Nửa Kia Của Hitler

3.



Cái rét cũng giết chết nhiều người như lửa đạn.

Những tảng đất đông cứng bị xới lên, khi rơi xuống đất cũng có khả năng sát thương ngang bằng mảnh đạn. Từ chiều muộn đến giờ, bom đạn dồn dập nã xuống mảnh đồi trơ trụi, cháy sém, phủ đầy những người lính rét cóng, người bị thương và xác chết.

Một loạt đạn nổ dồn về phía Adolf H., Neumann và Bernstein. May thay nó quá ngắn; đạn rít lên và chỉ đủ sức bắn những tảng đất sét đóng băng vào mặt họ.

Trượt rồi! Bernstein nói.

Uổng quá! Adolf nói.

Đó là cái nghi thức mang tính châm biếm của họ: sau mỗi lần thoát khỏi nguy hiểm, ba người bạn giả bộ thất vọng.

Trượt rồi!

Uổng quá!

Đó là cách họ thưởng thức chiến thắng – chiến thắng của họ chứ không phải của nước Đức – là được sống sót.

Adolf vui mừng và không hề ngạc nhiên vì điều đó. Hắn thấy những người lính khác tối tối lại tìm đến những điều phi lý: cầu khấn, làm dấu thánh, niệm chú, lần giở bùa hay những vật cầu may khác trước khi ra trận, còn hắn thì chẳng còn tin vào cái gì nữa. Tất cả phụ thuộc vào sự ngẫu nhiên. Không ai đi cầu khấn sự ngẫu nhiên bao giờ. Những cái xảy ra chỉ là chuyện ngẫu nhiên. Người ta ngẫu nhiên được phân về trung đoàn này hay trung đoàn kia. Người ta ngẫu nhiên ở cách quả đạn pháo mười mét hay hai xăng ti mét. Người ta ngẫu nhiên được sinh ra trên đời. Người ta ngẫu nhiên mà chết. Adolf chẳng tin vào cái gì, chẳng trông đợi gì. Hàng đêm, cơ thể hắn tự phản ứng với những chuyện xảy ra xung quanh, dán mình theo phản xạ xuống đất trước hiểm nguy. Adolf để mặc cơ thể mình làm việc ấy, cái thân thể này biết rõ rằng đầu óc của nó chẳng để làm gì cả. Do đó, nó chỉ còn duy nhất mộtcâu khẩu hiệu: thờ ơ.

Bernstein và Neumann đều nghĩ như vậy. Họ đang ngụp lặn trong đại dương của thuyết định mệnh. Cái gì phải đến sẽ đến, họ chẳng còn trông chờ gì nữa. Điều này lẽ ra là cái đáng tuyệt vọng nhưng trong hoàn cảnh này, chính hy vọng lại là cái làm cho người ta đau đớn. Sự tuyệt vọng lạnh lùng, linh hoạt, hợp thời này là cái duy nhất cứu giúp được họ.

Trượt rồi!

Uổng quá!

Hôm trước, lần đầu tiên Adolf cãi nhau với Bernstein và Neumann. Và với hắn, dù chỉ trong giây phút, đó là điều trầm trọng hơn tất cả phần còn lại của chiến tranh.

Trong một đợt tấn công chiến hào, Adolf đã bắt một tù binh. Tù binh đầu tiên của hắn. Người thanh niên mười chín tuổi ấy đã quỳ xuống và dù không hiểu tiếng Pháp Adolf vẫn hiểu rằng kẻ địch đang xin tha mạng. Adolf hoàn toàn có thể lựa chọn: hắn lẽ ra có thể hành quyết tên tù binh. Nhưng có khác biệt lớn giữa việc bắn vào những cái bóng lấp loáng xa xa và việc gí súng hành quyết một con người đang đưa mắt cầu khẩn và hơi thở dập dồn vừa chạm vào hơi thở của mình. Adolf đã đầu hàng. Một người lính khác rất có thể cũng sẽ xử sự như thế nhưng là vì một lý do khác: người ta sẽ được tặng thưởng mỗi khi bắt được tù binh. Adolf đã không bắn bởi tay lính pháo binh kia không còn nguy hiểm một chút nào với hắn và nguyên tắc nhà binh của hắn dừng lại ở đó.

Khi hắn giải anh ta về, mọi người lính khác đều xỉ vả tù binh, nhổ vào mặt anh ta, tuôn ra lòng căm thù quân địch vào cái mặt của kẻ thù mà cuối cùng họ cũng được nhìn thấy. Cái gì ở tay thanh niên này cũng đều bị lôi ra chế giễu, trở thành trò cười, bị cho là thô thiển. Chỉ trong vòng vài phút, tay thanh niên bình thường và tầm thường đã trở thành một con quái vật trong mắt mọi người.

Neumann và Bernstein đi đến và góp chung tiếng nói của mình vào mớ hỗn độn

ấy.

Các cậu đã nhìn thấy mồm nó chưa? Bé tí. Ác độc. Đó có thể là cái miệng của một con rắn nếu rắn có mồm.

Xem cái quần của nó kìa? Đỏ chóe, được mẹ là lượt phẳng phiu. Mụ ta sẽ buồn đây, mụ mẹ của nó ấy, khi biết rằng thằng quý tử bị đám Boche(14) độc ác bắt làm tù binh.

Các cậu đừng làm vậy! Không! Tôi van các cậu: ai cũng được nhưng các cậu thì đừng!

Adolf cắt ngang lời các bạn, cảm thấy bị xúc phạm, chân giạng ra như để bịt kín mọi lối tiếp cận với tay tù binh của mình.

Không, cậu đừng tham gia vào việc này, Bernstein. Cả cậu nữa, Neumann. Trước hết, các cậu có thể nói tiếng Pháp với anh ta vì các cậu biết tiếng Pháp mà.

Tớ không biết tiếng Pháp nữa. Tớ đã quên tiếng Pháp ngay từ cái ngày 28 tháng

Bảy năm 1914 ấy.

Adolf sững sờ. Chiến tranh đã cướp mất các bạn của hắn khi họ còn sống.

Hắn giao tên tù binh cho viên sĩ quan phụ trách trại giam.

Khi ra khỏi lán giam, Bernstein và Neumann đợi hắn ở ngoài để thanh minh.

Adolf, chúng tớ ở chiến trường lâu hơn cậu một chút và hãy tin bọn tớ, bọn tớ biết nhiều hơn cậu một tí.

Chiến tranh và sự gian dối là cần thiết.

