Nợ Tình

Chương 2: CHƯƠNG I



Bà Oliver vừa soi gương vừa nhìn đồng hồ trên lò sưởi và nhận ra mình đã chậm mất hai mươi phút. Sau đó bà lại ngắm mình trong gương. Bà thừa nhận rằng mình hay thay đổi kiểu đầu. Bà đã thử qua các kiểu. Có thời kỳ bà chải tóc theo lối cổ, sau đó theo kiểu hiện đại, chỉ cần một làn gió nhẹ là tóc hất ngược về phía sau để lộ ra cái trán trí thức của mình, ít nhất là bà cho rằng như vậy. Có những lọn tóc được sắp xếp cẩn thận, có những lọn tóc được chải cẩu thả một cách tài tử. Nhưng lúc này phải chải kiểu khác vì bà dự định phải đội mũ, điều ít khi xảy ra ở bà.

Trên cái giá phía sau tủ có bốn chiếc mũ. Hai chiếc dùng để đi dự đám cưới. Trong những trường hợp như vậy, những chiếc mũ này là cần thiết. Chiếc thứ nhất có cắm lông chim, rất vừa đầu, không cần tránh mưa bất chợt từ nơi đỗ xe đến nhà thờ. Chiếc thứ hai, rất hiếm, chuyên dùng cho những đám cưới tổ chức vào mùa hè vì nó được làm bằng vải tuyn màu vàng, trang trí bằng những bông hoa mi-mô-da lụa.

Hai chiếc mũ khác thì có thể dùng cho mọi chuyến đi. Chiếc thứ nhất Oliver gọi là mũ “đi nông thôn”. Làm bằng dạ La Havane, nó rất phù hợp với chiếc quần và hai chiếc áo thun cộc tay của bà, một may bằng vải ca-xơ-mia và một bằng vải mỏng hơn hợp với thời tiết nóng bức. Hiện thời bà thích mặc áo thun và để đầu trần. Vì sao lại phải đội mũ khi đi thăm bạn bè ở nông thôn kia chứ?

Chiếc mũ thứ tư cũng thuộc loại đắt tiền mà bà rất ít dùng. Nhiều lúc bà tự nhủ ít dùng vì nó quá đắt. Đó là loại mũ gồm nhiều lớp nhung màu chì, phù hợp với mọi loại áo quần và trong mọi chuyến đi.

Bà Oliver ngần ngừ một lúc lâu trước khi gọi người giúp việc.

– Maria!

Rồi bà gọi to hơn:

– Maria! Tới đây một phút.

Maria chạy tới. Cô ta đã quen với việc bà chủ gọi để hỏi ý kiến cô về cách ăn mặc trước khi đi ra ngoài.

– Bà định đội cái mũ đẹp ấy ư, đúng không?

– Phải. Và tôi muốn hỏi, theo ý cô, như vậy là đẹp hay ngược lại.

Maria lùi lại mấy bước để nhìn cho rõ.

– Trời, tôi cho rằng bà đã đội đằng sau ra đằng trước rồi.

– Phải, tôi biết – Bà Oliver nói – Tôi biết rõ và tôi có cảm tưởng rằng đội lại thì tốt hơn.

– Ồ! Tại sao?

– Vì chiếc mũ được làm ra như thế. Chắc chắn là màu xanh nước biển tương hợp với màu nâu, và màu xanh lá cây tương hợp với màu đỏ.

Nói xong bà Oliver đội lại mũ. Sau đó bà kéo lệch mũ xuống một bên đầu. Nhưng cả bà và Maria cũng thấy như vậy là chưa ổn.

– Đội như vậy chưa hợp với khuôn mặt của bà – Maria nói – Cũng không phù hợp với bất cứ ai.

– Không. Cuối cùng tôi thấy đội như vậy là được.

Bà Oliver bỏ mũ ra. Maria giúp bà mặc chiếc áo màu cánh gián rồi đội mũ cho bà.

– Bà thật lộng lẫy, thưa bà.

