NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

IX. MỤ VITUYẾCNIÊNG THÀNH CÔNG



Cái mụ góa của ông thầy tu ấy mà được việc. Thật ra ông Mađơlen không biết gì về chuyện đó cả.

Những chuyện như thế thường thấy trong đời, do bao nhiêu sự việc chồng chéo nhau mà sinh ra.

Ông Mađơlen vốn không mấy khi lui tới chỗ phân xưởng phụ nữ. Ông giao bộ phận này cho một bà cao tuổi mà không chồng, do cha xứ giới thiệu. Ông tin cậy người nữ giám thị ấy và bà này cũng là người đứng đắn, cương quyết, công bằng, liêm chính, giàu lòng từ thiện. Nhưng lòng từ thiện của bà ấy là thứ từ thiện chỉ biết bố thí mà không biết thông cảm cảnh ngộ và dung thứ lỗi lầm. Ông Mađơlen giao cho bà ta định đoạt mọi việc. Những người tốt nhất cũng nhiều khi bắt buộc phải ủy một phần quyền hành của mình cho người khác. Cũng vì sẵn có quyền tối cao đó và tin tưởng là mình làm đúng, cho nên bà giám thị đã thẩm tra, xét xử, lên án và thi hành bản án Phăngtin.

Còn như số tiền năm mươi phơrăng thì bà ta trích ở quỹ ông Mađơlen giao cho để giúp đỡ các chị công nhân, không phải báo cáo lại.

Phăngtin đi xin ở mướn. Chị đi hết nhà này qua nhà khác mà chẳng có ai chịu mướn. Chị không thể bỏ đi đâu được. Lão lái đã bán chịu đồ đạc cho chị, – mà đồ đạc đâu có ra hồn đồ đạc – dọa chị là hễ chị bước ra khỏi đất ấy, thì lão sẽ đi thưa chị là người ăn cắp. Lão chủ nhà mà chị còn nợ tiền buồng bảo: “Chị vừa trẻ lại vừa đẹp làm gì mà không trả được nợ?” Chị đem số năm mươi phơrăng chia ra trả cho hai bên ấy và hoàn lại ba phần tư đồ đạc. Chị chỉ giữ vài thứ quá cần thiết. Thất nghiệp, tay không, chị chỉ còn độc một chiếc giường và mang nợ quãng một trăm phơrăng.

Chị nhận khâu thuê sơ mi lính bằng vải thô kiến được mười hai xu một ngày. Thế mà mỗi một khoản con chị cũng đã phải chi mất mười xu rồi. Đây là thời kỳ gửi tiền trả cho nhà Tênácđiê thất thường.

May sao cái bà già thường ngày vẫn đốt đèn cho chị lúc chị về khuya, lại dạy cho chị cách sống trong nghèo khổ. Biến lối sống với rất ít tiền, còn lối sống không có một trinh, một chữ. Đó là hai cái buồng: một buồng mập mờ, một buồng tối om.

Mùa đông Phăngtin tập bỏ hẳn lò sưởi. Phăngtin dứt được với con chim nuôi chơi, nó ăn hai ngày một trinh hạt kê, chị học cách lấy váy làm chăn và lấy chăn làm váy, cách ghé cửa sổ để ăn cơm dưới ánh đèn hàng xóm cho đỡ tốn nến nhà mình. Có ai biết với một xu, những con người yếu hèn sống già đời trong cảnh khốn cùng và lương thiện, đã tiêu dùng được những việc gì. Phải biết là tài tình! Thật là tài tình. Phăngtin đã học được cái tài đó, vì thế chị cũng bớt thất vọng phần nào.

Dạo ấy, chị nói với một bà láng giềng: – “Chà! Tôi nghĩ rằng cứ ngày ngủ năm giờ, còn thì ngồi mà khâu may, chẳng gì cũng kiếm được tạm đủ cơm ăn. Vả lại, đã buồn cả ruột thì ăn cũng chẳng là bao. Ôi chao! Những sự đau đớn và lo âu phiền muộn cộng với ít bánh mì, thế cũng đủ sống rồi”.

Trong cảnh cùng quẫn ấy, nếu có con bé bên cạnh thì hạnh phúc biết bao nhiêu. Chị nghĩ đến việc đưa con về. Nhưng về thế nào được! Về để cùng nhịn đói nhịn khát ư? Vả lại, còn thiếu tiền của Tênácđiê thì sao? Lấy gì mà trả? Còn tiền ăn đường đào đâu ra?

Bà già dìu dắt Phăngtin trong cảnh nghèo nàn đó là một bà già nhân hậu, tên là Mácgơrít. Bà một lòng ngoan đạo, thờ Chúa, bà nghèo nhưng hảo tâm với người khốn khổ và cả với người giàu sang. Bà chỉ biết viết một chữ tên và tin Chúa, đó mới thực là tri thức chân chính.

Có rất nhiều những người đạo đức như thế ở các bậc thang thấp nhất trong xã hội. Một ngày kia họ sẽ lên trên, lên trời. Đời sống như thế ắt phải có hậu.

Những ngày đầu mất việc, Phăngtin xấu hổ quá không dám đi đâu cả. Mỗi khi ra phố, chị cảm thấy ai cũng trông theo chị mà chỉ trỏ. Ai cũng giương mắt nhìn chị mà không thèm chào hỏi: sự khinh bỉ chua chát, lạnh lùng của kẻ qua đường xoáy vào thịt da,

tâm hồn chị, buốt như ngọn gió bấc.

tỉnh nhỏ, người đàn bà xấu số thấy như mình đứng trần truồng trước những lời chế giễu và con mắt tò mò của mọi người. Ở Pari còn được một điều là chẳng ai biết đến ai; sự vô danh che thân ta như là quần áo. Chao ôi! Chị ao ước được về Pari biết bao! Nhưng không có cách.

Rồi chị cũng phải quen với sự khinh bỉ cũng như đã quen với cảnh túng đói. Lâu dần chị cũng dứt khoát. Hai ba tháng sau, chị rũ bỏ sự hổ thẹn, đi lại ngoài phố như không có chuyện gì xảy ra. Chị thầm bảo: “Cóc cần!” Và chị đi lại, đầu ngẩng cao, nụ cười ngao ngán. Chị cảm thấy mình đương hóa ra trâng tráo.

Đôi khi mụ Vituyếcniêng tựa cửa nhìn chị đi qua. Mụ nhận thấy cảnh cùng đồ của chị. Mụ lấy làm khoái chí vì đã làm cho ngữ ấy không thể lộn sòng được. Cái khoái chí của lũ độc ác sao mà đen tối thế!

Phăngtin lao lực quá nên suy yếu đi, bệnh ho khan càng tăng. Chị thường bảo bà

Mácgơrít:

– Bà thử sờ xem, tay tôi nóng chửa!

Tuy thế, mỗi buổi sáng, khi chiếc lược sún chải vào mớ tóc vàng buông xõa óng như tơ, thì trong giây phút chị lại cảm thấy vui vui, vì đẹp.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.