Những Phát Hiện Về Vạn Vật Và Con Người

HỌC TỪ CÁC CON SỐ



Người tiên phong trong khoa dân số học, cũng có thể nói là khoa thống kê học hiện đại, là một thương gia phát đạt người Luân Đôn, John Graunt (1620-1674). Ông là người nghiệp dư trong lãnh vực toán học.
John Graunt không được đào tạo chuyên môn trong đề tài này, nhưng ông đã là nhà buôn tập sự và dã trở thành một doanh nhân giàu có. “Tài giỏi và chăm chỉ”, nổi tiếng vì “khéo léo và có khả năng siêu vời” trong việc ghi chép tốc ký các bài giảng, ông là một người có lòng đạo đức sâu xa, có tinh thần tôn giáo thực tiễn và là một con người hòa giải trong tình trạng chia rẽ và phe phái ở Luân Đôn do cuộc nội chiến. Ông bị thiệt hại nặng nề trong cuộc Đại Hỏa Hoạn ở Luân Đôn năm 1666 từ đó ông không thể nào phục hồi tài sản của mình. Là một doanh nhân thực dụng, Graunt không quan tâm nhiều tới những con số ước tính lớn về của cải quốc gia mà “các nhà số học chính trị” thời đó quan tâm. Nhưng ông quan tâm đến sự thịnh vượng của cộng đồng Luân Đôn của ông. Ông nắm giữ nhiều chức vụ của thành phố, trong đó có chức vụ thành viên hội đồng.
Con số người chết trong năm dịch tễ mà ông nhìn thấy khắp chung quanh đã trở thành cơ sở để ông quan tâm tới dân số học và thống kê học. Sự kiện đau lòng hiển nhiên nhất về dân số nước Anh là tỷ lệ tử vong cao trong những năm dịch tễ, là những thời kỳ tệ hại nhất trong đời Graunt. Trong năm 1625, chẳng hạn, khoảng một phần tư dân số bị chết. Ngay từ năm 1527, thỉnh thoảng vẫn có những Hồ sơ Tử vong, hay danh sách người chết, được thu thập ở Luân Đôn và từ năm 1592, những danh sách này còn thường xuyên nêu lên nguyên nhân tử vong. Trong trận dịch năm 1693 Hồ sơ Tử vong hằng tuần công bố những thông tin thu thập bởi các “nhà điều tra”, các “y tá trưởng” được chỉ định khám xét các tử thi để báo cáo nguyên nhân tử vong và để áp dụng biện pháp cách ly.
Graunt “không biết trong dịp nào” các tư tưởng của ông đã bị thu hút bơi những Hồ sơ Tử vong. Là con người thực tế, ông thắc mắc tại sao quá nhiều sự kiện được thu thập thường xuyên như thế mà lại chẳng được đưa ra ứng dụng bao giờ. Có lẽ bạn ông, nhà kinh tế học tiên phong William Petty (1623-1687), đã khích lệ sự tò mò của ông. Ngày 5 tháng 2, 1662, Bác sĩ Daniel Whistler phân phát cho một hội nghị của Hội Hoàng Gia 50 bản của một tập sách nhỏ dày 90 trang của John Graunt vừa mới xuất xưởng in trước đó 2 tuần. Ông đề nghị bầu Graunt vào làm thành viên của Hội và Hội đã nhanh chóng bỏ phiếu chấp thuận.