Chính điểm này mà bà quý Maria. Nếu người ta tạo cho cô ta một cơ hội, dù nhỏ, cô sẽ có những lời khen ngợi và tán tụng ngay lập tức

– Tôi hình dung là bà sẽ đọc một bài diễn văn trong bữa tiệc ấy, đúng không ạ?

– Một bài diễn văn ư? – Oliver nhắc lại một cách sợ hãi – Chắc chắn là không. Cô cũng biết đấy không phải là thói quen của tôi.

– Tôi tưởng đây là việc thường có trong các bữa tiệc của các nhà văn.

– Tôi không cần thiết phải làm như vậy. Không thiếu những người thích nói và họ nói tốt hơn tôi.

– Tôi tin chắc là bà nói rất hấp dẫn, nếu bà muốn – Maria giở trò nịnh nọt.

– Không. Tôi biết rõ là tôi nên làm việc gì và không nên làm việc gì. Tôi không thể đọc diễn văn được. Tôi sẽ bối rối, run rẩy, bỏ sót vấn đề hoặc nói hai lần cùng một vấn đề. Tôi sẽ không chỉ tỏ ra đần độn mà còn không thể kết thúc bài nói của mình.

– Được rồi. Tôi cho rằng mọi chuyện sẽ diễn ra tốt đẹp. Đó là một bữa tiệc lớn, phải không ạ?

– Phải – Bà Oliver nói bằng giọng chán nản – Một bữa tiệc lớn.

Bà tự nhủ: “Không hiểu tại sao mình lại quyết định đi dự bữa tiệc này?”. Nhưng bà không nói thành lời vì Maria đã vội vã đi xuống bếp vì mùi khét của nồi thức ăn trên bếp lò.

“Mình cho rằng vì mình muốn biết tình hình. Trước đây nhiều lần người ta đã mời mình nhưng mình không dự rồi”.

* * *

Bà Oliver đang dùng món bánh làm bằng bột và lòng trắng trứng trên đĩa của mình. Đây là món bánh ngọt mà bà thích khi kết thúc bữa ăn. Ít nhất đối với người trong lứa tuổi của bà, người ta phải cẩn thận với các món ăn. Đó là vì hàm răng. Đúng vậy, những chiếc răng rất đẹp và chúng làm cho người ta không còn cảm giác như ăn uống. Chúng được sắp xếp đều đặn và trắng bóng; răng giả lại đẹp hơn răng thật. Bà Oliver còn ít răng thật và bà cam đoan rằng răng giả không bền chắc lắm. Bà cho rằng những con chó có hàm răng bằng ngà, còn răng con người thì chỉ bằng xương thôi. Hoặc bằng một chất hoá học nếu chúng là răng giả. Dù thế nào đi nữa cũng không nên để mình lâm vào hoàn cảnh lúng túng. Rau diếp khó ăn hơn hạnh nhân muối. Kể cả kẹo sô-cô-la, ca-ra-men và bánh trứng gà nữa. Thở dài một cách hài lòng, bà Oliver ăn miếng bánh cuối cùng.

Bữa tiệc được tổ chức để chào mừng các nhà văn nữ. Nhưng may thay khách mời không chỉ có phái nữ. Bà Oliver ngồi giữa hai đại biểu nam giới. Ông Edwin Aubyn, người mà bà cảm phục về những vần thơ của ông, là một người tính nết dễ mến khi kể lại nhữngchuyến du lịch ra nước ngoài của mình. Ông Wesley Kent, cả ông này nữa, là một người lịch thiệp. Ông ta có những lý do chắc chắn khi nói mình thích những cuốn tiểu thuyết nào và bà Oliver đã nhìn ông bằng cặp mắt trân trọng. Những lời khen của nam giới thường là nồng hậu. Phụ nữ thường có những nhận xét thiên lệch. Họ thường viết thư cho bà. Có những người ở bên kia đại dương với những lời lẽ khác thường. Tuần lễ trước bà đã nhận được một bức thư như vậy, thư bắt đầu bằng những lời tán tụng: “Khi đọc cuốn tiểu thuyết mới nhất của bà – Con cá đỏ thứ hai – tôi đã nhận ra tấm lòng cao thượng của bà”. Bà Oliver là người tương đối khiêm tốn, cho rằng những cuốn tiểu thuyết trinh thám của mình đều mang tính chất cao thượng cả. Nhưng bà thấy nhiều người không thấy được cái đó cho rằng bà chỉ có cái tài viết để nhiều người thích đọc mà thôi.

