Battle nhìn lần lượt từng người trong phòng. Chỉ có một người trả lời. Đó là bà Oliver, bà vội vã đáp liền:
– Cô gái hoặc bác sĩ.
Battle nhìn dò hỏi hai người kia. Cả hai đều im lặng. Race lắc đầu. Poirot đào mấy tờ giấy ghi điểm:
– Một trong số đó – Battle nói – đã nói dối trắng trợn. Nhưng ai? Không dễ gì. Ôi, không dễ gì. Nếu cứ tin vào lời họ thì bác sĩ bảo Despard, Despard nghi bác sĩ. Cô gái nghi bà Lorrimer, còn bà ta không chịu nói. Chẳng có gì sáng tỏ cả.
– Có lẽ có đấy – Poirot nói.
Battle liếc sang ông.
– Ông cho là có à?
Poirot vung tay lên:
– Hy vọng còn nhỏ lắm. Chẳng có gì hơn. Không có gì đáng để ý cả.
Battle trách:
– Cả hai ông chẳng chịu nói xem mình nghĩ gì.
– Không có chứng cứ – Race thanh minh.
– Ôi đám đàn ông các ông – bà Oliver rên rỉ.
– Chúng ta thử xét xem qua các khả năng này – Battle đành bảo. Trước hết là bác sĩ. Loại người quí hóa, biết nhiều. Biết rõ nơi nào cần tống con dao vào. Nhưng chỉ thế thôi. Đến lượt Despard. Anh ta vững thần kinh lắm. Loại người quen với quyết định nhanh chóng và những việc nguy hiểm. Còn bà Lorrimer bình tĩnh và thuộc loại phụ nữ có thể có điều bí mật trong đời tư. Trông có vẻ từng trải. Mặt khác tôi dám nói là bà ta thuộc loại phụ nữ rất nguyên tắc, có thể làm hiệu trưởng trường nữ sinh được. Không dễ gì cho rằng bà ấy đã giết chủ nhà. Cuối cùng đến cô Meredith, chúng ta chẳng biết gì về cô bé cả. Cô ta bình thường, dễ coi và hay ngượng. Nhưng không ai biết tí nào về cô ta cả.
– Chúng ta biết Shaitana tin rằng cô ấy đã giết người – Poirot nhắc.
– Bộ mặt thiên thần che giấu tâm hồn quỷ ác – Bà Oliver thì thào.
– Thế xem xét sao đây? – Đại tá hỏi.
– Có lẽ ta nên tìm hiểu kỹ về những nhân vật này chăng?
Battle mỉm cười:
– Ồ, việc này chúng ta sẽ vất vả đấy. Tôi mong các ông bà có thể giúp đỡ được.
– Chắc chắn là thế rồi. Nhưng bằng cách nào?
– Về phần thiếu tá Despard. Anh ta đã đến nhiều nơi: Nam Mỹ, Đông Phi và Nam Phi, chắc ông đại tá biết những nơi đó. Ông có thể thu thập được tin tức về anh chàng.
Đại tá gật đầu:
– Tôi xin thực hiện và lấy tất cả các tài liệu.
– Ôi này – bà Oliver reo lên – tôi có một kế hoạch. Ta có bốn người, bốn mật thám như ông nói, còn họ có bốn người. Nếu mỗi người chúng ta chịu trách nhiệm một người thì sao nhỉ? Hay quá! Đại tá Race với thiếu tá Despard. Ngài sĩ quan cảnh sát với bác sĩ Robert. Tôi với Anne Meredith. Ngài Poirot với bà Lorrimer. Mỗi người theo một cách riêng.
Battle kiên quyết lắc đầu:
– Không hoàn toàn làm thế được đâu bà Oliver ạ. Đây là việc nghiêm chỉnh. Tôi phải chịu trách nhiệm. Tôi sẽ phải điều tra tất cả bốn người. Tuy thế ý kiến của bà cũng khá hay. Hai chúng ta đều muốn nhảy lên lưng một con ngựa! Đại tá Race không nói rằng mình nghi ngờ thiếu tá Despard. Và ngài Poirot không đánh cuộc cho bà Lorrimer.
Bà Oliver thở dài:
– Một kế hoạch hay thế mà lại – bà rên rẩm tiếc rẻ. Gọn nhẹ hết chỗ nói – Sau đó bà hơi vui lên một chút – Thế tôi tự điều tra tí chút theo cách của mình có được không ông?
