NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

VII. LÒNG GIÀ LÒNG TRẺ ĐỐI NHAU



Vào hồi này, lão Gilơnoócmăng chín mươi mốt tuổi. Lão vẫn ở với con gái là cô Gilơnoócmăng, trong một ngôi nhà cũ số 6 đường Canve. Bạn đọc còn nhớ, lão thuộc lớp ngày xưa, thẳng người đợi chờ cái chết, mặc dầu tuổi tác nặng đè lên vai, lão vẫn không thấy trĩu, và bao nỗi ưu phiền cũng không sao làm còng nổi cái lưng già.

Tuy nhiên, ít lâu nay người con gái nói: Cha tôi độ rày yếu đi. Độ rày lão không tát tai con ở nữa, gọi mở cửa mà thằng Bátxcơ mở chậm, lão quật gậy vào cầu thang không hăng hái như trước. Cuộc cách mạng tháng Bảy chỉ làm lão bực bội phần nào trong vòng sáu tháng thôi. Khi đọc báo Mônitơ thấy những chữ ghép nhau như là ông Humbôlơ Côngtê, quốc lão nước Pháp, lão cũng gần như lãnh đạm. Thật ra lòng ông già này đầy ưu phiền. Lão không nản chí, không đầu hàng, bản chất lão, về tinh thần cũng như về thể xác, bao giờ chịu thế! Nhưng từ bên trong, lão cảm thấy núng rồi. Đã bốn năm nay lão đợi chờ Mariuytx. Lão kiên gan chờ đợi, tin tưởng rằng cái thằng mất dạy kia thế nào cũng có ngày mò vẻ gõ cửa. Độ rày có những lúc buồn rầu quá lão đâm nghĩ lẩn thẩn: nếu thằng kia cứ nấn ná mãi không về cho mau thì… Không phải lão sợ chết, lão chỉ lo không được gặp Mariuytx. Mãi đến lúc này, chưa khi nào lão có thể nghĩ rằng lão không gặp lại cháu. Ngày nay, ý nghĩa kia đã bắt đầu xuất hiện làm lão lạnh toát, đứa cháu bội bạc đã nỡ bỏ mình đi như vậy.

Những đêm đông lạnh lẽo mười độ dưới không càng khiến người ta nghĩ đến mặt trời. Lão Gilơnoócmăng cho rằng – hoặc tin rằng- mình không thể bước gần lại Mariuytx nửa bước. Mình là ông nó, thà chết chứ không đời nào mình chịu thua nó. Lão không thấy mình có lỗi gì, nhưng lão vẫn nhớ đến nó. Lòng bồn chồn và ngao ngán nhưng cụ già đã kề miệng lỗ mà vẫn còn một việc chưa làm.

Răng lão bắt đầu rụng, lão càng buồn thêm. Có điều này lão Gilơnoócmăng không dám tự thú thật với mình, vì thú ra lão sẽ tức tối và xấu hổ, là lão chưa yêu một nhân tình nào như yêu Mariuytx.

Lão bảo chân dung con gái lão nay đã mất, là bà Pôngmécxi, vẽ từ năm mười tám tuổi,

phòng ngủ của mình, trước đầu giường để mở mắt ra là nhìn thấy nó ngay. Lão ngắm nghía không biết chán. Một hôm đang ngắm bức tranh, lão bỗng nói:

– Giống lắm.

Cô Gilơnoócmăng hỏi:

Nó giống em tôi ư? Ừ mà giống thật nhỉ! Ông già nói thêm:

Nó cũng giống thằng cha nó nữa.

Một hôm lão đang ngồi, hai đầu gối chạm vào nhau, lim dim mắt, có vẻ ngã lòng, cô con gái đánh bạo hỏi:

Thưa cha, cha vẫn cứ giận nó sao? – Cô con gái dừng lại, không dám đi xa hơn.

Giận ai? Lão hỏi.

Giận thằng Mariuytx tội nghiệp ấy!

Lão ngẩng cái đầu bạc phơ, giơ nắm tay nhăn nheo và xương xẩu đập xuống bàn và thét lên, giọng giận dữ và ngân vang:

Tội nghiệp à! Chị bảo nó tội nghiệp à! Cái ông ấy là một đứa lố lăng, xấu xa, tự phụ, bội bạc vô tình, bất nghĩa, trâng tráo, bất nhân.

Rồi lão quay mặt đi để con gái đừng thấy giọt lệ tụ ở khóe mắt.

