Nửa Kia Của Hitler

6.



“Một dân tộc duy nhất, một Đế chế duy nhất, một lãnh tụ duy nhất!”

Hitler đi qua cây cầu nhỏ ở ngôi làng nơi hắn đã sinh ra, ngôi làng đã từng đánh dấu biên giới giữa Đức và Áo, từ nay chỉ còn là một con đường nhỏ liên xã trong một đất nước thống nhất. Chuông nhà thờ rung lên hối hả, hàng nghìn người hân hoan và cuồng nhiệt đứng đầy hai bên đường. Người ta tung hoa, kẹo, những dải giấy nhiều màu sắc về phía hắn, dàn kèn đồng chơi ngẫu hứng một bản tụng ca, người ta bế bổng những đứa trẻ xinh đẹp nhất lên cao để chào mừng.

Hitler vừa chinh phục nước Áo và hắn được tiếp đón như một vị cứu tinh. Braunau am Inn, cái thị trấn nhỏ đỏng đảnh nằm sát đường biên Đức-Áo này, nơi hắn được sinh ra và nơi hắn hình thành từ rất sớm ý tưởng không nên chia cắt hai đất nước, đang kiêu hãnh chào đón hắn như một vĩ nhân xuất thân từ địa phương mình.

Ngài có muốn chúng ta dừng lại không ạ, thưa Quốc trưởng? Tướng von Bock cất tiếng hỏi, ông này đang ngồi bên nhà độc tài trong chiếc xe Mercedes và xúc động đến rơi nước mắt trước sự đón tiếp nồng nhiệt của dân chúng.

Không, Hitler đáp khô khốc, việc chúng ta qua đây chủ yếu mang tính tượng trưng.

Thực ra, Hitler không còn nhớ bất cứ điều gì về Braunau am Inn. Điều hắn sợ hơn cả là phải gặp những người có ký ức nhiều hơn hẳn hắn. Và cũng không nên nhầm lẫn, hắn không phải là một vĩ nhân tỉnh lẻ mà là một con người vinh quang tầm cỡ thế giới: hắn không chinh phục Braunau am Inn, hắn xâm chiếm nước Áo.

Đoàn xe tiếp tục cuộc diễu hành chiến thắng của mình tới tận Linz.

Ở đó, Hitler mới thực sự xúc động. Hắn luôn thích Linz hơn Viên vì ở đây hắn đã được hạnh phúc bên mẹ. Màn đêm buông xuống, khi đám đông dày đặc và mê mẩn rầm rĩ hoan nghênh trên quảng trường bên chợ, hét lên“Heil” hay “Một dân tộc duy nhất, một Đế chế duy nhất, một lãnh tụ duy nhất”, hắn mới cảm thấy dòng nước mắt giàn giụa trên má mình và thấm ướt cả cái cổ áo cứng.

Từ ban công tòa thị chính, hắn để mặc mặt sùng tín trong tính cách của mình…

Hôm nay, tôi biết rằng Định mệnh đã chọn tôi để đưa Tổ quốc của mình vào lòng Đế chế Đức. Các vị là những người đầu tiên được chứng kiến tôi hoàn thành sứ mệnh này.

Đám đông hăng say, cuồng nhiệt đến mức Hitler quyết định hoãn đến Viên để ở lại Linz một ngày.

Ban đêm, ở khách sạn Weinzinger, hắn không tài nào ngủ được, mặc dù mắt đang chăm chắm nhìn vào dòng Danube chậm rãi như ru. Sự việc diễn ra quá dễ dàng. Anh và Pháp đã xẹp hơi trước mặt ta! Ta có được Áo chỉ bằng những lời đe dọa. Không một viên đạn. Điều đó cho thấy việc ta làm hoàn toàn chính đáng. Ai cũng can ta đừng mạo hiểm làm việc đó. Ta đã quyết định cứ làm một mình. Và ta đã có lý. Từ nay, ta sẽ không nghe bất cứ ai. Ngày mai, ta sẽ đi thăm mộ cha mẹ ta. Sẽ rất đẹp. Goebbels đã hứa sẽ đưa đám nhiếp ảnh và quay phim đến. Đó là một hình ảnh rất đẹp, chinh phục nước Áo với một bó hoa trên tay. Rõ ràng đó chỉ rặt một lũ ngu, một lũ thỏ đế, một lũ đần độn. Không bao giờ nghe ai nữa hết. Không bao giờ.

Ngày hôm sau, cảnh tượng diễn ra thật nhàm chán, do Hitler đã tưởng tượng ra tất cả trong đêm nên mọi việc trên thực tế lại làm hắn thất vọng. Hắn chẳng cảm thấy gì khi đến thăm mộ cha mẹ mình; hắn thực hiện chuyến thăm viếng trước mắt các phóng viên như một diễn viên kịch câm, hoảng sợ vì nghĩ điệu bộ của mình không đủ thuyết

phục, sau đó lại phải chịu đựng niềm vui và những kỷ niệm của người khác; hắn cảm thấy hoàn toàn dửng dưng.

Hắn lên đường đi Viên, nơi hắn được tiếp đón nồng nhiệt. Viên, thành phố đã sỉ nhục hắn, chối bỏ hắn, ném hắn ra đường, biến hắn thành kẻ ăn xin và bụi đời, thành Viên, nơi hắn đã phải chịu đói rét, nơi hắn nghi ngờ chính mình, thành Viên phù phiếm như xứ Byzantine, thành Viên Á đông, thành Viên Do Thái hóa, thành Viên lẳng lơ, lủng lẳng trang sức, thành Viên nằm lăn như một con mèo cái động đực dưới chân hắn. Đứng trên hai trăm năm mươi nghìn người đang rên lên sung sướng ở quảng trường Anh hùng, hắn thấy quá khứ, thấy những thất bại của mình chết đi, chứng kiến những kẻ đã từng xua đuổi mình đang khúm núm và hắn nhấm nháp, giữa hàm răng nghiến chặt, cái hương vị tuyệt hảo của máu đi kèm với cảm giác mê ly của sự hận thù. Ở Linz, hắn sung sướng vì niềm vui. Ở Viên, hắn sung sướng vì sựbáo thù.

Cuối buổi chiều, hắn dự một cuộc diễu binh rồi hội kiến ngắn với Hồng y Innitzer, cai quản giáo phận Áo, cùng các giám mục và tổng giám mục của ông ta, người mang tới cho hắn sự ủng hộ vô bờ của những người Công giáo Áo với chế độ mới. Trò hề, Hitler thầm nghĩ khi đứng trước vị Hồng y, ngươi không còn sắm vai quan trọng được lâu nữa đâu. Không có chỗ cho tôn giáo của ngươi trong nhà nước quốc xã. Đã đến lúc cũng phải làm cho Cơ đốc giáo chết đi. Năm năm nữa, người ta sẽ không thấy một cây thập tự nào nữa! Hắn nghiêng mình vài lần trước bộ quần áo màu đỏ sẫm rồi lên máy bay về Berlin.

Về lại Dinh quốc trưởng, hắn được báo cáo trong những ngày tiếp đó rằng Gestapo đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ ở Viên: họ đã lấy lại được những hồ sơ của cảnh sát, càn quét đám Xã hội và Cộng sản; các cửa hiệu và nhà ở của người Do Thái bị cướp phá, người Do Thái bị tước đoạt hết tiền, đồ trang sức, áo lông thú và bị tạm giam. Một làn sóng tự tử đến theo những động thái thanh lọc. Những người còn chưa bị động đến nhờ quy chế bảo vệ quốc tế như bác sĩ Sigmund Freud thì đang chuẩn bị ra đi. Như vậy, chế độ mới có thể chống kẻ thù từ bên trong một cách hữu hiệu hơn. Chiến tranh là điều kiện duy nhất đảm bảo tính lô gích và hiệu quả, Hitler vừa có được sự khẳng định ấy.

