khi bận việc khẩn cấp lắm, chàng mới khóa cửa. Ngay những lúc chàng đi vắng, chìa khóa vẫn nằm yên ở cửa. Bà Bugông vẫn bảo chàng:

Rồi ông đến mất cắp thôi. Mariuytx trả lời:

Mất cái gì?

Ấy thế mà một hôm Mariuytx mất một đôi giày cũ: bà Bugông ra vẻ đắc chí lắm.

Lại có tiếng gõ cửa, tiếng gõ nhè nhẹ như lần trước, Mariuytx nói:

Cứ vào. Cửa mở.

Mariuytx, mắt không rời quyển sách và những tờ giấy để trên bàn, nói tiếp:

– Bà Bugông hỏi gì đấy?

Một giọng nói, không phải tiếng bà Bugông, trả lời:

– Xin lỗi ông, thưa ông…

Tiếng nói đùng đục, rè rè, khàn khàn như nghẹn ngào, giống như tiếng nói của cụ già bị rượu mạnh làm cho khản giọng.

Mariuytx quay phắt lại thì thấy một thiếu nữ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.