Ba hôm sau, lão ngồi lặng yên, suốt bốn tiếng đồng hồ rồi bỗng nhiên nói với cô con gái:

– Tôi đã trân trọng xin chị đừng bao giờ nhắc đến tên ấy nữa.

Từ đấy người con gái không dám có một cố gắng nào nữa. Cô rút ra một câu chẩn đoán thâm thúy: từ ngày em mình trót dại thì cha mình không yêu em mình nữa. Rõ ràng cha mình ghét thằng Mariuytx.

“Từ ngày trót dại” nghĩa là từ ngày cô em lấy viên đại tá.

Như chúng ta có thể đoán trước, dì Gilơnoócmăng đem người cháu yêu của mình là viên sĩ quan kỵ binh đến thế chân Mariuytx, nhưng không được chấp nhận. Têôđuyn không thành công. Lão Gilơnoócmăng không chịu cái trò lộn sòng ấy. Khoảng trống trong lòng đâu phải muốn nhét cái gì vào cũng được. Về phần Têôđuyn, tuy chàng đã đánh hơi biết có cái gia tài kha khá ấy, nhưng chàng cũng không thích làm cái việc khổ sai mua lòng cụ già. Ông lão làm cho chàng trung úy phát ngấy và chàng trung úy cũng làm ông lão bực mình. Têôđuyn vui tính nhưng ba hoa, ưa phù phiếm nhưng tầm thường, biết ăn chơi nhưng là bạn xấu. Anh ta kể ra cũng có nhân tình và ngồi đâu cũng nói các nhân tình, nhưng nói rất dở. Bao nhiêu đức tính của anh chàng cũng đều có chỗ khuyết điểm. Cứ nghe anh chàng khoe mãi về những chuyện đào hoa của anh chàng xung quanh trại lính, ông cụ cũng đã phát lợm. Hơn nữa, trung úy Têôđuyn đôi khi mặc quân phục đến thăm lão, lại cài huy hiệu tam tài trên mũ. Thế thì lão chịu sao nổi. Cuối cùng lão phải nói với con gái:

Chị muốn tiếp thằng ấy thì tiếp, tôi chán nó lắm rồi. Thời buổi hòa bình, tôi không thích nhìn những bọn quân nhân. Không biết tôi có ưa bọn đâm chém người ta hơn là bọn mang gươm kè kè không, nhưng dẫu sao nghe tiếng gươm đao chạm nhau trên bãi chiến trường vẫn còn đỡ chán hơn là nghe tiếng vỏ gươm đập trên đường phố. Vả lại, hắn cứ ưỡn ngực như một thiếu phụ ẻo lả, mặc coócxê dưới áo giáp. Thật là hai lần lố bịch. Đúng là đàn ông thì người ta không huênh hoang cũng không ẻo lả. Không vênh váo cũng không làm nũng mới được. Chị thích thằng Têôđuyn thì cứ giữ cho chị.

Cô con gái cụ ra sức can:

– Nó là cháu của cha kia mà.

Thật ra lão Gilơnoócmăng làm một ông ngoại thì hoàn toàn hợp, mà làm một ông trẻ thì không ra gì.

Lão vốn thông minh và biết so sánh, nên càng nhìn Têôđuyn, lão càng thương tiếc Mariuytx.