Rất nhanh, hắn bỏ qua Áo và không nghĩ gì đến nó nữa. Bây giờ, mối quan tâm của hắn chuyển sang Tiệp Khắc.

***

Biển hiệu ”Lạc viên”(35) trương lên không xa Bộ chiến tranh là mấy, nhờ đó thêm vào danh sách khách quen hay lui tới cửa hàng các tướng lĩnh và đô đốc, phu nhân các vị tướng, phu nhân các vị đô đốc, nhân tình của các vị tướng, nhân tình của các vị đô đốc. Cái tập hợp thượng lưu này mê đắm các loại nước hoa của SarahRubinstein, trước hết là bởi đó là các loại nước hoa hiếm có, sau là bởi giá bán cao ngất của

chúng, cuốicùng là vì Sarah tự tay làm ra các sản phẩm ấy, theo một quy trình thủ công bằng hệ thống nồi đun và bình cổ cong ở phía sau cửa hiệu. Cửa hàng được dựng từ gỗ dát vàng và gỗ mun, với những chiếc lọ pha lê nặng nề có nắp đậy nhiều cạnh lóng lánh màu cầu vồng vĩnh cửu và trên nhãn ghi bằng nét chữ thanh tao những cái tên làm người ta mơ màng: Hoan thủy, Nước của Nàng thơ, Bóng soi Narcisse(36), Dòng lệ Echo(37), không lúc nào ngớt khách từ ngày mở cửa, những bộ quân phục cùng các tà váy thướt tha nối đuôi nhau giữa những bụm hơi nước nhỏ mùi đậu khấu, đàn hương và hoa hồng nghệ phụt ra từ những bình xịt khắp nơi.

Sophie và Rembrandt thực sự có cảm giác ở trong thế giới người lớn khi bước vào cửa hàng nước hoa. Bố chúng, với những hình vẽ của mình, giống một người bạn chơi thuộc về thế giới trẻ thơ bao nhiêu thì mẹ chúng, với những nhân viên, người bán hàng, người kế toán, người giao hàng của mình, những cuộc chiến đấu với dân bán hoa Hà Lan hay miền Nam nước Pháp để họ giao hàng đúng hạn, những chồng tiền xu và tiền giấy mà bà mang về nhà mỗi tối, những cuộc tranh luận om sòm với ông chủ nhà băng về hối phiếu, tín dụng và tỷ lệ lãi suất, lại thuộc về thế giới thực đầy hấp dẫn bấy nhiêu. Sarah Rubinstein trò chuyện với các vị bộ trưởng, các sĩ quan, các nhà quý tộc; nàng tán gẫu với vợ của họ; nàng thường xuyên biết trước cả cánh nhà báo những tin tức mà sau đó sẽ khiến mọi người bình luận xôn xao.

Adolf H. thích đi vào thế giới của vợ mình. Thế giới ấy còn xa lạ với hắn. Cả nàng nữa. Hắn ngưỡng mộ người đàn bà hiện đại, độc lập này; hắn biết ít về nàng và làm tình với nàng rất tuyệt vời; trong thâm tâm, hắn cảm thấy mình như một người tình hơn là chồng nàng, một người tình còn trong thời gian tìm hiểu, khám phá, một người tình không quen thuộc. Hắn tự nhủ rằng một ngày nào đó hắn sẽ hiểu nàng rõ hơn, rằng hắn còn thời gian trước mắt. Hắn đã cưới nàng bởi nàng muốn điều đó và vì Mười-một-giờ-rưỡi đã mong hắn làm như thế trước khi qua đời. Đó không phải là một quyết định cá nhân. Hắn làm vì thuận tình nhiều hơn là mong muốn. Đó chắc chắn là lý do khiến hắn ngạc nhiên về cuộc sống củahắn và vợ, về những đứa con, về sự hòa hợp giữa họ. Có lúc, ý nghĩ mình là kẻ bịp bợm thoáng qua đầu hắn nhưng từ khi Mười-một mất đi, hắn vẫn luôn gặp khó khăn mỗi lần cập bến thực tế.

– Bố ơi, tại sao lúc nào nhìn con bố cũng có vẻ ngạc nhiên?

Sophie hỏi câu ấy nghiêm túc đến mức hắn không thể né tránh câu trả lời được.

Bố… bố không biết… bởi vì con thay đổi… bởi vì ngày nào cũng vậy, bố khám phá con.

Ấy vậy mà con thì con lại quá quen với bố.

Đúng, nhưng người lớn thì không thay đổi. Trong khi trẻ con thì lớn lên từng

ngày.

Cô bé chấp nhận lời giải thích nhưng không tin lắm.Con bé có lý. Làm thế nào ta có thể thú nhận với nó rằng ta đặt tên nó là Sophie chỉ bởi vì đó là tên thật của Mười-

một-giờ-rưỡi. Vợ hắn có biết điều đó không? Hắn nghi là có. Một trong những điểm quyến rũ ở Sarah là không bao giờ người ta biết được nàng biết những gì.Và làm thế nào ta có thể thú nhận rằng khi gọi con gái là Sophie ta chờ đợi một cô Mười-một-giờ-rưỡi nhỏ lớn dần lên theo năm tháng? Một người y hệt, chỉ có điều nhỏ hơn. Vậy mà Sophie chỉ giống mỗi chính nó, đây là điều quá thành công bởi dù mới lên năm, nó đã có cái gì đó nữ tính một cách sâu sắc, một nét ý nhị, một sự bí ẩn đang báo trước – hơn cả một bản phác thảo – người phụ nữ mà sau này nó sẽ trở thành.

– Adolf, em thực sự lo lắng đấy.

Sarah kéo riêng chồng ra một chỗ và dẫn Adolf về phía cuối cửa hiệu.

Sao vậy em yêu?

Tình hình chính trị. Anh biết là ở đây em nghe thấy mọi chuyện mà. Nhờ khách hàng của mình, nhữngngười từ Bộ chiến tranh ra mua hàng, em biết tin trước cả báo giới.

Thế thì sao?

Em nghĩ là sắp có chiến tranh.

***

Nhà Nâu, ngày 30 tháng Mười năm 1938, hai giờ ba mươi sáng: hiệp ước Munich cuối cùng cũng được kýkết. Không có mặt một đại diện nào của Tiệp, người ta vừa pha đất nước Tiệp Khắc thành nhiều mảnh để cho Hitler ăn. Mussolini, Chamberlain và Daladier – tức là Ý, Anh và Pháp – cúi xuống xem xét tử thi để xoa dịu cơn đói của con yêu tinh và chìa cho nó những miếng ngon nhất.

Tuy vậy Hitler vẫn tức điên người. Hắn muốn toàn bộ nước Tiệp Khắc cơ, kể cả phải trả giá bằng chiến tranh. Vậy mà người ta lại buộc hắn phải đàm phán.

Quay lại Berlin, cảnh hoan nghênh khải hoàn của dân chúng rốt cuộc càng làm hắn nổi cáu: sự hân hoan của người Đức cho thấy trên hết cái thở phào nhẹ nhõm vì đã tránh được phải đi quân dịch. Họ chào mừng Hitler, vị lãnh tụ theo xu hướng quốc gia, đã trả lại mảnh đất Sudètes cho họ, hẳn rồi, nhưng chủ yếu là chào mừng hắn với tư cách vị cứu tinh của hòa bình.

Vị cứu tinh của hòa bình, ý nghĩ mới lố bịch làm sao! Ta chỉ huy một bọn hèn nhát, mềm yếu, bọn phải gai mồng tơi. Chúng đã mang sẵn tâm thế bại trận.

