NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

III. MARIUYTX TRƯỞNG THÀNH



Bấy giờ Mariuytx hai mươi tuổi. Anh đã xa rời ông anh ba năm. Quan hệ giữa hai người không có gì thay đổi, không ai nghĩ đến chuyện hòa hợp, đến chuyện tìm gặp nhau. Vả lại gặp nhau để làm gì? Để rồi lại xung đột hay sao? Ai sẽ thắng ai? Mariuytx là cái lọ đồng, nhưng lão Gilơnoócmăng là cái bình sắt.

Nhưng phải nói là Mariuytx không hiểu lòng ông anh. Anh cho rằng ông anh chưa bao giờ yêu anh, cái con người cộc lốc, phũ phàng, cười cợt, luôn mồm văng tục, la hét, giận dữ, luôn luôn giơ gậy chực đánh người ta, chỉ có thể có cái cảm tình hời hợt và khắc khổ của những lão Giêrôngtơ hài kịch. Nhưng Mariuytx lầm. Có những người cha không yêu con, không có người ông nào không yêu cháu.

Thực ra, như chúng tôi đã nói, lão Gilơnoócmăng yêu say mê Mariuytx nhưng yêu theo cái lối của lão: vừa yêu vừa mắng mỏ, có khi đánh đập nữa. Đứa cháu đi mất, lão thấy trong lòng một lỗ hổng tối đen. Lão cấm không ai được nói đến thằng cháu ấy, nhưng lão lại tiếc là mọi người tuân lệnh lão triệt để quá. Lúc đầu lão nghĩ rằng cái thằng tín đồ của Buyônapáctơ ấy, cái thằng Giacôbanh, cái thằng khủng bố, cái thằng sát nhân tháng chín ấy sẽ trở lại. Nhưng hết tuần này đến tuần khác, hết tháng này đến tháng khác, hết năm này đến năm khác, lão Gilơnoócmăng thất vọng thấy cái thằng khát máu không trở về. Lão bảo: “Ta cũng không thể nào không đuổi nó đi được” và lão tự hỏi: “Nếu phải làm lại như thế, ta có đuổi nó nữa không?”. Lòng tự ái bảo ngay lão: đuổi; nhưng cái đầu bạc phơ của lão lắc bảo: không. Nhiều lúc lão thấy chán nản. Lão thiếu Mariuytx. Người già cần sự trìu mến quấn quít như cần ánh nắng. Sự trìu mến cũng nóng ấm. Mặc dầu bản chất lão vững chãi, sự vắng mặt của Mariuytx cũng làm lão thay đổi trong người. Lão thề nhất định không tự mình dịch đến cái “thằng nhãi kỳ quặc” ấy, nhưng lão đau khổ. Lão không hỏi thăm tin tức cháu, nhưng lão luôn nghĩ đến cháu. Càng ngày lão càng sống riêng lẻ, xa mọi người, trong cái nhà ở xóm Mare. Lão vẫn vui tính và vẫn cộc cằn như xưa, nhưng cái vui của lão có cái gì cứng rắn bất thường như bên trong có lẫn đau khổ, giận dữ và mỗi khi gắt gỏng xong

lão lại chán nản, âm thầm. Thỉnh thoảng lão nói: hừ nếu thằng nhãi ấy mà về đây thì phải xem cái tát của ta.

Còn bà dì, bà này có suy nghĩ gì đâu mà biết yêu cho lắm. Đối với bà, Mariuytx chỉ còn là một cái bóng đen mờ mờ, bà nghĩ đến con mèo, con vẹt mà chắc bà có nuôi, nhiều hơn là nghĩ đến Mariuytx.

Mối đau buồn kín đáo của lão Gilơnoócmăng càng tăng vì lão chất chứa bên trong, không để lộ cho ai biết tí gì. Nỗi buồn của lão như những cái lò mà người ta mới chế, đốt luôn cả khói. Thỉnh thoảng có người quan tâm một cách vô duyên nhắc đến Mariuytx và hỏi: ông cháu cụ bây giờ ra sao, hay bây giờ làm gì? Ông lão tư sản già ấy gặp lúc đang buồn thì thở dài mà trả lời, gặp lúc muốn ra vẻ vui thì vừa búng tay áo vừa nói: – Ngài nam tước Pôngmécxi đang làm thầy cò thầy kiện ở một xó nào đấy.