Một đêm, đó là đêm mồng bốn tháng Sáu, trong lò sưởi của lão, lửa vẫn cháy ngùn ngụt như mọi ngày. Lão đã cho con gái sang ngồi khâu ở phòng bên. Lão ngồi một mình trong cái phòng vẽ toàn những cảnh mục đồng, hai chân gác lên hai thanh sắt kê củi, nửa mình ẩn vào trong bức bình phong chín tấm, tay chống lên bàn. Trên bàn, dưới cái chao đèn màu xanh, thắp hai ngọn nến. Lão ngồi lọt thỏm vào cái ghế bành bằng vải, tay cầm một quyển sách nhưng không đọc. Lão mặc quần áo theo lối riêng của lão, cái lối của bọn kỳ khôi[281] nom như một bức truyền thần cổ của Gara. Nếu lão ăn mặc như thế mà ra đường cái thì người ta sẽ chạy theo xem. Nhưng khi lão ra đường, người con gái bao giờ cũng khoác cho lão một cái áo bông giám mục trùm hết cả quần áo. Còn ở trong nhà, trừ phi lúc dậy và lúc đi ngủ, không bao giờ lão mặc áo choàng. Lão thường nói: mặc như thế nó già người đi. Lão Gilơnoócmăng tưởng nhớ đến đứa cháu ngoại Mariuytx một cách si mê và chua chát. Thường thường thì chua chát hơn si mê. Lòng thương yêu không thỏa, rút cục trở thành sôi sục và lão hết sức bực tức. Lão đã đến cái trình độ của người vì thương nhớ quá cho nên đành phận và cắn răng chịu cào gan xé ruột. Lão đang ngồi tự giải thích cho mình rằng bây giờ không có lý do gì khiến Mariuytx trở về nữa. Nếu nó trở về thì nó đã trở về rồi! Thôi đành không bao giờ được nhìn lại mặt nó nữa. Lão cố làm sao cho quen dần với cái ý nghĩ rằng thế là hết cả, là từ nay cho đến khi nhắm mắt, lão vẫn sẽ không trông thấy mặt “cái ông ấy” nữa. Tuy vậy, bản chất con người lão vẫn cứ vùng lên phản kháng, cái tình ông cháu của lão vẫn không sao thừa nhận điều ấy. Lão lặp lại như một điệp khúc đau đớn: “Chao ôi! Nó không trở về đâu.”

Cái đầu hói của lão gập xuống tận ngực, lão đưa mắt nhìn lờ mờ vào đống tro trong lò sưởi, cái nhìn ấy thảm thiết và bực tức.

Lão đang mơ màng trầm ngâm như thế thì người lão bộc là Bátxcơ vào thưa:

– Thưa, cụ có tiếp ông Mariuytx không ạ?

Ông già ngồi nhổm dậy, mặt tái đi vì giống như một tử thi đương nhổm lên vì tác động của một luồng điện. Máu dồn vào tim, lão lắp bắp:

– Ông Mariuytx gì?

Người nhà nhìn thấy dáng điệu lão như thế đâm ra rụt rè lúng túng.

Con không biết. Con chưa gặp ông ta. Chị Nicôlét vừa mới bảo con: Ngoài kia có một người thanh niên, anh ta vào thưa đó là ông Mariuytx.

Lão Gilơnoócmăng lẩm bẩm:

– Cho vào.

Rồi lão ngồi yên như cũ, cái đầu lắc lư, mắt nhìn chăm chú ra cửa. Cánh cửa mở ra.

Một chàng thanh niên bước vào.

Chính là Mariuytx.

Mariuytx đứng ở ngưỡng cửa như có ý đợi lão cho phép mới vào. Áo quần của chàng gần như đã nát nhưng nhờ có cái tán đèn che tối nên lão không trông thấy. Người ta chỉ thấy vẻ mặt điềm nhiên và nghiêm nghị nhưng buồn rầu vô hạn.

Lão ngẩn người, vừa sợ vừa mừng, ngồi ngây một hồi tựa hồ không trông thấy gì nữa, chỉ thấy một luồng ánh sáng bừng lên như trong lúc ma hiện hình. Lão suýt ngất đi, lão nhận ra Mariuytx qua trạng thái lóa mắt. Chính nó rồi! Chính thằng Mariuytx đây rồi.

Có thế chứ! Đã bốn năm trời nay. Lão đưa mắt tóm thâu ngay được hết cả người cháu. Lão thấy nó đẹp trai, trang nhã, đài các, có vóc, ra người lớn, tư cách đoan trang, dáng

điệu đáng yêu. Lão muốn giơ hai cánh tay ra ôm lấy nó, gọi nó lại vồ lấy nó, nở ruột, nở gan. Những lời yêu đương, trìu mến chứa chan trong ngực muốn trào ra. Cuối cùng tất cả lòng trìu mến kia trườn lên không thể nào giấu giếm được nữa phải lộ ra ngoài miệng. Nhưng vì bản tính trong người bất nhất của lão, nên lời thốt ra lại là một câu gắt gỏng. Lão hỏi đột ngột:

Anh đến đây làm gì? Mariuytx trả lời lúng túng:
Thưa ông…

Trong thâm tâm lão, lão chỉ muốn Mariuytx ôm chầm lấy lão. Lão giận Mariuytx và giận luôn cả mình. Lão biết mình quá xẵng và trách Mariuytx lãnh đạm. Con người này cảm thấy khó chịu và tức tối vô cùng vì biết rằng trong lòng mình chan chứa yêu thương mà bên ngoài chỉ biết tỏ ra khắc nghiệt. Lão lại thấy cay đắng trong lòng. Lão ngắt lời Mariuytx, giọng càu nhàu:

– Vậy thì anh đến đây làm gì?