Cần phải sống chung với người khác Adolf ạ, tuân theo luật của bầy đàn, trở nên ngu ngốc nếu không cậu sẽ bị điên hoặc đào ngũ.

Chúng ta cũng vậy, chúng ta cần đến những ý nghĩ thấp hèn nhất, giả dối, thô lỗ nhất. Nếu không…

Xin lỗi, Adolf trả lời. Tớ không muốn chấp nhận rằng chiến tranh đã thay đổi các cậu đến mức này.

Bernstein và Neumann cúi đầu, vẻ thảm hại, sự im lặng đầy lúng túng của họ chứng tỏ họ thấy Adolf có lý. Nhưng từ đó đến việc thú nhận thì…

Đêm đó, ba người bạn lại chiến đấu với một sự chia rẽ mong manh khiến họ kém gắn kết với nhau hơn.

Một cái xà vừa rơi xuống phía sau họ do sức ép liên tục của đạn cối. Hỏa lực địch đang tập trung vào họ. Cần phải chạy ra khỏi đoạn hào này.

Họ nhảy sang một đường hào nhánh. Cũng bị tắc nốt.

Họ ra khỏi chiến hào rồi chạy.

Một tiếng nổ vang lên. Một luồng sáng rực lên. Một tiếng rít.

Adolf, trong một tích tắc, thoáng nhìn thấy một mảnh đạn bay về phía mình. Hắn thấy đau nhói ở dạ dày. Hắn không dám tin vào điều đó. Hắn chợt thấy một cú sốc đột ngột và dữ dội đến mức người như bị cắt làm hai. Hắn tiếp tục chạy. Hắn vẫn làm được điều đó. Hắn không dám dùng tay sờ vào vùng bụng chỗ dạ dày. Hắn quá sợ. Hắn tiếp tục chạy. Cuối cùng, hắn lấy dũng khí sờ khắp người xem mình bị thương ở đâu. Chiếc áo khoác thô ráp ướt đầm. Hắn thấy máu đang trào qua giữa các ngón tay. Hắn phải thừa nhận mình đã bị thương.

Ngay lúc ấy, một viên đạn bay tới găm vào sườn hắn. Kỳ lạ thay, hắn còn kịp nhìn thấy chính xác một túm vải dạ xanh bay lên.

Một ánh chớp lóe lên làm hắn chói mắt rồi không nhìn thấy gì nữa. Hắn lảo đảo.

Hắn ngã xuống. Hắn chết.
***

Đêm thánh vô cùng

Giây phút tưng bừng

Đất với trời

Xe chữ đồng

Dưới ánh sao khuya vang lên những tiếng hát say sưa, mỗi lúc một to dần. Run lên vì xúc động, tiếng hát của những người đàn ông vang lên, chính họ cũng ngạc nhiên không hiểu sao tiếng mình lại du dương đến thế. Nó vượt lên những tiếng hét – hét để ra lệnh, hét vì sợ hãi, hét vì đau đớn – làm cho tiếng động của kim loại – tiếng đạn, tiếng đại bác, tiếng liên thanh – phải im bặt, nó đột nhiên vượt lên trên chiến tranh, mỏng mảnh, rụt rè, nó không tin được rằng khi trở thành âm nhạc mình lại có được cái quyền năng ấy. Nó san sẻ sự hòa cảm của mình sang cả hai bên chiến tuyến. Mỗi thứ tiếng đềumang đến phần lời của cùng một bài hát nhưng nhờ vào sự thần kỳ mang tính hòa giải của âm nhạc và số đông, bài hát Holy Night, Stille Nacht và Douce Nuit(15) tan hòa vào nhau thành một câu duy nhất, hài hòa, xúc động, xé lòng, hát mừng đêm Chúa giáng sinh. Trời hôm ấy lạnh, đất đông cứng, nhưng những người lính lúc bấy giờ đang được sưởi ấm bằng bài hát. Một sự rạo rực ở mỗi người một khác, gần như hơi ủy mị, đang dâng lên trong những lồng ngực trai tráng, tiếng hát tròn trịa, những âm sắc say sưa bởi chính sự gợi cảm của mình, hơi thở tự nuôi dưỡng chính mình bằng một năng lượng dài hơi, đầy không khí, bồng bềnh và đằng sau những âm thanh trầm trầm, qua tiếng hát đồng thanh của những người lính lông lá và lem luốc này, người ta chợt nghe thấy một dàn đồng ca của trẻ em.

Hitler giận điên người. Lánh lại trong hầm trú ẩn cá nhân, hắn bịt tai lại. Hắn kịch liệt phản đối cuộc đình chiến bột phát trong dịp Noel này giữa những người lính Đức, Anh và Pháp. Họ tụ tập trong mảnh đất hoang vắng giữa những chiến hào của các bên để bắt tay nhau và cất tiếng hát những bài thánh ca. Hitler điên dại giậm chân xuống đất.

– Làm sao có thể để chuyện như thế xảy ra ngay lúc chiến tranh nhỉ!

Foxl, ngồi ngoan ngoãn dưới đất, gãi gãi tai và đưa mắt nhìn Hitler, vẻ không hiểu lắm.

***

– Đưa anh ta đi!

Adolf H. tỉnh lại đúng vào lúc những người tải thương nhấc tấm bạt mà hắn nằm trong đó, vết thương vẫn tiếp tục chảy máu. Hắn còn kịp nhìn thấy Neumann và Bernstein đang chạy bên chiếc cáng, hẳn là họ muốn đưa bạn mình đến tận xe cứu thương. Hắn muốn nói với họ một câu gì đó, muốn ra hiệu cho họ rằng hắn vẫn còn sống nhưng không một âm thanh nào thoát ra khỏi miệng hắn, tứ chi tê liệt. Adolf không hiểu tại sao, trong thâm tâm, hắn đang hét lên gọi và nắm lấy tay các bạn, thế mà không hành động nào trong số đó có vẻ đang xảy ra.

– Ê, nhìn này! Cậu ấy đã mở mắt rồi này!

Trong xe cứu thương, Bernstein và Neumann xúc động cúi xuống nhìn Adolf. Người ta thấy nước mắt long lanh trên mi mắt của họ. Liệu có nghiêm trọng đến thế không nhỉ? Trông họ có vẻ đang bàng hoàng. Liệu có phải mình đang chết đi mà không hề nhận thấy? Lạ thật, Adolf không hề thấy đau và cảm thấy thanh thản. Thậm chí từ vài tháng nay, hắn chưa bao giờ cảm thấy bình tâm như thế. Hay là họ đã tiêm cho mình một mũi? Thuốc phiện chăng?

