Nửa Kia Của Hitler

7.



Dù đã cố gắng rồi nhượng bộ, Adolf H. vẫn không tài nào làm vừa mắt ông bố vợ Joseph Rubinstein được. Trong cặp mắt xanh da trời nhạt của ông già lúc nào cũng hiện lên sự chán nản mỗi khi chúng vô tình đặt vào hắn.

Nếu em là anh, Sarah nhún vai nói, em thậm chí sẽ không cố làm gì cả. Ngay cả khi thể hiện rằng mình yêu quý ông hay phủ lên ông hàng núi quà anh cũng chẳng bao giờ bù đắp được khiếm khuyết căn bản của anhđâu.

Cái gì? Khiếm khuyết nào?

Anh không phải là người Do Thái.

Mối liên hệ của hắn với gia đình vợ lúc nào cũng chỉ là là ở mức ấy. Dù hắn có

làm gì, nói những gì đi nữa, dù Sarah hạnh phúc đến mức nào đi nữa, dù những đứa con có hoàn hảo đến đâu, thì Adolf vẫn không xóa được tì vết vĩnh viễn: hắn không phải là người Do Thái, hắn không sinh ra như người ta cần được sinh ra.

Trong những buổi họp gia đình, Adolf biến mình thành kẻ vô hình trong mắt giáo trưởng Joseph Rubinstein mà dải tóc tết và bộ râu càng làm tăng thêm vẻ uy nghi. Các thành viên trong gia đình nhìn nhau mà ánh mắt không bao giờ dừng lại một giây để chú ý đến sự có mặt hay cơ thể hắn đang chình ình ở đấy. Hắn cảm thấy mình bị xóa khỏi tấm toan. Ngay cả bà Myriam hiền dịu cũng bị lây bệnh mù của ông chồng. Điều này càng đáng ngạc nhiên khi các biểu hiện tình cảm di chuyển, bay trong phòng như những quả bóng tennis, những cái hôn, quà tặng, lời cảm thán, những tiếng gọi trìu mến – “con gái ta, cháu trai ta, cháu gái ta” – lúc nào cũng tránh được hắn. Đôi khi, hắn muốn đứng bật dậy để giữ một quảbóng lại, dựng nên một chướng ngại vật. “Này các người! Tôi đang ở đây đấy! Hai đứa con sinh đôi,Sophie và Rembrandt, đâu phải là cháu các người nếu không có tôi làm bố chúng.” Hắn thậm chí muốn văngtục. “Thế còn dái tôi thì sao? Tinh trùng của tôi thì sao? Các người quên rằng không có những cái ấy thì làm sao các người có cháu bồng cháu bế. Tôi muốn người ta tối thiểu cũng phải tôn trọng mình như người ta tôn trọng một thằng có cái dái tốt.” Nhưng bao giờ hắn cũng kiềm chế vì biết rằng làm thế chỉ tổ làm mối quan hệ giữa Sarah và cha mẹ nàng càng khó khăn hơn. Vợ hắn đã dũng cảm chống chọi với bão tố trong gia đình khi quyết định lấy Adolf, tay người Áo dị giáo khi đó thậm chí còn không vẽ nữa. Gia đình đã dọa sẽ truất quyền thừa kế của nàng, ngăn cản nàng mở cửa hàng, không thừa nhận con nàng nếu nàng điên rồ có con với hắn. Khi thấy những lời đe dọa không ngăn cản được nàng, họ đã đón nhận lại nàng rồi những đứa trẻ – bởi, xét cho cùng, tính Do Thái bao giờ cũng do người mẹ truyền lại, có phải không Myriam? – họ đã chấp nhận cái anh chồng vô dụng của nàng tối đa trong giới hạn cho phép – có nghĩa là cũng cho anh ta một cái ghế để ngồi và một bộ đồ ăn.

Adolf chẳng bao giờ nổi giận với Joseph Rubinstein nhưng đã tìm được cách làm cho ông nổi khùng bằng cách chia sẻ sự đồng cảm với các lý thuyết sionist củaông.

Bố à, con thấy bố có lý. Cần phải thành lập một nhà nước Do Thái. Theodor Herzl đã mở ra con đường ấy. Vụ án Dreyfus ở Pháp, cuộc tàn sát ở Kichinev, ở Jaffa, những cuộc thảm sát ở Hébron, Safed, tất cả các hành động bài Do Thái này đã đủ để thấy lý tưởng sionist là chính đáng, bất kể nó gây ra vấn đề gì.

Joseph Rubinstein, nhà đấu tranh sionist hàng đầu, không thể chịu được việc gã con rể dị giáo này xướng lên những xác tín máu thịt của ông. Ông gần như muốn phản đối hắn, một cơn tức giận nổi lên trong lòng làm môi ông run lên.

Adolf khoan khoái vì sự trả thù của mình. Hắn bồi thêm cú nữa.

Thế còn bố, bố đồng ý chọn Uganda hay Palestine?

Uganda à! Ông già Joseph không kìm được nữa. Nhưng từ năm 1905 đến nay

không ai nghĩ đến việcthành lập một nhà nước Do Thái ở Uganda! Đó là lời đề nghị đầy lăng nhục của lũ người Anh. Ở châu Phi đen ư! Không, chúng ta phải đến Palestine.

Con cũng nghĩ như bố. Israel phải được đặt ở Palestine. Đó cũng chính là điều con tin tưởng.

Sarah buộc phải đá vào chân hắn dưới gầm bàn để hắn dừng lại vì nàng sợ cha mình sẽ hộc máu ra mất.

Sau những bữa ăn nặng nề chiều thứ Sáu này, nàng hỏi hắn:

Anh đùa hay anh đồng ý với bố em vậy?

Đương nhiên, mục tiêu đầu tiên của anh là làm ông bực. Nhưng…

Nói thẳng đi, Adolf?

Nói thẳng ra anh cũng không biết gì! Anh nghĩ là ý tưởng thành lập nhà nước Israel vừa chính đáng vừa khó thực hiện. Anh không hiểu làm thế nào chuyện đó có thể xảy ra được về mặt lý thuyết. Và nhất là, anh ngạc nhiên là phong trào ấy lại sinh ra ở nước Đức.

Tại sao?

Bởi một người vừa là người Đức vừa là người Do Thái cũng chẳng sao cả. Chính em cũng nhận thấy điều ấy mà. Chúng ta sống hòa bình và trong tương lai dài nữa cũng vậy. Đất nước đang hiện đại hóa và tự do hóa. Chủ nghĩa bài Do Thái chỉ chiếm vị trí ngoại vi ở đây, nó là chuyện đáng xấu hổ, trừ đối với tay điên cuồng Goebbels mà thôi, em biết đấy, thằng cha cực hữu này không chiếm nổi một phần trăm phiếu ủng hộ. Là người Do Thái ở Ba Lan, ở Nga, Mỹ hoặc Pháp thì mới khó. Chính các chú, các cậu em chả nói thế là gì.

Đúng vậy.

Vậy thì tại sao nó lại sinh ra ở đây? Nước Đức có liên hệ gì với số phận chủ nghĩa phục quốc của Israel? Anh không tài nào hiểu được.

***

Không, chúng ta sẽ không lùi bước!

Hitler nói tràng giang đại hải về chủ đề này hàng tiếng đồng hồ mỗi ngày.