Tiếng “vậy thì” có nghĩa “nếu không để hôn tôi”. Mariuytx nhìn ông ngoại thấy mặt như tượng đá vì nhợt nhạt.

– Thưa ông…

Ông già nghiêm giọng nói:

– Có phải anh về đây xin lỗi tôi không? Anh đã nhận thấy lỗi của anh chưa?

Ông tưởng nói như thế là mớm ý cho thằng cháu và “thằng bé” sẽ xiêu lòng. Mariuytx rùng mình. Người ta bắt chàng phải từ bỏ cha chàng. Chàng cúi mặt xuống và đáp:

– Thưa ông, không.

Lão già vừa đau xót, vừa tức giận, quát lên:

– Nếu vậy thì anh muốn gì?

Mariuytx chắp tay tiến lên một bước, giọng run run yếu ớt, thưa:

– Thưa ông, xin ông thương cháu.

Câu đó khiến ông già xúc động: giá nói sớm hơn một chút đã làm ông già mủi lòng. Nhưng nó đến quá chậm. Lão đứng dậy, hai tay chống gậy đôi môi tái nhợt, cái trán lắc lư. Vóc người to lớn của lão áp đảo hơn Mariuytx đang cúi xuống. Lão quát:

Thương anh à! Thanh niên như anh mà lại cần đến cái lòng thương của lão già chín mươi tuổi này à! Anh mới bước vào đời, tôi sắp từ giã cõi đời. Anh đi coi hát, đi khiêu vũ, đến tiệm cà phê, đi đánh bi-a. Anh đẹp trai, ăn nói dí dỏm, được gái nó thích. Còn tôi, ngay giữa mùa hè tôi cũng ho hen trước lò sưởi. Anh giàu có với tất cả mọi thứ của cải trên đời này. Còn tôi, tôi phải chịu tất cả mọi thứ nghèo khổ của tuổi già, chịu tàn tật, chịu cô đơn. Anh có đủ ba mươi hai chiếc răng, một cái dạ dày khỏe, một đôi mắt sáng, sức anh mạnh mẽ, mồm anh ăn ngon. Còn tôi, đến cả tóc bạc tôi cũng không còn nữa. Tôi rụng cả răng rồi, chân đi không vững, óc không còn nhớ gì nữa. Có ba tên đường mà tôi cứ lẫn lộn là đường Sáclơ, đường Sômơ và đường Xanh Cơlốt. Bây giờ tôi đã đến cái nước ấy. Còn anh, trước mắt anh là cả một tương lai rực rỡ đầy ánh sáng mặt trời. Mắt tôi bắt đầu không thấy cái gì nữa, tôi đã bước sâu vào đêm tối. Anh đang mê gái, cái đó là dĩ nhiên. Còn tôi, trên đời này không còn ai thương yêu tôi nữa. Thế mà anh lại bảo tôi thương xót lấy anh là nghĩa làm sao. Chao ôi, ông Môlie viết kịch đã quên khuấy việc này. Nếu các ông pha trò như thể ở giữa tòa án thì xin thưa các ông luật sư, tôi có lời thành thực ngợi khen. Thật là buồn cười.

Rồi ông già chín mươi lại giở giọng giận dữ và nghiêm nghị:

– Nào! Anh cần tôi giúp gì?

Mariuytx nói:

Thưa ông, tôi cũng biết rằng sự có mặt của tôi làm ông bực mình. Nhưng tôi đến đây chỉ để xin ông một việc, sau đó, tôi sẽ đi ngay.

Ông già gắt:

– Anh là một thằng ngốc? Ai bảo anh đi chứ?