Mọi việc rồi sẽ ổn thôi, Adolf ạ. Cậu sẽ được chăm sóc.

Chúng ta sẽ mau chóng gặp lại nhau thôi, cậu đừng lo lắng gì nhé.

Hãy cố gắng chống chọi trong mấy tuần tới nhé. Nghiến răng vào và mọi việc sẽ ổn thôi.

Bọn mình sẽ đến thăm cậu trong kỳ nghỉ phép, cậu nghe rõ chứ?

Bọn mình sẽ đến và cả ba đứa chúng mình sẽ gặp lại nhau. Cậu rõ chứ?

Bọn mình yêu cậu, Adolf ạ.

Bọn mình yêu cậu. Cậu ấy có nghe thấy bọn mình nói không nhỉ?

Adolf không trả lời được. Nhưng hắn gượng hết sức cười với các bạn. Ít nhất liệu họ có nhận ra nụ cười của hắn không nhỉ? Hay là hắn vẫn nhợt nhạt, trống rỗng, không biểu lộ tình cảm gì, giống như hắn từng nhìn thấy bao nhiêu người bị thương khác như vậy? Hắn có cái vẻ cứng đơ xám xịt như những người bị thương đang nằm liệt bại không nhỉ? Trong khi đó, hình như hắn còn đang hiện diện nhiều hơn bất kỳ lúc nào khác. Với một sự nhạy cảm cao độ, các giác quan của hắn nhận biết sức nặng của cơ thể mình trên tấm vải, mùi chloforme, những nét nhăn nhó trên khuôn mặt của hai người bạn đang ở phía trên hắn.

– Xuống đi, xe chạy đây! Người tải thương hét lên.

Bernstein và Neumann biến mất khỏi mắt hắn. Vào lúc đó, Adolf chợt nhận ra rằng mình đang không ở trong một trạng thái bình thường; hắn vừa đi vào một thế giới khác, một thế giới nơi chiến tranh không còn nữa, nơi hắn không còn lo sợ gì nữa, nơi cơ bắp của hắn không bị tê liệt bởi nỗi sợ hãi, một thế giới êm ái, thoải mái, êm như nhung, nơi thời gian dường như đang thiêm thiếp, vĩnh hằng. Hắn vẫn còn sống và hắn thoát ra khỏi những dãy đường hầm của cái chết. Tất cả những trạng thái khác – đau đớn hay sầu não vì phải chia tay bạn bè – đều biến mất trong một tiếng thở phào nhẹ nhõm khôn cùng.

Chiếc xe cam nhông cũ kỹ rung lên khục khục rồi lắc lư đi trên con đường nham nhở những mảng nước bị đóng băng và những hố bom, hố đạn. Những cú xóc nảy làm cơn đau quay lại. Khắp người, da thịt hắn bắt đầu đau như bị xé. Hắn run cầm cập vì lạnh. Liệu có phải là cơn sốt?

Cơn đau kéo hắn trở lại với thực tại, Adolf phát hiện ra rằng mỗi bên cáng hắn còn có ba hay bốn chiếc băng ca xếp chồng lên nhau do hai y tá trông chừng.

Người lái xe bắt đầu chửi thề mỗi khi đi qua những chỗ đường gồ ghề, nơi bánh xe

xóc nảy lên, như thể anh ta chửi rủa con đường vì sự đau đớn mà nó bắt những hành khách trên chuyến xe này phải chịu đựng, sau đó khi đường đã bằng phẳng hơn, anh ta chụm môi huýt sáo một điệu valse Viên.

Sự đau đớn chìm đi rồi lại nổi lên. Adolf trở thành một con sóng. Đôi khi, những cú xóc nảy ru hắn, đôi khi chúng lại quần hắn một cách tàn bạo ở một vết thương. Hắn bồng bềnh.

Qua khe hở trên bạt xe, hắn nhìn thấy một ngôi sao, một ngôi duy nhất đang lấp lánh trên bầu trời sẫm và lạnh. Hắn có cảm giác như ngôi sao ở đó chỉ dành cho hắn mà thôi. Nó là niềm hy vọng của hắn. Ánh sáng của nó thẳng và trắng. Thản nhiên.

Người lái xe vừa đi xuyên qua đêm vừa hát oang oang. Cảm xúc ngập lòng Adolf. Hắn rơm rớm khóc, đó là hiệu ứng của điệu valse Viên: một nhịp điệu vui tươi đến se lòng bởi một nỗi buồn vô hạn.

***

Giờ đây Hugo Gutmann sợ hắn.

Hitler đứng ngay đơ ở cuối phòng, mặt đỏ gay, một mực cho rằng mình có lý và không chịu giữ im lặng.

– Đó là một tên đào ngũ! Tôi xin cam đoan rằng Schôndorf đã đào ngũ.

Viên thượng sĩ để yên cho lính liên lạc Hitler kịch liệt chỉ trích vì hắn sẽ trở nên hung bạo hơn nếu bị ép phải im lặng. Như thường lệ, khi buồn chán, viên thượng sĩ thường dùng tay kiểm tra độ mượt mà của bộ ria. Không gì làm ông ta an tâm hơn là việc chạm vào cơ thể mình và nhìn thấy mình, đỏm dáng, trong gương.

Chiến tranh cứ kéo dài. Từ nhiều tháng nay, các bên tham chiến giành giật cùng một dải đất, tiến lên hai mươi mét, lùi lại một trăm mét. Ở cả hai phía, sức lực đang cạn kiệt do cứ cố bám giữ mãi một vị trí, họ có cảm giác bị mắc bẫy trong một cái lồng và vĩnh viễn không thoát ra được, trừ khi chết. Bộ chỉ huy đã khẳng định lại điềm xấu này bằng một sai lầm là đưa những người bị thương, sau khi được chữa trị, về nơi chiến đấu cũ, nơi cái chết đã không chọn họ ở lần thứ nhất. Do đó, họ có cảm giác là người ta chuyển lại họ về đây để lần này, thần chết sẽ hoàn thành công việc của mình. Kết cục là tâm lý nổi loạn xuất hiện đó đây. Kết cục là ngay cả những người lính trung thành cũng thử đào ngũ.

Hugo Gutmann hiểu điều này dù vẫn phải lên án họ. Thậm chí chính ông đã chẳng mơ được thoát khỏi tất cả điều đó hay sao? Không mấy kẻ đào ngũ thoát được một cách êm thấm. Nhiều người bị bắt lại và bị bắn. Vài người đã tìm được cách trốn thoát một cách tinh tế hơn: họ tự làm mình bị thương để được chuyển về tuyến sau.

