NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

VIII. HAI NGƯỜI KHÔNG SAO TÌM RA ĐƯỢC



Mặc dù hoan hỷ đến đâu, Mariuytx cũng không thể xóa nhòa được trong óc mấy nỗi hận lòng khác.

Trong thời gian sửa soạn và chờ ngày cưới, chàng cho tiến hành những cuộc điều tra khó khăn, tỉ mỉ.

Mariuytx chịu ơn về nhiều phía; chàng còn nợ cái ơn của cha chàng, rồi cả một cái ơn riêng của chàng nữa.

Một người là Tênácđiê; còn một người lạ nào đã mang chàng, phải, mang chính chàng, về nhà lão Gilơnócmăng.

Mariuytx tha thiết muốn tìm cho ra hai người ấy, chưa muốn cưới vội, chưa muốn sung sướng mà quên họ đi; chàng còn sợ những món nợ ân nghĩa chưa trả ấy sẽ ngả bóng xuống cuộc đời từ nay vô cùng xán lạn của chàng. Không thể nào để các món nợ chưa trả ấy cứ lai rai đeo đẳng sau mình. Trước khi vui vẻ bước vào tương lai, chàng muốn thanh toán xong nợ quá khứ.

Mặc dù Tênácđiê là một tên gian ác, điều ấy cũng không làm giảm giá cái việc hắn cứu sống đại tá Pôngmécxi. Tênácđiê đối với mọi người là thằng kẻ cướp, đối với Mariuytx thì không.

Mariuytx không biết rõ sự thật trên chiến trường Oatéclô, nên chàng không biết cái trường hợp đặc biệt này, là cha chàng ở trong tình thế lạ lùng thoát chết nhờ Tênácđiê, nhưng không mang ơn huệ gì với hắn ta.

Biết bao người Mariuytx phái đi, không một ai tìm thấy Tênácđiê. Hình như về khoản hắn, không còn dấu vết gì nữa. Mụ Tênácđiê thì đã chết trong khi xét hỏi ở tòa án. Chỉ còn hai người sống sót trong cái gia đình bi thảm ấy là Tênácđiê và Adenma, con gái hắn; cả hai người đều chìm trong bóng tối. Cái vực thẳm của xã hội mịt mù đã khép

lại trên những con người ấy. Trên mặt nước, cũng không có lấy những nét gợn run run, những vòng sóng rung rinh mờ ảo báo cho ta biết một cái gì đã rơi xuống đấy, để mà thả con sào xuống thăm dò.

Mụ Tênácđiê đã chết, Bulatơruyen được miễn tố, Cơlacơxu biến mất, những bị cáo quan trọng đã vượt ngục, vụ xử việc âm mưu ở căn nhà nát Goócbô gần như thất bại. Trên ghế bị cáo tòa đại hình, chỉ còn lại hai tòng phạm là Păngsô tức Pơranhtaniê, tức Bigơrơnay và Đơmilia; hai tên đều bị xử hiện diện mười năm khổ sai. Còn những tên khác đã vượt ngục, đều bị tuyên án vắng mặt khổ sai chung thân. Tênácđiê là tên cầm đầu và chủ mưu bị xử tử vắng mặt. Về Tênácđiê, chỉ còn lại duy nhất cái án ấy, nó chiếu một ánh sáng lờ mờ ảm đạm trên tên hắn, như một ngọn nến bên cái quan tài.

Cái án ấy càng làm cho Tênácđiê thêm sợ bị bắt, càng xô đẩy hắn xuống những hố sâu thăm thẳm, càng làm cho hắn biến vào bóng đêm dày đặc.

Còn việc tìm người kia, người lạ mặt đã cứu sống Mariuytx, mới đầu tưởng còn đôi chút kết quả, nhưng rồi lại im bặt. Đã tìm thấy cái xe ngựa chở Mariuytx về phố Phiơ đuy Canve tối hôm mồng 6 tháng sáu. Bác đánh xe kể lại rằng ngày 6 tháng sáu, theo lệnh một viên cảnh sát, bác đã đỗ xe từ ba giờ chiều đến tối mịt ở bến Săng Êlidê, trên miệng Cống lớn; rồi lúc chín giờ tối, cái cửa ở bến sông mở ra; một người chui ở cống ra, cõng trên lưng một người hình như đã chết; viên cảnh binh vẫn đứng rình ở đấy, bắt cả người sống lẫn người chết, rồi theo lệnh của ông ta bác chỉ biết phận sự là cứ “chở tuốt cả bọn ấy” trong xe; mới đầu xe đánh đến phố Phiơ đuy Canve, để người chết ở lại đây; cái người chết ấy là ngài Mariuytx, bác nhận được rõ lắm, mặc dù “lần này” ông ấy là người sống; thế rồi ba người lại lên xe, bác lại quất ngựa chạy đến gần cửa Acsivơ thì người ta bảo dừng lại, rồi người ta trả tiền ngay giữa đường phố, rồi đi mất; viên cảnh sát đem người kia đi; bác chẳng biết gì thêm, đêm hôm ấy trời tối om om.

Còn Mariuytx thì chẳng nhớ gì, ta đã nói rồi. Chàng chỉ nhớ lúc chàng ngã vật ra đằng sau thì có một bàn tay khỏe mạnh đỡ lấy chàng; thế rồi chàng không biết gì nữa. Đến nhà ông Gilơnócmăng, chàng mới hồi tỉnh.