Câu này là một cách để lão nói cái lời âu yếm ở trong đáy lòng: Nào, mày xin lỗi tao đi! Nào bá lấy cổ tao mà hôn đi! Lão Gilơnoócmăng cảm thấy trong vài phút nữa thằng cháu sẽ bỏ đi. Lão biết tại mình tiếp đón xẵng quá nên nó thất vọng, tại mình khắc nghiệt quá nên nó bỏ chạy. Trong lòng lão nói với lão như vậy, lão lại càng đau xót hơn. Càng đau xót lão lại càng giận dữ và lại càng khắc nghiệt. Lão chỉ mong Mariuytx vẫn không hiểu. Cái đó càng làm cho lão già phát cáu. Lão nói tiếp:

Thế nào? Tình ông cháu mà anh nỡ bỏ tôi bơ vơ. Anh bỏ nhà tôi anh đi, đi đâu không biết. Anh làm cho dì anh buồn rầu. Ai mà chẳng biết! Anh muốn tự tiện ăn xài, diện cho sướng, đi về không quản đêm hôm, chơi bời cho thỏa thích. Anh không còn cho tôi biết tin tức anh sống chết ra sao. Anh đi vay nợ cũng không thèm bảo tôi trả. Anh theo lũ ông mãnh đập vỡ cửa kính, làm om trời om đất. Thế sau bốn năm, anh trở về nhà tôi và chỉ nói có bấy nhiêu câu phải không?

Cách mắng nhiếc để khiến cho đứa cháu phải thương xót mình, cách ấy chỉ làm cho Mariuytx câm miệng. Lão khoanh tay, đó là cử chỉ thường lệ khi lão đặc biệt nghiêm khắc. Lão mắng Mariuytx một cách chua chát:

Thôi nói tuốt đi Anh nói anh đến đây cầu khẩn tôi việc gì phải không? Việc gì thì nói đi. Việc gì? Nói đi!

Mariuytx nhìn ông tuyệt vọng như một con người biết mình sắp rơi xuống vực thẳm.

– Thưa ông, cháu về xin ông cho phép cháu cưới vợ.

Lão rung chuông. Bátxcơ hé cửa. Lão nói:

– Gọi con gái ta vào đây.

Một thoáng sau, cái cửa lại mở ra. Cô con gái đến nhưng không vào. Mariuytx đứng yên không nói năng gì, hai tay buông thõng, vẻ mặt như mặt một phạm nhân. Ông già đi lại trong phòng. Ông quay nhìn con gái mà nói:

Không có gì. Đây là ông Mariuytx. Hãy chào ông ta đi. Ông ta muốn lấy vợ. Thôi chị ra đi.

Giọng nói đanh và khàn của ông già chứng tỏ ông ta giận đến cực điểm. Người dì hoảng hốt nhìn Mariuytx, tựa hồ như chưa nhận ra cháu.

Rồi bà biến đi đường nào mất, không nói một câu, không làm một cử chỉ, nhanh hơn một cọng rơm bị gió mạnh thổi đi.

Bấy giờ lão Gilơnoócmăng lại đứng tựa vào lò sưởi:

Anh lấy vợ à! Hai mươi mốt tuổi, lấy vợ – anh đã thu xếp như vậy, chỉ còn đến đây xin phép. Để cho hợp thức mà! Xin mời ông ngồi xuống. Phải rồi! Từ khi tôi không được vinh dự gặp mặt ông cho đến nay thì đã xảy ra một cuộc cách mạng. Bọn cách mạng các ông đã thắng. Chắc là ông phải bằng lòng chứ! Chắc là ông thuộc về phái cộng hòa từ ngày ông là nam tước. Ông kết hợp như thế cũng cứ xong, ông theo cộng hòa để làm cho cái chức nam tước của ông được mặn mà. Trong cuộc cách mạng tháng Bảy vừa rồi, ông có được tặng thưởng huy chương không? Ông có tham dự vào việc chiếm lấy cung điện Luyvơrơ không? Cạnh đây, phố Xanh Ăngtoan có một viên đạn đại bác bắn đập vào tường ở tầng thứ ba ngôi nhà, trên ấy có khắc chữ Ngày 28 tháng Bảy năm 1830. Ông cứ đến mà xem. Ra vẻ lắm. Hử! Bọn bạn của ông đã làm lắm trò hay. Nhân đây tôi hỏi có phải họ định dựng một cái bể nước thay thế đài kỷ niệm công tước Ben, phải không? Thế rồi ông muốn lấy vợ? Ông lấy ai, tôi xin lỗi tọc mạch hỏi ông?

Lão dừng lại, Mariuytx chưa kịp trả lời thì lão lại hỏi dồn một cách tức giận:

Này! Ông đã có nghề nghiệp sinh sống gì chưa? Có gia sản rồi chứ? Cái nghề luật sư của ông kiếm được bao nhiêu tiền?

Không kiếm được gì cả! Mariuytx trả lời, giọng rắn rỏi và cương quyết lạ lùng.

Không gì cả. Thế ông chỉ nhờ vào số tiền một nghìn hai trăm tôi cấp cho ông mà sống thôi ư?