Lính liên lạc Hitler có một niềm đam mê chiến đấu vì Tổ quốc lớn đến nỗi hắn là người cuối cùng nghi ngờ những người lính khác trí trá như vậy. Khổ nỗi, một hôm, người ta đã nói cho hắn biết trò lừa bịp này và từ đó, Hitler nổi đóa và nghi ngờ tính chân thực của mọi vết thương. Sáng nào cũng vậy, hắn đến cùng những nhân viên

quân y và tiến hành điều tra. Quả thực, hắn đã tìm ra một biện pháp đáng gờm để tìm ra những vết thương người ta tự gây cho mình ở khoảng cách gần dựa vào một vết thuốc súng rớt trên da hoặc vải.

Các tiêu chí này được áp đặt trong suốt nhiều tuần bất chấp sự phản đối của một số người và vì nó một vài người đã bị bỏ tù nhiều năm liền. Tuy nhiên, một số lính chiến đấu xuất sắc, gan dạ trên chiến trường, đã đến ban tham mưu phản đối vì trong những trận giáp lá cà, chiến đấu ở cự ly gần, không thể lấy chuyện vết thuốc súng làm cơ sở đánh giá một người lính giả vờ bị thương hay không được. Ban tham mưu sợ rằng lần này sẽ có những sự bất tuân mệnh lệnh nghiêm trọng hơn trong khi cuộc chiến đang kéo dài không hồi kết, đã lùi bước và bỏ các cuộc điều tra kiểu này.

Hitler tức đến phát điên. Hắn thích giải pháp của mình – hắn thích các giải pháp đơn giản – và không chịu nổi việc nó không còn được áp dụng nữa. Vì thế giờ đây hắn nghi ngờ tất cả những ai đang bày ra những vết thương phản quốc. Hắn tra hỏi những thân hình đang hấp hối, hắn cúi người, vẻ nghi hoặc, xem xét những khúc xương lộ ra trên những đống thịt bầy nhầy, hắn trở thành người khám xét giữa những nhân viên y tế. Các bác sĩ cảm thấy bị xúc phạm đã yêu cầu thượng cấp của Hitler bảo hắn tránh xa chuyện này. Hugo Gutmann vừa thực hiện xong yêu cầu đó của họ.

Nếu để một sự lơi lỏng như thế xảy ra thì kết cục quân đội Đức sẽ mất tinh thần, Hitler cự nự.

Lính liên lạc Hitler, người ta không úy lạo tinh thần bằng sự khủng bố.

Thượng sĩ phê bình tôi vì sự nhiệt tình của tôi ạ?

Tôi không phê bình gì anh cả. Anh là một hạ sĩ mà nước Đức tự hào; tấm huân chương Thập tự sắt là bằng chứng. Nếu ai cũng có đức tin vào Tổ quốc như anh thì chúng ra sẽ chẳng phải nghi ngờ ai cả. Nói vậy nhưng tôi vẫn cho anh một mệnh lệnh: cấm anh buổi sáng đi xuống dò xét các thương binh; anh cần phải để ê kíp y tế làm công việc của họ. Rõ rồi chứ? Nếu không, tôi cho anh vào tù. Anh đi được rồi.

Tuân lệnh, thưa thượng sĩ.

Hitler chào rồi quay gót đi ra cửa.

Kiệt sức, Hugo Gutmann thả mình xuống một chiếc ghế và châm một điếu thuốc. Một tay cuồng tín hết sức! May mắn là người ta chế ngự những con người kiểu như thế này bằng sự tuân lệnh. Thử tưởng tượng nếu hắn ta là người ra lệnh thì… Hugo rùng mình thấy điếu thuốc của mình có vị của tàn thuốc.

***

Bệnh viện.

Cái tòa nhà to và tối này bấy lâu nay vẫn là bệnh viện ư? Đó chẳng phải là một tu viện sao? Hay trường dòng? Dù gì thì các xơ, như những con chim câu trắng thoăn thoắt, vẫn luôn bay trong đó, từ phòng này sang phòng khác, trong tiếng sột soạt của những chiếc mũ dòng, đến cứu những con người đang rên rỉ ngày đêm không ngừng, thường bất lực, cương quyết khi cần và lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ.

Bệnh viện.

Adolf H. vừa hiểu ra một điều. Hắn đang nằm trong hậu trường của cuộc chiến, hắn nhìn thấy thực tế đằng sau bức phông sân khấu, những cái được che giấu sau những bức tường giả với những chiếc cửa sổ giả, đúng vậy, chính là ở chỗ này, bệnh viện là thực tế của cuộc chiến.

Những công trình này bị trưng dụng và biến thành trung tâm y tế, những bà xơ bị dứt ra khỏi giờ nguyện ngắm để trở thành y tá, tất cả cho thấy chiến tranh là nghệ sĩ đương đại lớn nhất. Là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, nó lại cũng tạo ra những sáng tạo tinh tế dành cho những người mà nó không giết chết. Chiến tranh làm điêu khắc như một nghệ sĩ Ba-rốc thiên tài, lấy đi một cái chân của người này, của người khác hai cái, một cánh tay, một khuỷu tay, thay đổi kích thước của những mỏm thịt nơi bộ phận bị cắt lìa, xé rách các khuôn mặt, hủy hoại sự cân đối, làm cho da thịt người này đỏ lòm,tím ngắt, cháy sém, làm cho người khác xanh ngoét vì chảy máu trong, sợ những gì trơn nhẵn, yêu thích da thịt bị tróc lột, yêu thích những vết thương được khâu lại, những vết thương đóng vảy, những vết sẹo, những vết mưng mủ không khép miệng được, làm hết phác thảo này đến bản nháp khác, có thể hủy bỏ trong tích tắc một tác phẩm vốn đang gần hoàn thiện, nó phá cách, vô ưu, không công bằng, tham lam vô độ, với trí tưởng tượng và một năng lượng vô hạn.

Adolf H. đã phải lòng xơ Lucie. Mắt hắn dán vào nàng như bông hướng dương quay theo hướng mặt trời.Trong căn phòng lớn, xơ Lucie nét mặt rạng ngời đang tất

bật hết giường này sang giường khác. Hắn yêu xơ Lucie vì sự hiện diện của nàng là một sự lầm lẫn. Trong cái nhà xác đang sôi lên với những tiếng kêu thét và rên la vì đau đớn này, nơi thần Chết xảo quyệt đến tiếp tục làm cái công việc hủy diệt của mình, xơ Lucie vẫn vui tươi. Một sự lầm lẫn. Vui tươi. Một thiên thần nơi địa ngục. Một sự lầm lẫn. Vui tươi.

