NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

VIII. NHIỀU DẤU HỎI VỀ TÊN LƠ CABUÝC MÀ CÓ LẼ KHÔNG PHẢI TÊN LÀ LƠ CABUÝC



Bức tranh bi hùng mà tác giả đương vẽ sẽ không trọn vẹn, bạn đọc sẽ không thấy nổi bật lên những giờ phút lớn lao ấy, những giờ phút trở dạ của xã hội thai nghén cách mạng, những giờ phút mà xã hội vừa quằn quại, vừa cố sức vùng lên, nếu tác giả quên một sự việc trong bức phác họa đầu tiên này. Sự việc kinh khủng và hùng tráng ấy xảy ra ngay sau khi Gavrốt vừa đi khỏi.

Những đám tụ hội cũng như những quả cầu tuyết, càng di chuyển càng thu hút theo nó vô số người ồn ào. Những người khách qua đường ấy không hỏi nhau từ đâu lại. Trong số đã gia nhập vào đám đông do Ănggiônrátx, Côngphơbe và Cuốcphêrắc dẫn đầu, có một người mặc áo phu khuân vác sờn ở vai. Người ấy múa may, hò hét, như một tên say rượu hung hãn. Người ấy gọi là, hoặc được đặt tên là Lơ Cabuýc. Những kẻ bảo có quen với nó thật ra cũng không biết gì về tung tích của nó cả. Lơ Cabuýc say mềm – hoặc vờ như thế – cùng với mấy người nữa vào kéo một cái bàn ra trước quán, ngồi đánh chén với nhau. Hắn vừa chuốc rượu cho mấy người thù tạc với nó vừa ngắm nghía ra chiều nghĩ ngợi tòa nhà to ở tận cùng bên trong chiến lũy. Tòa nhà năm tầng ấy đứng lù lù trên đường phố, đối diện với phố Xanh Đơni. Bỗng Lơ Cabuýc kêu:

Các đồng chí, các đồng chí có biết không? Phải đứng trong tòa nhà ấy mà bắn ra. Chúng mình mà nép ở các cửa sổ thì liệu hồn mấy thằng bén mảng tiến lên.

Đúng, nhưng nhà đóng kín cả rồi – một anh đồng bàn đáp.

Ta gõ cửa.

Người ta không mở đâu.

Thì ta phá cửa.

Lơ Cabuýc chạy đến cửa. Trên cửa có treo một cái búa khá nặng. Hắn lấy búa gõ. Cửa

không mở. Hắn đập một lần nữa. Cũng không ai trả lời. Một tiếng thứ ba. Vẫn yên lặng. Lơ Cabuýc thét:

Có ai ở trong này không? Vẫn không thấy có gì động đậy.
Lơ Cabuýc bèn vớ một khẩu súng, trở báng bắt đầu đập thình thình. Cái cửa ấy là một thứ cửa chắn vườn kiểu xưa, có cuốn, thấp, hẹp, chắc chắn, làm toàn bằng gỗ sồi, phía trong bọc tôn có nẹp sắt. Nó chắc như một cửa ngục. Báng súng làm rung động cả ngôi nhà nhưng cửa vẫn không lay chuyển.

Tuy vậy tiếng báng súng cũng làm kinh động đến những người ở trong nhà, cho nên ở tầng gác ba, có một cái cửa sổ vuông nhỏ bừng sáng và mở ra. Từ trong cửa, một cây nến và một cái đầu nhô ra ngoài, cái đầu thì tóc hoa râm, mặt ngẩn ngơ hoảng hốt. Đó là ông già gác cổng.

Lơ Cabuýc ngừng đập cửa. Ông gác cổng hỏi:

Thưa các ông, các ông cần gì?

Mở cửa.

Thưa các ông, không được ạ.

Cứ mở.

Không thể được, các ông ạ.

Lơ Cabuýc đưa súng lên vai, ngắm người gác cổng. Trời tối mà hắn lại đứng dưới thấp, nên ông già không nhìn thấy hắn.

– Mày có mở hay là không, nào?

– Thưa các ông không được ạ.

Mày nhất định nói không đấy à?