– Được thôi – viên sĩ quan đáp. Tôi không phản đối. Thực ra tôi cũng không đủ khả năng phản đối. Vì đêm nay bà đã có mặt ở đây, tất nhiên bà tự do hành động theo ý riêng. Nhưng tôi xin nói rõ một điều, bà Oliver ạ, xin bà cẩn thận cho.
– Xin thề là tôi sẽ không hé một lời nào đâu.
– Tôi cho rằng đó không phải là ý ngài cảnh sát định nhắc bà – Hercule Poirot nói. Ông ấy muốn nói là bà sẽ phải giao tiếp với một kẻ, như ta đều biết, là đã từng giết hai lần. Do vậy, hắn sẽ không do dự giết người lần thứ ba nếu thấy cần thiết.
Bà Oliver nhìn ông tư lự. Sau đấy bà mỉm cười dễ thương như một đứa trẻ ngây thơ.
– Thế là mình đã bị cảnh cáo trước rồi đây – bà nói. Xin cảm ơn ngài Poirot. Tôi xin thận trọng, nhưng tôi sẽ tham gia vào chuyện này đấy.
Poirot cúi chào lịch thiệp:
– Cho phép tôi nói rằng, bà quả là người có dũng khí.
– Tôi xin đề nghị – bà Oliver tiếp tục nói, ngồi thẳng đứng như trong một cuộc họp quan trọng. Tất cả các tin tức phải được tập trung lại, nghĩa là chúng ta không được giấu nhau điều gì. Tuy cách lấy tài liệu thì tùy mỗi người.
Viên sĩ quan cảnh sát thở dài:
– Bây giờ không phải là truyện trinh thám, bà Oliver ạ – ông nói.
– Mọi tin tức phải được báo cho cảnh sát – Race nói, mắt lấp lánh. Tôi cuộc là bà sẽ được trả công xứng đáng, bà Oliver ạ. Chiếc găng tay nhỏ, dấu tay trên cốc đánh răng, mẩu giấy cháy bà cũng phải nộp cho ông Battle đấy!
– Các ông cứ giễu đi – bà Oliver đối đáp – nhưng trực giác của người phụ nữ ấy mà… – Bà gật đầu quả quyết.
Race đứng dậy:
– Tôi sẽ xem kỹ về Despard. Có thể hơi mất thời gian. Còn gì nữa không?
– Không đâu, xin cảm ơn ông. Ông vẫn không có ý kiến gì ư? Tôi đánh giá cao bất kỳ ý kiến nào.
– Hừm, được rồi. Tôi sẽ xem xét kỹ các vụ bắn súng, đầu độc, hoặc tai nạn, nhưng chắc ông đã nghĩ đến việc đó rồi.
– Tôi sẽ ghi lại.
– Chào ông, ông Battle. Ông không cần tôi phải mách nước nghề nghiệp của ông chứ gì? Chúc bà Oliver ngủ ngon. Chào ngài Poirot!
Gật đầu lần cuối với Battle, đại tá Race rời khỏi phòng.
– Ông ấy là ai thế? – Bà Oliver không kìm được, hỏi luôn.
– Giữ kỷ lục trong quân đội đấy – Battle đáp. Du lịch rất nhiều. Chỉ còn rất ít nơi trên thế giới ông ấy chưa đến thôi.
– Lại quân báo rồi – bà Oliver gật gù. Tôi biết ông không khẳng định điều đó đâu. Bốn kẻ giết người và bốn người điều tra. Cảnh sát – Quân báo – Thám tử tư – Tiểu thuyết gia. Hay quá nhỉ!
Poirot lắc đầu:
– Bà lầm rồi, bà Oliver ạ. Đây là một ý tưởng rất ngốc. Con hổ đã bị đánh động và nó sẽ vồ đấy.
– Hổ à? Tại sao lại hổ?
– Tên giết người chứ còn ai.
Battle hỏi thẳng:
– Theo ngài thì nên làm thế nào, ngài Poirot? Đó là một vấn đề. Tôi muốn biết ngài nghĩ sao về tâm lý của bốn người này? Ngài có vẻ thích điều đó.
Tay đảo các tờ giấy ghi điểm, Poirot đáp:
– Ông nói đúng. Tâm lý rất quan trọng. Chúng ta đã biết kiểu giết người và cách tiến hành trong vụ này. Nếu ta xét thấy ai không có tâm lý phù hợp với loại giết người ấy, ta có thể loại ra. Chúng ta biết chút ít về bốn nhân vật này rồi và có ấn tượng nhất định về họ, về khả năng tư duy, tính cách, thông qua cách nhận xét của họ về bạn đánh bài, nét chữ và cách ghi điểm của họ. Nhưng, trời ạ! Không dễ gì tuyên bố cụ thể ngay được. Kiểu giết này đòi hỏi sự táo bạo và vững thần kinh. Một người dám liều.