Không rút quân! Chúng ta không lùi bước trước quân Nga. Chúng ta không lùi bước trước mùa đông. Nếu không chúng ta sẽ có kết cục như Napoléon! Người của ta phải bám giữ những vùng đất mà chúng ta chiếm được, họ phải đào công sự ở chính nơi đó và giữ vững từng mét đất.

Nhưng mặt đất đóng băng, thưa Quốc trưởng.

Thế thì sao? Ta cũng từng là lính ở vùng Flandres trong những năm 14-18, lúc đó mặt đất cũng đóng băng, bọn ta đã dùng đạn pháo để tạo thành các hố.

Nhưng thưa Quốc trưởng, băng phủ dày đến một mét rưỡi. Nga không phải là Bỉ.

Im ngay! Ông chẳng biết gì cả.

Tổn thất về người sẽ rất nặng nề.

Thế ông tưởng những người lính của Frédéric Đại đế nóng lòng muốn chết lắm sao? Họ muốn sống, cả họ nữa, nhưng Nga hoàng yêu cầu họ phải hy sinh. Ta, Adolf Hitler cũng nghĩ vậy, ta cũng có quyền đòi hỏi những người lính Đức phải dâng hiến cuộc sống của họ cho ta.

Tôi không thể yêu cầu người của mình phải hy sinh.

Ông không đủ khách quan để hiểu chuyện này, tướng quân ạ. Ông phải lùi xa ra một chút. Hãy tin ta đi, tình hình sáng sủa hơn nhiều nếu xem xét nó từ xa.

Ở Dinh quốc trưởng, các tướng lĩnh bị thay như thay áo. Như người ta dự đoán, hiệp ước trên giấy giữa Hitler và Stalin đã nhanh chóng bị xé rách trước sự hằn thù giữa hai bên. Chiến tranh nổ ra dữ dội. Hitler lần lượt sa thải các vị tướng Fôrster, Sponeck, Hoepner, rồi Strauss… Và có lẽ sa thải thôi vẫn chưa đủ để họ hiểu ra vấn đề, tướng Reichenau bị đột tử còn tướng Sponeck bị xử tử hình.

Cái lũ ngu này sẽ biến ta thành Napoléon mất nếu ta để mặc chúng muốn làm gì thì làm! Không lùi bước! Không thoái quân! Mùa đông ở nước Đức cũng khắc nghiệt như ở Nga.

Ban đầu, Hitler ngỡ rằng chỉ cần hai tuần là đủ để xâm chiếm nước Nga. Nhưng người khổng lồ Xô Viết đã cầm cự được suốt mùa hè rồi chiếm lại được đất vào mùa đông năm 41-42.

Quốc trưởng Đức giờ đây không rời khỏi chỗ trú ẩn mang tên Hang Sói, một hệ thống boong ke được ngụy trang trong khu rừng tăm tối ở Đông Phổ. Giữa mảnh đất bị gió địa cực hành hạ, giữa những đống đá đen và những cành cây cong queo nhăn nhó trên tuyết, Hitler đã thay đổi. Thân hình hắn đã phô ra những thất bại mà hắn đã phải nhận. Hắn cử động khó khăn và đau đớn, da tái đi, mí mắt dường như khó khăn lắm mới không sung huyết dưới sức nặng của đôi mắt nhòe nhoẹt mà lòng trắng đã ngả sang màu vàng, hắn ăn uống còn khó khăn hơn nữa và hơi thở tỏa ra một mùi đầy lo âu. Đột nhiên hắn trở nên già nua, nhưng già theo cái kiểu chỉ có được ở tuổi năm mươi, khi cuộc đời đã bắt phải chịu đủ điều khổ sở, già vì da thịt phù lên thì đúng hơn là vì khô đi, già vì chối bỏ cuộc đời hơn là vì tuổi tác, già vì thối rữa hơn là chín chắn, hắn già vì sự già nua ngập ứ trong người vốn là một căn bệnh của người trẻ.

Hiện Đức đã có Nhật Bản là đồng minh nhưng Mỹ lại là kẻ thù. Hitler khinh bỉ Mỹ chẳng ích gì vì hắn không biết làm thế nào để đánh bại được đối thủ này. Nếu không tìm ra cách thắng Nga nhanh chóng, hắn ngờ rằng mình sẽ thua trong cuộc chiến này mất. Lúc im lặng thiểu não khi độc thoại gay gắt, chính hắn cũng nhận thấy giữa cơn độc thoại rằng mình đang nhắc lại những câu nói hùng hồn thuở trước, và bắt đầu nhại lại chính mình một cách lố bịch. Hắn khao khát được hành động nhưng bị sa lầy trong một cuộc chiến quá dài đang lan ra toàn thế giới.

Cả trăm lần, hắn đã cố tìm lối thoát. Hắn thậm chí đã bí mật chìa tay với Anh khi

đề nghị nước này ngưng chiến và cùng chia nhau châu Âu. Nhưng Luân Đôn đã giảđiếc. Đó là vì Churchill, tay nghị viên bị bọn Do Thái trên thế giới mua chuộc, cái tay họa sĩ nghiệp dư này!Những lời chửi rủa của họa sĩ bất thành Hitler dành cho họa sĩ nghiệp dư Churchill chủ yếu nhằm để che giấu sự tôn trọng. Churchill từ lâu đã trở thành đối thủ duy nhất đáng kể mà Hitler công nhận trong thâm tâm từ nhiều năm nay, nhưng hắn thà chết chứ không chịu thừa nhận điều ấy. Việc Churchill nhất quyết chối bỏ các lời đề nghị càng làm hắn thêm hận thù. Cái thằng Rudolf Hess đốn mạt ấy đang chết gí trong một nhà tù của Anh…Hitler thầm nghĩ, nhưng ngoài mặt, hắn chỉ nhắc đến Rudolf Hess như một kẻ phản bội, kẻ đã làm hắn thất vọng tột cùng bằng hành động điên rồ của mình.

Rudolf Hess, người ủng hộ trung thành từ những ngày đầu tiên, người mà, khi còn

trong tù năm 1924, Hitler đã đọc cho chép quyển Cuộc chiến đấu của tôi, đã làm gì? Người cựu phi công, sau trở thành bộ trưởng, đã ăn cắp một chiếc máy bay Messerschmitt 110, đổ đầy nhiên liệu rồi bay sang Anh và hạ cánh xuống lãnh địa của công tước Hamilton, một trong các vị lãnh đạo của đảng Bảo thủ tại Thượng nghị viện, người luôn chủ trương hòa giải với Đức. Sau khi hạ cánh, ông ta đã yêu cầu được gặp Churchill để đưa ra đề nghị về một hiệp ước hòa bình Anh-Đức. Churchill đã cho nhốt ông ta vào tù mà không thèm nghe một lời nào.

Đức và Anh, ai cũng nghĩ rằng đó là một cuộc đào thoát mang tính cá nhân do ý muốn của chỉ riêng Hess. Trên thực tế, Hitler đã dàn dựng tất cả, theo thói quen điều khiển những người thân tín một cách riêng lẻ sao cho người khác không được biết, điều này cho phép hắn nhân rộng các toan tính khác nhau, kể cả những toan tính trái ngược, và xác định xem đâu là phương án có tương lai nhất, đâu là phương án không có tương lai. Vì vụ việc đã chìm trong bí mật của các nhà tù Anh, Hitler đã đóng vai người bạn bị phản bội, người bạn thất vọng và để đổi hướng dư luận, hắn rêu rao rằng mỗi khi nghethấy người ta nhắc đến Rudolf Hess là hắn lại đau đớn.

