NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

X. NGUỒN GỐC DÒNG “CHẦU MÌNH THÁNH HẰNG NGÀY”



Vả lại cái phòng khách gần như nhà mồ ấy mà chúng tôi đã phác họa, chỉ là một đặc điểm riêng của tu viện này: phòng nói chuyện của các tu viện khác không nghiêm nghị như vậy. Đặc biệt ở tu viện phố Tăngpơlơ, thực ra thì thuộc một dòng tu khác, cửa ván đen được thay bằng những màn cửa màu nâu và cả phòng nói chuyện nữa là một phòng khách có sàn gỗ, cửa sổ có viền sa trắng và ở trên tường có đủ tất cả các thứ khung ảnh, một chân dung của một bà bênêđichtin mặt không có mạng che, những tranh hoa sơn dầu và cả cái “Đầu Thổ”[116] nữa.

Tu viện phố Tăngpơlơ này trước là tu viện của các bà bênêđichtin dòng tu “Chầu mình Thánh hàng ngày”, khác các bà bênêđichtin thuộc phái Xitô. Dòng tu “Chầu mình Thánh hàng ngày” không lâu đời lắm, lịch sử của nó không quá hai trăm năm. Năm 1649 Thánh thể bị xúc phạm hai lần, chỉ cách nhau vài ngày ở trong hai nhà thờ thành phố Pari, nhà thờ Xanh Xuynpixơ và nhà thờ Xanh Giăng Gơrevơ, một sự xúc phạm ghê gớm và hiếm thấy làm cho nhân dân cả thành phố xúc động. Đức giám mục Xanh Giécmanh đê Pơrê đã phải ra lệnh tổ chức một đám rước thánh trọng thể có đủ mặt các giáo sĩ địa hạt ngài và có Đức cha sứ thần tòa thánh làm lễ. Nhưng sự chuộc tội ấy, đối với hai bà ngoan đạo đáng kính, bà Cuốctanh, hầu tước Đo Búc và bà hầu tước Satôviơ thì vẫn không đủ. Việc xúc phạm đến “thánh thể rất thiêng liêng”, tuy rằng chốc lát, vẫn luôn ám ảnh linh hồn mộ đạo của hai bà. Đối với hai bà tội ấy chỉ có thể chuộc lại với một sự “Chầu mình Thánh hàng ngày” trong một tu viện nữ: Cả hai bà, một bà năm 1652, một bà năm 1653, đã tặng cho mẹ Catơrin đơ Ba, còn gọi là mẹ Thánh thể, nữ tu sĩ dòng bênêđichtin, những số tiền lớn để lập, với mục đích sùng đạo ấy, một trưởng viện dòng Xanh Bơnoa. Lệnh đầu tiên cho phép mẹ Catơrin đơ Ba lập tu viện do Đức cha Đơ Mê, viện trưởng tu viện Xanh Giécmanh ký với điều kiện là những cô thiếu nữ “chỉ được vào tu viện này nếu đem tới một lợi tức ba trăm phơrăng”, nghĩa là phải có một cái vốn sáu ngàn phơrăng. Sau lệnh của Đức cha Xanh Giécmanh thì có sắc chỉ cho phép của nhà vua và tất cả hiến chương, quy chế của tu

viện với sắc chỉ của nhà vua đều đã được đăng ký năm 1654 ở Viện quản lý tài chính quốc gia trong Pháp viện nhà vua.

Đó là nguồn gốc và sự công nhận chính thức của tu viện “Chầu mình Thánh hàng ngày” ở Pari. Tu viện thứ nhất của dòng này được xây dựng hoàn toàn mới ở phố Caxetơ với tiền của hai bà Đơ Buc và Đơ Satôviơ.

Dòng tu này, như người đã biết, không phải cùng một dòng với các bà bênêđichtin gọi là dòng Xitô. Dòng này thuộc tu viện trưởng Xanh Giécmanh đê Pơrê, cũng như các bà Xacơrê Cơ thuộc sự chỉ huy của các bề trên Giêduytơ và các bà phúc thiện thuộc sự chỉ huy của các bề trên dòng Ladarixtơ.

Dòng này cũng khác hẳn dòng các bà Bécnađin của tu viện Pơti Pichpuýt mà chúng tôi vừa phác họa cảnh bên trong. Năm 1657 giáo hoàng Alêcxăngđơrơ VII đã cho phép trong một thông lệnh đặc biệt, các bà Bécnađin ở tu viện Pơti Pichpuýt “Chầu mình Thánh hàng ngày” như các bà bênêđichtin dòng “Thánh thể”. Tuy vậy hai dòng tu này vẫn đứng riêng rẽ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.