Nỗi sợ chiến tranh… Những tháng gần đây, hắn vừa hiểu rằng ý nghĩ ấy là cái duy nhất đang ngự trị tâm trí mọi người, cả kẻ thù lẫn những thuộc cấp của hắn. Tránh xung đột vũ trang! Pháp và Anh đã vứt bỏ hiệp ước tương trợ Tiệp Khắc vì họ sợ chiến tranh. Mussolini đã van Hitler đừng đưa xe tăng vào Tiệp Khắc và chấp thuận hội nghị ở Munich vì ông ta sợ chiến tranh. Cánh tay phải của hắn, Gôring, và tất cả các tướng lĩnh của Đế chế, thích giải pháp ngoại giao hơn bởi họ sợ chiến tranh. Nhân dân Đức, nhân dân Anh, nhân dân Pháp và nhân dân Ý thở phào nhẹ nhõm chào đón lãnh đạo của họ bởi họ sợ chiến tranh. Nỗi sợ chiến tranh không phải là gót chân Asin

của các quốc gia mà là xương sống của họ!

Nhưng ta thì ta không sợ chiến tranh. Và ta muốn có nó, cuộc chiến này! Và ta sẽ làm điều ấy.

Hitler bảo người hầu chuẩn bị một bồn tắm đầy bọt. Chỉ khi ngâm mình thật lâu trong nước ấm, đầy xà phòng, dịu dàng từ mẫu, thơm mùi hoa violet, hắn mới cảm thấy được xoa dịu.

Tuyệt đối không để Eva Braun vào đây. Hãy để ta yên tĩnh!

Người hầu đi ra ngoài, Hitler cởi bỏ quần áo và dù không muốn, vẫn bắt gặp hình ảnh của mình đang trần truồng trong gương. Hắn mỉm cười. Đây, con người làm cả thế giới phải run sợ đây! Thật nực cười! Thế giới thật nực cười!

Hắn biến mất trong làn nước, dưới tác dụng của nước ấm, hắn có cảm giác tan thành nước và đang phồng mình ra theo kích thước của khoang bồn tắm tròn rộng mênh mông.

Hắn chưa bao giờ hiểu tại sao mình không có được một thân hình giống tâm hồn hắn, một thân hình mạnh khỏe, rắn chắc, cường tráng, vạm vỡ, sắt đá như ý chí của hắn, một thân hình lực sĩ Aryen như hắn đã cho đặt khắp nơi trong các công trình của Đế chế.

Hắn thò một chân khỏi mặt nước: không, rõ ràng, đùi hắn không tương xứng với tâm hồn hắn. Hắn lần mò dưới nước: cả cặp mông cũng không. Hắn nhìn đôi cánh tay mềm oặt, lợt lạt, từng nhúm thịt nhỏ rệu xuống trên khung xương khẳng khiu, thịt ở ngực chảy xệ như những con sên bò về phía nách nhão nhẹt, cái bụng nhão nhiều hơn là căng. Hắn tránh làm động tác gây thất vọng là kiểm tra hạ bộ của mình đang ngày càng teo đi dưới sức ép tâm lý, cái bộ phận mà Eva Braun thậm chí không còn được đến gần vì hắn chú trọng giữ toàn bộ năng lượng cho các dự định của mình. Hắn ngày càng căm ghét cái thể xác không giống với mình, không xứng với mình, và chắc chắn sẽ rời bỏ hắn trong thời gian không xa. Từ lâu rồi, mỗi khi nhìn thấy ở một góc phố, trên một tạp chí, trong một cuộc thăm viếng, cái thân thể thực sự của hắn, cái sắc đẹp vô song xứng với con người hắn lại đang chứa tâm hồn ngu ngốc của kẻ khác,hắn lại cảm thấy đau đớn. Những lúc ấy, có một mũi tên xuyên qua và đầu độc trái tim hắn. Phẫn chí. Bất công. Ghen tức. Hắn chỉ thoát khỏi những cảm giác ấy vào kỳ Thế vận hội Berlin năm 1936 khi các vận động viên Mỹ chiến thắng. Thoạt tiên hắn bị sốc vì một nước tự coi là cường quốc như Mỹ lại cử những người da đen đại diện cho mình, nhưng khi quan sát những nhà vô địch này, khách quan mà nói rất cân đối và cơ bắp cuồn cuộn này – dù là người da đen – và khách quan mà nói, cường tráng và xuất sắc, hắn kết luận chắc chắn là thân xác không phản ánh sự thật về tinh thần. Từ đó, hắn khinh bỉ mọi thân xác, của mình cũng như của người khác.

Chỉ có mỗi tâm hồn hắn là đẹp. Hắn yêu tâm hồn mình. Hắn chưa bao giờ biết đến cái gì hấp dẫn hơn thế. Thanh khiết, lý tưởng, không vụ lợi, khinh bỉ tiền tài và tiện

nghi vật chất, lúc nào cũng canh cánh việc làm thế nào để làm cuộc đời trở nên thanh cao hơn, đúng đắn hơn, vĩ đại hơn, lúc nào cũng đau đáu nghĩ về quyền lợi chung, tâm hồn đó tỏa ra ánh sáng chói lòa. Hitler chưa gặp ai ít quan tâm đến bản thân và quan tâm tới lợi ích chung nhiều như hắn. Tuy nhiên lợi ích chung không có nghĩa là của “người khác” – bởi “người khác” nhanh chóng làm hắn phát ngấy – mà là những nguyên tắc của xã hội và quốc gia. Hắn có một tâm hồn hào hiệp và khôn ngoan.

Hắn vặn thêm chút nước nóng để duy trì trạng thái ngây ngất.

Chamberlain sợ chiến tranh và muốn chiều lòng dân chúng, đối tượng mà ông ta cũng sợ. Daladier sợ chiến tranh và muốn chiều lòng dân chúng, đối tượng mà ông ta cũng sợ. Còn hắn, Hitler, hắn không sợ chiến tranh, hắn không muốn chiều lòng bất cứ ai. Thế nào là quyền lực tuyệt đối chứ? Làm mọi người sợ còn mình không sợ cái gì cả.

Hitler thở ra khoan khoái.

Từ nay, hắn sẽ không để ai cản bước mình trong cuộc chinh phục vì hắn có sự siêu việt bất khả chiến bại, đó là biết người khác suy nghĩ và hành động như thế nào mà lại không vận hành như họ.

Sẽ có chiến tranh. Chiến tranh khốc liệt.

Chướng ngại vật duy nhất lại đến từ người Đức. Họ muốn hòa bình. Người Đức chắc chắn không xứng vớitầm vóc của nước Đức. Như thân hình của Adolf Hitler không xứng với tâm hồn hắn. Giống hệt. Goebbels cần phải đẩy mạnh hơn nữa những cố gắng về mặt tuyên truyền. Hoặc nếu không làm thay đổi được cách nghĩ của dân chúng thì phải đặt họ trước sự đã rồi và kéo họvào cuộc dù có trong tâm thế miễn cưỡng đi nữa. Một khi đã rơi vào lô gích chiến đấu, họ sẽ không thể lùi bước được nữa. Các nhà lãnh đạo cần sự tán đồng của dân chúng trong thời bình; vào thời chiến, chính chiến tranh là kẻ ra lệnh.

***

Adolf H. đi tiễn các sinh viên của mình ở ga. Khi nhìn thấy họ mặc quân phục, cồng kềnh nào mũ, xà cột và súng tiểu liên, hắn hiểu rằng mình sẽ mất họ vĩnh viễn. Ngay cả khi cuộc động viên không kéo dài, ngay cả khi Học viện độc lập sẽ sớm mở cửa lại và trong ba tháng nữa sẽ đón tiếp những người thanh niên này mặc quần áo dân sự, đứng sau giá vẽ, thì họ cũng sẽ không bao giờ giống như trước nữa. Chỉ nội việc họ hăng hái lên đường ra mặt trận Ba Lan đã đủ làm hỏng họ rồi. Sau đó là những kinh nghiệm trận mạc, sự kề cận với tử thần trong nhiều giờ, bị gặm nhấm bởi nỗi sợ hãi, những vết thương, những cái chết. Adolf đã sống qua tất cả những thứ ấy vào thời của mình. Chiến tranh đã từng biến hắn thành người họa sĩ ngày xưa trong những năm hai mươi-ba mươi, yêu hòa bình, tham lam, mất trí, thèm khát cái mới. Dù hắn đã từng căm ghét chiến tranh, nhưng nó đã làm nhiều điều cho hắn cũng ngang với những gì hắn làm cho nó.