Càng cảm nhận thấy chiến tranh sẽ kéo dài, hắn càng tự hỏi về sứ mệnh lịch sử của mình. Nếu thua, chuyện gì sẽ xảy ra? Không, tất nhiên rồi, hắn sẽ không thua, nhưng nếu chẳng may như thế thì sao? Sự trừng phạt sẽ thật khủng khiếp.

Những kẻ báo thù trong tương lai… Cần phải loại bỏ những kẻ báo thù trong tương

lai.

Ngay khi gặp khó khăn trên chiến trường Nga, hắn đã bị ám ảnh bởi ý nghĩ bị báo thù sau này. Họ là ai? Vợ con của những người Do Thái mà người ta đã xả súng bắn chết hàng nghìn ở chiến trường phía Đông…

Vào thời điểm đầu của cuộc xâm chiếm, các đội hành quyết Einsatzgruppen đã tiến hành các hành động hiệu quả và nhất quán, tàn sát, xả súng, đàn áp có hệ thống, tất cả những hành động ấy lên đến đỉnh điểm trong cuộc thảm sát Babi Yar nơi ba mươi ba nghìn bảy trăm bảy mươi mốt đàn ông Do Thái bị giết. Sau đó, ngay từ tháng

Tám, Hitler đã yêu cầu đưa cả phụ nữ và trẻ em – “những kẻ báo thù trong tương lai” – vào đối tượng hành quyết. Năm mươi nghìn người Do Thái đã chết vào giữa tháng Tám và sau đó, nhờ các tiến bộ kỹ thuật – súng liên thanh thay vì súng trường – năm trăm nghìn người đã bị hành quyết trong ba tháng sau đó.

Himmler thường xuyên đến Hang Sói báo cáo tình hình tiến triển của công cuộc thanh lọc.

Chúng ta đã tìm ra phương pháp tốt hơn là cho bọn Do Thái đứng phía trên các hố chôn tập thể nơi chúng sẽ chồng lên nhau khi rơi xuống rồi xả súng liên thanh.

Rất tốt.

Vâng thưa Quốc trưởng, nhưng chúng ta còn có thể làm tốt hơn.

Hitler hài lòng nhìn Himmler. Himmler, nhu nhược và béo đến lút cằm, đường nét hay biểu cảm không nhiều hơn một con sên, nhưng con sên này biết cười và dường như là người thân cận duy nhất không để ý đến sự sa sút về thể lực của hắn. Himmler luôn nhìn Hitler như Hitler của những năm ba mươi, Đấng cứu thế xuất hiện trong thời suy đồi cực điểm, nhà tiên tri, “người mà cả nhân loại đang dõi nhìn với lòng tin, như họ đã làm ngày xưa trước chúa Jesus”. Chiếc kính một mắt của hắn giữ lại hình ảnh đã khắc trong tâm khảm và không để một hình nào khác về Hitler lọt vào mắt mình nữa. Hitler ưa cái tham vọng và sự phục tùng trong Himmler. Hai nét tính cách này đều tuyệt đối như nhau. Hắn là mẫu hình một thủ hạ lý tưởng, không bao giờ biết chủ động đưa ra giải pháp nhưng vô cùng tỉ mẩn khi thực thi mệnh lệnh, một con người nhỏ bé đến mức không thể nghĩ ra cho mình một nhiệm vụ to lớn nhưng bao giờ cũng hoàn thành cho kỳ được nhiệm vụ được giao. Bất cứ điều gì được yêu cầu thực thi cũng trở thành một nhiệm vụ với hắn. Hắn sẽ hợp lý hóa các bước tiến hành một cách có hệ thống. Mục tiêu sẽ tổ chức và biện minh cho mọi phương tiện. Hắn được sinh ra với những đặc tính lý tưởng của một tay đồ tể: chính xác, thiển cận và làm việc như viên chức. Cái tầm thường ở những kẻ thi hành.

Mỗi lần Hitler cho gọi, Himmler đều run lên như sắp vào phòng thi. Gã độc tài thích người ta sợ như vậy vì ở đó hắn nhận thấy một dấu hiệu đúng đắn về sự tỏa sáng của mình và hắn nghĩ rằng gã thủ hạ này, trong mọi trường hợp, sẽ không phản bội hắn.

Anh có chứng kiến cuộc hành quyết ở Minsk không?

Dạ có, thưa Quốc trưởng.

Thế nào?

Đã xong, thưa Quốc trưởng.

Không, ta hỏi cảm nhận của anh thế nào.

Con sên hoảng sợ suýt rơi mất kính. Himmler chẳng bao giờ tin vào cảm xúc hay phản ứng cả. Hitler biết điều đó và xoáy một cách quái ác vào đáy sâu cất giấu những điều không chắc chắn.

Thưa Quốc trưởng, bọn đó đều mang hình dạng con người. Chúng có mắt, có mồm, có tay, có chân… nhưng trên thực tế, đó là những sinh vật gớm ghiếc mà ý thức và tâm hồn còn bị vùi sâu hơn cả loài vật. Đó là những sinh vật nguyên thủy. Tôi có cảm nhận giống như đi thăm một lò mổ.

Rất tốt, rất tốt, Hitler nói, không thích sự so sánh mà Himmler vừa đưa ra vì hắn yêu động vật một cách say mê, nhất là Blondi, con chó mới của hắn, sống bên hắn ở Hang Sói và làm hắn vui hơn rất nhiều so với Eva Braun. Ông bạn Himmler thân mến, ông đã hỏi tôi nhiều lần xem chúng ta phải làm gì với bọn Do Thái ở trong nước, những người Do Thái nói tiếng Đức. Tôi hoãn câu trả lời vì tôi nghĩ việc quan trọng trước mắt là phải thắng được Nga. Bây giờ mọi chuyện đã có tiến triển rồi. Chúng ta sẽ dành ra vài năm để đánh bại quân Nga.

Hắn nghĩ thầm: Chúng ta sẽ chẳng bao giờ thắng được người Nga.

Nước Mỹ đã bất cẩn bước vào cuộc xung đột này và sẽ bị người Nhật hủy diệt. Hắn thầm nghĩ: Người Nhật không là gì trước người Mỹ cả.

Nước Anh đã kiệt lực.

Hắn thầm nghĩ: Churchill rất biết hô hào bọn người Anh quỷ tha ma bắt ấy để chiến thắng.

Do đó, chúng ta cần phải tiếp tục công việc đã tiến hành cả ở trong và ngoài nước.

Hãy hoạt động ở trong nước nhanh lên, chúng ta chậm như thế là đủ rồi.

Bọn Do Thái là kẻ đã gây ra cuộc chiến 14-18. Chúng phải chịu trách nhiệm về cả cuộc chiến hiện nay nữa.

Ta đã tuyên chiến, đúng vậy, nhưng ta đã dự định một cuộc chiến chớp nhoáng kia, nếu nó kéo dài thì đó là do âm mưu toàn cầu của bọn Do Thái.

Năm 1939, ngày 30 tháng Giêng, trong bài diễn văn của ta ở Reichstag, ta đã cảnh báo rằng nếu chiến tranh nổ ra trên quy mô toàn thế giới thì đó là lỗi của bọn Do Thái và chính chúng sẽ phải trả giá.

