Những Phát Hiện Về Vạn Vật Và Con Người

ĐẾN ẤN ĐỘ VÀ TRỞ VỀ



Dias không bao giờ được vua thưởng công xứng đáng và ông trở thành con người của Kỷ Nguyên Khám Phá của Bồ Đào Nha bị quên lãng. Ông có trông coi việc đóng những tàu cho Vasco da Gama, nhưng không dự phần trong chuyến hành trình cao điểm của Gama tới Ấn Độ.
Nhánh thứ hai trong chiến lược thám hiểm của vua Joan II là đường biển, một dự án được sắp đặt lâu ngày, tổ chức kỹ lưỡng, với vốn đầu tư lớn và một đoàn thám hiểm đông người. Người chỉ huy được vua chọn là Bartholomeu Dias, người đã từng trông coi các kho của hoàng gia ở Lisbon và đã đi một chuyến tàu caravel xuống bờ biển châu Phi. Đoàn thám hiểm của Dias gồm hai tàu caravel, mỗi tàu có trọng tải 50 tấn và một tàu kho mà các chuyến thám hiểm từ trước đến nay chưa có, để giúp cho hai tàu kia có khả năng nhiều hơn, ở ngoài biển lâu hơn và có thể ra xa ngoài khơi hơn. Dias mang theo sáu người châu Phi đã từng có mặt trong các chuyến thám hiểm Bồ Đào Nha trước đây. Dias cho họ ăn uống tử tế, cho mặc đồ theo kiểu người Âu, rồi rải họ ở một số nơi dọc bờ biển, cùng với những mẫu hàng hóa như vàng, bạc, gia vị và các sản phẩm châu Phi khác, để họ dùng kiểu “buôn bán câm” chỉ cho những người bản xứ biết người Bồ Đào Nha cần những loại hàng hóa nào. Sau khi đã rải hết những sứ giả châu Phi này, các con tàu của Dias gặp phải một cơn bão chuyển thành một cuồng phong dữ dội. Những con tàu phải hạ buồm chạy trước cơn gió bắc trên biển sóng lớn trong 13 ngày và bị gió đưa đi xa ra ngoài khơi rồi xuống phía nam của biển cả. Đoàn thủy thủ vừa mới bị sức nóng thiêu đốt của xích đạo, giờ đây trở thành hoảng loạn. “Và vì các tàu khá nhỏ và biển thì càng lúc càng lạnh hơn và không giống như lúc họ còn ở Guinea,… họ chỉ nằm trên tàu chờ chết”. Nhưng cơn bão đã qua đi và Dias căng tất cả các cánh buồm và quay về phía đông, nhưng sau nhiều ngày vẫn không thấy đất đâu cả. Quay lên phía bắc 150 hải lý, ông bất ngờ thấy những dãy núi cao. Ngày 3 tháng 2, 1488, ông bỏ neo ở vịnh Mossel, nằm vào khoảng 30 dặm phía đông chỗ ngày nay gọi là Mũi Town. Có vẻ do ý trời, cơn bão đã thực hiện được điều mà không một kế hoạch nào có thể thực hiện, vì nó đã đưa Dias vòng qua mũi cực nam của châu Phi. Khi đoàn người thám hiểm lên bờ, họ bị dân bản xứ ném đá đuổi đi, Dias dùng cung bắn chết một người bản xứ khiến họ phải bỏ đi. Ông đi theo bờ biển, đi thêm ba trăm dặm nữa đến cửa của Great Fish River và vào vịnh Algoa.
Dias muốn đi tiếp vào Ấn Độ Dương, để hoàn thành niềm mong đợi của nhiều thế kỷ, nhưng đoàn thủy thủ không muốn. “Mệt mỏi và kinh hoàng vì biển cả dữ dội mà họ đã đi qua, tất cả đều cùng nhau bắt đầu lẩm bẩm kêu ca và yêu cầu không được đi xa thêm nữa”. Lương thực còn rất ít và chỉ có cách quay nhanh trở về tàu lương thực còn ở xa tít phía sau. Sau khi hội ý với các thuyền trưởng và mọi người đều ký vào quyết định quay trở về, Dias đã đồng ý.