Đến giờ dùng cà-phê. Mọi người đứng lên và đi lại trong phòng. Bà Oliver biết lúc này là những giờ phút nguy hiểm, có những người đàn bà khác sẽ gặp bà nói lên những lời khen ngợi làm bà khó chịu hoặc đặt ra những câu hỏi mà bà không thể trả lời được. Một bà bạn người nước ngoài bữa nọ đã bảo bà với giọng trìu mến:

– Tôi đã nghe thấy chị trả lời nhà báo trẻ tuổi ấy. Tôi thấy chị còn thiếu… nói thế nào nhỉ? Thiếu lòng tự hào về những tác phẩm của mình. Đáng lẽ chị phải nói: “Phải, tôi đã viết tốt. Tốt như bất cứ nhà văn viết tiểu thuyết trinh thám nào”.

– Nhưng như vậy là không đúng sự thực- Bà đã cãi lại – Chắc chắn là tôi viết không tồi, nhưng…

– A! Chị đừng nói thế. Chị cần tuyên bố rằng chị viết rất giỏi, tuy thực tế không phải như thế. Mọi người sẽ biết và nhắc lại.

Vấn đề bây giờ không có gì là khó khăn cả, bà Oliver tự nhủ. Chỉ có hai ba bà nhìn thấy Oliver và đứng đợi bà ra khỏi phòng ăn. Bà mỉm cười với họ và trả lời họ bằng một câu nhạt nhẽo. Ví dụ: “Bà thật đáng mến. Tôi rất sung sướng khi biết rằng nhiều người yêu thích những cuốn sách của tôi”. Sau đó bà lẩn đi chỗ khác.

Bà đảo mắt nhìn trong phòng khách. Liệu bà còn may mắn nói lại câu ấy với những bạn bè và những người thán phục bà nữa không. Nhưng mọi người đã đi tìm chỗ ngồi trên những chiếc ghế bành và ghế trường kỷ. Sự nguy hiểm vẫn còn. Vì bà đã nhìn thấy một bà ăn vận khá sang trọng, nét mặt khá nghiêm nghị.

– A! Bà Oliver! – Bà ta cao giọng kêu lên – Rất may mắn hôm nay được gặp bà. Từ lâu tôi đã muốn như vậy. Tôi kính phục những cuốn sách của bà. Tôi rất kính phục. Và cả con trai tôi nữa. Ngày xưa, mỗi khi đi đâu chồng tôi thường mang theo ít nhất là hai cuốn sách của bà. Nhưng xin bà hãy ngồi xuống. Tôi muốn hỏi bà nhiều chuyện.

Đây không phải là người đàn bà dễ gây thiện cảm, bà Oliver nghĩ như vậy. Nhưng cuối cùng, người này hay người khác… Bà để mặc người đàn bà kia đưa mình tới một chiếc trường kỷ, có hai chỗ ngồi ở một góc phòng khách.

– A! Chúng ta đã có chỗ ngồi rồi – Người hâm mộ bà nói như vậy khi người ta mang cà-phê tới- Tôi cho rằng và chưa biết tên tôi. Tôi là Burton-Cox.

– Vâng, thưa bà – Bà Oliver trả lời, giọng bối rối.

Bà Burton-Cox ư? Hình như mình đã nghe nói đến cái tên này. Bà ta có viết lách gì không? Chắc chắn không phải là tiểu thuyết.

Có thể là sách chính trị ư?

– Có lẽ bà ngạc nhiên khi thấy tôi nói chuyện với bà. Nhưng khi đọc sách của bà, tôi thấy bà có lòng thương người, bà hiểu rõ bản chất con người. Tôi cho rằng có người nào giải đáp câu hỏi khổ tâm của tôi thì người ấy chính là bà.