Càng phỏng đoán càng rối tung.

Chàng không thể nào nghi ngờ lý lịch bản thân mình. Thế nhưng tại sao ngã xuống ở phố Săngvrơri, chàng lại được người cảnh sát kia thấy ở bãi sông Xen, gần cầu Anhvalit? Có người mang chàng từ khu chợ đến khu Săng Êlidê. Mang thế nào? Qua cống ngầm. Một sự tận tâm chưa từng có.

Một người? Ai vậy?

Mariuytx đang tìm kiếm người ấy.

Ân nhân của chàng không để một dấu vết; không một hình tích.

Mặc dù chàng rất cần phải thận trọng, nhưng chàng cứ ra hỏi tận sở cảnh sát. Ở đây cũng không hơn gì, những điều hỏi được không làm sáng tỏ thêm gì. Sở còn biết ít hơn bác đánh xe. Sở chẳng biết tí gì về việc bắt giữ người hôm mồng 6 tháng sáu ở cửa Cống lớn. Chẳng nhận được báo cáo gì về việc ấy, Sở coi là một chuyện bịa đặt. Người ta ngờ rằng bác đánh xe đã bịa ra chuyện ấy. Một anh đánh xe thì gì mà chẳng làm để lĩnh tiền thưởng, kể cả cái việc bịa đặt theo trí tưởng tượng. Thế nhưng việc ấy là việc có thật; Mariuytx không còn nghi ngờ gì nữa, trừ khi chàng không phải là chàng nữa, như ta vừa nói.

Trong việc bí hiểm kỳ dị này, chẳng cắt nghĩa được gì hết.

Cái người ấy, cái người bí mật ấy, bác xe đã trông thấy chui từ dưới Cống lớn lên, lưng cõng Mariuytx chết ngất, lại bị viên cảnh sát kia đứng rình bắt quả tang đang cứu một người bạo động, người ấy bây giờ ra sao? Còn viên cảnh sát nữa? Tại sao ông ta cứ im hơi lặng tiếng như vậy? Người kia đã trốn thoát chăng? Hay là ông ta đã mua chuộc viên cảnh binh?

Tại sao người ấy bây giờ lại tuyệt nhiên không tin tức gì đến cho Mariuytx biết. Mariuytx là người đã mang ơn tái tạo của ông cơ mà? Tấm lòng vô tư của người ấy tái tạo cũng kỳ diệu không kém gì tấm lòng tận tụy hy sinh. Tại sao người ấy không trở

lại? Có lẽ người ấy coi thường việc đền ơn, đúng. Nhưng có ai lại coi thường lòng biết ơn! Bác xe bảo: đêm tối om om. Lão Bátxcơ và Nicôlét thì khiếp sợ chỉ nhìn cậu chủ máu me đầm đìa. Chỉ có ông gác cổng, lúc ấy cầm ngọn nến soi cái cảnh thảm đạm Mariuytx về nhà, chỉ có ông là nhìn người kia; ông ta nói như sau: “Trông người ấy chết khiếp lên được”.

Mariuytx bảo giữ lại bộ quần áo đẫm máu chàng mặc trong người lúc người ta chở chàng về nhà, hy vọng sau này có thể dùng được gì trong việc điều tra tìm kiếm chàng. Nhìn kỹ áo thì thấy một vạt bị xé rất kỳ lạ. Mất một mảnh.

Một buổi tối, Mariuytx kể lại cho Côdét và Giăng Vangiăng nghe câu chuyện lạ lùng của mình, biết bao tin tức thu lượm mà công vẫn hoài công. Khuôn mặt lạnh lùng của ông “Phôsơlơvăng” lại càng làm cho chàng bực mình. Anh hét to lên, giọng run run gần như giận dữ:

Phải, người ấy dù là ai đi nữa, cũng đã tỏ ra vô cùng cao cả. Thưa cụ, cụ có biết người ấy đã làm gì không? Người ấy chợt đến như một vị thiên thần. Người ấy hẳn đã xông vào cuộc chiến đấu, cướp tôi ra, mở cửa cống kéo tôi ra, cõng tôi chui trong đường cống. Người ấy chui trong những con đường hầm ghê tởm trên một dặm rưỡi, phải cúi xuống vũng lầy nhơ nhớp, thưa cụ, trên một dặm rưỡi, lại cõng một cái xác chết ấy, thế thôi. Cái xác ấy là tôi đây. Người ấy đã tự bảo: “May ra còn chút hơi tàn thoi thóp, mình sẽ liều cuộc đời mình để cứu vãn hơi tàn mong manh này”. Không phải người ấy liều chết một lần, mà là hàng mấy chục lần! Mỗi bước đi là một bước nguy hiểm. Chứng cớ rõ ràng nhất là ra khỏi cống thì bị bắt. Thưa cụ, người ấy đã làm tất cả những việc ấy! Không màng một sự trả ơn! Bởi vì lúc ấy tôi là gì? Một kẻ bạo động. Tôi là gì nữa? Một kẻ bại trận. Trời ơi! Giả thử sáu mươi vạn phơrăng của Côdét là của tôi.

Của anh đấy, – Giăng Vangiăng ngắt lời Mariuytx.

– Thì tôi cho hết để mà tìm lại được người kia.

Giăng Vangiăng im lặng không nói gì.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.