Ngay cả Heinrich, học trò cưng của hắn, giống như một thiên thần bị Raphal bỏ quên ở cõi trần, cũng đã mặc quân phục màu xanh xám, cắt tóc ngắn và ngập tràn niềm vui được sống trong kỷ luật.

Đả đảo hiệp ước Versailles! Beck là tên khốn nạn! Nước Đức muôn năm! Hãy trả lại cho nước Đức những vùng đất bị bọn Ba Lan tiếm đoạt.

Từ đầu những năm ba mươi, nền Cộng hòa đã nhường chỗ cho một chế độ độc tài thiên hữu. Anh bạnNeumann, vẫn về phe đỏ, chửi bới chính phủ mà anh cho là phát xít; nhưng Adolf biết rằng tín điều xấu xacủa đám Bôn sê vich đã đẩy bạn mình đến chỗ bôi xấu đối thủ. Chính quyền thiên hữu ở Đức, dù có dựa trên quân đội, vẫn không có điểm gì giống với chế độ của Mussolini. Độc tài nhưng không toàn trị, bảo thủ và không mang tính cách mạng, dựa trên giới tinh hoa cũ chứ không phải trên lực lượng quần chúng, chế độ ấy biết tận dụng cuộc khủng hoảng kinh tế để lên nắm quyền và khai thác tinh thần quốc gia chủ nghĩa để giữ vị trí. Sau khi bãi bỏ nhiều điều khoản trong hiệp ước đình chiến, lấy lại vùng thung lũng sông Rhine và lấy được quyền tái vũ trang, giờ đây, nước Đức lên án tấm bản đồ được vẽ lại vào năm 1918 ở Versailles. Cả nước Đức lên tiếng đòi lại những vùng đất và dân cư xưa kia vốn thuộc về Đế chế Bismarck đã được trao quá tự tiện và hấp tấp cho Ba Lan.

Đòi lại! Cái gì của người Đức phải trả cho người Đức!

Chế độ này không có ý định dòm ngó nước Áo, đối tác kinh tế hàng đầu của Đức, cũng như Tiệp Khắc; Đức chỉ đòi lại những vùng lãnh thổ được các nước chiến thắng giao cho Ba Lan.

Ba Lan, dưới quyền tổng thống Beck, không tìm được ai che chở cho mình. Cả Anh và Pháp đều không sẵn sàng cho một cuộc chiến vì vùng lãnh thổ đang tranh chấp này; và Nga thì càng không vì chính nước này cũng muốn lấy lại đất đai ở Ba Lan. Một vài đại sứ, để lẩn tránh vấn đề, thậm chí còn nói đến quyền tự quyết của các dân tộc vùng đó. Vì thế, chế độ đương quyền ở Đức hiểu rằng họ có thể tấn công Ba Lan giữa sự thờ ơ của các nước khác, gần như một việc chính đáng, mà không sợ làm dấy lên một cuộc chiến ở châu Âu.

Người Ba Lan sẽ tự vệ một cách mạnh mẽ.

Đành rằng họ dũng cảm và tinh nhuệ nhưng xét trên bình diện quân số, nước Đức sẽ chiến thắng.

“Trên bình diện quân số… Adolf nghĩ. Ta hy vọng trong số những người ngã xuống không có ai là sinh viên của ta. Và nhất không phải là Heinrich.”

Đoàn tàu đã khởi hành đưa đi người thanh niên, không có người thân nào ở Berlin, đang vẫy tay chào người thầy giáo già của mình.

“Lạy Chúa, xin Người đừng cướp nó đi. Đừng cướp đi người tài năng nhất. Người đã để vuột mất Bernstein. Đừng làm như thế một lần nữa.”

****

Sinh nhật lần thứ năm mươi của Hitler.

Các hoạt động chào mừng diễn ra một cách xa hoa và phô trương.

Hitler dẫn đầu một đoàn năm mươi chiếc Limousine đến khánh thành trục giao thông mới Đông-Tây chia Berlin làm hai, bảy ki lô mét đường trải nhựa bóng như sáp, bảy ki lô mét cờ xí quốc xã được chiếu rọi bởi hàng nghìn cây đuốc, bảy ki lô mét đám đông say mê lãnh tụ, bị hàng dây bảo vệ cản lại.

Camera di động trên ray và cáp, như vệ tinh quanh mặt trời, ghi lại những phút giây lịch sử khi quay phim Adolf Hitler.

Dinh quốc trưởng, quà tặng chất đống: nào là tượng khỏa thân bằng đá hoa cương trắng, tượng đồng, đồ sứ vùng Meissen, nào là tranh sơn dầu, thảm, tiền hiếm, nào là vũ khí cổ, gối đệm thêu. Hitler đi giữa đống quà, để mắt tới vài món, buông lời mỉa mai trước một số món khác, lờ đi phần lớn trong số chúng, tỏ ra hững hờ một cách độc đoán cốt chỉ để tỏ ra mình là Quốc trưởng.

Buổi tối, Albert Speer tặng hắn bản ma két của Khải hoàn môn thu nhỏ bằng thạch cao và gỗ cao bốn mét. Nhiều lần trong đêm, Hitler rời phòng ngủ để lại được xúc động trước công trình minh chứng cho sự vĩ đại của hắn trong những thế kỷ tới.

Ngày hôm sau, trong lễ diễu binh, hắn làm mọi người sững sờ khi đứng năm tiếng liền, không mệt mỏi, tay giơ thẳng, cứng đờ, tập trung, điềm tĩnh như thể một bức tượng của chính mình. Hắn quyết định làm cuộc biểu dương lực lượng vĩ đại nhất để cho các cường quốc phương Tây biết điều gì chờ đợi họ nếu cản đường nước Đức. Đương nhiên, ghế dành cho đại sứ của Pháp, Anh, Mỹ và Ba Lan không có người ngồi, nhưng nào có quan trọng gì! Mười nghìn thước phim đã ghi lại sự kiện và sẽ được phát đi nhanh chóng trong các rạp chiếu bóng trên toàn thế giới.

Hắn biết rằng về mặt quân sự, Đức chưa sẵn sàng cho một cuộc chiến nhưng đã sẵn sàng hơn các nước khác. Hắn tiếp tục tăng cường tái vũ trang và vì cương quyết muốn sáp nhập Ba Lan vào Đức càng nhanh càng tốt nên hắn đã chấp nhận thương thuyết với lãnh tụ cộng sản Stalin.

Mùa hè năm đó, điều tưởng như khó xảy ra đã trở thành sự thực.

Hitler và Stalin, hai kẻ thù không đội trời chung về mặt ý thức hệ hơn là về mặt phương pháp, đã ký hiệp ước bất tương xâm Đức-Xô qua trung gian là hai đại diện, hai vị bộ trưởng Ribbentrop và Molotov.

Tại Berlin, Hitler cho nổ sâm banh ăn mừng. Hắn đập đen đét vào đầu gối như thể vừa diễn một trò vui.

– Bọn Pháp và Anh không tin được vào chuyện này, hắn cười rú lên. Cả các tướng lĩnh của ta nữa!

Ngày 1 tháng Chín, vào bốn giờ bốn mươi lăm sáng, hắn ra lệnh cho quân đội tấn công Ba Lan.

Pháp và Anh mất hai ngày mới hiểu ra rằng Hitler sẽ đi đến cùng trong công cuộc

chinh phục thế giới của mình. Ngày 3 tháng Chín, mười một giờ, qua sóng BBC, Chamberlain tuyên chiến với Đức. Mười bảy giờ, Daladier, gần như lùi bước, làm động thái tương tự ở Paris.

