Nước Nhật mua cả thế giới

I – Phần 5



Bất động sản “de luxe”

Bất động sản cao cấp ở những thủ đô trên thế giới đã trở thành đối tượng ham muốn của người Nhật. Ai mua? Đó trước hết là những công ty bảo hiểm vốn không biết đầu tư vào đâu và bằng cách nào bởi quá giàu. Người Nhật lần lượt mua hết New York đến Luân Đôn, Paris, Hồng Kông. Thật ra, họ mới chỉ sở hữu 2 % các bất động sản thương mại của Mỹ và nếu xét về số lượng thì còn đứng sau các nhà đầu tư châu Âu. Song cần nhớ rằng tình hình đó không hề dậm chân tại chỗ mà cần phải thấy rõ động lực của tiến trình trên.

Theo những thống kể chưa đầy đủ, các hãng Nhật đã bỏ ra 2.587 tỷ yên (93,5 tỷ franc) trong ba năm (1986-1988) để mua lại các bất động sản ở nước ngoài. Một nửa các vụ mua bán chuyển nhượng này được tiến hành ở Mỹ (51,3 %), gần ¼ ở Úc (22,4 %) và ở châu Âu (19,5 %), châu Á 6,5 %[62]. Các con số này không hề tính đến những vụ mua bán bất động sản nhờ việc hợp nhất về sở hữu do các ngân hàng Nhật và các tổ chức tài chính khác tiến hành. Nếu tính tất cả thì tổng vốn đầu tư của Nhật Bản sẽ lên đến 10.000 tỷ yên, tức hơn 65 tỷ đô la (325 tỷ franc) trong thời gian ba năm này. Tốc độ của các vụ mua bán này xem ra không giảm dần mà trái lại còn đang tăng nhanh. Chỉ trong năm ngân sách 1989, các ước tính của Bộ Tài chính Nhật đã lên đến con số trên 10 tỷ đô la (50 tỷ franc). Theo Hajime Tsuboi, chủ tịch Mitsui Real Estate Development – một trong những hãng bất động sản hàng đầu của Nhật Bản – sự bùng nổ của các vụ mua bán bất động sản của Nhật Bản ở nước ngoài chưa thấy có dấu hiệu sẵn sàng giảm bớt. Thật thế, những gì mà Nhật Bản mua lại của Mỹ chỉ trong vài năm đã nhiều hơn cả những gì nước Anh mua lại của Mỹ trong một thế kỷ[63].

[62] Thống kể của bộ xây dựng Nhật Bản, 13/6/1990.

[63] International Herald Tribune, 6/2/1990, trang 1

Tại Mỹ, vào cuối năm 1989, Nhật Bản đã sở hữu một số bất động sản ước trị giá 57,65 tỷ đô la (288,25 tỷ franc). Một năm trước đó, toàn bộ sở hữu của Nhật ở nước này chỉ lên đến 42,88 tỷ đô la (214,4 tỷ franc). Các nhà đầu tư Nhật đã đạt đến cao điểm trong việc mua lại các bất động sản của Mỹ là vào năm 1988 với 16,54 tỷ đô la (82,7 tỷ franc). Năm 1989, tốc độ này có phần nào giảm bớt, mặc dù vào cuối tháng 10, đã làm rùng beng trong vụ mua lại một phần Trung tâm Rockefeller ở New York. Với cái giá 846 triệu đô la (4,230 tỷ franc), một biểu tượng khác của Mỹ cũng đã thuộc về người Nhật. Chỉ một tháng sau vụ mua hãng phim Columbia, công ty bất động sản Mitsubishi đã lại mua trung tâm Rockefeller, trụ sở hãng truyền hình NBC, nơi mà vào mỗi mùa giáng sinh, người dân Mỹ đều đến đây để nhìn ngắm ánh đèn lung linh của cây thông đẹp nhất toàn nước Mỹ.