Nếu vậy tôi hiểu rồi, nghĩa là bên nhà gái giàu?

Cũng như cháu.

Thế nào? Không có của hồi môn à?

Thưa không.

Có khoản hy vọng nào không?

Cháu nghĩ không có.

Vậy thì mình trần thân trụi à? Người cha là gì?

Cháu không biết.

Nó tên là gì?

Cô Phôsơlơvăng.

Phôsơ[282] cái gì?

Phôsơlơvăng.

Ông già “xùy” một tên. Mariuytx nói:

– Thưa ông.

Lão Gilơnoócmăng ngắt lời và nói như để riêng mình nghe: Thế đấy, hai mươi mốt tuổi, không có danh phận gì, mỗi năm một nghìn hai trăm phơrăng! Nam tước phu nhân Pôngmécxi ngày ngày sẽ ra hàng rau mua hai xu hẹ.

Mariuytx hoang mang, hy vọng cuối cùng đương tan mất:

Thưa ông! Cháu van ông, cháu chắp tay lạy ông, cháu quỳ dưới chân ông, ông cho phép cháu lấy nàng.

Ông già cười khanh khách và ghê rợn, vừa nói vừa ho:

À! À! Trong bụng ông nam tước nghĩ: “Thôi, ta phải đi tìm cái trốc già nua kia, cái lão xuẩn ngốc kia mà nói với lão mới được. Tiếc thay ta chưa đủ hai mươi lăm tuổi.[283]
Nếu không ta chỉ cần gửi cho lão một lá thư tống đạt lễ phép thế là ta phớt được lão. Có sao đâu! Bấy giờ ta sẽ nói với lão: “Ông già lẩm cẩm kia ơi, tôi về đây cho ông thấy mặt tôi là phúc cho ông lắm rồi, tôi muốn lấy vợ tôi muốn lấy con ma nào, con ông quỷ nào cũng kệ xác tôi. Tôi không có giầy mà đi, cô ta không có áo cánh mà mặc, nhưng cũng cứ xong cả. Tôi muốn đem cả cái tiền đồ của tôi, cả sự nghiệp của tôi, cả tuổi trẻ, cả cuộc đời của tôi quăng mẹ nó xuống sông. Tôi muốn đâm bổ vào cảnh khốn cùng với một người đàn bà đeo trên cổ. Tôi thích thế đấy, ông làm gì tôi. Và, nếu như thế là bộ xương hom kia sẽ chịu”. Này! Tôi nói cho anh biết, anh đi đâu thì đi, anh muốn buộc đá vào cổ thì tùy anh, anh muốn lấy con Puxơlơvăng, Cupơlơvăng gì đó thì cứ việc lấy. Nhưng giờ anh xin phép tôi thì không bao giờ được phép đâu! Thưa ông, không bao giờ được!

Ngoại ơi![284]

Không bao giờ được!

Nghe cái giọng lão nói “không bao giờ” Mariuytx mất hết cả hy vọng. Chàng đi qua phòng, chậm rãi, đầu cúi gục xuống, lảo đảo giống con người sắp chết hơn là con

người ra đi. Lão Gilơnoócmăng đưa mắt nhìn theo. Lúc Mariuytx mở cửa và sắp ra ngoài thì lão vội vàng chạy lại với cái dáng mạnh mẽ già của những ông già độc đoán được chiều chuộng, lão cầm lấy cổ áo Mariuytx lôi tuột vào trong phòng, đẩy chàng ngồi xuống cái ghế bành rồi nói:

– Nào! Cháu kể lại ông nghe nào!

Hai tiếng “ngoại ơi” Mariuytx vừa buột miệng đã khiến cho lão thay đổi nhanh chóng như thế. Mariuytx nhìn lão ngơ ngác. Cái vẻ linh hoạt của lão bây giờ chỉ biểu lộ lòng độ lượng, một độ lượng cục cằn nhưng sâu sắc. Tấm lòng của người ông đã trở về.

Nào! Mày kể tao nghe những chuyện trăng gió của mày đi! Mày phải nói hết đấy nhé! Cái bọn thanh niên thật là ngốc.

Mariuytx lại nói:

– Ngoại ơi!

Vẻ mặt của lão già bây giờ hớn ha hớn hở không sao tả xiết.

– Được đấy, cháu cứ gọi ông là ngoại thế hơn.