Chiều hôm ấy, Hitler, đứng trên sân thượng ở Berchtesgaden, chiêm ngưỡng những ngọn núi. Thiênnhiên đang mở hội bằng cách tặng cho hắn một cảnh tượng mê hồn: ánh rạng đông vào buổi hoàng hôn. Mộtngôi sao băng màu hồng, chói lọi, sáng rực nhuộm lên rừng cây đen như tảo một ánh màu ửng đỏ trong khi bầu trời bày ra tất cả các sắc độ khác nhau của cầu vồng.

Hitler và các thuộc cấp bị hớp hồn bởi cảnh tượng ấy, không nói lên lời. Khuôn mặt và bàn tay của họ đã mang một sắc màu phi thực. Cả vũ trụ dường như đang rơi vào một cơn mơ. Ngay cả sự im lặng tỏa ra từ rừng cây cũng mang vị Wagner.

Hiện tượng ấy diễn ra trong vòng một giờ đồng hồ. Các lãnh đạo quốc xã cao cấp trở về trạng thái trẻ thơ. Vừa chiêm ngưỡng bầu trời vần vũ những luồng sáng xé toang, họ nhìn thấy lãnh tụ của mình như bức tượng ở mũi tàu đang đứng ở ban công như một nhà phù thủy cao tay biết hô phong hoán vũ.

Khi màn đêm khép kín bầu trời, Hitler quay lại phía họ và thì thầm:

Lần này máu sẽ đổ nhiều đây.

***

Phải có chiến tranh thì chúng ta mới tìm lại được nhau ư?

Sarah vừa nói vừa tuột khỏi giường để vào phòng tắm. Adolf H. nghe tiếng nước chảy ào ào vào bồn tắm và tiếng ống nước khọt khọt. Có phải cái ống nước nổi giận khi người ta đòi hỏi nó hơn mức bình thường một chút?

Chưa gì mùi thơm của sung và thông bá hương trắng đã lan tỏa khắp căn phòng và lan đến tận giường.

Anh có thể tắm với em được không? Adolf hỏi.

Em đang đợi anh.

“Phải có chiến tranh thì chúng ta mới tìm lại được nhau ư?” Nàng biết gì? Nàng vừa ám chỉ điều gì? Chỉ bởi vì Adolf ngày càng có nhu cầu kéo vợ khỏi cửa hàng để đi uống cà phê, ăn nhà hàng, đến nhà hát và đặc biệt là để bên nhau hàng giờ, trần truồng trên giường, để tranh luận và chỉ tạm ngừng để làm tình? Hay nàng cũng đã phát hiện ra rằng…

Hắn bước vào căn phòng trên tường treo kín đồ sành đến từ Ma rốc. Hắn đứng thẳng trước gương và quan sát mình từ dưới lên trên.

Anh yêu em chứ? Sarah vừa hỏi vừa cười.

Có. Được rồi. Thân xác anh luôn để làm một cái gì đó. Nhất là để sướng. Có thể chính vì thế mà anh đỡ xấu trai hơn nhiều người đàn ông ở tuổi năm mươi.

Có thể. Dù gì thì em cũng yêu anh.

Chắc là như thế. Anh già mà vẫn phong độ vì anh già đi trong mắt em.

Hắn bước vào bồn tắm đầy bọt xà phòng và hét lên đau đớn; Sarah rất thích nước nóng đến độ mà hắn không thể chịu được. Hắn đứng nguyên đó, trơ trẽn, dâng hiến, và mỉm cười nhìn nàng.

Nàng có lý. Từ khi những người trai trẻ ngã xuống trên chiến trường Ba Lan, hắn đã thay đổi. Hắn cảm thấy buồn và thèm khát.

Buồn khi nghĩ đến những sinh mệnh bị đốn phạt vì quốc gia, cái giá trị không có chút giá trị này là nguồn gốc của mọi cuộc chém giết. Nhưng đồng thời hắn cũng thèm khát bởi trên ke ga, nơi hắn chứng kiến cảnh những sinh viên ra đi, hắn thấy mình phải sống, sống gấp, sống mãnh liệt để không bỏ lỡ điều gì. Hắn trở nên ích kỷ và quyến rũ. Để cảm thấy hạnh phúc, hắn cần những người khác phải hạnh phúc. Một cái gì đó trong cái triết lý vị tha trước kia của hắn đã tan biến, cái phần chán chường, cái phần suy sụp, cái phần làm cho hắn quan tâm đến thế giới nói chung mà không phải là quan tâm đến lợi ích riêng của hắn.

Lúc nãy em nói gì hả Sarah?

Cần phải có một cuộc chiến để ta tìm lại được nhau. Em có cảm giác anh sống động hơn trước.

Đúng vậy. Đáng lẽ anh phải xấu hổ, có lẽ vậy phải không?

Có lẽ vậy. Nhưng không quan trọng. Em vui sướng vì điều ấy. Em đã biết là một ngày nào đó anh sẽ thoát khỏi bóng ma ám anh nhưng em không biết là khi nào.

Bóng ma ám anh?

Mười-một-giờ-rưỡi. Anh đã dành cho cô ấy một chỗ trong anh lớn hơn cả khi cô ấy còn sống.

Nàng mỉm cười khi nói điều ấy, nàng nghịch những đám bọt xà phòng, để chúng bám lấy kẽ tay, nàng không trách gì hắn cả.

Một làn sóng hạnh phúc tràn qua hắn. Giờ đây, sức nóng của nước không còn quan trọng nữa, hắn trườnvào nước và kéo thân hình ướt đẫm và êm ái của Sarah vào mình.

Anh rất may mắn với những người phụ nữ của đời anh.

Cảm ơn vì chữ “những”, nàng thì thầm, giọng nghẹn ngào xúc động.

Khi nào anh cho em xem tranh của anh đây?

Gì cơ? Em đã biết rồi à?

Ra thế, nàng đã biết rồi! Làm thế nào mà nàng biết được hắn lại bắt đầu vẽ vào tất cả các buổi chiều, trong phòng học vắng vẻ ở trường Mỹ thuật?

Một hồi còi báo động vang lên, xé rách không khí bằng thứ tiếng động chói tai, hãi hùng của nó. Adolf và Sarah cứng đờ, người căng lên nghe ngóng. Tất cả hệ thống báo động của Berlin ù ù trên các mái nhà.

Điều đó có nghĩa gì?

***

Hitler vừa bị ám sát hụt bởi tay bản sao của mình.

Hắn ngạc nhiên nhiều hơn là sợ hãi. Một sự ngạc nhiên câm nín và đau đớn. Bởi người muốn giết hắn ở Munich không có gì giống với tưởng tượng của Hitler về những kẻ thù của hắn; đúng hơn, hắn nhìn thấy ở đó hình ảnh phản chiếu của mình trong gương.

Một người Đức, một người Đức chính cống, không phải Do Thái, không phải Séc, không phải Digan, không phải Ba Lan, một người lao động quả cảm người Đức, ba mươi lăm tuổi, Georg Elser, một mình, không có sự hỗ trợ của bất cứ đảng phái nào, đã quyết định loại bỏ Hitler, Gôring và Goebbels, ba con quái vật mà anh ta cho là đã kéo nước Đức đến chỗ diệt vong. Anh ta cho rằng, từ năm 1933, mức sống của giai cấp công nhân đã sụt giảm, rằng chế độ quốc xã đã làm tổn hại đến tự do nghiệp đoàn, tự do trong gia đình, tự do cá nhân và tín ngưỡng. Kể từ nghị định ra ngày 4 tháng Chín quy định nền kinh tế thời chiến, mức thuế thì tăng lên, tiền công cho các giờ làm thêm thì giảm đi, người lao động phảilàm tới cả ngày cuối tuần, tiền lương không được trả, cảnh sát thâm nhập vào các nhà máy để dọa đưa những người chống đối vào trại lao dịch. Elser đã từ chối sự lãnh đạo mà đảng Quốc xã đã áp đặt lên đất nước này, từ khi hiệp ước Munich được ký kết, anh biết rằng không gì có thể ngăn cản lòng hiếu chiến sôi sục ở đây, rằng khủng bố sẽ thống trị cho đến tận ngày tận thế và do đó, anh ta quyết định cứu nước Đức bằng những phương tiện hạn hẹp của mình.