Đó không phải là một lời cảnh báo mà là một lời đe dọa. Ta đã giương cao các hình thức trừng phạt để răn đe Mỹ không tham chiến.

Sự cảnh báo này đã trở thành một lời tiên tri.

Chúng chỉ cần lùi bước là được, cái lũ ngu này, chính bọn chúng muốn vậy mà.

Chiến tranh sẽ không kết thúc như bọn Do Thái đã tưởng tượng, giống nòi Aryen sẽ không bị tuyệt diệt mà ngược lại, chính chúng, bọn Do Thái sẽ bị hủy diệt.

Nhanh lên, nhanh lên, trước khi việc ngược lại xảy ra.

Ta sẽ áp dụng câu nói của bọn Do Thái một lần duy nhất: lấy răng trả răng, lấy mắt trả mắt(39).

Tỷ giá sẽ là một trăm cặp mắt đổi một con mắt, một nghìn răng trả cho một răng, đó sẽ là một cuộc tàn sát.

Chúng ta cần phải áp dụng một chính sách kiên quyết. Hủy diệt, hủy diệt hoàn toàn.
Để người ta đừng có nghĩ rằng ta muốn trả thù cho những khó khăn vấp phải trên chiến trường miền Đông…

Chính xác, đúng là như vậy, ta đang trả thù. Hơn nữa, ta đang buồn đến chết đây.

Ta làm điều đó chỉ để đáp lại áp lực từ phía người dân Đức đang phẫn nộ vì sự phồn thịnh của bọn Do Thái trong thời buổi khốn khó này.

Nhất thiết không để mọi người biết cái chúng ta sẽ làm.

Để không biến bọn Do Thái thành tay trong của địch ngay trên đất của chúng

ta…

Làm sao để người dân Đức đừng biết đến điều ấy.

Chúng ta sẽ bắt đầu một cách kín đáo…

Bí mật nhất có thể được.

– Chúng ta sẽ nói cho họ biết vào thời điểm thích hợp.

Khi tất cả bọn họ ướt đầm đìa, ngập đến tận cổ và sẽ là quá muộn để rút lui.

Vậy thì họ sẽ rất hạnh phúc. Đồng lõa.

Và sẽ rất biết ơn.

Tại sao anh không đi cùng tôi cho Blondi đi dạo nhỉ? Ta muốn chắc chắn rằng không ai nghe lén được.
Hitler và Himmler đưa con chó đi dạo, nó điên lên vì sướng. Sau khi nó đã ra sức

chạy ba lần trên con đường trắng xóa nổi đầy rễ cây và đá vụn để mang về cây gậy mà ông chủ đã ném vào các bụi cây, hai người đàn ông tiến vào khu rừng rậm rạp, nhuốm màu xanh da trời. Tiếng răng rắc, lạo xạo vang trong rừng. Mùa đông phả ra mùi nước thum thủm, ngột ngạt. Hitler đi vào chi tiết.

Tôi từ bỏ hết các ý nghĩ trước đây của mình là cho lưu đày tất cả bọn Do Thái về đảo Madagascar. Hay về Sibéria.

Điều đó sẽ giúp chúng thành lập một nhà nước Do Thái mà bọn sionist đòi hỏi. Không đời nào ta lại đi làm kẻ thành lập nhà nước Israel cho chúng.

Dù rằng ở Sibéria…

Chúng sẽ chết vì đói và lạnh ở Sibéria.

– Không đời nào. Ta có một ý tưởng.

Thực ra đó không phải của ta mà là của Stalin.

– Chúng ta sẽ lưu đày chúng.

Stalin vừa lưu đày một triệu người Đức khỏi lưu vực sông Volga.

– Bằng tàu hỏa.

Hắn đã dồn họ như những con vật trong các toa tàu.

– Tiến về hướng Đông, đến Ba Lan.

Hắn đã gửi họ đến miền Bắc Kazakhstan.

Chúng ta sẽ dồn bọn Do Thái vào các trại. Chúng ta sẽ tách những đứa làm việc được và những đứa không.

Chúng ta sẽ giết đàn bà, trẻ con và phần lớn đàn ông.

Đã đến lúc phải tìm ra giải pháp cuối cùng cho vấn đề này.

Diệt chủng. Một cuộc diệt chủng tới tận gốc rễ. Vĩnh viễn.

– Về chuyện triển khai chi tiết, tôi tin tưởng ở anh, Himmler thân mến.

Xả súng, xả hơi ngạt, thiêu đốt, muốn làm gì chúng thì làm miễn cứ hiệu quả là được.

Himmler tự cho phép mình đưa ra một gợi ý:

Tôi không nghĩ là chúng ta sẽ dùng lại các toa xe xả hơi ngạt như ở đây, ở Đông Phổ này hồi năm 1940 để tiến hành cuộc kết liễu sự sống. Phương pháp này có quá nhiều nhược điểm. Theo tôi, dùng hơi ngạt nhưng là hơi xả trong các cơ sở cố định thì tốt hơn.

Đúng, đúng, chắc chắn rồi Himmler, chắc chắn rồi.

Ta mặc xác, ta không thèm quan tâm, làm công việc của ngươi đi và để ta yên. Ta đời nào lại đi kiểm tra công việc của bọn vét bùn, móc cống. Ta chỉ đưa ra đường hướng, không bao giờ ta lại để tay mình vấy bẩn cả.

Tôi nghĩ là Zyklon B là loại khí ga sẽ làm chúng ta hài lòng.

Zyklon B?

Ta không muốn nghe nói đến khí ga, ta đã chẳng suýt mù vì khí ga vào năm 1918 đó sao. Cái gã cần mẫn này cứ làm việc của mình đi và đừng làm phiền ta với các chi tiết! Đúng là một gã ngu ngốc hay ra điều quan trọng!

Tôi tin tưởng tuyệt đối vào anh, Himmler ạ. Anh như là một đứa con tinh thần của tôi.

Vậy đó! Con sên lại mít ướt rồi. Nó, con sên đang xúc động.

Những thành phố đầu tiên được thanh lọc khỏi bọn Do Thái sẽ là Berlin, Viên và Praha. Sau đó, chúng ta sẽ tính đến nước Pháp. Bọn Do Thái muốn chiến tranh ư? Bây giờ chúng sẽ phải trả giá!

Cuối cùng ta cũng chỉnh nắn được thế giới. Ta là người vĩ đại nhất thế kỷ này. Dù nước Đức thắng hay bại thì ta cũng giúp nhân loại xóa bỏ được bọn Do Thái. Thế nhân sẽ cảm ơn ta trong hàng thế kỷ tới. Ta không tiêu hóa được cái gì nữa khi đang đói mềm người, thật ngu ngốc quá. Thế nếu ta ép con Blondi ăn chay thì sao nhỉ?

Himmler, anh hãy cạo ngay cái chòm ria kia đi. Trông lố bịch quá…

Nhưng…

Vào phút cuối, Himmler đã kìm mình được. Hắn suýt buột miệng nói: “Nhưng nó giống hệt của ngài mà, thưa Quốc trưởng.”

***

Adolf H. có một cuộc sống bí mật.

Hắn thường nói với gia đình rằng mình đi dạo về phía quảng trường Alexandre “để lấy ý tưởng về các khuôn mặt” trong khi hắn lại nhảy lên xe điện và rời Berlin đi về phía ngoại ô xa xôi, ẩm ướt, nhiều cây cối.