Trông dáng điệu của ông già bấy giờ có cái gì hiền từ, êm dịu, cởi mở, cha con, khiến cho Mariuytx từ tuyệt vọng chuyển sang hy vọng, con người như dại như say. Chàng ngồi cạnh bàn, ánh nến làm nổi bật bộ quần áo rách bươm, lão ngạc nhiên ngắm bộ áo. Mariuytx nói:

Thưa ngoại, thế này… Lão Gilơnoócmăng ngắt lời:
Ồ thằng này, mày thật không có một xu dính túi à? Sao mà ăn mặc như thằng ăn trộm thế?

Lão lục trong ngăn kéo lấy ra một túi bạc rồi đặt lên bàn.

Đấy cho mày một trăm luy đấy! Mày đi sắm lấy cái mũ.

Thưa ngoại, ngoại nhân từ và hiền hậu của con ơi! Ông có biết không? Con yêu nàng. Ông không thể tưởng tượng được con yêu nàng như thế nào! Lần đầu con thấy nàng trong vườn Luýchxămbua. Nàng thường đến đấy. Lúc đầu con không để ý đến lắm, nhưng sau không hiểu sao con hóa ra si mê. Trời ơi! Con đau khổ biết là dường nào. Bây giờ thì ngày nào con cũng gặp mặt nàng ở trong nhà nàng mà bố nàng không biết. Chúng con chiều tối nào cũng gặp nhau ở trong vườn. Bây giờ người hãy tưởng tượng xem, họ sẽ ra đi.

Bố nàng muốn đưa nàng sang Anh. Cho nên con mới nghĩ bụng rằng: Ta phải đến thăm ông ngoại ta, kể lể đầu đuôi cho ông ngoại ta biết. Mất nàng con sẽ hóa điên ngay, con sẽ chết, con sẽ lâm bệnh, con sẽ nhảy xuống sông. Thế nào con cũng phải lấy nàng, nếu không con sẽ điên mất. Thưa ngoại, đó là tất cả sự thật, con không bỏ quên điều gì hết. Nàng ở trong một cái vườn, bên ngoài có song sắt, phố Pơluymê, ở cạnh viện Anhvalít.

Lão hớn hở ngồi xuống cạnh cháu. Trong khi nghe chàng, thưởng thức giọng nói của chàng, lão hít một hơi thuốc lá dài.

Nghe đến tiếng Pơluymê, lão dừng lại không hít nữa, để cho thuốc lá còn lại rơi cả xuống đầu gối:

Phố Pơluymê? Con nói phố Pơluymê à! Để ông xem! Ở đấy có trại lính nào không? À phải rồi! Thằng cháu họ mày là Têôđuyn đã nói với ông điều ấy. Thằng sĩ quan kỵ binh ấy mà. Con bé, con bé còn nhỏ xíu. Đúng rồi, phố Pơluymê ngày xưa người ta

gọi là phố Bơlômê. Ông nhớ ra rồi! Ông đã nghe nói đến con bé sau hàng rào sắt phố Pơluymê. Trong một cái vườn. Thật là một ả Pamêla.[285] Mày cũng có con mắt tinh đời đấy. Ông nghe nói con bé cũng sạch mắt. Nhân tiện ông cũng nói cho mày biết cái thằng cháu họ của mày nghe đâu cũng đã ve vãn con bé. Ông không biết chuyện

chúng nó đến đâu, nhưng cũng không hề gì. Vả chăng cũng không nên tin nó lắm. Tính nó hay khoe khoang. Mariuytx, ông thấy một người trẻ tuổi như con mà mê gái thì phải làm. Đó là việc của lứa tuổi mày. Mày mê gái ông còn thích hơn là mày theo bọn cách mạng. Mày mê man một cái váy cộc hay là hai mươi cái váy cộc đi nữa cũng vẫn còn hơn là mê ngài Rôbétpie. Về phần ông, ông thú thật với con, trong những người không mặc quần cộc, ông chỉ thích có đàn bà.[286] Gái đẹp là gái đẹp. Về việc đó thì không có ý kiến gì phải phản đối hết. Còn con bé kia nó tiếp mày giấu cha nó, thế là chuyện thường tình. Ngày xưa ông cũng có những chuyện như vậy. Khối chuyện. Mày biết người ta làm thế nào không? Người ta không xem nó ghê gớm lắm đâu. Người ta không gây nên một tấn bi kịch đâu. Người ta không kết thúc bằng hôn nhân, trước mặt ông đốc lý đeo băng đâu. Người ta phải tỏ ra khôn ngoan. Ai cũng có lương tri. Cứ phớt mẹ nó đi, đừng có cưới xin gì cả. Người ta đi tìm ông ngoại, ông ngoại vốn là người dễ dãi, trong ngăn kéo bao giờ cũng có ít tập bạc. Và người ta nói: Thưa ông như thế đấy. Người ông sẽ bảo: Đó là sự thường. Trẻ phải ăn chơi, già chờ xương rụng. Ngày xưa, ông đã có thời trẻ tuổi và cháu rồi cũng sẽ già. Cháu cứ lấy tiền mà tiêu đi, sau này có, cháu sẽ trả lại cho nó. Đây là hai trăm pixton! Cháu cứ ăn chơi thỏa thích. Công việc phải giải quyết như thế mới được. Chẳng cưới xin, nhưng mà cứ việc. Cháu đã hiểu ông chứ?