– Tôi không biết tại sao…

Bà Burton-Cox cho một miếng đường vào tách cà-phê của mình rồi lấy thìa nghiền nát nó ra như đang nghiền một khúc xương. “Răng bà ta bằng ngà chắc? ” Bà Oliver nghĩ như vậy.

– Câu chuyện tôi muốn hỏi bà là thế này: Bà có một người con gái đỡ đầu tên là Célia Ravenscroft đúng không?

– Ồ? – Bà Oliver chỉ đơn giản ngạc nhiên kêu lên như vậy.

Bà có rất nhiều con đỡ đầu. Đến tuổi này thì bà không nhớ hết tên những cô cậu ấy nữa. Trong những thời gian cần thiết bà đã làm tròn bổn phận của mình, gửi cho chúng những đồ chơi vào dịp lễ Noel, thỉnh thoảng tới thăm chúng, đưa chúng đi nghỉ cuối tuần khi chúng còn ở ký túc xá. Khi chúng đã trưởng thành, nhất là khi chúng kết hôn thì bà phải làm một việc gì đó. Sau đó chúng mờ nhạt đi trong cuộc sống của bà.

– Célia Ravenscroft – Bà Oliver nhắc lại – Phải, phải, đúng như thế.

Nhưng không có một hình ảnh cụ thể nào trong đầu óc bà. Bà nhớ khi đứa bé ấy làm lễ rửa tội bà đã tặng nó một cái rây bột bằng bạc. Một dụng cụ để lọc sữa, nhưng có thể cô gái đã bán nó đi khi túng tiền. Làm thế nào mà nhớ hết những chiếc bình pha cà-phê, những chiếc rây sữa, những chiếc chuông nhỏ mà bà đã có trong thời kỳ mình còn là trẻ con.

– Nhưng đã từ lâu tôi không gặp cháu – Bà Oliver nói thêm.

– Tôi cho rằng đúng như thế, một cô gái sống độc lập thì thường dễ bị xô đẩy, quan niệm thường luôn thay đổi. Nhiều người rất thông minh khi rời trường đại học. Nhưng những quan niệm chính trị… Cuối cùng, tôi cho rằng giới trẻ ngày nay ít nhiều cũng quan tâm đến những vấn đề chính trị.

– Thú thật là tôi chưa từng nghe nói đến vấn đề này – Bà Oliver trả lời, đối với bà chính trị như là một cái gì giả dối.

– Tôi sẽ nói với bà điều mà tôi muốn biết, tôi tin rằng bà sẽ chấp nhận trả lời cho tôi rõ. Tôi thường nghe nói rằng bà là người tốt bụng và nhiệt tình.

Hay là bà ta định vay tiền của mình đây, bà Oliver thầm nghĩ vì bà cũng đã gặp nhiều người muốn nhờ vả tiền nong hay mở đầu câu chuyện bằng cách này.

– Bà có biết không, lúc này là lúc rất nghiêm trọng đối với tôi – Bà Burton-Cox nói tiếp – Thật vậy, Célia muốn kết hôn với Desmond, con trai tôi.

– Ồ! Thế ư?

– Ít nhất đây là ý định của hai đứa trong lúc này. Nhưng bà cũng thừa nhận là phải hiểu rõ con người, ở đây có một điểm tôi muốn làm sáng tỏ. Một vấn đề khác thường mà tôi không muốn hỏi người ngoài. Nhưng bà, bà Oliver thân mến, bà không phải là người ngoài.

Bà Oliver tự nhủ thà rằng là như thế, nhưng bà cảm thấy lo ngại. Mình tự hỏi, bà nghĩ, nếu Célia đã mang thai và nếu người ta không biết mình không nắm được tình hình thì công việc sẽ dẫn tới đâu. Thật là quá phức tạp. Mặt khác, Célia bây giờ cũng đã hai mươi lăm, hai mươi sáu tuổi rồi, như vậy rất dễ dàng cho mình trả lời rằng mình không biết gì cả.

Bà Burton-Cox cúi xuống gần bà nói:

– Tôi cho rằng bà biết rõ sự việc ấy một cách chi tiết. Có phải mẹ cô ta đã giết bố cô ta hay ngược lại?