Hắn thấy không thể thú nhận được việc mình đến gặp người phụ nữ này. Không thú nhận được với Sarah và tất nhiên là với Heinrich cũng không. Với Neumann thì có thể thổ lộ được bí mật này nhưng anh ấy đã sống quá lâu ở Moskva với tư cách đại diện đảng Cộng sản Đức đến mức những lần hiếm hoi họ gặp nhau chẳng có mấy thời gian dành cho những chuyện thầm kín thế này. Vả lại, nói thế nào đây? Adolf thậm chí không thể xác định được với chính mình tình cảm mà hắn dành cho người phụ nữ ấy là như thế nào.

Anh nói với tôi về người thân của anh, nàng nói, nhưng anh không bao giờ nói với họ về tôi cả. Tôi làm anh xấu hổ chăng?

Không.

Vậy tại sao?

Một ngày nào đó, tôi sẽ nói với họ về em. Khi ấy, em sẽ là niềm tự hào của tôi. Trong lúc chờ đợi, em là nơi trú ẩn cho sự thẹn thùng của tôi.

Nàng cười, nụ cười muôn thuở, một nụ cười không có bất kỳ sự chế giễu nào, hoàn toàn là một niềm vui sống. Bí mật của Adolf là gì? Chỉ cần ở bên nàng một giờ hắn đã nạp lại được năng lượng, ý chí và cảm xúc. Hắn thấy mình ấm lên khi tiếp xúc với nàng. Hắn gột rửa. Hắn trẻ lại. Khi rời xa nàng, hắn hít thở sâu hơn. Ngay cả bầu trời dường như cũng cao hơn, quang mây hơn, sáng sủa hơn. Hắn chỉ chia tay nàng khi trời đã về đêm, khi con đường trải nhựa của vùng ngoại ô đã lấp lánh những ánh sao.

Một hôm, vô tình nhặt được một bức thư trong xưởng, Sarah sinh nghi và theo dõi hắn. Nàng đã không theo hắn đến tận điểm cuối của cuộc hành trình. Khi đã kiểm chứng được rằng Adolf nói dối, rằng hắn không đi dạo trên quảng trường Alexandre mà lại đi theo một hành trình dường như đã quen đi, nàng kín đáo rời xe điện và đợi hắn ở nhà.

Adolf về nhà và thấy Sarah đầm đìa nước mắt, cảm thấy bị xúc phạm vì sự phản bội này. Hắn buộc lòng phải thú nhận sự thực với nàng: từ nhiều năm nay, mỗi tháng một hai lần, hắn đi gặp xơ Lucie, người y tá đã chăm sóc hắn năm 1918 ở tu viện.

***

Đám thư ký của Hitler không chịu được nữa; họ mơ được giải thoát mỗi khi nhà độc tài cho họ một vài giờ để ngủ.

Ngay cả trong tù cũng đỡ buồn hơn là ở đây, Johanna nói, bởi ở đó, bọn cai ngục còn tôn trọng giấc ngủ của tù nhân.

Hơn nữa, Christa nói thêm, ở đó người ta còn được thay đổi bạn tù trong xà lim, còn có người ra, người vào, được đi ra ngoài. Ở đây, chẳng có gì sất.
Hang Sói, nằm giữa vùng rừng ẩm ướt, một cái boong ke xam xám, không màu sắc, bị đầu độc bởi một thứ không khí tẻ nhạt và mùi giày bốt, một tòa nhà hình khối nơi những cánh cửa hiếm hoi chỉ mang lại một thứ ánh sáng phương Bắc nhờn nhợt, không chấp nhận bất cứ khuôn mặt mới nào, không một quyển sách mới, không một đĩa nhạc mới, không một ý tưởng mới, không một quan điểm cá nhân. Hitler cấm nói đến chính trị hay chiến tranh, hắn chỉ cho phép nói những câu chuyện tào lao, tán gẫu bên những tách trà hay những cái bánh ngọt. Nhưng có thể nói gì khi câu chuyện mở đầu bằng những lời ca thán rằng hiện đang thiếu những ca sĩ giọng nam cao hát được Wagner, nhắc đi nhắc lại rằng không có nhạc trưởng nào bằng được cái móng chân của Furtwngler? Ba hoa được gì đây khi bị cắt đứt khỏi thế giới bên ngoài?

Mùa đông đã qua, cuộc chiến chống Liên Xô lại tiếp tục. Nhưng chiến trường Đức, bị kéo giãn vô độ, đang trụ lại hết sức vất vả.

Người ta có thể đọc được tình hình chiến trường khi nhìn vào thân xác Hitler: hắn là tấm bản đồ sống của cuộc chiến, lấy lại năng lượng mỗi khi có chiến thắng, dù là nhỏ nhất, nứt rạn và sưng vù sau mỗi thất bại. Sức khỏe hắn xuống cấp ngày càng nghiêm trọng. Hắn gần như không ngủ được nữa. Để không bị chứng mất ngủ hành hạ, hắn luôn mồm lảm nhảm với Christa và Johanna, khiến họ phải chịu những đêm khốn khổ.

Các cô sẽ thấy, ngay khi chúng ta chiến thắng Nga, Anh và Mỹ, ta sẽ xử lý nốt những điểm còn đang đau đớn. Không phải vì bọn Do Thái mà chúng ta đã mở các trại lao động để nhét chúng vào, mà là vì những bọn khác. Ta sẽ tiêu diệt các nhà thờ Cơ đốc, không sót cái nào, ta không muốn nhìn thấy dù chỉ một cây thánh giá nữa trên nước Đức. Thời ấy qua rồi. Sau đó, ta sẽ xử lý vấn đề lương thực: ta sẽ buộc mọi người phải ăn chay, chế độ tốt nhất cho sức khỏe. Làm sao người ta có thể ăn được những xác chết thế nhỉ? Thật đáng phẫn nộ phải không?

Christa và Johanna đã luyện được cách ngáp mà không ai biết, một động tác bí mật ngay khi nét mặt và dáng vẻ vẫn tỏ ra hết sức chăm chú. Họ đã thuộc lòng những câu độc thoại này bởi đã phải nghe đến cả nghìn lần, và thú vị hơn hôm nay cả nghìn lần bởi Quốc trưởng hiện đang bơ phờ, không còn đủ sức để làm mới mình và tỏ ra xuất sắc nữa. Hắn nói cốt chỉ để đỡ hoảng sợ.

Nói là thuốc của ta, Hitler đã nói với các bác sĩ của mình như vậy.

Đó là bệnh của ông ta thì đúng hơn, Christa và Johanna nghĩ, mắt nhớn nhác, mí mắt sưng húp.

Hắn thậm chí không nghe nhạc nữa. Vào thời điểm đầu cuộc chiến, để thư giãn, hắn nhắm mắt lại và yêu cầu bật vài bản nhạc bất di bất dịch: các bản giao hưởng của Beethoven, một trích đoạn Wagner hay vài liđơ của Hugo Wolf; hồi đó Christa và

Johanna phải cố chịu đựng mà nghe còn hắn chẳng bao giờ nghe đĩa nào khác cả. Giờ đây, họ tiếc nuối thời gian đó vì ít nhất âm nhạc cũng có quyền lực là mỗi lần nghe mang lại những điều mới mẻ. Hitler thì không. Hắn thậm chí còn không cho phép nghe hết một mặt đĩa 78 vòng và nói lảm nhảm một mình không dứt.