Cộng đồng quốc tế mới về khoa học đang mở rộng cánh cửa và Graunt nuôi hy vọng nhỏ nhoi là tập sách nhỏ của ông có thể cho ông một vị trí trong “Nghị trường Thiên nhiên”. Tập sách nhỏ của ông mang một tựa đề rất dài 3 /4 Những Nhận Định về Thiên Nhiên và Chính Trị được ghi lại trong một Mục Lục theo sau và dựa trên những Hồ sơ Tử vong… Liên quan đến Chính quyền, Tôn giáo, Thương mại, Tăng trưởng, Thời tiết, Bệnh tật và một số Thay đổi của Thành phố được đề cập. Tác phẩm của ông không có tham vọng to lớn. Ông chỉ làm công việc là “rút gọn những chồng sách dày hỗn độn [của các Hồ sơ Tử vong] thành một ít Bảng rõ ràng và tóm tắt những Nhận định xuất phát tự nhiên từ đó, thành một ít đoạn vắn tắt, mà không đưa ra những Diễn giải dài dòng”.
Graunt không hề thất vọng trước sự thô thiển của những dữ liệu có sẵn và ngay từ đầu ông đã đưa ra 106 nhận định được đánh số. Ông không cho rằng sự thiếu chuyên môn của các “nhà nghiên cứu” đã làm cho sản phẩm của họ vô ích, nhưng ông khôn khéo tìm cách rút ra những giả thuyết.
Sau khi kết hợp chung những sự kiện giống nhau từ tất cả bảy thập niên được ghi lại trong Hồ sơ Tử vong, ông so sánh những khám phá cho từng nhóm. Ví dụ, Graunt nhận xét thấy rằng chỉ có 2 trong 9 người chết vì bệnh cấp tính, 70 trong số 229 chết vì mãn tính và chỉ 4 trong 229 chết vì những “đau đớn bên ngoài” (ung nhọt, lở loét, gãy xương, phong cùi, v.v…). Bảy phần trăm chết vì già, trong khi một số những bệnh và tử vong vẫn giữ một tỷ lệ điều hòa. Dưới một người trong hai ngàn chết vì bị sát hại ở Luân Đôn, không trên một người trong bốn ngàn chết vì đói. “Bệnh Còi xương là một căn bệnh mới cả về tên gọi lẫn thực chất… từ mười bốn người chết vào năm 1634 đã từ từ tăng lên đến năm trăm người vào năm 1660”. Ở Anh có nhiều nam hơn nữ và mặc dầu “Các bác sĩ có hai bệnh nhân nữ thì mới có một nam… nhưng nhiều người nam chết hơn người nữ”. Mùa thu là mùa có nhiều bệnh tật hơn, nhưng số bệnh đe dọa ngang nhau quanh năm, như sốt đỏ, đậu mùa và kiết lỵ. Luân Đôn bây giờ không khỏe mạnh bằng trước kia. Trong khi dân số của miền quê nước Anh cứ mỗi 280 năm sẽ tăng gấp đôi do sinh sản, dân số của Luân Đôn tăng gấp đôi mỗi 70 năm, “lý do là vì nhiều người trong tuổi sinh sản rời bỏ miền quê và những người trong tuổi sinh sản ở Luân Đôn đến từ khắp các miền quê, những người này ở miền quê chỉ sinh sản hầu như một lần duy nhất, là lần họ sinh ra, nhưng tới Luân Đôn lại sinh ra nhiều người khác”. Ông phủ nhận sự mê tín rằng nạn dịch xảy ra mỗi khi có vua lên ngôi, vì năm 1660 là năm Charles II lên ngôi lại không có nạn dịch.
Sáng chế độc đáo nhất của ông là cách mới mẻ ông phát minh ra để biểu thị dân số và số tử vong bằng cách tính tỷ lệ còn sống trong “bảng đời sống”. Bắt đầu với hai sự kiện đơn giản – số sinh còn sống tới 6 tuổi (64 trên 100) và số còn sống tới 76 tuổi (1 trên 100) – ông làm một bảng cho thấy con số người còn sống trong từng thập niên của 6 thập niên.
Lúc 16 tuổi 40 Lúc 56 tuổi 6
Lúc 26 25 Lúc 66 3
Lúc 36 16 Lúc 76 1
Lúc 46 10 Lúc 80 0
Tuy khoa lưu trữ ngày nay không chấp nhận các con số của ông, bảng sống sót của ông đã mở ra thời kỳ mới trong dân số học.
