NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

V. NHỮNG TRÒ GIẢI TRÍ



Phía trên cửa vào phòng ăn, có viết bằng chữ lớn màu đen bài Kinh này mà người ta gọi là Patơnôtơrơ trắng, nó có cái màu nhiệm đưa thẳng người ta lên thiên đường:

“Patơnôtơrơ trắng nhỏ, mà Chúa làm, mà Chúa đọc, mà Chúa đặt lên thiên đường. Buổi tối tôi đi nằm, tôi trông thấy (nguyên văn) ba thiên thần nằm “ngị” ở giường tôi, một ở chân giường, một ở đầu giường và ở giữa là Đức mẹ đồng trinh Maria. Đức Mẹ bảo tôi cứ nằm “ngị” ở giường và đừng “ngị” gì. Chúa là cha tôi, Đức mẹ đồng trinh là mẹ tôi, ba đấng tông đồ là anh tôi, ba nữ đồng trinh là chị tôi. Chiếc áo lót đỡ mình Chúa khi Chúa ra đời bao bọc thân tôi. Thập tự giá Xanhtơ Mácgơritơ vẽ trên ngực tôi. Đức Mẹ đồng trinh đi ra đồng, Chúa khóc lóc tìm “thấy” ngài Xanh Giăng. Ngài Xanh Giăng, ngài ở đâu đến đấy? Tôi ở lễ Avê Xaluyxơ đến. Ngài có trông “thấy” Chúa không? Có không? Chúa ở trong cây thập tự, hai chân buông thõng hai tay đóng đanh, một chiếc mũ gai nhọn trắng trên đầu. Ai đọc ba lần lời cầu nguyện này buổi chiều, ba lần buổi sớm, sẽ lên thiên đường chắc chắn”.

Năm 1827 lời nguyện ấy đã biến mất dưới ba lần vôi trắng. Bây giờ lời nguyện ấy cũng đang mờ dần trong ký ức của vài người, hồi ấy là thiếu nữ, bây giờ là bà già.

Một cây thập tự lớn treo ở tường, hoàn thành việc trang trí phòng ăn này, mà cái cửa sổ ra vào duy nhất, như chúng tôi đã nói, mở ngay ra vườn. Hai chiếc bàn hẹp với mỗi bên có ghế dài gỗ, làm thành hai dãy dài song hành, đi từ đầu đến cuối phòng ăn. Tường trắng, bàn đen; chỉ có hai màu tang đó thay đổi nhau trong các tu viện. Các bữa cơm cũng có vẻ khắc khổ và thức ăn cho chính các trẻ lưu trú cũng kham khổ. Một món thôi: thịt trộn rau, hay cá muối, thế là sang đấy. Cái thực đơn thường ngày ngắn ngủi ấy dành riêng cho các cô gái lưu trú, cũng là một biệt lệ. Các em nhỏ ăn và im lặng, dưới sự canh gác của mẹ trực tuần; nếu có một con ruồi vô cớ bay vo ve trái phép tắc thì mẹ ấy mở và đóng ồn ào một quyển sách bìa gỗ. Cái im lặng ấy có pha thêm những đoạn sự tích các vị thánh, đọc to, trên một cái bàn nhỏ, ở dưới chân cây

thánh giá. Người đọc là một học trò lớn trực tuần. Từng quãng, từng quãng, đặt trên bàn không có khăn phủ, những cái chậu đất đánh bóng để học trò rửa bát đĩa, hay đôi khi vứt thức ăn bỏ đi, miếng thịt rắn hay miếng cá ươn. Làm như thế là bị trừng phạt. Người ta gọi những cái chậu đất ấy là những “khoanh nước”.

Em nào làm ồn phải thực hiện “chứ thập lưỡi”. Ở đâu? Ở dưới đất. Em đó liếm đất. Cát bụi, kết thúc mọi vui sướng trên đời, có trách nhiệm trừng phạt những chiếc lá nhỏ đáng thương của cánh hồng vi phạm tội líu lo.

trong tu viện có một quyển sách xưa nay chỉ in có một bản, mà người ta cấm đọc. Đó là cuốn Kỷ luật của thánh Bơnoa. Thâm cung mà không con mắt ngoài đời nào
được dòm ngó tới “Nemo regulas seu constitutiones nostras, externis communicabit”.

[109]

Thế mà các cô gái lưu trú một hôm lấy trộm được quyển sách ấy và họ đọc ngốn ngấu, đọc liên tục, thỉnh thoảng phải dừng lại và đóng sập quyển sách vì sợ bị bắt gặp. Tuy nhiên sự nguy hiểm lớn lao đó chỉ đem lại cho họ một sự thích thú xoàng. Vài trang rất tối nghĩa về những tội của các cậu trai trẻ tuổi, đó là những điều “lý thú nhất” mà các cô gái nhỏ này đọc được.