Eva Braun cũng ít đến. Hitler chỉ chịu được cô khi hắn ở Bavaria, ở Berghof. Khi cô nằn nì được ở lại Hang Sói, Hitler đã thóa mạ cô không thương tiếc trước mặt mọi người, lăng nhục cô, làm cô khóc, thậm chí còn trả cô một tệp tiền như thể cô chỉ là gái điếm. Cô bỏ đi.

Christa và Johanna ghen tị với Eva.

Vả lại họ đã thay đổi cách nhìn về Eva Braun. Ban đầu, họ phẫn nộ khi thấy cô gái đẹp như vậy mà lại chấp nhận bị Hitler đối xử tồi tệ như thế, ngay cả khi ông ta là chúa tể nước Đức. Bây giờ, họ biết rằng Hitler từ chối sống với Eva nhưng cũng ngăn cản cô làm lại cuộc đời ở nơi khác. Cũng như họ, Eva đã trở thành tù nhân của nhà độc tài. Không ai có thể thoát khỏi tay hắn ta được. Đằng nào cũng là nạn nhân, cả hai bọn họ đều ước chi bằng mình được là người tình bị đối xử tệ bạc của Hitler bởi Eva Braun ít khi phải gặp Hitler trong khi Christa và Johanna phải chịu đựng hắn cả ngày lẫn đêm.

Ta ghê tởm loài người, Hitler nói. Loài người chỉ là một thứ vi khuẩn vũ trụ bẩn

thỉu.

Xem này, có lẽ ông ta đã mất cả tiếng đứng trước gương ấy nhỉ, Johanna thì thầm vào tai Christa.

Cả hai cười thầm ngay cả khi đang đứng thẳng, bộ dạng không chê vào đâu được, kính đeo chăm chú trên đầu mũi và sổ ghi ngay ngắn trên tay.

Tháng Mười một năm 1942, quân Mỹ đổ bộ vào Bắc Phi và quân Anh tăng cường ném bom nước Đức vào ban đêm. Munich, Brême, Düsseldorf chịu thiệt hại nặng nề.

Nhà của ta ở Munich có bị phá hủy không? Hitler hỏi.

Christa không biết có nên nói thật hay không. Ông ta sẽ phản ứng thế nào đây?

Hitler đập bàn quát:

Cô có điếc không? Ta hỏi nhà của ta ở Munich có bị phá hủy không?

Có, thưa Quốc trưởng.

Thật không?

Nhà bị hỏng nặng.

Thế thì càng tốt! Càng tốt! Người dân Đức sẽ biết rằng ngay cả nhà của ta cũng không phải là ngoại lệ. Nếu nhà không hỏng tí nào thì không tốt. Quá vui. Quá vui.
Christa nhìn vào các con số thiệt hại trong bản báo cáo của mình, số lượng thương vong và bị chết. Cái này thì Hitler không quan tâm đến.

Thực ra, các cuộc oanh kích này rất tốt cho tinh thần mọi người. Nó cho phép

người dân Munich hiểu rằng nước Đức đang ở trong tình trạng chiến tranh. Điều đó sẽ mang lại một tác động cứu rỗi với chúng ta. Và sau là, dù sao cũng phải phá hủy các tòa nhà sau khi chiến tranh kết thúc để cải tạo quy hoạch thành phố. Thực chất, bọn Anh đang làm hộ việc của chúng ta.

Chính vào cái ngày ấy Christa hiểu rằng sự điên rồ của Hitler không đến từ những

nghĩ kỳ quặc, lòng thù hận hay sự quá khích, cũng không đến từ quyết tâm sắt đá muốn bỏ qua mọi trở ngại của thực tế mà có thể nó đến từ sự nhẫn tâm tuyệt đối ở Hitler.

***

Chủ nhật nào xơ Lucie cũng đến nhà họ chơi. Đám trẻ đợi nàng như trẻ con chờ kẹo.

Hoạt bát, vui vẻ, những câu đối đáp đầy bất ngờ thú vị, nụ cười tươi sáng và hồn nhiên, nàng làm chúng sung sướng và nhất là làm chúng có cảm giác độc nhất vô nhị là đang chơi với một người lớn trẻ hơn chúng. Bằng những phản ứng ngạc nhiên của mình, bằng khả năng vô tận trong việc tỏ ra ngưỡng mộ hoặc tức giận, những cơn giận đỉnh điểm, nàng dường như còn bé bỏng hơn chúng rất nhiều trong khi chúng đã có thói quen tự kiềm chế hoặc giữ gìn ý tứ, điều mà chúng đã được luyện ở trường, trong sân chơi, với thầy giáo hoặc bạn bè hay thậm chí là trong cả gia đình.

Về phía mình, Sarah cảm ơn đối thủ vì những đức tính của cô. Ban đầu, nàng cảm thấy yên tâm, sau đó, nàng phát hiện ra sự gắn bó mật thiết, kỳ lạ giữa Lucie và Adolf; lòng ghen tuông đã suýt vọt lên đến khi một người bạn phải kêu lên với nàng:

Cậu không định ghen với một bà xơ đấy chứ? Nhất là cậu, một phụ nữ Do Thái cơ đấy!

Câu châm chọc lại là một liều thuốc hữu hiệu.

Cuối cùng, an tâm rằng không ai cướp Adolf của mình đi, nàng cam lòng chấp nhận mối liên hệ kỳ quặc của chồng mình với người phụ nữ đã cứu anh khi xưa, mặc dù nàng vẫn không biết được sự thực xa gần thế nào…

Về phần xơ Lucie và Adolf, họ thực sự là những người ít biết rõ nhất tại sao họ đi lại với nhau.

Tôi thậm chí không chắc là mình tin vào Chúa, Adolf nói.

Tôi thậm chí không chắc là mình yêu tranh của anh, Lucie trả lời.

Điều đáng chú ý là, Adolf nói tiếp, đôi khi chính tôi cũng không chắc chắn mình thích tranh của mình hay không.
Còn tôi, không phải ngày nào tôi cũng chắc chắn về Chúa.

Chiều Chủ nhật, trong những thời khắc ủ ê, bất động và chậm chạp khi bọn trẻ mới lớn thường muốn tự tử, hắn dẫn nàng đến xưởng của mình, lấy cớ để xem tranh, họ ngồi nói chuyện riêng với nhau.

Tôi không chắc về bất cứ điều gì. Không chắc là mình vẽ tốt. Không chắc đã hành động đúng. Không chắc đã yêu vợ con mình đủ như cần thiết.
Càng tốt! Sự chắc chắn thường làm nên những kẻ ngu ngốc.

Nói gì thì nói chứ! Đôi khi, trong tôi cũng có một chút tin tưởng, điều đó cho phép tôi đi xa hơn.

Xa hơn những người khác, Adolf ạ, chỉ thế thôi.

Nói gì thì nói chứ! Nếu một ngày nào đó tôi có thể hết nghi ngờ…

Đừng hết nghi ngờ, đó chính là cái đã làm nên con người anh bây giờ. Một con người đáng tôn trọng. Điều đó cho anh cảm giác bất an, đành là vậy, nhưng chính sự bất an ấy là hơi thở của anh, cuộc sống của anh, tính người trong anh. Nếu anh muốn kết thúc sự bất an này, anh sẽ trở thành một kẻ cuồng tín. Cuồng tín vì một sự nghiệp nào đó! Hay tệ hơn: cuồng tín chính mình!