Khi nàng cúi xuống bên hắn và mỉm cười, hắn có cảm giác nàng đang lung linh tỏa sáng. Thật khó tin. Một thứ ánh sáng thêm vào ánh sáng mặt trời. Và da nàng, căng lên vì nụ cười, không còn là da là thịt nữa mà là những tia lấp lánh. Adolf tin chắc rằng mọi tiếp xúc với xơ Lucie sẽ tốt cho hắn hơn bất kỳ mũi tiêm nào. Hắn thấy bối rối trước người con gái hai mươi tuổi ấy, người không tìm cách làm người khác thích nhưng lại làm ai cũng thích. Hắn đã đánh mất những đặc tính của một gã đàn ông phóng túng nhiều đến mức khi để ý đến làn lông tơ lờ mờ che môi trên của nàng, hắn cảm thấy xấu hổ vì đã làm như vậy, cứ như thể hắn vừa văng một câu chửi thề.

Hắn đã được phẫu thuật. Người ta đã lấy ra khỏi người hắn một viên đạn và một mảnh đạn cối. Các bác sĩ e là hắn bị nhiễm trùng trong, thậm chí là xuất huyết. Hắn không được cứu thoát. Thực tế còn tệ hơn thế nữa.

Do bị sốt cao hắn chỉ lờ mờ theo dõi được những gì xảy ra trong cái nhà ăn trước đây giờ được dùng làm nhà ngủ tập thể. Tuy vậy, hắn vẫn đủ tỉnh táo để nhận ra hai nghi lễ đáng sợ: viết thư và căn phòng ở cuối hành lang.

Khi một thương binh hấp hối, xơ Lucie đến bên anh ta và nhẹ nhàng hỏi:

– Anh có nghĩ là nên viết vài dòng cho mẹ mình không?

Thông thường, người thương binh không hề biết rằng mình đang đọc để người khác chép những lời cuối cùng của mình. Bức thư ấy sẽ bị nhòe trong nước mắt, một bức thư sẽ được mở ra gấp lại cả trăm lần, bức thư mà mẹ anh ta sẽ mang theo mình suốt nhiều năm, như một vật báu để áp vào người bà một cái gì đó của đứa con đã hy sinh. Với sự xúc động khi nghĩ về người thân, với sự giúp đỡ của xơ Lucie luôn ân cần nhắc những từ còn thiếu, kẻ hấp hối sẽ kiệt sức sau khi hoàn thành nhiệm vụ này.

Vài giờ sau, theo một nghi thức bất di bất dịch, các nữ y tá sẽ kéo giường của người đã chết ra khỏi phòng và theo như người ta kháo nhau thì người ta sẽ đặt nó vào cái phòng ở cuối hành lang được mệnh danh là “nhà chờ chết” để không ai nghe thấy những tiếng hét lúc lâm chung.

Một ngày nào đó hắn sẽ nói với xơ Lucie rằng hắn yêu nàng? Rằng hắn yêu nàng như người ta yêu khi còn là con trẻ? Sự hiện diện của nàng làm hắn dễ chịu. Hắn thu nhận được một cái gì đó từ niềm hạnh phúc tỏa ra từ nàng. Nàng sẽ phản ứng thế nào khi hắn nói với nàng: “Tôi yêu em”? Chắc hẳn nàng sẽ thấy điều đó hết sức tự nhiên và đáp không ngần ngại: “Em cũng yêu anh.” Tại sao người ta không luôn sống với tính người cao đến mức này? Tại sao cần phải rơi xuống thấp đến thế mới lên được tới tầm cao này?

Vừa lúc đó, xơ Lucie đi về phía hắn.

Hắn định nói với nàng. Nhưng trước khi hắn kịp mở miệng, nàng đã cất lời hỏi bằng một giọng trong trẻo:

Anh có muốn viết vài dòng cho mẹ anh không?

***

Hitler điên lên. Người ta buộc hắn phải nghỉ phép. Hắn đã phản đối nhưng Hugo

Quy định là quy định, lính liên lạc Hitler! Anh có quyền được về nghỉ phép.

Tôi muốn ở lại chiến trường.

Anh có nghĩa vụ phải về nghỉ phép.

Nghĩa vụ ư? Tôi sẽ có ích gì khi trở về hậu phương đây?

Ừ thì… anh sẽ lấy lại sức.

Tôi đang rất khỏe mạnh.

Tôi thấy anh hơi gầy… do đó anh sẽ nghỉ để lấy lại sức và gặp lại người thân…

Nói đến đây Hugo Gutmann chợt nhớ ra rằng Hitler không bao giờ có thư từ gì và

cảm thấy mình đã lỡ lời. Ông bình tâm lại và khẳng định, giọng kiên quyết:

– Anh sẽ lên tinh thần cho nhân dân Đức.

Hitler đột nhiên chú ý tới lời viên thượng sĩ. Gutmann sung sướng và hiểu ra rằng mình đã điểm đúng huyệt và bắt đầu huyên thuyên một cách vụng về.

Ở hậu phương, nhân dân cũng đang cố gắng cho cuộc chiến, họ làm ra thức ăn, đạn dược, vũ khí, đào luyện những người lính mới. Nhân dân cần một người lính lão luyện như anh đến để chứng thực với họ rằng tất cả những cố gắng đó đều có ích, để kể lại rằng các chiến sĩ của chúng ta đã chiến đấu anh dũng như thế nào, để trực tiếp kể về những… chiến thắng mang tính quyết định của chúng ta.

Trên đà hùng biện của mình, Hugo đã đánh liều nói câu khẳng định cuối cùng này, một câu nói vừa nực cười vừa nhảm nhí, biết rằng nếu có người lính duy nhất nào đó còn có thể tin rằng nước Đức sẽ chiến thắng, đó chính là lính liên lạc Hitler.

Mắt giương to, nét mặt căng thẳng, mồm há hốc, Hitler nghiến ngấu tán đồng ý kiến ấy. Hắn chấp nhận nhiệm vụ mới này.

Vâng thưa thượng sĩ. Tôi sẽ đi nghỉ phép.

Tốt, anh đi được rồi. Ngày mai anh sẽ lên tàu.