Chúng ta không biết về những cuộc điều tra dân số trước thế kỷ 18. Bất cứ số liệu nào tiết lộ sức quân sự hay kinh tế của một quốc gia đều được coi là bí mật quốc gia.
Hình như những cuộc điều tra dân số tại các nước Ai Cập, Hi Lạp, Do Thái, Ba Tư, Rôma và Nhật Bản đều nhắm vào thành phần dân chúng và tài sản phải đóng thuế và những thanh niên ở tuổi quân sự. Cuộc điều tra dân số và lương thực đầy đủ sớm nhất là cuộc điều tra thực hiện ở Nuremberg năm 1449, khi thành phố bị đe dọa bao vây.
Hội đồng thành phố đã ra lệnh tính mọi nhân khẩu phải nuôi và một danh mục cung cấp lương thực, nhưng kết quả được giữ bí mật và phải hai thế kỷ sau công chúng mới dược biết đến.
Điều tra dân số và khoa thống kê phát triển chung với nhau, cung cấp một từ vựng hiện đại cho các khoa học xã hội, kinh tế quốc gia và các mối quan hệ quốc tế. Adolphe Quetelet (1796-1874), sinh tại Ghent, bắt đầu dạy toán học lúc 17 tuổi. Từ khi còn là thanh niên, ông đã làm thơ, hợp tác trong một vở nhạc kịch, học tập sự trong một phòng vẽ của một họa sỹ và là tác giả của những bức tranh rất đẹp. Ông đậu bằng tiến sĩ đầu tiên ở Đại học Ghent với một luận án hình học giải tích, làm cho ông nổi danh và được chọn vào Hàn lâm viện Bỉ. Năm 23 tuổi, ông được tuyển làm giáo sư toán học và thu hút rất nhiều thính giả đến nghe ông giảng về những đề tài khoa học kỳ lạ. Khi ông đề nghị xây dựng một đài thiên văn quốc gia, chính phủ gửi ông đi Paris để học kinh nghiệm của người Pháp. Tại đây nhà bác học năng nổ Laplace đã hướng sự quan tâm của ông vào việc nghiên cứu tính xác suất. Khi trở về Bỉ, ông được đề cử là nhà thiên văn học tại Đài Thiên Văn Brussels mới. Trong khi đài thiên văn đang được xây dựng, con người hoạt động Quatelet quay sang quan sát xã hội và bắt đầu thu thập những sự kiện cho khoa học thống kê mới.
Trong khi chia sẻ những suy nghĩ của các nhà toán học và thiên văn học Pháp ở Paris, ông đã cảm thấy “nhu cầu kết hợp nghiên cứu các hiện tượng thiên văn với việc nghiên cứu hiện tượng trần thế, là điều cho tới bây giờ chưa có thể làm được”. Ông cũng không đánh mất sở thích hội họa của mình về hình dạng và các kích thước của cơ thể con người. Ở Brussels ông bắt đầu thu thập những cái mà ông gọi là “thống kê luân lý”. Từ số lượng các con số khổng lồ, ông phân chia thành mọi thống kê về con người. Những thống kê này bao gồm những con số tầm thường về kích thước cơ thể, cùng với những sự kiện về những trọng tội và những kẻ tội phạm. Ông giả thiết rằng, “Những gì liên quan tới loài người xét chung thì thuộc phạm vi sự kiện vật lý”. Ví dụ, ông nhận xét rằng con số những trọng tội hàng năm bởi những người trong từng nhóm thì không thay đổi. Có thể nào có một loại “ngân sách” cho những hành vi tội ác này, được thiết lập bởi các định luật “vật lý xã hội” hay không? Ba tập hợp các con số mà ông lựa chọn – cho các tội ác, các vụ tự tử và các vụ hôn nhân, mỗi tập hợp đều được xếp loại theo nhóm tuổi – ông gọi là “thống kê luân lý”, vì tất cả những thứ này đều là những trường hợp mà một cá nhân đã chọn một hành động. Nhưng cả trong những loại này, ông cũng thấy có một sự đều đặn khá ấn tượng về thống kê.