Là thợ mộc ở vùng Wurtemberg, anh ta đến Munich, biết rằng hàng năm Hitler sẽ đến đó cùng các quan chức cao cấp của chế độ, đọc diễn văn kỷ niệm vụ đảo chính ngày 8 tháng Mười một năm 1923 và các nạn nhân của sự kiện này. Theo thông lệ, lễ kỷ niệm diễn ra trong nhà hàng bia Bürgerbru. Anh ta đã quyết định cài một quả bom nổ chậm vào cái cột gỗ phía sau khán đài.

Elser xin vào làm trong một nhà máy sản xuất vũ khí để ăn cắp chất nổ, rồi vào làm ở một mỏ đá để lấy thuốc nổ. Với các hiểu biết sơ đẳng về sửa chữa đồng hồ, anh ta đã tự làm phần cơ của quả bom và thử vài quả ở cuối vườn nhà bố mẹ mình. Sau đó, anh ta đã lén lút đến nhà hàng bia ba mươi đêm liền để khoét một cái lỗ trong cột gỗ. Ngày 7 tháng 11, trước hôm Hitler phát biểu, anh ta gài quả bom nổ chậm, chỉnh giờ nổ là hai mươi mốt giờ hai mươi phút rồi lên đường đi Thụy Sĩ.

Hitler thường diễn thuyết từ hai mươi giờ ba mươi đến hai mươi hai giờ. Nhưng tối hôm đó, do bận bịu với chiến trường phía Đông cũng như phía Tây, Hitler không có lòng dạ nào để kỷ niệm nữa và đã ngừng nói vào hai mươi mốt giờ để lên tàu về Berlin.

Vào hai mươi mốt giờ hai mươi, quả bom phát nổ làm tám người chết và sáu mươi người bị thương, gồmnhững người cuồng nhiệt ở lại uống bia và thao thao bất tuyệt cùng nhau, nhưng quả bom đã không đụng chạm đến Hitler và những viên chức cao

cấp của chế độ quốcxã.

Bị bắt ở trạm hải quan gần Constance vì đã tìm cách vượt biên trái phép, Georg Elser bị lục soát người và nhanh chóng thú nhận âm mưu ám sát của mình.

Đó là một con người bé nhỏ, mắt sáng, tóc nâu và lượn sóng, bộ ria được cắt tỉa, một người điềm tĩnh, dè dặt, tỉ mẩn trong công việc, anh ta giải thích hành động của mình bằng lý do đạo lý. Đó là một người con của dân tộc như Hitler. Là một người Đức nghĩ về nước Đức trên hết như Hitler. Một người Aryen như Hitler.

Quốc trưởng phủ nhận lẽ hiển nhiên này. Gestapo đã được lệnh tìm kiếm trong vụ việc mọi liên hệ với người Anh, người Pháp hay người Nga, rồi những âm mưu có thể có với các tướng lĩnh hay quý tộc Đức. Không có mối liên hệ nào. Elser đã hành động một mình. Hoàn toàn ý thức được việc mình làm. Điều này không lọt ra ngoài và người ta chỉ được nghe những thông tin chính thống, được soạn ra ngay buổi tối hôm đó, rằng mật vụ Anh là tác giả của vụ ám sát bẩn thỉu này.

Điều đáng ngạc nhiên là Hitler từ chối cho hành quyết Georg Elser. Hắn chỉ cho bỏ tù anh ta. Trên thực tế, hắn mơ được gặp kẻ âm mưu giết mình. Được nói chuyện với anh ta một buổi chiều. Hiện tại, do tình hình chiến trường phía Đông và phía Tây bận bịu, hắn không có thời gian nhưng sẽ để dành sự sung sướng này về sau. Đúng vậy, hắn giữ anh ta được sống, từ chối mọi ý kiến phản đối hay lời khuyên của những người thân tín. Đúng, hắn đợi chiến tranh kết thúc. Trên thực tế, hắn mong muốn thuyết phục được kẻ âm mưu ám sát mình rằng anh ta đã lầm. Hắn thậm chí còn lên kế hoạch hòng khiến anh ta quay lại yêu quý hắn. Dù gì, anh chàng Elser này chính là nước Đức, nước Đức đang lo lắng, nước Đức chưa sẵn sàng, nước Đức không thấu hiểu. Hắn sẽ thuyết phục cả anh ta và nước Đức. Và người ta không đời nào lại giết nước Đức cả.

Nỗi đau đã nguôi, Hitler thoát khỏi vụ ám sát càng vững vàng hơn. Một lần nữa, Định mệnh đã che chở cho hắn. Bằng sự ủng hộ đặc biệt này, Định mệnh làm cho hắn hiểu rằng hắn đúng và hắn phải đi đến tận cùng sứ mệnh của mình. Điều này ngay lập tức được nhà chiêm tinh của hắn khẳng định vào ngày hôm sau; sự bố trí của các hành tinh đã làm thành một lá chắn bất khả chiến bại với hắn trong bốn năm tới; không một viên đạn, không một quả bom hay quả đạn pháo nào có thể sát thương hắn. Hắn được các vì sao bảo vệ. Nhưng để cẩn thận, hắn vẫn yêu cầu Gôring tăng cường gấp đôi lính gác và nói với Goebbels rằng hắn từ chối mọi cuộc xuất hiện chỗ đông người hay đọc diễn văn trước công chúng.

Elser đã cứu mạng hắn…

***

Một cuộc chiến chớp nhoáng. Một chiến thắng.

Hắn đã gặp lại Heinrich trên ke ga như một người cha gặp lại con trai mình. Khi ôm Heinrich, hắn nhận ra rằng tình cảm giữa họ đã lớn lên qua suốt thời gian cuộc

chiến chia cách họ. Họ có biết bao điều để kể cho nhau, người nói về kinh nghiệm vừa trải qua trên chiến trường, người nói về việc mình đã quay lại cầm cọ. Sau khi hiểm nguy – tức là khả năng không còn được gặp lại nhau nữa – đã qua đi thì dường như với họ, việc thể hiện tình cảm, bộc lộ cảm xúc là chuyện bình thường và kể từ đó, haingười đàn ông vốn hay e thẹn đã có thói quen làm việc này.

Ba Lan đã trả lại các vùng lãnh thổ tranh chấp. Nước Đức đã tìm lại được biên giới của mình như thời Bismarck, đường ranh giới trước khi bị sỉ nhục. Cái giá phải trả cho điều này là ba tháng lửa đạn, gần mười nghìn người chết, nhưng nó cũng mang lại cho nước Đức một niềm tự hào mới, một niềm tự hào trọn vẹn, không giống chút nào với sự hung hăng trước đấy.

Thầy sẽ thấy, Heinrich nói với Adolf, chính phủ sẽ bắt đầu bằng việc tận dụng thắng lợi của mình nhưng chẳng bao lâu sẽ buộc phải xuống nước và nhượng bộ. Chiến thắng này là lý do của chế độ độc tài này, là đỉnh cao nhất của nó, chính nó sẽ rung lên hồi chuông báo tử cho chế độ.

Sarah đã dành cho Hitler căn nhà phụ, lợp kính, ở phía sau cửa hàng để hắn làm xưởng vẽ. Ngoài các giờ dạy ở Học viện độc lập, hắn ở cửa hàng ”Lạc viên” để nối lại con đường hội họa trong khi cách đó một bức vách, Sarah tiếp tục các thử nghiệm để sáng tạo những loại nước hoa mới nhờ pha trộn các hương liệu khác nhau.

