NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

QUYỂN IX: ĐÊM TỐI CUỐI CÙNG, BÌNH MINH CUỐI CÙNG: I. THƯƠNG XÓT NGƯỜI ĐAU KHỔ, RỘNG LƯỢNG ĐỐI VỚI NGƯỜI SUNG SƯỚNG



Hạnh phúc là một điều đáng sợ. Khi người ta sung sướng, người ta dễ thỏa mãn. Người ta cho thế là đủ rồi. Nắm được cái mục đích giả của cuộc đời là hạnh phúc, người ta quên cái mục đích chân chính là nghĩa vụ.

Tuy vậy nếu kết tội Mariuytx cũng không đúng.

Chúng tôi đã trình bày, trước khi cưới vợ, Mariuytx không hỏi gì ông Phôsơlơvăng, còn sau khi cưới, thì chàng e ngại không dám hỏi Giăng Vangiăng. Chàng ân hận đã để cho bị lôi cuốn đến một lời hứa với Giăng Vangiăng. Chàng thường tự bảo nhân nhượng trước sự tuyệt vọng của y là sai. Chàng đành đẩy dần dần Giăng Vangiăng ra khỏi gia đình chàng, và làm cho hình ảnh ông phai mờ dần trong tâm trí Côdét. Có thể nói là chàng đứng chặn giữa Côdét và Giăng Vangiăng. Chàng tin tưởng rằng làm như vậy thì Côdét sẽ không nhìn thấy Giăng Vangiăng, do đó không nghĩ đến ông ta nữa. Như thế hình ảnh Giăng Vangiăng sẽ biến mất đi chứ không chỉ là bị xóa mờ.

Mariuytx làm điều mà chàng cho là cần làm và đáng làm. Chàng cho rằng có những lý do chính đáng mà chúng ta đã biết, và những lý do khác nữa mà chúng ta sẽ biết sau này, để làm cho Giăng Vangiăng phải xa dần, thái độ của chàng không bất nhẫn nhưng cũng không nhu nhược.

Tình cờ Mariuytx gặp trong một vụ kiện mà chàng bào chữa, một người mãi biện cũ của ngân hàng Laphít. Qua người ấy chàng được biết một vài điều bí mật, tuy chàng không chú ý thăm dò. Chàng không muốn đào sâu những chi tiết ấy, một phần vì muốn tôn trọng lời hứa không tiết lộ câu chuyện cho ai, một phần vì sợ nguy hiểm cho Giăng Vangiăng. Chàng nghĩ rằng lúc này chàng có một nhiệm vụ quan trọng là hoàn lại số tiền sáu trăm nghìn phơrăng. Chàng vẫn dò tìm người có số tiền ấy một cách kín đáo. Trong khi chờ đợi, chàng quyết không mó đến số tiền kia.

Còn Côdét thì không biết một tí gì về những chuyện bí mật ấy; tuy vậy, chê trách nàng thì cũng quá khắc nghiệt. Mariuytx đối với Côdét có một từ lực không gì cản nổi. Mariuytx ước gì, Côdét đều làm theo nhất nhất như máy và như theo bản năng. Về hướng “ông Giăng” nàng cảm thấy Mariuytx có một chủ ý, nàng chiều theo Mariuytx không phải nói ra một lời nào, những ý muốn thầm lặng của chàng có một mãnh lực mơ hồ nhưng dứt khoát đối với Côdét. Nàng nhắm mắt tuân theo. Sự tuân theo đó cũng giản dị, không có gì khó khăn đối với nàng cả; khi Mariuytx muốn quên đi cái gì thì nàng cũng không nhớ cái đó nữa. Nàng cũng chẳng hiểu làm sao, mà cái đó không phải lỗi ở nàng, tâm hồn của nàng đã biến thành tâm hồn của Mariuytx đến mức cái gì đã xóa mờ trong tâm trí của chàng thì trong tâm trí của Côdét cũng phải nhạt đi.

Nhưng chúng ta cũng chẳng nên đi quá xa. Ở nàng sự lãng quên và phai nhạt đối với Giăng Vangiăng, thực ra cũng hời hợt thôi. Côdét chỉ là bộp chộp thôi chứ không phải là người vong ân. Trong thâm tâm nàng vẫn yêu quý con người mà bao nhiêu lâu nàng gọi là cha. Nhưng nàng còn yêu chồng hơn. Cán cân tình cảm trong trái tim nàng nghiêng hẳn về một phía.

Cũng có khi Côdét nhắc đến Giăng Vangiăng và tỏ vẻ ngạc nhiên, Mariuytx lúc ấy lại úy lạo nàng: “Anh chắc ông ấy đi vắng, ông đã chẳng bảo là có việc phải đi xa đấy ư?” Côdét tự bảo: “Phải đấy, ông ấy vẫn thường vắng bặt đi như vậy. Nhưng cũng có đi lâu như thế này bao giờ đâu!” Hai ba lần nàng cho Nicôlét đến phố Lomácmê hỏi xem ông Giăng đi đã về chưa. Giăng Vangiăng đều bảo người trả lời rằng chưa.

Côdét cũng đành vậy. Đời nàng chỉ có một nhu cầu là Mariuytx.

Về phía Mariuytx và Côdét, họ cũng có dạo đi vắng. Họ đi Vécnông. Mariuytx đưa Côdét đến thăm mộ cha chàng.

Mariuytx dần dần đã dứt hẳn Côdét với Giăng Vangiăng. Côdét cũng chẳng nói gì.

Vả chăng cái điều mà người ta thường gọi một cách quá khắc nghiệt là sự vong ân của con gái, thực ra cũng không quá đáng trách như người ta tưởng. Đây là sự vô ơn của

thiên nhiên. Chúng tôi đã có dịp nói ở chỗ khác rằng: thiên nhiên quen “nhìn về phía trước”. Thiên nhiên phân biệt loài người làm hai loại: những người đến và những người đi. Những người sắp đi quay về bóng tối, những người mới đến nhìn ra ánh sáng. Do đó mà có một sự cách biệt, về phần người già thì không thể tránh khỏi, về phần người trẻ thì là vô tình chứ không phải cố ý. Sự cách biệt ấy lúc đầu không nhận ra, nhưng rồi càng ngày càng rõ như những cây đã đâm cành. Cành cây vẫn không tách hẳn thân cây, nhưng càng ngày càng xa thân cây. Không phải lỗi của cành cây. Tuổi trẻ tìm đến vui vẻ, hội hè, ánh sáng chói lọi, tình yêu. Tuổi già đi về tận số, vẫn còn trông thấy nhau nhưng không vồ vập nhau, người trẻ thấy ở người già đời sống nguội lạnh dần, tuổi già nhận thấy khí lạnh của nấm mồ. Kết tội làm chi tuổi trẻ tội nghiệp!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.