Không được, thưa quí…

Người gác cổng chưa nói hết câu, súng đã nổ, viên đạn tin vào dưới cằm, xuyên mạch cổ và chui ra phía sau gáy. Ông già ngã gục xuống, không kịp buông một tiếng thở dài. Cây nến rơi tắt phụt. Sau đó người ta chỉ thấy một cái đầu im ỉm gục trên bậu cửa và một ít khói trắng bay trên mái nhà.

Lơ Cabuýc thả rơi báng súng xuống nền phố, nói:

– Thế là xong.

Hắn vừa nói xong thì cảm thấy có một bàn tay đặt lên vai hắn, nặng trịch như móng chim ưng, và một giọng nói ra hiệu lệnh:

– Quỳ xuống!

Tên sát nhân quay lại và nhận ra khuôn mặt trắng trẻo, lạnh lùng của Ănggiônrátx.

Anh cầm súng lục.

Anh đã chạy đến đây khi nghe tiếng nổ.

Bàn tay trái của anh vừa tóm cổ, vừa áo choàng, áo sơ mi và dây đeo quần của Lơ Cabuýc. Anh lặp lại:

– Quỳ xuống!

Rồi bằng một miếng tuyệt luân, chàng thanh niên mảnh khảnh uốn người thằng du côn còn nở nang mạnh khỏe như uốn một cây lau và đè nó quỳ lên bùn.

Lơ Cabuýc cố cưỡng lại, nhưng cảm thấy cái bàn tay đương nắm nó là một bàn tay thần kỳ.

Mặt tái nhợt, cổ áo để hở, tóc bơ phờ, Ănggiônrátx với gương mặt thiếu phụ của

chàng, lúc này giống như pho tượng của nữ thần Têmitx[337] đời xưa. Anh có nét mặt Hy Lạp đanh thép, mũi phập phồng, mắt nhìn xuống, tất cả cái ấy làm ra một diện mạo vừa phẫn nộ vừa đoan trang, theo con mắt người đời trước thì đúng là biểu tượng của công lý.

Tất cả các chiến lũy đã xô đến, nhưng rồi tất cả đều đứng dang ra, làm thành một vòng tròn. Ai cũng cảm thấy rằng trước sự việc sắp diễn ra, không thể nói lời gì được.

Lơ Cabuýc thua sức, không gắng gượng vùng vẫy nữa, tay chân hắn run cầm cập.

Ănggiônrátx buông hắn ra, móc đồng hồ xem và nói:

Mày hãy tĩnh tâm đi. Cầu nguyện hay suy nghĩ tùy ý. Cho mày một phút. Thằng sát nhân van vỉ:

Tha chết cho tôi.

Rồi hắn cúi đầu, nói lẩm nhẩm gì không rõ. Ănggiônrátx mắt vẫn không rời đồng hồ. Vừa đủ một phút, anh bỏ đồng hồ vào bọc. Lơ Cabuýc vừa rú lên vừa thu người áp vào đầu gối anh, anh nắm tóc hắn, dí miệng súng vào tai hắn. Những người đứng đấy toàn là những người đã dũng cảm bình tâm dấn thân vào cuộc bạo động phiêu lưu kinh khủng này, thế mà có nhiều người phải quay mặt.

Phát súng nổ, tên sát nhân ngã sấp mặt xuống đường, còn Ănggiônrátx thì đứng thẳng người lên, đưa mắt nhìn quanh, nghiêm nghị và tin tưởng.

Xong, anh lấy chân hất cái xác chết, bảo:

– Đem cái này vứt ra ngoài.

Ba nghĩa quân đến khiêng cái thân hãy còn có những co giật tự nhiên cuối cùng và đem vứt ra phía ngoài chiến lũy nhỏ ở phố Môngđêtua.

Ănggiônrátx vẫn đăm chiêu nghĩ ngợi. Trên dáng điềm tĩnh của anh, dường như có

những gợn đen hùng vĩ từ từ tràn lên. Thình lình anh cất tiếng. Mọi người lắng nghe.