Chúng ta xét bác sĩ Robert xem nào. Người đã xướng bài cao, hoàn toàn tự tin vào sức mình để có thể liều lĩnh. Tâm lý ông ta rất phù hợp với vụ giết người này. Ta có thể loại ngay cô Meredith ra. Cô ta nhút nhát, sợ hãi, không dám xướng bài cao, tiết kiệm, thận trọng và thiếu tự tin. Cô ta khó mà dám hành động liều lĩnh, táo bạo. Nhưng một người nhút nhát lại có thể giết người vì quá sợ hãi như một con thú cùng đường. Nếu cô Meredith đã từng giết người và nếu cô ta tin là ông Shaitana biết điều đó, có thể sẽ báo cho cảnh sát, thì cô ta phát điên vì sợ và sẽ không từ bỏ một hành động nào để tự vệ, kể cả việc phải liều lĩnh.
Bây giờ nói đến thiếu tá Despard – một người lắm tài và sẵn sàng bắn chết người nếu thấy cần thiết. Anh ta biết cân nhắc và có thể quyết định rằng biết đâu mình gặp may. Anh ta thuộc loại người ưa hành động hơn thụ động và dám chấp nhận nguy hiểm nếu anh ta tin mình có thể thành công.
Cuối cùng là bà Lorrimer, một phụ nữ đứng tuổi, song lại thông minh, sáng suốt, làm chủ được mình. Một phụ nữ lạnh lùng, có bộ óc của nhà toán học. Trong bốn người, bà ta thông minh nhất. Tôi phải thừa nhận nếu bà ta phạm tội thì thế nào việc đó cũng phải được tính toán trước. Tôi có thể tưởng tượng được bà ta thảo kế hoạch chậm rãi, cẩn thận và chắc chắn sao cho không để lại dấu vết gì. Vì vậy bà ta ít có khả năng phạm tội hơn là ba người kia. Tuy thế bà ta nổi bật hơn cả và dù bà ta hiểu biết như thế nào thì bà ta cũng quyết không để lộ điều đó ra đâu. Bà ta quả thật là rất tự chủ.
Ông dừng lại.
– Cho nên, các bạn thấy đấy, điều đó chẳng giúp gì mấy. Đối với vụ này chỉ có một cách duy nhất: chúng ta phải xem xét quá khứ.
Battle thở dài.
– Ngài đã nói rồi – ông lẩm bẩm.
– Theo ông Shaitana thì cả bốn người này đều đã giết người. Ông ấy có chứng cớ không? Hay ông ta chỉ đoán không thôi? Chúng ta không biết. Theo tôi, ông ta khó mà có được những bằng chứng thực sự trong cả bốn trường hợp.
– Tôi đồng ý với ông điểm đó – Battle gật gù nói. Thế nào cũng có một sự trùng hợp.
– Tôi cho là sự thể thế này, đột nhiên ai đó nói đến giết người hoặc chuyển về vụ giết người nào đó và ông Shaitana chợt nhận thấy điều khác lạ ở người tiếp chuyện mình. Ông ấy rất nhạy bén với các biểu hiện tình cảm. Ông ấy thích thú thí nghiệm xem sao: giả vờ nói chuyện một cách tình cờ, còn ông ta chăm chú theo dõi diễn biến tình cảm, chợt co rúm lại, im bặt hoặc cố lái sang chuyện khác. Ồ, việc đó dễ thôi mà. Nếu anh có nghi ngờ về chuyện bí mật nào đó thì không có gì dễ hơn là khẳng định nó. Khu chú tâm quan sát, anh sẽ nhận thấy những lời nói trúng tim đen gây ra phản ứng như thế nào.
– Một trò chơi hay đối với ông bạn đã chết của chúng ta đấy nhỉ? – Battle nói.
– Cũng có thể ông ấy chợt có được một chứng cứ nào đó, và bắt đầu theo dõi điều tra. Nhưng có lẽ chưa đủ chứng cứ nên ông ta không báo cho cảnh sát biết.