Heinrich thường xuyên đến thăm thầy. Anh chăm chú ngắm nhìn loạt tranh mới của thầy, những bố cục đỏng đảnh và quằn quại mang tên những hương liệu tỏa sang từ xưởng bào chế của Sarah như Rêu, Nhựa hương, Quế hoa, Mộc qua, Lục bạc hà, Cỏ khô mùa thu. Anh ngưỡng mộ những sáng tác của Adolf, khả năng ông kết hợp một con hươu cao cổ với một cái chân nến, đổ lửa vào đại dương hay tái tạo hình dáng giải phẫu học của con người từ những chiếc lá và những bông hoa mang màu sắc không tưởng.

Thầy đã làm thế nào vậy?

Thầy mơ. Thầy không còn suy nghĩ theo lô gích nữa. Thầy để mặc mình tưởng tượng. Hơn nữa, nước hoa là một con thuyền lý tưởng cho chuyến du hành siêu thực. Ngược lại, một khi đề tài bức tranh đã hình thành xong trong cơn mê sảng, thầy bắt tay vào làm việc và vẽ tỉ mỉ như Ingres(38).

Tuy nhiên, Adolf để Heinrich đến xưởng của mình và chịu nói chuyện với anh về các tác phẩm đang sáng tác, chủ yếu là để chàng sinh viên làm việc, bởi nếu hắn luôn tự coi mình là một họa sĩ tồi thì hắn lại thấy trong Heinrich những tố chất của một họa sĩ đại tài.

Heinrich nắm được mọi thứ. Anh nhào trộn chúng thành thứ tinh hoa của mình. Anh làm Adolf nhớ lại tay họa sĩ khủng khiếp Picasso, người tài năng nhất trong số họa sĩ Adolf quen ở Paris, và do đó là kẻ đáng ghét nhất. Trong những năm hai mươi, không họa sĩ nào chịu để Picasso đến xưởng vẽ của mình vì biết rằng vào tuần sau,

Picasso sẽ làm được ngay từ lần múa bút đầu tiên bức tranh mà anh kia đã phải bỏ ra hàng tháng trời để đạt đến mức đó.

Không có gì đáng xúc động hơn là được chứng kiến một thiên tài ra đời, một hôm hắn nói với Sarah như vậy. Nếu không yêu quý cậu ấy, anh sẽ căm thù cậu. Cậu ấy khám phá bí quyết thành công của các thiên tài như người ta mở một gói kẹo. Sau ba ngày, cậu ấy đã tường tận đến phát chán một kỹ thuật mà những người như chúng ta, những kẻ người trần mắt thịt đáng thương, phải hàng năm trời lao động. Cậu ấy ngông nghênh chinh phục tất cả, vậy mà điều ấy không cướp đi niềm vui được vẽ của anh. Ngược lại là khác.

Cậu ấy tôn sùng anh đấy, anh biết không?

Ấy là quyền được sai lầm của cậu ấy.

Cậu ấy quả quyết rằng trong mắt cậu ấy, không họa sĩ nào bằng được anh.

Cậu ấy nói vậy vì đã hình dung đến việc cậu ấy sẽ vượt qua anh như thế nào, cậu ấy sẽ làm được những cái mà anh thất bại như thế nào. Cậu ấy nghĩ rằng mình ngưỡng mộ anh trong khi với anh, chỉ đơn giản là cậu ấy đang lấy đà.

Adolf vuốt ve mái tóc ba màu của Sarah. Hắn nói thêm khi cọ mũi vào cổ vợ:

Anh thích điều ấy. Niềm tự hào lớn nhất của anh với tư cách người nghệ sĩ là đã gặp cậu ấy trên con đường của mình. Cậu ấy sẽ là tấm giấy thông hành của anh trong hậu thế.

Anh cứ nói quá thế.

Cậu ấy sẽ là nghệ sĩ lớn, em biết mà!

Hắn xoắn lấy Sarah và bắt đầu nắn bóp bầu vú nở nang và êm ái của nàng.

Ôi, anh thì anh quyết tâm sống và quyết tâm hạnh phúc. Thế là đủ lắm rồi. Anh không muốn có tiếng tăm gì cả.

***

Một chiếc máy bay nhỏ đáp xuống sân bay Bourget. Lúc ấy là năm giờ ba mươi sáng. Quang cảnh nhợt nhạt, im ắng, say ngủ, và chưa hết nhàu nhĩ. Những hạt sương đâu đấy còn vương giá.

Bấy giờ là mùa hè.

Nước Pháp buông xuôi cho người ta hái như hái một bông hoa bên đường. Chiến thắng dễ dàng đến mức chính Hitler cũng cảm thấy bất ngờ. Tuy vậy hắn vẫn muốn coi thắng lợi của chiến dịch mà hắn đã đề ra phương án tác chiến cùng tướng Guderian là của mình.

Ta đã được giúp sức rất nhiều nhờ một quyển sách mà ta đã đọc nhiều lần, phải, phải, quyển sách của một tay đại tá de Gaulle nào đó tên là Hướng tới một quân đội chuyên nghiệp, một quyển sách đã dạy ta rất nhiều về khả năng các đội quân có thể được cơ giới hóa hoàn toàn trong chiến tranh hiện đại.

Hitler xuống máy bay, theo sau là một vài họa sĩ Đức trong đó có Albert Speer,

kiến trúc sư của hắn. Ba chiếc Mercedes đen đợi sẵn để đưa họ về Paris.

Tim Hitler đập rộn rã. Hắn xúc động như một thiếu nữ lần đầu tiên được tham dự dạ hội. Từ hồi còn thanh niên, hắn đã mơ đến Paris, thành phố mà hắn đã nghiên cứu kiến trúc, quy hoạch, nơi hắn chưa bao giờ được đặt chân đến. Sáng hôm ấy, cuối cùng hắn cũng sắp được khám phá Paris. Và hơn thế nữa, Paris thuộc về hắn. Một chuyến viếng thăm kỳ lạ của chồng chưa cưới với vợ chưa cưới trong khi nàng còn mơ màng giấc điệp. Cứ như thể đó là điều không chính đáng. Cứ như thể người đàn ông không chắc mình sẽ làm vừa lòng mỹ nhân. Cứ như thể anh ta cần phải bước nhón chân mà tán tỉnh.

Trước tiên, hắn đi qua vùng ngoại ô thành phố, những bản nháp làm người ta chán nản trước khi được nhìn thấy kiệt tác. Cuối cùng, đột nhiên, Paris hiện ra, Paris đầy áp đặt. Những mặt tiền cao ngất cười nhạo, mỉa mai, nuốt chửng ba chiếc Mercedes. Hitler choáng ngợp bởi thứ ánh sáng phản chiếu từ những mái nhà lợp tôn màu ghi xấc xược và những viên đá màu be của các ngôi nhà.

Trước cửa nhà hát Opera, đại tá Speidel đang nhong nhóng đợi. Người ta đã dựng ông gác cổng già người Alsace biết nói tiếng Đức khỏi giường để ông ta đưa Hitler đi thăm nhà hát.

Nhưng Hitler ra hiệu cho ông ta không cần nói gì. Hắn thuộc lòng sơ đồ nhà hát bởi đã nghiên cứu nó biết bao lần, hắn thậm chí diễn vai người hướng dẫn tham quan cho đoàn tùy tùng của mình; hắn chỉ nói với ông già vài câu để kiểm tra lại ngày tháng hay một sự thay đổi; còn ông già, hiểu mình đang đối diện với ai, cố gắng che giấu sự chán ghét của mình bằng cách giữ lịch sự, tránh không nói năng gì cả.

Hitler trở nên hào hứng.