Trong khi ông lão hối tiếc thì Mariuytx lại vui thích. Đối với những con người tốt, sự đau khổ làm cho lòng bớt hờn oán. Anh nghĩ đến ông mà không giận, nhưng anh đã quyết định không nhận một xu nào của con người đã xử tệ với cha anh. Cái phẫn uất lúc đầu của anh đã dịu đi chỉ còn thế thôi. Hơn nữa, anh thấy vui thích trong sự đau khổ và muốn đau khổ hơn nữa. Đau khổ vì cha anh. Anh thỏa mãn và thích thú sống kham khổ như vậy. Anh vui vẻ, tự nhủ rằng thế là còn ít đây: rằng đó là một cách chuộc tội và nếu không chịu đau khổ như vậy, thì sau này anh sẽ bị trừng phạt cách khác vì anh đã thờ ơ bội bạc với cha anh, một người cha như vậy. Không lý nào cha anh phải chịu tất cả đau khổ, còn anh thì thảnh thơi sung sướng! Việc làm của anh, sự thiếu thốn của anh thấm vào đâu so với cuộc đời anh dũng của cha anh? Chỉ có một cách gần gũi được tâm hồn của cha anh, giống cha anh, là dũng cảm chống với nghèo khổ như cha anh đã anh dũng chống kẻ thù. Chắc cha anh cũng đã nghĩ như vậy khi giối lại cho anh: con tôi sẽ xứng đáng. Những lời nói ấy, Mariuytx vẫn mang ở trong lòng, tuy anh không đeo ở trên ngực cái bút tích của cha anh đã bị mất.

Cái ngày ông anh đuổi anh, anh còn là một đứa trẻ, bây giờ anh đã là người lớn. Anh cảm thấy như thế. Sự nghèo khổ đã giúp ích cho anh. Nghèo khổ trong tuổi trẻ có cái tốt là hướng tất cả nghị lực vào sự cố gắng và làm cho tâm hồn vươn lên. Nghèo khổ

bóc trần cuộc sống vật chất ra trước mặt, làm cho người ta khao khát cuộc sống lý tưởng. Người thanh niên giàu có sẵn trăm trò tiêu khiển sang trọng và thô bỉ: đua ngựa đi săn, nuôi chó đẹp, hút thuốc lá cờ bạc, tiệc tùng và tất cả những cái khác nữa, thỏa thích cái phần thấp kém của tâm hồn và làm hại cái phần cao quý thanh tao. Anh thanh niên nghèo khổ kiếm bữa ăn đã nhọc nhằn, ăn xong chỉ còn có cái thú mơ mộng. Anh đi dự những cuộc giải trí mà Chúa cho không phải mất tiền: anh nhìn trời xanh, không gian, trông sao, ngắm hoa, nhìn những đứa trẻ thơ, nhìn loài người trong đó có anh đau khổ, nhìn thiên nhiên trong đó anh được thảnh thơi. Nhìn mãi nhân loại thấy được lòng người, nhìn mãi thiên nhiên thấy được Chúa. Anh mơ mộng và cảm thấy mình lớn lao, anh lại mơ mộng nữa và cảm thấy lòng dạt dào tình cảm. Từ cái ích kỷ của người đau khổ anh tiến lên chỗ cảm thông của người suy tưởng. Một mối tình cảm cao quý nảy nở trong tâm hồn anh: quên mình và thương xót mọi người. Anh nghĩ đến những thích thú vô cùng mà thiên nhiên dành cho, phung phí cho những tấm lòng rộng mở và không ban cho những tâm hồn khép kín và người triệu phú tinh thần ấy đâm ra thương hại những kẻ triệu phú tiền bạc, ánh sáng tràn vào trí tuệ đến đâu thì căm hờn tan dần đến đấy. Vả lại anh có khổ thật không? Không. Cái cảnh nghèo khổ của một thanh niên không bao giờ là sự khốn khổ đáng thương, bất cứ một người trai trẻ nào dù nghèo khổ đến đâu, với thân thể cường tráng, lành mạnh, bước chân nhanh nhẹn, cặp mắt tinh ranh, dòng máu sôi nổi, mớ tóc đen nhánh, đôi má mơn mởn, miệng cười hồng tươi, hàm răng trắng ngà của anh, cũng làm cho vị hoàng đế già nua cằn cỗi phải thèm thuồng. Mỗi ngày anh mỗi làm việc để kiếm bữa ăn cho ngày ấy; bàn tay anh càng lao động để có ăn chừng nào thì sống lưng anh càng đứng thẳng lên kiêu hãnh, khối óc anh giàu thêm tư tưởng chừng ấy. Công việc làm xong, tâm hồn anh lại chơi vơi trong nguồn vui vô tận của thiên nhiên, lại mơ tưởng, chiêm ngưỡng những cảnh đẹp, lòng vui không tả được. Chân anh bước trong đau khổ, khó khăn, trên gạch đá, trên chông gai, có khi trong bùn thối, nhưng đầu anh vươn lên trong ánh sáng. Anh cương nghị, thanh thản, êm ái, dịu hiền, nghiêm nghị, thoải mái, dễ dàng, rộng lượng. Và anh cảm tạ Chúa đã ban cho anh hai nguồn phong phú mà kẻ giàu không có được: lao động làm cho con người tự do và tư tưởng làm cho con người xứng đáng.