Ông chủ mới Nhật Bản đã hoài công hứa hẹn là sẽ không đụng chạm gì đến diện mạo của tòa nhà. Sự lăng nhục này đã quá đủ để lay chuyển ý thức của những người Mỹ bình thản nhất về những trò ngông cuồng của người Nhật. James P. Shenton, giáo sư sử học thuộc đại học Columbia tuyên bố: “Nếu như nước Nhật thắng trận và muốn kéo cờ của xứ sở Mặt trời mọc thì có nơi nào vinh dự hơn là trung tâm Rockefeller?”[64]. Tháng 11, lại đến lượt khách sạn cao nhất của Manhattan là Royal Concordia, 54 tầng rơi vào tay người Nhật. Vụ mua bán này giá 230 triệu đô la (1,15 tỷ franc) do công ty Royal Hotel tiến hành.

[64] USA Today, 2/11/1989, tr. 20

Bị báo chí Mỹ lên án là muốn mua cả nước Mỹ, các nhà đầu tư Nhật hẳn đã được Bộ Tài chính Nhật ở Tokyo lưu ý: đừng mua những tòa nhà quá lồ lộ, hãy lưu tâm đến những điều tế nhị tại địa phương, hãy tránh những vụ mua bán có tính chất khiêu khích. Các hãng Nhật tự coi việc tuân thủ các mệnh lệnh này của chính phủ như một trách nhiệm đạo đức. Các vụ xì căng đan về đạo đức và tham nhũng từng làm rung chuyển chính phủ Nhật và làm đổ nhào nhiều thủ tướng, đã đặt ra một giới hạn kỷ luật cho các hãng Nhật. Tuy vậy, đa số các hãng vẫn tìm cách đa dạng hóa các vụ mua bán và cố tránh những vụ mua bán quá lộ liễu. Giờ đây mục tiêu là các thành phố trung bình, những điểm nghỉ mát, những trang trại lớn, những cơ sở trượt tuyết. Nhưng trong năm 1989, 82 % đầu tư của Nhật Bản vào lĩnh vực bất động sản được tiến hành ở New York, California và Hawai[65].

[65] Số liệu của hãng Kenneth Leventhal and Co, tháng 3/1990.

Hơn bất cứ ở nơi nào trên đất Mỹ, đảo Hawai đã hoặc đang trở thành một thuộc địa của Nhật Bản. Một điều tương tự cũng đang diễn ra với đảo Guam, nằm giữa Thái Bình Dương. Hai nhà báo Margaret Shapiro và Fred Hiatt, chuyên về Nhật Bản đã viết[66]:

[66] Washington Post, 14/2/1990.

“Chỉ có bầu trời ở bên trên vùng san hô vốn tạo thành bán đảo nhiệt đới này là còn thuộc về nước Mỹ. Các pháo đài bay B-52 quây quần trên các bãi biển và các trực thăng Chinook gào thét dọc theo Vịnh Tumon. Những gì còn lại thì đều đã thuộc về nước Nhật: khách san, quán bar karaoke, du khách và xe cộ.”

Đảo Guam là một biểu tượng, bởi lẽ năm 1944, nó là mảnh đất đầu tiên mà quân đội Mỹ giành lại được từ tay người Nhật. Các dự án của Nhật Bản trong những năm sắp tới lên đến 3 tỷ đô la (15 tỷ franc). Số tiền này sẽ được đầu tư xây dựng các khách sạn mới, sân golf, sân vận động và các nhà nghỉ hạng sang dành cho các khách du lịch xộp đến đây “đốt” tiền của họ. Quả thật, cũng như ở bất cứ nơi nào khác, tiền bạc chẳng phải là cái để một vài người Nhật giàu có hợm hình vung tay tiêu phí. Nó được đầu tư vào mục đích tiền lại đẻ ra tiền và đẻ ra nhiều hơn nữa.

Tính chung toàn cầu, các nhà đầu tư hàng đầu của Nhật Bản đều cho rằng sở hữu của nước Nhật tại Mỹ hiện đã đủ và họ đang chuyển hướng cơn đói của mình vào Tây Âu, Úc và Tân Tây Lan. Tuy rằng cũng còn nhiều vụ mua bán phải dứt điểm, bởi vì các vụ mua bán dự định cho năm 1990 tăng từ 13 đến 19 tỷ đô la (từ 65 lên 80 tỷ franc).

Còn tại châu Âu thì sao?