Nhưng còn xơ, Lucie, xơ không bao giờ tin chắc hay sao?

Không bao giờ. Tôi có đức tin. Nhưng đó không phải là một xác tín. Đó chỉ là một niềm hy vọng.

Thế còn năng lượng của xơ? Tôi chưa thấy ai nhiều năng lượng như xơ.

Một Chủ nhật, Adolf bảo Heinrich đến xưởng và giới thiệu anh với xơ Lucie. Hắn sung sướng vì hai người mà hắn yêu thương nhất ngoài gia đình được gặp nhau.

Heinrich cho thấy anh xuất sắc, quyến rũ, đam mê như thế nào. Anh biết cách tiết lộ cho xơ Lucie bí quyết thưởng thức tranh của Adolf H.. Anh làm thầy của mình ngạc nhiên vì những kiến thức về lịch sử tôn giáo và thần học. Khi Heinrich ra về vào ban đêm, Adolf quay lại phía xơ Lucie mà vẫn còn chưa hết choáng váng vì cuộc gặp ngày hôm đó.

Heinrich thật tuyệt vời phải không? Đó là một thiên thần. Hitler chưa bao giờ thấy xơ Lucie nhăn mặt như vậy.
Hắn ấy à? Hắn là quỷ dữ.

***

Đêm thánh vô cùng, giây phút tưng bừng

Các gia đình ở Đức xúc động ghé tai vào chiếc đài vào cái đêm 24 tháng Mười hai năm 1942 này. Những người phụ nữ nước mắt lưng tròng khi nghĩ có thể tiếng nói đang thoát ra từ cái hộp gỗ to đặt trên chiếc tủ buýp phê cạnh cây thông là của con mình, chồng mình, anh em mình, cháu trai hay chồng chưa cưới của mình.

Đài phát thanh Đức truyền lại tiếng hát của những người lính ở chiến trường Stalingrad. Dàn hợp xướng của quân Đức tan vào trong tiếng hát của những người lính Nga, cuộc đình chiến nhân dịp Noel giao hòa hai đội quân đang quyết tử với nhau từ nhiều tuần nay bên bờ sông Volga.

Bất chấp những tuyên bố lạc quan của Goebbels, dân chúng vẫn lo lắng; người ta xì xào rằng quân Nga đang bóp chết quân đoàn VI bằng ưu thế về quân số, bằng cái

lạnh, cái đói; danh sách người tử trận ngày càng dài trên báo chí.

Tuy nhiên, vào cái đêm tình cảm Cơ đốc đang làm hai kẻ cựu thù xích lại gần nhau ấy, các gia đình ở Đức lấy lại được đôi chút hy vọng rằng xét cho cùng, chiến tranh cũng không man rợ đến thế vì giọng hát của người Nga hòa vào giọng hát của người Đức; xét cho cùng, cuộc xung đột có thể sẽ chấm dứt nay mai; dù thế nào đi nữa tối nay sẽ không có ai phải chết.

Từ Hang Sói, trong màn đêm tối như mực của những cánh rừng miền Đông Phổ, Hitler cũng nghe nhữnggiọng hát đôi đang giao hòa với nhau, loẹt xoẹt phát ra từ đài thu thanh, một cái máng cỏ lấp lánh giữa boongke.

Christa và Johanna đọc cho hắn nghe những bức thư cho thấy tinh thần suy sụp do các hạ sĩ quan ởStalingrad viết và gửi về cho người thân, Hitler bắt họ mở ra đọc trước. Khi khám phá ra quy mô của nỗi ghê rợn và của cuộc chém giết, hắn hiểu rằng hắn sẽ thua trận. Tai họa là điều không thể tránh khỏi. Hắn bảo các cô thư ký không đọc nữa và nghe những nốt nhạc sâu lắng cuối cùng của bản thánh ca Giáng sinh.

Ý tưởng tốt thật. Đúng vậy, chúng ta dàn dựng như thế này quả là đúng đắn. Đương nhiên, đây là một trò lừa gạt.

Đêm hôm đó, ở Stalingrad, không có ai hát cả và lại thêm một nghìn ba trăm

người lính ngã xuống.

***

Tại sao bố lại nhìn con như vậy? Adolf quay mặt đi.

Từ khi con còn bé, mỗi lần nhìn con bố đều có vẻ ngạc nhiên như vậy.

Đúng thế, bây giờ bố nhìn như vậy chính là vì con không còn là một đứa trẻ nữa. Sophie khó chịu, dằn cây cọ lên mặt toan. Mới mười ba tuổi nhưng cô trông đã lớn
hơn thế nhiều. Tuy còn chưa biết mình sẽ được gì khi trở thành người lớn, cô bé đã tính toán đến những cái mình sẽ mất khi không còn là trẻ thơ. Bố cô không còn đặt cô lên vai nữa, không xoa xoa vào lưng khi cô thức dậy, chần chừ mỗi khi ôm cô vào lòng, không còn cho cô nằm lên người trên chiếc sô pha phủ thảm kilim(40) nơi ông nằm nghỉ, mơ màng vào các buổi chiều.

Adolf ngây ngất chiêm ngưỡng con mình đang trở thành một người xa lạ. Bí mật nằm ở đâu nhỉ? Sophie phổng phao hẳn lên. Sự đầy đặn của nó không đến từ bộ ngực mới nhú làm căng mẩy thân trên, cũng không phải đôi hông đang nở ra trong khi eo thắt lại và dâng lên thành cái bụng phẳng tuyệt đẹp, cũng không đến từ đôi chân dài đến vô tận. Không, bí mật không phải ở thành quả của hoạt động miệt mài, kín đáo và cơ học của giai đoạn dậy thì, hay sự bền bỉ của các loại hoóc môn; Sophie trở nên huyền bí khi nó bắt đầu mơ màng, trầm lặng, vẩn vơ muôn ngàn ý nghĩ trong đầu, những xúc cảm chưa từng biết đến.

Sophie tiếp tục vẽ bên cha mình trên một cái giá vẽ nhỏ mà ông đã đặt cho cô và

Rembrandt. Cô vẽ tự nhiên như người ta hít thở bởi từ bé đã nhìn thấy cha mình vẽ và vì cô thích ở bên cha.

Heinrich bước vào, má đỏ hây, thở hổn hển.

Thật tuyệt vời, anh nói khi tựa lưng vào vách kính. Thầy sẽ đến Paris vào tháng Sáu tới đấy ạ.

Gì cơ?

Để trả công cho các buổi học với thầy, Heinrich nhận làm thư ký cho ông. Anh giơ bức thư vừa nhận được lên.

Đại điện Grand Palais(41) tổ chức một triển lãm lớn về trường phái Paris. Thầy không chỉ ở trong đó mà gallery Marceau ở Matignon muốn nhân cơ hội này tổ chức một triển lãm hồi cố tất cả các tác phẩm của thầy.

Gì cơ?

Adolf gần như nổi đóa. Heinrich và Sophie đang sung sướng vì tin mới này nhìn hắn lạ lẫm.

– Ta sẽ không đi.

Hắn ném bảng màu và bút vẽ xuống đất.

Bố à, bố sao vậy?

Bố còn quá trẻ. Bố chưa đến tuổi để người ta tổ chức một triển lãm hồi cố. Bố sẽ không đi.