Bà Oliver đợi nghe mọi câu hỏi, trừ câu hỏi ấy. Bà mở to mắt và nhìn bà Burton-Cox một cách ngờ vực.

– Nhưng… tôi không hiểu. Tôi muốn nói … vì lý do nào…

– Bà Oliver thân mến, chắc chắn là bà biết toàn bộ câu chuyện. Nó phải có nguyên nhân. Ôi? Tôi biết rõ là nó đã xảy ra cách đây hơn mười lăm năm. Nhưng nó có tiếng vang lớn và chắc hẳn là bà còn nhớ.

Bà Oliver cố gắng tìm một câu trả lời hợp lý. Célia là con đỡ đầu của bà, và mẹ cô – bà Molly Preston – là một trong những bạn gái của bà, tuy không phải là rất thân thiết. Bà ta đã kết hôn với một viên sĩ quan tên là Ravenscroft. Thật kỳ lạ là bà Oliver nhớ rất ít về họ. Bà cũng không nhớ mình có là người phù dâu trong đám cưới của họ hay không nữa kia. Sau đó vợ chồng nhà Ravenscroft rời nước Anh để đi Trung Đông hoặc Ấn Độ, bà cũng không biết. Đôi lúc họ có trở về nghỉ ngơi ở nước Anh nhưng bà chỉ nhớ một cách mơ hồ mà thôi. Như người ta nhớ tới những bức ảnh cũ trong một cuốn an-bum đã rách nát vậy.

Bà Burton-Cox tròn xoe mắt nhìn bà như thất vọng vì người đối thoại của mình không thể nhớ lại được câu chuyện đã xảy ra.

– Bà muốn nói về vụ tai nạn…

– Không. Đây không phải là một vụ tai nạn. Câu chuyện xảy ra ở vùng Kent, nơi nhà Ravenscroft có một biệt thự bên bờ biển. Một hôm người ta thấy hai người bị chết vì đạn súng lục trên bờ vực. Nhưng cảnh sát không thể kết luận được có phải người vợ giết chồng rồi sau đó tự sát hoặc ngược lại, người chồng giết vợ rồi sau đó tự sát không. Việc những đường đạn của các nhà chuyên môn cũng không mang lại kết quả gì, và người ta đã nghĩ đây là một vụ tự sát của cả hai người. Nhưng có thể nó là một vụ giết người không cố ý, tiếp đó là tự sát. Tuy nhiên mọi người đều cho rằng đây là vụ giết người. Nó được loan tin trên các báo và công chúng có nhiều ý kiến khác nhau…

– Những chuyện giật gân nhất là chuyện gì? – Bà Oliver hỏi.

– Rất khó mà xác định. Người ta nói có một cuộc cãi nhau giữa hai vợ chồng chiều hôm trước, người ta cũng gợi ý là có một người thứ ba là một người đàn ông hoặc một người đàn bà. Nhưng vụ này không bao giờ được làm rõ và tôi cho rằng người ta đã bưng bít trong chừng mực có thể vì tiếng tăm của tướng Ravenscroft. Người ta cũng nói ông ta có một thời gian dài nằm ở nhà điều dưỡng và ông không có trách nhiệm gì về những hành động của mình cả.

– Tôi lấy làm tiếc – Bà Oliver trả lời một cách quả quyết – Nhưng tôi phải thú nhận rằng tôi không biết gì về vụ này cả. Bây giờ bà nói tôi mới nhớ ra có câu chuyện ấy, nhưng tôi không biết là nó đã diễn ra như thế nào cả.

Sau này bà Oliver rất tiếc rằng mình không nói to suy nghĩ của mình: “Tôi tự hỏi tại sao bà lại cả gan nói chuyện này với tôi”.

– Tôi rất cần biết rõ về tấn thảm kịch này – Bà Burton-Cox nài nỉ – Vì con trai yêu quí của tôi muốn cưới Célia.

– Tôi lấy làm tiếc là không giúp bà được gì vì tôi không biết những chi tiết của việc này.