Gutmann nhìn lính liên lạc Hitler đi xa dần rồi thở phào nhẹ nhõm. Ông ta sung sướng vì đã ra mệnh lệnh cuối cùng cho Hitler, vậy là ông sẽ nhẹ nhõm trong vài tuần nữa.

Dù gì thì Gutmann cũng đã chán ngấy việc ra lệnh. Ra lệnh, đó là cách phục tùng mệnh lệnh cấp trên của ông và ông cũng đã chán ngấy việc phục tùng mệnh lệnh rồi.

***
“Bernstein và Neumann thương mến,

hay là

Neumann và Bernstein thương mến,

Tớ không biết phải bắt đầu với tên ai trong số hai cậu, tớ là người phải ra đi vĩnh viễn.

Người ta đã bảo tớ viết cho mẹ, điều ấy có nghĩa là tớ phải sốt đến hơn bốn mươi độ và chỉ còn ít giờ nữa để sống. Thật không may phải không? Chết ở tuổi hai mươi sáu và thậm chí không có cả gia đình để gửi gắm những dòng suy nghĩ cuối cùng của đời mình. Nhưng sự kém may mắn này nay đang trở thành quá tầm thường. Tớ nghĩ thậm chí mình không có quyền than vãn nữa cơ. Dù gì thì giờ đây tớ cũng sắp chết trên một cái giường sạch sẽ, trắng tinh và phía trên tớ là khuôn mặt kiều diễm của xơ Lucie. Tớ sẽ không chết thối xác trong bùn hay giữa hai chiến hào; những người còn sống không nhìn thấy chất khí làm trương bụng tớ lên, không phải chịu đựng mùi xú uế từ cái xác đang phân hủy của tớ; vài tuần sau khi tớ chết, khi thu hồi lại vùng đất đã mất, họ không bị buộc phải rắc vôi sống lên người tớ để nó bốc mùi ít đi. Tớ được cưng chiều quá đi: tớ được chết sạch sẽ, chết ở bệnh viện.

Các cậu ơi, tớ viết vài dòng này để nói với các cậu rằng tớ yêu các cậu, rằng tớ ra đi với lòng tự hào vì đã quen biết các cậu, kiêu hãnh vì đã được các cậu chọn làm bạn và được các cậu đánh giá cao và rằng tình bạn của chúng ta chắc chắn là tác phẩm đẹp nhất của đời tớ. Tình bạn thật lạ kỳ. Khi yêu, người ta nói đến tình yêu, giữa những người bạn chân chính với nhau, người ta không nói đến tình bạn. Tình bạn, người ta kết bạn mà không cần phải gọi tên hay bình phẩm gì về nó. Mạnh mẽ và yên ắng. Nó kín đáo. Rắn rỏi. Đó là sự lãng mạn của những người đàn ông. Chắc nó phải sâu sắc và bền vững hơn tình yêu để người ta không vung vãi nó một cách ngớ ngẩn bằng ngôn từ, tuyên bố, thơ văn. Nó phảiđem lại sự thỏa mãn lớn hơn tình dục bởi nó tách bạch khỏi lạc thú và những lúc người ngứa ngáy vì thèm. Khi chết đi, tớ nghĩ đến và ngả mũ trước bí mật câm nín lớn lao này.

Các cậu ơi, tớ đã nhìn thấy các cậu râu ria xồm xoàm, người lấm lem, cáu bẳn, đang gãi, đánh rắm, ợ, ỉa ra những dòng phân lỏng vô tận, thế mà tớ chưa bao giờ ngừng yêu các cậu. Nếu một người đàn bà bắt tớ phải chịu cái mớ bần tiện ấy thì chắc chắn tớ sẽ giận cô ta, tớ đã bỏ cô ta, chửi bới, bỏ rơi cô ta rồi. Với các cậu thì không. Ngược lại là đằng khác. Mỗi lần thấy các cậu trở nên dễ thương tổn hơn, tớ lại càng yêu các cậu. Thật không công bằng phải không? Đàn ông và đàn bà sẽ không bao giờ yêu nhau chân thành bằng hai người bạn vì quan hệ nam nữ bị sự quyến rũ làm cho thối nát. Họ diễn kịch. Tệ hơn, mỗi người trong số họ đều tìm những vai đẹp. Sân khấu. Hài kịch. Dối trá. Trong tình yêukhông có sự an toàn vì mỗi người đều nghĩ rằng mình phải che đậy, rằng có thể anh ta không được yêu như chính con người của anh ta. Bề ngoài. Mặt tiền rởm. Một tình yêu lớn là một lời nói dối thành công và luôn luôn được đổi mới. Một tình bạn, đó là một chân lý không ai phủ nhận được. Tình

bạn trần trụi còn tình yêu thì được bôi son trát phấn.

Các cậu ơi, con người các cậu như thế nào thì tớ yêu các cậu nguyên xi như thế. Quá đẹp trai, tóc quá nâu, quá thông minh, quá tài năng, bị sự ngờ vực giày vò, tớ yêu cậu Neumann ạ. Bernstein, tớ yêu cậu khi cậu dỗi, khi cậu vẽ, khi cậu lầm bầm, khi cậu làm những trò bẩn thỉu với người đàn ông khác. Đúng vậy, cả hai người, tớ yêu các cậu trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Đừng mong là tớ sống qua được đêm nay. Vì nếu tớ còn được nhìn các cậu, tớ sẽ nói tất cả những điều trên một cách trực tiếp, nhìn thẳng vào mắt các cậu và các cậu sẽ cảm thấy phiền toái ra trò. Nếu trên đời có thiên đường, có một cuộc sống sau cái chết, tớ sẽ đợi các cậu ở đó; tớ muốn các cậu đến gặp tớ sau này khi các cậu rất rất già, rất rất giàu, đầy danh vọng, với các tác phẩm được trưng bày trong các bảo tàng trên toàn thế giới; cứ từ từ mà làm, tớ sẽ cực kỳ kiên nhẫn. Nếu không có gì xảy ra ngoài hư vô, tớ sẽ thoát khỏi nó bằng sức mạnh của tình cảm gắn kết chúng ta và mặc kệ cái hư vô, tớ vẫn cứ đợi các cậu.

Mãi là bạn của các cậu,

Adolf H.”

***

Hitler ghét cay ghét đắng chuyến nghỉ phép bắt buộc này.