Họ chơi đùa trên một lối đi trong vườn, hai bên có hàng cây ăn quả, khẳng khiu. Mặc dù có sự canh gác rất nghiêm ngặt và những sự trừng phạt rất nặng nề, khi gió mạnh rung cây, họ cũng có thể nhặt được một quả táo xanh, một quả mơ thối hay một quả lê sâu. Bây giờ tôi nhường lời cho một bức thư mà tôi đang có ở trước mắt, một bức thư viết cách đây đã 25 năm, của một cô gái lưu trú, bây giờ là bà công tước…, một trong những phụ nữ lịch sự nhất ở Pari. Tôi xin kể nguyên văn: “Chúng tôi cất giấu quả lê hay quả táo bằng mọi cách. Khi lên gác đeo màn che mặt để chuẩn bị ăn tối, chúng tôi giấu nó dưới gối, đến lúc đi ngủ thì đem ra ăn trong giường. Nếu không làm thế được thì ăn trong lúc đại tiểu tiện”. Đó là một niềm khoái trá lớn nhất của họ.

Một lần, cũng trong một dịp Đức Tổng giám mục đến thăm tu viện, một thiếu nữ, tiểu thư Busa, có một chút máu Momôrăngxy đánh cuộc rằng sẽ xin Đức Tổng giám mục

cho phép nghỉ một ngày. Đó là một chuyện quái gở trong một tu viện nghiêm ngặt như vậy. Người ta nhận cuộc, nhưng không một ai tin cả. Đến giây phút quyết định, khi Đức Tổng giám mục đi ngang qua mặt các cô gái lưu trú, tiểu thư Busa, trước sự hãi hùng của tất cả các bạn, ở trong hàng tiến ra và nói: “Thưa Đức Tổng giám mục, con xin phép một ngày”. Tiểu thư Busa, tươi trẻ và cao, có gương mặt hồng hồng xinh nhất trên đời. Đức Đức Tổng giám mục Đơ Kêlen cười và nói: “Con yêu quý của cha, thế nào, một ngày thôi à! Cho con nghỉ ba ngày, con bằng lòng chứ? Cha cho con nghỉ ba ngày”. Mẹ nhất không biết nói năng làm sao cả khi Đức Tổng giám mục đã phán. Thật là một sự đảo lộn kỳ quặc trong tu viện. Nhưng các cô gái lưu trú thì vui sướng hết sức. Ta hãy tưởng tượng cảnh xúc động.

Nhà tu kín khắc khổ như thế mà bốn bức tường cũng vẫn không đủ kín để cho những đam mê ngoài đời, những bi kịch, những tiểu thuyết không thể thâm nhập vào đây. Để chứng minh điều này, chúng tôi chỉ ghi nhận ở đây và kể ngắn gọn một sự việc thực, không ai phủ nhận được. Tuy nhiên, bản thân sự việc cũng không có một quan hệ gì, dây dợ gì với câu chuyện kể trong bộ sách này. Chúng tôi chỉ kể lại sự việc để độc giả hình dung được đầy đủ bộ mặt của tu viện này.

Thời kỳ ấy, trong tu viện có một nhân vật bí mật không phải là tu sĩ, nhưng được đối xử một cách rất kính trọng. Người ấy tên là bà AnBéctin. Người ta không biết gì về bà cả, chỉ biết là bà ấy điên và ở ngoài đời thì người ta coi như bà ấy đã chết rồi. Trong uẩn khúc của việc này, theo dư luận thì có những xếp đặt cần thiết để tiến hành một cuộc hôn nhân lớn.

Người phụ nữ ấy chưa đầy 30 tuổi, da hơi nâu, khá đẹp, hai mắt đen to, nhìn lúc nào cũng mơ màng. Bà ấy có trông thấy gì không? Không chắc đã trông thấy gì. Bà lướt nhẹ qua hơn là bước chân đi. Bà không bao giờ nói một lời. Người ta không biết chắc là bà có thở hay không. Đôi cánh mũi sát vào nhau xanh xao như người mới tắt thở. Cầm tay bà như mó vào tuyết lạnh. Bà có cái dáng xinh đẹp lạ kỳ của một bóng ma. Bà lướt chân vào đâu thì người bỗng thấy lạnh lạnh. Một hôm một bà phước thấy bà đi qua, nói với một bà phước khác: – Bà ấy đi như người chết rồi. Bà kia trả lời: – Có lẽ

thế thật.

Người ta kháo về bà ta hàng trăm chuyện. Bà ấy là điều tò mò vô tận của các cô gái lưu trú. Ở trong nhà nguyện có một chỗ ngồi trên cao gọi là cửa mắt bò. Chính ở chỗ ấy, chỉ có một cái lỗ hổng tròn, một mắt bò, bà ta vẫn ngồi một mình để dự các buổi lễ, điều cấm đối với các bà xơ khác trong tu viện. Một hôm có một linh mục cao cấp trẻ đến thuyết giáo: Công tước Rôăng, nghị sĩ thượng viện Pháp, sĩ quan ngự lâm pháo thủ đỏ hồi năm 1815, khi ông còn là hoàng thân Lêông, chết năm 1830 với chức hồng y giáo chủ và Tổng giám mục địa phận Bơdăngxông. Hôm ấy là lần đầu tiên ngài Đơ Rôăng truyền đạo ở tu viện Pơti Pichpuýt. Thường thường bà AnBéctinơ vẫn dự các buổi thuyết giáo một cách bình thản và im lặng hoàn toàn. Hôm ấy khi trông thấy ngài Đơ Rôăng, bà nhổm người dậy và nói to trong cái yên lặng của nhà nguyện: “Kìa Ôguyxtơ!”. Tất cả mọi người ngạc nhiên quay nhìn về phía bà. Người giảng đạo ngước mắt lên, nhưng bà AnBéctinơ lại ngồi xuống và trở về với cái im lặng thường ngày của bà. Một hơi gió nhẹ của cuộc đời, một tia sáng của sự sống thoáng qua giây lát trên khuôn mặt đã tắt và lạnh như băng, thế rồi tất cả lại tan biến và người đàn bà điên ấy lại trở lại là một cái xác chết.