Mariuytx ngồi đực người, không nói được một lời, chỉ lắc đầu từ chối.

Ông già cười khanh khách, nheo mí mắt già, phát một cái vào đầu gối Mariuytx, và nhìn thẳng vào mặt chàng một cách bí mật và hớn hở. Lão nhún vai một cách âu yếm, nói:

– Ngốc ơi là ngốc! Lấy nó làm nhân tình đi!

Mariuytx tái mặt. Bao nhiêu lời ông ngoại nói chàng chẳng hiểu tí gì. Mấy tiếng nhai đi nhai lại, nào đường Bơlôme, nào ả Pamêla, nào sĩ quan kỵ binh, diễn qua trước mắt Mariuytx như một cảnh ma hiện. Bằng ấy thứ không có gì liên quan với Côdét, con người trong trắng như hoa huệ. Ông ta nói nhảm đấy. Những câu chuyện nhảm ấy đã

kết thúc bằng một tiếng mà Mariuytx hiểu, tiếng này xúc phạm nặng nề danh dự của Côdét. Cái câu “Lấy nó làm nhân tình” đâm vào tim chàng thanh niên như một lưỡi gươm. Chàng đứng dậy, nhặt cái mũ rơi dưới đất, rồi rắn rỏi, chàng chững chạc đi ra phía cửa. Đến cửa, chàng quay mặt lại, cúi rạp xuống chào ông ngoại rồi ngẩng đầu lên nói:

Năm năm trước đây ông đã sỉ nhục cha tôi. Hôm nay, ông lại sỉ nhục vợ tôi. Tôi không xin ông điều gì nữa cả. Xin vĩnh biệt ông.

Gilơnoócmăng ngây người ra, miệng há hốc, giữ hai tay, cố sức đứng dậy. Nhưng lão chưa kịp nói nửa lời, cái cửa đã đóng sập lại và Mariuytx đã biến mất.

Ông già đứng ngẩn người ra một hồi như bị sét đánh, nói không được, thở không được, tựa hồ như có ai bóp cổ mình. Cuối cùng, lão đứng phắt dậy, gắng sức chín mươi chạy nhanh ra cửa. Lão mở cửa và kêu lên:

– Cứu tôi với! Cứu tôi với!

Cô con gái chạy tới rồi đến đầy tớ. Lão rên như người sắp chết:

Chạy theo nó! Giữ nó lại cho tôi! Tôi đã làm gì nó không biết. Nó điên rồi. Trời ơi là trời! Lần này thì thôi, không bao giờ nó trở về nữa…

Lão chạy đến cái cửa sổ trông ra ngoài đường, tay vừa mở vừa run, lão nghiêng quá nửa mình ra ngoài cửa trong lúc Bátxcơ và Nicôlét giữ đằng sau. Lão la lớn:

– Mariuytx! Mariuytx! Mariuytx! Mariuytx!

Nhưng Mariuytx không còn nghe gì nữa vì ngay lúc ấy chàng đã rẽ ngay sang con đường Xanh Luy.

Ông già chín mươi ấy hai ba lần đưa tay lên bóp thái dương, mặt có vẻ hoảng hốt. Ông bước lùi chếnh choáng rồi ngồi phịch xuống ghế, mạch không đập, nói không ra tiếng, không còn nước mắt, đầu lắc lư, đôi môi mấp máy như ngây như dại, mặt mất

hết cả tinh thần, và trong lòng chỉ còn một cái gì não nuột sâu xa giống như đêm tối.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.