“Hãng Akira Yamamoto mua bằng tiền mặt tại Paris các loại bất động sản trung bình và lớn cũng như đất đai thuộc mọi loại sở hữu, thanh toán dứt một lần hoặc trả cho hết trọn đời. Để trống hoặc có người ở. Thủ tục mua bán nhanh, bảo đảm ‘giữ kín’.

Trên đây là một quảng cáo xuất hiện nhiều cột trên mục mua bán bất động sản của nhật báo Le Monde vào ngày 30/9/1989. Cũng có thể nó xuất hiện vào bất kể một ngày nào đó, bởi những thứ rao vặt như thế nào có gì đặc biệt. Tôi nhớ vào một ngày tháng 8/1990, khi tôi đến tòa soạn báo Le Figaro, trên phố Louvre, ở quận Một (một trong những khu được các nhà đầu tư rất ưa thích khi muốn tìm kiếm những văn phòng làm việc hạng sang) và ở ngay giữa thủ đô. Khi tôi dừng xe mô tô ngay trước cổng ra vào thì một người Nhật đứng tuổi gần như ‘chôn chân’ ở đó với một chiếc máy ảnh tự động và đang say sưa bấm lia lịa các kiểu ảnh khác nhau về tòa nhà. Khi tôi trở ra, hai mươi phút sau đó, tôi lại nhìn thấy ông ta ở một đoạn đường khác, đang tiếp tục chụp ảnh các tòa nhà hai bên đường. Ông khách Nhật này chắc không phải đi du lịch. Đó là một tay săn chuyên nghiệp trong lĩnh vực bất động sản đang kiên trì lập vùng đất săn mới.

Lần lượt các tòa nhà lịch sử của Paris và của nhiều thành phố khác của châu Âu đã được người Nhật mua lại. Cũng giống như ở Mỹ, xét về số lượng tuyệt đối, người Nhật xem ra chưa nắm được một tỷ lệ có ý nghĩa quyết định trong lĩnh vực bất động sản. Họ còn quá mới mẻ trong cuộc chạy đua này, song quan trọng là họ đã xuất phát. Cần phải theo dõi xem họ sẽ làm gì về lâu về dài. Tại Luân Đôn, trong chưa đầy ba năm, họ đã mua lại các văn phòng làm việc với số tiền trị giá hơn 6 tỷ đô la (30 tỷ franc). Tại Paris, các vụ mua bán có ít hơn. Song thị trường này hiện gần như còn trinh nguyên, đang thu hút đông đảo người mua. Người Nhật đặc biệt thèm muốn cái ‘tam giác vàng’, nghĩa là khu vực bao gồm giữa Chams-Élysées, đại lộ Montaigne và đại lộ George-V. Họ đã đứng chân vững chắc ở khu Nhà hát và Tòa nhà chứng khoán. Tại Paris và trong vùng parisienne, ngoài vụ mua lại Forum des Halles, người Nhật cũng đã mua lại một mặt bằng rộng trên 230.000 mvới giá hơn 10 tỷ franc. Chỉ riêng năm 1989, họ đã hoàn lại được ít nhất 5 tỷ franc. Trong năm này, chỉ riêng số vốn đầu tư của Nhật Bản đã chiếm khoảng một nửa vốn đầu tư nước ngoài tại Pháp.