Trên đường về, họ trở lại chiếc tàu lương thực mà họ đã để lại cách đây chín tháng với 9 người trên tàu. Chỉ còn ba người sống sót và một trong ba người này “quá vui khi gặp lại các bạn nên đã chết một cách đột ngột, vì đã quá đuối sức vì bệnh tật”. Người ta dỡ hàng từ chiếc tàu lương thực rồi đốt bỏ nó, chỉ còn hai con tàu caravel quay về Bồ Đào Nha vào tháng 12 năm 1488, sau mười sáu tháng và mười bảy ngày lênh đênh trên biển.
Khi hai chiếc tàu caravel tan nát vì thời tiết về tới cảng Lisbon, Christopher Colômbô đã có mặt ở đó để đợi đoàn thám hiểm. Dạo ấy Christopher Colômbô chưa có tiếng tăm gì. Ông rất quan tâm đến kết quả chuyến đi của Dias. Thời gian đó, Colômbô đang ở Lisbon để một lần nữa cố gắng thuyết phục vua Joan II tài trợ cho đoàn thám hiểm của riêng ông tới vùng Indies bằng con đường biển phía tây băng qua Đại Tây Dương. Năm 1484, khi Colômbô lần đầu tiên đến trình bày dự án của mình cho vua, vua đã giao cho một ủy ban chuyên môn xem xét, họ đã bác bỏ dự án vì cho rằng ông đã đánh giá quá sai khoảng cách phía tây đến vùng Indies. Nhưng vua đã có ấn tượng rất mạnh về “tài trí” của ông và vì thế lần này ông đến thử một lần nữa. Lúc Dias chiến thắng khải hoàn cũng là thời điểm không hài lòng cho Colômbô. Bởi vì con đường vòng quanh châu Phi để đến Indies nay đã khả thi và dự án của Colômbô kể là thừa. Thế là Colômbô phải đi tìm sự trợ giúp của một quốc gia khác chưa từng tìm ra con đường quanh châu Phi.
Dias không bao giờ được vua thưởng công xứng đáng và ông trở thành con người của Kỷ Nguyên Khám Phá của Bồ Đào Nha bị quên lãng. Ông có trông coi việc đóng những tàu cho Vasco da Gama, nhưng không dự phần trong chuyến hành trình cao điểm của Gama tới Ấn Độ.
Người ta đã trông chờ công trình thám hiểm của Dias được tiếp nối mau chóng, nhưng nó đã bị trì hoãn do những vấn đề nội bộ ở Bồ Đào Nha, do việc kế vị ngôi vua bị gián đoạn và nhất là do cuộc tranh giành xảy ra khiến Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đang đứng bên bờ của một cuộc chiến.
Khi vua Joan II được tin Colômbô khám phá ra những đảo mới ở Đại Tây Dương, ông tuyến bố năm 1493 rằng những đất này vì gần quần đảo Azores và vì những lý do khác nữa, nên phải thuộc về Bồ Đào Nha. Tuyên bố này gây nên cuộc tranh giành giữa vua Joan của Bồ Đào Nha với vua Derdianand de Castile của Tây Ban Nha, hai nước phải nhờ sự phân xử của Giáo hoàng, qua Hiệp ước Tordesillas (7-6-1494). Hiệp ước này đã giúp tránh được cuộc chiến giữa hai nước và trở thành một trong những hiệp ước thời danh nhất trong lịch sử châu Âu. Nhưng hiệp ước cũng có nhiều điểm mơ hồ khiến không ai biết được nó có hiệu lực thực sự hay không.
Những hào quang rực rỡ của Colômbô nhiều khi làm lu mờ những con người khác đã có những thành tựu cũng to lớn, hay thậm chí còn to lớn hơn… Xét đến những thành tựu to lớn về đường biển, thì Vasco da Gama phải vượt xa Colômbô.