Anh nói:

Đồng bào, cái tội ác của thằng ấy thật là ghê rợn, mà việc tôi vừa làm kia thì lại đáng kinh tởm biết bao nhiêu. Nó giết người, vì vậy tôi phải giết nó. Tôi bắt buộc phải làm như thế, bởi vì muốn làm cách mạng cần phải nghiêm lệnh. Giết người ở đâu cũng là tội ác, ở chỗ này lại càng là một tội ác lớn. Chúng ta hành động dưới mắt của Cách mạng. Chúng ta là những giáo sĩ của đạo Cộng hòa, chúng ta là những người xả thân vì nghĩa vụ, không được để cho ai có cớ vu khống cuộc chiến đấu của chúng ta. Vì vậy tôi đã lên án và xử tử tên kia. Về phần tôi, bị bức bách phải làm việc ấy nhưng rất ghê tởm, tôi cũng đã luận tội tôi rồi, và lát nữa đồng bào sẽ thấy tôi xử tôi như thế nào.

Những người đứng nghe đều rùng mình, Côngbơphe thét lớn:

Chúng tôi tự nguyện chịu chung một số phận với đồng chí.

Vâng, thế cũng được, Ănggiônrátx đáp. Còn một điều này nữa, tôi xin nói nốt. Tôi xử lý tên kia là vì cần thiết, nhưng sự cần thiết đó là một thứ yêu quái của thế giới cũ, nó có tên là Định mệnh. Theo luật tiến hóa, thì yêu quái phải tiêu biến trước thiên thần, Định mệnh phải tiêu biến trước chủ nghĩa Bác ái. Lúc này không phải là lúc nói đến tình yêu. Mặc, tôi cứ gọi tên nó, tôi ca tụng nó. Tình yêu ơi, tương lai là của mày! Còn Thần chết kia, tao dùng mày nhưng tao rất ghét mày. Hỡi đồng bào, tương lai sẽ

không còn bóng tối, không còn sấm sét, không còn sự tàn ác ngu dại, không còn có những hình phạt đẫm máu. Vì không còn Xatăng cho nên cũng không còn Misen.[338] Tương lai sẽ không còn có ai giết ai, mặt đất rực rỡ hào quang, con người chỉ còn biết yêu thương lẫn nhau. Cái ngày ấy sẽ đến, đồng bào ạ, cái ngày mà tất cả sẽ là hòa mục, là dịu dàng, là ánh sáng, là vui, là sống, cái ngày ấy không xa. Và chính vì muốn cho nó đến mà chúng ta sắp sửa hi sinh đây.

Ănggiônrátx vừa dứt lời. Cặp môi nữ đồng trinh của chàng khép lại, và chàng đứng yên ở chỗ chàng vừa giết người, nghiêm lặng như một pho tượng cẩm thạch. Cái nhìn

trực thị của chàng làm cho chung quanh ai cũng phải hạ thấp giọng xuống mà nói chuyện.

Giăng Pruve và Côngbơphe lặng lẽ siết tay nhau. Họ đứng tựa vào nhau trong một hốc chiến lũy để ngắm chàng thanh niên khắc khổ vừa là người thánh tăng, vừa là vai đao phủ, chàng thanh niên mà chất người là ánh sáng và pha lê mà cũng là đá. Trong sự khâm phục của họ có lẫn niềm xót thương.

Thiết tưởng nên nói ngay rằng về sau, khi cuộc chiến đấu đã kết thúc, lúc mang xác chết về nhà xác và lục soát các tử thi, người ta tìm thấy trong người Lơ Cabuýc một cái thẻ nhân viên sở an ninh. Năm 1848, tác giả sách này có lấy được bản báo cáo đặc biệt gởi cho thị trưởng cảnh sát năm 1832 về vụ này.

Nên nói thêm rằng theo như trong giới cảnh sát người ta truyền ra – điều này lạ lùng nhưng chắc là có căn cứ – thì Lơ Cabuýc tức là Clacơxu. Sự thật thì từ khi Lơ Cabuýc chết đi, cũng không ai nói đến Clacơxu nữa. Clacơxu biến mất đi không để lại dấu vết, tựa hồ như hòa tan trong vô hình. Đời sống của nó tăm tối, phút cuối cùng của nó cũng là đêm dày.

Cả toán nghĩa quân xúc động về vụ án bi hùng thẩm xét nhanh kết thúc chóng ấy. Lúc bấy giờ Cuốcphêrắc mới nhìn thấy người thanh niên bé bỏng lúc sáng đã đến tìm Mariuytx ở nhà trọ của mình, người thanh niên cũng ở trong chiến lũy.

Người thanh niên có vẻ dạn dĩ vô tư ấy đã đến gia nhập nghĩa quân lúc chập tối.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.