Về tới Munich, hắn bị một cú sốc mạnh: chẳng ai có cùng sự phấn khích như hắn

chiến trường cả. Họ ủ dột, suy sụp, căng tai nghe ngóng tin xấu, nghi ngờ những tin tức chiến thắng chỉ là sản phẩm tuyên truyền của chính phủ mà thôi. Cuộc sống thường nhật trở nên khó khăn vì bị cắt giảm, ai cũng chỉ mong chiến tranh sớm kết thúc.

Không, chiến tranh không được kết thúc, nước Đức cần phải chiến thắng. Vả lại, nước Đức đang thắng đấy thôi.

Người ta nghi ngờ nghe hắn nói. Hitler có cảm giác khi thể hiện niềm tin mãnh liệt của mình, hắn bị coi như một người bệnh nặng mà người khác phải chịu đựng những thay đổi tính khí bất thường; dù gì, hắn sắp quay lại chiến trường rồi, hắn đương nhiên có quyền tin rằng làm như thế là để chiến thắng quân thù…

Trong một vài quán bia, hắn đã kéo được một vài người dân Munich ra khỏi sự dè dặt đầy nghi hoặc. Tuy nhiên, làm như thế Hitler chỉ tổ phải nghe họ tuôn lời ca thán những người lính Phổ – theo đúng truyền thống của xứ Bavaria – hoặc phàn nàn về việc dân Do Thái đang xâm chiếm khu vực hành chính và văn phòng. Vốn ngưỡng mộ thượng sĩ Hugo Gutmann của mình và đã từng chứng kiến nhiều người Do Thái đã anh dũng ngã xuống trên chiến trường như người Phổ, Hitler không chịu được cái cách vơ đũa cả nắm quá vội vã này và thà từ bỏ cuộc tranh luận còn hơn.

Hắn co mình lại trong im lặng và nóng lòng đếm từng ngày để quay lại chiến hào. Tuy nhiên hắn cũng đã tận dụng dịp này để đưa Foxl đi thăm thành phố. Con chó

tỏ ra rất vui thích.

***

– Hãy ở lại, nếu không tôi sẽ hét lên đấy!

Xơ Lucie làm như không nghe thấy gì, đưa tay gấp mép ga giường lần thứ ba rồi vỗ vỗ vào vai Adolf H.

Nửa giờ nữa tôi sẽ quay lại.

Hãy ở lại, nếu không tôi sẽ hét lên!

Thôi nào, đừng trẻ con như thế.

Á! Á!

Adolf không cần cố mới kêu được lên; ngược lại, hắn chỉ cần để nguyên cho cơ thể phản ứng là đủ; hắn đang đau, hắn đang sợ. Hắn quằn quại trong cơ thể bé nhỏ, trên cái giường bé nhỏ, trong căn phòng bé nhỏ, ở cuối cái hành lang bé nhỏ này. Hắn biết rõ mình sắp chết.

Á! Á!

Adolf, thôi đi nào.

Hãy ở lại.

Không. Tôi phải…

Á! Á!

Xơ Lucie đỏ bừng mặt lên. Nàng kéo ghế và ngồi xuống bên người bệnh, phụng phịu. Adolf cố kiểm soát mình, giữ im lặng và cười với nàng.

Cảm ơn.

Anh phải xấu hổ mới phải, anh đã đe dọa để ép tôi.

Vâng, vâng, tôi sắp chết nhưng trước đó tôi phải biết xấu hổ cái đã.

Adolf, tôi không nói thế.

Rằng tôi phải xấu hổ? Rằng tôi sắp chết?

Thôi nào, cần phải cầu nguyện.

Adolf trân trân nhìn xơ Lucie, mắt rân rấn. – Nhưng cầu nguyện ai? Cầu nguyện cái gì?
Lúc đó, xơ Lucie nở một nụ cười làm ấm lòng những người bệnh.

Tôi sẽ dạy cho anh.

Tôi còn bao nhiêu giờ nữa để sống?

Tôi đã nói là sẽ dạy anh cầu nguyện rồi mà.

Tôi còn bao nhiêu thời gian để học? Liệu có đủ không?

Anh có đủ thời gian.

Tôi muốn biết sự thật. Nếu xơ nói cho tôi biết, tôi sẽ học cầu nguyện.

Lại ép buộc nữa ư?

Các bác sĩ nói gì?

Họ có thể nhầm.

Họ nói nhầm ra sao?

Rằng anh chắc chắn sẽ không qua khỏi đêm nay.

Nàng nói rành rọt. Adolf cảm thấy gần như yên tâm. Hắn đã nhận diện rõ ràng và định vị được kẻ thù: đêmnay.

Xơ Lucie này, xơ có muốn ở lại với tôi đêm nay không?

Anh không phải là người duy nhất…

Xơ đồng ý hay không?

Tôi không bị buộc phải…

Xơ đồng ý hay không?

Đành rằng điều xảy ra với anh là quan trọng nhưng…

Xơ đồng ý hay không?

Có lẽ tôi sẽ dạy anh cầu nguyện?

Xơ đồng ý hay không?

Đồng ý.

Nàng đỏ mặt như cô dâu mới cưới. Cầm hai tay hắn trên tấm ga, nàng siết mạnh.

Tôi hạnh phúc được ở bên anh.

Đó là lời cầu nguyện đó hả?

Đúng vậy, cần phải tập trung vào hạnh phúc. Tránh xa bóng tối và tìm ra ánh

sáng.

Tôi đau. Tôi sợ. Tôi chẳng nhìn thấy gì cả.

Có chứ. Lúc nào cũng có ánh sáng. Hạnh phúc là gì với anh trong lúc này?

Là xơ.

À, anh thấy đấy. Rồi sau đó?

Là xơ. Bàn tay của xơ. Nụ cười của xơ.

Anh thấy đấy. Lúc nào cũng có ánh sáng. “Hãy tập trung vào ta vì đêm nay, ta là ánh sáng của ngươi.”

Xơ Lucie, tôi không tin vào Chúa.

Không sao cả, Người đã dự tính tất cả.

Anh có cảm thấy sức mạnh tôi truyền sang anh không?

Có chứ.

Đó là tình yêu.

Adolf im lặng và nạp đầy năng lượng tỏa sang từ xơ Lucie. Hắn có cảm giác mình như một bông hoa được một ngọn đèn sưởi ấm, hắn cảm thấy mình đang yếu đi một cách nguy hiểm, tuy nhiên, hắn tự nhủ rằng, có thể, với ngọn lửa này, hắn có thể, nếu còn có thời gian, lấy lại sức đôi chút… nhưng liệu hắn có còn thời gian không?