– Ngay cả khi có đầy đủ đi nữa – Battle nói – thì chắc gì ông ta đã muốn báo cho cảnh sát. Dù sao thì cái cách làm của Shaitana đã tương đối rõ rồi. Chúng ta phải xem xét lại lý lịch của bốn người kia và chú ý tới một cái chết có ý nghĩa. Tôi nghĩ các ông bà đều hiểu ý Shaitana nói lúc ăn bữa chiều.
– Thiên thần đen – bà Oliver lẩm bẩm.
– Dính dáng đến thuốc độc, tai nạn, bắn súng…. Tôi không lạ gì, chính những lời nói đó đã báo hiệu cho cái chết của ông Shaitana.
– Lại còn có ý ngưng lại một cách ngốc nghếch nữa chứ – bà Oliver thêm vào.
– Phải – Poirot nói. Những câu ông ấy nói ít nhất cũng trúng tim đen một người. Khi ông ấy nói, kẻ ấy cho rằng chủ nhà biết nhiều về hắn và “việc đó” hơn nhiều lần ông ấy nói ra. Và thế là hắn liền nghĩ đây chỉ mới là đoạn dạo đầu của màn kết, rằng bữa tiệc chỉ là trò giải trí sân khấu do Shaitana xếp đặt, nó sẽ kết thúc bằng cảnh tên giết người bị bắt giữ. Đúng, đúng như ông nói, ông Shaitana đã đăng ký vào bản án tử hình của mình khi chòng ghẹo khách bằng những câu ngốc nghếch ấy.
Mọi người lặng đi.
– Việc này chắc sẽ mất thời gian lắm đây – Battle thở dài. Chúng ta không thể tìm ra mọi chuyện ngay lập tức. Ta còn phải thận trọng. Không được để cho bất kỳ ai trong số bốn người nghi ngờ việc làm của chúng ta. Tất cả các cuộc hỏi cung và điều tra đều phải có vẻ chỉ liên quan đến vụ giết ông Shaitana thôi. Không thể để họ nghi ngờ chúng ta phải xác minh cả bốn vụ giết người (có thể có) trong quá khứ, chứ không phải một vụ.
Poirot ngần ngại:
– Ông Shaitana không biết nói có đúng không? Rất có thể ông ấy nói sai.
– Về cả bốn người ấy à?
– Không, ông ấy chẳng dại thế đâu.
– Tức là một nửa vô tội?
– Không chắc. Theo tôi chỉ một người.
– Một vô tội còn ba gây án ấy à? Hay nhỉ. Lại còn tệ hơn thế này nữa. Ngay cả khi chúng ta biết được sự thật cũng chẳng ích gì. Và nếu có chuyện là ai đó đã từng đẩy bà cô giàu có của mình ngã cầu thang chết từ mấy năm trước thì ta cũng chẳng biết sử dụng sự kiện đó làm gì được?
– Có chứ, nó sẽ giúp ta đấy – Poirot động viên. Ông biết rõ điều đó như tôi vậy.
Battle gật gật đầu:
– Tôi hiểu ý ông – ông đáp – cùng kiểu gây án.
– Ý ông là – bà Oliver vội xen vào – nạn nhân vụ trước cũng bị giết bằng dao găm sao?
– Không thô thiển đến thế đâu bà Oliver ạ – Battle quay sang bà đáp. Nhưng tôi chắc rắng về cơ bản, đây sẽ cùng một kiểu gây án. Chi tiết có thể khác nhưng bản chất sẽ như nhau. Điều này có vẻ kỳ quặc nhưng thủ phạm lần nào cũng tự bộc lộ mình như vậy.
– Con người không còn là con thú nữa – Hercule Poirot nói.
– Phụ nữ – bà Oliver tuyên bố – có khả năng đa dạng hóa rất phong phú. Chẳng hạn tôi sẽ không bao giờ giết người hai lần giống nhau cả.
– Bà chưa từng viết về những âm mưu được thực hiện hai lần à? Battle chất vấn.
– “Giết người bằng hoa sen” – Poirot nhắc khẽ “Đầu mối từ cây sáp nến” (tên hai tuyển thuyết bà Oliver viết).
Bà Oliver quay nhìn ông, mắt lấp lánh cảm phục:
– Ông quả thông minh thật đấy. Dĩ nhiên hai âm mưu đó giống hệt nhau nhưng có ai phát hiện ra đâu nào. Một là những tài liệu bị đánh cắp tại một bữa tiệc thân mật vào cuối tuần của nội các, còn một lại là vụ giết người tại Borneo trong ngôi nhà của một công nhân trồng cao su.