Lên ngôi vua Bồ Đào Nha vào năm 1495 là một hoàng tử gan dạ 26 tuổi, vua Manuel I, có biệt danh là “Người May Mắn”, vì ông được kế thừa nhiều công trình to lớn. Ông đề xướng một kế hoạch tiếp nối những khám phá của Dias bằng một cuộc thám hiểm theo đường biển tới Ấn Độ, với mục đích mở đường thương mại và đồng thời mở đường chinh phục. Các quân sư thận trọng khuyên can vua, nhưng vua bác bỏ các vấn nạn của họ và kiên quyết chọn một người chỉ huy cho đoàn thám hiểm, đó là Vasco da Gama (1460-1524), một nhà quý tộc trong hoàng cung, Gama đã từng chứng tỏ là một thủy thủ giỏi và một nhà ngoại giao. Như vua Manuel dự kiến trước, sự chuyên môn của một thủy thủ có thể là đủ cho những chuyến đi dọc bờ biển thưa thớt dân cư ở tây phi Châu, nhưng không đủ khi phải đối diện với những nhà cai trị đầy mưu lược của Ấn Độ. Các sự kiện cho thấy Vasco da Gama là con người thích hợp một cách xuất sắc. Tuy là con người tàn nhẫn và hung dữ, nhưng ông có lòng can đảm, tính kiên quyết và tầm nhìn rộng trong cung cách đối xử với những thủy thủ quê mùa và những lãnh chúa ngạo mạn.
Sau hai năm trời chuẩn bị, với một hạm đội gồm 4 chiến thuyền lớn – hai tàu buồm vuông có phần chìm nông, mỗi chiếc khoảng 100 tấn, một tàu buồm caravel khoảng 50 tấn và một tàu kho khoảng 200 tấn – đoàn thám hiểm của Gama rời cảng Lisbone ra khơi ngày 8 tháng 7, 1497. Các tàu mang theo lương thực cho ba năm. Đoàn thám hiểm cũng được trang bị đầy đủ với các bản đồ, các dụng cụ đo thiên văn và các bảng tính độ nghiêng mặt trời của Zacuto. Họ cũng mang theo những phiến đá làm trụ mốc để đánh dấu những phần đất người Bồ Đào Nha khám phá ra. Tất nhiên cũng có một tuyên úy và một số những tù nhân có thể dùng làm cảm tử quân khi gặp những tình huống nguy hiểm đến tính mạng. Toàn bộ đoàn người trên tàu là 170 người.
Những hào quang rực rỡ của Colômbô nhiều khi làm lu mờ những con người khác đã có những thành tựu cũng to lớn, hay thậm chí còn to lớn hơn của Colômbô về những khám phá đường biển trong Kỷ Nguyên Đường Biển đầu tiên này. Không xét đến những đức tính của cá nhân, nhưng xét đến những thành tựu to lớn về đường biển, thì Vasco da Gama phải vượt xa Colômbô. Chuyến du hành đầu tiên của Colômbô đi thẳng hướng tây theo gió nhẹ và đi được hai ngàn sáu trăm dặm từ Gomera ở Canaries đến Bahamas, lênh đênh trên biển ba mươi sáu ngày. Chuyến hành trình của Gama đòi hỏi di chuyển khéo léo hơn, đã buộc ông phải đi một vòng rộng gần bằng chiều ngang của nam Đại Tây Dương, lại còn ngược dòng và ngược gió. Ông đã có quyết định nguy hiểm không men theo bờ châu Phi mà thả buồm quanh phần giữa của Đại Tây Dương, từ các hải đảo ở Mũi Verde tới Mũi Hảo Vọng, một khoảng đường hơn ba ngàn bảy trăm dặm, trước khi đến được Saint Helena ngay phía trên Cape Town ngày nay, lênh đênh trên biển suốt chín mươi ba ngày. Từ đó, với tài đi biển và tài chỉ huy đoàn thủy thủ và tài ứng phó với những lãnh chúa Hồi giáo thù nghịch ở Mozambique, Mombasa và Malindi, ông đã đưa đoàn tàu của mình vượt qua Biển Ả Rập và Ấn Độ Dương và đến được Calicut, là đích điểm cuộc hành trình dự kiến của ông, nằm trên bờ tây bán đảo Ấn Độ vào ngày 22 tháng 5, 1498. Cho tới thời đó, chưa từng có một thành tựu đi biển nào ngang tầm với ông.