Ngoài 1/3 Forum des Halles, cũng cần phải kể đến tòa nhà Shell trên đường Berri (do công ty mua bán bất động sản Kowa mua lại với giá 4,4 tỷ franc), và mặt tiền của nhà ga Montparnasse đang được hiện đại hóa (cũng do Kowa mua lại với giá 3 tỷ franc). Cột tháp trên mặt tiền nhà ga cũng đang được xây dựng với một diện tích 72.000 m2 dành thiết kế các văn phòng và gian hàng. Cũng còn phải kể đến vụ mua lại tòa nhà Trois Quartiers của Bouygues vào năm 1988 với giá 1,9 tỷ franc (người mua là công ty bảo hiểm Meiji). Một phần đáng kể của Champs- Élysées đang có khả năng trở thành sở hữu của nước Nhật. Tòa nhà cổ kính thuộc sở hữu của Marcel Dassault và là trụ sở của Jours de France đã rơi vào tay Masahiko Sawada, tổng giám đốc hãng Urban, người sáng lập các phòng trưng bày nghệ thuật ở Tokyo, Nagoya, New York và Paris. Tòa nhà này cần được cải tạo lại để từ năm 1991, tiếp nhận cậu lạc bộ thể thao Urban (Urban Sporting Club). Ai muốn vào chốn này sẽ phải trả lời đúng mật hiệu quy định bởi lẽ nơi đây rồi sẽ chỉ tiếp đón những khách quý và bạn bè của nhà nghệ thuật nghiệp dư giàu có người Nhật. Một người Nhật khác cũng đã mua lại khách sạn Trianon Palace ở Versailles, nơi đã diễn ra cuộc đàm phán về hiệp định chấm dứt cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Người Nhật cũng xây dựng nhiều công trình mới ở Paris. Chẳng hạn như Japan Tower đã tổ chức lễ đặt viên đá xây dựng đầu tiên vào tháng 9/1990 ở gần Grande Arche, trong khu tương lai xây dựng La Défense. Dự án này, trên thực tế, là một công trình cải tạo mới thủ đô. Trước đây chưa hề xảy ra việc một công ty thương mại hàng đầu của Nhật Bản như công ty Mitsubishi (doanh số hàng năm là 600 tỷ franc) lại liên kết với một bạn hàng Pháp là Sari – một chi nhánh của tổng công ty thủy cục để cùng thực hiện một dự án có tầm vóc như thế (50.000 m2). Phần đóng góp của Nhật Bản trong công trình tầm cỡ này khá đáng kể: Japan Tower là đồ án của kiến trúc sư nổi tiếng người Nhật Kisho Kurokawa. Theo như cái nhìn của giới chức trách Nhật Bản, nó phải là phần nối dài trục lịch sử của thủ đô Paris: Louvre-Concorde-Étoile-Défense. Công trình này dự định hoàn thành vào năm 1992, sẽ là tủ kiếng trưng bày nền công nghệ và sức mạnh kinh tế của Nhật Bản ở Paris. Nó sẽ bao gồm trung tâm thông tin kinh tế của Nhật Bản, một phòng trưng bày, một giảng đường và 41.000 m2 mặt bằng dùng làm văn phòng để cho các công ty châu Âu và Nhật thuê lại. Tầng cuối cùng, biểu tượng cho sự hòa hợp giữa truyền thống và hiện đại của nước Nhật đương đại sẽ là gian hàng dành cho nghệ thuật trà đạo cùng các nhà hàng nấu ăn theo kiểu Nhật, toàn bộ sẽ nhìn ra một mảnh vườn cũng theo phong cách Nhật. Chi phí dự toán cho công trình là 1,5 tỷ franc.

Các lâu đài, khách sạn và các tư dinh đầy đủ tiện nghi đang làm người Nhật mê mẩn. Họ mua lại chúng ở khắp nơi trên thế giới. Tại Pháp, hàng chục lâu đài và các tòa nhà cổ xưa đã trở thành sở hữu của Nhật Bản. Họ sẵn sàng mua giá cao. Song trong nhiều trường hợp, họ thường mua với cái giá rẻ mạt bởi điều quan trọng đối với chủ sở hữu người Pháp là làm thế nào việc chuyển nhượng diễn ra nhanh gọn, kín đáo và trả bằng tiền mặt. Thậm chí, các hãng truyền hình Nhật Bản tổ chức cả những cuộc bán đấu giá lâu đài Pháp trực tiếp trên màn ảnh nhỏ khi không phải là những bất động sản bán được, các lâu đài được đem cho thuê. Chính vì vậy, lâu đài Breteuil ở Ile-de-Franc thường được sử dụng để tổ chức lễ cưới cho các đôi vợ chồng Nhật. Cựu Bộ trưởng Du lịch Pháp, Olivier Stirn- người đã bị bãi nhiệm năm 1990 đã ra sức ủng hộ sự hiện diện của các nhà đầu tư Nhật. Ngày 16/4/1990, khi đến Tokyo, ông ta đã đề nghị giao hẳn một hòn đảo ở Polynésie thuộc Pháp cho các nhà đầu tư Nhật để xây dựng thành một khu du lịch. Ông ta khẳng định rằng nước Pháp ‘chỉ có được cả’ khi quan hệ chặt chẽ với Nhật Bản và ông ta tự nhận mình là ‘trạng sư cho định hướng này trong nội bộ chính phủ Pháp’. Olivier Stirn cho rằng “để cho người Nhật cảm thấy thoải mái khi đặt chân đến nước Pháp, thì cần phải biến khung cảnh nước Pháp theo khẩu vị của người Nhật.” Đúng là khách du lịch Nhật Bản đang là một nguồn thu quan trọng cho nước Pháp. Năm 1989, có 770.000 du khách Nhật đến Pháp, và năm 1990 có gần một triệu: một kỷ lục ở châu Âu.