– Nhưng điểm chốt cơ bản của hai câu chuyện lại giống nhau – Poirot nói. Một trong những trò khéo của bà. Anh chàng trồng cao su bố trí vụ giết chính mình, còn viên bộ trưởng bố trí vụ trộm những tài liệu của mình. Cuối cùng, nhân vật thứ ba xuất hiện và biến những ngờ vực và giả thuyết thành sự thật.
– Tôi thích tác phẩm gần đây nhất của bà, bà Oliver ạ – Battle góp chuyện. Cuốn nói về việc tất cả các nhân viên cảnh sát quan trọng nhất bị bắn chết cùng một lúc. Bà chỉ mắc sai lầm trong một số chi tiết thôi. Tôi biết bà rất ưa chính xác cho nên tôi cứ tự hỏi liệu bà có…
Bà Oliver ngắt lời:
– Nói thật là tôi không hề để ý tới tính chính xác. Ai cần sự chính xác? Ngày nay chẳng có ai hết. Nếu một nhà báo viết rằng một cô gái đẹp hai mươi hai tuổi tự sát bằng cách mở hơi ga sau khi ngắm biển xanh và hôn từ biệt anh Bob yêu quí của mình… thì liệu có ai làm ầm lên vì chuyện thực ra cô đã hai mươi sáu tuổi rồi, còn căn phòng lại ở trong đất liền và anh người yêu là gã nhà quê tên gọi Bonnie? Nếu một phóng viên có thể làm việc đó thì tại sao tôi cứ phải bận tâm nếu mình lẫn lộn các chức vụ trong ngành cảnh sát và viết “súng săn” thay cho “súng tự động sáu nòng”?
Vấn đề chủ yếu là có thật nhiều xác chết. Một khi câu chuyện bắt đầu trở nên đơn điệu thì một chút máu sẽ kích thích người đọc hơn. Còn nếu ai định tiết lộ bí mật, phải giết ngay. Như vậy, bao giờ cũng có hiệu quả. Cuốn sách nào của tôi cũng thế, dĩ nhiên là được ngụy trang bằng những cách khác nhau. Mọi người đọc đều thích loại thuốc độc không để lại dấu vết, những thanh tra cảnh sát dại dột cùng bị trói với các cô gái đẹp trong một căn phòng ngập hơi ga hoặc sắp đầy nước, và cuối cùng là một nhân vật chính có thể một mình vạch trần chân tướng của ba đến năm tên côn đồ. Tôi đã viết ba mươi hai cuốn sách và tất nhiên chúng giống nhau như lột, như ngài Poirot đáng kính đây vừa chỉ ra, nhưng không ai khác đã nhận biết được điều đó. Còn tôi chỉ tiếc một điều là đã để cho thám tử của mình là người Phần Lan. Thật ra tôi chẳng biết gì về người Phần Lan cả và vì thế luôn nhận được những bức thư từ Phần Lan kêu ca rằng nhân vật của tôi nói và làm những việc người Phần Lan chẳng bao giờ làm. Ở Phần Lan hình như họ đọc truyện trinh thám nhiều lắm thì phải. Tôi cho rằng vì ở đó đêm dài quá. Ở Bungari và Rumani hầu như chẳng có ai đọc. Biết thế tôi để chàng thám tử của mình là người Bun thì hơn nhỉ?
Bà chợt im bặt.
– Xin lỗi, tôi cứ nói linh tinh đâu đâu ấy. Còn đây lại là một vụ giết người thật sự – mắt bà sáng lên. Nếu không có ai giết ông ấy thì quả là hay biết bao. Nếu ông ấy đề nghị tất cả mọi người đến, rồi ông ta lặng lẽ tự tử chỉ để đùa cợt, gây rối một phen thì sao?
Poirot gật đầu tán thành:
– Một giải pháp hay! Gọn gàng và mỉa mai quá! Nhưng, trời ạ! Ông Shaitana không phải là loại người như thế. Ông ấy ham sống lắm!
– Tôi chẳng nghĩ ông Shaitana là một người tốt – bà Oliver bảo.
– Không, ông ấy không tốt – Poirot đáp. Nhưng ông ấy đã sống, còn bây giờ chết rồi, và như tôi đã có lần nói với ông ấy, tôi có một thái độ tư sản đối với vụ giết người. Tôi không chấp nhận nó.
Ông nhẹ nhàng nói thêm:
– Vì vậy tôi sẵn lòng bước vào chuồng hổ.