***

Trận chiến Stalingrad đã thất bại.

Sau hàng tháng trời chiến đấu anh dũng, tướng von Paulus đã đầu hàng.

Hitler nổi giận cả tuần liền, một cơn thịnh nộ làm hắn lúc mất tiếng, lúc gầm lên trong Hang Sói.

Không thể được. Không thể hiểu được. Không thể tha thứ được. Vậy đó, một con người mà ta phong hàm thống chế ngày 30 tháng Giêng lại đầu hàng ngày 1 tháng Hai. Ta phong hàm thống chế cho hắn chỉ vì ta nghĩ rằng hắn sẽ chết trên chiến trường. Kiên cường. Anh dũng. Ta phong hàm cho một anh hùng quá cố cơ mà. Không phải cho một tên phản bội đang nắm quyền lực trong tay. Thật nhục nhã! Một người đã chiến đấu hàng tháng trời đột nhiên lại đầu hàng bọn Bôn sê vich.

Trong đám thủ hạ quanh hắn, có người nghĩ là hai trăm nghìn người chết và một trăm ba mươi nghìn người bị bắt làm tù binh đã là đủ để hiểu rằng chiến bại là điều không thể tránh khỏi và tướng von Paulus đã có lý khi hạn chế đổ máu không cần thiết. Tất nhiên, không ai dám nói thẳng ý nghĩ của mình cả.

Với ta, chúng ta không thất bại ở Stalingrad mà bị phản bội! Từ nay không ai được phong thống chế trong cuộc chiến này nữa. Cái gã Paulus phản bội này bây giờ đang ở đâu? Bị nhốt trong một nhà tù Xô Viết và đang bị lũ chuột gặm: làm sao người ta có thể hèn nhát đến thế nhỉ? Đã là thống chế thì không đời nào chịu bị cầm tù, ông

ta sẽ tự tử. Còn hắn ta thì không những buông xuôi tay mà còn sống nữa chứ! Hắn đã làm ô uế sự anh dũng của tất cả những người khác. Thêm một phút nữa, hắn đã trút bỏ được những thứ khốn nạn này và bước vào vĩnh cửu, vào sự bất tử của quốc gia rồi. Hắn, kẻ đã đầu hàng Stalin! Làm sao có thể xử sự như vậy được nhỉ? Thật là điên rồ. Con người này không có chút ý chí nào cả…

Với hắn, người mà thân thể đang rã rời thêm mỗi ngày một chút, mọi chuyện đều từ ý chí mà ra và chỉ ý chí mà thôi.

Sức mạnh của ý chí! Đó chính là cái làm nên một số phận, một quốc gia! Trong suốt cuộc đời mình, ta đã trải qua những cơn khủng hoảng thử thách ý chí nhưng lúc nào cũng vượt lên tất cả. Liệu ta có thể khẳng định thiên hướng nghệ thuật của mình mà không có ý chí không? Liệu ta có thể sống sót trong cuộc chiến 14-18 mà không có ý chí không? Liệu ta có thể lên nắm quyền nếu không có ý chí không? Liệu ta có trụ được khi không có ý chí? Máu trong người các tướng lĩnh Đức đều là nước củ cải cả, ý chí của họ không nhiều hơn một cái bản lề cánh cửa!

Trên thực tế, các vị tướng lĩnh cũng nhiều ý chí như hắn nhưng không cùng một loại ý chí. Người dân Đức cũng vậy. Cả đất nước này đã bỏ rơi Hitler và chống lại hắn, kết tội hắn đã kéo họ vào một cuộc chiến vô ích với kết cục tất sẽ bi thảm. Trên những bức tường ở Berlin đã xuất hiện những dòng chữ “Hitler dối trá”, “Hitler sát nhân”. Nhiều nhóm phản kháng đã được thành lập, chủ yếu là trong giới bảo thủ và Cơ đốc giáo, trong đó một số nhóm âm mưu ám sát Quốc trưởng.

Biết vậy nên Hitler tránh mọi sự xuất hiện trước công chúng, chỉ làm mỗi việc thuyết phục và đe dọa thủ hạ. Người ta đồn rằng hắn đang già đi trước tuổi, thường xuyên điên loạn, khi có ai nói trái ý mình thì hắn nổi điên lên đến mức cắn vào khăn trải bàn, dãi rớt lòng thòng.

Để bịt những lời xì xào báng bổ này, bộ trưởng Bộ tuyên truyền Goebbels đề nghị Quốc trưởng xuất hiện trước công chúng Berlin ngày 21 tháng Ba năm 1943. Đây là lễ Tưởng niệm những anh hùng đã ngã xuống cho nước Đức. Lần đầu tiên kể từ trận Stalingrad, Hitler nói chuyện với quốc dân. Hắn kiếm cớ thoái thác viện lý do quân Anh sẽ lợi dụng để oanh tạc Berlin nhưng Goebbels đã thành công khi nói rằng nếu dân chúng không sợ mà vẫn đến thì Quốc trưởng cũng không việc gì phải sợ.

Như thường lệ, Hitler chuẩn bị rất ít, tin vào cảm hứng đến với mình ngay khi thấy đám đông chăm chú nghe và đòi hỏi mình.

Hắn tập trung sức lực để leo lên diễn đàn, nhưng cố gắng ấy làm hắn mệt đến mức hắn đột nhiên xuất hiện trên diễn đàn vụng về như một con rối đứt dây, chỉ kịp luống cuống chụp lấy micro.

Hắn bắt đầu bằng một tràng đả kích chủ nghĩa Bôn sê vich. Bất chấp việc các thành viên Gestapo trà trộn để cổ vũ, đám đông không hào hứng và cuồng nhiệt như xưa. Hitler nói nhầm; mặc dù không hề muốn nhưng hắn lại nhầm chủ nghĩa Bôn sê

vich với đạo Do Thái. Trong đầu hắn là hình ảnh một chiếc đĩa hát đã xước mà hắn phải vứt đi. Hắn cố cổ vũ mình khi tự nhủ “Không, ngươi không phải là một tuyên truyền viên già nua” và lại tiếp tục. Nhưng khi cần phải tưởng niệm những nạn nhân của Stalingrad, hắn lại bị cuốn theo một cơn cuồng nộ, chửi bới tướng Paulus và bỏ qua chủ đề này. Sau đó, khi phải nhắc đến tất cả những người Đức đã bỏ mạng từ đầu cuộc chiến, hắn không ngăn được mình rút gọn một cách đầy xúc phạm con số ấy, điều này đã gây ra một sự im lặng, ngờ vực. Cuối cùng, hắn cảm thấy mệt mỏi vô chừng khi nói đến hồi kết, hắn cần phải kêu gọi mọi người hãy sưởi ấm trái tim và đừng đánh mất hy vọng vào chiến thắng cuối cùng; đột nhiên, hắn cảm thấy quá cô độc, quá trần trụi, hắn đả kích một lần cuối âm mưu Do Thái trên toàn thế giới rồi biến mất.

Hôm sau, tin đồn bay khắp nước Đức rằng trên thực tế hôm ấy, Hitler không hề diễn thuyết ở Berlin cũng như trên đài phát thanh. Người ta cho rằng Hitler thật, tự nhốt mình vì suy sụp tinh thần, đã gửi người đóng thế cho mình đến diễn thuyết.

Vì thế, hắn ở lại nhà dưỡng bệnh và không đi đâu cả.

***


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.