Đây là một giấc mơ bằng đá, như một bản giao hưởng là một giấc mơ của âm thanh. Ta đánh giá âm nhạc và kiến trúc là hai môn nghệ thuật cao hơn tất cả. Bởi chỉ có chúng mới có thể mạnh mẽ thiết lập một trật tự thượng đẳng trong dòng chảy hỗn loạn của vạn vật. Kiến trúc sư lập nên trật tự của vật chất, nhạc sĩ lập nên trật tự của âm thanh; cả hai đều tổ chức được sự hài hòa và kết hợp các yếu tố thô mộc với thi vị của tinh thần.

Hắn sôi sục vì hứng khởi khi đứng trước mặt tiền, khi nhìn thấy cái cầu thang lớn đáng giá đưa đến mọi cuộc biểu diễn ở đây, mê mẩn vì tuy thế, bức tượng nào, bức tranh nào cũng ăn nhập vào một ý tưởng chung tạo nên sự hài hòa.

Các vị không hiểu đâu, Garnier đã làm được cái mà không ai có thể làm được bởi nhà hát Opera Paris là tác phẩm của một người duy nhất! Ông ta đã biết sử dụng mọi nghệ sĩ của thời đại mình bằng cách đưa họ vào trong thiết kế của mình. Một tư tưởng xuyên suốt, bao trùm mọi phát triển đỉnh cao của các cá nhân riêng lẻ. Đẹp như chính trị.

Hắn ngoảnh lại, ngước mắt nhìn những phần nhô ra, những bức tượng và chi tiết

đắp nổi quấn lấy nhau:

Anh thấy không Speer, tất cả các chi tiết đều đẹp đẽ nhưng chỉ có hiệu quả chung là quan trọng. Rừng bao giờ cũng che mất cây. Đó chính là một xã hội hoàn hảo. Nếu một ngày nào đó ta giảng môn triết học chính trị, ta sẽ đưa các sinh viên đến đây nghiên cứu tuyệt tác này.

Hắn thực sự xúc động trước sự kết hợp của màu sắc trên thực tế mà không có bản vẽ nào trong số những cái hắn đã xem trước đó làm hắn cảm nhận được như thế. Hắn ca ngợi Garnier đã bỏ màu ghi bột mì để làm nổi bật màu của đá, làm cho chúng giống như một dàn nhạc; màu đá hoa cương đỏ vùng Mouzère là kèn trompét, đá xanh Thụy Điển là kèn ôboa, đá pofia là kèn fagô và tất cả các tấm đá hoa cương, vẩn đục, nhiều hình vẻ và lẫn lộn tạo thành bản giao hưởng của bộ dây, đá hoa vàng vân trắng là vĩ cầm, hoa đào màu da là đàn antô, hoa đào tím mạch đen là viôlông xen.

Speer thân mến, anh có biết là từ bao giờ người ta không xây dựng được các nhà thờ đẹp nữa không?

Không, thưa Quốc trưởng.

Từ thời Phục Hưng! Từ khi người ta xây những nhà hát Opera đầu tiên! Về mặt lịch sử, nhà hát Opera thế chỗ cho các nhà thờ khi đưa ra những nghi thức phi tôn giáo, nghi thức của sự hài hòa, cảm xúc và ý tưởng về vẻ đẹp của vũ trụ. Về phần mình, ta sẽ làm tất cả để đẩy nhanh sự tiến bộ của nhân loại và nhanh chóng đưa chúng ta vào một thế giới không còn nhà thờ Thiên chúa, giáo đường Tin lành hay thánh đường Do Thái, thay vào đó sẽ toàn là những nhà hát Opera.

Cuối chuyến thăm, quá hài lòng về những lời bình luận của mình, hắn nhất quyết muốn cho ông gác cổng năm mươi mác tiền boa. Ông này từ chối cương quyết đến mức suýt xảy ra một rắc rối về mặt ngoại giao. Ông ta không bị bắt giữ nhờ lời khẳng định rằng mình chỉ làm đúng bổn phận nên không dám nhận tiền.

Ba chiếc Mercedes lại lên đường trong lòng Paris, thành phố đang mắt nhắm mắt mở với những cánh cửa sắt vừa được kéo lên chút ít, những người lao công đứng đầy trên vỉa hè vắng vẻ, những người bán bánh đang kéo một hơi thuốc, mơ màng đợi mẻ bánh chín.

Đoàn xe đi ngang qua nhà thờ thánh Madeleine, công trình làm thỏa mãn sở thích đồ cổ của Hitler, rồi đi vào đại lộ Champs-Elysées kích cỡ có vẻ nhỏ hơn so với trục giao thông Đông-Tây mới ở Berlin, rồi qua Khải hoàn môn nơi hắn lại thảo luận với Speer về Khải hoàn môn của chính hắn.

Cuối cùng, sau một lúc dừng chân đầy tò mò trước tháp Eiffel, Hitler đến thăm Điện Invalides để viếng lăng mộ của Napoléon.

Ở đó, cảm xúc của hắn mạnh đến mức nó vang lên trong hắn như một linh tính. Một ngày nào đó, hắn,Adolf Hitler, cũng sẽ có một đền thờ lạnh lùng bằng đá với quy mô đồ sộ giống như Napoléon, một lăng mộ khổng lồ mà đứng trước nó người ta phải

im lặng, cảm thấy bị chinh phục, cảm thấy mình nhỏ bé, thẫn thờ trước sự vĩ đại không gì chối cãi được. Một người đảo Corse nhỏ bé và một người Áo nhỏ bé! Kỳ lạ không! Những vĩ nhân của các cường quốc lại toàn có xuất thân tầm thường ở những phần lãnh thổ chư hầu nhỏ bé. Napoléon, người sánh ngang với hắn, hắn thậm chí tha thứ cho ông ta cái tội là người Pháp. Trước lăng mộ của Hoàng đế, Hitler sung sướng vì sự tôn thờ dành cho chính mình, hắn tưởng tượng tới hiệu ứng mà mình gây ra cho những người khách thăm tầm thường đến từ khắp nơi trên thế giới trong những thế kỷ tới. Hắn ra khỏi lăng mộ trong trạng thái lâng lâng và rất hài lòng về chính mình.

Hắn còn đôi chút hào hứng khi đứng trước Điện Panthéon, ngôi đền thế tục dành cho những vĩ nhân, nhưng lại ngáp trước quảng trường Vosges, cung điện Louvre và nhà thờ Sainte-Chapelle. Hắn hoạt bát trở lại trước nhà thờ Sacré-Coeur, đồi Montmartre nơi hắn có thể nhìn toàn cảnh Paris.

Tuy nhiên, hắn cần phải lên đường vì cuối cùng người dân Paris sẽ ra khỏi nhà và sẽ nhận ra hắn.

Trong máy bay, hắn ân cần quay sang phía Speer:

Giấc mơ của đời ta chính là thăm Paris. Ta thực sự hạnh phúc vì hôm nay đã làm được điều ấy.

Nói rồi hắn chau mày và lẩm bẩm thành tiếng:

Chúng ta cần phải khôi phục ngay lập tức công việc xây dựng ở Berlin. Hãy chuẩn bị một sắc lệnh. Hãy viết thật rõ ràng, Speer ạ, Paris hoành tráng hơn Berlin và đó là điều không thể chấp nhận được. Phải làm việc! Khi chúng ta xây dựng xong Berlin thì Paris sẽ chỉ còn là cái bóng, một lớp kính trong bảo tàng, một di chỉ khảo cổ học, một thứ trang trí lỗi thời, nhân chứng của một thời kỳ đã qua, một cái gì đó như một thành phố ở Ý…

Ngài nói rất đúng, thưa Quốc trưởng. Ngài là người bảo hộ nghệ thuật và nghệ sĩ

mà.

Cách đây vài ngày ta tự hỏi mình có nên phá hủy Paris hay không. Ta đã từ bỏ ý định này. Làm cho Berlin trở nên đẹp nhất thế giới là cách triệt hạ Paris thực sự.

***


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.