– Những cuốn sách mà bà đã viết – Bà Burton-Cox vẫn nói – Thể hiện bà biết rất rõ khoa tội phạm học. Bà biết những người như thế nào thì thường gây ra những tội ác, và tại sao…

– Tôi không viết gì cả – Bà Oliver cắt đứt câu chuyện với giọng gắt gỏng.

– Bà có biết sau này người ta có đặt lại vấn đề không? Sau nhiều năm như vậy thì người ta không thể đòi hỏi gì thêm ở cảnh sát được. Cảnh sát đã bịt kín câu chuyện. Tuy nhiên tôi thấy mình cần hiểu rõ vụ này.

– Đối với tôi – Bà Oliver lạnh nhạt nói – Tôi viết sách từ trí tưởng tượng của mình. Tôi không biết gì về sự thật tội ác, tôi cũng chẳng hiểu gì về khoa tội phạm học. Tôi không thể giúp gì cho bà được.

– Bà có thể hỏi Célia, con gái đỡ đầu của bà.

– Hỏi Célia ư? Tôi không hiểu tại sao tôi lại có thể làm việc này được. Trong thời kỳ xảy ra tấn thảm kịch ấy nó còn là một đứa trẻ.

– Tôi cho rằng ít nhất cô ta cũng biết rõ sự việc này. Những đứa trẻ thường biết nhiều chuyện. Và tôi tin rằng nếu bà hỏi thì cô ta sẽ nói.

– Tốt nhất là bà nên trực tiếp hỏi Célia.

– Tôi thấy mình không thể làm được. Trước hết việc ấy làm Desmond không hài lòng. Bà nên hiểu là nó sẽ giận tôi vì đây là Célia. Và tôi nghĩ rằng… Tôi tin chắc rằng nếu bà hỏi thì cô ta sẽ nói tất cả.

– Không bao giờ tôi hỏi Célia một vấn đề như vậy – Bà Oliver nói.

Bà làm ra vẻ nhìn đồng hồ rồi kêu lên:

– Ôi! Bữa ăn đã mất nhiều thời gian. Tôi cần phải đi vì đã có một cuộc hẹn. Tạm biệt bà Burton-Cox. Rất lấy làm tiếc là không giúp bà được gì… nhưng đây là những chuyện tế nhị… Cái đó có làm thay đổi những ý định của bà không?

– Vâng, cái đó thay đổi tất cả, hình như thế.

Cùng lúc ấy một nhà văn nữ mà bà Oliver từng quen biết đi qua. Bà đứng lên túm lấy cánh tay bạn.

– Louise! Tôi rất sung sướng khi gặp lại chị? Cho đến lúc này tôi mới biết chị cũng có mặt ở đây.

– Ariane! Từ lâu chúng ta không gặp nhau. Chị có vẻ gầy đi, phải không?

– Chị có cái tài luôn nói với tôi những chuyện dễ chịu – Bà Oliver trả lời và kéo bạn đi – Tôi vội vì có một cuộc hẹn.

– Tôi cho rằng chị đang tìm cách thoát khỏi nanh vuố con mụ xấu xa kia, phải không?

– Mụ ta đặt ra cho tôi những câu hỏi rất kỳ lạ.

– Và chị không biết cách trả lời thế nào chứ?

– Không phải. Vì những cái đó không thuộc thẩm quyền của tôi, vì vậy tôi không thể trả lời được.

– Những câu hỏi đó có thú vị không?

– Trời! – Bà Oliver trả lời sau khi suy nghĩ một lát – Không phải là nó không có ý nghĩa, tuy nhiên…

– Đi với tôi. Mụ ta đã đứng lên định đến với chị. Nếu chị không có xe, tôi sẽ đưa chị đi.

– Tôi không bao giờ lái xe đi trong thành phố Londres này. Rất khó cho xe đỗ lại.

– Chị vẫn ở khu Easton, tôi cho là như vậy?

– Vâng. Nhưng bây giờ tôi phải tới Whitefriars Mansions.

– Phải! Ở đấy có những toà nhà lớn xây theo kiểu hình học… Tôi biết.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.