Tại Đức, các vùng đất bên bờ sông Rhin thơ mộng hôm nay cũng đã có sức thu hút đặc biệt đối với các nhà kinh doanh Nhật. Cuối tháng 12/1989, họ đã mua lại khách sạn đẹp nhất của nước Đức, Vier Jahreszeiten (Bốn mùa) ở Hambourg. Các nhà doanh nghiệp Đức cũng tham gia cuộc đấu giá. Song họ chỉ đưa ra một cái giá bằng nửa của người Nhật. Và nước Nhật đã mua được với giá 210 triệu Mark (693 triệu franc). Tòa lâu đài nổi tiếng Katz ở Lorelei, không lâu nữa cũng sẽ biến thành nhà hàng – khách sạn hạng sang. Tòa lâu đài Gymnich, gần Bonn cũng có số phận tương tự. Giá của hai vụ chuyển nhượng sở hữu này là 100 triệu Mark (330 triệu franc).

Tại châu Âu, các vụ mua bán bất động sản của người Nhật vượt khỏi khuôn khổ các nước Anh, Pháp và Đức. Hãng hàng không Nhật Bản ANA (All Nippon Airways) trở thành hãng hàng không Nhật Bản đầu tiên trước cả hãng hàng không Japan Airlines đã hợp đồng thành lập một công ty hỗn hợp vào tháng 3/1990 với sự tham gia của bốn ngân hàng Thụy Sĩ nhằm tái thiết đại khách sạn tại Viene, một khách sạn lịch sử được xây dựng vào năm 1918. Chính phủ Áo đã biến khách sạn này trở thành một khách sạn hạng sang theo phong cách Viene vào đầu thế kỷ. Đó là cơ sở đầu tiên do một hãng Nhật Bản ở Áo điều hành. ANA đầu tư 75 % vốn trong công ty mới này. Vào tháng 3/1990, hãng hàng không Thụy Sĩ (Swissair) đã suýt nữa phải chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của mình trong tập đoàn khách sạn Swissotel cho một nhà kinh doanh Nhật Aoki-Westin. Cùng lúc, 17 cơ sở hạng sang ở châu Âu, Mỹ và châu Á đều rơi vào tay kiểm soát của người Nhật. Aoki và Chi nhánh khách sạn và nghỉ mát Westin của ông ta đã nắm giữ 76 khách sạn lớn ở 11 nước. Cuối cùng, vào tháng 9/1990, Swissair lại đưa ra đề nghị chuyển nhượng “vì tình hình bất ổn gần đây trên thị trường tài chính thế giới”.

Tại Úc và Tân Tây Lan, các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản cũng diễn ra rất lộ liễu. Điều này cho thấy sự mở rộng đáng kể của Nhật Bản ở Thái Bình Dương. Song cũng tại nơi này, Nhật Bản đang gây phiền hà và bực bội. Tại Úc, hoạt động kinh doanh của Nhật Bản là gây sóng gió nhất. Nhật Bản đang mua lại các khách sạn và các khu nhà liên hoàn, đặc biệt là ở bang Queensland, trên bờ biển Golden Coast. Vào tháng 10/1989, người Nhật nắm giữ không dưới 60 % số phòng của bảy khách sạn sang trọng nhất tại các thiên đang du lịch của Nam bán cầu. Vào một ngày tháng 1/1989, tại thành phố Cairns đã xảy ra một vụ tai tiếng ầm ĩ khi những người dân ở đây sững sờ nghe tin vụ bán một khu đất rộng cho người Nhật xây dựng một dự án hoàn toàn hoang tưởng: khu an dưỡng hạng sang dành cho 19.000 người Nhật hưu trí. Ở đây mọi sự đều đã được dự kiến để đảm bảo cho họ một cuộc sống hành phúc vào cuối đời: các trung tâm thương mại, phòng xem phim, nhà hàng…