Đó là những điều đã xảy ra đối với Mariuytx. Nói cho đúng, anh cũng hơi quá trầm tư. Từ ngày sinh kế của anh đã có phần chắc chắn, anh không làm hơn nữa, anh thấy rằng thiếu thốn một chút cũng hay, anh làm ít đi để suy nghĩ nhiều hơn. Nghĩa là có những khi cả ngày anh tư lự, trầm ngâm để tâm hồn chìm đắm say sưa trong cõi mênh mông của nội tâm. Anh đã đặt vấn đề đời anh như thế này: làm công việc cụ thể ít nhất để làm những việc vô hình nhiều nhất, nói cách khác là chỉ dành cho cuộc đời thực tại vài giờ còn tất cả để mơ tưởng trong vô tận. Anh cho rằng anh không thiếu gì và không nhận ra rằng mơ mộng kiểu như vậy chung quy chỉ là một hình thức lười biếng, rằng anh mới chỉ khắc phục những yêu cầu đầu tiên của cuộc sống, đã muốn nghỉ ngơi sớm quá.

Nhưng đối với tâm hồn cương nghị và giàu tình cảm của Mariuytx, tình trạng ấy chỉ là chốc lát thôi, khi gặp những rắc rối tất yếu của số mệnh, anh sẽ tỉnh dậy ngay.

Tuy là luật sư anh không biện hộ cho ai cả, cũng không làm thầy cung thầy cò cho ai như lão Gilơnoócmăng tưởng. Anh còn mải mơ mộng. Gặp gỡ bọn thầy cò, ra tòa án, tìm khách hàng, anh chán những việc ấy lắm. Để làm gì? Không có lý do gì để thay đổi công ăn việc làm cả. Cái cửa hàng sách không tên tuổi kia đã cho anh một việc làm chắc chắn, một việc làm nhẹ nhàng mà anh cho là đủ rồi.

Một trong các chủ hiệu sách đã giao công việc cho Mariuytx là ông Maginen, ngỏ ý muốn Mariuytx đến ăn ở nhà ông ta, ông sẽ có công việc đều đặn cho Mariuytx làm và trả một nghìn năm trăm phơrăng một năm. Đành là tốt! Nhưng mất tự do! Làm một anh làm công! Một văn sĩ làm mướn! Mariuytx nghĩ rằng nhận lời thì đời sống sẽ được khá hơn những cũng hèn hơn, thêm no đủ những bớt phẩm giá. Đem cái đời nghèo khổ trọn vẹn và đẹp đẽ mà đổi lấy một cuộc sống lúng túng xấu xa, khả ố; tựa như một người mù mà hóa chột. Anh không nhận.

Mariuytx sống cô đơn. Anh vốn thích không dính líu đến cái gì và cũng vì bị bất ngờ, bỡ ngỡ, anh quyết định không gia nhập nhóm Ănggiônrátx. Nhưng họ vẫn là những người bạn tốt sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau. Mà cũng có thế thôi. Mariuytx có hai người bạn thân: một trẻ là Cuốcphêrắc, một già là ông Mabớp. Anh ưa ông Mabớp hơn. Nhờ

ông mà có sự biến đổi cách mạng trong người anh, nhờ ông mà anh biết và yêu cha anh. Anh bảo rằng Mabớp đã chữa anh khỏi bệnh thong manh.

Cái ông quản lý nhà chung ấy đã thực sự có tác dụng quyết định.

Tuy nhiên ông cũng chỉ là con người thừa hành bình thản, yên lặng, ý đồ của thượng đế. Như một cái đèn có người mang đến, ông đã soi cho Mariuytx thấy những điều đó mà ông không ngờ; ông là cái đèn chứ không phải là người cầm đèn.

Còn sự biến đổi chính trị trong con người Mariuytx ông Mabớp không thể hiểu được, ông cũng không thể muốn được như vậy và lái đi như vậy.

Sau này ta còn gặp ông Mabớp, cho nên cũng cần nói vài lời về ông ta.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.