Tiếc rằng không giống với Colômbô, Gama không để lại tài liệu tự thuật nào. Nhưng may thay, có một thành viên thủy thủ đoàn của ông đã viết nhật ký và đã giữ lại cho chúng ta những thoáng nhìn sống động về đủ loại vấn đề mà đoàn thám hiểm đã vượt qua trên đường đi.
Đoàn thám hiểm của Gama rời Calicut cuối tháng 8, 1498, “hết sức vui mừng vì đã may mắn đạt được một sự khám phá to lớn như thế”. Trải qua những cuộc hành trình ngược gió, bị những lãnh chúa Hồi giáo ngăn chặn và bị dịch bệnh sát hại, cuối cùng hai trong số bốn tàu của Gama đã vinh quang cập bến Lisbon vào giữa tháng 9, 1499. Đó là chiếc tàu buồm vuông San Gabriel và tàu caravel Berrio. Trong số 170 người đã đi trong đoàn, chỉ còn 55 người sống sót trở về.
Không có mấy người hùng trong các cuộc thám hiểm có may mắn nhìn thấy kết quả công cuộc thám hiểm của mình. Vasco da Gama là một trong số ít những người này. Chuyến du hành của ông đã chứng tỏ tính khả thi của con đường biển nối Tây và Đông và nhờ đó đã thay đổi lịch sử của cả phương Đông và phương Tây.
Những bước tiếp theo để thiết lập một đế quốc ở Ấn Độ xem ra cũng hiển nhiên như những giai đoạn đi xuống bờ biển tây châu Phi. Phó vương người Bồ Đào Nha đầu tiên của Ấn Độ, Francisco de Almeida, đã tiêu diệt chiến hạm Hồi giáo năm 1509. Vị toàn quyền tiếp theo của Bồ Đào Nha tại Ấn Độ, Afonso de Albuquerque vào năm 1507 đã chinh phục Ormuz, cửa ngõ vào Vịnh Ba Tư. Đến năm 1510, ông biến Goa thành thủ đô của những lãnh thổ do Bồ Đào Nha chiếm đóng, chiếm Malacca năm 1511, rồi mở thương mại đường biển với Xiêm La, Moluccas hay Quần Đảo Gia Vị và Trung Hoa. Từ đó Bồ Đào Nha thống trị Ấn Độ Dương.
Những hậu quả đã lan rộng khắp thế giới. Nền thương mại phồn thịnh của Italia từ trước tới nay dựa vào của cải phương Đông đổ vào qua ngả Venice và Genoa. Bây giờ việc buôn bán những đặc sản châu Á – gia vị, thuốc phiện, đá quý và lụa – không còn đi qua Vịnh Ba Tư, Biển Đỏ và phương Đông nữa, nhưng đi trên những con tàu Bồ Đào Nha quanh Mũi Hảo Vọng đến phần đất châu Âu đối diện Đại Tây Dương. Các lãnh chúa Hồi giáo Ai Cập đã giữ cho hạt tiêu được cao giá nhờ biện pháp hạn chế vận chuyển mỗi năm chỉ khoảng 210 tấn mà thôi. Hậu quả của con đường biển Bồ Đào Nha xảy ra nhanh đến nỗi năm 1503, giá hạt tiêu tại Lisbon chỉ bằng một phần năm giá hạt tiêu ở Venice. Thế là nền thương mại giữa Ai Cập và Venice bị phá hoại. Của cải từ châu Á, các kho báu huyền thoại từ phương Đông đang đổ về phương Tây. Kỷ Nguyên Đường Biển mới đã chuyển các trung tâm thương mại và văn minh từ những miền đất cố định xung quanh Địa Trung Hải sang những bờ biển của Đại Tây Dương rộng mở và tới những đại dương bao la trên khắp thế giới.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.