Khu an dưỡng này không hề do một đầu óc điên loạn nào ở Nhật Bản đề xuất. Nó là một phần của một dự án rộng lớn hơn gọi là Silver Columbia, do MITI trình bày trước dân chúng Nhật vào tháng 7/1986. Nước Nhật đã trở nên quá chật hẹp và đắt đỏ đối với người già, nên cần tìm cách đưa họ ra nước ngoài để an dưỡng những ngày cuối cùng trong cuộc đời. Kitahata Takao, giám đốc phòng công nghiệp dịch vụ của MITI còn nhấn mạnh dự án này được hình thành là “để giúp cho người Nhật được hưởng một cuộc đời hưu trí bình yên tại nước ngoài”. Trên thực tế, dự án Silver Columbia sẽ cho phép chính phủ Nhật có được những khoản tiết kiệm khổng lồ – thậm chí rất quan trọng – trong những năm tới do xu hướng lão hóa đang tăng lên nhanh chóng trong dân số Nhật. Nhiều đô thị khác có khu an dưỡng cho người già của Nhật cũng được nói đến ở Tân Tây Lan, Philippines, Canada, Mỹ, Costa Rica, Mêhico, Tây Ban Nha và Hy Lạp.

Song, trước những phản ứng đầy phẫn nộ đối với dự án này ở nước ngoài, chính phủ Nhật đã phải hoãn lại, thậm chí có thể sẽ phải hủy bỏ dự án đầy tham vọng của họ cũng như dự án về “thành phố tương lai” cho 200.000 dân mà Nhật mơ ước xây dựng dọc bở biển Gold Coast. Phản ứng của dân chúng địa phương về cái đô thị được gọi là Multi-Function Polis (đô thị đa năng) đã dâng lên mạnh mẽ đến nỗi người Nhật buộc lòng phải quay sang một khu vực khác ít bị dư luận lên án hơn là Adélaide ở phía nam nước Úc. Dự án này vẫn chưa hết gặp khó khăn. Ngày 22/10/1990, một đám người giận dữ đã tràn vào cuộc họp của khoảng 300 người Nhật và Úc ở Adélaide, để phản đối “khu vực da beo này của người nước ngoài” và họ tuyên bố trong một kiến nghị rằng: “cũng giống như phần đông người Nhật, đa số người Úc muốn làm chủ tương lai của mình và không muốn lệ thuộc vào các công ty đa quốc gia.”

Tại Tân Tây Lan, người Nhật đã đầu tư hơn 94 triệu đô la (470 triệu franc) trong sáu tháng đầu năm 1990 chủ yếu vào lĩnh vực du lịch[67]. Các nhà đầu tư Nhật đã kiếm chác được khá. Vào tháng 11/1989, công ty EIE của Nhật Bản (EIE corporation) đã mua lại được Trung tâm tài chánh Auckland và Landmark House trong cùng một thành phố, vốn là hai cao ốc lớn do Chase New Zealand bán lại với giá 160 đô la NZ (472 triệu franc). Tháng 4/1990, Nhật Bản lại mua toàn bộ công ty khách sạn du lịch của Tân Tây Lan. Ở Úc, chỉ riêng tập đoàn Daikyo (Nhật Bản) đã đầu tư đến 800 triệu đô la Úc (3,187 tỷ franc) trong nhiều dự án bất động sản. Tập đoàn này thuê đảo Green Island ở ngoài khơi khu tắm biển Cairns và mua lại khách sạn Bốn Mùa của thành phố này. Không nên quên rằng người Úc, người Tân Tây Lan cũng như người Pháp, người Anh đã xô lấn lên nhau để bán cho người Nhật. Hiderio Kikuchi, giám đốc ngân hàng Tokyo ở Sydney đã tuyên bố: “Các cơ quan bất động sản Úc thường xuyên mời gọi chúng tôi đến với họ”[68].

