NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

QUYỂN XI: HẠT BỤI KẾT THÂN VỚI BÃO TÁP: I. VÀI ĐIỂM SÁNG TỎ VỀ NGUỒN GỐC THƠ CỦA GAVRỐT. ẢNH HƯỞNG CỦA MỘT VIỆN SĨ HÀN LÂM ĐỐI VỚI THỨ THƠ NÀY



Cuộc khởi nghĩa nổ ra từ sự va chạm giữa công chúng với quân đội ở trước quảng trường Quân khí. Sự va chạm đó làm nảy ra một cuộc vận động từ trước ra sau của đám đông đi theo xe tang, đám đông đó kéo dài suốt các đại lộ vốn là một sức đùn mạnh mẽ đối với đoạn đầu đoàn tang lễ. Lúc bấy giờ đám tang xô dồn lại một cách đáng sợ. Dân chúng ùn ùn mất cả hàng ngũ, ai cũng đi, cũng chạy, cũng thoát ra, kẻ thì hò reo tấn công, người thì nhợt nhạt bỏ chạy. Con sông người chảy trên các đại lộ chia dòng trong nháy mắt, tràn qua trái, qua phải thành những con suối trên hai trăm đường phố một lúc, chảy siết như mở cổng sông đào. Lúc ấy, một chú bé rách rưới từ phố Mêninmôngtăng đi lại, tay cầm một cành thị – mun trổ hoa mà chú vừa hái trên vùng đồi Benlơvin. Chú thấy trong quầy của một mụ hàng xén có một khẩu súng ngắn kỵ binh. Chú vứt cành hoa xuống đường, kêu:

– Bà gì ơi, tôi mượn cái súng của bà đó. Rồi chú tóm khẩu súng chạy biến đi.

Vài phút sau, một đoàn tư sản sợ sệt chạy trốn qua phố Amơlô và phố Bátxơ gặp chú bé đang vung súng hát:

Đêm tối mò mò

Ngày thì sáng tỏ.

Bởi sách đáng ngờ

Thằng giàu rối to

Đạo đức, phải lo

Bo bo,

Mũ nhọn chờ đó.

Đó là bé Gavrốt ra trận.

Đến đại lộ, nó nhận thấy súng không có cò.

Ai đã đặt khúc hát để cho nó hát nhịp bước hành quân và nói chung tất cả những bài hát mà nó thích hát khi có dịp? Chúng tôi không rõ. Biết đâu không phải là chính nó? Cũng phải nhận rằng Gavrốt rất am hiểu những bài hát bình dân lưu hành, và nó cũng thường thêm thắt điệu ngân nga của nó. Lêu lổng và tinh nghịch, nó đem âm thanh của tạo vật và âm thanh của Pari làm thành một hợp ca hổ lốn. Nó hòa hợp tiếng chim với tiếng xưởng thợ. Nó có quen biết một số trẻ học vẽ là loại tiếp cận với loại nó. Hình như nó cũng đã từng học nghề in ba tháng. Một hôm nó đi việc giúp cho ông Bana Lócmiăng, một số tứ thập.[303] Gavrốt là một chú “văn đồng”.

Thực ra trong cái đêm mưa mà Gavrốt đã cho hai chú bé tạm trú với mình trong bụng voi, chú đâu có biết chú đã là cứu tinh đối với chính em ruột chú. Cứu em lúc chập tối, cứu cha lúc sắp sáng, cái đêm của chú là thế đấy. Tang tảng sáng, từ phố Banlê trở về chỗ con voi, chú đã moi hai đứa bé một cách nghệ thuật từ bụng voi ra, chú đã chia với chúng cái bữa ăn sáng chú sáng tạo, xong chú gởi chúng lại cho đường phố, bà mẹ hiền đã hầu như nuôi dưỡng chú. Rồi chú đi không quên hẹn chúng đến tối lại cùng nhau trở về chỗ đó. Chú đọc bài diễn văn từ biệt này: Tao bẻ gậy đây, tức là tao cút hoặc nói như bọn quan tòa: tao đi thẳng. Lũ nhóc, nếu chúng bay không tìm thấy bố mẹ thì tối nay lại cứ đến đây. Tao sẽ kiếm cho mà ăn tối và tao cho ngủ.

Có thể cảnh sát đã lượm hai đứa bé và lưu giữ để chờ cha mẹ nhận. Hoặc là một tên xiếc rong nào đó đã bắt chúng, hoặc chúng chỉ đi lạc mất trong cái bàn cờ[304] Pari thôi.

Dù sao thì chúng đã không trở lại. Ở dưới đáy xã hội hiện tại, sự mất hút dấu vết như thế là thường. Gavrốt không gặp lại hai đứa bé. Mươi mười hai tuần lễ đã trôi qua từ đêm ấy. Đã nhiều lần nó gãi đầu tự hỏi: Quái! Không biết hai đứa con ta đi vào đâu

nhỉ?

Vừa đi vừa vung súng, nó đã đến phố Pôngtôsu. Nó đã để ý ở phố đó chỉ còn có một hiệu mở cửa, và điều đáng suy nghĩ, đó là một hiệu bánh ngọt. Trước khi dấn thân vào vô định, được ăn một cái bánh quai vạc nhân táo là một phúc lớn trời cho. Gavrốt dừng lại, sờ hông, lục bao, lộn túi áo: không có lấy một đồng xu, không có gì cả! Nó bèn kêu: Cứu tôi với! Cứu tôi với!

Không được ăn bánh ngọt một lần cuối cùng, rõ là cay đắng.

Tuy nhiên, Gavrốt vẫn tiếp tục đi lên.

Chỉ vài phút sau, nó đã đến phố Xanh Luy. Đi qua phố Pác Rôian, thấy cần phải bù đắp nỗi thiệt thòi không được ăn bánh quai vạc nhân táo không thể có, nó bèn tự thưởng cho mình cái thú xé toang các tờ quảng cáo sân khấu giữa ban ngày ban mặt.

Đi một đỗi nữa, nó thấy có một nhóm người hồng hào đi qua, có vẻ như là những nghiệp chủ. Nó nhún vai và khạc ra một tràng triết lý như sau:

À ngữ có lợi tức này, chúng nó béo làm sao! Chúng nhồi nhét đầy bụng. Chúng lội bì bõm trong cao lương mỹ vị. Thử hỏi chúng dùng tiền làm gì, chúng cóc biết. Chúng dùng để ăn chứ có làm gì nữa! Bụng mang được chừng nào thì mang mà!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.