Nhưng hai tiếng kia đã làm cho tất cả những ai có thể nói được trong tu viện đều bàn tán. Bao nhiêu điều trong hai tiếng “Kìa Ôguyxtơ!” ấy, bao nhiêu bí ẩn phơi bày. Ngài Đơăng tên tục là Ôguyxtơ thật. Và chắc là bà AnBéctinơ thuộc một tầng lớp rất cao sang, bởi vì bà quen ngài Đơ Rôăng và riêng bà cũng có một địa vị cao sang, vì bà gọi một cách thân mật thế một vị quý tộc lớn như vậy. Giữa bà và ngài Đơ Rôăng chắc có một dây liên lạc, có thể là họ hàng và chắc là gần gụi lắm, vì bà biết cả tên “cúng cơm” của ngài Đơ Rôăng.

Hai bà công tước nghiêm nghị, bà công tước Soadơn và bà công tước Xêrăng thường đến thăm tu viện mà hai bà được vào vì có cái đặc quyền “Maganates mulieres” (Quyền của những bà lớn).

Hai bà đến làm cho các cô gái lưu trú rất sợ hãi. Khi hai bà già ấy đi qua, những cô gái nhỏ đáng thương kia run lên và cúi gầm mặt.

Ngài Đơ Rôăng vô tình không biết là các cô gái lưu trú thường để ý đến ngài. Lúc bấy giờ, trong khi chờ đợi được phong giám mục, ngài mới được cử làm phụ tá cho Đức Tổng giám mục Pari. Ngài Đơ Rôăng thường hay đến hát tụng trong các buổi lễ trong nhà nguyện của tu viện Pơti Pichpuýt. Không một cô gái lưu trú nào được thấy mặt ngài Đơ Rôăng vì tấm màn xécgiơ che khuất. Nhưng ngài có một giọng nói êm dịu, thanh thanh mà các cô gái ấy có thể nhận ra và phân biệt được. Ngài đã là một ngự lâm pháo thủ; người ta kể rằng ngài khéo làm dáng, với bộ tóc đẹp, màu hung hạt dẻ uốn thành cuốn xung quanh đầu, ngài có một cái dây lưng rộng, đen, rất đẹp và cái áo choàng đen của các cô gái nhỏ mười sáu tuổi ấy luôn luôn vấn vương hình ảnh ngài.

Không có một tiếng động nào bên ngoài vọng vào trong tu viện. Thế mà có một năm một tiếng sáo đã len lỏi vào đây. Thật là một biến cố và các cô gái lưu trú hồi ấy còn nhớ đến nay.

Có một người thổi sáo ở quanh gần đấy. Cây sáo luôn luôn thổi một điệu, một điệu ngày nay đã xa xưa lắm: “Nàng Đêtuynbê của ta ơi! Hãy đến đây ngự trị trên âm hồn ta”. Một ngày hai ba lần điệu sáo ấy véo von.

Suốt mấy tháng trời, các cô gái trẻ chú ý nghe tiếng sáo hàng giờ, các mẹ thì xôn xao, các bộ óc làm việc mạnh, các hình phạt đổ xuống như mưa. Các cô gái lưu trú ít nhiều ai cũng mê chàng thổi sáo bí mật. Mỗi cô đều mơ mình là nàng Đêtuynbê. Tiếng sáo thì phía phố Đơroamuyrơ vọng tới. Các cô gái sẵn sàng cho tất cả, làm tất cả mọi việc phiêu lưu, thử mọi biện pháp, để có thể trông thấy, dù chỉ một giây thôi, hoặc thoáng “Chàng trai trẻ” chơi sáo cũng đã vô tình rỡn với tất cả các tâm hồn ấy. Có cô gái lẻn ra ngoài, qua cái cổng sau và leo lên gác ba trông ra phố Đơroamuyrơ để nhìn qua những kẽ hở gần mái. Cũng chẳng thấy gì. Một cô gái giơ cánh tay lên trên đầu, qua song sắt cửa và phất một chiếc khăn tay trắng. Hai cô táo bạo hơn nữa đã tìm cách trèo lên được mái nhà, liều mạng và cuối cùng nhìn thấy “Chàng trai trẻ” ấy. Đó là một ông quý tộc già, xuất cảnh trở về[110] nay mù và sa sút. Ông ta thổi sáo trong cái gác xép, sát mái nhà để giải muộn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.