[67] Số liệu của ủy ban đầu tư nước ngoài Tân Tây Lan, 30/8/1990.

[68] Báo Le Monde, 13/10/1989.

Nói chung, trừ phi xảy ra một cuộc khủng hoảng thế giới nghiêm trọng, còn không thì các vụ mua bán bất động sản của Nhật Bản trên thế giới chưa sẵn sàng giảm bớt. Vào tháng 2/1990, 3 công ty bảo hiểm hàng đầu của Nhật Bản là Meiji Mutual Life Insurance Co. (đứng hàng thứ tư ở Nhật Bản), Dai-Ichi Mutual Life Insurance Co. (đứng hàng thứ năm) đã thông báo ý định muốn sát nhập với các công ty nước ngoài để đầu tư vào lĩnh vực bất động sản trong các thành phố lớn như Francfort, Paris, Sydney. Theo các báo kinh tế của Nhật Bản, đầu tư sẽ lên đến hai tỷ đô la (10 tỷ franc) để mua lại các bất động sản đã được dự tính thông qua một nhân viên bảo hiểm Mỹ và một công ty tư vấn của Anh.

Người Nhật nhòm ngó các ngân hàng nước ngoài

Tài chính là ưu tiên hàng đầu của các nhà đầu tư Nhật. Trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng lại là địa bàn chiến lược. Chính vì thế, từ lâu các nhà đầu tư Nhật đã rất quan tâm đến các ngân hàng nước ngoài. Trước hết là các ngân hàng ở Califonia. Khu vực phía tây nước Mỹ, do gần gũi về mặt địa lý, đã thu hút trước tiên nguồn tư bản của những tổ chức tài chính hàng đầu của Nhật Bản. Kết quả đã vượt quá những gì mà sức tưởng tượng phong phú có thể hình dung nổi. Trong một vài năm, người Nhật đã kiểm soát hơn ¼ các ngân hàng ở California. Chính vì vậy, vào cuối năm 1989, các chi nhánh của các ngân hàng hàng đầu Nhật Bản tại California đã nắm giữ một số vốn trị giá 93,4 tỷ đô la (467 tỷ franc), nghĩa là 25,2 % số vốn của các ngân hàng của bang California. Tỷ lệ này chỉ chiếm 10,7 % vào năm 1983. Chẳng cần phải có phép lạ nào để thâm nhập vào California cả bởi lẽ khối lượng các trao đổi mậu dịch qua Thái Bình Dương thuộc hàng lớn nhất thế giới. 41,1 tỷ đô la (205,5 tỷ franc) hàng hóa đã ghé qua California và Nhật Bản vào năm 1987.

Kết quả: ngoại trừ một ngân hàng, còn toàn bộ vốn ngân hàng nước ngoài khác ở California đều phải nhường chỗ cho người Nhật. Trong số 8 ngân hàng hàng đầu ở California, thì 4 là của Nhật Bản. Với hơn 400 cơ sở, mạng lưới ngân hàng của Nhật Bản ở California ngày nay không chỉ đơn thuần là một sức mạnh tài chính vô danh và trung tính nữa mà đó là cả một lực lượng cắm chốt ban đầu phục vụ cho tiềm năng công nghiệp khổng lồ của Nhật Bản trên đất Mỹ.

Từ bàn đạp California, các ngân hàng Nhật Bản đã tiến vào đứng chân ở những phần đất còn lại của nước Mỹ. Nguồn vốn của họ vượt quá mức 100 tỷ đô la (500 tỷ franc). Các cơ sở tài chính nổi tiếng nhất đều khuất phục trước các “nữ thần quyến rũ” của Nhật Bản. Vào tháng 1/1990, công ty bảo hiểm Nhật Bản (Nippon Life Insurance Co.) thông báo đã đầu tư 200 triệu đô la vào Hãng tốc hành Mỹ (American Express). Sự tham gia của nó mới chỉ chiếm 1,6 % vốn của ngân hàng. Song chàng khổng lồ Nhật giờ đây đã đặt được một chân vào nhà. Giống như chú voi trong cửa hàng sành sứ? Từ nhiều năm qua, châu Âu cũng đã thu hút các nhà kinh doanh ngân hàng Nhật Bản.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.