Quetelet mở rộng “thống kê” để nó mang ý nghĩa các dữ liệu về loài người. Từ này lúc ban đầu được sử dụng (tiếng Đức là Statistik, một từ đồng nghĩa với Staatswissenschaft, 1672) đã mang ý nghĩa khoa học của quốc gia và trong thế kỷ 18 nó mô tả việc nghiên cứu hiến pháp, các nguồn lực và chính sách của các quốc gia. Sir John Sinclair, như ta đã thấy, sử dụng “statistics” để chỉ việc đánh giá “lượng hạnh phúc” mà dân chúng của một quốc gia được hưởng và những phương tiện họ có để “cải thiện tương lai”. Quetelet đến với đề tài này không phải từ lãnh vực chính trị hay kinh tế, nhưng từ một quan tâm toán học về tính xác suất và về những quy tắc con người. Trong Khảo luận về Cong người và sự Phát triển các Khả năng của Cong người. Một Tiểu luận về Khoa Vật lý Xã hội (1835), là tác phẩm làm ông lừng danh trên khắp châu Âu, ông đã đề nghị khái niệm của ông về “mẫu người trung bình”.
Từ các số liệu đo lường đã thu thập được về thân thể con người, ông kết luận rằng “xét về chiều cao của đàn ông trong một quốc gia, các chỉ số cá nhân qui tụ một cách đối xứng chung quanh chỉ số trung bình theo… định luật các nguyên nhân phụ”. Điều này xác nhận khái niệm của ông về “mẫu người trung bình” được coi là mẫu chuẩn cho kích thước của một người trong một nước.
Năm 1844 Quetelet đã làm kinh ngạc những người hoài nghi bằng cách áp dụng các khái niệm của mình để khám phá ra mức độ trốn lính trong quân đội Pháp. Bằng cách so sánh các con số của ông với sự phân phối xác suất những thanh niên có chiều cao khác nhau với sự phân phối thực sự chiều cao trong số 100,000 thanh niên Pháp đã trả lời tiếng gọi nghĩa vụ quân sự, ông dám cả quyết rằng khoảng 2,000 thanh niên đã trốn lính bằng cách khai chiều cao của mình dưới chiều cao tối thiểu.
Tất nhiên Quetelet bị công kích vì dùng “vật lý xã hội” để phủ nhận khả năng con người chọn lựa giữa tốt và xấu. Nhưng ông vặn lại rằng rốt cuộc bây giờ thống kê đã tiết lộ những sức mạnh hoạt động trong xã hội và vì thế tạo ra “khả năng cải thiện con người bằng cách thay đổi các cơ chế, các thói quen, nền giáo dục và mọi thứ ảnh hưởng đến hành vi của họ”.
Trong thế kỷ 20, các con số công khai sẽ thống trị các cuộc thảo luận về sự thịnh vượng của quốc gia và những mối quan hệ quốc tế. Những khái niệm như thu nhập quốc gia, thu nhập tính theo đầu người, tổng sản phẩm quốc gia, tỷ lệ tăng trưởng và phát triển, những nước đã phát triển và kém phát triển và sự tăng trưởng dân số sẽ là di sản của Quetelet và các đồ đệ của ông. Vào năm 1900, Viện Thống Kê Thế Giới, cơ quan từng thúc đẩy việc phổ biến kết quả của mọi cuộc điều tra dân số, đã báo cáo rằng hiện tại khoảng 68 cuộc điều tra dân số đã bao trùm khoảng 43 phần trăm dân số thế giới. Các cuộc điều tra dân số thế giới theo đề nghị của Viện còn đang ở trong tương lai.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.