Đừng suy nghĩ gì cả. Đừng suy nghĩ gì. Hãy lấy tất cả sức mạnh này mà đừng suy nghĩ gì cả. Nào! Lấy đi! Lấy đi!

Nàng nói điều đó bằng một giọng nặng nề, dữ dội, như một người đàn bà đang làm tình. Adolf bắt đầu để sức mạnh ấy thâm nhập vào người mình.

– Nào! Lấy đi! Làm đi!

Đó không còn là xơ Lucie, xơ Lucie nhẹ nhàng, người vẫn duyên dáng bay từ giường bệnh này sang giường bệnh khác, đó là cả một người đàn bà chú tâm vào nhiệm vụ của mình, vào công việc làm mình kiệt sức. Nàng muốn cho ra đời một con người.

Giờ thì phải cầu nguyện. Hãy xin Chúa ban cho anh sức mạnh.

Tại sao lại phải ba người? Hai người thế này chẳng phải đang tốt sao?

Đừng báng bổ. Hãy cầu Chúa ban cho anh sức mạnh để qua khỏi đêm nay đi. Tôi thì dù gì tôi cũng làm thế.

Adolf bắt đầu thấy căn phòng, xơ Lucie rồi chính mình đang trở nên mơ hồ. Liệu có phải dòng sức mạnh chảy dồn vào đang làm hắn rối loạn không? Hay hắn đang sắp chết như bác sĩ đã dự đoán? Ý thức của hắn đang đứt gãy, nó lảo đảo, nó đang trượt từ thế giới này sang những thế giới khác lâu đời hơn, thân mật hơn, sau đó hồi lại, tỉnh lại, rồi lại tiếp tục rơi. Adolf nhận thấy rằng giờ sự sống của mình đã chỉ còn rất mơ hồ. Hắn tận dụng lúc ý thức tỉnh táo để bấu lấy một cái phao và cầu nguyện:

Lạy Chúa, hãy cho tôi sức mạnh. Tôi không chắc là mình tin ở Ngài, nhất là tối nay, khi điều đó rất có lợi cho tôi. Có thể chính vì nó rất có lợi cho tôi. Tóm lại, lạy Chúa, đây chính là thời điểm thích hợp, nếu Ngài hiện hữu thì xin hãy cúi xuống bên tôi và giúp tôi đứng lên. Tôi không thực sự muốn chết. Tôi không biết cái chết là gì, có thể đó là cái gì rất tốt, một sự bất ngờ thú vị mà Ngài đã dành cho tôi, không, tôi không chỉ trích gì cả, nhưng vấn đề ở chỗ tôi còn chưa biết sống là gì.Tôi đã không có thời gian. Vậy đó. Chỉ có thế mà thôi. Ngài hãy cho thêm chỉ một chút cuộc sống mà Ngài đã cho tôi đến nay. Tôi sẽ sử dụng nó một cách hợp lý. Ôi, tất nhiên, đó là thứ người ta lúc nào cũng hứa hẹn trong những trường hợp như thế này. Bây giờ tôi muốn làm điều đó bao nhiêu thì ngày mai tôi sẽ nóng lòng quên đi bấy nhiêu. Tôi tưởng tượng rằng Ngài đã quen với việc, từ xưa rồi, con người ta đến với Ngài mỗi khi rơi vào cảnh cùng quẫn và rời xa Ngài khi tình hình yên ổn. Con người là như vậy đấy…

Vả lại, đó là một trong những cái ngăn cản tôi tin vào Ngài: tôi không thể tin được rằng Ngài còn quan tâm đến loài người. Nhân loại quá thảm hại, không xứng với Ngài. Tại sao Ngài lạiquan tâm đến những thằng ngốc hèn nhát, bội bạc, bẩn thỉu và chém giết nhau cơ chứ? Hừm…

Chúa là tình yêu.

Adolf giật bắn mình. Xơ Lucie đã trả lời. Hắn nói to thành lời hay nàng đã đọc được ý nghĩ của hắn?

– Chúa là tình yêu.

Nàng đã nói hay hắn đã mơ là nàng đã nói điều đó? Hay là Chúa đã nói? Adolf tội

nghiệp của ta, ngươi đang hoang tưởng tột độ. Ngươi không biết cái gì đến từ ngươi cái gì từ người khác nữa. Những cơn sốt đẩy Adolf quay mòng mòng trên những con sóng của nó. Adolf bám víu lấy những câu nói này, hắn gọi đó là lời cầu nguyện của mình và hắn không biết chúng được nói lên bằng một giọng, hai giọng hay thậm chí là ba giọng nữa. Khi hấp hối người ta quay lại trạng thái của một đứa trẻ sơ sinh: tri giác u mê, không có khả năng phân biệt cái gì là mình cái gì là người khác, không có khả năng biết liệu bầu vú là của mình hay của mẹ, liệu cái miệng đang hôn khắp vũ trụ mịt mù có thuộc về nó hay không, liệu cái nếp gấp trên ga giường làm đau người được tạc vào xương sống hay ở bên ngoài nó, liệu những ngôn từ, những tình cảm và những

nghĩ đang hiện hữu là ở trong mình, trên mình hay ngoài mình… Adolf trở lại với đại dương vô tận và náo động này, nơi ý thức nổi lên từ vật chất, chìm trong đó, phản ánh trong đó, bị nuốt chửng trong đó, kiệt sức trong đó, trải rộng trong đó, lướt trên đó, nhìn thấy ngọn hải đăng, không nhìn thấy nữa, biến mất trong vùng tối tăm của một cơn sóng ngầm, rồi thoát khỏi nó mà không hiểu vì sao…

Adolf! Adolf!

Ai đó gọi hắn.

– Adolf!

Hắn còn phải bơi một quãng dài mới đến được chỗ giọng nói phát ra. Cuối cùng hắn cũng mở mắt và nhìn thấy xơ Lucie trong ánh sáng ban mai huy hoàng.

– Adolf. Anh đã qua được hết đêm rồi. Anh thoát rồi.

Và xơ Lucie, vẻ rạng rỡ, đẩy chiếc giường ra khỏi căn phòng dành cho người hấp hối, kêu người mở cửa phòng chung và giữa hai hàng lính danh dự gồm những con người què cụt, người bị thương vì hơi ngạt và người bị cắt cụt các chi, nàng đẩy chiếc giường trên các bánh xe của nó và đưa Adolf H. về giữa những người thương binh như người ta trao lại vương trượng và ngai vàng cho một vị vua trở về sau chuyến lưu vong.

***


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.